THẬP LUẬT TỤNG
Hán dịch: Hậu Tần Phất Nhược Đa La cộng La Thập dịch
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 50

PHÁP TĂNG NHẤT

5. Năm Pháp (Tiếp Theo)

Có năm pháp mà phe đảng có thể phát khởi việc tranh cãi trong Tăng, khi phát khởi việc tranh cãi sẽ gây nhiều não loạn, làm giảm tổn trời người:

– Một là Tỳ-kheo tranh cãi dùng phi pháp răn dạy.

– Hai là có học thuyết của phe đảng.

– Ba là khinh thường Tỳ-kheo đọc tụng kinh.

– Bốn là ngăn người thuyết giới.

– Năm là trợ giúp tranh cãi, nói xấu lẫn nhau.

Ngược với năm pháp trên thì phe đảng không thể phát khởi việc tranh cãi trong Tăng, do không thể phát khởi việc tranh cãi nên không gây não loạn và làm lợi ích cho trời người.

Có năm pháp của người cử tội có hổ thẹn, không thể trả lời theo thứ lớp:

– Một là có hổ thẹn, không thể trả lời theo thứ lớp.

– Hai là khi Thượng tòa hỏi, không thể trả lời theo thứ lớp.

– Ba là khi bị hỏi sanh sợ nên nghe hỏi việc này lại đáp việc khác.

– Bốn là dựa vào phe đảng mà khinh thường Thượng tòa .

– Năm là phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp.

Lại có năm pháp của người cử tội dù bị nạn vấn vẫn có thể trả lời theo thứ lớp:

– Một là bị nạn vấn, có thể trả lời theo thứ lớp.

– Hai là khi Thượng tòa hỏi có thể trả lời theo thứ lớp.

– Ba là lúc bị hỏi không sợ, hỏi và đáp không khác nhau.

– Bốn là không dựa vào phe đảng mà khinh Thượng tòa .

– Năm là phi pháp nói là phi pháp, pháp nói là pháp.

Lại có năm pháp của người cử tội, không thể đáp thứ lớp:

– Một là không biết rõ nghĩa câu.

– Hai là trước đã có chê trách người thọ nhận xử đoán nguồn gốc tranh cãi của hai bên, hoặc nguồn gốc tranh cãi của Sa-di và bạch y.

– Ba là nhờ người khác cử tội mà không biết nghĩa câu.

– Bốn là nói không nhất định.

– Năm là không biết chỗ trụ của ba việc thấy nghe nghi .

Ngược với năm điều trên thì người cử tội dù bị nạn vấn, vẫn có thể trả lời theo thứ lớp.

Có năm pháp thành tựu yết ma, đó là hiện tiền thành, gởi dục thành, đồng kiến thành, từ Ưu-bà-tắc tín tâm nghe thành và năm là tác yết ma xong, im lặng thành.

Có năm pháp cọng yếu:

– Một là xin phép cho cử tội rồi mà không cử.

– Hai là việc này nên từ chỗ này mà nói cọng yêu.

– Ba là việc này nên từ chỗ kia mà nói cọng yêu.

– Bốn là việc này nên tùy theo chỗ mà nói cọng yếu.

– Năm là tùy việc đã phạm mà vui vẻ chỉ tội cho người, nói tội rồi như ngựa dữ khó điều phục, nhổ cọc mang theo dây cương chạy đi.

Có năm pháp mà Tỳ-kheo muốn cầu nghĩa, khi nghe nghĩa từ người khác nên khéo phân biệt nghĩa:

– Một là thật hay không phải là thật.

– Hai là đúng thời hay không đúng thời.

– Ba là tợ nghĩa hay không tợ nghĩa.

– Bốn là ở trong nghĩa này có phát khởi đấu tranh, nói xấu nhau khiến Tăng bị phá, Tăng bị xúc não, Tăng chia rẽ, Tăng biến khác không.

– Năm là ở trong nghĩa này không có phát khởi đấu tranh, nói xấu nhau, Tăng không bị phá, Tăng không bị xúc não, Tăng không chia rẽ, Tăng không biến khác.

Tỳ-kheo có năm pháp khiến Tăng không thanh tịnh, đó là nói lỗi của Phật, Pháp, Tăng và giới; năm là không theo oai nghi.

Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo khiến Tăng thanh tịnh.

Có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là không nói đúng như nguồn gốc của sự việc.

– Hai là nói theo hứng thú.

– Ba là nói theo người khác.

– Bốn là lời nói ra không tương ưng nghĩa câu.

– Năm là dùng nghĩa câu không tương ưng mà nói.

Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là không cân nhắc mà nghe thọ lời người nói.

– Hai là nghe thọ lời người khác nói không đầy đủ.

– Ba là nghe thọ lời người khác nói theo hứng thú.

– Bốn là nghe thọ lời người khác nói bất định.

– Năm là không hỏi lại ba lần.

Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là lời mình nói mà không hiểu nghĩa.

– Hai là lời người khác nói cũng không hiểu nghĩa.

– Ba là không thể khiến người khác hiểu điều mình đã nói.

– Bốn là nói lặp lại làm nhiễu loạn và quên mất nghĩa câu.

– Năm là không biết nghĩa câu của kinh.

Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là không được sai mà tự nói.

– Hai là việc chưa thành mà nói trước.

– Ba là không biết được điều mà chúng hò hợp đã nói.

– Bốn là xúc não người khác.

– Năm là nói lặp lại làm nhiễu loạn người nghe.

Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Có năm pháp thành tựu mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra trì luật không được sai mà được tự nói:

– Một là bậc Thượng tòa hay đồng bậc Thượng tòa.

– Hai là người thuyết giới hay đồng bậc người thuyết giới.

– Ba là quán thấy phe đảng có thế lực.

– Bốn là bạch Tăng.

– Năm là muốn quở trách Thượng tòa.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra trì luật không được sai mà được tự nói:

– Một là Tỳ-kheo tranh cãi phá giới, khinh giới.

– Hai là Tỳ-kheo tranh cãi không có oai nghi như trè con vô trí.

– Ba là Tỳ-kheo tranh cãi không biết rộng về luật.

– Bốn là Tỳ-kheo tranh cãi thích làm việc phi pháp, không có hổ thẹn.

– Năm là Tỳ-kheo tranh cãi kết phe đảng không có hổ thẹn.

Tỳ-kheo Thượng tòa có năm pháp nên quở trách:

– Một là phá giới, khinh giới.

– Hai là không có oai nghi như trẻ con vô trí.

– Ba là không biết rộng về luật.

– Bốn là thích làm việc phi pháp.

– Năm là kết phe đảng phi pháp.

Tỳ-kheo Thượng tòa lại có năm pháp nên quở trách:

– Một là sanh ác tà kiến.

– Hai là do sanh ác kiến nên sanh tà kiến điên đảo.

– Ba là thích nói phi pháp, phi thời và không thật.

– Bốn là ở trong chánh pháp tùy hứng mà nói.

– Năm là không có hổ thẹn, kết phe đảng không có hổ thẹn.

Tỳ-kheo xử đoán việc trong Tăng, khi đến trong Tăng xử đoán, trước phải trụ năm pháp mới đến trong Tăng: – Một là cung kính, cởi giày dép đi vào.

– Hai là trịch bày vai hữu, không che đầu, cung kính, cởi giày dép đi vào.

– Ba là trịch bày vai hữu, không hở ngực, cung kính, cởi giày dép đi vào.

– Bốn là trịch bày vai hữu, không lật ngược y sang hai bên, cung kính, cởi giày dép đi vào.

– Năm là trịch bày vai hữu, không được quấn y phủ hai bên, cung kính đi vào, biết hổ thẹn, khen chê không biến sắc, khởi tâm từ, tâm thiện, không nói chuyện thế gian. Khi tới tòa ngồi nên sanh tâm thiện, tâm cung kính.

Có năm loại đại tặc, đó là giặc cướp lấy, giặc trộm lấy, giặc gạt lấy, giặc vu khống lấy và giặc nhận của người gởi rồi lấy luôn.

Có năm cách lấy vật của người, đó là cướp lấy, trộm lấy, gạt lấy, vu khống lấy, dựa vào pháp mà lấy.

Có năm hạng người không nên cho phép cử tội:

– Một là người không biết hổ thẹn.

– Hai là người không biết sợ.

– Ba là người trước đã có chê trách.

– Bốn là người ít trí.

– Năm là người muốn bỏ pháp Tỳ-kheo .

Có năm loại thí không có phước, đó là cho người nữ, cho đồ chơi (hí cụ), cho hình tượng nam nữ giao hội và năm là cho lời phi pháp.

Lại có năm loại thí không có phước, đó là cho binh khí, cho dao, cho thuốc độc, cho bò dữ và năm là cho bằng cách bảo người làm việc gì đó.

Có năm trường hợp tự nói là A-la-hán thì mắc tội:

– Một là tâm không cuồng mà nói.

– Hai là tâm không loạn mà nói.

– Ba là không bị đau đớn mà nói.

– Bốn là không thật chứng mà nói với người chưa thọ đại giới.

– Năm là không phải là kẻ Tăng thương mạn mà nói.

Ngược với năm trường hợp trên thì tự nói là A-la-hán không có mắc tội.

Lại có năm trường hợp tự nói là A-la-hán thì mắc tội: Bốn trường hợp đầu giống như trên, năm là không sợ mà nói. Ngược với năm trường hợp này thì tự nói là A-la-hán không có mắc tội.

Lại có năm trường hợp không tự nói là A-la-hán mà mắc tội: một là làm hình tướng, hai là làm tướng khác lạ, ba là oai nghi khác lạ, bốn là trước đã bảo người khác nói và năm là lấy tên người khác nói. Ngược với năm trường hợp này thì không mắc tội không tự nói là A-la-hán .

Lại có năm trường hợp không tự nói là A-la-hán mà mắc tội: Bốn trường hợp đầu giống như trên, năm là trước đã bảo người ở chỗ khuất nói. Ngược với năm trường hợp này thì không mắc tội không tự nói là A-la-hán .

Tỳ-kheo Hỷ vọng đến nhà bạch y thường thường phạm năm việc:

– Một là phạm phi thời vào nhà.

– Hai là phạm một mình cùng người nữ ở chỗ khuất.

– Ba là phạm ngồi cùng người nữ nơi nhà ăn (tức là nhà mà người nữ này có chồng yêu thương)

– Bốn là phạm ăn nhiều lần (thường thường ăn)

– Năm là phạm nói pháp cho người nữ, không có tịnh nhơn bên cạnh.

Có năm cách chiết phục, đó là không sai làm, không nói chuyện, không ngó ngàng đến, không dạy bảo và năm là không cho có việc gì để làm.

Có năm loại tương tợ, đó là tương tợ Thế tôn, tương tợ Pháp, tương tợ Tăng, tương tợ Giới và năm là tương tợ Tỳ-kheo làm Thác lại tra.

Ngược với năm loại trên là năm loại không tương tợ.

Có năm việc phạm Tăng-già-bà-thi-sa:

– Một là người nữ có mạng căn.

– Hai là thọ lấy tướng người nữ.

– Ba là sanh tâm dục.

– Bốn là muốn làm việc phi phạm hạnh.

– Năm là xúc chạm chỗ kín.

Lại có năm việc phạm Tăng-già-bà-thi-sa:

– Một là người nữ khởi tưởng người nữ.

– Hai là khởi tưởng sanh tâm dục.

– Ba là muốn làm việc phi phạm hạnh.

– Bốn là xúc chạm chỗ kín.

– Năm là hai thân xúc chạm nhau.

Có năm loại đại tặc hiếm có trên thế gian: Ba loại đại tặc đầu giống như trong ba pháp đã nói.

Bốn là người xuất gia làm Tỳ-kheo lại phạm giới phá giới, bên trong thối nát hiển hiện ra bên ngoài; không phải Sa-môn mà tự nói là Sa-môn, không phải phạm hạnh mà nói là phạm hạnh. Đây là loại đại tặc thứ tư.

Năm là hạng người đối với những lời Phật đã nói hoặc Thanh văn nói, hoặc tiên nhơn nói, hoặc chư thiên nói, hoặc hóa nhơn nói, sau khi nghe được từ người khác liền nói là tôi nói. Nếu có ai hỏi người trì giới này đắc quả Tu-đà-hoàn phải không, thì đáp là đúng như vậy, hoặc im lặng chấp nhận. Đây là loại đại tặc thứ năm.

Có năm loại do ăn mà sanh tội: Như ăn, nuốt, đòi, lấy và mang ra khỏi giới.

Lại có năm loại do oai nghi mà sanh tội: Như đến, đi, đứng, ngồi, đại tiểu tiện.

Lại có năm loại do người mà sanh tội: Như người nữ, bất năng nam, người có hai căn, người thuộc ngoại đạo, người chưa thọ đại giới.

Lại có năm loại do người mà sanh tội: Như người bị khổ thiết (trị phạt), người đang hành y chỉ, người bị tẫn, người đang hành Hạ ý, người bị tĩm tướng tội .

Lại có năm loại do người mà sanh tội: Như người bị Bất kiến tẫn, người bị Bất tác tẫn, người bị Ác tà bất trừ tẫn, người bị Biệt trụ và năm là người phạm Bất cọng trụ.

Lại có năm loại do người mà sanh tội: Như người bị Biệt trụ, người hành Biệt trụ xong, người bị tẫn, người là Tặc trụ xen lẫn trong Tăng và năm là người làm ô nhục Tỳ-kheo-ni.

Có năm hạng người không nên cho phép cử tội:

– Một là người đang hành Biệt trụ.

– Hai là người đã hành Biệt trụ xong.

– Ba là người đang hành Ma-na-đỏa .

– Bốn là người đã hành Ma-na-đỏa xong.

– Năm là người bị tẫn.

Lại có năm hạng người không nên cho phép cử tội, đó là người bị khổ thiết (trị phạt), người đang hành y chỉ, người bị tẫn, người đang hành Hạ ý và năm là người bị tìm tướng tội.

Lại có năm hạng người không nên cho phép cử tội, đó là như người bị Bất kiến tẫn, người bị Bất tác tẫn, người bị Ác tà bất trừ tẫn, người bị Biệt trụ và năm là người phạm Bất cọng trụ.

Lại có năm hạng người không nên cho phép cử tội, đó là người không có hổ thẹn, người không biết sợ, người trước đó có chê trách, người ít trí, người khủng bố.

Năm hạng người không nên cho phép cử tội kể trên cũng không nên cọng yếu, không nên cho phép ngăn thuyết giới, không nên cho phép ngăn Tự tứ, không nên cho phép ngăn giáo giới. Nếu cho phép cử tội, cọng yếu, cho phép ngăn thuyết giới, tự tứ và giáo giới thì mắc tội.

Tỳ-kheo muốn cử tội người khác phải tự trụ trong năm pháp mới được cử tội người khác:

– Một là thân thanh tịnh.

– Hai là khẩu thanh tịnh.

– Ba là từ trước đến nay thanh tịnh.

– Bốn là nghe nhiều biết rộng, thông suốt A-hàm.

– Năm là không đến trong tụ lạc xấu ác.

Phật bảo Ưu-ba-ly: “Vì sao Tỳ-kheo phải tự trụ trong năm pháp này trước rồi mới cử tội người khác, vì nếu sau này có Tỳ-kheo nói rằng: “Thân thầy không thanh tịnh sao lại cử tội người khác”, vì thế thân phải thanh tịnh trước mới được cử tội người khác. Bốn pháp sau cũng giống như vậy”.

Tỳ-kheo có năm pháp không nên sai giữ vật: Một là không biết chỗ, hai là không biết giá, ba là không biết thọ nhận, bốn là không biết 1 số, năm là hay quên. Ngược với năm pháp trên thì nên sai giữ vật.

Tỳ-kheo có năm pháp không nên sai giữ y: Một là không biết chỗ, hai là không biết giá, ba là không biết thọ nhận, bốn là không biết số, năm là hay quên. Ngược với năm pháp trên thì nên sai giữ y.

Tỳ-kheo có năm pháp không nên sai chia y: Một là không biết y, hai là không biết màu sắc y, ba là không biết giá y, bốn là không biết số, năm là không biết là cho hay không cho. Ngược với năm pháp trên thì nên sai chia y.

Lại có năm pháp không nên sai chia y, đó là ái, sân, sợ, si và không biết đã chia hay chưa chia. Ngược với năm pháp này thì nên sai chia y.

Có năm nạn bố tát, đó là nạn vua, nạn giặc, nạn đồng bậc vua, nạn người, nạn thú dữ.

Có năm trường hợp dời ngày bố tát:

– Một là chuyển dời từ A-lan-nhã đến Tăng phường.

– Hai là chuyển dời từ Tăng phường đến A-lan-nhã.

– Ba là vua ra lịnh.

– Bốn là giặc ra lịnh.

– Năm là Tăng bị phá vì làm hòa hợp.

Tỳ-kheo phá giới thường đến nhà người có năm lỗi đó là dạy người khác phi pháp, phi Tỳ-ni, dạy người có oai nghi xấu, sanh tà kiến và dạy người khác nghe điều phi pháp.

Ngược lại Tỳ-kheo không phá giới khi đến nhà người có năm lợi ích đó là dạy người khác như pháp, như Tỳ-ni, dạy người có oai nghi tốt, sanh chánh kiến và dạy người khác nghe chánh pháp.

Tỳ-kheo phá giới đến nhà người lại có năm lỗi:

– Một là dạy người thân nghiệp bất thiện.

– Hai là dạy người khẩu nghiệp bất thiện.

– Ba là dạy người gần ác tri thức.

– Bốn là dạy người sanh tà kiến.

– Năm là dạy nghe điều phi pháp.

Tỳ-kheo không phá giới đến nhà người có năm lợi ích ngược với năm lỗi kể trên.

Tỳ-kheo có năm chỗ không nên đi đến, đó là chỗ đồng nữ, chỗ quả phụ, chỗ người nữ có chồng, chỗ dâm nữ và chỗ Tỳ-kheo-ni. Nếu đi đến năm chỗ này thì Tăng có thể cho yết ma Khổ thiết, yết ma Y chỉ, yết ma Khu xuất, yết ma Hạ ý, yết ma Mích tội tướng; hoặc Tăng không cho xả yết ma Khổ thiết… cho đến không cho xả yết ma Mích tội tướng .

Lại có năm chỗ Tỳ-kheo không nên đi đến, đó là chỗ đồng nữ, chỗ quả phụ, chỗ dâm nữ, chỗ ngoại đạo, chỗ huỳnh môn. Nếu đi đến năm chỗ này Tăng có thể cho yết ma Khổ thiết… cho đến yết ma Mích tội tướng; hoặc Tăng không cho xả yết ma Khổ thiết… cho đến không cho xả yết ma Mích tội tướng cũng giống như vậy.

Đệ tử cọng hành có năm pháp, Hòa thượng nên chiết phục, đó là đối với Hòa thượng không thương, không kính, không biết hổ, không biết thẹn và thích đến chỗ không nên đến. Nếu đệ tử cọng hành có năm pháp ngược với năm pháp trên thì Hòa thượng không nên chiết phục, nếu chiết phục thì mắc tội.

Đệ tử cọng hành có năm pháp, Hòa thượng không nên thọ đệ tử hối lỗi, đó là đối với Hòa thượng không thương, không kính, không biết hổ, không biết thẹn và năm là không cho Hòa thượng pháp và y thực. Nếu đệ tử cọng hành có năm pháp ngược với năm pháp trên thì Hòa thượng nên thọ đệ tử cọng hành hối lỗi, nếu không thọ thì mắc tội.

Có năm hạng người không nên vì nói Tỳ-ni: Một là hỏi để thử, hai là không nghi mà hỏi, ba là không phải vì hối lỗi đã phạm mà hỏi, bốn là gạn hỏi, năm là không lãnh thọ mà hỏi. Ngược với năm pháp trên thì nên vì nói Tỳ-ni.

Có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh: Một là dựa vào thế lực mà nói, hai là không sợ khó nói, ba là sợ mà nói, bốn là kinh hãi mà nói, năm là không lợi căn mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là nói lớn, nói không thân thiện, nói hay thay đổi, nói không tương ưng với pháp. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là nói hay quên, không xét kỹ mà nói, tánh ác mà nói, nói lúc sân, nói để thử. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là nói lời chê bai, nói lời cấm tiệt, nói lời châm chích, không nói ra lời thiện, nói ra lời lầm lỗi. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là nói lời không đầy đủ, nói lời che giấu, nói lén, nói lời xen tạp, bị mắng nói lời chiết phục. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là nói lời không chân thật, nói lời hư dối, nói lời hay thay đổi, nói không đúng lúc, nói mà không giữ lời. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là nói lời muốn cử tội người khác.

– Hai là nói lời cử tội người khác.

– Ba là nói lời khinh chê người khác.

– Bốn là nói lời quở trách.

– Năm là nói lời hiềm trách. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh: Một là nói lời phá chúng, hai là nói lời muốn phá chúng, ba là nói lời phá nghĩa, bốn là nói lời ưa thích phá, năm là nói lời cầu danh. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là nói lời ái, nói lời sân, nói lời sợ, nói lời si và năm là nói lời mà người nghe không tín thọ. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là nói lời không cung kính.

– Hai là đi vào không cung kính mà nói.

– Ba là mang giày dép không cung kính mà nói.

– Bốn là phủ vai hữu không cung kính mà nói.

– Năm là che phủ đầu không cung kính mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là không thông suốt kinh mà nói.

– Hai là không thông suốt luật mà nói.

– Ba là không khéo biết nghĩa tranh cãi mà nói.

– Bốn là không khéo biết nhân duyên phát khởi tranh cải mà nói.

– Năm là không khéo biết nghĩa của diệt tránh mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là dựa vào sức của thân mà nói.

– Hai là dựa vào sức của miệng mà nói.

– Ba là nói lới không phải là Kinh.

– Bốn là nó lời phi pháp.

– Năm là nói lời phi luật. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là không được khuyên mà nói.

– Hai là không được sai mà nói.

– Ba là không bạch chúng mà nói.

– Bốn là không quán sát mà nói.

– Năm là không sợ khó nói mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là nói lời an ủi thương xót.

– Hai là thọ sự an ủi thương xót mà nói.

– Ba là có tính toán mà nói.

– Bốn là vì lợi mà nói.

– Năm là nói dựa theo ý người. Ngược với năm pháp trên thì Tỳkheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là dùng nghĩa bất thiện mà nói.

– Hai là dùng câu bất thiện mà nói.

– Ba là nên nói trước mà lại nói sau.

– Bốn là nên nói sau mà lại nói trước.

– Năm là nên nói lời này lại nói lời kia. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là ít trí huệ, ít tụng A-hàm. Không thông suốt A-hàm, không thọ học A-hàm và năm là không biết nghĩa câu của A-hàm. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh, đó là vì tranh chấp mà nói, vì phá hoại mà nói, vì chấp thủ mà nói, vì nói xấu nhau mà nói và vì tranh cãi mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là nói lời trái với thề nguyền.

– Hai là không hỏi mà nói.

– Ba là không hỏi ba lần mà nói.

– Bốn là người không biết nói mà nói.

– Năm là người không biết tranh luận mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là quên A-hàm mà nói.

– Hai là nói không đúng câu văn.

– Ba là bỏ sót mất A-hàm mà nói.

– Bốn là không thông suốt A-hàm mà nói.

– Năm là không cung kính lãnh thọ A-hàm mà nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là nói lặp lại lời của chúng.- Hai là đem lời của chúng ra nói. – Ba là nói khác lạ – Bốn là vì lợi mà nói.

– Năm là cầu người khác nói. Ngược với năm pháp trên thì Tỳkheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo làm Thác lại tra không thể diệt tránh:

– Một là chúng nói hối lỗi liền nói tội của họ ra.

– Hai là khiến người không sân liền nổi sân.

– Ba là khiến người đã sân không dừng lại sân.

– Bốn là lời nói ra như gió thoảng khiến người không tín thọ.

– Năm là ý nghĩa của lời nói ra không hợp với kinh Tỳ-sa-da. Ngược với năm pháp trên thì Tỳ-kheo làm Thác lại tra có thể diệt tránh.

Phật bảo Ưu-ba-ly: “Tỳ-kheo hạ tòa muốn đến trước Thượng tòa hối lỗi thì nên trụ trong năm pháp rồi mới hối lỗi, đó là từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai hữu, cởi giày dép, quỳ gối, chắp tay bạch Thượng tòa ba lần: “Xin như pháp sám hối”. Như thế gởi dục thanh tịnh, thọ Tự tứ hay xuất tội cũng giống như vậy”.

Có năm pháp mà người cử tội không được cử tội người khác: – Một là thân không thanh tịnh – Hai là khẩu không thanh tịnh.

– Ba là ít trí huệ.

– Bốn là không thông suốt A-hàm.

– Năm là thích đến chỗ không nên đến. Ngược với năm pháp trên thì người cử tội được cử tội người khác.

Có năm pháp mà Tỳ-kheo đủ mười tuổi hạ được nuôi đệ tử và cho thọ đại giới:

– Một là đã thọ đại giới đủ mười hạ.

– Hai là hoặc hơn mười tuổi hạ.

– Ba là trì giới có trí huệ.

– Bốn là có thể dứt nghi cho đệ tử.

– Năm là có thể phá ác tà kiến cho đệ tử.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo đủ mười tuổi hạ được nuôi đệ tử và cho thọ đại giới:

– Một là có thể dạy trì giới.

– Hai là có thể dạy Tỳ-ni.

– Ba là có thể dạy A-tỳ-đàm.

– Bốn là nếu đệ tử ở phương khác không thích, có thể tự dẫn về hay nhờ người khác dẫn về.

– Năm là đệ tử bị bịnh có thể chăm sóc hay nhờ người khác chăm sóc.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo đủ mười tuổi hạ được nuôi đệ tử và cho thọ đại giới là tự mình có đủ tín, giới, thí, huệ và đa văn; lại có thể khiến đệ tử tùy nhập trụ trong tín, giới, thí, huệ và đa văn.

Lại có năm pháp mà Tỳ-kheo đủ mười tuổi hạ được nuôi đệ tử và cho thọ đại giới là tự mình có thể trụ trong giới vô học, định vô học, huệ vô học, giải thoát và giải thoát tri kiến vô học; lại có thể khiến cho đệ tử cũng trụ trong giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến vô học.

Nếu Tỳ-kheo đủ mười tuổi hạ không có đủ năm pháp kể trên mà nuôi đệ tử và cho thọ đại giới thì mắc tội; nếu đủ năm pháp kể trên cũng được cho người y chỉ và chứa nuôi Sa-di; nếu không đủ năm pháp kể trên mà cho người y chỉ và chứa nuôi Sa-di thì mắc tội.

6. Sáu Pháp

Có sáu nguồn gốc tranh cãi, đó là sân hận không nói, tánh ác muốn hại, thAm-lam ganh ghét, dua nịnh quanh co, không biết hổ thẹn và sáu là ác dục tà kiến.

Có sáu hạng người dạy bảo nên tùy thuận, không nên trái nghịch, đó là Hòa thượng, A-xà-lê, chúng Tăng, vua, đồng bậc vua và sáu là Tỳ-kheo làm Thác lại tra.

Có sáu loại yết ma, đó là đơn bạch yết ma, bạch nhị yết ma, bạch tứ yết ma, Tăng yết ma, Tỳ-kheo làm Thác lại tra yết ma và sáu là thuyết giới yết ma.

Có sáu pháp học, đó là Tăng thượng giới, tăng thượng ý, tăng thượng trí, tăng thượng oai nghi, tăng thượng Tỳ-ni và sáu là tăng thượng Ba-la-đề-mộc-xoa.

Có sáu loại thỉnh, đó là thỉnh Tăng, thỉnh chúng nhơn, thỉnh người, thỉnh bát, thỉnh y và sáu là thỉnh thực.

Có sáu pháp không đầy đủ, đó là giới, kiến, mạng, oai nghi không đầy đủ, tự mình không đầy dủ và sáu là người khác không đầy đủ. Ngược với trên thì gọi là sáu pháp đầy đủ.

Lúc đó trưởng lão Ưu-ba-ly đến chỗ Phật, đảnh lễ rồi bạch Phật: “Thế tôn, xin nói sơ lược pháp yếu cho con biết thế nào là pháp, là luật là lời Phật dạy”, Phật bảo: “Này Ưu-ba-ly, nếu biết pháp này tùy thuận dục, không tùy thuận vô dục; tùy thuận không hòa hợp, không tùy thuận hòa hợp, tùy thuận lỗi, không tùy thuận không lỗi; tùy thuận tăng trưởng, không tùy thuận không tăng trưởng, một mực không chuyển; tùy thuận phiền não không lìa thì thầy nhất định phải biết đây là phi pháp, phi Tỳ-ni, phi Phật pháp. Nếu biết pháp này không tùy thuận dục mà tùy thuận vô dục; tùy thuận hòa hợp, không tùy thuận lỗi mà tùy thuận không lỗi; không tùy thuận tăng trưởng mà tùy thuận không tăng trưởng; không tùy thuận phiền não thì thầy nhất định phải biết đây là pháp, là Tỳ-ni, là Phật pháp. Lại nữa, nếu biết pháp này tùy thuận tham, không tùy thuận không tham; tùy thuận không nhàm lìa, không tùy thuận nhàm lìa; tùy thuận đa dục, không tùy thuận thiểu dục; tùy thuận không biết đủ, không tùy thuận biết đủ; tùy thuận ác tà kiến, không tùy thuận ác tà kiến thì thầy nhất định biết đây là phi pháp, phi Tỳ-ni, phi Phật pháp. Nếu biết pháp này không tùy thuận tham mà tùy thuận không tham; không tùy thuận không nhàm lìa mà tùy thuận nhàm lìa; không tùy thuận đa dục mà tùy thuận thiểu dục; không tùy thuận không biết đủ mà tùy thuận biết đủ; không tùy thuận ác tà kiến mà tùy thuận không ác tà kiến thì thầy nhất định biết đây là pháp, là Tỳ-ni, là Phật pháp ”. Giống như trưởng lão Ưu-ba-ly, trưởng lão A-na-luật, Tỳkheo-ni Đại ái đạo, Kế xá Cù-Đàm-di… cũng đã hỏi Phật như vậy.

Có sáu pháp hiện tiền, đó là Tăng, chúng nhơn, nhơn, Hòa thượng, A-xà-lê và giới hiện tiền.

Có sáu cách lấy, đó là cướp lấy, trộm lấy, gạt lấy, vu khống lấy, nhận của người gởi rồi lấy luôn, như pháp mà lấy.

Có sáu pháp hòa nhiếp:

– Một là dựa trên tu thân từ để khuyên các vị phạm hạnh với lòng tôn trọng, kính yêu, tư duy, nhiếp thủ, phát khởi tinh tấn và hướng đến Niết bàn.

– Hai là dựa trên tu khẩu từ… như trên.

– Ba là dựa trên tu ý từ… như trên.

– Bốn là như pháp được bố thí y bát và các vật khác, đem bố thí cho các vị phạm hạnh với lòng tôn trọng, kính yêu… như trên.

– Năm là hộ giới không cho thiếu sót, không phạm, không thối thất, thanh tịnh đầy đủ được Phật khen ngợi, có thể thọ trì hết và khuyên các vị phạm hạnh… như trên. sáu là với chánh kiến đã được có thể hiển bày pháp yếu để khuyên các vị phạm hạnh… như trên.

7. Bảy Pháp

Có bảy tài, đó là tín, giới, văn, thí, huệ, tàm và quý.

Có bảy lực, đó là tín, tinh tấn, tàm, quý, niệm, định và huệ lực.

Có bảy pháp chỉ tránh, đó là hiện tiền, tự ngôn, ức niệm, bất si, mích tội tướng, đa mích và bố thảo chỉ tránh.

Có bảy loại y, đó là y gai, y Sô ma, y Sa noa, y Kiều thi da, y Súy di la, y Khâm bà la và y kiếp bối.

Có bảy nội chúng, đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.

Có bảy pháp khiến chánh pháp diệt vong, mai một, đó là không có lòng tin, lười biếng, không biết hổ, không biết thẹn, hay quên, không có định và ít trí huệ.

Có bảy pháp không phải là chánh pháp, đó là không kính pháp, không kính nghĩa, không kính thời, không biết đủ, không tự kính mình, không kính chúng, không phân biệt người. Ngược với bảy pháp này thì gọi là bảy chánh pháp.

Trì luật có bảy đức:

– Một là có thể trì nội Tạng của Phật.

– Hai là có thể đoạn trừ tranh cãi (diệt tránh).

– Ba là do trì giới nên ở vị trí trên các ngoại đạo.

– Bốn là do trì luật nên không ai có thể gạn hỏi.

– Năm là do trì luật nên không gạn hỏi người khác.

– Sáu là ở trong chúng nói giới không có sợ gì.

– Bảy là có thể đoạn nghi khiến chánh pháp trụ lâu.

Có bảy Phật đại trì luật: Một là Phật Tỳ-bà-thi, hai là Phật Thikhí, ba là Phật Tùy-diếp, bốn là Phật Câu-lưu-tôn, năm là Phật Câu-nahàm-Mâu-ni, sáu là Phật Ca-diếp, bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni . 8. Tám Pháp

Có tám chúng đó là Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, cư sĩ, Sa-môn, Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và chúng Ưu-bà-di.

Có tám pháp có thể chứng quả Niết bàn, đó là chánh kiến, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm và chánh định.

Có tám pháp được thí, đó là giới (cõi) được thí, y chỉ được thí, chế hạn được thí, nhân duyên được thí, Tăng được thí, Hiện tiền được thí, an cư được thí và tám là chỉ thị (chỉ định) được thí.

Do tám việc nên xả y Ca-hi-na, đó là khi ba y đã đủ, khi y may thành, khi đi, khi nghe, khi mất y, khi khởi tâm không trở về, khi quá thời hạn, khi cùng Tăng xả.

Có tám loại guốc không nên cất chứa, đó là guốc gỗ, guốc Đa-la, guốc Ba-la-xá, guốc tre, guốc lá cây, guốc Văn-nhã, guốc ba-ba, guốc Khâm-bà-la.

Có tám loại theo thế pháp, đó là lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ và lạc.

Có tám nạn, đó là nạn vua, nạn giặc, nạn lửa, nạn nước, nạn thú dữ, nạn rồng, nạn người, nạn phi nhơn.

Có Tỳ-kheo khi đang hành Biệt trụ thì xả giới, sau đó xin thọ giới lại, thọ giới rồi bạch các Tỳ-kheo: “Trong khi con đang hành Biệt trụ, xả giới rồi xin thọ giới lại, nay con phải làm sao”, các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Vốn đang hành Biệt trụ thì nên cho hành Biệt trụ, không nên tác pháp cho lại nữa. Giống như trường hợp xả giới, các trường hợp khác như nói tôi là Sa-di … cho đến người bị Bất kiến tẫn, người bị Bất tác tẫn, người bị Ác tà bất trừ tẫn cũng như vậy”.

Có Tỳ-kheo hành Biệt trụ xong liền xả giới, sau đó xin thọ giới lại, thọ giới rồi bạch các Tỳ-kheo: “Con hành Biệt trụ xong liền xả giới, nay xin thọ giới lại, con phài làm thế nào”, các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nếu đã hành Biệt trụ xong thì nên bảo theo tăng xin cho pháp hành Ma-na-đỏa. Giống như trường hợp xả giới, các trường hợp khác như nói tôi là Sa-di… cho đến người bị Bất kiến tẫn, người bị Bất tác tẫn, người bị Ác tà bất trừ tẫn cũng như vậy”.

Có Tỳ-kheo đang hành Ma-na-đỏa thì xả giới, sau đó xin thọ giới lại, thọ giới rồi bách các Tỳ-kheo: “Trong khi con đang hành Ma-nađỏa thì xả giới, nay xin thọ giới lại, con phải làm sao”, các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Vốn đang hành Ma-na-đỏa thì nên hành Ma-na-đỏa, không nên tác pháp cho lại nữa. Giống như trường hợp xả giới, các trường hợp khác như nói tôi là Sa-di… cho đến người bị Bất kiến tẫn, người bị Bất tác tẫn, người bị Ác tà bất trừ tẫn cũng như vậy”.

Có Tỳ-kheo hành Ma-na-đỏa xong liền xả giới, sau đó xin thọ giới lại, thọ giới rồi bạch các Tỳ-kheo: “Con hành Ma-na-đỏa xong liền xả giới, nay xin thọ giới lại, con phải làm thế nào”, các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Nếu đã hành Ma-na-đỏa cong thì nên bảo theo Tăng xin cho xuất tội. Giống như trường hợp xả giới, các trường hợp khác như nói tôi là Sa-di … cho đến người bị Bất kiến tẫn, người bị Bất tác tẫn, người bị Ác tà bất trừ tẫn cũng như vậy”.

9. Chín Pháp

Có chín loại não hại:

– Một là người này đã xâm hại, tổn hại tôi.

– Hai là người này sẽ xâm hại, tổn hại tôi.

– Ba là người này đang xâm hại, tổn hại tôi.

– Bốn là người này đã làm lợi ích cho oan gia của tôi.

– Năm là người này sẽ làm lợi ích cho oan gia của tôi.

– Sáu là người này đang làm lợi ích cho oan gia của tôi.

– Bảy là người này đã xâm hại, tổn hại đến bà con tôi.

– Tám là người này sẽ xâm hại, tổn hại đến bà con tôi.

– Chín là người này đang xâm hại, tổn hại đến bà con tôi.

Chín pháp này khiến họ sanh não nên gọi là cửu não. Ngược lại, nếu nghĩ rằng: “Tại sao không khiến cho người này không xâm hại, tổn hại đến tôi mà làm lợi ích cho tôi”, nghĩ như thế thì xả được phiền não; hoặc nghĩ rằng: “Tại sao không khiến cho người này làm lợi ích cho oan gia của tôi”, nghĩ như thế thì xả được phiền não; hoặc nghĩ rằng: “Tại sao không khiến cho người này không xâm hại, tổn hại đến bà con tôi”, nghĩ như thế thì xả được phiền não. Đó gọi là chín pháp xả não.

10. Mười Pháp

Có mười pháp khiến chánh pháp diệt vong mai một, đó là phi pháp nói là pháp, pháp nói là phi pháp, phi Tỳ-ni nói là Tỳ-ni, Tỳ-ni nói là phi Tỳ-ni, không phạm nói là phạm, phạm nói là không phạm, khinh mà nói là trọng, trọng mà nói là khinh, Vô tàn mà nói là Hữu tàn, Hữu tàn mà nói là Vô tàn.

Ngược với mười pháp trên thì gọi là mười pháp không khiến cho chánh pháp diệt vong, mai một.

Có mười pháp gọi là Thượng tòa:

– Một là người có chỗ ở, không sợ, không ai có thể ngăn.

– Hai là người đã dứt phiền não, quen biết nhiều, có tiếng tăm, có thể khiến người khác sanh tâm tịnh.

– Ba là người có biện tài đầy đủ, không ai thắng được.

– Bốn là người có thể nói pháp không trệ ngại, nghĩa thú rõ ràng khiến người nghe tín thọ.

– Năm là người khéo hay thư thả khi đi vào nhà người.

– Sáu là người có thể nói pháp thâm diệu cho bạch y.

– Bảy là người khéo phân biệt các đạo.

– Tám là người khéo khuyên người khác hành bố thí, trai giới.

– Chín là người có thể khuyên người khác bỏ ác theo thiện.

– Mười là người tự có đủ bốn đế, được hiện pháp an lạc, không có gì thiếu sót.

Tỳ-kheo làm Ô-hồi-cưu-la có mười pháp này thì Tăng không nên sai:

– Một là không biết nguồn gốc việc tranh cãi và chỗ qua lại ban đầu.

– Hai là không biết tranh cãi.

– Ba là không khéo phân biệt việc tranh cãi.

– Bốn là không biết được nhân duyên phát sanh tranh cãi.

– Năm là không biết nghĩa của việc tranh cãi.

– Sáu là không khéo diệt tránh.

– Bảy là không thể làm cho việc tranh cãi đã dứt diệt không phát khởi trở lại.

– Tám là giới không thanh tịnh.

– Chín là không có đa văn.

– Mười là ít trí huệ.

Ngược với mười pháp trên thì Tăng nên sai làm Ô-hồi-cưu-la.

Phật tại nước Bà-già, trong tụ lạc Na-lệ-bàn có một Ưu-bà-tắc với tâm tin ưa thanh tịnh xây cất một phòng xá cúng riêng cho trưởng lão La-vân. La-vân thọ rồi liền đi du hành hai tháng, Ưu-bà-tắc này thấy vậy liền đem phòng xá này cúng cho Tăng bốn phương. Du hành hai tháng xong trở về, La-vân mới biết Ưu-bà-tắc đã đem phòng xá này cúng cho Tăng bốn phương, liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đem việc trên bạch Phật rồi nói: “Thế tôn, nay con phải làm sao”, Phật bảo: “Thầy nên đến hỏi Ưu-bà-tắc đó rằng: “Tôi không có điều gì xúc phạm ông chứ, hay là ông thấy tôi làm điều không phải hạnh Sa-môn, hay là thân khẩu tôi đã tạo tội lỗi gì?”. La-vân vâng lời Phật dạy đến hỏi Ưu-bàtắc y như vậy, Ưu-bà-tắc nói: “Đại đức không có điều gì xúc phạm tôi, tôi cũng không thấy đại đức làm điều gì không phải hạnh Sa-môn, thân khẩu cũng không tạo tội lỗi gì”, lúc đó La-vân nói pháp chỉ dạy cho Ưu-bà-tắc được lợi hỉ rồi ra về, đến chỗ Phật bạch lại đầy đủ việc trên. Phaật do việc này nhóm Tỳ-kheo tăng rồi bảo các Tỳ-kheo: Có mười cách thí phi pháp, mười cách thọ phi pháp và mười cách dùng phi pháp, đó là:

– Một là đã cúng thí cho Tăng này rồi lại chuyển qua cúng thí cho Tăng khác, đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Hai là đã cúng thí cho Ni tăng này rồi lại chuyển qua cúng thí cho Ni tăng khác, đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Ba là đã cúng thí cho ba hoặc hai, một Tỳ-kheo này lại chuyển qua cúng thí cho ba hoặc hai, một Tỳ-kheo khác; hoặc chuyển qua cúng thí cho Tăng. Đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Bốn là đã cúng thí cho ba hoặc hai, một Sa-di này lại chuyển qua cúng thí cho ba hoặc hai, một Sa-di khác; hoặc chuyển qua cúng thí cho Tăng. Đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Năm là đã cúng thí cho ba hoặc hai, một Tỳ-kheo-ni này lại chuyển qua cúng thí cho ba hoặc hai, một Tỳ-kheo-ni khác; hoặc chuyển qua cúng thí cho Tăng. Đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Sáu là đã cúng thí cho ba hoặc hai, một Thức-xoa-ma-na này lại chuyển qua cúng thí cho ba hoặc hai, một Thức-xoa-ma-na khác; hoặc chuyển qua cúng thí cho Tăng. Đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Bảy là đã cúng thí cho ba hoặc hai, một Sa-di-ni này lại chuyển qua cúng thí cho ba hoặc hai, một Sa-di-ni khác; hoặc chuyển qua cúng thí cho Tăng. Đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Tám là đã thí cho ba hoặc hai, một súc sanh này lại chuyển qua thí cho ba hoặc hai, một súc sanh khác; đây gọi là thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Chín là đã cúng thí cho Tỳ-kheo tăng lại chuyển qua cúng thí cho Tỳ-kheo-ni tăng; hoặc đã cúng thí cho Tỳ-kheo-ni tăng lại chuyển qua cúng thí cho Tỳ-kheo tăng. Đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

– Mười là nếu Tăng bị phá làm hai bộ, đã cúng thí cho bộ tăng này lại chuyển qua cúng thí cho bộ Tăng khác; đây gọi là cúng thí phi pháp, thọ phi pháp và dùng phi pháp.

Cúng thí trước thì gọi là cúng thí như pháp, cúng thí sau là cúng thí phi pháp. Như vua là đàn việt chủ đất, chủ phòng xá chỉ được trông coi gìn giữ, không được đoạt của nơi này đem thí cho một nơi khác”.

 

THÊM MƯỜI PHÁP TĂNG NHẤT

1. Một Pháp:

Có một pháp Phá sẽ đọa trong ác đạo, đó là Phá tăng.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo do thân nghiệp làm, đó là làm thân Phật bị thương chảy máu.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo do khẩu nghiệp làm, đó là hủy báng Phật.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo, đó là ý niệm làm biệt chúng.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo, đó là nói hai lưỡi xúi giục người khác phá Tăng.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo, đó là gạn hỏi Tăng. Phi pháp khởi tưởng là phi pháp, do thấy phi pháp nên phá Tăng; phi pháp khởi tưởng là pháp, do thấy phi pháp nên phá Tăng; phi pháp khởi tưởng là pháp và nghi nên phá Tăng.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo do sát sanh khởi, đó là giết A-la-hán.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo do trộm cắp khởi, đó là trộm vật của Phật và Tăng.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo do dâm dục khởi, đó là phạm bất tịnh đối với Tỳ-kheo-ni và A-la-hán.

Có một pháp Phạm sẽ đọa trong ác đạo từ vọng ngữ khởi, đó là tự nói mình được pháp hơn người.

2. Hai Pháp

Có hai loại phạm là bất thiện và vô ký.

Lại có hai loại phạm là thân và khẩu.

Lại có hai loại phạm là phương tiện và phi phương tiện.

Lại có hai loại phạm là đùa cợt và không đùa cợt.

Lại có hai loại phạm là đồng và không đồng.

Có hai pháp đồng phạm là khinh và trọng.

Có hai pháp đồng phạm là Hữu tàn và Vô tàn.

Có hai pháp không đồng phạm là khinh và trọng.

Có hai pháp không đồng phạm là Hữu tàn và Vô tàn.

Có hai pháp sám không đồng là đối thú sám và tâm niệm sám.

Có hai loại phạm là hữu hạn và vô hạn.

Có hai loại phạm là xứ và phương hướng.

Có hai loại phạm là có thể đếm số và không thể đếm số.

Có hai loại phạm là lúc ra và lúc sắp ra.

Có hai loại phạm là lúc vào và lúc sắp vào.

Có hai loại phạm là lúc khởi và lúc sắp khởi.

Có hai loại phạm là đúng thời và phi thời.

Có hai loại phạm là đọa và không đọa.

Có hai loại phạm là Thâu-lan-giá và tương ưng với bạch y.

Có hai loại phạm là trọng phá và trọng không phá.

Có hai loại phạm là Hữu tàn và Vô tàn.

Có hai loại phạm là khinh và trọng.

Có hai loại phạm là người bị cử tội có phạm và người cử tội có phạm.

Có hai loại phạm là phạm thuộc về đối thú sám và phạm thuộc về tâm niệm sám.

Có hai loại phạm là phạm thuộc về trọng giới và phạm không thuộc về trọng giới.

Có hai loại phạm là phạm về bạch và phạm về không bạch.

Có hai loại phạm là tạm thời và trọn đời.

Có hai loại phạm là phạm về có tội và phạm về không có tội.

Tỳ-kheo-ni có hai loại đồng phạm là trọng và khinh.

Lại có hai loại đồng phạm là Hữu tàn và Vô tàn.

Lại có hai loại không đồng phạm là khinh và trọng.

Lại có hai loại không đồng phạm là Hữ tàn và Vô tàn.

Lại có hai loại sám không đồng là đối thú sám và tâm niệm sám.

Lại có hai loại phạm là ra khỏi giới và sắp ra khỏi giới.

Lại có hai loại phạm là tự khen ngợi và không tự khen ngợi.

Lại có hai loại phạm là lúc đứng dạy và lúc ngồi.

Lại có hai loại phạm là lúc ngủ và lúc không ngủ.

Lại có hai loại phạm là phạm về nói và phạm về im lặng.

Lại có hai loại phạm là cố ý và không cố ý.

Có hai loại si là si vô tri và si phóng dật.

Có hai loại che giấu là che giấu vô tri và che giấu phóng dật.

Có hai hạng người nên cho Biệt trú, có hai hạng người nên cho Ma-na-đỏa, có hai hạng người nên cho Bổn nhật trị, có hai hạng người nên cho xuất tội. Đó là Tỳ-kheo và không phải Tỳ-kheo .

Có hai hạng người đoán sự trong Tăng là được Tăng sai và không được Tăng sai.

Có hai loại đoán sự là được yết ma và không được yết ma.

Người đoán sự có hai công đức là được ý chúng và có thể không sợ xử đoán việc.

Có hai hạng người đoán sự là có hổ thẹn và không hổ thẹn.

Có hai hạng người đoán sự là có riêng tư và không riêng tư, nếu xử phi pháp thì có riêng tư, nếu xử như pháp thì không có riêng tư.

Có hai hạng người đoán sự là tự trực tiếp nghe được hay nghe qua từ người khác.

Có hai hạng người đoán sự là tự đuổi hay bảo người đuổi.

Có hai hạng người đoán sự là tranh cãi hay không tranh cãi.

Có hai hạng người đoán sự là thông suốt A-hàm hay không thông suốt A-hàm.

Có hai hạng người đoán sự là khéo phân biệt A-hàm hay không khéo phân biệt A-hàm.

Có hai hạng người đoán sự là nói lời rõ ràng và nói lời không rõ ràng.

Có hai hạng người đoán sự là khéo nói và không khéo nói.

Có hai hạng người đoán sự là gạn hỏi và không gạn hỏi.

Có hai hạng người đoán sự là tanh nóng vội và tánh không nóng vội.

Có hai hạng người đoán sự là tự biết và không tự biết.

Có hai hạng người đoán sự là biết cân nhắc và không biết cân nhắc.

Có hai hạng người đoán sự là theo chúng và không theo chúng. Có hai hạng người đoán sự là tự khen và không tự khen.

Có hai hạng người đoán sự là có thể diệt tránh và không thể diệt tránh.

Có hai hạng người đoán sự là người nói lời mềm mỏng và người nói lời thô sẵn.

Có hai hạng người đoán sự là người trì giới và người không trì giới, cho đến nên quở trách và không nên quở trách, nên cử và không nên cử, nên cung kính và không nên cung kính cũng như vậy.

Có hai hạng người vô trí là phá giới và phá kiến; ngược lại thì gọi là hai hạng người có trí.

Có hai loại phạm là phạm về giới và phạm về kiến. Nếu giới và kiến đầy đủ thì gọi là không phạm.

Có hai loại Khổ thiết là bị yết ma phạt hành khổ thiết hay Tăng hòa hợp cho yết ma Khổ thiết. hai loại Y chỉ, hai loại Khu xuất, hai loại Hạ ý cũng giống như vậy.

Có hai hạng người thanh tịnh là có bạch và không bạch sám hối hay phát lồ.

Nếu Tăng tranh cãi thì việc tranh cãi nên giao lại cho Tăng xử đoán hoặc giao lại cho ba, hai, một người xử đoán; Tăng nên nhận để xử đoán và diệt tránh, cho đến ba, hai, một người cũng nên nhận để xử đoán và diệt tránh.

Có hai cách tra xét phi pháp là phi pháp cho là pháp, pháp cho là phi pháp. Ngược lại thì gọi là tra xét như pháp.

Có hai cách phạt là không sai làm và không dạy bảo.

3. Ba Pháp

Có ba loại yết ma nhiếp hết tất cả yết ma, đó là đơn bạch yết ma, bạch nhị yết ma, bạch tứ yết ma.

Có ba loại Tỳ-ni là tham dục, sân hận và ngu si. Ngược lại thì gọi là không phải Tỳ-ni.

Có ba việc nên làm ở chỗ khuất là đại, tiểu tiện và xỉa răng.

Có ba loại phạm là tham dục, sân hận và ngu si.

Có ba hạng người ở riêng là người phạm, người không phạm và người tự nói.

Có ba bậc được thế gian cúng dường và tôn kính là Như lai chí chơn đẳng chánh giác, Lậu tận A-la-hán và Chuyển luân thánh vương.

Có ba loại hoa, ba loại hương, ba loại kỹ nhạc, ba loại phướn lọng, ba loại lụa để cúng dường.

Có ba loại đồng ý của bậc thượng, trung và hạ:

Một là bậc thượng đồng ý thì đáng được cả ba bậc thượng trung hạ đồng ý; nếu được cả ba sự đồng ý này thì tốt và nên lấy cả ba sự đồng ý này.

Hai là bậc trung dồng ý thì đáng được hai bậc trung hạ đồng ý, nếu được hai sự đồng ý này thì tốt và nên lấy hai sự đồng ý này; không nên đòi hỏi sự đồng ý của bậc thượng, nếu đòi hỏi là không tốt.

Ba là bậc hạ đồng ý thì đáng được sự đồng ý của bậc hạ, nếu được sự đồng ý này thì tốt và nên lấy sự đồng ý này; không nên đói hỏi sự đồng ý của hai bậc trên, nếu đòi hỏi là không tốt.

Có ba pháp biết là biết phạm, biết không phạm và biết giới đã chế.

4. Bốn Pháp

Có bốn loại tránh là đấu tránh, vô căn tránh, phạm tránh và thường sở hành tránh.

Có bốn loại dược: Thời dược, thời phần dược, thất nhật dược và tận hình dược

Có bốn chúng là Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. Có bốn chúng trời là Tứ thiên vương, chúng Ma, Đao lợi thiên và Phạm thiên vương.

Có bốn loại chúng là chúng được dạy bảo, chúng không được dạy bảo, chúng ô trược và chúng thanh tịnh.

Có bốn loại bi là thương xót làm lợi ích, không não hại và trụ trong chánh pháp.

Có bốn pháp nên dứt là tham dục, sân hận, ngu si và tà kiến. Có bốn việc nên Như lai thiết lập giáo pháp là vì lợi ích, vì nơi chốn, vì thời đại và vì người.

Có bốn việc nên Như lai chế giới là phạm, không phạm, trọng và khinh.

Có bốn loại điều phục là cho khổ thiết, cho y chỉ, cho khu xuất và cho hạ ý.

Có bốn loại dược nên quan sát là loại dược tịnh lẫn với loại dược bất tịnh, loại dược bất tịnh lẫn với loại dược tịnh, loại dược tịnh lẫn với loại dược tịnh và loại dược bất tịnh lẫn với loại dược bất tịnh.

Có bốn việc tranh cãi là việc đấu tranh, việc tranh cãi do không căn cứ, việc tranh cãi về phạm tội và việc tranh cãi về việc nên làm thường ngày.

Có bốn việc hoặc quở trách hoặc mắng hoặc nói khác lạ hoặc im lặng.

Như lại dựa trên bốn cảnh giới mà chế giới, đó là cảnh giới thần túc, cảnh giới trí, cảnh giới pháp và cảnh giới người.