THẾ NÀO LÀ TINH TẤN?
(Thư Học Phật Số 109)
Btg Bảo Đăng
HỎI:
1.- Tại sao chúng tôi đã siêng cần niệm Phật, tinh tấn tu tập nhiều năm rồi mà vẫn đứng một chỗ không thấy có cảm ứng hay kết quả gì tốt hơn cả. Cầu điều gì cũng không được như ý, nên có hơi chán nản, không biết chúng tôi có gì sai trái không?
2.- Em luôn nghĩ rằng:
– Người sau khi chết, tùy theo số lượng nghiệp tốt hoặc xấu, ác hoặc thiện nhiều ít mà bị hút thẳng vào nơi thích hợp với hồn người đó, chứ vong linh không có sự lựa chọn muốn được đầu thai, lên Trời hoặc được theo Phật?
– Vì em thắc mắc khi thấy CÔ đã nhiều lần cứu độ, giải “oán nghiệp” cho vong linh được đi đầu thai, được lên Trời và được theo Phật!
ĐÁP câu hỏi 1:
Chư Tổ dạy:
– Người thường lười biếng phải lâm vào cảnh trụy lạc, tức là trầm luân. Vì vậy phải nên tinh tấn tu tập mới mong thoát khỏi 3 ác đạo, 6 nẻo luân hồi.
Sao gọi là dãi đãi? Sao gọi là tinh tấn?
Ví như có người vì tham mê ngũ dục quá, như là (tài, sắc, danh, thực, thùy) không biết đủ, nên làm ngày, làm đêm, đầu tắt mặt tối. Cứ như vậy làm suốt năm nầy tháng kia, không bao giờ biết chán, người đó có phải là TINH TẤN, SIÊNG NĂNG và CẦN MẪN không?
Tại sao làm hoài như vậy mà không được Phật gọi là tinh tấn?
Phật dạy: Chúng sanh đang sống trong cõi Ta Bà đây là cõi DỤC GIỚI. Do đó con người luôn có lòng tham quá nặng, quá sâu. Người nghèo tham đã đành, giàu bao nhiêu cũng không thấy đủ.
Trong kinh Phật dạy:
Tri túc chi nhân,
Tuy ngọa địa thượng.
Du vi an lạc,
Bất tri túc giả.
Tuy xử thiên đường,
Diệt bất xứng ý.
Nghĩa là:
Người biết đủ,
Dù nằm dưới đất,
Cũng vẫn an vui,
Người không biết đủ,
Dù ở trên trời,
Cũng không vừa ý.
Cho nên, người nào biết an phận, tùy duyên, dù trong mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng được an vui.
Trong kinh Phật dạy:
Nhược dục thoát chư khổ não,
Đương quán tri túc,
Tri túc chi pháp,
Tức thị phú lạc,
An ẩn chi xứ.
Nghĩa là:
Nếu muốn thoát mọi sự khổ não,
Cần phải quán pháp biết đủ,
Suy nghiệm hai chữ biết đủ,
Tức là giàu có,
An ổn nhất của con người.
(Bởi vì phương pháp quán xét hai chữ tri túc đây, hễ biết đủ thì sẽ không tham cầu, mà không tham cầu thì mới thoát khỏi mọi sự khổ não. Cho nên càng ao ước cho mình có được danh vọng cao chừng nào, là khổ chừng nấy. Người nào biết đủ, là thoát được mọi khổ não, tức là giàu có, an lạc, tự tại và yên ổn trong cuộc sống vậy).
Ngài Ấn Quang Đại Sư có dạy rằng:
Cơm rau đỡ dạ đói,
Lều cỏ che gió sương.
Người đời nếu BIẾT ĐỦ,
Phiền não chẳng còn vương.
Cho nên, khi chưa có, thì tham muốn, mong cầu để có. Khi mong cầu đã được rồi, phải lo nghĩ cách nào để giữ gìn, tính toán đủ cách lăng xăng, lo sợ không giữ được sẽ bị mất. Khi bị mất, lại còn khổ hơn gấp bội, buồn rầu, mất ăn, mất ngủ, có khi đau khổ quá không còn muốn sống nữa.
Còn như mong cầu không được thì cũng buồn khổ, chán nản, mất hết niềm tin, mất cả hy vọng lại càng khổ hơn.
Ba giai đoạn trên đều là KHỔ cả. (Chỉ có người không tham cầu chi hết, là không còn có cái gì làm cho mình phải khổ được cả).
Vì vậy, muốn được tinh tấn tu hành, thân tâm được an lạc, thì phải bỏ cái ý muốn tham cầu, không phải có nhiều mới hết khổ đâu. Càng tham thì càng bị hại, bị khổ.
Người Phật tử tu hành thông thường là nghèo. Vì chưa có, thì không tham cầu. Còn như đã có sẵn của cải thế gian, nên lo bố thí, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo khổ.
Nghèo mà không tham cầu, không buồn phiền, thì không bị hại. Là người hiểu được lý đạo, có tinh tấn, có siêng cần tu tập.
2 chữ TINH TẤN trong đạo Phật liên quan đến 4 pháp, gọi là:
TỨ CHÁNH CẦN ở trong 37 phẩm trợ đạo. Nó khác hơn cái siêng năng ở thế gian.
Tứ chánh cần là:
1. Điều THIỆN chưa sanh, phải siêng cần làm sao cho nó sanh khởi.
2. Điều thiện đã sanh rồi, thì cố gắng phát huy nó, làm sao cho nó tăng trưởng, thêm lớn lên, thêm rộng, thêm sâu thiết hơn.
3. Điều ÁC chưa sanh, phải thường kiểm soát, canh chừng để đè bẹp nó xuống, đừng cho nó sanh khởi.
4. Điều ác đã sanh rồi, thì phải chận đứng nó lại, cố gắng diệt trừ cho sạch hết điều ác.
Vì thế, người say mê “ngũ dục” thế gian, dù có làm cả ngày, cả đêm (24/24), cực khổ quá nhiều đi nữa, cũng không được gọi là “tinh tấn”.
Còn người cả ngày, cả đời, không thấy họ làm việc gì hết, không giành giật, không bon chen với đời, không tham cầu một việc gì cho bản thân, không thị phi thương ghét, đúng, phải, cùng sai, không tiền, không danh lợi. 24/24 suốt ngày, tháng, năm luôn tư duy những lời Phật, Bồ Tát, chư Tổ dạy, mà kiểm tâm mình từng giờ, từng phút, nếu như vừa khởi lên ý nghĩ điều gì không lành, như là:
– Ích kỷ, ganh tỵ, tâm niệm xấu xa, nghĩ ác, không thích người hơn mình, suy tính việc lợi mình, có hại cho người. Tham lam, dễ sân tức, say mê rượu chè, cờ bạc vv…thường ưa thốt ra lời nói ác, nói thêu dệt, nói hai chiều, nói láo. Thích ăn thịt tươi, cá sống không có từ tâm, thì liền dập tắt không cho sanh khởi. – Ngăn ngừa thân, miệng, ý của mình, không cho nó khởi lên điều ác, điều quấy. Phải nổ lực bỏ lần lần, cố gắng bỏ tật hư, nết xấu, nghiệp ác, bỏ những điều tệ hại, nhiễm ô bấy lâu nay của mình. Dù cho khó khăn cách mấy cũng cố gắng hết sức mình trừ bỏ cho kỳ được. Như vậy mới gọi là “tinh tấn”.
Khi trong tâm vừa nghĩ điều lành thì cố gắng phát huy ra, để làm lợi ích cho mọi người, mọi loài, đó mới được gọi là “tinh tấn” vậy. Ngoài ra, người tu hành “tinh tấn” còn phải y theo pháp môn thích hợp mà mình đã chọn lựa, siêng cần mà tu tập, hành trì không biếng trễ.
Người “siêng năng” chạy theo ngũ dục, dù cho có cực khổ cả ngày, cả đêm, cả đời cũng là người dãi đãi, để cho “3 nghiệp” (thân, Khẩu, Ý) buông lung, chìm trong ngũ dục, trầm luân trong sanh tử kiếp kiếp, đời đời vay NHÂN trả QUẢ. Đó là người dãi đãi.
Phải theo định nghiệp mà thác sanh trong 6 nẻo luân hồi. Dãi đãi thì trầm luân. Tu hành tinh tấn thì sẽ “hóa giải” được các nghiệp ác. Có thoát ly được hay không đều tùy thuộc nơi mình hết cả. Giữ mình cho đạo hạnh thanh cao, xứng đáng là con của đức Phật, được vậy mới là người “tinh tấn” trong nhà Phật. Mới cảm ứng, đạo giao, mới thấy được Phật, Bồ Tát, mới thoát luân hồi sanh tử vậy.
Xin kể ra đây một câu chuyện về sự TINH TẤN như sau:
Vào thế kỷ thứ Tư. Có một vị Tăng lên núi nhập thất tu Thiền quán về đức Phật DI- LẶC với hy vọng được cảm ứng và nhìn thấy được Ngài và được học Pháp nơi Ngài.
Ròng rã suốt 6 năm thiền quán, mà không bao giờ thấy được một điềm lành nào cả. Quá thất vọng, Thầy bỏ nhập thất để xuống núi.
Khi đi chưa được bao xa, thầy trông thấy một người đang dùng một miếng vải lụa để mài một thỏi sắt khổng lồ. Lấy làm lạ, thầy đến gần hỏi ông ta đang làm gì vậy?
Ông trả lời:
-“Tôi mài cho thành một cây kim”! Quá kinh ngạc, thầy nghĩ: Dù cho một trăm năm, ông ta có làm được cây kim đi nữa, thì có lợi ích gì chứ ? Hãy xem con người ta phải khổ nhọc về những việc làm khùng điên, hoàn toàn phi lý như vậy.
Thầy mới nghĩ:
– “Ta đang tu tập một pháp môn thật sự có giá trị về tâm linh. Vậy mà ta không chuyên tâm để làm được đến như thế”.
Thầy liền quay trở lại nơi nhập thất, tiếp tục thiền quán. Ba năm nữa trôi qua, vẫn không có chút dấu hiệu nào về Phật Di Lặc cả.
Thầy nghĩ: “Bây giờ ta biết chắc chắn ta sẽ không bao giờ thành công, không bao giờ được cảm ứng”
Nên thầy chán nản đã rời bỏ chỗ đó. Ra đi, thầy gặp một tảng đá khổng lồ nơi một khúc quanh của đường núi, và thấy dưới chân tảng đá có một người đang bận chà xát tảng đá ấy bằng một cộng lông chim nhúng trong nước.
Thầy hỏi y ta đang làm gì vậy, y bảo: “Tảng đá này to quá, ngăn bít mặt trời không chiếu vào nhà tôi được, bởi thế tôi phải mài cho nó mòn”!
Một lần nữa, thầy lại kinh ngạc trước nghị lực không nao núng của người ấy, và cảm thấy hổ thẹn, vì mình không có đủ tin tưởng, không đủ nhẫn lực bằng ông ta.
Thầy liền quay trở lại nơi nhập thất. Tinh tấn tu tập thiền quán…lại thêm ba năm nữa trôi qua, mà vẫn chưa có được một cảm ứng, hay một giấc mơ nào tốt cả.
Quá chán nản, quá thất vọng, thầy quyết định lần cuối nầy sẽ bỏ đi không trở lại nữa.
Thầy đã đi trọn một ngày, đến xế chiều thì gặp một con chó nằm bên lề đường. Nó chỉ còn hai chân trước, toàn thân sau của nó đã thối rữa và đầy vòi, bọ chét đang rỉa ăn thịt.
Mặc dù đã rơi vào tình trạng thảm thương như vậy, con chó vẫn còn sủa người qua đường, và cố lê hai chân trước tới cắn người ta. Cảm thấy tràn ngập lòng “bi mẫn” sâu xa không thể nào diễn tả được. Thầy bèn cắn một miếng thịt nơi thân mình cho chó ăn, rồi cúi xuống bắt vòi, bọ chét.
Nhưng thầy nghĩ, có lẽ nó sẽ đau đớn vô cùng, nếu thầy dùng ngón tay để bắt. Thầy bèn quỳ gối xuống đất, nhìn vào cái đống thịt thối ghê tởm và nhắm mắt lại. Thầy cúi xuống sát hơn…sát hơn…thè lưỡi…điều kế tiếp, thầy được biết là cái lưỡi thầy chạm xuống đất.
Thầy mở mắt nhìn lên, thì con chó đã biến mất, thay cho đức Phật DI LẶC trong hào quang chói lọi đang ở trước thầy.
Thầy mừng rỡ, nói:
-“Mô Phật, tại sao trước đây Ngài không bao giờ xuất hiện cho con thấy”?
Đức Phật DI-LẶC nhẹ nhàng bảo:
-“Không phải Ta chưa từng xuất hiện trước con đâu. Ta vẫn ở trước con luôn luôn, nhưng “ác nghiệp làm chướng ngại ngăn che”, làm cho con không thể nào trông thấy Ta mà thôi. Mười hai năm tinh tấn, khổ tu của con đã giúp tiêu hao một ít nghiệp chướng, nên cuối cùng con mới thấy được con chó. Rồi nhờ lòng “bi mẫn” chân thành và tha thiết của con đã hóa giải tất cả nghiệp chướng, và con có thể trông thấy Ta. Nếu không tin, con hãy mang Ta lên vai mà đi, xem có ai trông thấy Ta chăng?”
Thầy mang đức Phật trên vai đi vào chợ.
Thầy hỏi mọi người:
– Cái gì trên vai tôi đây ?”
Phần đông đều nói:
– Có gì đâu?
Chỉ có một bà già, đã hơi sạch nghiệp, trả lời rằng:
“Thầy đang mang một cái thây chó già thối tha trên vai thầy chứ gì”.
Cuối cùng thầy mới hiểu được năng lực bao la của lòng TỪ BI đã chuyển hóa tất cả ÁC NGHIỆP. Tâm được thanh tịnh, trong sáng, không chấp nhất, không ích kỷ. Nhất là phải “tận tâm, tận lực, tận cường”. Tinh tấn và an nhẫn thì sẽ được cảm ứng, được thấy Phật, được Phật, Bồ Tát chỉ dạy cho tu tập đúng pháp.
Rồi thầy được theo Phật DI-LẶC lên cung trời Đâu Suất. Ở đấy thầy được Ngài dạy cho nhiều giáo lý siêu việt nhất của nhà Phật.
Tóm lại, Đa phần người tu hành ngày nay không hề TIN nhận là có cảm ứng đạo giao với PHẬT, BỒ TÁT. Không tin có được PHẬT, BỒ TÁT đến chỉ dạy giáo pháp cho. Không tin có THIÊN ĐƯỜNG, PHẬT QUỐC, ĐỊA NGỤC, NGẠ QUỶ, SÚC SANH chi cả. Nhất là không tin có OAN GIA, OÁN NGHIỆP. Không tin có vong linh dựa nhập, đến đòi nợ máu vv….
Vậy xin hỏi:
– Cất Chùa thật to để làm gì?
– Đúc tượng Phật thật lớn để làm gì?
– Tổ chức Đại Lễ hàng năm để làm gì?
– Không tin có vong oan gia, thì tổ chức Chẩn tế, lễ cúng cô hồn để làm chi, có vong hồn đâu mà cúng? có ích lợi gì cho người sống và cho người đã chết?
Người chết rồi, cái thân tứ đại còn không giữ được, thiêu thành tro rồi, còn cất giữ hàng chục năm, cả trăm năm để làm gì? có ích lợi gì cho người sống, và cho hủ tro ? cứu độ cái thần thức quan yếu hơn hay cứu độ những hủ tro tàn?
Tinh tấn cúng dường, lễ lạy hủ tro quan yếu hơn, hay vì THẦN THỨC của thân bằng, quyến thuộc, thất thế phụ mẫu, mà chí thành tinh tấn cúng tụng kinh đại thừa, trì chú diệt tội, niệm Phật, lạy Phật hồi hướng công đức cho thần thức của người chết đó nương theo ấn chú, Phật lực mà được thoát khổ, được xả bỏ mọi oan trái, oán hận. Thần thức được nhẹ nhàng mà siêu thăng về cõi lành. Thoát khỏi ba ác đạo.
Hãy nhìn ra ngoài xã hội hiện nay mà xem, hàng ngày có biết bao ngàn người chết vì “Oán hận, oan trái, đánh đập, tra tấn, ăn thịt lẫn nhau, giết hại lẫn nhau không ngừng nghỉ. Tìm đủ mọi thủ đoạn để tàn sát, cướp giật, chia rẻ, hãm hiếp người cho tới chết. Biết bao nhiêu người tự tử, kết oán cao tới Trời, tiếng than khóc vang vọng tận cùng và lẫn quẩn trong hư không, chưa hề tan biến nơi đâu cả.
Mỗi ngày đều thấy người người vay rồi trả oán nghiệp dữ, kéo đến để đòi nợ, máu trả máu, tiền trả tiền, tình trả tình, mạng thì đền mạng, mà nói là không có “oan gia, oán nghiệp” chi cả ! thiện tai!
Người chết trong đau khổ, đầy ấp OÁN HẬN, thần thức họ sẽ không còn nhớ gì khác ngoài gương mặt của kẻ đã giết hại mình. Kiếp nầy qua kiếp khác theo sát như bóng với hình để trả thù. Nếu có thất lạc, họ cũng tìm kiếm cho được để đòi nợ máu, nợ tình, nợ tiền và nhất là nợ thân mạng, rất là khổ.
Cho nên, ngay cả những “vong người hoặc vong thú” cũng có “oan gia, oán nghiệp” của nhiều kiếp trước khi họ còn mang thân người.
Nếu người không có oán nghiệp, không có oan gia đến đòi nợ…thì đã chứng thành THÁNH NHÂN cả rồi.
Quý liên hữu kiểm lại thân tâm ta đã thành “Thánh” chưa? sẽ rõ ngay.
“Ai hay lên quan mới biết,
Siêu, đọa tới chết mới hay”
Muốn biết mình siêu hay đọa. Chờ phút lâm chung, cận tử nghiệp kéo đến sẽ rõ nghiệp mình nặng hay nhẹ, thần thức tỉnh táo hay hôn mê, rối loạn.
SỰ QUAN HỆ CHO VIỆC HỘ NIỆM TRONG LÚC LÂM CHUNG.
Tất cả Phật tử tu hành, nếu như hằng ngày không thường quán sát 3 nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) cho kỹ càng. Trì chú, Niệm Phật cho chuyên cần và tinh tấn. Thì đến lúc lâm chung, không khỏi bị con “ma vọng tưởng” chứa đầy trong tâm thức, sẽ tràn ra hết làm cho tâm thần rối loạn. Cho nên TÍN, HẠNH, NGUYỆN của người niệm Phật cần phải có, phải vững mạnh, phải kiên cố, phải chân thật.
Muốn có căn bản cho phần TỊNH NGHIỆP, cần phải nhờ đến 3 “SỨC” LỰC kể dưới đây:
1.- Là phải có SỨC LỰC của PHẬT (tha lực):
Bởi vì trong bất cứ trường hợp nào, ở nơi nào, bị bệnh gì mà mạng chung, đều không thể biết trước được khi nào “vô thường” sẽ đến.
Diêm Vương định canh 2 rước,
Vô thường đâu đợi đến canh 3?
Nhờ có tinh tấn tu tập, có phát nguyện vãng sanh, nên thần thức mới được nương theo Ấn chú (thần lực của chú), Phật lực (công đức lực của câu niệm Phật), gia hộ cho ta được minh tâm, kiến tánh, tỉnh táo. Chớ không lâm vào trong cảnh hôn mê, mất đi chánh niệm, mà đọa lạc vào trong 3 ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).
2.- Là phải có SỨC CÔNG ĐỨC LỰC:
Người tu, cần phải làm đủ các điều thiện, mới tạo nên được “Phước điền”. Ví dụ như gặp người đau ốm thì phải hết sức chăm sóc thuốc men. Nếu người bệnh đó không thể lành được, thì biết là bệnh nghiệp, ta phải dùng “tâm lực” mà “trì chú” (giúp cho nghiệp ác của họ giảm bớt đi phần nào), khi tâm thức của họ được sáng lên (nghĩa là không còn bị lôi kéo bởi “oan gia, trái chủ” của những kiếp trước, mà họ đã giết hại). Giảng pháp khai thị cho người sắp lâm chung và những vong linh oan gia có mặt đó nghe, mà hiểu rằng:
“Khi sống các ngươi cũng đã từng làm người, cũng giàu sang, cũng có học thức, có địa vị cao ngoài xã hội, có gia đình, cha mẹ, vợ con, có tài sản, xe cộ, ruộng vườn vv….Nhưng không biết làm việc thiện, chỉ biết tham lam, tích chứa cho thật nhiều, nên bất kể một thủ đoạn nào mà không dám làm, miễn sao có thật nhiều tiền của, danh lợi, sống trên xương máu của người. Cho chí tới giết người không nương tay để cướp đoạt.vv…
Cho nên oan gia từ kiếp nầy qua kiếp khác cứ thế mà chồng chất mãi, nghiệp ác càng gia tăng, chứ không bao giờ giảm bớt cả. Khi sống đã gây tạo quá nhiều điều phức tạp, gây biết bao NHÂN ác. Nên trước khi chết cũng nhiều phức tạp, không có lối thoát, chỉ theo sức hút của nghiệp QUẢ (ác) mà đưa thẳng xuống 3 ác đạo.
Vì khi sống không TIN PHẬT, không tu theo CHÁNH PHÁP, KHÔNG TIN CÓ OAN GIA, OÁN NGHIỆP, KHÔNG TIN CÓ PHẬT A-DI-ĐÀ, KHÔNG TIN CÓ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM THỊ HIỆN, KHÔNG TIN CÓ ĐỊA NGỤC, NGẠ QUỶ, SÚC SANH (cũng từ loài người mà bị chuyển kiếp).
KHÔNG GIAO KẾT THIỆN DUYÊN VỚI MINH SƯ, THIỆN HỮU. Cấm cản người khác tu theo PHẬT, vợ con tu thì chửi mắng không tiếc lời. Cho nên không được ai cứu độ, vì thế mà không có lối thoát, không có sự lựa chọn (muốn thác sanh vào cõi nào).
Những vong linh có chút thiện duyên, có gieo chút NHÂN lành. Khi nghe được những lời pháp khai thị, những lời khuyên chân thành, nên họ cảm thấy mát lòng mà chịu xả bỏ oán hận đó. Họ xin được QUY Y TAM BẢO, xin có pháp danh, vì chết lâu quá họ chỉ thường nhớ OÁN HẬN, chỉ nhớ cái mặt của người đã giết mình, đánh đập mình cho tới chết, nên không còn nhớ tên tuổi của mình nữa, rất tội nghiệp.
Cũng có nhiều khi đang HỘ NIỆM, nhiều vong linh lớn tiếng hỏi:
– PHẬT LÀ AI? PHẬT CÓ CHO CƠM, ÁO QUẦN KHÔNG? – PHẬT Ở ĐÂU? – QUÁN ÂM BỒ TÁT CÓ BẮT TRẺ CON ĂN THỊT KHÔNG? – CÓ ĐÁNH ĐẬP CHÚNG TÔI NỮA KHÔNG, ở đây hiện có hàng ngàn người bị giết, hàng trăm sơ sinh chưa mở mắt, chưa cắt nhao bị chôn sống nè, tất cả bị lỡ loét, vòi rĩa ăn thịt chúng nè. Làm sao chúng tôi TIN những gì Cô nói chứ ? toàn là nói XẠO, THẰNG NẦY ÁC LẮM, KHÔNG TIN… KHÔNG TIN…lấy gì để chứng minh cho chúng tôi thấy đi, chúng tôi mới tin. Rồi họ đồng reo hò, đập phá, xúm lại đánh đập bệnh nhân kinh khiếp lắm.
Nếu Bảo Đăng không trải qua nhiều kinh nghiệm cứu giải cho vong, không vững tâm, vững trí, có thể vì sợ quá mà bỏ chạy. Bảo Đăng làm thinh kêu một đệ tử đứng gần lấy nước chú xịt hết chung quanh, cùng lúc trì lớn chú quang minh giúp cho tâm họ được dịu xuống. Tiếng la hét im dần…, BĐăng giảng pháp khai thị cho tất cả vong linh có mặt nghe hiểu.
Kế đến, chữa thương cho tất cả vong linh sơ sinh và người lớn tay chân, tim, máu đều được lành lặng, khỏe mạnh. Họ quỳ xuống xin Quy Y, xin tên vì không nhớ tên. Trong lúc đó lại thêm có quá nhiều vong thú hay tin chạy tới từ các chợ, nhà hàng, trong rừng, núi, dưới sông, hồ kéo đến xin được siêu.
Sau khi quy y, đặt Pháp danh cho tất cả người, thú xong. Họ xin được ăn vì quá đói, xin quần áo cho trẻ sơ sinh, sữa, mền. vv…có vong xin chuỗi, xin hình Phật, xin kinh SÁM HỐI.
Thân nhân của người bệnh nghe vậy liền phát nguyện sẽ in thật nhiều kinh, phân phát cho nhiều người tu để hồi hướng cho họ. Họ còn bảo phải in kinh Sám Hối Thập Nhị Danh nầy mới được.
Bảo Đăng giảng về 3 cõi ác, 3 cõi thiện và cõi Phật. Ai muốn đi cõi nào thì phải tha thiết, khởi tâm muốn sanh về cõi đó, cung kính chắp tay niệm lớn danh hiệu Bồ Tát đó. Sau đó tất cả Phật tử cùng thân quyến có mặt đồng nhất tâm Đọc SÁM HỐI, NIỆM PHẬT….có một số ít vong bay lên theo PHẬT rồi. Bắt qua dẫn NIỆM QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT…
Vong lần lượt bay lên cao theo Bồ tát, số còn lại vẫn ngồi chờ đó…bắt qua niệm ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT….lần lượt bay lên cao, có số thú chuyển thành những đứa trẻ con, có nhiều thú chuyển sang thân thú khác. Chợt có mấy vong bay lên la lớn cao quá sợ quá không bay nữa. Bảo Đăng liền bảo họ không được ngó suống, ngó thẳng mà niệm Bồ Tát sẽ không thấy sợ, khi nào tới nơi mới ngưng. Họ ngoan ngoãn niệm lớn ĐỊA TẠNG BỒ TÁT….lần lượt đi hết, không còn một ai.
Người bệnh sắp lâm chung lúc đó, sắc mặt trắng hồng, nét vui hiện trên mặt, liền bắt sang niệm Phật hộ niệm tiếp dẫn, người nầy thoát khỏi 3 ác đạo và được thăng thiên chứ không được vãng sanh.
Đây là một việc thiện có “phước lớn” đứng đầu trong các việc thiện khác. Vì cứu độ được cho ÂM SIÊU, DƯƠNG THỚI (nhất là cứu độ cho tất cả được thoát 3 ác đạo).
3.- Là phải có SỨC LỰC CỦA MÌNH (tự lực):
Bởi vì, hằng ngày tu tập, chúng ta đều có “phát tâm Vô Thượng Bồ Đề”, và “phát nguyện vãng sanh”. Nên mỗi khi gặp người nào chân thật tu tập theo Mật Tịnh pháp môn, ta phải kết bạn để cùng nhau tham học, trao đổi kiến thức, chỉ dẫn, chia sẽ cho nhau những kinh nghiệm. Cùng chung nhau sẵn sàng trợ duyên, trợ lực để phụ giúp “hóa giải oán nghiệp” nếu có, luôn phòng bị mỗi khi oan gia kéo đến đòi nợ.
Những Phật tử trong ban NIỆM PHẬT tới Hộ niệm, và Phật tử trong Mật Tịnh đạo tràng đều muốn giúp cho người bệnh được nhẹ nhàng mà siêu thoát. Trong khi Hộ Niệm, tối kỵ giành giật, xua đuổi hoặc chỉ trích đúng sai. Phải nên thế này, phải làm thế kia (không cho ai Sám hối, không cho trì chú, không có tắm rửa với nước chú chi hết! Vv…). Phật ơi ! Hộ niệm gì kỳ vậy !
Nghiệp chướng nặng nề, oan gia đánh đập la hét, hôi thối tỏa ra khắp phòng, sắc mặt đau khổ, đen sậm.vv….sái tịnh bằng cách nào đây ?
Có nhiều trường hợp đã xảy ra trong khi Hộ niệm mà người dẫn lễ không thể biết trước “oan gia” kéo đến sẽ hiền hay dữ. Ban Hộ niệm nên hướng dẫn tất cả gia quyến thay thế người bệnh đồng rập tiếng tụng Kinh lạy sám hối trước.
Vì trong thân quyến chưa bao giờ biết Sám hối là gì cả. Nên đây là cơ hội tốt giúp cho toàn thể gia quyến kết duyên lành trong Phật pháp, và giúp cho những oan gia, oán nghiệp, những tội ác của người bệnh được nhẹ bớt.
Kế đến trì chú Quang Minh hoặc chú Đại Bi cho người bệnh uống, dùng nước chú lau hết mình và xịt nước chú khắp phòng (để giúp cho thần thức của người bệnh được trong sáng, nhẹ nhàng, và không bị vong oan gia đánh đập trả thù nữa).
Nếu như có nhiều OAN GIA kéo đến, ban Hộ niệm sẵn sàng trợ lực để giúp hóa giải nghiệp ác cho họ. Cứu độ cả 2 bên chịu tha thứ, chịu xả bỏ hận thù và chịu Quy Y Phật. Sau cùng đồng rập tiếng Niệm Phật tiếp dẫn cho tất cả vong linh oan gia cùng người bệnh thoát 3 ác đạo và siêu thăng cõi lành. Hộ Niệm như vậy mới đúng pháp.
Người có thật tâm, thành ý tu hành, cần phải học hiểu Phật pháp sâu rộng để khỏi mang tội phỉ báng pháp Phật, ngăn cản người tu tập, khinh chê kinh Đại Thừa, phá hoại lòng tin của Phật tử (là không có oan gia, không có nghiệp báo, không có ma quỷ dựa nhập, không có Phật A-DI-ĐÀ, không có Bồ Tát QUÁN ÂM vv…) mà bị đọa vào địa ngục A-Tỳ. Làm việc Phước thiện đâu không thấy, chỉ thấy trước mắt cửa địa ngục rộng mở rồi. Phải cẩn thận suy xét hậu quả của nó trước khi hành sự.
HỎI:
Hiện nay thấy có quá nhiều người Niệm Phật, tu Phật thất, mở đạo tràng Niệm Phật Hộ niệm khắp nơi, mà người được vãng sanh về cõi Phật thì càng ngày càng rất ít, không như xưa nữa?
ĐÁP:
Có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng tụ lại có 3 nguyên nhân chánh sau đây:
1.- Miệng tuy niệm Phật, mà trong tâm luôn nghĩ nhiều việc ác, hơn thua, phải quấy đúng sai, chấp nhất từ lời nói, ôm chặt hận thù không buông bỏ, nên niệm Phật không được nhất tâm, không được tiêu nghiệp gì hết và không được vãng sanh. Vì nghiệp chướng còn đầy ấp cả thân tâm, nặng như núi thì làm sao bay lên được.
Phải biết, chỉ cần niệm 1 câu Phật hiệu cũng được tiêu nghiệp tội trong 80 ức kiếp sanh tử. Nhưng trong 1 câu NIỆM đó bắt buộc phải (chân thật, tha thiết, chí thành, thân tâm không có ghét thương, phải quấy, đúng sai, hận tức, tham cầu bất cứ một việc nhỏ gì cả).
Hiếu thảo cha mẹ (giúp cha mẹ tu hành), anh em thương nhau, vợ chồng kính nhau (ủng hộ cho vợ, chồng cùng tu tập), giữ tâm bác ái đối với người, cứu giúp người hoạn nạn, nghèo khó.
Luôn giữ tâm bình lặng, thanh thoát, chánh trực mà lập thân, từ bi làm phương tiện, thương xót muôn loài, không nên sát sanh, hại vật, chẳng nên khinh dễ người hèn thấp. Thì tâm mới được trong sáng, nhẹ nhàng, chỉ 1 câu Phật đó cũng hàng phục được “ma quân” (trong tâm thức của mình).
Vọng tưởng không sanh thì mới được gọi là “chân thật niệm Phật”, nghiệp ác mới được tiêu bớt, oan gia nễ phục mới xả bỏ oán hận được.
Chúng ta kiểm soát lại thân, khẩu, ý của ta có làm được như thế không. Sẽ biết có được vãnh sanh hay không liền.
2.- Miệng tuy có niệm Phật, mà trong tâm luôn nghĩ tưởng nhiều điều xằng bậy, dâm loạn. Nên biết, trong lúc niệm Phật, cần phải dẹp bỏ các tư tưởng không mấy thanh tịnh. Miệng niệm 6 chữ hồng danh hoặc 4 chữ cho ra tiếng, tai nghe rõ ràng, niệm lớn cho át đi những ý nghĩ dơ bẩn, tầm bậy đó. Giữ tiếng niệm đều đều, nghe rõ, dùng tâm mà đếm câu Phật từ 1 cho tới số 1000 chính xác. Niệm cho hùng mạnh, chữ PHẬT PHẢI MẠNH (giống như tiếng trống), bụng cùng lúc phình to ra theo chữ PHẬT. Không nên niệm quá nhanh, hoặc quá chậm. Miễn sao mỗi chữ Phật, bụng phình mạnh ra, thì mới có khả năng đẩy hết trược khí, âm khí, tà khí trong người ra được.
Cũng giống như phương cách “trì chú” vậy. Câu Phật và câu Chú thần lực phải ngang nhau, trì chú phát ra thần lực, thì khi niệm Phật cũng phải phát ra thần lực thì mới đúng pháp. Mới có kết quả tốt. Người không có trì chú sẽ không hiểu và không thể so sánh được cái “lực” mạnh hay yếu của nó.
Cho nên, người chuyên niệm Phật, mà niệm đâu ngủ đó. Ngồi đâu ngục đó. Dù có niệm bể cổ cũng như người chưa hề có niệm Phật bao giờ vậy. Không có ích lợi chi cả mà còn mang thêm tội (không kính trọng Tam Bảo). Thì có được tiêu tội không, có được vãng sanh không, chết sẽ đi về cõi nào?
3.- Miệng tuy có niệm Phật, mà trong tâm luôn quyến luyến cõi nhân gian, tham cầu sự phú quý, tài sắc, danh lợi, quyền thế, nên không nhất tâm niệm Phật được.
Hoặc lo lắng đủ điều, cảnh duyên trái ngang, vọng tưởng cứ nổi lên không ngừng, tâm trí rối bời, nghĩ sự nầy, tính sự nọ, không nhẫn nại được. Trong một giây, một phút, một giờ tay vẫn lần chuỗi đó, mà tâm ý đã đi đến ngàn trùng, muôn dậm cũng không hay biết. Nhất là trong lòng có vướng một chút ƠN, hay một chút OÁN gì, dù đã bao năm tháng qua cũng không quên, không dứt ra được. Thì niệm Phật có được tiêu nghiệp hay không?
Tâm có được trong sáng để niệm Phật không? Niệm Phật như thế có được vãng sanh không? Cho nên, niệm Phật tuy thấy dễ dàng quá phải không ! Nhưng nếu niệm cho đúng pháp, cho tâm trong sáng, cho nghiệp ác tiêu trừ, cho tâm Từ Bi phát khởi, hóa giải được oan gia, oán nghiệp. Tín, Hạnh, Nguyện vững mạnh, xả bỏ mọi hận thù, thì không phải dễ chút nào.
Trên đây là những bệnh thông thường của người tu hành từ xưa tới nay không ai tránh khỏi cả. Nhưng nếu thật lòng muốn tu tập để được vãng sanh, thì phải : – Thường xuyên học hỏi cái pháp môn của mình đang tu tập, để khỏi bị mê mờ, khỏi bị gạt (mình tu sai mà cứ tưởng tu đúng pháp, làm cái gì cũng sai, nghĩ cái gì cũng trái lời Phật, ý Tổ, huynh đệ không đoàn kết, không thể trợ duyên cho người khác được).
– Tâm thể bất an, buồn vui bất thường, gia đình bất hòa, thương ghét không bỏ, hận thù không quên. Vv….thì khó mà tu niệm cho được.
Nên biết rằng: Sự “Phước lạc” không đâu bằng cõi TRỜI, vậy mà đến khi Phước Trời hết rồi, còn phải bị đọa xuống 3 ác đạo thay, huống chi sự phú quý trong cõi nhân gian đều là giả tạm, mà tham cầu, ôm giữ làm chi cho bị hại, cho thêm khổ.
– Miệng luôn nói TA BÀ KHỔ, TA TÀ KHỔ, mà luôn thêu chữ ÁI cho xinh! – Miệng luôn cầu cho được VÃNG SANH, mà cái gì cũng ôm hết không muốn bỏ.
Phải nghĩ đến thân người khó được, chánh pháp khó được nghe. Minh sư khó gặp (mấy ngài đã về với Phật hết rồi), thiện hữu khó tìm (ẩn dật hết rồi).
Hiện nay trên mạng có đủ thứ pháp môn, quá nhiều người giảng nói khác nhau, người thì giảng nói có Phật A-DI-ĐÀ, có CỰC LẠC. Người thì giảng nói không có PHẬT A-DI-ĐÀ, không có CỰC LẠC, không có QUÁN ÂM, không có kinh ĐẠI THỪA…không có ĐỊA NGỤC, không có MA QUỶ, không có gì hết ! làm cho Phật tử trở nên hoang mang, nghi ngờ rồi phỉ báng pháp Phật, phỉ báng ấn chú của Phật, hậu quả sẽ ra sao trong tương lai? chết sẽ đi về đâu?
Vì không có trí huệ, không có đạo tâm, không chân thật tu hành, thì làm sao biết pháp nào của Phật thuyết, pháp nào chánh, pháp nào nên nghe, pháp nào sẽ giết chết niềm TIN của ta nơi Phật pháp, và sẽ giết chết thân huệ mạng của ta, mà không hay biết.
Các chư Thánh Thần từ ngàn năm qua đã từng trông coi, giữ gìn đất nước từ trước tới giờ đã lần lượt trở về Trời hết rồi, giờ không còn ai nữa để bảo vệ đất nước, sông núi, cây rừng, ruộng vườn vv…
Vì chúng sanh ngày nay có tâm quá ÁC, không còn tín ngưỡng và thờ cúng Thần Thánh nữa. Tương lai rất gần đây sẽ xảy ra biết bao thiên tai, bão lụt, chinh chiến. Nhân gian lầm than, đói khổ mà không còn vị Thần nào đến cứu giúp nữa cả. Đã khổ lại càng khổ hơn gấp trăm ngàn lần. Cháy rừng sẽ cháy nhiều hơn, nước dâng ngập sẽ ngập cao hơn, nước biển sẽ tràn vào sông ruộng ngập hết, lúa mạ sẽ không còn, cây trái, rau cỏ chết hết, thì nhân gian sẽ lấy gì để sống?
Những hậu quả nầy do ai gây ra đây??…. Thần thánh, hay ta tự giết ta?
Phải hướng về Phật với tâm chân thành, lập tâm ban đầu cho vững mạnh, rèn đức chí nguyện cho kiên cố. Kế đến phải chuyên cần SÁM HỐI mỗi ngày (giúp cho nghiệp chướng được tiêu bớt), thì mới mong gặp được chánh pháp, minh sư, thiện hữu dẫn dắt mình tu tập đúng pháp, thoát nạn đao binh, nước lửa.
Thà TIN có PHẬT, có PHÁP, có kẻ ÁC đang GIẾT PHẬT, DIỆT PHÁP. Có tội, có Phước, có NHÂN có QUẢ. Hễ tin Phật thì được Phật cứu, phỉ báng Phật, thì Thần thánh lánh xa, ma quỷ rước, cửa địa ngục rộng mở.
Phải chọn cho mình 2, 3 Phật chú như là: – Đại bi, Chuẩn Đề, Diệt tội, Hộ thân, Đại Minh, Thủ Lăng Nghiêm, Kim Cang, Bát Nhã, Vãng Sanh.vv…mà chuyên tâm hành trì 108 lần mỗi ngày, kiết giới, sái tịnh, đóng huyệt cho được bình an, tâm thể nhẹ nhàng, an định rồi.
Sau cùng mới thành kính, cung kính nhiếp tâm niệm Phật (trì chú như thế nào thì niệm Phật y như thế đó). Miệng niệm, tai nghe rõ tiếng niệm, mắt ngắm hình Phật, nuốt vào từng nét trang nghiêm, điều ngự của Phật (không nghĩ gì khác, nếu vọng tưởng có kéo đến cũng mặc kệ, đừng chạy theo nó, đừng giữ nó lại, cũng đừng nghĩ tới nó).
Vì mình đang ngồi trước Phật, đang đối với mặt Phật A-DI-ĐÀ, làm sao dám tán loạn cho được. 6 chữ hoặc 4 chữ hồng danh in vào tâm trí, chứa đầy lỗ tai, in đầy cả tim não, chỗ nào cũng có chữ PHẬT in vào cả.
Nếu chưa thấy chữ PHẬT in dính vào hoặc không rõ, không thấy gì hết, thì phải cố gắng dùng tâm mà đóng vào (như đóng con dấu có chữ PHẬT vậy). Nhắm mắt lại xem có thấy chữ Phật đóng dính những huyệt chưa, thì làm nữa, đóng nữa, đóng hoài cho tới chừng nào thấy rõ chữ PHẬT hiện lên chỗ đó mới thôi.
Trì chú cũng y như thế. Sau đó, mỗi ngày trì chú hoặc niệm Phật chỉ cần nhắm mắt tưởng đến chữ PHẬT, chữ Ấn là thấy hiện lên rõ nét. Quán tưởng như vậy mỗi khi trì chú, niệm Phật, từ từ những chữ đó sẽ sáng rực lên bao phủ cả thân mình. Như vậy mới thiệt là người trì chú niệm Phật đúng pháp, mới có khả năng trợ lực cho người khác được, hóa giải được ác nghiệp, cứu mình cứu người. Bảo đảm sẽ được vãng sanh, dự vào 1 trong 9 phẩm sen nơi cõi Cực Lạc.
Nhìn lại một năm đã trôi qua, ta đã làm được những gì để đền ơn Phật chưa ? cho người khác ngoài gia đình ta chưa ? Kiểm lại tâm ý của ta có xả bỏ được gì chưa ? Tâm Từ Bi của ta có phát khởi chưa ? Niệm Phật có được nhất tâm chưa?. vv…
Nếu chưa làm được, bước sang năm mới nầy chúng ta hãy cố gắng hết sức mình để tu sửa, để thực hành đúng như pháp, để cúng dường lên chư Phật, chư Đại Bồ Tát và chư Sư Tổ.
Bảo Đăng xin gởi tặng lời thơ kính chúc cho tất cả huynh đệ là:
Sanh ra đời, mang nhiều nghiệp khổ,
Được làm người, nên tu bớt khổ.
Oan gia chồng vợ càng thêm khổ,
Con là nợ, cửa nhà nghiệp khổ.
Tu tinh tấn, cho thoát kiếp khổ,
Báo đền ơn Phật, cùng Thầy, Tổ.
Không thù, không oán, không nghiệp đổ,
An cư Tịnh độ đáo Phật thổ.
Đầu năm Canh Tý (2020)