Thư gởi cư sĩ Ngụy Mai Tôn[1] (mười sáu lá thư)

(năm Dân Quốc 11 – 1922. Ông này vốn tên là Gia Hoa, Mai Tôn đến năm Dân Quốc 18 (1929) mới quy y, lúc này còn coi như là bè bạn)

1) Mùa Đông năm ngoái, [Vương] Ấu Nông gởi thư đến nói các hạ tín tâm chân thật, thiết tha. Quang nói: Biết rõ hết thảy chúng sanh đều sẵn có Phật Tánh, nhưng chưa thôi ăn thịt được, tức là “phú quý học đạo nan” (giàu sang học đạo khó). Nào ngờ chưa đầy ba bốn tháng, các hạ liền thôi ăn thịt. Ấu Nông lại gởi thư tường thuật đầu đuôi, do lòng tinh thành cảm vời ra đó chăng? Hay chỉ là chuyện phù hợp ngẫu nhiên? Người học đạo muốn đoạn được tập khí cần phải có nghị lực, nếu chần chừ thoái thác sẽ tiếp tục lâu dài, trọn không khi nào dứt được! Các hạ đã trừ được tập khí phú quý, cố nhiên dễ dàng thành tựu Tịnh nghiệp! Mai sau cao đăng Thượng Phẩm, chứng Vô Sanh Nhẫn, hầu đức Di Đà dài lâu, đích thân theo gót hải chúng, sẽ lại phân thân hiện bóng trở vào đời ác Ngũ Trược này độ thoát chúng sanh, đều do nghị lực ấy làm cơ sở, may mắn nào hơn?

Do một người bạn khuyến khích, Quang bèn in An Sĩ Toàn Thư dạng thâu nhỏ ngõ hầu phổ biến rộng khắp để mong vãn hồi thế đạo nhân tâm, nhưng người thưa đức bạc, người nghe theo [sự xướng suất này] ít ỏi, đến nay mới chỉ quyên mộ in được hai vạn hai ba ngàn bộ sách mà thôi. Năm ngoái đã muốn gởi thư các hạ mong giúp đỡ quyên mộ ấn hành; nhưng do bận bịu giảo chánh và các việc khác không rảnh rang nên để trễ nãi đến nay. Ông Trương Quý Trực ở Thông Châu buôn bán phát đạt, giàu có dư dả, nhiệt tâm làm chuyện công ích. Trộm nghĩ: Quang lưu hành An Sĩ Toàn Thư chính là mưu tính lợi lạc cho quốc dân, biện pháp làm chuyện này trọn chẳng tệ hại. Nếu ông ta biết được, cũng sẽ bỏ ra một khoản tiền lớn để mong làm chuyện cứu nước cứu dân không lưu lại dấu vết, nhưng Quang trọn chưa hề gặp gỡ, chẳng tiện gởi thơ khuyên. Nếu các hạ xót thương tấm lòng ngu thành của Quang hãy nên gởi thư kính khuyên. Nếu ông ta chịu phát đại tâm in mấy vạn bộ, hoặc mấy ngàn bộ thí cho quốc dân thì may mắn chi hơn? Dẫu cho ông ta chẳng phát tâm thì lòng nhiệt thành của các hạ đối với quốc dân cũng đã phát lộ, thành tựu Tịnh nghiệp cố nhiên là vừa sâu vừa rộng.

2) Các hạ túc căn sâu dầy, nên có thể từ lời dạy của Triệt Ngộ Lão Nhân liền sanh lòng cảnh tỉnh lớn lao, đấy chính là “thời tiết nhân duyên gặp đúng lúc, trọn chẳng phải là ngẫu nhiên!” Do kính trọng ngài Triệt Ngộ, bèn khen ngợi Quang quá mức khiến người ta thẹn thùng khôn ngằn! Sách An Sĩ [Toàn Thư] đã quyên mộ được hơn ba vạn bốn ngàn bộ, cũng tạm thỏa ý nguyện ngu muội [của Quang]. Tiên sinh Quý Trực hứa sau này sẽ theo đuổi chuyện ấy, thật là công đức không chi lớn hơn, sớm hay muộn cố nhiên chẳng khác gì nhau! Nay tai họa chiến tranh sắp xảy ra, bầu không khí chiến tranh tràn ngập. Cư sĩ Vưu Tích Âm đã đăng tải trong các báo ở Trực Lệ, Phụng Thiên, Bắc Kinh, Tân (Thiên Tân), Lỗ (Sơn Đông), Biện (Khai Phong) cho giới quân nhân biết để họ gởi thư thỉnh An Sĩ Toàn Thư hầu mong tiêu diệt kiếp họa. Trách nhiệm gởi sách đều giao cho những người tại các tỉnh ấy lo liệu chuyện gởi tặng. May là các cư sĩ ở những tỉnh [nhận trách nhiệm] biếu sách lo năm ngàn bộ, tự mình chỉ phải lo hơn một ngàn bộ, hơn bốn ngàn bộ kia để tùy tiện kết duyên.

Thoạt đầu, Quang muốn gởi cho Đốc Quân, Tỉnh Trưởng các tỉnh mỗi người một trăm bộ. Chỉ mình Tỉnh Trưởng Thiểm Tây là chịu trách nhiệm một ngàn bộ, Đốc Quân tỉnh Chiết Giang năm trăm bộ, Tỉnh Trưởng [tỉnh ấy] một trăm bộ, chẳng gởi nữa thì vẫn có dư sách. Do ông Tích Âm lo cái họa chiến tranh sắp xảy ra nên càng gấp rút, phân tán hết số sách ấy trong giới quân nhân mấy nơi. Hơn nữa, ông Tích Âm có một trăm bộ, Quang có khoảng năm sáu trăm bộ, và ông Lưu một trăm bộ, ông Hoàng hai trăm bộ, và ba bốn người bạn nữa của Quang giữ tổng cộng hơn một ngàn bộ, gộp lại cũng được hơn hai ngàn bộ. Tính dùng hơn sáu ngàn bộ sách ấy làm công cụ tiêu diệt tai họa chiến tranh. Nếu Phật, trời gia bị, chắc sẽ chuyển biến ngấm ngầm. Dẫu như Quang chẳng có đức hạnh khó thể cảm thông thì cũng giảm bớt được sự khốc liệt! Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian dùng để bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Nay nước loạn, dân khốn cùng, tình hình sau này khó thể tưởng tượng được đều là do những người đang cầm quyền chẳng biết nhân quả mà ra! Kế sách trong hiện thời ngoại trừ việc đề xướng cho nhân quả được sáng tỏ thì dẫu là thánh nhân cũng chẳng biết [xoay sở ra] làm sao, huống gì bọn vô tri vô thức chúng ta? Vì thế, đem những lời khuôn phép của tiền nhân để làm hướng dẫn cho tương lai của cõi đời này, tuy chẳng thể khiến cho mọi người đều tuân theo, cũng chẳng đến nỗi không một ai chẳng chịu nương theo. Chỉ có cách này là có thể ngầm giúp cho quốc kế, dân sanh. Đây là chuyện ông Tích Âm và Quang miệt mài cầu viện các bậc quân tử, mong được tán thành, hỗ trợ để cuối cùng có hiệu quả thật sự.

Các hạ gương trí treo cao, chẳng tiếc hơi sức khuyên lơn, phát khởi, do công đức ấy sẽ vãng sanh Thượng Phẩm, hầu hạ đức Từ Phụ Di Đà, kề cận Quán Âm, Thế Chí, cùng vào Sa Bà tùy loại hiện thân để độ thoát hết thảy! Quang nói lời này chẳng phải là dối trá, các hạ chỉ nên giữ vững mười sáu chữ của ngài Triệt Ngộ (“thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”) thì ngàn phần ổn thỏa, vạn phần thích đáng vậy!

3) Năm xưa, ông Tiền đến núi này, được một phen gặp gỡ. Mùa Xuân năm ngoái Văn Sao in xong, tôi gởi thơ nhờ Trương Vân Lôi tặng cho ông ta một bộ. Sau đấy, nhận được thư của Vân Lôi báo ông ta đã mất rồi, khôn ngăn than thở cảm khái! Mạng người vô thường, phải tính sẵn kế quay về chắc chắn! Ông ta đã phát tâm in tặng Nhất Hạnh Cư Tập[2], chắc là do thiện tâm ấy sẽ vãng sanh Cực Lạc. Nếu không, chủng tử Tịnh nghiệp đã gieo sâu rồi, khi tái sanh chắc chắn sẽ thâm nhập pháp môn này! Các hạ túc căn sâu dầy, có thể đem phú quý, học vấn, tập khí trên toàn thân bỏ hết xuống được, hằng ngày dùng sáu chữ hồng danh Di Đà để làm cảnh buộc tâm, lại dùng Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, Phát Bồ Đề Tâm Luận của ngài Thiên Thân v.v… để phấn chấn tinh thần, mở rộng chí nguyện, trong hiện tại đã hiểu tâm đạt gốc, lâm chung mau chóng lên Thượng Phẩm là điều đương nhiên có thể đoán trước được! Vô thỉ luân hồi đến nay chấm dứt. Một đằng do vui, một đằng do sợ nên chẳng tiếc sức hiện thân thuyết pháp để phổ độ hết thảy những kẻ hữu duyên. Bộ An Sĩ Toàn Thư do ông Giang Khiêm đề xướng có thể được lưu truyền rộng khắp cũng là do lòng chân thành tán dương của các hạ cảm vời ra.

4) Hiện thời, Tăng phần nhiều ngu muội, tầm thường, chẳng thể hoằng dương, xiển phát sự nhiệm mầu của đạo khiến cho hết thảy kẻ gian muốn mượn công để lợi tư, mưu đoạt Tăng sản. Họ đặc biệt mượn cớ mở trường học hòng hủy chùa đuổi tăng, đến nỗi người suốt đời cẩn thận là ông Vương Thiết San[3] thuận theo lời cầu thỉnh của họ, thốt lời khen ngợi là [làm như vậy] chẳng hại gì đến pháp, lại hợp tình mọi lẽ, đã cẩn thận suy xét châu đáo, thỏa đáng, thật đáng khâm phục, ra lệnh cho các huyện trong cả tỉnh Giang Tô tuân hành xử lý. Chẳng ngờ ông Thiết San lại lầm lẫn, ngạo ngược đến tột cùng như thế! Nếu thi hành lệnh ấy, chắc chắc các tỉnh sẽ đua nhau bắt chước theo. Đốt cả rặng Côn Luân,[4] ngọc lẫn đá đều cháy, có khác gì đời Tam Vũ[5] diệt Phật đâu? Nhưng trong đời Tam Vũ, cao nhân như rừng, dẫu gặp cảnh nguy ách tạm thời, rốt cuộc lại phục hưng lớn lao! Nếu nay thực hành theo lệnh ấy thì Phật pháp diệt vong chỉ còn là chuyện thời gian!

Cư sĩ túc nguyện rộng sâu, hạnh trong hiện đời thuần dốc, gặp phải chánh sách sai lầm này, dám mong chẳng tiếc hơi sức, nêu cặn kẽ lẽ lợi – hại với Đốc Quân, Tỉnh Trưởng và [chỉ ra] điều lệnh do Đại Tổng Thống đã ban hành năm ngoái. Nếu thủ tiêu được lệnh này thì may mắn chi bằng! Nếu họ không nghe, vẫn mong ông khẩn cầu lệnh sư là tiên sinh Phùng Hao Am[6] và tiên sinh Trương Quý Trực cùng ra tay cứu viện ngõ hầu [lệnh ấy] chẳng trở thành sự thật. Quang một là không có môn đình, hai là không quyến thuộc, lại do tuổi xế bóng rất gần, có gì mà phải lo lắng, nhưng vì trong lúc này lòng người chìm đắm đã đến cực điểm, đạo đức, nhân nghĩa xem nhẹ như mảy lông, pháp luật, hình phạt, chánh lệnh trọn chẳng kiêng nể! Nếu có thể xương minh đạo nhân quả luân hồi báo ứng ba đời của đức Như Lai thì dù là kẻ đại gian cực ác cũng chẳng đến nỗi trọn chẳng có một niệm kiêng sợ quả báo đời sau, gột rửa cái tâm khi trước. Quang thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”.

Đời lắm kẻ có cái nhìn thiển cận, phải biết: Từ địa vị phàm phu cho đến khi thành Phật đều chẳng ra ngoài nhân quả. Nếu hiểu sâu nhân quả thì người bậc thượng liền minh tâm kiến tánh, đoạn Hoặc chứng Chân, kẻ bậc hạ cũng có thể sửa lỗi làm lành, mong thành thánh, thành hiền, có ích lớn lao cho thế đạo nhân tâm! Trong lúc chế độ quân chủ bị phế bỏ, Nho giáo suy vi này, chẳng dùng Phật pháp để giúp cho việc cai trị là đã đánh mất thời cơ, huống hồ lại miệt mài lấy chuyện hủy chùa đuổi Tăng làm nhiệm vụ cấp bách? Họ bèn nói: “Tăng đều tầm thường, ngu muội, hoàn toàn vô ích cho nước, cho dân”, nào biết một khi lệnh ấy được thi hành, dù có vị Tăng chân tu thực sự tu tập cũng sẽ bị xếp vào loại đáng xua đuổi. Ấy là muốn giữ gìn mạng mạch của quốc gia, nhưng lại đoạn mạng căn trước! Cái tội của Vương Thiết San ngập tràn hư không mười phương. Kẻ do lệnh của Thiết San mà làm chuyện này thì tội cũng chẳng khác gì Thiết San! Một kẻ đui dẫn lũ mù kéo nhau vào hầm lửa, chính là nói về Thiết San đấy!

5) Nhận được thư, khôn ngăn cảm kích, an ủi. Lời các hạ nói hoàn toàn phù hợp lời của ông Ấu Nông. Nghe nói đã phái hòa thượng Diệu Liên liên lạc các vị Tăng thủ lãnh các nơi để bẩm báo, trình bày. Nói lý hãy nên thấu triệt, giọng điệu đừng nóng nảy, kích động, quả thật là lời bàn định chí lý! Quang cũng đã trình bày đại lược ý này với ngài Diệu Liên. Phàm mọi chuyện đều nên ngăn ngừa thói tệ lưu hành trước khi nó được tiến hành. Các hạ nói mượn chùa làm trường học thì mỗi năm phải trả tiền thuê, cách ấy rất hay, nhưng chẳng biết cái tệ sẽ vô cùng! Đầu đời Nguyên, đạo sĩ ở nhờ chùa Tăng, phong trào ấy đã dấy lên thì gần như không sao cấm đoán được (vùng phụ cận kinh thành, đạo sĩ chiếm hơn ba trăm ngôi chùa, những nơi xa càng nhiều nữa). Về sau, do Tăng tâu lên phản bác, [Thanh] Thế Tổ (Thuận Trị) hạ lệnh bắt trả lại, chỉ trả được một nửa, nhưng sản nghiệp phần nhiều đã bị họ trộm sẵn mất rồi! Có thể lấy đó làm gương!

Nói chung, kẻ làm chuyện ấy, trước hết đã sẵn lòng mưu mô chiếm đoạt tài sản của Tăng, kết bè kéo đảng những kẻ đồng lòng để đánh phá người khác ý kiến, do muốn được lợi riêng nên thế lực mạnh mẽ khôn ngăn! Chữ Mượn và chữ Đổi, tuy danh khác nhưng quả thật là cùng nghĩa! Các hạ là bậc quân tử đức dầy, chưa xét kỹ người đời nay ngụy kế đa đoan. Nhưng pháp đạo hưng thịnh hay suy vong cố nhiên có số vận nhất định, đương nhiên Quang và các hạ phải tận hết phận sự của con người trước, rồi sau hãy nghe theo mạng trời!

6) Nhận được thư khôn ngăn cảm kích. Nếu thi hành chuyện ấy ắt pháp đạo bị diệt mau chóng. Nếu không do các hạ, Trúc Trang, Ấu Nông v.v… dốc hết sức chống đỡ sẽ không thể nào tưởng tượng được! Bọn Viên – Đường[7] chắc là bè lũ muốn diệt Phật pháp xưa kia, nhưng do cao nhân như rừng, không cách gì ra tay tàn độc hòng thỏa ác nguyện, do nguyện lực xưa kia nên mới có cử chỉ ấy. Nhưng Phật trí soi xét thời cơ, biết có kẻ muốn diệt Phật pháp, nên bèn sắp đặt sẵn khiến cho những vị phá hoại ma lực kia sanh nhằm thời này. Chẳng những pháp đạo không bị ngăn trở, lấn át, mà có thể còn chuyển được tâm ma của chúng, bèn tin tưởng hướng theo Phật pháp, hòng chúng tự biết Phật Tánh sẵn có, do vì trái trần hiệp giác khiến cho chính mình bị tổn hại. Nay đã biết rồi thì trái trần hiệp giác, chuyển lòng mong muốn tự hại trước kia thành tự vệ thì ở mức độ nông cạn sẽ là đổi ác tu lành, gieo phước nhân thiên, còn ở mức độ sâu xa thì sẽ đoạn Hoặc chứng Chân, đích thân đạt được quả Niết Bàn. Như câu nói: “Phật pháp như Chiên Đàn hương, hoặc phụng trì, hoặc tiễn đạp, giai đắc hương khí sở huân, nhi đồng nhất khí vị dã” (Phật pháp như hương Chiên Đàn, dù nâng niu hay giày xéo đều được mùi thơm ướp đượm, có cùng một khí vị). Quang nguyện khi ba vị thành Phật, sẽ đích thân làm hàng đệ tử hộ pháp phụ chánh tồi tà[8] [cho ba vị] hòng báo đáp ân đức ngày nay. Ngay khi họ Viên, họ Đường thành Phật, [Quang cũng nguyện] giống như thế ngõ hầu toàn bộ ma giới biến thành Phật giới, cùng chứng Chân Như Pháp Tánh, cùng trọn vẹn Chủng Trí mới thôi!

7) Hôm qua nhận được thư của ngài Diệu Liên và lời phê của Tỉnh Trưởng, biết chuyện ấy bị tiêu diệt triệt để, cảm động, hổ thẹn khôn sánh. Trộm nghĩ chuyện này nếu không có các hạ và ông Trang (Tư Giam), Tưởng (Trúc Trang), Vương (Ấu Nông) ba vị dốc hết sức duy trì, sợ rằng chẳng triệt tiêu được! Hôm qua đã gởi thư cho Trang cư sĩ, gởi kèm theo lời phê, mong giao cho Bộ Trưởng Nội Vụ lưu hành. Sau này, nơi khác có sự tình như vậy trình lên bộ thì mong hãy căn cứ vào Điều Lệ Quản Lý Chùa Miếu để bác đi, không chấp thuận, ngõ hầu chẳng đến nỗi nếu không có người chống đối sẽ trở thành sự thật! Dẫu có người chống đối nhưng do vậy cũng phải uổng phí tâm lực. Pháp vận thông suốt hay bế tắc chắc chắn đã có số vận nhất định, nhưng chư Phật, Bồ Tát đã sớm biết sẵn. Vì thế, khiến cho các vị ở đúng vào địa phương này, gặp đúng dịp này dốc sức duy trì, ngõ hầu ngọn lửa đốt đồng liền bị dập tắt ngấm! Nguy hiểm cùng cực, may mắn cùng cực!

8) Vụ án của hội Giáo Dục đã giải quyết xong trọn vẹn toàn là nhờ các hạ và Trúc Trang, Ấu Nông ba vị ra sức xoay chuyển khiến cho Tỉnh Trưởng và bộ Nội Vụ đều tuân theo Điều Lệ Quản Lý Chùa Miếu để thực hiện sự bảo vệ. Lời phê của Tỉnh Trưởng đã xét đến cả hai mặt, trọn chẳng tổn thương đến phương diện tình cảm của hội Giáo Dục lại còn tận lực lập cách ngăn ngừa, đề phòng để họ khỏi vượt luật được! Có thể nói dốc trọn thâm tâm hộ pháp khiến cho người khác cảm kích, bội phục vô ngằn!

9) Các hạ đặt tên chùa là Pháp Vân, dụng ý rất sâu. Trộm nghĩ Pháp Vân Tự đã trở thành đạo tràng từ thiện bậc nhất của Giang Nam, hãy nên hành riêng một pháp chẳng giống với các nơi. Một là chẳng thế độ, hai là chẳng truyền pháp[9]. Tất cả trụ trì chỉ chọn lấy người hiền, chẳng cần biết là Lâm Tế, Tào Động, Thiên Thai, hay Hiền Thủ! Chỉ cần dốc lòng tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, ngôn hạnh tương ứng là được rồi! Trụ Trì luận theo số thứ tự, chứ không tính theo thế hệ[10]. Ấy chính là đạo tràng đại công vô tư, chứ không như những nơi truyền cho [đệ tử] thế độ, truyền cho pháp đồ, dính vào phạm vi chuyên trọng riêng tư vậy!

10) Tiên sinh Trần Kiếm Đàm tin nhân quả, tính muốn nêu rõ [nhân quả], nhưng lại không chịu niệm Phật, ấy chính là tập khí của văn nhân! Thuở trước, tổ Huệ Viễn do thấy Đào Uyên Minh[11] bụng dạ trống rỗng, khoảng khoát, có thể học đạo, liền mời dự vào Liên Xã. Nhưng ông ta lấy rượu làm tánh mạng, biết Phật môn cấm rượu, chẳng dám nhận lời mời, nên nói: “Cho tôi uống rượu thì tôi đến”. Tổ Huệ Viễn tâm đại từ bi bèn chấp nhận. Ông ta đến niệm Phật được ba ngày, cau mày bỏ đi, do chỉ có thể buông xuống, chẳng thể đề khởi. Như bọn ông Kỷ Văn Đạt, Viên Tử Tài[12] đều cùng một bệnh. Họ Kỷ, họ Viên khá tin tưởng nhân quả, thường hay ghi chép sự thật cảm ứng trong Phật pháp, nhưng đều chưa từng lắng lòng nghiên cứu, nên những lời luận định phần nhiều đều là bàn về chuyện thực hành bề ngoài. Ông Viên thoạt đầu báng Phật, về sau lại tin Phật, tuy tin nhưng chẳng thể nghiên cứu, tu trì, đó gọi là “thông minh văn tự chướng”. Ông Trần sẽ có ngày thiện căn phát hiện, chưa chắc đã suốt đời như thế.

Nay đã có lá thư gởi cho cư sĩ Cố Hiển Vi hồi năm ngoái (đã chép trong Văn Sao Chánh Biên, quyển hai), tòa soạn báo Chi Giang in ra, đem gởi đến, xin hãy xem để làm trò cười. [Sở dĩ có] lá thư ấy là vì bạn ông Cố là Phan Thừa Ngạc (hai vị đều là người Tô Châu, ông Cố là Tây Tân[13] của ông Hoàng Đạo Doãn ở Ninh Ba, quy y với pháp sư Đế Nhàn), rất thân với ông Cố; ông Cố khuyên ông Phan niệm Phật, ông ta viết thư vặn ngược lại, bảo rằng chẳng thể sanh lòng tin, càng thêm ngờ vực! Ông Cố gởi thư ấy cho Quang, xin Quang hãy đả phá. Quang đem thư gởi lại, bảo đừng giao thư [cho ông Phan xem].

Ông Cố liền gởi thư [cho ông Phan]: “Lời em chẳng thể khiến cho anh tin được, chẳng thể đoạn lòng nghi của anh; do vậy, đã xin được thư của vị pháp sư X… Thư ấy đã gởi tới, nhưng lời lẽ [trong thư] chẳng khiêm tốn mảy may, nói thẳng tuột không úp mở, chẳng hề kiêng kỵ, sợ sẽ gây đụng chạm, nên chẳng dám gởi”.

Ông ta nói: “Bệnh tôi đã sâu, chẳng phải là thuốc hung bạo như cọp sói sẽ chẳng trị được. Càng chẳng kiêng dè càng hay, hãy gởi gấp đi”. Ông Cố liền gởi đi, tâm ông Phan bội phục, bèn quy y với pháp sư Đế Nhàn, nhưng sợ Quang ăn nói thẳng thừng nên trọn chẳng dám gởi thư thăm hỏi!

Chuyện ông Trần nhập đạo hãy để từ từ chớ gấp. Ví như nhuộm vải, vải càng dày chắc, nhất định khó bén màu. Nếu bỏ trong vò thuốc nhuộm hơn mười ngày, dẫu chẳng muốn thành màu xanh đậm cũng không thể được!

11) Văn của Quản Đông Minh[14] quả thật là thuốc để trị đúng căn bệnh cho đời hiện tại. Người đọc bài văn ấy sẽ mửa ra chất độc bác nhân quả của bọn Trình – Châu, mà cũng có thể làm chứng cớ cho Ấn Quang đề xướng nhân quả. Cách nói của Trình – Châu là chỉ mong cho cao, chẳng tính đến lợi – hại. Chẳng hạn như làm lành thì coi chuyện “không làm gì mà làm” chính là làm lành, hễ có làm gì để làm lành thì chính là ác! Nếu “không làm gì mà làm” là thiện thì đấy chính là thân phận của bậc đại thánh nhân. Nếu không phải là thánh nhân, chỉ giữ lấy “không làm gì”, còn “những gì có làm” sẽ đều chẳng chịu làm! Như vậy là đã mâu thuẫn với tông chỉ “tự cường bất tức, triêu càn tịch dịch[15] vậy! Chịu hiểu rõ lời ông Quản rồi phá vòng vây hãm[16] thì quân tử lẫn tiểu nhân đều được lợi ích lớn lao. Nếu các hạ không chép ra lời chân thật cứu đời ấy thì trong Phật pháp nhiều kẻ chẳng tin, trong đạo Nho nhiều kẻ chẳng suy xét, tiền đồ sẽ nguy hiểm. Vì thế, Quang đặc biệt chép thành phần phụ lục của Văn Sao để lợi chung cho người hữu duyên.

12) Hôm qua nhận được thư, khôn ngăn kinh dị! Ông Phương Tuấn Sanh có thể gọi là người đã bỏ được điều khó bỏ, tuy nhiên, vẫn cần phải tính toán cho cuộc sống sau này của ông ta. Xin các hạ hãy mời ông ta đến Quán Âm Am, cùng các ngài Diệu Liên, Tâm Tịnh v.v… hỏi cặn kẽ xem ông ta còn bao nhiêu ruộng đất. Nếu [tất cả số ruộng đất còn lại ấy] có thể nuôi sống gia đình thì số ruộng nương do ông ta đã phát tâm cúng cho chùa Pháp Vân sẽ dùng để làm công đức cho ông ta. Nếu tất cả số ruộng [còn lại] ấy chẳng đủ để nuôi sống [gia đình] thì hãy nên coi số ruộng [đã cúng cho nhà chùa ấy] như ruộng cho chùa Pháp Vân thuê để cấy rẽ, mỗi năm trích ra tiền huê lợi ra bao nhiêu đó [cho nhà chùa], mặc lòng Pháp Vân trồng trúc, gỗ, ngũ cốc, hay rau dưa, coi như là cơ sở sản xuất của Viện Mồ Côi. Như vậy thì đôi bên mới đều trọn hết đạo, đôi bên đều được lợi ích. Nếu ông ta do bỏ ra những ruộng ấy mà không đủ sống thì quả thật trong tâm chúng ta hết sức chẳng thoải mái, vui sướng cho lắm!

Tuy khế ước [chủ quyền những thửa ruộng] ấy đã giao, phải nên thương nghị như vậy thì mới chẳng phụ họ Phương một phen thực hiện nghĩa cử tốt lành. Nếu ngoài số ruộng ấy, ông ta vẫn còn có đủ ruộng để chi dụng thì sẽ trở thành vị đại công đức chủ bậc nhất của chùa Pháp Vân. Cần phải thỉnh đôi ba vị có đức hạnh trọng vọng đến chứng minh. Người ta đã lo lắng cho mình sâu đậm, thiết tha, mình cũng chẳng thể không lo sâu đậm, thiết tha cho người ta!

13) Những chuyện báo ứng của việc sát sanh đã sao lục quả thật có thể khiến cho kẻ hiếu sát nguội lạnh cõi lòng, nhưng các tướng lãnh, sứ quân hiện thời chưa chắc đã chịu đọc! Nếu dự tính dành cho mai sau và những chỗ hiếu sanh, ghét giết chóc thì dường như lại quá hạn cuộc, bởi những chuyện ấy chuyên để nói với những hạng tướng lãnh, sứ quân, có lẽ hạng dân đen sẽ cho là chuyện chẳng liên quan gì tới chính mình. Hơn nữa, hàng tướng lãnh, sứ quân bạo tàn chắc sẽ nghĩ ta châm chích họ bèn căm ghét. Theo như ngu kiến của Quang, có lẽ nên dùng cuốn Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục của ông Bành Lan Đài[17], in dưới dạng chữ nhỏ rút gọn, lại thêm vào mấy bài văn đau lòng rơi lệ để lưu truyền khắp công lẫn tư thì lợi ích lớn lắm. Mấy đầu sách của ông Đinh Phước Bảo những loại nào có thể đưa vào phần Phụ Lục hãy nên in kèm vào đó thì quan chức, sứ quân, kẻ sĩ, dân chúng đều biết được những tấm gương tốt lành, mà không bị khuyết điểm bài xích rõ rệt kẻ đương quyền, ngầm khuất phục được cuồng tâm của con cái [của họ].

Những kẻ đang nắm đại quyền phần lớn đều là do lúc nhỏ chưa nghe thấy những chuyện nhân quả báo ứng, nên trong tâm họ chỉ biết có chính mình, chẳng biết có người khác, chỉ cầu lợi ích cho chính mình, chẳng sợ hại người. Nếu như họ từ lúc bé đã biết hại người còn tệ hại hơn hại chính mình, vì người khác rốt cục sẽ quy về chính mình, chắc chắn họ chẳng chịu do những chuyện nhỏ nhặt như ý kiến [khác biệt], danh lợi v.v.. mà làm cho vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống. Ý của Quang là như thế đó, mong các hạ hãy châm chước. Cũng có thể ấn hành trước ba mươi bảy điều này để cứu vãn cái họa cháy mày. Để sau này đợi khi yên ổn rồi sẽ lại in Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục để làm sách khiến cho mọi người đều được lợi ích, khuyên khắp đồng nhân vậy.

14) Nếu chịu bổ sung, biên tập tường tận bộ Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục tạo thành một bộ toàn thư thì thật là may mắn cho quốc gia, nhân dân. Trước kia, ông Đinh Phước Bảo nói ở chỗ ông ta có sáu bảy loại Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục, hãy nên mượn về, phàm những chuyện không có trong cuốn sách này, đều nên sao lục bổ sung vào. Lại nữa, phần cuối cuốn Dục Hải Hồi Cuồng của bộ An Sĩ Toàn Thư có chép chuyện người biến thành súc vật và chuyện người sanh lên trời, trời trở thành người trích từ Nhị Thập Nhị Sử, cũng nên ghi vào thì những kẻ tri kiến hẹp hòi, câu nệ xem thấy ắt sẽ giật mình một phen, còn kẻ tin sâu nhân quả sẽ nhờ đây mà siêu thoát, bước thẳng vào Như Lai địa.

Khổng Tử soạn kinh Xuân Thu để khen – chê hòng khiến cho loạn thần, tặc tử sợ hãi. Nhưng loạn thần, tặc tử thật ra đâu có sợ lời khen chê, bởi chỉ là một lời gán cho cái danh xuông, rốt cuộc ta đâu có bị tổn thương gì? Nếu đem những chuyện nhân quả cảm ứng và sự tích người và súc vật chuyển biến lẫn nhau trong Nhị Thập Nhị Sử mỗi chuyện đều sao chép ra, kèm theo lời luận định thì kẻ sẵn tánh chất làm loạn, làm giặc xem thấy, há chẳng sợ hãi dựng cả lông tóc, buốt thấu cả xương, rồi từ đấy, xoay chuyển ý niệm mưu tính cho phước báo về sau ư? Như vậy thì chuyện các hạ tiếp nối tâm pháp khen – chê của Khổng Tử để giáo hóa thiên hạ hậu thế, có ai bảo là không đúng?

15) Trong niên hiệu Đồng Trị – Quang Tự, pháp sư Ngọc Phong hoằng dương Tịnh Độ, chẳng tiếc sức thừa, nhưng Ngài thường hay nói những lời cố chấp, ương bướng, khiến cho người đọc phải đau lòng. Trước kia, ông Tâm Bạch biên tập những câu nói trong Tịnh Tông (tức sách Tịnh Độ Lương Đạo) cũng có tuyển những lời của pháp sư, Quang hoàn toàn gạt bỏ [những câu ấy] đi, vì sợ người ta cho pháp sư Ngọc Phong là tay cự phách trong Tịnh Tông thì di hại chẳng nhỏ. Trong Văn Sao, nơi lá thư tính phúc đáp cho vị cư sĩ X…, người gởi thư dẫn lời của bốn vị Linh Phong, Thành Thời, Triệt Ngộ, Ngọc Phong, nhưng trong lời đáp, tôi chẳng đề cao Ngọc Phong mà cũng chẳng chê trách, cũng là vì ý này. Trong lúc Mạt Pháp này, muốn cực lực đề xướng Tịnh Độ thì hãy nên tỏ rõ tường tận về sự lớn – nhỏ, khó – dễ giữa Phật lực và tự lực, cũng như nêu rõ nguyên do “thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi độn” ngõ hầu chẳng đến nỗi toan khuyên người mà lại đâm ra làm cho người ta sanh hủy báng. Tiên sinh Cốc Nhân chuyên căn cứ theo Sự để hoằng dương, nhưng thường vướng khuyết điểm coi Sự là Lý, như giảng [câu kinh Vô Lượng Thọ] “lưu kinh lại một trăm năm” là người ta thọ một trăm tuổi, ấy là chỉ cho chúng sanh giới tận, kinh này mới diệt! [Giảng như vậy] tợ hồ cao thâm, nhưng thật ra làm cho người khác bị lầm lạc. Đấy gọi là “sự – lý rối loạn”, chẳng những không thể phát khởi cái tâm “Phật pháp khó gặp gỡ” cho người ta, mà rất có thể còn dập tắt cái tâm dũng mãnh tinh tấn của người khác. Nếu muốn lợi người thì có thể nói sách Di Đà Yếu Giải mỗi một chữ là một hạt châu!

16) Gần đây cả nước như cuồng, bàn luận chuyện ly kỳ. May là các cư sĩ ở Thượng Hải nhiệt tâm hộ pháp tái lập duy trì. Chuyện ở Pháp Vân tôi đã biết đại khái, nhưng do thời cuộc bức bách, rốt cuộc chẳng biết kết quả ra sao? Hiện thời các cư sĩ, sa-môn, bàn bạc chỉ định mười bốn người lên Ninh Ba thỉnh nguyện. Do Hội Giáo Dục đề nghị “chú trọng phế bỏ tài sản của chùa miếu để mở trường học”, sợ rằng mọi người đều muốn phát tài, chẳng chịu thỏa hiệp thì Phật pháp toàn quốc ắt sẽ bị tiêu diệt! Nếu pháp đạo chẳng đáng bị diệt ngay, ắt sẽ có Phật, Bồ Tát hiển hiện oai linh lớn lao để có thể duy trì mạng mạch nhà Phật. Nếu không, đối với Ngũ Luân của Khổng Tử họ còn chịu hoàn toàn gạt bỏ, huống chi là Phật giáo đồ hoàn toàn không có thế lực, há có thể chống đỡ chẳng bị diệt vong ư?

(Xét đến vụ án phế bỏ tài sản của chùa miếu để mở trường học là do Thai Sảng Thu thuộc giới giáo dục huyện Đan Đồ tỉnh Giang Tô đề nghị vào năm Dân Quốc 17 (1928) chuyện này đã do vì [tăng chúng, cư sĩ] thỉnh nguyện nên bị thủ tiêu. Năm Dân Quốc 27 (1938), người sao lục ghi chú).

***

[1] Ông Ngụy Mai Tôn (1862-1933), tên thật là Gia Hoa, tự là Mai Tôn, hiệu Trinh Sĩ, người xứ Giang Ninh, đỗ Tiến Sĩ thời Quang Tự, từng làm quan đến chức Hàn Lâm Biên Tu, rồi Tri Phủ Đông Xương tỉnh Sơn Đông, quan tước đến Tam Phẩm, rất nhiệt thành hộ vệ Phật pháp và làm chuyện từ thiện như mở viện mồ côi tại chùa Pháp Vân trên sông Tam Xoa, lập ao phóng sanh… Ông này được Tổ nhắc đến rất nhiều lần trong Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên. Trong lần khai thị tại pháp hội Hộ Quốc Tức Tai ở Thượng Hải, Tổ có nhắc đến chuyện ông Ngụy Mai Tôn hỏi Tổ xin dạy cách đoạn trừ thói quen ăn thịt, Tổ khuyên nên đọc kỹ bài văn khuyên kiêng giết phóng sanh trong Văn Sao (tức bài Sớ Quyên Mộ Tu Bổ Ao Phóng Sanh ở Nam Tầm).

[2] Nhất Hạnh Cư Tập: Tác phẩm của Bành Thiệu Thăng, nội dung bao gồm những nhận định, văn chương nhằm phát huy yếu chỉ Tịnh Độ Tông rất tinh diệu của ông Bành. Năm Càn Long 50 (1785), ông Bành ngụ tại Văn Tinh Các ở Tô Châu, tu Nhất Hạnh tam-muội, chuyên tâm niệm một đức Phật, do vậy gọi chỗ mình ở là Nhất Hạnh Cư. Vì thế, tổng tập những trước tác có liên quan đến Phật giáo của ông được đặt tên là Nhất Hạnh Cư Tập.

[3] Vương Thiết San là tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô thời ấy.

[4] Côn Luân là một rặng núi lớn ở phía Tây Trung Quốc, dài đến 2.500 km, chạy từ cao nguyên Pamir đến tận tỉnh Thanh Hải. Núi vừa cao vừa rộng, nên được người Trung Hoa thần thánh hóa, coi như là chỗ thần tiên ở, vương cung của Tây Vương Mẫu (bà chúa tiên) nằm trên ngọn núi này. Tương truyền, trên núi có rất nhiều ngọc quý ẩn ngầm trong đá.

[5] “Tam Vũ diệt Phật” là ba lần chánh quyền hủy diệt Phật giáo trong lịch sử Trung Hoa do Bắc Ngụy Thái Vũ Đế (408-452), Châu Vũ Đế (543-578) và Đường Vũ Tông (840-846) chủ trương. Về sau này lại còn Châu Thế Tông (921-959) nhà Hậu Châu hủy diệt Phật pháp một lần nữa nên sử thường gọi là “Tam Vũ Nhất Thế chi họa”. Nghe lời Tư Đồ Thôi Hạo và đại sĩ Khấu Khiêm Chi, Ngụy Thái Vũ Đế đàn áp Phật giáo. Năm Thái Bình Chân Quân thứ bảy (446), vua hạ lệnh xử tử các sa-môn ở Trường An, phá hoại hết thảy kinh tượng. Không lâu sau vua bệnh chết, con là Văn Thành Đế lại phục hưng Phật giáo. Châu Vũ Đế nhà Bắc Châu tin lời sàm tấu của các đạo sĩ Trương Tân và Vệ Nguyên Tung, có ý phế Phật. Lúc ấy các vị Chân Loan, Đạo An, Tăng Miễn ra sức biện hộ nên chưa phế bỏ. Đến năm Kiến Đức thứ hai (573), vua hạ lệnh phế bỏ cả Đạo giáo lẫn Phật giáo, hủy hoại kinh tượng, buộc tăng sĩ, đạo sĩ hoàn tục, chỉ giữ lại hai trăm đạo sĩ có danh tiếng ở Trường An. Năm Kiến Đức thứ sáu (577) vua băng, Phật giáo mới lại phục hưng. Thời Đường Vũ Tông, bọn Tể Tướng Lý Đức Dụ v.v… chủ trương bài Phật. Nghe lời sàm tấu của bọn chúng, cũng như do tham lam, muốn chiếm đoạt Tăng sản, năm Hội Xương thứ năm (845), vua hạ chiếu chỉ giữ lại bao nhiêu đó chùa và chừng ba trăm Tăng, còn lại đều hủy bỏ, buộc Tăng ni hoàn tục, đem tượng Phật, chuông, khánh đúc thành tiền đồng, nông cụ… Sử gọi là Hội Xương Pháp Nạn. Năm sau, vua chết, Tuyên Tông lại phục hưng Phật giáo. Trong số những ông vua bạo ác này, Châu Thế Tông (Sài Vinh) nhà Hậu Châu là hung hăng nhất. Năm Hiển Đức thứ hai (955), vua thực hành chánh sách bài Phật để có tiền trang trải chiến tranh. Vua hạ chiếu phế bỏ tất cả tự viện (sử ghi là ba vạn ba trăm ba mươi sáu ngôi chùa), hủy hoại tượng Phật, tịch thâu chuông, khánh, bạt, linh để đúc tiền, sung công toàn bộ điền sản của nhà chùa. Lúc ấy, ở Trấn Châu có tượng Quán Âm bằng đồng rất linh thiêng, nên tuy chiếu chỉ ban xuống, không ai dám phá hủy. Vua nghe vậy, đích thân đến chùa, cầm búa đập vào ngực tượng Phật, mặc cho người xem run sợ. Năm Hiển Đức thứ sáu (959), vua lên miền Bắc đánh nhau, tự nhiên ngực mọc ra mụn nhọt độc rất to, đau đớn không chịu nổi, mất trên đường hành quân. Triệu Khuông Dẫn thừa cơ chiếm binh quyền lập ra nhà Tống, nhà Hậu Châu diệt vong.

[6] Phùng Hú (1843-1927), tự là Mộng Hoa, hiệu Hao Am, về già thường xưng là Hao Tẩu, hay Hao Ẩn, người huyện Kim Đàn, tỉnh Giang Tây, đỗ Tiến Sĩ năm 1886, làm quan đến chức Án Sát Sứ tỉnh Tứ Xuyên và Tuần Phủ tỉnh An Huy. Sau Cách Mạng Tân Hợi (1911), ông về sống tại Thượng Hải, chuyên tâm về văn chương, tham dự biên soạn bộ Giang Nam Thông Chí, trước tác nổi tiếng nhất là bộ Mông Hương Thất Từ. Do có danh phận và đạo đức, ông rất được những người có chức quyền tỉnh Giang Tô thời ấy coi trọng.

[7] Viên ở đây là Viên Thế Khải, Đường là Đường Thiệu Nghi. Họ Viên từng làm Tổng Lý Nội Các Đại Thần của nhà Thanh. Về sau, khi nhà Thanh bị lật đổ, nhờ mưu mẹo, ông ta nắm giữ quyền lực lớn, trở thành Đại Tổng Thống, rồi sau đó, tự xưng là hoàng đế, lấy niên hiệu là Hồng Hiến. Họ Đường là bạn thân của họ Viên, từng giữ chức Quốc Vụ Tổng Lý (gần như Thủ Tướng). Do ông ta được đào tạo từ trường đại học Tin Lành của Mỹ nên mang tư tưởng bài xích Phật giáo rất mạnh, còn họ Viên thì sẵn lòng gian manh, giảo hoạt, muốn thừa cơ chiếm đoạt tài sản của Phật giáo để thực hiện những mưu đồ đánh gục đối thủ chính trị, rốt cục, ông ta vẫn bị lật đổ.

[8] Phụ chánh tồi tà: Giúp cho điều chánh, đập tan điều tà.

[9] Thế Độ: Thế là cạo tóc, xuống tóc. Thế Độ tức là thâu nhận đệ tử xin xuống tóc, xuất gia làm tăng. Truyền pháp ở đây có nghĩa là thâu nhận môn đệ xuất gia tạo thành pháp phái, môn đình riêng.

[10] Ý nói: Chọn người có tuổi hạ (Tăng lạp) cao, đạo cao đức trọng làm Trụ Trì chứ không truyền theo thế hệ truyền thừa. Chẳng hạn, khi một vị Trụ Trì đã mất hoặc xin thoái hưu, sẽ chọn trong số những vị có tăng lạp cao, có đức hạnh làm vị Trụ Trì kế tiếp, chứ không chọn trong số những vị xuất gia tuổi tuy còn trẻ, nhưng do là đệ tử của sư phụ những vị trưởng lão trong chùa nên thuộc thế hệ trên, đứng vào hàng sư thúc, sư bá của những vị tôn túc lớn tuổi ấy.

[11] Đào Uyên Minh (365-427), tên thật là Đào Tiềm, Uyên Minh là tên tự. Có thuyết lại nói ông ta vốn tên thật là Uyên Minh, tên tự là Nguyên Lượng, sau sang đất Tống bèn đổi tên thành Đào Tiềm. Từ đời Đường, do kỵ húy Đường Cao Tổ (Lý Uyên, cha Đường Thái Tông) nên Đào Uyên Minh thường bị viết trại thành Đào Thâm Minh hoặc Đào Tuyền Minh. Ông Đào tự xưng hiệu là Ngũ Liễu Tiên Sinh, vốn là người xứ Tầm Dương (nay thuộc huyện Cửu Giang, tỉnh Giang Tây) là một nhà văn học lỗi lạc thời Tấn, có rất nhiều bài thơ được truyền tụng trong đời.

[12] Kỷ Văn Đạt (1724-1805), tên thật là Kỷ Quân, tự Hiểu Lam, thụy hiệu là Văn Đạt, người huyện Hiến, tỉnh Hà Bắc, rất thông minh, văn tài lỗi lạc, làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng Thư Hiệp Biện Đại Học Sĩ thời Càn Long, rất được vua hâm mộ. Ông chính là người làm công tác Tổng Toản Tu (tổng biên tập) bộ Tứ Khố Toàn Thư Hội Yếu.

Viên Tử Tài (1716-1797), tên thật là Viên Mai, hiệu Tử Tài, bút hiệu Tùy Viên Lão Nhân, người Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Từng ra làm quan, nhưng do tính tình phóng khoáng bèn từ quan, trở về sống trong núi Tiểu Thương thuộc Nam Kinh, lập ra vườn cảnh, đặt tên là Tùy Viên để xướng họa, ăn nhậu, trước tác và nghiên cứu ẩm thực. Ông làm thơ rất hay, văn chương rất ưu nhã. Ông lại soạn riêng một cuốn sách ghi chép những món ăn ngon và cách nấu nướng chúng đặt tên là Tùy Viên Thực Đơn. Cuốn sách này cho đến tận giờ vẫn được coi là một trong những tác phẩm nổi tiếng về nghệ thuật ẩm thực cổ Trung Quốc. Thậm chí, người Nhật còn cho dịch ra Nhật ngữ và tái bản nhiều lần. Cũng giống như Kỷ Hiểu Lam, họ Viên rất thông hiểu và hâm mộ đạo Phật, nhưng do quen thói phóng túng, thích ngâm vịnh, ăn uống, xướng họa, thù tạc nên rốt cuộc cả hai ông đều không thể nào tu tập được

[13] Tây Tân (vị khách ngồi ở phía Tây), còn gọi là Tây Tịch, chính là tên gọi khác của vị giáo sư trong gia đình. Theo Lễ Ký, trong thời cổ, khi tiếp khách, chủ nhà ngồi ở phía Đông, khách ngồi ở phía Tây. Để tỏ lòng trọng vọng thầy có công dạy dỗ cho con em mình, gia chủ thường dùng lễ đãi thầy như khách quý viếng thăm nên từ đó chữ Tây Tân hay Tây Tịch được dùng để chỉ vị giáo sư của gia đình.

[14] Quản Đông Minh (1537-1608), tên thật là Chí Đạo, tự Đăng Chi, người huyện Đại Thương, tỉnh Giang Tô, là một cư sĩ hữu danh cuối đời Minh, thâm hiểu sâu xa đạo Phật. Ông từng được Hám Sơn Đại Sư khen ngợi qua lá thư gởi cho Ngô Vận Sứ trong cuốn Mộng Du Tập. Ông viết nhiều về Phật giáo, thường khéo léo dẫn dụng những tư tưởng của Nho Gia để chứng minh Nho Học chỉ ngang với nhân thiên thừa trong Phật giáo, hướng dẫn giới Nho Sĩ hướng về Phật giáo. Bài văn được nói đến ở đây chính là Đa Tích Âm Đức (tích lũy nhiều âm đức).

[15] “Tự cường bất tức” là một thành ngữ, dựa theo câu giải thích về tánh chất của quẻ Càn trích từ kinh Dịch: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”. Hán Điển Thành Ngữ giảng: “Trời vận hành tự nhiên, có sức mạnh mẽ, quân tử phải nên bắt chước theo đạo trời, không ngừng cầu tiến, chẳng lười nhác trong bất cứ thời khắc nào”.

“Triêu càn tịch dịch” cũng là một câu giải thích về tánh chất của quẻ Càn trích từ kinh Dịch: “Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược lệ, vô cữu”. Sách Hán Điển Thành Ngữ giảng: “Càn càn là không ngừng gắng sức. Tịch dịch nhược lệ là trời đã tối rồi, người quân tử vẫn ôm lòng đau đáu kiêng dè, kinh sợ như luôn bận tâm vì còn có chuyện gì chưa xong. Cả câu có ý nói: Người quân tử luôn gắng sức hướng thượng, tâm luôn chú ý cẩn thận, tận lực tu tâm dưỡng tánh thì mới không phạm lầm lỗi”.

[16] Nho gia tin tưởng mù quáng vào lời dạy của Trình – Châu phỉ báng Phật giáo, tuy chưa hề đọc kinh Phật, nên Tổ ví họ giống như bị Trình – Châu nhốt chặt, không cho thoát ra ngoài nhìn trời cao đất rộng.

[17] Bành Lan Đài tên thật là Hy Tốc, Lan Đài là hiệu. Ông là cháu của Bành Thiệu Thăng, gọi Bành Thiệu Thăng bằng chú, cũng quê ở Tô Châu, thích ăn chay từ nhỏ, đến tuổi thiếu niên bèn ăn chay trường suốt năm năm. Về sau do bệnh nặng, y sĩ buộc ăn thịt. Do bệnh vẫn không thuyên giảm, ông bèn phát tâm nghiên cứu Phật pháp, giữ Lục Trai, tụng kinh Hoa Nghiêm, công khóa hằng ngày luôn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, chưa hề thiếu khoát. Ông Bành Thiệu Thăng thấy tác phẩm Vãng Sanh Tập của Liên Trì Đại Sư quá giản lược nên muốn tiếp tục bổ sung những chuyện vãng sanh mới. Ông Bành Hy Tốc vui vẻ đảm nhiệm chuyện này, thường cùng vợ là Cố Thị khêu đèn biên chép, tạo thành chín quyển, đổi tên thành Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Ngày mồng Ba tháng Năm năm Càn Long 50 (1785), ông vừa bị sốt rét vừa bệnh lỵ, từ phòng ngủ đến thăm mẹ, hoàn toàn không đả động chuyện nhà, chỉ khuyên mẹ chăm chỉ niệm Phật, hẹn sẽ gặp lại mẹ nơi Tây Phương. Trước đó, ba ngày ông đã cho người thỉnh Trừng Cốc hòa thượng đến tận giường bịnh truyền Ngũ Giới, sám hối, phát nguyện. Sáng ngày 13, ông sai gia nhân treo tượng Phật, xoay giường về phía Tây, bảo Đăng Cốc: “Phiền thầy trợ niệm cho con”. Đến chiều, ông lâm râm niệm Phật rồi nằm bên hông phải qua đời, mùi hương lạ ngập thất, thọ được 33 tuổi. Vợ ông là Cố Uẩn Ngọc, đã qua đời trước đó, thọ 29 tuổi, trong khi bị bệnh bà đã ngồi niệm Phật qua đời.

Nhị Thập Nhị Sử Cảm Ứng Lục là một tác phẩm trích lục từ hai mươi hai bộ sử trọng yếu của Trung Quốc nhằm thuyết minh chuyện nhân quả báo ứng. Nhị Thập Nhị Sử gồm Sử Ký Tư Mã Thiên, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí (xin đừng lầm với tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Bộ Tam Quốc Chí được nhắc đến ở đây do Trần Đào biên soạn vào đời Tây Tấn), Tấn Sử, Tống Thư, Nam Tề Thư, Lương Thư, Trần Thư, Ngụy Thư, Bắc Tề Thư, Châu Thư, Tùy Thư, Nam Sử, Bắc Sử, Cựu Đường Thư, Tân Đường Thư, Cựu Ngũ Đại Sử, Tân Ngũ Đại Sử, Liêu Sử, Kim Sử. Bành Hy Tốc sống vào đời Thanh, nếu sử dụng những chuyện vào thời Minh và thời Nguyên sẽ dễ bị kết tội “yêu thư, yêu ngôn” theo luật Đại Thanh nên ông chỉ sử dụng hai mươi hai bộ Sử nói trên để biên soạn tác phẩm này.