Thư chỉ dạy cư sĩ Sài Dã Ngu

(pháp danh là Trí Thao)

Ai cũng đều có thể làm Nghiêu, Thuấn, ai nấy đều có thể thành Phật. Chỉ là “thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm sẽ thành thánh. Hễ mê thì Phật là chúng sanh, hễ ngộ thì chúng sanh là Phật”. Hãy cầu theo đó, mấu chốt tại ta. Do vậy, cố nhiên hãy nên trên kính mộ chư thánh, dưới coi trọng linh tánh của chính mình, dè dặt, kiêng sợ, gắng sức, phẫn chí tu trì. Sốt sắng vâng giữ luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, sáng dậy tối ngủ chẳng khiến người sanh ra ta phải hổ thẹn. Người làm được như thế chính là hiền, là thiện, chẳng đến nỗi nhơ nhớp trời đất. Lại còn sanh tín phát nguyện trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương để mong đích thân chứng được Phật Tánh sẵn có, viên thành vô thượng Bồ Đề mới thôi.

Đại trượng phu sanh trong thế gian, nếu chẳng biết đại thể, chỉ biết ham mê ăn uống, nam nữ, tham cầu thanh sắc, của cải, lợi lộc thì có khác gì các dị loại, nỡ để tư cách “có thể trở thành Nghiêu – Thuấn, có thể thành Phật” biến thành căn cứ để luân hồi kiếp số dài lâu trong lục đạo, chịu đủ mọi nỗi khổ, chẳng đáng buồn ư? Ông đã phát tâm quy y Tam Bảo, hãy nên lấy “niệm niệm đối trị phiền não tập khí làm gốc, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ lòng ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục cái lễ, sửa ác tu thiện, giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, tu ròng Tịnh nghiệp” để tự hành, dạy người, ngõ hầu trong là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, ngoài là họ hàng, bè bạn, xóm giềng, làng nước đều cùng được tưới gội bởi sự giáo hóa của Phật, cùng trở thành người lành thì mới chẳng uổng cuộc đời này và dịp gặp gỡ này.

Sách Trung Dung nói: “Nhân giai viết dư trí, khu nhi nạp chư cổ, hoạch hãm tịnh chi trung, nhi mạc chi tri tỵ dã” (Con người ai cũng tự cho là mình thông minh, nhưng nếu thân bị hãm vào lưới rập, sụp hầm bẫy, chẳng biết tránh né ra sao)[1]. Do chỉ biết hướng ra ngoài theo đuổi, chẳng biết hồi quang phản chiếu nên mới tai hại như thế. Nếu có thể phản chiếu tự tâm, ẩn giấu cái trí để mong tự chiếu thì sẽ có thể học thánh, học hiền, học Phật, học Tổ, ắt còn sống thì dự vào bậc thánh hiền, mất sẽ lên cõi Cực Lạc. Đấy chính là đại ý của cái tên Quang đặt cho ông vậy. Lại chỉ vì “thánh đánh mất ý niệm bèn thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành thánh, mê thì Phật là chúng sanh, ngộ thì chúng sanh chính là Phật”. Bốn câu này nếu chẳng khéo hiểu chắc sẽ đến nỗi nẩy sanh nghi ngờ, bàn luận sai lầm. Nay sẽ giải thích đại lược: Thoạt đầu nói đến thánh hay Phật đều là ước theo bản thể của tự tâm mà nói, chứ không phải là đã thành thánh hay thành Phật! Kế đó, nói đến “đánh mất ý niệm, khắc chế ý niệm, mê, ngộ” chính là luận trên sự tu trì, rèn luyện thuận hay nghịch. Cuối cùng, nói “thành cuồng, thành thánh, tức là chúng sanh, tức là Phật” chính là nói đến hiệu quả ước theo sự tu trì nghịch hay thuận. Nếu chẳng biết Phật và Thánh được nói trong phần đầu là nói theo bản thể của cái tâm, sẽ tưởng là đã thành thánh, thành Phật lại còn trở thành cuồng, thành chúng sanh thì tai hại lớn lắm! Do vậy, chẳng thể không giảng đại lược cho ông. Những điều khác hãy đọc kỹ trong Văn Sao, tự đọc sẽ biết hết!

***

[1] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích. Theo sách ấy, chữ Chư (諸) ở đây chính là cách viết giả tá của chữ Ư (於).