LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Chương Duyên Tịnh

(thư thứ nhất)

Năm Dân Quốc 25 (1936) Quang từng nằm mộng, khi ấy rất rõ ràng, sau đó quên mất sạch sành sanh. Đã biết là mộng, hãy trọn chớ nên nói. Quang già rồi, trọn chẳng muốn người khác lắm chuyện. Có người nói sẽ chúc thọ Quang, Quang nói: “Tôi thà chịu hình phạt chặt đầu, chẳng muốn nghe nói đến chuyện chúc thọ!” Có người xin Quang làm bậc chỉ đạo cho chùa họ, Quang nói: “Nếu dùng hai chữ Ấn Quang, Quang sẽ bước xuống biển Đông để về Tây Phương. Vì lòng người khó lường, thiện – ác khó thấu” (Đầu tháng Sáu năm Dân Quốc 29 – 1940)

(thư thứ hai)

Nhận được thư, biết Văn Sao đã gởi tới nơi. Nói đến giấc mộng thì vẫn là do lòng Thành của các hạ cảm nên, những khai thị [ông nghe Quang dạy trong giấc mộng ấy] chính là những điều hay biết trong tự tâm [tỏ lộ ra]. Quang là một gã phàm phu sát đất làm sao có thần thông đạo lực như thế ấy? Chỉ nên y theo những gì Quang đã nói, quyết chẳng đến nỗi hiểu lầm, ấy chính là tự tin vậy. Quản Tử[1] nói: “Tư chi, tư chi, hựu trùng tư chi. Tư chi bất đắc, quỷ thần tương thông chi” (Suy nghĩ, suy nghĩ, lại suy nghĩ thêm nữa. Hễ suy nghĩ không ra, quỷ thần sẽ cảm thông). Chẳng phải là quỷ thần cảm thông mà chính là do lòng tinh thành đến tột bậc. Nên biết rằng: Tâm thông pháp giới. Nếu có thể chuyên tinh dốc chí thì chẳng những sự hay biết trong tự tâm có thể mở mang, phát khởi mà Phật, Bồ Tát, tri thức trong pháp giới cũng có thể thị hiện khơi gợi. Chứ kẻ hời hợt hờ hững chớ nên khởi lên những thứ tưởng niệm ấy, sợ rằng sẽ do vậy mà chiêu cảm ma sự, hết sức mong mỏi [ông hãy tự xét]. Hiện thời, chiến sự hết sức khốc liệt, ngoài lúc niệm Phật ra, xin ông hãy niệm thêm Quán Thế Âm để làm chỗ nương cậy cho tương lai.

(thư thứ ba)

Nhận được thư biết các hạ túc căn sâu dầy, cảm được vợ con đều cùng dốc lòng tin Phật pháp, tận tụy vâng giữ hiếu đạo, khâm phục khôn ngằn. Người đời thường chẳng tu thật hạnh, chuyên cầu được tiếng tốt. Phàm người sống trong cõi đời phần nhiều chẳng khác gì kẻ tầm thường, đến khi chết, bèn xưng tụng, tường thuật tâm hạnh [người ấy] lúc còn sống đúng là bậc hiền nhân lỗi lạc! Các hạ chuyên trọng chân tu, chắc chẳng đến nỗi bịa chuyện, tô vẽ. Nhìn vào cảnh tượng lúc lệnh phu nhân lâm chung thì vãng sanh Tây Phương có lẽ chẳng còn ngờ chi! Đối với những lời giáng cơ, rốt cuộc chẳng ra ngoài chuyện phán đoán sự lý, có lẽ không cần phải nghi ngờ, do dự nữa! Có điều chết rồi, chỉ niệm Phật nửa tiếng đồng hồ liền cất tiếng khóc, lo liệu tắm rửa, tôi vẫn cảm thấy là quá sớm!

Trong bộ Văn Sao của Quang, do thuận theo lòng người [tôi đã khuyên] niệm Phật hai tiếng đồng hồ rồi mới tiến hành [lo liệu ma chay] thì vẫn là quá sớm, chỉ sợ lòng người chẳng thể nhẫn nại được; chứ thật ra nên đợi tới bốn năm tiếng mới tốt. Vẫn còn có trường hợp để sau một ngày [rồi mới lo liệu mai táng] là tốt nhất. Các hạ trên có mẹ già, hãy nên bảo sẵn với con cái về nghĩa lý này. Lâm chung nghe tiếng niệm Phật, [người sắp mất] tâm thanh tịnh cũng có thể niệm theo; nghe tiếng khóc tâm sẽ đau buồn liền mất chánh niệm. Hiếu tử thờ cha mẹ, hãy nên dốc sức nơi thực tế, đừng bắt chước làm theo lề thói thế tục.

Lại hãy nên giảng nói với những người cùng hàng trong hội Phật giáo để cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc của mỗi người khi chết sẽ được thành tựu chánh niệm. Những kẻ có túc căn sẽ có thể vãng sanh ngay lập tức. Kẻ dẫu chẳng vãng sanh cũng nhờ vào công đức ấy mà sanh trong đường lành. Những chuyện người đời đã làm đều là chuyện đã té giếng rồi còn quăng đá xuống, như chưa tắt hơi liền tắm rửa, thay quần áo sẵn, khóc lóc, khiến cho thân tâm [người sắp mất] đau đớn khó chịu đựng, nhưng lại không thể nói ra được, trong lòng nhất định sân hận và có ý niệm luyến mến. Do tâm sân hận, luyến mến nẩy sanh, ắt phải đọa lạc!

Lại dùng đồ mặn để cúng bái và đãi đằng khách khứa, vì một người chết, chẳng biết đã giết bao nhiêu con vật đang sống sởn sơ để chống giữ thể diện, bảo đó là “tận hiếu, kính khách!” Tang lễ dùng cỗ chay, từ xưa Nho gia đã như thế. Họ còn chưa biết đạo nhân quả ba đời và luân hồi, nhưng luận theo chuyện con người mà quy định như thế. Huống chi người đời nay đều biết nhân quả ba đời, con người và súc vật tuần hoàn, sao nỡ vì cha mẹ sát sanh, khiến cho cha mẹ và chính mình trong đời vị lai đều cùng phải đem thân đền trả ác báo do việc chống giữ thể diện này ư? Người như vậy chẳng gọi là si thì gọi là gì đây? Thường đề xướng như thế sẽ cứu được nhiều sanh mạng lắm!

Lệnh phu nhân đời trước đã vun bồi lớn lao nên vừa nghe liền sanh lòng tin. Bà ta chưa thể tu trì thường luôn tinh tấn thì: Một là vì không có ai khuyến khích, nhắc nhở. Hai là vì chưa thật sự biết nỗi khổ sanh tử và lợi ích của Phật pháp. Lời nói lúc lâm chung khá hợp với điều thứ nhất trong ba thứ chánh nhân Tịnh nghiệp của Quán kinh; kinh dạy: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Nghĩ đến hai đứa cháu chưa trưởng thành là thuộc về Thập Thiện Nghiệp, không có lòng yêu mến vợ chồng, mẹ con, cũng là thuộc về Thập Thiện Nghiệp. Có chánh nhân ấy, lại thêm tâm chánh tín, tự niệm, được quyến thuộc trợ niệm, lo gì chẳng vãng sanh? Kẻ chẳng vãng sanh là vì tình ái vừa dấy lên thì chánh niệm liền mất, trọn chẳng thể vãng sanh! Đừng nói người công phu nông cạn, dẫu kẻ công phu sâu cũng chẳng thể vãng sanh được, vì dùng phàm tình để xử sự nên khí phận cách ngăn với Phật, thánh. Thế gian chuyện gì cũng đều có thể làm giả, chỉ có lúc lâm chung là không thể giả vờ được. Bà ta đã có thể ngồi dậy quán tượng Tây Phương Tam Thánh, miệng niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, chẳng sanh Tây Phương thì sanh về đâu? Huống chi chết rồi thân thể còn có mùi hương lạ, vẻ mặt như lúc sống, đầu tóc tươi nhuận. Đấy đều là những tướng lành [chứng tỏ] sanh về Tây Phương. Nếu những điều ấy chẳng thật, khó thể nói chắc chắn bà ta có được vãng sanh hay không! Nếu mỗi một điều đều là thật, chẳng cần phải cầu cơ, vẫn tự có thể phán đoán rằng: “Nhất định bà ta đã được vãng sanh rồi!”

Còn như ông ngờ bà ta công phu nông cạn, giới phẩm chưa vẹn toàn, [tức là ông] chẳng biết một niệm lúc lâm chung có quan hệ rất lớn! Đừng nói người đã từng có công phu, dẫu người chưa hề có công phu, nếu lúc lâm chung có thể nghe thiện tri thức chỉ dạy và được người khác trợ niệm, chính mình niệm theo, quyến thuộc chung quanh khéo léo giữ gìn, chẳng để cho người ấy dấy lên tâm mến luyến và tâm sân hận, sẽ đều có thể vãng sanh. Bài Lâm Chung Chánh Niệm Văn của Thiện Đạo hòa thượng chắc ông cũng đã đọc rồi, cần gì phải nghi ngờ nữa? Sanh về Biên Địa[2] của Tây Phương là đã được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, sao lại nghi ngờ rồi chẳng viết ra, há chẳng phải là ăn nói thật đáng buồn cười ư?

Bậc Bất Thoái Chuyển nghĩa là sở tu sở chứng của vị ấy chẳng bị lui sụt, há nên vì lời lẽ [được phán ra] khi [có kẻ tự xưng là thần tiên] giáng đàn mà hoài nghi, cho rằng đấy chính là thoái chuyển ư? Chuyện cầu cơ chẳng phải là không có sự thật, nhưng kẻ giả vờ giáng xuống rất nhiều. Chuyện của lệnh phu nhân, dựa theo lý thì trọn chẳng còn nghĩa lý nào đáng nghi ngờ nữa; cần gì phải cầu cơ mới có thể quyết đoán được! Con cái vì mẹ niệm tụng thì công đức ấy [không chỉ] mẹ được hưởng mà chính con cái cũng được hưởng. Như dâng hương lên cha mẹ, chính mình cũng ngửi thấy mùi hương, so với chuyện chẳng dâng lên cha mẹ, chỉ riêng chính mình ngửi mùi hương thì cũng chẳng khác gì. Ngược ngạo vì cha mẹ mà sát sanh thì chính mình mắc phải sát báo mà cha mẹ cũng bị sát báo. Như một kẻ giết người, tội quy về kẻ đó, còn nếu bị người khác sai khiến và cả hai người đồng ý giết thì hai người đều cùng mắc tội giết người. Tiếc cho người đời chẳng biết nghĩa này, thường vì thể hiện lòng hiếu mà hãm cha mẹ lẫn chính mình trong ác đạo, chẳng thể thoát ra, chẳng đáng buồn ư?

Bệnh phát ra, bất tỉnh nhân sự, do chí thành niệm chú Đại Bi nên [phu nhân] chưa chết, liền tỉnh táo thấy Phật, Bồ Tát, ấy chính là do lòng Thành của các hạ và thiện căn đời trước của phu nhân cảm nên, sao lại bảo là ma? Lại nữa, há nên nói “đã cảm được Phật, Bồ Tát, sao chẳng qua đời liền?” Lời lẽ ấy rốt cuộc trở thành vô vị đến cùng cực; chỉ vì chính mình chẳng biết tà – chánh, chân – ngụy vậy. Lâm chung đã niệm danh hiệu Bồ Tát thì phải nói là “sẽ được tiếp nghênh Bồ Tát”, chớ nên nói là “nghênh tiếp thần địa phương”. Phàm mọi chuyện đều có nhân quả. Nếu niệm Bồ Tát mà lại nghênh tiếp thần thì nhân sẽ chẳng phù hợp quả. Viết thư này ngõ hầu ông được yên lòng thanh thản. Xin ông trên hãy khuyên lệnh từ, dưới khuyên con cái để cùng được hưởng lợi ích này thì may mắn lắm thay! (Ngày Mười Một tháng Tư)

***

[1] Quản Tử chính là Quản Trọng (không rõ năm sanh – mất năm 645 trước Công nguyên), tên thật là Di Ngô, còn có tên là Kính Trọng, tên tự là Trọng, là một chính trị gia, kiêm quân sự gia lỗi lạc của nước Tề thời Xuân Thu, quê ở đất Dĩnh (nay là Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy). Lúc nhỏ chơi thân với Bão Thúc Nha. Do Bão Thúc Nha tiến cử, ông được Tề Hoàn Công cử làm Thượng Khanh (tức Tể Tướng nước Tề), đã góp phần đưa Tề Hoàn Công lên ngôi bá chủ chư hầu thời ấy. Tề Hoàn Công rất kính trọng, gọi ông là Thượng Phụ chứ không gọi tên. Trước tác, luận thuyết của ông được Lưu Hướng biên định thành bộ sách Quản Tử gồm 86 thiên, nhưng nay chỉ còn 76 thiên. Ông theo chủ nghĩa duy vật, cho rằng con người do tinh khí của trời đất sinh ra: “Phàm con người được sanh ra là từ tinh khí của trời, do đất tạo thành hình, hợp thành con người. Hễ hai thứ đó dung hòa được với nhau thì con người được sanh; nếu không, sẽ chẳng sanh”. Ông chủ trương quỷ thần cũng là một dạng khác của Tinh và Khí. Từ quan điểm duy vật, ông chủ trương “nhằm đạt được mục đích, bất cần phương tiện”, tận lực cải cách kinh tế, thương nghiệp, nông nghiệp khiến cho nước Tề giàu mạnh nhất thời ấy. Trong nhiệt tình thực hiện những thủ đoạn nhằm tăng mạnh ngân quỹ quốc gia, ông đã cho lập hệ thống Quan Kỹ, tức là những cơ sở kinh doanh xác thịt phụ nữ do triều đình điều hành.

[2] Biên Địa, còn gọi là Nghi Thành, Biên Thai, hoặc Thai Cung là những người tu Tịnh Độ đầy đủ công đức, nhưng tâm còn nghi hoặc (như chẳng tin vào trí huệ của Phật, ngờ mình chẳng được vãng sanh v.v…) sẽ phải sanh về. Trong năm trăm năm ở nơi ấy, tuy sự vui sướng chẳng kém gì cõi Cực Lạc, nhưng chẳng gặp được Tam Bảo nên coi là khổ. Kinh Vô Lượng Thọ ví von: “Vương tử bị xiềng bằng vàng nhốt trong ngục, hưởng trọn ngũ dục, vẫn mong muốn được thoát ra”.