THƠ XUÂN QUA CÁCH NHÌN PHẬT GIÁO
Viên Thắng

 

Xuân đi, xuân lại trở về
Dòng đời xoay chuyển không hề lặng yên…

Thật vậy, dòng thời gian cứ mãi trôi đi, mọi vật biến chuyển không dừng, tạo nên sự sống nhộn nhịp. Bởi vì, con người và sự vật không thể tách rời thế giới này nên bị chi phối theo thời gian và không gian; cho nên, Thiền sư Mãn Giác cũng nói:

“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa nở,
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi1…”

Theo quy luật tuần hoàn, khi mùa xuân qua đi thì hoa trên cây héo úa rồi rơi rụng. Nhưng khi mùa xuân đến thì cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở khoe sắc, tràn đầy sức sống. Nhìn cảnh vật làm cho con người hớn hở vui mừng, tràn đầy hy vọng sang năm mới mọi việc đều được tốt đẹp hơn, hạnh phúc viên mãn hơn. Thế nhưng, cảnh vật và con người thuộc pháp hữu vi nên bị chi phối theo định luật vô thường là sanh, trụ, dị, diệt. Do đó, các vị thiền sư tu hành chứng ngộ thấy rõ thật tướng các pháp, nên tâm các ngài tự tại an nhiên trước sự vô thường biến đổi, cho nên Thiền sư Vạn Hạnh có bài Kệ Thị Tịch:

“Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng,
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông2”.

Câu đầu tiên Thiền sư nói về thân phận con người mỏng manh như bóng chớp có đó rồi không. Câu thứ hai nói về cảnh vật thay đổi theo thời gian; mùa xuân đến thì cây cối xanh tươi, nhưng mùa thu sang thì lá trên cây vàng úa thi nhau rơi lả tả, chỉ còn cành cây trở trụi. Vì thấy rõ thân người và cảnh vật luôn thay đổi theo thời gian và không gian nên hai câu cuối Thiền sư bảo, mặc cho cuộc thịnh suy như giọt sương trên ngọn cỏ thì chẳng có gì mà sợ hãi.

Có lẽ Thiền sư Giác Hải cũng chứng nghiệm được điều này nên ngài chẳng bận lòng đến sự sanh diệt, đến đi của mùa xuân. Ngài sống tùy duyên hài hòa theo quy luật vận hành của vũ trụ, cho nên tâm ngài tự tại và an lạc trước sự sanh diệt của cuộc đời. Ngài cũng viết bài Kệ Thị Tịch để dặn dò các đệ tử:

Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn, hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,
Thấy hoa mặc bướm để lòng chi3.

Chúng ta thấy cái hay của các vị thiền sư, khi xuân đến các ngài vẫn vui xuân, cũng ngắm hoa thơm cỏ lạ, cũng thưởng thức tiếng chim hót véo von như mọi người, nhưng tâm các ngài không đắm vào cảnh vật, hay luyến ái vẻ đẹp. Bởi vì các ngài thấy rõ mùa xuân là một hiện tượng tự nhiên nằm trong dòng sanh diệt. Xuân đến thì đón chào, xuân đi thì tiễn biệt, chẳng có chi phải bận lòng:

Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng.
Chúa Xuân nay đã thành quen mặt,
Nệm cỏ ngồi yên, ngắm rụng hồng4.

Thật là an lạc và tự tại biết bao! Thật đúng theo tinh thần ‘tùy duyên mà bất biến, bất biến mà tùy duyên’. Xuân đến thì các ngài vẫn thưởng thức, nhưng cảnh đẹp của mùa xuân vẫn nằm trong pháp hữu vi bị chi phối sanh diệt, chỉ có tâm thanh tịnh hiện hữu mãi với thời gian mới thật sự là mùa xuân. Cho nên Thiền sư Mãn Giác nói:

“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai”.

Các vị thiền sư sống an lạc, tự tại giữa cuộc đời đầy dẫy biến động là như thế. Còn hàng phàm phu chúng ta luôn sống trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên luôn sợ hãi đau khổ. Cũng mùa xuân đến, nhưng các ngài thể hiện tâm an lạc. Còn thi sĩ bình thường không tu tập nội tâm, khi thấy mùa xuân đến và đi nhanh thì cho mùa xuân chỉ đem đến nhiều buồn rầu, khổ đau. Bài thơ Xuân của Chế Lan Viên là một minh chứng:

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!”

Bởi vì tâm hồn thi sĩ khát khao mùa xuân còn mãi để họ uống rượu, thưởng thức cảnh vật, rồi làm thơ, nên khi mùa xuân đến nhanh và cũng đi nhanh, họ cuống cuồng sợ hãi đau khổ. Ngay cả Xuân Diệu cũng từng hốt hoảng thốt lên:

“Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Và xuân hết nghĩa là tôi cũng chết”.

Đọc qua đoạn thơ chúng ta đủ biết thi sĩ có thể chết vì xuân. Khi mùa xuân đến thi sĩ biết mùa xuân sẽ đi, mùa xuân còn non rồi sẽ già, nên cố ôm giữ lại, nhưng quy luật tuần hoàn không cho phép họ đạt được điều đó nên đành bất lực, vô vọng và đau khổ.

Đến đây, chúng ta thấy rõ hàng thi sĩ bị “chấp ngã và chấp pháp” quá nặng, nhưng suy cho cùng vẫn không ngoài “tâm”. Chúng ta sống an lạc hay đau khổ đều do tâm mình tạo. Cũng một cảnh vật mùa xuân, nhưng với người đang tâm trạng vui vẻ thưởng thức cảnh xuân thì háo hức vô cùng. Còn kẻ đang thất tình tương tư thì thấy mùa xuân buồn bã, nên có thi sĩ viết:

“Vui xuân, vui khắp phương trời,
Buồn xuân riêng để cho người tương tư”.

Hàng phàm phu chúng ta mắc hai chứng bệnh nặng là chấp ngã và chấp pháp nên bị chướng ngại rất nhiều. Do đó, chúng ta là người học Phật, cố gắng thực hành theo lời đức Phật dạy, phá trừ hai thứ chấp này thì sẽ an lạc ngay trong cuộc sống hàng ngày. Làm được như thế thì chúng ta mới giữ tâm mình bình tĩnh trước mọi chuyện thị phi, khen chê, được mất, thăng trầm v.v… trong cuộc sống. Đó là chúng ta đạt được cảnh giới Niết bàn ngay hiện tại, như kinh Duy Ma Cật nói: “Tùy tâm mình tịnh thì cõi Phật tịnh”.