Thư trả lời cư sĩ Chiến Đức Khắc (hai lá thư)

(năm Dân Quốc 26 – 1937)

1) Pháp danh của mười chín người quy y được viết trong một tờ giấy khác. Khoản tiền gởi đến bất luận là tiền hương kính hay tiền quyên mộ để in sách đều dùng làm chi phí ấn tống cuốn Kỹ Lộ Chỉ Quy. Hiện thời đã sắp chữ xong, nếu bản [sắp chữ] cuối cùng gởi đến, phải đợi sửa lỗi xong rồi mới in ra sách. In trước ba vạn cuốn để gởi cho những người có tín tâm xa gần. Lần này, tính dùng hết hơn hai trăm ba mươi đồng để gởi đến chỗ ông hơn hai trăm ba mươi đồng tiền sách cho mỗi người đóng góp ấn tống ấy, mỗi người bao nhiêu đó sách, còn dư thì tùy ý chia ra đem biếu.

Chuyện cầu cơ phần nhiều là linh quỷ giả mạo danh nghĩa tiên, Phật. Nếu người hầu cơ vốn sẵn có học vấn thì [lời giáng cơ] văn chương rộng lớn, dài lê thê, nói đến đạo lý thế gian còn thông suốt, chứ nếu luận về Phật pháp là điều chúng nó không biết, nên sẽ coi chuyện luyện đan, vận khí là Phật pháp, hoặc ăn trộm nghĩa lý kinh Kim Cang, nói nhăng, nói cuội, không thể chỉ ra con đường liễu sanh tử cho con người được. Lại hoặc là bịa đặt đồn thổi, dùng những lời lẽ loạn xạ thất điên bát đảo, khiến cho kẻ vô tri tưởng là bí quyết, há chẳng đáng buồn quá sức ư? Đối với chuyện khuyên lơn quyên góp làm những hành động tốt đẹp thì cầu cơ có ích, nhưng hỏi đến tu trì, nói đến Phật pháp thì lại có hại. Vì linh quỷ phần nhiều chẳng thông hiểu Phật pháp nên mù quáng bịa chuyện, hoại loạn Phật pháp, khiến chúng sanh bị lầm lạc, nghi ngờ. Ông Tôn Thương ở Phụng Hóa, tự là Ngọc Tiên (tuổi chừng tám mươi), rất mê cầu cơ. Bảy năm trước, nói Ngọc Đế thoái vị, Quan Đế là Ngọc Đế mới, đã mở khoa thi. Trạng Nguyên là ông Châu X… ở Kim Hoa, Bảng Nhãn là Dương Chương Phủ ở Vô Tích, Thám Hoa là ông Hứa Chỉ Tịnh ở Bành Trạch. [Ông Tôn] gởi thư cho họ Châu, họ Châu mừng lắm, tuổi đã cao, tám mươi tuổi rồi vẫn tới Thượng Hải họp mặt. Ông Dương cũng rất tin cầu cơ, chẳng biết trả lời như thế nào, liền gởi thư cho ông Hứa Chỉ Tịnh, ông Hứa trọn chẳng trả lời một chữ nào. Ông ta nhiều lần gởi những bài giáng cơ [cho ông Hứa], nhưng [ông Hứa] trọn chẳng phúc đáp. Về sau, không làm cách nào được, lại gởi thư nói: “Tôi đã nhiều lần gởi sách, nhưng trọn chẳng trả lời, chắc là nghe lời pháp sư Ấn Quang không tin cầu cơ! Tôi từng hỏi Lã Tổ[1], Lã Tổ nói: ‘Sắt ở đáy biển’, sao ông lại tin lời thầy ấy?” Ông Hứa vẫn không trả lời thư. “Sắt ở đáy biển” là vĩnh viễn chìm trong biển khổ, không có ngày ngoi lên được. Ông Tôn đỗ Tiến Sĩ, cũng là người ưa làm lành, tri kiến như thế đó, chẳng thể dùng lý để khuyên dụ được.

Thư gởi đến, đâu cần phải đặc biệt dùng giấy vàng, chỉ chớ nên dùng giấy trắng ngần để khỏi bị lóa mắt mà thôi! Nay đem hai danh sách người quy y và cúng tiền viết vào mặt sau lá thư gởi lại, mong rằng khi sách Kỹ Lộ Chỉ Quy gởi đến hãy khéo chiếu theo số tiền, dựa theo ý muốn của từng người để chia ra gởi tặng. Hiện nay thời cuộc nguy hiểm, hãy nên dạy hết thảy mọi người đều cùng niệm Phật và niệm thánh hiệu Quán Âm để dự phòng. Nếu chịu chí thành thường niệm, ắt sẽ được gia bị. Dẫu đại kiếp khó tránh, mọi người đều chết sạch, người niệm Phật sẽ sanh về Tây Phương. Hoặc nếu như tín nguyện chưa đến mức chân thành, thiết tha, cũng phần nhiều sanh vào đường lành. Chớ nên nói: “Chẳng thể tránh khỏi số kiếp, niệm chỉ uổng công thôi!” Phải biết sự sướng hay khổ phải chịu trong đời này chính là do cái nhân thiện hay ác đã tạo trong đời trước chiêu cảm. Cái nhân đã gây trong đời này lại là cái nhân cho quả báo thiện hay ác sẽ phải hứng chịu trong đời sau! Lấy niệm Phật làm nhân thì sanh về Tây Phương; lấy giết, trộm, dâm làm nhân thì đọa trong tam đồ. Đấy chính là lý – sự nhất định.

Sách Vật Do Như Thử[2] (loài vật còn như thế) đã sửa đổi theo thứ tự khác, sắp xếp thành một quyển, mười bốn tấm gương [hiếu nghĩa của loài vật] được xếp nối tiếp nhau, đỡ tốn giấy rất nhiều. Sửa thành bản chữ lớn “tam hiệu tự”[3], mỗi trang mười hai hàng, mỗi hàng ba mươi hai chữ, sẽ in ba vạn bản. Đợi đến khi in ra sẽ gởi đến bao nhiêu đó gói sách. Đây là do một đệ tử người huyện Vĩnh Xuân, tỉnh Phước Kiến, đang buôn bán tại Tân Gia Ba gởi về một ngàn sáu trăm đồng, phỏng chừng số tiền ấy đủ cho chi phí ấn tống, nhưng không đủ, phải bù thêm chút ít bao nhiêu đó tiền. Sách này không nói về kiêng giết, nhưng thật ra là sách trọng yếu về kiêng giết. Người có lòng lo cho người khác thấy loài vật hiếu hữu, trung nghĩa, trinh liệt, từ ái v.v… ắt sẽ bị cảm động, ai nấy trọn hết thiên chức của chính mình, lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” để mong sao chẳng bị loài vật xem thường. Loài vật còn như thế, há ta thua kém chúng? Phải gắng sức sốt sắng thực hiện ngõ hầu khỏi bị hổ thẹn! Đối với lý sâu trong Phật pháp, ông Từ Bạch Phảng[4] tà – chánh chẳng phân. Trong sách này chỉ chép những đức tốt hạnh đẹp của loài vật, có ích lớn lao cho đời. Quang có viết lời tựa, nếu chịu đọc kỹ sẽ không mong cầu [mà tự nhiên] học thánh, học hiền, học Phật, học Tổ vậy!

2) Thư hôm mồng Bảy cho đến chiều ngày hôm qua là Mười Sáu mới nhận được, do ở nơi có chiến tranh, giao thông bị gián đoạn mà ra. Pháp danh của mười tám người xin quy y được viết riêng trong tờ giấy khác, mong hãy chia ra gởi đi. Hãy nên bảo bọn họ ai ấy giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Chớ nên cầu phước báo nhân thiên, phàm phu có phước ắt tạo sát nghiệp! Đã tạo sát nghiệp, khó tránh khỏi sát báo (quả báo do giết hại), huống chi kẻ có phước chẳng phải chỉ tạo sát nghiệp ư? Do vậy, kẻ cầu phước chính là cầu họa cho cả mình lẫn người! Người học Phật không thể không biết nghĩa này!

Ông [Lý] Đức Minh xin mọi người niệm Quán Âm, mỗi người niệm mười vạn câu, phóng sanh một trăm vạn [sanh mạng] để mong tiêu diệt sát kiếp. Đây cũng là công đức không gì lớn hơn. Nhưng hãy nên thường niệm Quán Âm suốt đời. Phàm những người gia nhập hội ai nấy kiêng giết, ăn chay thì mới là biện pháp triệt để. Nếu không, bữa nay bỏ tiền ra mua một số con vật đem thả, nhưng hằng ngày lại mua sanh vật về tự giết, hoặc là mua từ chỗ người ta giết đem bán thì vẫn là một bữa nóng, trăm bữa lạnh, làm sao có thể tiêu trừ sát nghiệp đời trước đời này của mình lẫn người cho được? Phóng sanh là cách để đề xướng kiêng giết, ăn chay; nếu chẳng chú trọng kiêng giết, ăn chay thì số được thả có hạn, số bị giết vô cùng!

Ngày Hai Mươi Tám tháng Sáu, Quang gởi thơ cho các tờ báo, tạp chí tại Thượng Hải cậy đăng quảng cáo Khuyên Khắp Đồng Bào Toàn Cầu Cùng Niệm Thánh Hiệu Quán Âm, mỗi tờ đăng mười ngày. Bản sao quảng cáo ấy gởi kèm theo thư này, do chiến sự ngăn trở chẳng biết ông đã thấy trên báo rồi hay chưa? Lại bảo Tào Hà Kính in năm mươi vạn tờ truyền đơn rộng bảy tấc, phát cho những cơ quan Phật học các tỉnh, chiến sự đã nổ ra, cũng khó thực hiện được ngay! Bài văn ấy chẳng chỉ dùng riêng trong thời chiến mà trong hết thảy mọi lúc đều dùng được! Ông nói đến chuyện nêu rõ sự bắt nguồn của chiến sự và đạo trọng yếu để tiêu diệt [chiến sự] thì Châu An Sĩ nói: “Nhân nhân tri nhân quả, đại trị chi đạo dã. Nhân nhân bất tri nhân quả, đại loạn chi đạo dã” (Người người biết nhân quả là đạo để đạt thái bình lớn lao. Người người chẳng biết nhân quả là đường lối đại loạn vậy). Bởi lẽ, biết nhân quả sẽ xử sự thuận theo thiên lý, ăn nói thuận theo lòng người, do đâu mà có chuyện chiến tranh cho được?

Nếu khinh rẻ các thứ hàng hóa của nước nhà, quý trọng các món hàng nhập cảng, tiền tài của cả nước đều bị chở hết ra ngoại quốc, đấy chính là “chẳng noi theo thiên lý, chẳng thuận theo lòng người” rất lớn, khiến cho kẻ khác dùng tiền tài của chính ta để chế tạo súng ống đánh ta! Do vậy, biết rằng: Những kẻ ưa dùng hàng hóa ngoại quốc đều chẳng thể không gánh lấy cái tội vời người khác đến đánh ta! Từ nay trở đi, hãy thống thiết sửa đổi lỗi trước, học theo Cam Địa[5] (Gandhi) chẳng dùng hàng ngoại quốc, thì tiền của ít bị thất thoát, đất nước giàu mạnh. Lời lẽ này tựa hồ viễn vông, nhưng thật ra quan trọng tột bậc!

Phải biết: Kẻ hiểu nhân quả khi khởi tâm làm việc chỉ sợ mắc phải tội khiên, ắt sẽ sốt sắng hành tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, suy xét cùng tột tám việc “cách vật, trí tri, chánh tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, dẫu là trùng, kiến cũng chẳng dám giết. Kẻ không biết nhân quả tự giết cha mẹ, còn tự khoe công, cực lực đề xướng chuyện biến con người thành loài thú, tính làm cho người trong cả thiên hạ trọn chẳng khác gì cầm thú thì tâm họ mới yên vui, sung sướng! Nhân quả chính là phương tiện lớn lao để thánh nhân trị thiên hạ, để Phật độ thoát chúng sanh. Nếu bỏ nhân quả thì thánh nhân, Phật, Bồ Tát cũng không bày ra cách nào khác được! Hiện nay đã loạn đến cùng cực, mong tưởng cứu vãn thì phải chuyên chú nơi sự giáo dục trong gia đình và nhân quả báo ứng. Lúc con cái mới vừa hiểu biết, mới bắt đầu học nói liền đem những sự lý nhân quả báo ứng v.v… khéo léo khuyên dụ dần dần để un đúc, ngõ hầu chúng sẽ tin sâu nhân quả báo ứng chẳng sai sót mảy may. Đấy chính là căn bản để đạt đến bình trị, dứt trừ tai nạn vậy. Đừng cho đó là chuyện viễn vông rồi coi thường thì may mắn lắm thay!

***

[1] Lã Tổ: Tên thật là Lã Nham, là một vị đạo sĩ nổi tiếng sống vào cuối đời Đường, đầu thời Ngũ Đại, được xếp vào Bát Tiên, hiệu là Thuần Dương Tử, tên tự là Động Tân. Tương truyền, ông sanh vào cuối đời Đường, từng đi thi nhiều lần, nhưng không đậu, trong quán trọ gặp được ẩn sĩ Chung Ly Quyền điểm hóa bằng cách cho một cái gối, bảo kê đầu nằm ngủ. Lã Nham nằm ngủ, mơ thấy mình đậu Trạng Nguyên, làm quan đến tột phẩm, nắm quyền Tể Tướng, rồi về sau bị gian thần gièm pha, bị lôi ra pháp trường chém đầu, sợ quá tỉnh dậy thì ra chủ quán đang nấu nồi cháo kê vàng vẫn chưa chín. Bao nhiêu chuyện xảy ra trong năm mươi năm, chỉ là một giấc mộng trong mấy phút (do truyền thuyết này nên có điển tích văn học “hoàng lương mộng”). Ông Lã tỉnh ngộ, theo Chung Ly Quyền tu tiên. Lã Đồng Tân đề xướng nhiều biện pháp tu Nội Đan quan trọng nên rất được Đạo gia đề cao. Đến đời Nguyên, năm 1269, Nguyên Thế Tổ sắc phong cho Lã Đồng Tân đạo hiệu Thuần Dương Diễn Chánh Cảnh Hóa Chân Quân, rồi Thuần Dương Diễn Chánh Phù Hựu Đế Quân. Do Vương Triết (tức Vương Trùng Dương), sáng tổ Toàn Chân Giáo, tự xưng ông ta đã được chính Lã Động Tân đích thân truyền đạo, xưng tụng họ Lã là Tổ Sư khai đạo, nên từ đó, Lã Động Tân thường được gọi bằng danh xưng Lã Tổ, hay Thuần Dương Tổ Sư. Tương truyền, sách Công Quá Cách cũng do Lã Tổ truyền dạy.

[2] Vật Do Như Thử là một tác phẩm tập hợp những chuyện tình nghĩa, nhân ái, đạo đức trong giới động vật như quạ biết tha mồi về phụng dưỡng mẹ già v.v.. Tác phẩm này do Từ Khiêm biên soạn vào đời Thanh.

[3] “Tam hiệu tự” là một lối in với kích cỡ chữ khá lớn, tương đương với font chữ size 32 trong bản in bằng máy vi tính hiện thời.

[4] Bạch Phảng là tên tự của Từ Khiêm. Ông này cũng là tác giả cuốn Hải Nam Nhất Chước, rất mê cầu cơ. Ông này đã được Tổ Ấn Quang nhắc đến trong thư số 75, tức thư trả lời cư sĩ Giang Cảnh Xuân

[5] Mohandas Karamchand Gandhi (1869-1948) là một chính trị gia và lãnh đạo tinh thần của Ấn Độ, có công hướng dẫn dân Ấn đấu tranh bất bạo động giành độc lập cho Ấn Độ từ tay Anh quốc. Ông thường được gọi là Mahatma Gandhi. Từng tốt nghiệp Luật Sư, ông đã áp dụng sự đối kháng hòa bình vào cuộc đấu tranh tại Nam Phi. Trong vai trò lãnh đạo đảng Quốc Đại Ấn Độ (Indian National Congress), với chủ thuyết bất bạo động, ông đã liên kết được mọi phần tử khác biệt chính kiến, tôn giáo, giai cấp trong xã hội Ấn Độ để chung sức tranh đấu cho nền độc lập nước nhà. Tuy thế, khi Ấn Độ giành được độc lập, do sự bất đồng chính kiến và tranh giành quyền lực giữa những phe phái tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo, Pakistan đòi tách khỏi Ấn Độ. Một tín đồ Ấn Giáo cuồng nhiệt thuộc nhóm quá khích Ấn giáo Mahsabha là Nathuram Godse đã ám sát Gandhi vì cho rằng chính ông ta đã nhu nhược nhượng bộ trước sự đòi hỏi phân ly của Pakistan. Gandhi từng chống đối hàng nhập cảng của Anh, nên đã hướng dẫn một đoàn người đi bộ ra tận biển khơi lấy nước biển làm muối khi thực dân Anh đánh thuế muối, cũng như tự quay xa, kéo sợi dệt vải lấy để khỏi phải dùng vải nhập từ Anh.