LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Đức Bồi

(thư thứ nhất)

Thư nhận được đầy đủ. Pháp Bảo Đàn Kinh chính là kinh điển trọng yếu của Thiền Tông. Thiền Tông chỉ [chú trọng] hiểu rõ tự tánh, bọn độn căn chúng ta không thể đạt được lợi ích thật sự [nơi tông này]. Nếu chẳng sâu xa, thiết tha, tận lực tu tập, chắc sẽ đến nỗi hiểu lầm ý Lục Tổ, sẽ chẳng được lợi ích mà còn phạm lỗi. Pháp môn Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn, trước khi chưa thành Phật [ai nấy] đều phải tu tập. Chúng ta đã chẳng thể đoạn Hoặc chứng Chân, cậy vào tự lực để liễu sanh tử, mà nếu vẫn chẳng lấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương làm chí hướng, sự nghiệp thì dù có tu tập đi nữa cũng đều trở thành phước báo trong cõi trời người. Muốn liễu sanh tử chắc phải tới năm con lừa[1] (Trong mười hai con giáp không có con lừa). Huống chi tuổi đã sáu mươi hai; dẫu thọ được tám mươi cũng chỉ là [sống thêm được] mười bảy, mười tám năm nữa, nhưng đối với kỳ hạn cái chết của con người, ai có thể làm chủ được? Vì thế, hãy nên miệt mài chuyên tu Tịnh nghiệp. Tự mình đã tu Tịnh nghiệp, hãy nên dạy quyến thuộc đều tu Tịnh nghiệp. Một là tạo lợi ích cho họ, hai là đề phòng khi chính mình lâm chung bị quyến thuộc chẳng biết niệm Phật phá hoại chánh niệm đến nỗi chẳng được vãng sanh!

Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Canh, nghĩa là nương theo pháp môn Tịnh Độ được nói từ trí huệ của đức Phật để tự hành, dạy người mà cày bừa, ngõ hầu trong là quyến thuộc, ngoài là người đời cùng gieo thiện căn, cùng tu Tịnh nghiệp, đấy chính là ý cao tột của Y Doãn khi cày ruộng Sằn[2] dùng tiên giác để giác ngộ kẻ hậu giác vậy. Niệm Phật nhằm đối trị phiền não, tập khí. Phiền não tập khí giảm được một phần thì công phu niệm Phật tiến được một phần. Trong khi ấy (tức trong khi niệm Phật) hãy thường tự niệm tự nghe. [Bí quyết] “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Đại Thế Chí Bồ Tát chính là pháp chú trọng nơi Nghe.

Nay gởi cho ông và Huệ Chỉ mỗi người một cuốn Tịnh Độ Ngũ Kinh, một cuốn Sức Chung Tân Lương. Thường tụng Tịnh Độ Ngũ Kinh sẽ biết được cội nguồn duyên do của pháp Tịnh Độ, chẳng bị hết thảy kinh luận, thiện tri thức lay chuyển, lung lạc. Đọc Sức Chung Tân Lương sẽ biết cách dự phòng, chớ nên không thường xuyên luyện tập quyến thuộc! Những điều khác đã nói tường tận trong Văn Sao, ở đây không ghi cặn kẽ. Lại gởi cho hai người các ông một bộ Tịnh Độ Thập Yếu gộp chung vào một gói. Mong hãy sáng suốt suy xét, từ rày hãy y theo những sách này mà tu tập, đừng gởi thư đến nữa, do Quang mục lực suy yếu đến cùng cực, chẳng thể phúc đáp được!

(thư thứ hai)

Đang nhằm thời Mạt Pháp, con người căn cơ kém hèn, chỉ có một pháp Niệm Phật là phù hợp căn cơ nhất. Có nhiều người hễ cầu đảo đều luôn bận tâm về chuyện con người chẳng thể niệm tụng trọn hết kinh chú; chẳng biết hễ trì vạn đức hồng danh của A Di Đà Phật còn có thể thành Phật, há chẳng thể tiêu tai được ư? Quán Thế Âm Bồ Tát có duyên với thế giới này của chúng ta nhất, cũng nên niệm kèm thêm; chỉ cần chí thành, cung kính, nhất định “hễ có cảm liền thông”. Dẫu cho tu trì lúc bình thường hay do có chuyện bèn cầu đảo đều cùng phải coi trọng chuyện “ai nấy đều có thể niệm được”. Tứ Xuyên nhiều lần tổ chức cầu đảo [nhưng không có hiệu quả, nguyên nhân] chánh yếu đều là vì không phải ai cũng niệm được chú Lăng Nghiêm, khiến cho người [ngoài cuộc cảm thấy] đáng cười, đáng thương thay! Những kẻ [đứng ra tổ chức những pháp hội cầu đảo] ấy thuộc hạng ưa ăn nói lớn lối, thích làm chuyện khó khăn, chính họ làm thì được nhưng bảo nam nữ trọn tỉnh Tứ Xuyên đều niệm thì lại không thể niệm được! Họ chẳng biết rằng: Niệm Phật, hay niệm Quán Âm, đứa trẻ lên ba cũng có thể niệm được! Sau này, ông tổ chức Liên Xã để cầu đảo, hãy nên lấy niệm Phật, niệm Quán Âm làm chánh thì lợi ích lớn lắm. Hơn nữa, cố nhiên nhiều liên xã thì tốt, nhưng nhiều mà tràn lan hỗn loạn thì không nên. Đừng chú trọng [lôi kéo người gia nhập liên xã] cho đông đến nỗi xen lạm, tràn lan, hỗn tạp thì công chẳng cự được lỗi đâu!

(thư thứ ba)

Tam Thời Hệ Niệm chính là do người đời sau soạn ra, đội tên Trung Phong quốc sư[3]. Sách ấy có hai loại[4], ý tưởng chung giống nhau, nhưng văn tự không thật giống nhau cho lắm. Sách ấy vốn dùng để đề xướng trong lúc [tu tập] bình thường, sao lại dùng để trợ niệm? Trợ niệm thì phải nên chuyên nhất niệm Phật. Nếu đến lúc sắp chết, ngay cả kinh A Di Đà cũng không niệm thì mới có thể làm cho tâm người sắp mất gom về một chỗ được! Theo sách ấy, pháp sư thăng tòa, vừa niệm xong bèn giảng nói một đoạn, đại chúng ngồi nghe [pháp sư] giảng nói xong bèn niệm Phật một lượt. Đấy chính là coi trọng giảng nói, coi niệm Phật là phụ. Người soạn ra sách ấy quả thật chẳng biết đạo trợ niệm, nhưng kẻ chẳng biết pháp môn Tịnh Độ trong cõi đời lại dùng [nghi thức ấy] để làm Phật sự trợ niệm, cũng đáng than thở lắm!

Trợ niệm lúc lâm chung chuyên lấy Phật hiệu làm chánh. Hoằng Hóa Xã có sách Sức Chung Tân Lương nói cặn kẽ về pháp tắc, đọc sách ấy sẽ biết cách trợ niệm, chứ không chú trọng giảng bày những sự lý chẳng thiết yếu hao tốn thời gian. Nghe nói quý xứ bị nạn binh đao, nên chẳng dám gởi [sách tới]. Nếu nạn binh đao đã dứt, hãy nên gởi tiền sang thẳng chùa Báo Quốc ở Tô Châu để thỉnh. Mỗi gói sách ước chừng hai đồng; hiện thời giấy đắt gấp mấy lần, hai đồng vẫn chưa đủ giá vốn. Nếu tính theo giá vốn phải là ba bốn đồng. Nếu tiền nhiều thì tăng thêm sách, nếu ít thì giảm bớt sách. Nếu còn dư đôi chút sẽ gởi trả lại [số tiền thừa] bằng bưu phiếu.

Thời cuộc gian nan, gởi thư xuông sẽ không trả lời. Hơn nữa, cước phí bưu điện mỗi tháng đều tăng; cứ chuyển một lần xe hơi thì mỗi gói lại tăng thêm bốn cắc; chuyển lần thứ hai, thứ ba đều chiếu theo đó [mà tính]. Nhưng chỉ giao cho bưu điện, có giấy tờ chứng nhận là hết, còn gởi đến nơi hay không, họ không chịu trách nhiệm, vì có lúc gặp phải binh lính hay thổ phỉ [ngăn chặn]. Đang trong thời thế này, hoằng pháp rất khó. Chuyện tương lai càng khó dự liệu. Quang từ khi tới Linh Nham, chuyên một mực đợi chết, chẳng qua là biết biện pháp nên mới nói cho ông biết đấy thôi. Quang mắt chẳng đọc được chữ, phải nhờ vào kính lão lẫn kính lúp để gắng gượng đọc và trả lời. Từ rày đừng nên gởi thư đến nữa, do Quang không có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp. Sẽ hỏi bưu cục, nếu như gởi sách được, sẽ gởi cho ông một gói. Từ nay về sau xin hãy tiếp xúc Hoằng Hóa Xã để thỉnh sách, chứ Quang không thể giới thiệu được! (Ngày Rằm tháng Ba)

 (thư thứ tư)

Trong Mật Tông, nếu chưa được A Xà Lê truyền dạy, chẳng được tụng chú, kết ấn. Nếu không, sẽ bị coi là trộm pháp. Điều này nhằm thể hiện ý nghĩa tôn trọng [Mật pháp] tột bậc. Nếu có vị A Xà Lê đạo đức, cố nhiên nên thỉnh vị ấy truyền dạy. Nếu không, chính mình chí tâm chân thành niệm tụng, ắt sẽ có cảm ứng. Đã có cảm ứng, chẳng đến nỗi mắc tội. Nếu nhất quyết là có tội, [chấp rằng] “chưa được truyền dạy mà niệm tụng, kết ấn đều sẽ gặp họa” thì nay tôi nêu một thí dụ. Như có người đọc sách, làm theo những điều sách dạy, sẽ trở thành học trò của thánh hiền, lấy thân mình làm gương cho mọi người, khiến cho ai nấy đều giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, đấy chính là “chẳng nắm giữ địa vị mà dạy dân” và cũng thay đổi được phong tục, bù đắp chỗ khuyết thiếu trong sự cai trị, chẳng có kẻ nào chê người ấy sai trái được!

Nếu tự cho chuyện mình đã làm vượt trỗi chuyện do quan địa phương làm, bèn phát hiệu lệnh để thực hành đạo “yêu dân, chuyên cần việc công” thì sẽ gần như là kẻ phản loạn, ắt sẽ bị hình phạt của quốc gia giáng xuống! Xin hãy suy nghĩ cặn kẽ để chính mình khỏi nghi ngờ, lầm lẫn! Đang trong lúc nhân dân khốn khổ, gian nan, không nơi nương tựa này, kẻ chẳng cậy vào sức kinh chú của Phật, Bồ Tát mà được yên ổn thì hiếm hoi lắm. Nếu chấp chết cứng “chưa được truyền dạy mà niệm chú, kết ấn đều phạm tội trộm pháp” thì nhân dân và cô hồn chưa được truyền dạy đều chẳng được hưởng pháp ích (lợi ích từ nơi Phật pháp). Những ai đã được hưởng pháp ích ắt sẽ chẳng đến nỗi do nương theo đấy tu trì mà gặp họa. Nếu suy luận theo lẽ này, hai đằng đều ổn thỏa, chẳng trái nghịch nhau! (Ngày mồng Năm tháng Sáu)

***

[1] Nguyên văn “lư niên” (năm con lừa). Thời cổ dùng 12 con giáp để đặt tên cho từng năm, nhưng trong mười hai con giáp không có con lừa nên cổ nhân dùng chữ “lư niên” để chỉ chuyện không có kỳ hạn, hoặc không bao giờ xảy ra.

[2] “Y Doãn canh Tân” vốn là một điển tích dựa theo một câu nói được ghi trong thiên Vạn Chương thượng sách Mạnh Tử: “Y Doãn canh vu Hữu Tân chi dã, nhi lạc Nghiêu Thuấn chi đạo yên” (Y Doãn cày ruộng trên cánh đồng Hữu Tân mà vui với đạo của Nghiêu – Thuấn). Cánh đồng Hữu Tân nằm giữa hai thôn Tân Dã, Tân Lý thuộc trấn Tân Đình. Trước khi theo Tân Thị về hầu vua Thành Thang, Y Doãn vốn là nô lệ của họ Tân Đằng. Khi Tân Thị lấy vua Thành Thang, Y Doãn được phái đi theo Bồi Giá (người hầu đi theo nữ chủ về nhà chồng gọi là Bồi Giá). Khi dâng cơm, Y Doãn thừa dịp trình bày những kiến giải rất đặc sắc khiến Thành Thang ngưỡng mộ, trả tự do cho Y Doãn và phong cho ông làm Tể Tướng. Ông thường được cổ sử xưng tụng là “thiên thu hiền tướng”. Do chữ Tân (莘), còn đọc là Sân, nhưng thường bị đọc trại thành Sằn trong các sách vở được lưu truyền từ trước đến nay, chúng tôi cũng ghi theo cách đọc phổ biến là “Y Doãn cày ruộng Sằn”

[3] Trung Phong Minh Bổn (1263-1323), là một vị cao tăng thuộc tông Lâm Tế sống vào đời Nguyên, người huyện Tiền Đường, Hàng Châu, thường được biết dưới mỹ hiệu Trí Giác thiền sư hoặc Phổ Ứng quốc sư. Từ nhỏ Ngài đã qua tham học với ngài Cao Phong Nguyên Diệu núi Thiên Mục, năm 24 tuổi xin xuất gia với ngài Cao Phong, sau này được phó truyền pháp mạch. Từ đấy, Ngài không có nơi trụ nhất định, thường vân du khắp nơi, nên thường tự xưng là Huyễn Trụ Đạo Nhân. Đạo đức, trí huệ rạng ngời nên được người đời xưng tụng là Giang Nam Cổ Phật. Vua Nhân Tông nhà Nguyên từng hạ chỉ triệu Sư vào triều, Sư luôn tìm cách từ chối, chỉ tiếp nhận bộ ca-sa kim lan và mỹ hiệu Phật Từ Viên Chiếu Quảng Huệ Thiền Sư do vua phong tặng. Nguyên Anh Tông xin quy y với Sư được Sư chấp thuận. Sau khi Sư mất, ngài Từ Tịch biên tập những lời dạy và những trước tác của Sư, tạo thành một bộ toàn tập, đặt tên là Thiên Mục Trung Phong Hòa Thượng Quảng Lục. Qua bộ toàn tập này, ta thấy Sư thông hiểu Phật học uyên thâm, giảng rất nhiều kinh cũng như giảng dạy rất phóng khoáng, không hạn cuộc trong một tông phái nào, do đó Sư được người thời ấy ca ngợi: “Phật pháp trung hưng Bổn Trung Phong” (Có thể hiểu hai cách: Phật pháp được trung hưng bởi sư Minh Bổn Trung Phong, hoặc vốn nhờ vào ngài Trung Phong mà Phật pháp được trung hưng)

[4] Hiện thời có hai bản Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm được lưu hành:

1) Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự. Bản này phổ biến nhất, thường dùng thay thế cho nghi thức Diệm Khẩu, chủ yếu lấy kinh Di Đà làm kinh văn phúng tụng trong cả ba thời. Hiểu theo nghĩa hẹp, “tam thời” là buổi sáng, chính ngọ và buổi chiều, tức là trong suốt một ngày thường luôn hệ niệm tưởng nhớ đến Phật. Hiểu theo nghĩa rộng, Tam Thời chỉ hết thảy thời. Hệ niệm là thân – khẩu – ý đều nương theo văn nghĩa kinh Di Đà chuyên lòng chú tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, không còn nghĩ gì khác.

2) Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Phật Sự Phạm Nghi: Cũng chia thành ba thời, nhưng dùng hai kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ để trì tụng. Thời thứ nhất tụng cuốn Thượng của kinh Vô Lượng Thọ (bản Ngụy dịch, tức bản dịch của ngài Khang Tăng Khải), thời thứ hai tụng cuốn hạ của Vô Lượng Thọ Kinh, thời thứ ba tụng Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Giữa thời thứ nhất và thời thứ hai có kèm theo nghi thức Cúng Ngọ. Giữa thời thứ hai và thời thứ ba lễ A Di Đà Sám Nghi. Các phần khai thị, tán Phật, sám hối, phát nguyện, hồi hướng đều giống như loại thứ nhất.