THẾ NÀO LÀ SỰ BỐ THÍ ĐÚNG PHÁP CỦA HÀNG TẠI GIA BỒ TÁT?
(Thư Học Phật Số 89)
Btg Bảo Đăng
CÂU HỎI:
Của Ưu Bà Tắc Thiện Quảng và vài Phật tử ở phương xa đồng thắc mắc rằng:
– Người nghèo, không có giàu hoặc dư tiền của, làm ăn vất vả có đâu Bố Thí?
– Thế nào là BỐ THÍ ĐÚNG PHÁP CỦA PHẬT DẠY?
ĐÁP:
Trong những lá Thư học Phật trước cố HT. Thích Hải Quang đã có giảng rồi về:
a/- 30 loại bố thí không thanh tịnh của người “giả danh hảo tâm bố thí”.
Cùng với:
b/- 14 quan niệm chơn chánh, thanh tịnh và đúng Pháp khi hành bố thí hạnh của người “chân thật hảo tâm bố thí”… rồi)
* * *
Gần đây có nhiều Phật tử hỏi về hạnh BỐ THÍ, nên trong phần giảng Thư học Phật kỳ nầy, Bảo Đăng xin nhắc lại của phần giảng trước kia và thể đúng theo lời Phật dạy trong Lục Độ Ba-La-Mật chúng sanh chúng ta phải tu “hạnh Bố thí” trước và sự BỐ THÍ ĐÚNG PHÁP.
Sở dĩ trước tiên nói đến việc Bố thí là vì có các lý do như sau:
1/- Trong sáu độ Ba La Mật của Bồ Tát là:
– Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ thì:
– Bố Thí ba la-mật là độ đầu tiên hết thảy mà người tu học Phật Pháp phát tâm cầu đắc được quả vị giải thoát cần phải thực hành.
Tại sao vậy?
– Vì muốn thành đạo, muốn chứng được vào trong cảnh giới “thậm thâm giải thoát” của bậc Bồ Tát thánh nhân thì người tu học theo Phật Pháp trước hết cần phải thực hành hạnh:
– XẢ THÍ HẾT TẤT CẢ CÁC NGŨ DỤC LẠC CỦA PHÀM PHU SANH TỬ cái đã.
Ngũ dục là:
– Tài (tiền bạc, tài lộc, tài lợi, v.v…)
– Sắc (sắc đẹp, sắc chất, sắc tướng, v.v…)
– Danh (danh vọng, danh tiếng, khen, chê, v.v…)
– Thực (ăn, uống…)
– Thùy (ngủ nghỉ…)
2/- Sở dĩ chúng sanh chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay không sao chứng đắc quả vị giải thoát được là bởi vì cứ mãi “cưu mang” lòng THAM CẦU KHÔNG CHÁN ĐỦ nơi các cảnh “ngũ dục lạc” nầy mà không chịu xả bỏ nó đi. Trái lại, cứ mãi bo bo gìn giữ và tìm cầu nó hoài, càng được lại càng thêm khao khát, tựa như biển cả nuốt nước muôn sông không bao giờ chán đủ.
Bởi vì thế cho nên cứ mãi mãi cam phận làm một “phàm phu sanh tử” nổi trôi trong 6 nẻo luân hồi, tuyệt hết các niềm hy vọng, ước ao rằng một ngày nào đó trong những kiếp lai sinh sẽ được thành đạo và bước chân vào trong cảnh giới của các bậc thánh nhơn giải thoát.
Vì vậy mà Phật mới dạy rằng:
– Hạnh đầu tiên của hàng Phật tử tại gia tu hạnh Bồ Tát là phải:
BỐ THÍ (tức là xả bỏ) TRƯỚC HẾT.
Qua “14 quan niệm đúng Pháp” về việc BỐ THÍ (đã có giảng rồi) và vì đã có xem qua và hiểu được như thế rồi), cho nên người Phật tử tại gia cần phải luôn ghi nhớ và bền vững tâm niệm bố thí của mình, đừng để cho lui sụt, thối thất, mà bị cách biệt với hạnh của các bậc Bồ Tát thánh nhân đi.
Tuy nhiên vì căn tánh của chúng sanh chia ra nhiều bậc thượng, trung, hạ sai biệt bất đồng với nhau, chẳng hạn như là:
– Có người suốt đời dõng mãnh bố thí mà không chút lòng hối tiếc nào…
– Có người ban đầu dõng mãnh bố thí nhưng sau đó lại sanh lòng hối tiếc, sầu buồn.
– Có người bố thí mà tâm vẫn còn (phân biệt và lựa chọn đối tượng để bố thí)… chấp trước (tức là mong cầu) nơi các quả báo hữu lậu của thế gian. v.v…
Vì thế cho nên Phật dạy hàng Phật tử Bồ Tát tại gia hành Bố thí hạnh, khi thấy người đến xin thí thì phải phát khởi lên trong tâm các ý tưởng sau đây để tránh các sự tiếc, buồn, hối hận, tức tối hoặc sanh khởi lên các niệm Tham, Sân, Si đối với “người xin thí” mà làm giảm bớt hoặc mất đi các công đức bố thí của mình.
Đó là:
1/- Khởi sanh ý tưởng thiện tri thức:
Nghĩa là:
Khi thấy có người “đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy:
a/- Từ quá khứ kiếp lâu xa về trước cho đến nay, ta vì tham lam, keo kiệt, nên chỉ biết thâu góp, tích chứa cho nhiều chớ không chịu xả thí, hay nếu có xả thí thì lại sanh lòng hối tiếc, sầu buồn, hoặc bố thí mà trong tâm không được hoan hỷ, thanh tịnh v.v…
Vì thế cho nên ta cứ mãi làm một “bạt địa phàm phu sanh tử” nổi trôi trong 6 nẻo luân hồi. Kiếp nầy ta bị “nghèo” như vậy, biết kiếp kế đây rồi ta sẽ ra sao?
Của cải kiếp trước của ta bây giờ ở đâu?
Còn của cải trong kiếp nầy cũng thế, bởi vì khi ta chết đi rồi thì tất cả đều bỏ lại hết chớ cũng
chẳng có mang theo được một chút nào cả.
May mắn thay, kiếp nầy nhờ ta biết đạo, rõ được lời Phật dạy về hạnh Bố thí (xem kỹ lại 14 sự ích lợi về việc bố thí ở các bài trước), vậy thì tại sao nay ta không chịu dõng mãnh thực hành để trừ bỏ cái tánh keo kiệt kinh niên, cố hữu đó đi ?…
b/- Nay ta vừa phát tâm muốn thực hành hạnh bố thí thì liền có người đến xin thí. Thiệt là một điều may mắn cho ta lắm. Vì nhờ có người nầy mà :
– Ta mới bỏ được lòng tham lam, keo kiệt đã theo ta từ quá khứ kiếp cho đến nay.
– Ta mới thành tựu được tâm Xả Bỏ và hạnh bố thí của thánh nhơn.
– Ta sẽ thành tựu được các quả vị giải thoát, xuất thế ở tương lai…
Và như thế thì:
– Người xin thí nầy chính thực là “thiện tri thức” của ta, là “ân nhân” của ta và cũng là “nhân giải thoát” cho ta vậy.
Do vì khởi sanh ra các ý tưởng (đúng Pháp) như thế, cho nên người thiện nhân ấy rất vui lòng và hân hạnh hành việc bố thí mà không chút do dự, ngại ngùng chi cả.
2/- Khởi sanh ý tưởng đời khác giàu sang:
Khi thấy có “người đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy:
a/- Kiếp hiện tại đây ta được giàu sang, bạc tiền sung túc, lên xe, xuống ngựa v.v… (thì y như lời Phật dạy), đó là nhờ ở nơi kiếp trước ta đã có thực hành hạnh Bố thí rồi, cho nên kiếp nầy mới được hưởng phước báo (giàu, sang, hoặc đủ ăn, đủ mặc) tốt đẹp như vậy.
b/- Nay ta cứ phóng mắt nhìn ra bên ngoài xã hội và chung quanh ta, thấy còn có rất nhiều người sống đời nghèo nàn, thiếu hụt hoặc vất vả, nhọc nhằn trong kiếp tôi đòi, hèn hạ…
Ấy là bởi vì sao?
Chính là vì trong kiếp trước họ nặng lòng “xan tham, keo kiệ”, không bao giờ biết mở lòng bố thí cho ai cả, cho nên kiếp nầy mới phải bị quả báo nghèo thiếu, nhọc nhằn như vậy.
c/- Ta may mắn nhờ phước báo tốt đẹp nên kiếp nầy được cao sang trọng vọng, vậy thì ta càng phải nên bố thí nhiều hơn nữa, để cho :
– Phước lành của ta ngày càng thêm tăng trưởng.
– Trong các kiếp vị lai về sau ta sẽ tránh thoát được các quả báo thiếu thốn, nghèo cùng.
……………………
Do vì khởi sanh ra được các ý tưởng đúng Pháp như thế, cho nên người thiện nhơn ấy rất vui lòng và hân hạnh hành việc bố thí mà không chút do dự, ngại ngùng chi cả.
3/- Khởi sanh ý tưởng chứng đạo Bồ Đề:
Nghĩa là:
Khi thấy “có người đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải khởi tâm tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy :
a/- Trong Lục độ ba-La-mật của chư đại Bồ Tát và chư Phật đã chứng đắc được thì “Bố thí Ba La Mật” là độ đứng đầu hết thảy.
Sở dĩ quý Ngài thành tựu được “Bố thí độ” nầy là nhờ quý Ngài đã từng hành hạnh bố thí với tâm “bất thối chuyển” trong vô lượng, vô biên kiếp đời quá khứ đã qua mà không bao giờ biết mỏi mệt, chán nản và ngừng nghỉ cả.
Vì thế nên quý Ngài mới huân tập được vô lượng, vô biên phước báo thù thắng không thể nghĩ bàn, các phước báo ấy nếu như :
– Đem bố thí cho tất cả 12 loài chúng sanh khắp 10 phương thế giới trong vô lượng vô biên kiếp cũng không bao giờ cùng tận cả vì phước báo của quý Ngài vốn là vô tận.
b/- Vả lại hiện nay quý Ngài đã chứng đắc được các giai vị đại Bồ Tát trong hàng thập thánh (tức là Thập Địa Bồ Tát) và đang trên đường đi đến sự thành tựu được quả vị Vô Thượng Bồ Đề của
Phật ở tương lai, đó là nhờ quý Ngài biết đem công đức của các việc bố thí kia mà hồi hướng cho chúng sanh và cầu đắc thành được Bồ Đề Phật Quả.
c/- Nay ta là Phật tử Bồ Tát tại gia thì ta cũng nên học y theo như hạnh của quý Ngài vậy.
Nghĩa là ta cũng nên tuỳ theo khả năng của mình mà hành hạnh bố thí.
Các hạnh Bố thí như thế, nếu như có gây tạo nên được công đức hoặc phước lành chi ta sẽ:
– Không nguyện cầu sanh về nơi cõi Trời, Người để hưởng phước báo tốt đẹp thế mấy nơi cõi nhơn thiên đi nữa, rốt lại cũng không thể nào thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử được.
Mà ta quyết định sẽ :
– Hồi hướng các phước báo đó để trang nghiêm cho đạo quả Bồ Đề vô thượng của ta trong buổi tương lai.
– Ta sẽ bố thí không ngừng nghỉ.
– Và ta quyết định sẽ chứng đắc được Bố Thí Ba La Mật cùng quả vị đại Bồ Đề cũng y như quý Ngài vậy.
………………………
Lại nữa,
Ngoài các ý tưởng chơn chánh và đúng Pháp vừa nêu trên, người Phật tử tại gia Bồ Tát bố thí cũng cần phải nên khởi lên thêm 3 ý tưởng đúng Pháp khác nữa như sau:
1/- THUẬN THEO LỜI PHẬT DẠY:
Nghĩa là:
Khi thấy người “đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải dụng tâm chơn chánh mà tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy:
– Tất cả chư Phật mười phương, ba đời, do nơi thành tựu được Bố thí Ba La Mật v.v… mà chứng đắc được đạo quả Bồ Đề vô thượng. Nay ta là con của Phật, ắt cũng phải hành theo lời Phật dạy là:
– Siêng năng tu hạnh bố thí để diệt trừ các tâm tham lam, keo kiệt v.v… và như thế thì các việc bố thí mà ta thực hành ngày hôm nay đây chính là thừa thuận theo lời dạy của chư Phật vậy.
– Nếu như ta muốn được giải thoát,
– Nếu như ta muốn được thành Phật,
………………………..
Khẳng định là ta phải thực hành y theo lời Phật dạy (chớ chẳng nên bao giờ hành xử theo các thói thường tình của tất cả chúng sanh).
(Và ta rất lấy làm hoan hỷ vì đã làm đúng được theo lời của Phật dạy).
2/- VÌ ĐƯỢC QUẢ BÁO Ở CÕI DỤC (giới):
Là như thế nào?
Nghĩa là:
Khi có người “đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải dụng tâm tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy:
– Y theo lời Phật dạy thì tất cả các hạnh bố thí đều được quả báo tốt đẹp, hoặc là ở nơi cõi người làm kẻ giàu sang, hưởng phước, hoặc là sanh lên cõi trời làm Thiên tử với đầy đủ thiên phước vi diệu…
Ta thấy rõ các sự bố thí đó quả thật đều có phước báo, đều có đáp đền tốt đẹp.
Bởi vì hiện tại đây, phóng mắt nhìn ra ngoài xả hội và chung quanh, ta thấy:
– Cũng cùng là loài người, cùng màu da, sắc tộc v.v… như nhau mà lại có kẻ giàu sang, sung sướng vật chất dư thừa, có kẻ suốt đời sống cảnh nghèo nàn rách rưới…
Ấy là tại sao?
– Chính là do quả báo của sự bố thí và tánh tham lam, keo kiệt vậy.
Nay ta hành hạnh bố thí đây, mặc dầu trong thân tâm ta không hề khởi sanh ý tưởng là muốn cầu giàu sang sung sướng về sau nơi cõi Trời, Người… nhưng phước báo của sự bố thí ấy nó sẽ tự nhiên đến với ta.
Vì sao?
Vì y theo lời Phật dạy trong kinh thì ta biết chắc chắn rằng:
– Các việc bố thí mà ta thực hành ngày hôm nay đây, đương nhiên là nó sẽ mang đến cho ta các quả báo thắng diệu nơi sáu cõi trời DỤC giới vậy (dù cho ta không có dạ mong cầu).
3/- VÌ HÀNG PHỤC MA:
Là như thế nào?
Nghĩa là:
Khi có người “đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy:
– Y theo lời Phật dạy thì hai cái tánh : THAM (tham lam) và XAN (keo kiệt, bỏn xẻn) nầy là hai trong 20 thứ “tuỳ phiền não” (của ác tâm sở và ma tánh).
20 thứ Tuỳ phiền não – (thuộc về phiền não tánh) – là:
1/- Phẩn (giận)
2/- Hận (hờn)
3/- Phú (che giấu)
4/- Não (buồn phiền)
5/- Tật (ganh ghét)
6/- Xan (bỏn xẻn)
7/- Cuống (dối gạt)
8/- Siểm (nịnh bợ)
9/- Hại (tổn hại)
10/- Kiêu (kiêu căng)
11/- Vô tàm (không biết xấu hổ với mình)
12/- Vô quý (không biết xấu hổ với người chung quanh)
13/- Trạo cử (chao động thân, tâm)
14/- Hôn Trầm (tối mờ)
15/- Bất tín (không có lòng tin)
16/- Giải đải (làm biếng)
17/- Phóng dật (buông lung tâm tánh)
18/- Thất niệm (không nhớ)
19/- Tán loạn (lăng xăng, rối loạn)
20/- Bất chánh tri (không có sự hiểu biết chơn chánh).
Còn tánh THAM thì nằm trong 6 món “căn bản phiền não” là:
– Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến (thấy biết sai lầm).
Ác kiến có 5 thứ là:
– Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiên thủ kiến, giới thủ kiến (gọi là ngũ kiến).
Mà 6 thứ “căn bản phiền não” và 20 thứ “tùy phiền não” nầy, bổn tánh của nó vốn thuộc về Ma Nghiệp (nghiệp của MA).
Nay nếu như ta cứ mãi nặng mang lòng XAN và THAM mà không chịu bố thí thì như vậy là vô tình ta đã bước chân đi vào trong cảnh giới của MA rồi và như thế thì ta là MA TỬ (con của MA) chớ đâu phải là PHẬT TỬ (con của Phật) nữa.
Còn nếu như ta biết y theo lời Phật dạy mà hoan hỷ hành hạnh BỐ THÍ như thế là ta đã:
– Giết được hai con ma THAM và XAN (bỏn xẻn) ở trong tâm của ta rồi.
– Đã bước ra khỏi cảnh giới của hai con ma THAM và XAN rồi đó.
Như thế tức là:
Ta đã phá trừ và giết bỏ được hai con ma THAM và XAN nầy rồi vậy.
Ta đã hàng phục được hai con ma THAM và XAN ác ôn nầy đã làm cho ta bị mê mờ chơn tâm, Phật tánh từ kiếp quá khứ cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, như trước đã có nói:
Vì căn tánh của chúng sanh không định, khi thì thế nầy, khi thì thế khác, thay đổi liền liền…
Cho nên…
Để phòng ngừa các việc “biến tâm” bố thí thanh cao, tốt đẹp thành ra tâm hối tiếc, não phiền… mà phải bị tổn giảm hoặc tiêu mất các công đức của sự bố thí đi, cho nên Phật lại dạy tiếp thêm nữa rằng:
– Lại phải phát khởi thêm ba ý tưởng khác nữa, ấy là:
1/- VỚI NGƯỜI ĐẾN XIN CÓ Ý TƯỞNG THÂN THUỘC:
Là như thế nào?
Nghĩa là:
Khi có người “đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải tưởng nghĩ (đúng Pháp) như thế nầy:
– Từ quá khứ kiếp lâu xa đến nay, trong 6 nẻo luân hồi, chúng sanh cứ theo hành nghiệp bản hữu mà lăn lên, lộn xuống, hằng luôn thay mặt đổi hình, có khi làm quyến thuộc lẫn nhau… nhưng đến kiếp nầy vì chuyển đời, cách ấm, bị vô minh che lấp, nên không nhận biết ra nhau mà thôi.
Ngày hôm nay ta phát tâm bố thí đây và người đến xin thí nầy, biết đâu quá khứ họ là thân thuộc của ta, hoặc trong kiếp tương lai họ sẽ trở thành kẻ trong vòng lục thân của ta, cũng không biết chừng…
Vì nghĩ như vậy nên vui lòng bố thí mà không có chút lòng hối hận, tiếc nuối chi cả.
Đây gọi là:
– Vì tưởng thân thuộc mà bố thí vậy.
2/- VỚI BỐN NHIẾP PHÁP CÓ Ý TƯỞNG NHIẾP LẤY:
Là như thế nào?
Nghĩa là:
Ở trong bốn pháp nhiếp thọ (tứ nhiếp pháp) chúng sanh là:
– Bố thí nhiếp (Dùng sự bố thí để nhiếp thọ chúng sanh)
– Ái ngữ nhiếp (Dùng lời nói êm ái, dịu dàng để nhiếp thọ chúng sanh)
– Lợi hành nhiếp (Dùng thân, khẩu, ý hành các hạnh lành để nhiếp thọ chúng sanh)
– Đồng sự nhiếp (Thị thiện cùng làm những công việc đồng như chúng sanh để tiện dịp thân cận và nhiếp thọ họ).
Trong “4 nhiếp pháp” nói chung và riêng cho “bố thí nhiếp” nầy thì người Phật tử tại gia Bồ Tát hành hạnh bố thí cần phải sanh khởi ra ý tưởng (đúng Pháp) như thế nầy :
– Nay bố thí đây là vì ta muốn gây tạo nên một cơ hội tốt đẹp, để có dịp thuận tiện gần gũi với người “đến xin thí” nầy (nói riêng) và các chúng sanh khác (nói chung) hầu được dễ dàng nhiếp thọ và hoá độ họ.
Vì sao?
Vì các chúng sanh và những người đến xin thí nầy đều là những người (tuy là) đã từng có ít nhiều căn lành trong quá khứ cả, nhưng hiện kiếp đây, vì họ bị vô minh, cùng các thứ phiền não v.v… làm cho mê muội tâm tánh đi, vì vậy nên rất khó hoá độ hay khuyên bảo họ phát tâm tu hành được.
Nay đúng vào lúc họ đang bị lâm vào trong hoàn cảnh thiếu thốn, phải cần đến xin thí ở nơi ta. Vậy thì đây là dịp thuận tiện đúng thời, đúng lúc, để ta cấp thí cho họ được đầy đủ và mặc dù là ta không hề mong cầu chi đến các sự biết ơn, đáp đền hay trả nghĩa gì… từ nơi họ hết, nhưng ta biết là đương nhiên trong tâm của họ sẽ có ít nhiều thiện cảm đối với ta. Vậy ta nên đều đặn cấp thí cho họ mỗi khi họ đến xin thí ở nơi ta, lâu ngày như thế, chắc chắn là họ sẽ sanh lòng thân ái và nhớ, biết ơn ta…
Chừng đó, khi đúng thời đúng lúc rồi ta sẽ nương vào các dịp thuận tiện ấy mà thuyết dạy Phật Pháp cho họ nghe cùng dùng các thiện xảo phương tiện để nhiếp thọ và dẫn dắt cho họ vào trong nẻo đạo, hoá độ cho họ trở lại các thiện căn mà họ đã vun bồi trong những kiếp xa xưa… cho đến khi nào họ được thành đạo, giải thoát.
Đây gọi là:
– Với “Bố thí nhiếp” có ý tưởng nhiếp thọ chúng sanh vậy.
(Ba thứ nhiếp pháp còn lại là : “Ái ngữ, lợi hành, đồng sự” cũng cần phải được hành và khởi sanh ra ý tưởng nhiếp thọ đúng Pháp y như thế).
3/- VỚI VÔ BIÊN SANH CÓ Ý TƯỞNG XUẤT LY:
Là sao?
Nghĩa là:
Khi có người “đến xin thí” ở nơi ta, thì ta phải khởi sanh ra ý tưởng (đúng Pháp) như thế nầy:
– Các chư Phật hoặc chư Bồ Tát cùng với các bậc giải thoát đại thánh nhơn khác sở dĩ chứng đắc được đạo quả Bồ Đề, giải thoát ra khỏi vòng sanh tử v.v…
Ấy là do đâu?
Chính là do nơi thành tựu được hạnh “Bố thí Ba La Mật” – (chỉ có các Bồ Tát trong giai vị SƠ ĐỊA tức là “Hoan Hỷ Địa” trong hàng “Thập Địa Bồ Tát” mới tu chứng được độ “Bố thí Ba La Mật” nầy, chớ còn các bậc thánh nhơn khác trong hàng Thanh Văn, Duyên Giác, cùng các giai vị Bồ Tát trong hàng Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng chưa đủ công hạnh để thành tựu được độ “Bố Thí Ba La Mật” nầy).
Nhờ chứng đắc được “Bố thí Ba La Mật” như vậy cho nên quý Ngài mới phá trừ được thân “phần đoạn sanh tử” (tức là thoát khỏi cảnh chết bỏ thân nầy rồi sanh trở lại mang thân khác).
Còn ta thì nay bỏ thân nầy, rồi sanh ra nơi kiếp khác, mang thân khác nữa… cứ như thế mà xoay chuyển mãi trong 6 nẻo luân hồi, hết tử rồi sanh, hết sanh rồi tử, từ vô lượng, vô biên kiếp xa xưa cho đến nay mà vẫn không sao giải thoát ra khỏi ba cõi tử sanh được…
Cho nên ngày hôm nay ta phải quyết tâm và phát nguyện sẽ hành hạnh Bố thí nầy không thối chuyển, các người đến xin thí nầy đều thiệt là ân nhân của ta, là nhân duyên lớn làm cho ta thành tựu được “Bố thí Ba La Mật” về sau.
Có như thế thì ta mới được xuất ly, được giải thoát ra khỏi vô lượng, vô biên kiếp đời sanh tử trong buổi tương lai vậy.
Đây gọi là:
– Với “vô biên sanh” (tức là vô biên kiếp đời sanh tử) có ý tưởng xuất ly.
Lại nữa,
Cũng vì muốn để điều phục các sự biến tâm và thối chuyển nơi hạnh Bố thí của người Phật tử Bồ Tát tại gia, nên đức Như Lai dạy tiếp thêm rằng :
…………………………..
Lại có thêm ba ý tưởng khác nữa.
Ấy là:
1/- TRỪ THAM DỤC:
Là như thế nào?
Nghĩa là:
Khi người Phật tử tại gia Bồ Tát bố thí, phát tâm đem của cải riêng tư của mình ra mà phân phát cho những người đến xin thí như vậy, thì đương nhiên là tâm của người bố thí đó chắc chắn là:
– Không tham cầu nơi sự đáp đền ơn nghĩa.
– Không tham cầu các quả báo hữu lậu nơi cõi Trời, Người.
– Không tham cầu nơi các sự tích chứa tiền bạc, quý kim.
– Xả bỏ hết các sự bỏn xẻn, ích kỷ.
v.v……………
Vì có các tâm không tham cầu và xả bỏ như thế cho nên LÒNG THAM CỦA NGƯỜI BỐ THÍ NẦY CÀNG THÊM KÉM, BỚT và MỎNG, MÒN ĐI, cho đến một lúc nào đó thì hoàn toàn tiêu trừ được hết tất cả các lòng Tham dục cố hữu.
Đây gọi là:
Do nơi Bố thí mà TRỪ ĐƯỢC LÒNG THAM DỤC vậy.
2/- TRỪ SÂN HẬN:
Là như thế nào?
Nghĩa là:
– Khi người Phật tử tại gia Bồ Tát bố thí, phát tâm đem của cải riêng tư của mình ra mà phân phát cho những người đến xin thí như vậy, thì đương nhiên tâm của người bố thí đó đối với các kẻ đến xin thí chắc chắn là:
– Có lòng thương xót.
– Có lòng muốn giúp đỡ cho họ thoát khỏi các cảnh khốn cùng.
– Có lòng từ bi, bác ái, che chở bảo bọc…
v.v……………….
Vì có các “tâm thương xót” như thế cho nên lòng sân hận, giận tức nóng nảy của người bố thí nầy ngày càng thêm kém, bớt và mỏng, mòn đi. Cho đến một lúc nào đó thì hoàn toàn tiêu trừ được hết tất cả các tâm sân hận cố hữu.
Đây gọi là:
– Do nơi Bố thí mà TRỪ ĐƯỢC LÒNG SÂN HẬN vậy.
3/- TRỪ SI MÊ:
Là như thế nào?
Nghĩa là:
Khi người Phật tử tại gia Bồ Tát bố thí, phát tâm đem của cải riêng tư của mình ra mà phân phát cho những người đến xin thí như vậy, thì trong tâm của họ chắc chắn là có các sự hiểu biết (đúng Pháp) như thế nầy :
Nay ta bố thí đây, lòng ta nhất quyết nguyện rằng:
– Ta không mong cầu hưởng được các phước báo thù thắng ở nơi cõi Trời, Người.
– Ta không muốn làm nhà trưởng giả (giàu có lớn), hoặc làm Vua làm Chúa… nơi cõi nhân gian.
– Ta không muốn làm Thiên tử, Thiên Vương nơi các cõi Trời.
– Ta cũng không muốn làm Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn châu thiên hạ.
– Ta cũng không cầu được hưởng bất cứ quả báo tốt đẹp nào trong ba cõi Dục, Sắc và Vô Sắc giới cả.
Điều mà ta mong muốn nhất đó là:
– Đem công đức, phước lành của các việc bố thí mà ta đã, đang và sẽ làm :
– HỒI HƯỚNG HẾT CHO TẤT CẢ CHÚNG SANH, NGUYỆN CHO HỌ ĐƯỢC XA LÌA HẾT CÁC SỰ THAM CHẤP HỮU LẬU NƠI BA CÕI.
– HỒI HƯỚNG TRANG NGHIÊM CHO ĐẠO CHÁNH NHÂN BỒ ĐỀ VÔ THƯỢNG CỦA TA TRONG TƯƠNG LAI.
Vì có trí huệ biết suy nghĩ đúng Pháp và hồi hướng như vậy cho nên tâm “Si mê” của người nầy ngày càng thêm kém, bớt và mỏng, mòn đi, cho đến một lúc nào đó thì hoàn toàn tiêu trừ được hết tất cả các sự si mê cố hữu.
Đây gọi là:
– Do nơi Bố thí mà TRỪ ĐƯỢC SI MÊ vậy.
Phật dạy tiếp:
– Lại nầy nữa các trưởng giả :
Người Phật tử tại gia Bồ Tát khi thấy người đến xin thí ở nơi mình, thì phải có ý tưởng:
TU TẬP ĐẦY ĐỦ SÁU ĐỘ BA LA MẬT.
là như thế nào?
1/- Đối với các vật sở hữu của mình, người Phật tử tại gia Bồ Tát nầy thảy đều có tâm xả thí hết tất cả mà không chút luyến tiếc, hối hận, sầu buồn chi hết.
Đây gọi là:
TU TẬP ĐẾN ĐỦ BỐ THÍ BA LA MẬT.
2/- Y nơi tâm Bồ Đề (tức là tâm Từ bi, ban vui, cứu khổ) mà bố thí, chẳng vì cầu hưởng phước báo hữu lậu trong ba cõi.
Đây gọi là:
TU TẬP ĐẾN ĐỦ TRÌ GIỚI BA LA MẬT.
3/- Chẳng khởi, chẳng sanh ra một chút niệm, sân hận nào cho người đến xin thí cả– dù là một lời
phỉ báng, phải quấy, thấp cao hoặc khởi “một niệm nhỏ nhít như vi trần” đi nữa – để sanh sân giận, trách hờn, mắng nhiếc, huỷ nhục người chi cả.
Đây gọi là:
TU TẬP ĐẾN ĐỦ NHẪN NHỤC BA LA MẬT.
4/- Khi bố thí thì đem hết tất cả vật sở hữu của mình ra bố thí mà chẳng hề sanh khởi ra bất cứ một ý nghĩ keo kiệt nào – hoặc ích kỷ dù là nhỏ nhít như sợi lông, hạt cát đi nữa – là mình sẽ bị
lâm vào trong cảnh thiếu thốn, nghèo nàn cả, mà cứ hăng hái hành hạnh Bố thí hoài không thối chuyển…
Đây gọi là:
TU TẬP ĐẾN ĐỦ TINH TẤN BA LA MẬT.
5/- Lúc bố thí xong rồi – mặc dù có thể là bị khánh tận hết của cải – mà lòng chẳng hề sanh khởi ra một chút niệm lo, tiếc, động tâm hay sầu buồn nào hết.
Trái lại càng thêm vui mừng, phấn khởi và an ổn thân tâm hơn bao giờ cả, vì biết rằng mình đã làm xong được các việc phải làm…
Đây gọi là:
TU TẬP ĐẾN ĐỦ THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT.
6/- Lúc bố thí rồi cũng chẳng thấy rằng:
– Ta là người bố thí.
– Kia là kẻ nhận thí.
– Chẳng thấy có Pháp nào gọi là bố thí.
– Chẳng thấy có Pháp nào gọi là quả báo bố thí.
– Thấy tất cả người thí, kẻ nhận thí và quả báo bố thí đều là không (tức là “bố thí không chấp tướng).
Đây gọi là:
TU TẬP ĐẾN ĐỦ BÁT NHÃ (trí huệ) BA LA MẬT.
Thế cho nên người Phật tử tại gia Bồ Tát hành hạnh Bố thí phải nên biết rằng :
– Chỉ nội trong một Hạnh Bố thí mà thôi, nếu như ta biết thực hành đầy đủ và đúng theo “Như Pháp” mà Phật đã dạy, thì sáu độ Ba La Mật thậm thâm của hàng Thập Địa Bồ Tát thảy đều có ẩn tàng đầy đủ cả ở trong đó vậy.
Đến đây Bảo Đăng xin được kể ra một câu chuyện về hạnh Bố thí thanh tịnh gần đây nhất được Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Mã Anh Cửu tuyên dương Bà là “ĐẠI SỨ TỪ THIỆN” mà Bảo Đăng đọc được qua những tạp san đã được in trong năm 2010.
Vị Đại Sứ Từ Thiện của Đài Loan,
Ngày 29/04/2010, tạp chí Time công bố danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2010. Những người được chọn chia làm các nhóm :
– Lãnh Đạo (Leaders),
– Anh Hùng (Heroes),
– Tư Tưởng (Thinkers),
– Nghệ Sĩ (Artists)…
Năm này, Hoa Kỳ có 53 người được vinh danh, 47 người đến từ 23 nước khác.
Điều đáng ngạc nhiên là:
– Ngoài các nhân vật nổi tiếng đầy quyền lực như :
– Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama; cựu Tổng Thống Bill Clinton; Tổng Thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva; Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ Admiral Mike Mullen; Cựu Tổng Giám Đốc Apple Steve Jobs; Ứng viên Phó Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2008 của Đảng Cộng Hoà, Sarah Palin; Tài tử điện ảnh Lý Liên Kiệt; Hàn Hàn, nhà văn trẻ, tay đua xe hơi, đồng thời là một Blogger nổi tiếng của Trung Quốc…
Đặc biệt nhất là còn xuất hiện một Bà già bán rau đến từ Đài Đông, đảo quốc Đài Loan.
Trong Danh sách của nhóm Anh Hùng, Bà Chen Shu Chu (dịch là Trần Thụ Cúc) được đứng hàng thứ 8, người đứng đầu nhóm này là cựu Tổng Thống Bill Clinton.
Trước khi báo chí loan tin bà Trần Thụ Cúc (Chen Shu Chu) được giải thưởng, chợ đông người qua lại sạp rau ở Đài Đông không ai nghĩ rằng :
– Bà Cúc là một vị anh hùng chân chính của Đài Loan.
Bà bán rau Trần Thụ Cúc (Chen Shu Chu).
65 tuổi, là người chuyên bán rau xanh ngoài chợ Đài Đông. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thu nhập không nhiều, nhưng Bà là người ham thích giúp đỡ những người thiếu thốn như trẻ mồ côi, bệnh tật. Tiền bán rau mỗi ngày được bao nhiêu, bà đã lặng lẽ đem toàn bộ số tiền kiếm được giúp đỡ cho những người nghèo khó, đóng góp vào quỹ từ thiện lên đến 10 triệu đồng tiền Đài Loan (tính ra trên 320.000 Mỹ kim), bao gồm 32.000 Mỹ kim giúp những chương trình học vấn cho trẻ em, 144.000 Mỹ kim xây cất Thư viện cho trường học, 32.000 Mỹ kim giúp cho Cô nhi viện và bà đã tài trợ cho 3 trẻ em mồ côi ăn học.
Bà chỉ nghĩ đơn giản rằng hôm nào giúp được ai, tối hôm đó về nhà ngủ ngon hơn. Hằng ngày, Bà cảm thấy vui nhất là sau khi làm việc vất vả được ăn một bát mì nóng, thỉnh thoảng có thêm mấy ngọn rau xanh.
Ngày 05 tây tháng 03, bà Trần Thụ Cúc được Tạp chí Forbes Châu Á bình chọn là nhà từ thiện kiệt xuất nhất trong năm 2010.
Ngày 29 tây tháng 04, lại được Tạp chí Time chọn là 1 trong 100 nhân vật tiêu biểu của năm 2010.
Ngày 03 tây tháng 05, 2010 Bà Trần Thụ Cúc đã lên đường sang Mỹ lãnh thưởng.
Nhận định về việc một bà bán rau bình thường trong chợ Đài Đông bất ngờ được lọt vào danh sách của 100 nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng nhất thế giới của năm 2010.
Ông Richard Stengel và Radhika Jones, Giám Đốc điều hành tạp chí Time và Thư Ký toà soạn phụ trách ấn phẩm Time 100, cho biết rằng :
– Hằng năm, khi đưa ra danh sách bình chọn này, ngoài việc giới thiệu các nhân vật nổi tiếng, có quyền lực lay chuyển thế giới thực sự, ký giả của Tạp chí Time còn báo cáo lên tòa soạn những nhân vật đặc biệt. Họ có thể là những người rất bình thường, ít ai biết đến, nhưng nghĩa cử và
hành động âm thầm đóng góp cho cuộc đời của họ có khả năng lay động lòng người và thay đổi
tư duy cũng như thái độ của rất nhiều người trên thế giới hiện nay.
Đại sứ Từ thiện Trần Thụ Cúc,
Bà Cúc được mời đến Nữu Ước tham dự lễ phát thưởng trong một bữa tiệc lớn tổ chức vào tối ngày 04/05/2010. Khi nói về bà Trần Thụ Cúc, Tạp chí Time đã trích dẫn một câu nói của bà : -“Tiền phải dùng cho người cần nó mới hữu ích”.
Nhận được giấy mời đến Nữu Ước lãnh thưởng, Bà Cúc rất bất ngờ. Sức khỏe yếu, chân lại đau và chưa ra nước ngoài lần nào nên bà có ý không muốn đi. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Mã Anh Cửu biết được tin này lập tức gọi điện chúc mừng, khích lệ bà đến Nữu Ước lãnh thưởng. Ông ca ngợi bà là “Đại sứ Từ thiện”, khuyên bà đi lãnh thưởng “để cho toàn thế giới đều biết được tấm lòng thương người của dân chúng Đài Loan”. Ông cảm ơn bà và chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Đài Loan làm mọi việc để bà có thể đến Nữu Ước dự buổi lễ phát giải thưởng vào tối ngày 4 tháng 5.
Bà Cúc chưa hề xuất ngoại, nên không có giấy thông hành. Bộ Ngoại giao Đài Loan lập tức cử một nhóm người lo làm giấy thông hành cho bà, kết quả chỉ trong 1 tiếng đồng hồ bà đã có tấm giấy thông hành. Khi nhân viên Bộ Ngoại giao đưa tờ đơn cho bà điền và ký tên, bà ngượng ngùng nói rằng : –“Tôi viết chữ xấu lắm !” rồi mới ký tên vào lá đơn.
Hôm được mời đến gặp Tổng Thống Mã Anh Cửu, Bà Cúc ăn mặc gọn gàng, trước khi đi còn đến tiệm uốn tóc sửa lại mái tóc hằng ngày không được gọn gàng. Bà nói với bạn bè, được đi gặp Tổng Thống Mã Anh Cửu cần ăn mặc tử tế, đầu tóc phải gọn gàng để tỏ lòng tôn kính người đứng đầu đất nước.
Khi gặp đám ký giả đi theo chụp hình, bà Cúc ngượng ngùng vô cùng. Bà Cúc nói với một cô ký giả rằng :
-“Tôi là người thích làm việc, không thích nghỉ ngơi, càng không thích nói đến chuyện đi chơi. Khi được báo đi lãnh thưởng, tôi định nhờ người nào đó đi lãnh hộ, nhưng Tổng Thống Mã Anh Cửu và ông huyện trưởng Đài Đông khuyên tôi nên đi. Thật là khó xử. Lúc đó tôi nghĩ không có việc gì làm thì đến đó làm gì ? Tối hôm đó tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Lúc nào cũng nghĩ có nên đi hay không ?“.
Bà Cúc chưa hề nghe nói đến mấy chữ “Tạp chí Time”, cũng không biết lần này đi lãnh giải thưởng gì ? Tại sao lại được thưởng ? Tuy nhiên, bà vẫn trách ông hiệu trưởng đã nói việc bà giúp trẻ mồ côi tiền ăn học và xây dựng thư viện nhà trường cho báo chí nghe, mới nên nông nỗi này.
Một ký giả hỏi cảm tưởng của bà khi được ca ngợi là “Đại sứ Từ thiện”, bà nói :
– “Không có gì đáng ca ngợi cả”.
Tuy sắp lên đường đi Nữu Ước dự buổi tiệc phát thưởng vào tối ngày 04 tháng 05, sáng sớm ngày 2 tháng 5 bà Cúc vẫn ra chợ Đài Đông tưới rau và thu dọn sạch sẽ sạp rau. Những loại rau dễ hỏng đều được bà cất giữ cẩn thận để khi trở về vẫn còn dùng được. Sạp rau này thân mẫu bà để lại đến nay đã được 48 năm. Trong 48 năm qua, ngoại trừ một lần bà phải đến Đài Bắc chữa bệnh mấy ngày, bà chưa hề xa rời nó một ngày. Hằng ngày bà Cúc chỉ quanh quẩn tại 3 nơi : Nhà ở, chợ rau người trồng mang đến bán và sạp rau của bà.
Ông Hoàng Kiện Đình, Huyện Trưởng Huyện Đài Đông, cùng với vợ đã đến tận nhà để đưa bà Cúc đi sắm hai bộ quần áo mới để mặc sang Mỹ nhận giải. Bộ Ngoại giao còn cử một nhân viên nữ tháp tùng theo bà Cúc qua Mỹ và một nhân viên khác được phụ trách việc đi lại, ăn nghỉ của bà.
Những ngày xa lạ trên đất Hoa Kỳ
Tối ngày 03 tháng 05, 2010, bà già bán rau Trần Thụ Cúc đã từ Đài Bắc bay đến Nữu Ước, vào trú ngụ tại khách sạn Hilton ở khu Queens. Ở nhà bà ngủ trên cái giường kê bằng một tấm gỗ cứng, nay ngủ trên giường đệm hoàn toàn xa lạ, giờ giấc lại bị đảo lộn nên suốt đêm không chợp mắt được. Tuy vậy, sáng sớm ngày 04 tháng 05, bà đã thức dậy nhìn phong cảnh xa lạ chung quanh khách sạn. Một lúc sau lại đi ăn sáng cùng một số quan chức Sở Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc (cơ quan đại diện chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Nữu Ước) cùng phu nhân của các vị.
Bà nói cho các vị biết, ngủ không quen trên giường đệm rộng rãi nên không sao chợp mắt được, bà ngồi dậy xem đài truyền hình phát bằng tiếng Hoa. Tuy nhiên, bà lại không đọc được những dòng chữ phụ đề tiếng Hán trên TV, chỉ xem cho vui thôi. Thái độ thật thà bộc trực đó khiến cho mọi người càng mến bà hơn.
Bà còn ngượng ngùng kể cho mọi người biết tại sao bà thích làm việc thiện.
Năm 13 tuổi, mẹ bà qua đời, bà là chị hai đành phải thay mẹ nuôi các em. Từ đó bà trông coi sạp rau mẹ để lại lấy tiền nuôi các em ăn học.
Thấy hoàn cảnh nhiều đứa trẻ khổ sở như các em của mình, hễ kiếm được tiền, bà dành dụm giúp đỡ các em. Bà không hề nghĩ việc mình làm là việc thiện, chỉ biết giúp được người nào là bà sung sướng vô cùng.
Sau bữa ăn sáng, bà xin đi xem chợ rau ở phố Tàu Nữu Ước. Nhìn những cây rau quen thuộc, nét mặt bà vui vẻ vô cùng. Sau khi đi xem chợ rau, nhân viên Sở Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc đưa bà đi chải tóc chuẩn bị tham dự buổi tiệc lãnh thưởng tối nay (04/05). Các cô phòng uốn tóc đề nghị bà chải hết kiểu tóc này đến kiểu tóc khác, nhưng bà chỉ muốn buộc gọn ở phía sau như hằng ngày bà vẫn chải. Bà nói : – “Chải như vậy thoải mái hơn”.
Sau khi chải tóc xong, họ đưa bà Trần Thụ Cúc đến dự bữa tiệc phát giải thưởng cho 100 nhân vật xuất sắc năm 2010 được tạp chí Time bình chọn. Cùng đi với bà có ông Tống Thân Vũ, tổ trưởng chính trị Sở Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc. Khi bước chân lên thảm đỏ và đối diện những ánh đèn sáng chói của nhiều máy chụp hình, lúc đầu bà cảm thấy sợ và căng thẳng vô cùng, phải một lúc sau mới bớt sợ và quen dần. Khi chờ trước thang máy, bà Cúc gặp Sarah Palin, Tống Thân Vũ giới thiệu bà Cúc với Palin. Là người biết rõ việc làm từ thiện của bà Trần Thụ Cúc, nay lại được gặp mặt, Sarah Palin vui vẻ bắt tay bà nói rằng : -“Rất hân hạnh được gặp bà”. Tối hôm đó hai người đã chụp hình lưu niệm.
Một số người nổi tiếng như : – David Chang, đầu bếp nổi tiếng gốc Hàn;
Một số nhà thiết kế quần áo nổi tiếng như :
– Elton John, Rachael Ray, Betty White, Suze Orman cũng được mời đến tham dự.
Năm mươi ba nhân vật được Tạp chí Time bình chọn là nhân vật của năm 2010 đã đến tham dự bữa tiệc lãnh thưởng. Mọi người đều có ấn tượng sâu sắc với việc làm từ thiện của bà Trần Thụ Cúc, một người đã “bỏ quên” cuộc sống hằng ngày của mình lo cho người khác. Tinh thần lo cho người khác trước, sau đó mới nghĩ đến bản thân của mình, đã khiến cho nhiều người xúc động.
Lý An, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Đài Loan, đã được Tạp chí Time mời viết bài giới thiệu bà Trần Thụ Cúc đăng trên Tạp chí Time 100 và đọc trong bữa tiệc. Giáo sư Michael Sherraden của trường Đại học Washington vô cùng kính trọng bà đồng thời ca ngợi Tổng Thống Mã Anh Cửu đã cử “Đại sứ Từ thiện” giới thiệu cho mọi người biết việc làm tốt đẹp của đảo quốc Đài Loan.
Dịp này nhiều nhà báo, học giả đã viết bài ca ngợi “Đại sứ Từ thiện” Trần Thụ Cúc. Chúng tôi xin trích một đoạn trong bài “Trần Thụ Cúc, anh hùng Đài Loan” của giáo sư Lâm Đăng Thu, giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Đài Bắc như sau :
-“Bà bán rau tại chợ Đài Đông Trần Thụ Cúc được Tạp chí Time bình chọn là 100 nhân vật của năm 2010. Bà được xếp hàng thứ 8 trong nhóm Anh Hùng. Bà xứng đáng là một anh hùng. Những người biết được việc làm cao cả của bà đều cho đó là một vinh dự, nhưng bà Trần Thụ Cúc lại nói “lãnh giải gì cũng không quan trọng, bán được nhiều rau có nhiều tiền giúp đỡ người khác mới là điều quan trọng…” Việc làm của bà Trần Thụ Cúc là một bài học vô cùng quý báu đối với dân chúng Đài Loan. Lòng hảo tâm của bà là sức mạnh và giá trị thúc đẩy xã hội Đài Loan tiến lên. Nó có giá trị gấp trăm ngàn lần tiếng nói suông của người học giỏi tài cao… Nhiều người trong xã hội Đài Loan cần phải noi theo tấm lòng từ thiện của bà… góp phần vào việc xây dựng xã hội Đài Loan được tốt đẹp hơn”.
Được biết, tất cả tiền thưởng nhận được bà đem BỐ THÍ hết mà không giữ một đồng nào cho bản thân.
Đến năm 2012, bà được Ban tổ chức Giải thưởng Ramon Magasaysay Award foundation của Philippines (giải thưởng được xem là “Nobel châu Á”) trao tặng danh hiệu, tri ân những việc làm cao cả của bà. Bà là một trong sáu người nhận giải Magsaysay Award vì giúp đỡ người nghèo và Bà được lãnh thưởng 50.000USD.
Bảo Đăng mong rằng, sau khi quý Huynh đệ đọc xong về hạnh BỐ THÍ THANH TỊNH và BỐ THÍ ĐÚNG PHÁP của bà Trần Thụ Cúc, sẽ phát tâm tu tập thêm hơn hạnh bố thí bình đẳng với cái tâm “thật” hoan hỷ, tâm thanh tịnh và bất cầu báo.
Ngoài ra còn nhiều hạnh Bố thí thanh tịnh khác nữa như là:
– Bố thí một lời nói lành cho người,
– Bố thí một ý tưởng tốt cho người,
– Bố thí cái “thật” hoan hỷ cho người,
– Bố thí cái “tâm chân thật” đối với người.
– Nhất là cái Bố thí VÔ ÚY (là giúp cho người không còn sợ sệt)
Thì sẽ được trọn vẹn cái PHƯỚC, cái ĐỨC của mình trên bước đường tu tập và cũng là một bước tiến đầu tiên trong lục độ Ba-la-mật vậy.
Lành thay cho bà Trần Thụ Cúc.
Nam mô A-DI-ĐÀ PHẬT