Thư trả lời cư sĩ Giang Dịch Viên (bốn lá thư)

(năm Dân Quốc 25 – 1936)

(Lúc ấy ông ta còn chưa mê tín chuyện cầu cơ. Đọc bốn lá thư này sẽ biết trình độ Phật pháp của ông Giang. Lão nhân (tức tổ Ấn Quang) đã khuyên lơn, chỉ dạy như thế mà vẫn chẳng thể lãnh hội đôi phần thì đủ thấy rõ ràng [trình độ Phật học của ông Giang như thế nào rồi]! Người sao lục ghi)

1) Những điều đã nói trong thư gởi đến thật là thiết yếu, nhưng điều cần phải chú ý từ đầu đến cuối là nhân quả, luân hồi và giáo dục trong gia đình. Giáo dục trong gia đình thì mẹ dạy con là quan trọng nhất. Nếu lúc con cái vừa mới hiểu biết, mẹ liền đem nhân quả báo ứng và sự lý làm người ra giáo huấn, khi lớn lên sẽ biết tốt – xấu, chẳng bị ác đảng, tà thuyết mê hoặc, sẽ trở thành hiền nhân, thiện nhân. Nếu lúc nhỏ mặc cho nó kiêu ngạo thành thói, lớn lên không tự chủ được, sẽ ngả theo tà thuyết, muốn quay lại đường chánh thì trăm kẻ khó thể được một! Trong lúc hiện nay, nếu chẳng lấy nhân quả báo ứng làm thuốc chuyên trị để cứu nước cứu dân, dù có làm gì đi nữa, vẫn chẳng có hiệu quả lớn lao cho được! Do bọn họ chẳng chú trọng thực hành, chỉ là dùng lời nói xuông bày vẽ cho xong chuyện. Nhân quả chính là cách để trị cả gốc lẫn ngọn. Phàm phu sơ phát tâm, Như Lai thành Chánh Giác đều chẳng ra ngoài nhân quả. Kẻ cuồng coi nhân quả là Tiểu Thừa rồi khinh miệt, tự tiện buông lung, làm ác chẳng kiêng dè, và thơn thớt nói xuông những lời lẽ lớn lối!

2) Sách Các Xứ Giảng Diễn Lục[1] (Tập sách ghi chép những bài diễn giảng tại các nơi) nghe nói đã in rồi. Quang mục lực quá yếu, để viết gởi đi và trả lời hai lá thư này, phải dùng cả kiếng lão lẫn kiếng lúp mới thấy được lờ mờ; do vậy, chẳng thể can dự vào [việc giảo duyệt] tập sách Giảng Lục được! [Đối với danh vị] Xã Trưởng Phật Quang Xã của Trương Sư Từ, Quang chỉ mang tiếng xuông, chứ đối với việc giảng diễn, đề từ, ghi lời bạt, sức chẳng thể kham được! Bà tiết phụ họ Trương dùng Đại Tạng Kinh làm pháp bảo trấn môn để lợi sanh của Phật Quang Xã, công đức ấy khiến cho chính bà được tăng cao phẩm sen, cháu bà ta là Thận Tu liền được khỏi bệnh đờm.

Nay gởi cho Thận Tu và lệnh ái[2] Hữu Trinh mỗi người một bao tro hương Đại Bi. Tro này đã gia trì hơn ba tháng rồi. Mỗi ngày nếu ít thì tụng năm mươi biến, nhiều thì bảy mươi lăm biến. Đựng trong thùng bánh quy to, mỗi thùng khoảng hơn mười cân[3]. Phỏng tính đã trì tụng chú Đại Bi đến sáu bảy ngàn biến. Một bao tro này có thể dùng để pha nước được khoảng hai ba trăm lần. Pha lần đầu nên dùng một phần hai mươi [lượng tro ấy] bỏ trong chén lớn, dùng nước sôi để hòa, khuấy lên, đợi cho chất tro lắng xuống, đem nước ấy đổ vào trong bầu hay trong bình, mỗi ngày uống ba lần. Hãy nên ăn chay, thường niệm thánh hiệu “Nam-mô Quán Thế Âm” ắt sẽ có công hiệu thần diệu. Sau khi bệnh lành hẳn rồi, nên pha ít đi, không cần phải uống một phần hai mươi giống như trước nữa. Nếu không tin, không chí thành sẽ vô hiệu!

Người phú quý lắm bệnh, một là vì chẳng chịu cất tay nhắc chân làm chuyện gì, huyết mạch không thông suốt; hai là vì ăn nhiều các món huyết nhục, nếu gặp phải món có chất độc thì họa hoạn chẳng nhỏ, không chừng bị mất mạng! Dẫu là con vật không độc, nhưng do lúc nó bị giết, hận tâm kết lại, nên [thịt nó] có độc tánh. Tuy chẳng có tác dụng giết chết người ngay lập tức, nhưng chất độc tích lại lâu ngày, ắt sẽ phát ra thành ghẻ, thành bệnh. Bà Trầm nhà họ Trương chịu để cho Thận Tu kiêng giết, ăn chay thì bệnh đờm sẽ được lành ngay! Số tro còn dư nên để thờ ở phía dưới khám thờ Phật hoặc treo nơi cao ráo, sạch sẽ, để phòng khi bất ngờ cần đến và tùy tiện dùng để cứu giúp những chứng bệnh nguy hiểm, chớ nên khinh lờn! Chất tro đã đem dùng để hòa nước xong, hãy nên trộn với nước trát lên nóc nhà để tỏ lòng kính trọng. Đây chính là “nước Đại Bi khô”[4] có thể gởi đi phương xa, có thể giữ lâu năm được. Ở chỗ ông, nếu không phải là chứng bệnh cực nguy hiểm, đừng đem cho!

Hàng tôi tớ phần nhiều không biết tốt – xấu, làm lụng trong nhà giàu có hay nhà người khác, chẳng biết quý tiếc gạo thóc, vật dụng, đấy chính là chuyện hao phước, tổn thọ, hằng ngày chẳng biết [làm như vậy] bao nhiêu lần! Gần đây, nghe ông Tào Tung Kiều nói: “Có một tiên nhân dựa vào thân người khác để chẩn bệnh, một bà vú thuộc một nhà giàu có nọ, gần như bán thân bất toại cũng đến xin xem bệnh. Bà ta chưa đến trước mặt, tiên nhân đã nói: ‘Ngươi khỏi đến! Ngươi phung phí cơm gạo, thức ăn của chủ nhân quá nhiều, chẳng bao lâu nữa toàn thân sẽ điên cuồng, tê liệt mà chết!’ Nên đem lời này kể với hai cô con gái [Hữu] Trinh và Chiêu Nga của ông để họ biết mến tiếc đồ vật của chủ nhân, vun bồi phước thọ của chính mình, cũng như có thể đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh.

Mấy hôm trước, ông Phí Phạm Cửu tới đây, cho biết Hiếu Nhược và con gái ông ta là Sán Vũ chết hết sức thê thảm. Cư sĩ Dịch Viên khuyên nhà họ làm công đức siêu độ, do đấy bèn bỏ ra bốn trăm đồng, đem hai trăm đồng giao cho Quang để in sách thí tặng giùm cho họ, hai trăm đồng nhờ Linh Nham đả Phật thất. Ngay khi ấy, liền bảo ông Trần Thự Đình thuộc Hoằng Hóa Xã hãy gởi thư cho Dịch Viên nói Quang đã dùng hết số tiền hai trăm đồng để gởi sách cho họ Giang ngõ hầu ông ta tùy cơ thí tặng. Nên gởi loại sách nào nhiều, loại nào gởi ít, đợi khi Giang cư sĩ gởi thư đến sẽ gởi đi. Dùng tiền tài của nhà họ Trương để làm lợi người làng họ Trương, vô cùng ổn thỏa, chẳng biết thư đã gởi tới hay chưa?

Đến tối, Quang có ý lập cho Hiếu Nhược, Sán Vũ mỗi người một bài vị, hai người tổng cộng là một trăm đồng, dùng một trăm đồng để đả Phật thất. Tính sáng hôm sau khi ông Phí lên núi sẽ nói. Sau bữa điểm tâm sáng hôm sau, hỏi đến thì ông ta đã đi rồi, chẳng thể trở về trong một hai ngày được, chỉ đành để ông ta đi thôi. Bài vị ở Linh Nham đặt trong Niệm Phật Đường, suốt năm được Phật hiệu ngầm huân tập, so với những chỗ khác thờ trong căn phòng lạnh lẽo, hết sức khác biệt! Tất cả mỗi người cúng dường ba mươi lăm đồng, không cần gởi đến nữa, hãy dùng để chi tiêu cho Phật Quang Xã. Quang mang tiếng Xã Trưởng xuông, cũng chẳng thể không đem công đức của người khác để thay cho người khác làm chuyện công đức.

3) Thư lần trước và một gói sách nhỏ đã nhận được rồi. Ba mươi lăm đồng vốn tính gởi về cho Phật Quang Xã chi dụng, hôm qua nhận được thư và thông báo từ ngân hàng, mới biết [thư từ trao đổi giữa] đôi bên đều đến trễ quá! Tới chiều, ông Thành Dực Thanh đến, nói Giang Tô bị thủy tai nặng nhất trong cả nước. Ông này là môn sinh của Phùng Mộng Hoa, Vương Ấu Nông, nhiều năm lo liệu việc phát chẩn, khá có tiếng tăm. Quang bèn lấy ba mươi lăm đồng đó, lại thêm vào năm đồng, thành ra bốn mươi đồng, giao cho ông Thành. Ông ta hỏi biên nhận đề tên ai, Quang nói: “Giữa ông và tôi cần gì biên nhận?” Ông ta đáp: “Phải giao cho hội tính sổ”. Quang nói: “Tùy ý ông đề tên Dịch Viên hay Ấn Quang đều được!” Thư trước cho biết Phí Phạm Cửu đã đi Linh Nham, chưa gặp mặt Quang, ba hôm sau trở về, ngủ lại một đêm, sáng sớm hôm sau hỏi đến, ông ta đã đi rồi! Phàm mọi chuyện đều có nhân duyên, chẳng thể miễn cưỡng. Hết thảy tùy duyên, chớ nên bận lòng vì đó, bận lòng sẽ đâm ra bị mệt mỏi, cho nên chẳng bằng tùy duyên sẽ giải thoát hơn!

4) Bài Đại Học Tụng giải thích về Quán, về Chỉ chẳng thích đáng lắm. Thầy Đức Sâm nói: “Đối với Tục Đế trong Tam Đế và Giả Quán trong Tam Quán dường như cư sĩ chưa hiểu sâu xa”; do vậy liền mở trang đầu của sách Giảng Diễn Lục đã in lần trước ra xem. Những điều được nói [trong trang sách ấy] tuy có đạo lý, cũng có thể dẫn dắt người khác tiến vào chỗ thù thắng, nhưng đối với thật nghĩa của Không và Giả, chưa hoàn toàn phù hợp khít khao!

Tam Quán, Tam Đế chính là cương yếu của Phật pháp. Nói theo lý tánh thì gọi là Đế, Đế tức là Lý. Nói theo mặt tu trì thì gọi là Tam Quán, Quán tức là Tu. Chân Đế: Một pháp chẳng lập, Tục Đế: Vạn pháp trọn đủ! Quán cái lý nơi Chân Đế thì gọi là Không Quán. Quán cái lý nơi Tục Đế thì gọi là Giả Quán. Không Quán chính là quán Chân Như Pháp Tánh “một pháp chẳng lập”, điều này chính là cái Không “chẳng có cả Không lẫn Hữu”. Đấy chính là tướng Không trong “chư pháp Không tướng” của Tâm Kinh. Chẳng những Sắc Không, Không Không, mà Bồ Đề, Niết Bàn cũng không, nếu có một pháp nào chẳng không sẽ chẳng thể gọi là Chân Không. Cái không này của Không Quán trong Tam Quán sao có thể hiểu là “muôn sự chẳng quan tâm, chẳng làm” cho được? Tục của Tục Đế chẳng phải là tục theo kiểu thô tục hay nhã tục, mà do vì tạo dựng, đặt bày nên gọi là Tục. Giả cũng chẳng phải là giả trong Chân – Giả (thật – giả), mà cũng là cái giả của sự tạo dựng, đặt bày. Phép quán nhằm quán lý của Tục Đế được gọi là Giả Quán vì tánh thể của Chân Đế là “chẳng lập một pháp” nhưng có công đức trọn đủ sáu độ, vạn hạnh, các pháp toàn vẹn. Đây chính là “chư pháp” trong câu “chư pháp Không tướng” (tướng Không của các pháp) của Tâm Kinh, sao lại coi đó là phàm phu cho được? Phàm phu thuộc về hai đế Khổ và Tập, còn Không và Giả đây thuộc đạo lý viên diệu của Viên giáo, Nhị Thừa còn chẳng có phần, huống gì phàm phu?

Hơn nữa, trang ba mươi nói đến chuyện cậy vào tự lực, dùng tự lực để tu đạo, từ nhân gian sanh lên cõi trời cho đến Vô Sắc Giới Thiên, gọi đó là “thụ xuất tam giới” (vượt tam giới theo chiều dọc). Câu nói này cũng không trọn vẹn! Cậy vào tự lực thì phải đoạn hết sạch Kiến Tư phiền não trong tam giới, hàng lợi căn có thể đoạn được ngay trong đời này, còn độn căn thì trước hết phải đoạn phiền não trong Dục Giới, sanh lên Sắc Giới. Kế đó, đoạn phiền não trong Sắc Giới, sanh lên Vô Sắc Giới. Mãi cho đến khi đoạn hết sạch phiền não trong Vô Sắc Giới, chứng Chân Đế Niết Bàn, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh vậy! Chư thiên trong tam giới ngoại trừ các vị đại Bồ Tát thuộc Đâu Suất Nội Viện (sanh về Nội Viện[5] đều là Pháp Thân đại sĩ) và tam quả thánh nhân thuộc năm tầng trời Bất Hoàn (Ngũ Bất Hoàn Thiên) là Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Kiến, Thiện Hiện, Sắc Cứu Cánh thì đều là người trong lục đạo luân hồi, chẳng thể coi sanh lên Vô Sắc Giới Thiên là đã thoát tam giới! Uất Đầu Lam Phất[6] tu Phi Phi Tưởng Định trong núi non, lũ chim làm ồn, chẳng thể đắc Định, dời sang bờ biển, cá lớn trong biển đánh nhau chẳng thể đắc Định; do vậy, sanh phẫn hận, có ý niệm giết sạch chim và cá. Về sau, [tu] Định thành tựu, sanh lên trời Phi Phi Tưởng, thọ tám vạn đại kiếp, sau khi hết phước trời, đọa làm con phi ly (chồn bay), vào rừng ăn chim, xuống nước ăn cá! Vì thế, phải phân biệt sự khác biệt giữa chuyện sanh lên trời do y theo Phật pháp tu trì đoạn Hoặc chứng Chân và chuyện sanh lên trời do tu phước thế gian hay tu Thiền Định thế gian để người đọc chẳng đến nỗi hiểu lầm! (Sách Giảng Diễn Lục hoàn toàn do Trần Thự Đình giảo chánh, đối chiếu, lo liệu lưu thông)

***

[1] Đây là cuốn sách tập hợp những bài giảng về Phật pháp của Giang Dịch Viên, do cư sĩ Thôi Chú Bình ghi chép lại, Trần Thự Đình giảo chánh và ấn hành.

[2] Lệnh ái: Tiếng gọi con gái người nhằm tỏ ý tôn trọng.

[3] Cân là một đơn vị đo lường trọng lượng đã có từ thời cổ, định lượng không đồng, mỗi đời mỗi khác. Thời Hán một cân chỉ là 200 gr. Qua mỗi đời, Cân nặng dần lên, đến đời Thanh, một cân khoảng 590 gr. Hiện thời, Đài Loan quy định một cân là 600 gr, tại Hoa Lục là 500 gr, riêng Hương Cảng là 604,79 gr.

[4] Tổ Ấn Quang thường trì chú Đại Bi vào nước, gọi là Đại Bi Thủy, hoặc trì chú vào gạo cho người bệnh nấu cơm ăn gọi là Đại Bi Phạn. Để tiện gởi đi xa, Tổ trì chú vào tro hương, để người nhận đem tro hòa nước uống, giống như uống Đại Bi Thủy vậy.

[5] Nội Viện chính là Thiện Pháp Đường của tầng trời Đâu Suất, do đại thần Lao Độ Bạt Đề kiến tạo, là trụ xứ của Bồ Tát Di Lặc. Tất cả các vị Phật thị hiện trong Sa Bà đều trụ tại Đâu Suất Nội Viện trước khi giáng sanh trong nhân gian. Các phàm thiên không thể nào thấy được Đâu Suất Nội Viện.

[6] Uất Đầu Lam Phất (Udraka Ramaputra), còn được phiên âm là Úc Đầu Lam Phất, hay Ưu Đà La Ca La Ma Tử, là một vị tiên nhân nổi tiếng, thành tựu Phi Phi Tưởng Định, đắc Ngũ Thông. Khi đức Phật vượt cung xuất gia từng đến tham học với ông này. Trong kinh Niết Bàn, đức Phật đã cho ông Tu Bạt Đà biết về kết cục của Uất Đầu Lam Phất: bị đọa làm con chồn bay sau khi hưởng hết phước trời.