Thư trả lời cư sĩ Đường Thụy Nham

(thư thứ nhất)

Đối với chữ Niệm (念) trong Niệm Phật (念佛), muôn phần chớ nên thêm chữ Khẩu (口), có rất nhiều người viết là Niệm (唸), đánh mất ý nghĩa đến tột cùng! Một pháp Trì Danh Niệm Phật lợi khắp ba căn, còn Quán Tượng, Quán Tưởng thì chỉ có người thấu hiểu pháp môn tâm địa mới tu tập được. Nếu không, chắc sẽ đến nỗi khởi lên các ma sự. Trì danh niệm Phật lại thêm lắng tai nghe kỹ là ổn thỏa, thích đáng nhất. Bất luận thượng – trung – hạ căn đều có lợi ích, đều không bị khuyết điểm. Ông thích niệm kinh Kim Cang, hãy nên đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh thì đấy chính là Trợ Hạnh cho Tịnh Độ. Nhưng Tịnh Độ Ngũ Kinh công đức cũng chẳng kém gì kinh Kim Cang. Đối với những kinh sách đã gởi, hãy nên đọc kỹ lời Tựa do Quang viết, sẽ có thể hiểu rõ được ý nghĩa chánh yếu. Tiếp đó, lắng lòng cung kính đọc thì sẽ đích thân đạt được vô biên lợi ích (Ngày mồng Sáu tháng Bảy)

 (thư thứ hai)

Viết thư hãy nên dùng tên họ, chớ nên chỉ dùng pháp danh. Quang già rồi, làm sao có thể nhớ được là ai? Ông làm nghề Y chịu phát tâm lợi người quả thật là tiện lợi. Người ta đang lúc thân mang bệnh khổ, hễ nghe có cách được yên vui không ai chẳng sanh lòng tin. Với người mang chứng bệnh nguy hiểm ngặt nghèo, hãy dạy họ niệm Phật và niệm Quán Âm, ắt sẽ có hiệu quả. Dẫu mạng hết sắp chết, cũng có hiệu quả chuyển nguy thành an rồi mới qua đời. Tôi thường nói: “Thế gian có hai hạng người dễ khuyên người ta làm lành niệm Phật. Thứ nhất là người xem tướng, thấy có tướng tốt bèn khuyên họ cực lực tu trì để giữ gìn tướng tốt; nếu không, chắc tướng sẽ bị biến đổi. Thấy tướng xấu bèn khuyên họ cực lực tu trì thì tướng ấy sẽ biến đổi thành tốt”. Thầy thuốc còn phải đợi người ta mời rồi mới nói được, chứ thầy xem tướng bất luận là ai vừa thấy mặt đều nói được. Tiếc cho thầy xem tướng không có bản lãnh thật sự, chỉ biết cầu lợi, đến nỗi cả đời trọn chẳng thành tựu được gì, chẳng đáng tiếc sao! (Ngày Hai Mươi Chín tháng Tám)

(thư thứ ba)

Trang Tử nói: “Hạ trùng bất khả dĩ ngữ ư băng giả, đốc ư thời dã. Tỉnh oa bất khả dĩ ngữ ư hải giả, câu ư khư dã. Khúc sĩ bất khả dĩ ngữ ư đạo giả, thúc ư giáo dã” (Với loài trùng chỉ sống trong mùa hạ chẳng thể nói đến băng do bị thời gian hạn chế; với con ếch ngồi đáy giếng chẳng thể nói đến biển cả vì nó bị hạn cuộc vào chỗ hẹp hòi. Với kẻ hiểu biết cong quẹo, lệch lạc, chẳng thể nói đến đạo [chân chánh] vì hắn bị trói buộc bởi những giáo điều). Nho giáo, Đạo giáo, Gia Tô giáo và Hồi giáo đều là giáo pháp Nhân Thiên Thừa trong thế gian, chỉ có đạo Phật bao gồm các giáo, lại còn là đại giáo liễu sanh thoát tử xuất thế gian, hiểu tâm, rõ gốc, rốt ráo thành Phật!

Nho giáo dễ giáo hóa nhất, nên Phật pháp truyền vào Trung Quốc hơn hai ngàn năm qua, những bậc thông đạt nương theo Phật pháp tu trì chẳng biết bao nhiêu! Nhưng Đạo giáo thường trộm lấy những câu văn trong kinh Phật rồi thay đầu đổi mặt, ngụy tạo thành kinh của Đạo giáo! Lại còn phần nhiều hủy báng Phật pháp. Giáo đồ Gia Tô giáo và Hồi giáo có sức đoàn kết rất lớn, chẳng dễ gì chuyển hóa được! Nhưng nay thì tại các nước Tây Phương cũng có nghiên cứu Phật giáo, tạo dựng chùa miếu Phật giáo.

Rất ít người Hồi giáo tín phụng [Phật pháp]; mười mấy năm trước, ông Mã Thuấn Khanh ở Hồ Nam thích tặng sách Phật. Thoạt đầu, ông ta đem những sách do chính mình in gởi cho Quang, phần nhiều là những văn tự có được từ những đàn cầu cơ. Quang đem những sách An Sĩ Toàn Thư, Văn Sao được in trước đây tặng cho ông ta. Ông ta đã tin tưởng sâu xa, bèn lắng lòng nghiên cứu. Hai vợ chồng họ và năm đứa con đều quy y. Mùa Thu năm Dân Quốc 18 (1929), ông ta gởi thư đến nói: “Vợ con sanh được năm đứa con, hai đứa đầu còn đỡ, chứ đứa thứ ba bị băng huyết, đứa thứ tư càng nguy kịch hơn. Sanh đứa thứ năm càng nguy kịch hơn nữa. Nay chẳng lâu nữa sẽ sanh; nếu bị băng huyết nữa, sợ không còn mạng. Xin thầy rủ lòng cứu vớt và đặt pháp danh cho đứa con chưa sanh”. Quang dạy họ niệm thánh hiệu Quán Âm, đến khi đang sanh vẫn niệm ắt sẽ không bị nguy hiểm gì. Họ nhận được thư hôm trước, liền niệm ngay, bữa hôm sau [bà vợ] liền sanh hết sức an lạc.

Trong bộ Văn Sao có mấy lá thư gởi cho Mã Thuấn Khanh là do vào năm Dân Quốc 15 (1926) ông ta biết Trung Hoa Thư Cục in riêng bộ sách ấy liền gởi thư đến cho họ kèm thêm vào. Quang một mực chẳng giữ lại bản nháp thư từ. Hiện thời thế đạo nguy hiểm, không ai chẳng mong an lạc. Cha mẹ ông cũng chẳng thể không động tâm trước cảnh nguy hiểm; nếu bảo họ niệm Phật, chắc họ sẽ bảo là “phản giáo!” Nếu nghe nói niệm Phật có thể tiêu tai tăng phước, gặp dữ hóa lành, chết đi sẽ vượt khỏi tam giới, do vậy tu dần dần cho đến khi thành Phật. Nếu có chuyện chứng nghiệm nhỏ, họ sẽ dần dần sanh lòng chánh tín. Nếu chẳng uyển chuyển bày cách [khuyên nhủ], tức là bỏ mặc cha mẹ vậy! Có thể dùng lời lẽ để giáo hóa thì rất tốt. Nếu không, hãy đối trước Phật và Quán Âm Bồ Tát để sám hối tội nghiệp thay cho cha mẹ. Nếu ông chí thành, ắt cha mẹ sẽ hồi tâm hướng đạo (Ngày Hai Mươi Chín tháng Tám)