QUYỂN 25
PHÁP BÌ CÁCH THỨ NĂM
Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó trong nước A-thấp Ma-già-a-bàn-đề có tụ lạc tên Tát-bà, trong tụ lạc này có một cư sĩ rất giàu có, rất nhiều của báu, thọ dụng đầy đủ mọi thứ, chỉ thiếu một thứ là không con. Vì muốn có con nên ông đi khắp các nơi cầu khấn nơi các thần miếu, thần kỳ, thần ao, thần nhà, thần ngã tư đường, thần Đại tự tại thiên, thần Nala-diên, thần Vi nữu cho đến thần Bát-bà-la nhưng vẫn không có con. Khi thời điểm có con đến thì vợ cư sĩ liền biết mình có thai, người nữ minh trí có bốn trí bất cọng: Một là biết người nam thương, hai là biết người nam không thương, Ba là biết khi có thai, bốn là từ đâu có được. Lúc đó người vợ này nói cho cư sĩ biết, cư sĩ nghe được tin mừng này biết sẽ có con trai nên cung cấp cho vợ đầy đủ, ngủ nghỉ đúng thời khiến thân được an ổn, đi đâu đếu có người theo hầu không để lo buồn điều gì. Đủ ngày tháng người vợ này sanh được một trai, nơi lỗ tai có đeo một khoen vàng, dung mạo đoan nghiêm ai thấy đều yêu mến. Cư sĩ vui mừng tập họp các tướng sư Bà-la-môn lại hỏi rằng: “Hài nhi này đức lực như thế nào?”, đáp là rất có đức lực, cư sĩ muốn đặt tên cho hài nhi. Theo pháp nước có hai cách đặt tên cho con: Một là đặt tên theo vì sao lúc sanh ra, hai là đặt tên theo điềm lành lúc sanh ra. Tướng sư hỏi cư sĩ: “Hài nhi sanh ra vào lúc nào?”, đáp là vào ngày giờ …………, tướng sư sau khi tính toán xong liền nói: “Hài nhi sanh vào ngày có sao Samôn nên đặt tên là Sa-môn”. Cư sĩ lại tập họp các chuyên gia biết tướng vàng báu, chỉ khoen vàng trên lỗ tai của hài nhi rồi hỏi họ: “Khoen tai vàng này trị giá bao nhiêu?”, đáp: “Khoen tai vàng này không phải vật báu thế gian làm ra nên không dễ bình giá, nhưng theo ý của chúng tôi bình giá thì khoen vàng này trị giá khoảng một ức kim tiền”. Hài nhi tên Sa-môn, khoen vàng trên lỗ tai trị giá một ức kim tiền nên mọi người gọi tên là Sa-môn Ức-nhĩ. Cư sĩ giao hài nhi cho năm bà dưỡng mẫu chăm sóc: Một bà lo chăm sóc thân, tức là chăm sóc tay chân mặt mũi thân thể cho bé; một bà lo vệ sinh cho bé, tức là lo tắm rửa giặt giũ cho bé; một bà lo bú mớm cho bé, tức là cung cấp sữa và thức ăn bổ dưỡng cho bé; một bà lo cho bé được an lành, tức là theo quạt hầu và bảo vệ cho bé; một bà lo cho bé vui chơi, tức là tùy thời cho bé vui chơi các loại đồ chơi như người gỗ, voi, ngựa xe… Do đứa bé này có đức lực nên mau lớn, đến tuổi trưởng thành cho học thông các môn học như thư số toán số, khéo biết tướng các vật…
Tụ lạc Vương tác bạc là nơi hội tụ các thương nhơn khắp mười phương, lúc đó các thương nhơn mười phương hội tụ đến tụ lạc đều hỏi trong tụ lạc này ai là người giỏi nhất và có đức để tin cậy, chỉ cho họ biết việc lợi hại; mọi người đều chỉ đến chỗ Sa-môn Ức-nhĩ. Các thương nhơn đến chỗ Sa-môn Ức-nhĩ yêu cầu làm thương chủ, Ức-nhĩ hỏi họ từ đâu đến, đáp: “Chúng tôi từ nước __ đến”, liền hỏi: “Ở trong nước đó có việc tốt xấu gì?”, liền đáp đầy đủ các việc tốt xấu. Sau đó lại có các thương nhơn tự trong biển lớn đến tụ lạc cũng hỏi thăm như trên, mọi người cũng chỉ đến chỗ Sa-môn Ức-nhĩ, họ cũng đến chỗ Ức-nhĩ yêu cầu làm thương chủ, Ức-nhĩ hỏi họ từ đâu đến, đáp là từ trong biển lớn đến, lại hỏi: “Trong biển lớn có việc tốt xấu gì?”, đáp: “Trong biển lớn có các mối lo sợ như sóng biển, rùa biển, cá biển như cá Đề-mê, cá Đềmê kỳ-la, cá Thất-thu-ma-la; lại cón có nước xoáy, núi ngầm dưới nước, gió bão, rồng dữ và nạn La sát. Vì thế khi đi có đến trăm ngàn người nhưng trở về được chỉ có một. Nếu được trở về thì đem về đủ các loại châu báu làm phước bố thí bảy đời cũng không hết, huống chi là tự thân hưởng”. Lúc đó các thương nhơn thấy Sa-môn Ức-nhĩ có đức lực liền suy nghĩ: “Nếu để người này làm Tát bạc cùng nhiều người vào biển lớn, chắc chắn sẽ được an ổn tở về”, nghĩ rồi liền hỏi Ức-nhĩ: “Vì sao Ức-nhĩ không vào biển lớn?”, đáp: “Vào trong biển lớn làm gì, trong đó có nhiều mối lo sợ, khi đi có đến trăm ngàn người nhưng trở về chỉ có một”, các thương nhơn nói khích lệ: “Bất cứ người nào cũng nhờ vào người khác mà được sống, cho đến dâm nữ cũng nhờ vào người khác mà được sống. Nếu Ức nhĩ muốn làm phước bố thí thì vào biển là việc làm tốt nhất”. Do các thương nhơn khích lệ mãi nên cuối cùng Sa-môn Ứcnhĩ nghe theo lời muốn cùng vào biển lớn, liền đến từ giã cha mẹ để vào biển lớn. Cha mẹ nghe rồi liền đem những việc khủng bố trong biển lớn nói để cho người con thay đổi ý định, mong lưu giữ con ở lại và nói rằng: “Người ta vì của cải mới vào biển lớn, trong nhà ta có nhiều của cải, con đem làm phước bố thí bảy đời cũng không hết thì vào biển để làm làm?”, nhưng Ức-nhĩ lại không nghe lời cha mẹ khuyên. Cha mẹ liền nhờ các quý nhân nói giúp để lưu giữ Ức-nhĩ ở lại, lúc đó tất cả quý nhân trong tụ lạc bao gồm các cư sĩ, trưởng giả, phú ông đều khuyên can nhưng vẫn không làm cho Ức-nhĩ thay đổi chủ ý. Cha mẹ biết ý con đã quyết nên cỡi voi rung chuông tuyên cáo khắp trong tụ lạc: “Nay Samôn Ức-nhĩ muốn vào biển lớn, ta làm Tát bạc, ai muốn đi cùng với con ta”, do người này có đức lực nên có năm trăm thương nhơn đến cùng đi vào biển. Theo pháp nước, người làm Tát bạc phải có hai mươi vạn tiền vàng, mười vạn lo liệu thuyền bè, mười vạn lo liệu tư lương. Lo liệu mọi thứ xong xuôi rồi neo thuyền bằng bảy sợi dây, mỗi ngày đều tuyên bố: “Ai có thể từ bỏ cha me, anh chị em, vợ con và mọi thứ vui trong cõi Diêm-phù-đề này, cho đến tuổi thọ hưởng lạc thú; ai muốn được vàng bạc, lưu ly, ma ni … bảy báu để tùy ý làm phước bố thí thì cùng vào biển lớn”, tuyên bố rồi cắt một sợi dây như thế đến ngày thứ sáu, ngày thứ bảy đợi gió thuận buồm mới cắt sợi dây thứ bảy. Lúc đó thuyền lao nhanh như tên bắn, do Tát bạc có đức lực nên thuyền mau chóng đến được đảo châu báu, Tát bạc ra lịnh các thương nhơn: “Hãy lấy báu vật mang lên thuyền vừa đủ, chớ cho nặng quá”, lấy báu vật xong đợi gió thuận buồm liền quay trở về. Trở về tụ lạc Vương tác bạc ở Diêm-phùđề có hai con đường: Đường thủy và đường bộ, lúc đó Ức-nhĩ hỏi các thương nhơn muốn đi đường nào, đáp là đi đường bộ. Đi theo đường bộ đến một dầm vắng, mọi người ngủ lại đêm trong đầm này, Ức-nhĩ nói với các thương nhơn: “Tôi nghe nói có giặc hay đến đánh cướp các thương nhơn, nếu giết được Tát bạc thì các thương nhơn không thể an toàn; nếu không giết được Tát bạc thì có thể giữ được tài vật, nhờ sức mình hay nhờ tha lực có thể giết được giặc. Vì vậy tôi đến chỗ khác ngủ, đến giờ đi thì gọi tôi”, mọi người đồng ý. Ức-nhĩ dẫn lừa đến ngủ một chỗ khác, không ngờ đến nửa đếm các thương nhơn thức dậy bỏ đi không gọi Ức-nhĩ; cuối đêm mưa to gió lớn nổi lên, Ức-nhĩ thức dậy thì không tìm thấy một thương nhơn nào liền nghĩ: “Tại sao mọi người lại bỏ ta mà đi như thế”. Lúc đó do mưa to gió lớn nên cát vùi lấp hết dấu vết, Ức-nhĩ chỉ nhờ vào con lừa ngửi dấu vết mà đi về phía trước, bụng thấy đói nên khi thấy một cái thành trang nghiêm phía trước liền nghĩ là sẽ được thức ăn nên Ức-nhĩ đứng ngoài cửa thành kêu lớn: “Thức ăn, thức ăn”. Lúc đó bỗng có trăm ngàn vạn ngạ quỷ xuất hiện hỏi rằng: “Thức ăn là gì, ai cho?”, Ức-nhĩ đáp: “Không có thức ăn, là do tôi đi đường quá đói chỉ nghĩ tưởng được thức ăn nên kêu lên như thế”, các ngạ quỷ nói: “Đây là thành của ngạ quỷ, chúng tôi trải qua trăm ngàn vạn năm nay mới nghe đến tên thức ăn, do trước kia chúng tôi tâm quá keo kiết không bố thí nên bị đọa trong ngạ quỷ. Ông muốn đi đâu?”, đáp là muốn đi đến tụ lạc Vương tác bạc, ngạ quỷ nói: “Hãy đi theo đường này”. Ức-nhĩ đi về phía trước lại thấy một cái thành khác bèn nghĩ: “Ở thành trước không được thức ăn, nay đến thành này chắc có thể được nước”, liền đến trước cửa thành cất tiếng kêu nước. Lúc đó bỗng có trăm ngàn vạn ngạ quỷ xuất hiện hỏi rằng: “Nước là gì, ai cho?”, liền đáp: “Không có nước, là do tôi quá khát chỉ nghĩ đến nước nên cất tiếng kêu như thế”, các nạ quỷ nói: “Đây là thành ngạ quỷ, chúng tôi trải qua trăm ngàn vạn năm nay mới nghe đến tên nước, do đời trước chúng tôi tâm quá keo kiệt không bố thí nên đọa vào ngạ quỷ. Ông muốn đi đâu?”, đáp là muốn đi đến tụ lạc Vương tác bạc, ngạ quỷ nói: “Hãy đi theo đường này”. Ức-nhĩ đi về phía trước không bao lâu sau lại thấy một cây cổ thụ tên là Bà la bèn ngủ lại đêm dưới gốc cây này. Gió lay thân cây nên lá rụng xuống, Ức-nhĩ lấy lá mềm ăn còn lá cứng cho lừa ăn. Khi đêm xuống bỗng hiện ra chiếc giường có đôi nam nữ dung mạo xinh đẹp, đầu đội mũ báu trời cùng nhau hoan lạc. Ức-nhĩ suy nghĩ: “Ta không nên nhìn người khác tư thông”, nhưng qua hết đêm, trời vừa sáng thì chiếc giường và đôi nam nữ đều biến mất, lại có bầy chó đến ăn thịt người nam rồi chừa xương lại. Ức-nhĩ suy nghĩ: “Ta hối hận đã không hỏi người nam này trước kia đã làm gì mà nay thọ quả báo ban đêm thì tốt, ban ngày thì xấu như vầy. Ta nên ở lại đợi đến đêm sẽ hỏi việc này”, khi đêm xuống cũng như trước có giường và đôi nam nữ hiện ra, Ức-nhĩ liền đến hỏi người nam: “Ông trước kia đã làm gì mà nay thọ quả báo ban đêm thì tốt, ban ngày thì xấu như thế?”, người nam hỏi: “Ông hỏi để làm gì”, đáp là vì muốn biết, người nam nói: “Ông có biết tụ lạc Vương tác bạc trong nước A-thấp Ma-già a-bàn-đề không?”, đáp là biết, người nam nói: “Tôi là đồ tể tên ………… ở trong tụ lạc đó, lúc đó Trưởng lão Ca-chiên-diên thường lui tới nhà tôi, tôi thường cung cấp thức ăn uống, y phục và thuốc men. Vị ấy khuyên tôi chớ làm việc ác sau sẽ thọ đại khổ; tôi nói là từ trước tới giờ đều làm nghề này, nếu nay không làm thì làm sao sống. Vị ấy hỏi tôi làm việc ác này ban ngày nhiều hơn hay ban đêm nhiều hơn; tôi nói là ban ngày nhiều hơn. Vị ấy liền bảo tôi ban đêm giữ năm giới để được chút điều thiện; tôi vâng lời ban đêm thọ trì năm giới. Do nhân duyên này nên nay được quả báo ban đêm thì tốt, ban ngày thì xấu, giờ hối hận có ích gì”, lại hỏi Ức-nhĩ muốn đi đâu, đáp là muốn đi đến tụ lạc Vương tác bạc, người nam bảo nên đi theo đường này. Ức-nhĩ đi theo đường đã chỉ, không bao lâu sau lại thấy một cây cổ thụ tên là Bà la bèn ngủ lại đêm dưới gốc cây này, cũng như trước lấy lá mềm ăn còn lá cứng cho lừa ăn. Khi đêm đã qua, trời vừa sáng bỗng có chiếc giường và đôi nam nữ hiện ra, dung mạo xinh đẹp, trên đầu đội mũ báu trời cùng nhau hoan lạc. Ức-nhĩ suy nghĩ: “Ta không nên nhìn họ tư thông”, không ngờ đến tối thì giường và đôi nam nữ đều biến mất, lại có con trùng trăm chân hiện ra ăn thịt của người nam rồi chừa xương lại. Ức-nhĩ suy nghĩ: “Ta hối hận đã không hỏi người này trước kia đã làm gì mà nay thọ quả báo ban ngày thì tốt còn ban đêm thì xấu như vậy. Ta nên ở lại đợi đến sáng mai sẽ hỏi người ấy việc này”, đến sáng hôm sau cũng như trước có chiếc giường và đôi nam nữ hiện ra, Ức-nhĩ liền đến hỏi người nam nguyên do, người nam hỏi: “Ông có biết tụ lạc Vương tác bạc ở nước A-thấp-Ma-già-abàn-đe không?”, đáp là biết, người nam nói: “Tôi tên ………… vốn ở trong tụ lạc đó, thường tà dâm với vợ người khác. Lúc đó Trưởng lão Ca-chiên-diên thường lui tới nhà tôi, tôi thường cung cấp thức ăn, y phục và thuốc men. Vị ấy khuyên tôi chớ làm việc xấu sau sẽ thọ đại khổ, tôi đáp là vì không thể ức chế được. Vị ấy hỏi tôi làm việc xấu này ban ngày nhiều hơn hay ban đêm nhiều hơn, tôi đáp là ban đêm nhiều hơn. Vị ấy bảo tôi ban ngày nên thọ trì năm giới để được chút điều thiện, tôi vâng lời ban ngày thọ trì năm giới. Do nhân duyên này nên nay ban ngày thì tốt còn ban đêm thì xấu, giờ hối hận có ích gì”, lại hỏi Ức-nhĩ muốn đi đâu, đáp là muốn đi đến tụ lạc Vương tác bạc, liền bảo nên đi theo đường này. Ức-nhĩ đi theo đường đã chỉ không bao lâu sau lại gặp một rừng cây có ao nước trong, Ức-nhĩ vào trong ao tắm và cho lừa uống nước. Bên ao có một ngôi nhà lớn với bảy báu trang nghiêm, Ức-nhĩ liền bước lên thềm vào trong nhà và suy nghĩ: “Ta đói sắp chết, không biết sẽ như thế nào”, nghĩ rồi liền tụng bài kinh Phật:
“Đói là bịnh thứ nhất,
Hành là khổ bậc nhất,
Như thế biết Pháp bảo,
Niết bàn vui bậc nhất”
Khi vào trong nhà liền thấy một người nữ đang ngồi trên giường ngà voi, dưới chân giường có cột hai ngạ quỷ, người nữ này kêu tên Ức-nhĩ và hỏi thăm đi đường có mệt, đói và khát không, Ức-nhĩ suy nghĩ: “Ta vốn không quen biết, vì sao người nữ này biết tên ta”. Người nữ mời ngồi, Ức-nhĩ thăm hỏi rồi xin thức ăn, người nữ nói: “Tôi sẽ cho ông, nhưng ông chớ cho hai con quỷ này”, Ức-nhĩ nói: “Tôi đói sắp chết, làm sao cho hai con quỷ này được”, người nữ đưa thức ăn cho Ứcnhĩ và vì muốn cho Ức-nhĩ biết nhân duyên này nên bước ra ngoài. Lúc đó hai ngạ quỷ duỗi tay xin thức ăn, do Ức-nhĩ trước đây thường hay bố thí, tâm thương xót chúng sanh nên suy nghĩ: “Ta đói bụng cảm thấy khổ sở huống chi hai ngạ quỷ này làm sao không đau khổ”, nghĩ rồi liền đứa cho mỗi ngạ quỷ một miếng thức ăn, hai ngạ quỷ này vừa bỏ vào trong miệng thì thức ăn liền biến thành máu mủ và ôn ọe ra ngoài, mùi hôi bay khắp nhà. Người nữ nghe mùi hôi bay khắp nhà liền trở vào nói: “Tôi đã bảo không nên cho chúng ăn, tại sao lại cho”, Ức-nhĩ nói: “Tôi không biết sự việc xảy ra như vậy nên mới cho”, người nữ quét dọn sạch sẽ, đốt hương xông rồi đến ngồi vào chỗ cũ, Ức-nhĩ lại xin thêm thức ăn, người nữ nói: “Tôi không tiếc, chỉ e cho ông ăn, ông lại đem cho quỷ nữa”, Ức-nhĩ nói: “Hồi nảy không biết nên tôi mới cho, giờ biết rồi sẽ không cho nữa”. Người nữ lấy nước rửa tay rồi đưa cho Ức-nhĩ thức ăn, lúc đó lại có một người nữ đến xin thức ăn, nữ chủ nhân nói: “Hãy ăn thức ăn ngươi thường ăn”, nói vừa dứt liền hiện ra ba vạc nước đồng sôi, người nữ này cởi bỏ y phục rồi nhảy vào vạc đồng, da thịt liền tan nát chỉ còn lại bộ xương. Khi gió lạnh thổi tới thì người nữ hoàn hình bước ra khỏi vạc nước đồng sôi, mặc lại y phục và ăn những thịt nát kia, ăn xong rồi đi. Lúc Ức-nhĩ đang ăn lại có một người nữ khác đến xin thức ăn, nữ chủ nhân nói: “Hãy ăn thức ăn ngươi thường ăn”, nói vừa dứt lời, người nữ này liền biến thành con dê đen ăn cỏ. Ức-nhĩ thấy rồi liền suy nghĩ: “Ta tự nghi không biết có phải mình đã chết trong cõi người và sanh vào cõi ngạ quỷ hay không”, nghĩ rồi liền hỏi nữ chủ nhân: “Những việc này là như thế nào”, nữ chủ nhân hỏi: “Ông hỏi để làm gì”, liền đáp là vì muốn biết, nữ chủ nhân hỏi: “Ông có biết tụ lạc Vương tác bạc ở nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe không?”, đáp là biết, nữ chủ nhân nói: “Con quỷ cột ở chân giường phía trên đầu là chồng của ta, con quỷ cột ở chân giường phía dưới chân là con của ta. Lúc đó Trưởng lão Ca-chiên-diên thường lui tới nhà ta, ta thường cung cấp thức ăn, y phục và thuốc men nên chồng và con ta tức giận nói là của cải do họ cực khổ làm ra, ta lại đem cho người khác. Do tâm họ keo kiệt không thích bố thí lại nói lời ác là ăn máu mủ nên nay chịu quả báo này, vừa ăn thức ăn liền biến thành máu mủ”. Ức-nhĩ lại hỏi: “Người nữ kia vì sao lại ăn thịt chính mình?”, đáp: “Người nữ đó là con dâu của ta, lấy tài vật của ta hoặc tự ăn hoặc đem cho người; khi ta hỏi thì chối nói là không có lấy tự ăn cũng không đem cho người và thề là nếu có tự ăn hoặc đem cho người thì sẽ mắc quả báo tự ăn thịt mình. Do nhân duyên đó nên nay tự ăn thịt chính mình”, Ức-nhĩ lại hỏi: “Người nữ này vì sao biến thành dê ăn cỏ?”, đáp: “Đó là nữ tỳ của ta, ta sai xay giả lại lấy ăn hoặc đem cho người; khi ta hỏi thì chối nói là không ăn cũng không đem cho người và thề là nếu có ăn hoặc đem cho người thì sẽ mắc quả báo làm dê đem ăn cỏ. Do nhân duyên này nên nay biến thành dê đen ăn cỏ”.Ức-nhĩ lại hỏi nữ chủ nhân đã làm hạnh gì, nữ chủ nhân nói: “Ta cũng có chút tội nhưng ta không cón ở đây bao lâu nữa. Sau khi ta chết sẽ sanh lên cõi trời Tứ thiên vương, ngươi có thể làm giúp ta một việc được không?”, liền hỏi là việc gì, nữ chủ nhân nói: “Ta có một người con gái đang ở trong tụ lạc Vương tác bạc chưa biết tu thiện. Khi ngươi về đến trong tụ lạc nên đến nói với con gái của ta rằng: “Tôi có gặp cha, mẹ, anh và chị dâu cùng nữ tỳ của chị, nhưng chỉ có mình mẹ chị được hưởng phước còn những người khác đều chịu khổ báo. Mẹ chị nhờ tôi khuyên chị chớ làm việc ác sau sẽ chịu khổ báo; nếu chị không tin thì mẹ chị có nói là ỡ tại chỗ ………… mẹ chị đã chôn cất nhiều tiền của, chị hãy vì mẹ chị lấy tiền này làm phước cúng dường chúng Tăng và Trưởng lão Ca-chiên-diên, số tiền còn lại chị dùng để sinh sống”, nói rồi liền hỏi Ức-nhĩ: “Ngươi muốn trở về phải không?”, đáp là muốn, nữ chủ nhân bảo nhắm mắt lại, Ức-nhĩ vâng lời nhắm mắt lại, chỉ trong chốc lát nữ chủ nhân đã đặt Ức-nhĩ ở một nơi cách tụ lạc Vương tác bạc không xa.
Lúc đó các thương nhơn đã về đến trong tụ lạc, mọi người đều hỏi Sa-môn Ức-nhĩ đâu, đáp là đã mất tích trong biển lớn, mọi người nghe rồi đều thương khóc. Ức-nhĩ nghe họ khóc thương như thế liền hỏi nguyên do, họ nói do nghe Sa-môn Ức-nhĩ mất tích trong biển lớn nên thương khóc, Ức-nhĩ liền suy nghĩ: “Nghe tin ta chết mọi người thương khóc như vậy, nếu thấy ta chắc họ sẽ kích động hơn nữa. Ta cần về làm gì, nữ chủ nhân kia nhờ ta nói với con gái của bà, ta nên đến nhà đó”, nghĩ rồi liền đi tìm nhà người con gái đó, gặp nhau thăm hỏi rồi nói rằng: “Chị biết không, tôi gặp được cha, mẹ, anh trai, chị dâu và nữ tỳ của nhà chị đều ở trong cõi ngạ quỷ. Chỉ có mẹ chị là hưởng phước còn những người kia đều chịu khổ, mẹ chị nhờ tôi bảo chị chớ làm việc ác sau sẽ chịu khổ báo”, người con gái nghe rồi không tin, nói rằng: “Anh là người ngu si, là người điên. Cha mẹ tôi làm phước bố thí, chết sanh lên cõi trời, làm sao có thể sanh trong cõi ngạ quỷ được”, Ức-nhĩ nói: “Mẹ chị nói nếu chị không tin thì chỉ cho chị chỗ cất giấu tiền của rồi bảo chị lấy tiền này vì mẹ chị làm phước bố thí, cúng dường chúng tăng và Trưởng lão Ca-chiên-diên, số tiền còn lại chị dùng để sinh sống”.
Người con gái nghe rồi liền đến chỗ chỉ cất giấu tiền của đào lên xem thử, quả nhiên được rất nhiều tiền của, lúc đó mới tin lời Ức-nhĩ và như lời người mẹ đã dặn cô đem tiền này cúng dường chúng tăng.
Sa-môn Ức-nhĩ do đời trước đã gieo trồng căn lành, cúng dường Phật nên căn tánh lanh lợi gần được kiến đế, do lực nhân duyên này nên đời này có thể được trí vô lậu, lại do lực căn lành này dẫn dắt nên Ức-nhĩ suy nghĩ: “Ta cần gì trở về nhà ưu sầu buồn bã, ta hãy đến chỗ Trưởng lão Ca-chiên-diên”, nghĩ rồi liền đi đến chỗ Trưởng lão Cachiên-diên đảnh lễ rồi ngồi một bên, Sa-môn Ức-nhĩ đã nhàm chán mọi việc thế gian nên Trưởng lão ứng theo tâm Ức-nhĩ mà thuyết pháp, khiến cho Ức-nhĩ ngay nơi chỗ ngồi được pháp nhãn thanh tịnh vô cấu. Sau khi thấy pháp, biết pháp, được tịnh pháp, vượt khỏi nghi hối, bất tín, không từ nơi người khác mà ở trong đạo quả được vô sở úy; Ức-nhĩ liền đứng dậy đảnh lễ Trưởng lão Ca-chiên-diên và bạch rằng: “Đạiđức, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng làm Ưu-bà-tắc. Xin Đại-đức nhớ nghĩ, con từ nay đến trọn đời không sát sanh, tín tâm thanh tịnh. Đại-đức, con muốn ở trong pháp thiện thắng xuất gia thọ giới cụ túc làm Tỳ kheo, muốn ở trong pháp thiện thắng hành đạo”, Ca-chiêndiên nói: “Này Ức-nhĩ, cha mẹ con có cho phép con xuất gia không?”, đáp là chưa cho phép, Ca-chiên-diên nói: “Trong Phật pháp, nếu cha mẹ chưa cho phép thì ta không được con xuất gia thọ giới cụ túc”, Ứcnhĩ nói: “Đại-đức, con tự cầu xin việc này, nếu cha mẹ cho phép con sẽ đến xuất gia thọ giới cụ túc”, Ca-chiên-diên nói: “Con hãy tự biết thời”. Ức-nhĩ đảnh lễ Trưởng lão Ca-chiên-diên rồi trở về nhà gặp lại cha mẹ, cha mẹ của Ức-nhĩ do nghe tin Ức-nhĩ mất tích trong biển lớn, buồn khóc nhiều nên hai mắt bị mù; nay lại hay tin Ức-nhĩ trở về vui mừng đến rơi nước mắt, nhờ nước mắt chảy ra nên hai mắt được sáng trở lại. Năm, sáu ngày sau Ức-nhĩ lựa lời xin phép cha mẹ cho mình xuất gia trong pháp thiện thắng của Phật, cha mẹ nghe rồi nói rằng: “Chúng ta chỉ có một mình con là do ta thành tâm cầu khẩn mới có, nhưng con lại không nghe lời ta mà vào biển lớn. Khi hay tin con mất tích ta ưu sầu buồn khóc nên hai mắt bị mù, nay nghe con an ổn trở về ta rất đổi vui mừng nên hai mắt được sáng trở lại, giống như con được sanh ra lần nữa. Con hãy nghe lời ta ở lại nhà cung dưỡng cha mẹ, vì chúng ta không còn sống được bao lâu nữa, nếu con có thể không xuất gia cho đến khi chúng ta hết tuổi thọ thì chúng ta chết cũng không ân hận”. Ức-nhĩ nghe rồi liền ở nhà phụng dưỡng cha mẹ như thế đến mười hai năm sau, cha mẹ mới qua đời như bài kệ nói:
“Có sanh thì có chết,
Cao ngất ắt rớt xuống.
Tất cả rồi cũng tận,
Không có sự vĩnh cữu”.
Sau đó Ức-nhĩ đi đến chỗ Trưởng lão Ca-chiên-diên đảnh lễ rồi ngồi một bên bạch rằng: “Đại-đức, nay con được lòng tin chánh pháp, muốn ở trong Phật pháp xuất gia tu phạm hạnh”, Trưởng lão liền cho Ức-nhĩ xuất gia. Lúc đó ở nước A-thấp Ma-già-a-bàn-đề ít Tỳ kheo không đủ số chúng mười người để truyền thọ giới cụ túc cho Ức-nhĩ. Đợi đến mùa hạ an cư xong, sau lễ tự tứ các đệ tử cọng trụ và đệ tử cận trụ của Trưởng lão Ca-chiên-diên từ các nơi về đến yết kiến bổn sư, lúc đó mới đủ số chúng mười người để truyền thọ giới cụ túc cho Ức-nhĩ. Sau đó các Tỳ kheo này muốn du hành đến nước phương Đông để yết kiến Phật, Ức-nhĩ hỏi: “Các Trưởng lão muốn đi đâu?”, đáp: “Chúng tôi muốn đến nước Xá-vệ yết kiến Phật thân cân đảnh lễ”, Ức-nhĩ muốn được đi cùng, liền đáp là tùy ý, Ức-nhĩ nói: “Hãy chờ chốc lát, đợi tôi đến từ giã Hòa thượng”, nói rồi liền đến chỗ Trưởng lão Ca-chiên-diên đảnh lễ rồi bạch rằng: “Bạch Đại-đức Hòa thượng, hôm nay an cư xong, con muốn cùng các Tỳ kheo du hành đến nước phương Đông yết kiến Thế tôn thân cận đảnh lễ. Cúi xin Hòa thượng cho phép”, Ca-chiêndiên nói: “Con cứ tùy ý đi, đến đó rồi hãy thay ta đảnh lễ Phật và thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não, đi đứng có khinh an và có được an lạc trụ không; đến các Tỳ kheo khác con cũng thăm hỏi như vậy. Con nói Trưởng lão Ma ha Ca-chiên-diên là Hòa thượng của con và cựu Tỳ kheo Ma-ha-đế-đế-đế-đà-la ở trong nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe đã tế độ con. Các Trưởng lão này đảnh lễ Phật và thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh. Ít não, đi đứng có được khinh an và được an lạc trụ không; đến các Tỳ kheo khác con cũng như pháp thăm hỏi như vậy rồi cầu xin Phật Bà-già bà năm việc như sau:
Một là nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe ít Tỳ kheo, khó đủ số chúng mười người để truyền thọ giới cụ túc. Cúi xin Phật cho ở nước này ít Tỳ kheo được truyền thọ giới cụ túc.
Hai là nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe đất cứng, nhiều đất đá. Cúi xin Phật cho Tỳ kheo ở nước này được mang giày da một lớp.
Ba là người ở trong nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe thích tắm rửa, lấy nước làm sạch. Cúi xin Phật cho Tỳ kheo ở nước này được thường tắm rửa.
Bốn là như nước phương Đông dùng nệm bằng gai, nệm lông, nệm vải hoa phủ. Cúi xin Phật cho Tỳ kheo ở nước A-thấp-Ma-già-abàn-đe được dùng nệm bằng da phủ như da dê, da nai, da dê đen.
Năm là Có Tỳ kheo sai sứ Tỳ kheo đem y cho Tỳ kheo khác nhưng người kia không nhận được y này vì qua trung gian bị mất, chúng con nay phải làm thế nào.
Này Ức-nhĩ, con đến nước phương Đông yết kiến Thế tôn thân cận đảnh lễ nên thay ta thăm hỏi Phật như vậy và cầu xin Phật năm việc trên”. Ức-nhĩ ghi nhớ lời thầy dạy, đảnh lễ thầy rồi trở về phòng mình giao lại ngọa cụ rồi mang y bát du hành cùng các Tỳ kheo đến nước Xá-vệ, đến chỗ Phật đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên. Pháp thường của Phật là khi có khách Tỳ kheo đến đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, có an lạc trụ không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Lúc đó Ức-nhĩ đáp là nhẫn đủ, được an lạc trụ, khất thực không khó, đi đường không nhọc mệt. Pháp thường của Phật là nếu cùng khách Tỳ kheo ở một chỗ ngủ đêm thì bảo thị giả vào phòng trải giường và ngọa cụ cho khách Tỳ kheo. Lúc đó Phật bảo A-nan vào phòng trải giường và ngọa cụ cho Ức-nhĩ, A-nan suy nghĩ: “Chắc là hôm nay Phật muốn cùng khách Tỳ kheo ngủ trong một phòng”, nghĩ rồi liền vào phòng của Phật trải giường và ngọa cụ cho Ức-nhĩ rồi trở lại bạch Phật tự biết thời. Phật liền trở về phòng của mình, trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già; Ức-nhĩ cũng đi theo vào phòng của Phật đảnh lễ Phật rồi trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già, trong đêm cả hai đều im lặng tọa thiền, đến cuối đêm Phật bảo Ức-nhĩ tán tụng, Ức-nhĩ liền cất tiêng êm dịu tụng kinh Ba-la-diên-tát-già-đà -xá. Nghe xong Phật liền khen rằng: “Lành thay, thầy tụng kinh rất hay, thầy có thể dùng tiếng A-bàn-địa để tán tụng rõ ràng và dễ hiểu như thế thì thầy là Tỳ kheo học giỏi, tụng hay”, lúc đó Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi Ức-nhĩ: “Vì sao thầy vào đạo muộn như thế?”, đáp: “Đại-đức Thế tôn, từ lâu con đã biết họa hoạn của dục, nhưng vì có duyên sự nên không được xuất gia”, liền nói kệ:
“Đã thấy họa thế gian,
Thấy Pháp không thích Lậu,
Thánh nhân không thích Ác,
Người ác không thích Thiện,
Quyết định thấy Pháp vị,
Pháp vị dứt phiền não,
Trừ nóng lìa các ác.
Dùng Pháp hỉ, Pháp vị”.
Nói kệ rồi liền suy nghĩ: “Đã đến lúc ta đem năm việc bạch Phật”,
nghĩ rồi liền đứng dậy đắp y trịch bày vai hữu chắp tay bạch Phật: “Thế tôn, Trưởng lão Ca-chiên-diên là Hòa thượng của con, cựu trụ Ma-hađế-đế-đế-đà-la ở nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe tế độ con, các Trưởng lão này xin đảnh lễ Phật và thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh, ít não, đi đứng khinh an và có được an lạc trụ không; các Tỳ kheo khác cũng như pháp thăm hỏi như vậy và đem năm việc bạch Phật”, Phật nói: “Hãy khoan, hãy đợi khi tăng tập họp rồi nói”. Do nhân duyên này Phật nhóm Tỳ kheo tăng rồi bảo Ức-nhĩ: “Thầy muốn bạch điều gì cứ nói”, Ức-nhĩ bạch Phật: “Thế tôn, Trưởng lão Ma ha Ca-chiên-diên là Hòa thượng của con và cựu Tỳ kheo Ma-ha-đế-đế-đế-đà-la ở trong nước A-thấpMa-già-a-bàn-đe đã tế độ con. Các Trưởng lão này đảnh lễ Phật và thăm hỏi Thế tôn có được ít bịnh. Ít não, đi đứng có được khinh an và được an lạc trụ không; và các Tỳ kheo khác cũng như pháp thăm hỏi như vậy rồi cầu xin Phật Bà-già bà năm việc như sau:
Một là nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe ít Tỳ kheo, khó đủ số chúng mười người để truyền thọ giới cụ túc. Cúi xin Phật cho ở nước này ít Tỳ kheo được truyền thọ giới cụ túc.
Hai là nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe đất cứng, nhiều đất đá. Cúi xin Phật cho Tỳ kheo ở nước này được mang giày da một lớp.
Ba là người ở trong nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe thích tắm rửa, lấy nước làm sạch. Cúi xin Phật cho Tỳ kheo ở nước này được thường tắm rửa.
Bốn là như nước phương Đông dùng nệm bằng gai, nệm lông, nệm vải hoa phủ. Cúi xin Phật cho Tỳ kheo ở nước A-thấp-Ma-già-abàn-đe được dùng nệm bằng da phủ như da dê, da nai, da dê đen.
Năm là Có Tỳ kheo sai sứ Tỳ kheo đem y cho Tỳ kheo khác nhưng người kia không nhận được y này vì qua trung gian bị mất, chúng con nay phải làm thế nào”. Phật đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho các nước biên địa được năm Tỳ kheo trì luật truyền trao giới cụ túc cho người. Như ở phương Nam có tụ lạc Bạch mộc, bên ngoài tụ lạc Bạch mộc là nước biên địa; ở phương Tây có tụ lạc Bà-la-môn, bên ngoài tụ lạc Bà-la-môn là nước biên địa; phía Bắc có núi Ưu-thi-la, cách núi không xa có cây Bồ-tuyền-tát-la, bên ngoài cây Tát-la là nước biên địa; phương Đông có tụ lạc Bà-la tên là Già lang, bên ngoài Già lang là nước biên địa; phương Đông bắc có Trúc hà, bên ngoài Trúc hà là nước biên địa. Từ nay cho Tỳ kheo ở nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe được mang giày da một lớp, nếu rách thủng thì cho vá hai miếng ở giữa. Không được mang giày da nhiều lớp, giày da lông thú, giày da khi đi phát ra tiếng, giày da có thêu đều không được mang. Tất cả giày da có màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen hoặc bên trong có màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; hoặc giày da thêu chỉ xanh, chỉ đỏ, chỉ trắng, chỉ đen; hoặc giày da sư tử có thêu, giày da hổ có thêu, giày da báo có thêu, giày da rái cá có thêu, giày da mèo có thêu; hoặc giày may bằng sợi Đâu la, hoặc sợi lông chiên, sợi Kiếp-bối, hoặc sợi gân Khổng tước, sợi lông Không tước và tất cả giày da có thêu tạp sắc đều không được mang, nếu mang thì phạm Đột-kiếtla. Từ nay cho Tỳ kheo ở nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe được thường tắm rửa. Như phương Đông phủ nêm gai, nệm lông, nệm hoa; từ nay cho Tỳ kheo ở nước A-thấp-Ma-già-a-bàn-đe được phủ nệm da như da dê, da nai, da dê đen. Có Tỳ kheo sai sứ Tỳ kheo đem y cho Tỳ kheo khác, Tỳ kheo khác không nhận được vì giữa đường bị mất; từ nay nếu được y của-Tỳ kheo khác nên cất giữ trong mười ngày, quá mười ngày thì phạm Xả đọa”.
Phật Bà-già bà tại nước Xá-bà-đề, lúc đó Lục quần Tỳ kheo cất chứa nhiều các loại da như da sư tử, da cọp, da gấu, da rái cá; Phật nói: “Không được cất chứa năm loại da này, nếu cất chứa thì phạm Đột-kiếtla. Lại có năm loại da không được cất chứa, đó là da voi, da ngựa, da chó, da dã can, và da nai đen; nếu cất chứa thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật tại nước Câu-diệm-di, lúc đó Trưởng lão Xiển-na có giường cao tốt, nhân lúc Phật và A-nan đi đến, Xiển-na liền thỉnh Phật đến xem phòng mình, Phật nhìn thấy chiếc giường cao tốt này liền nói với A-nan: “Người ngu này làm giường cao tốt, bên ngoài tuy cao sang nhưng bên trong thì mục nát”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được cất chứa giường cao tốt, nếu cất chứa thì phạm Ba-dật-đề”.
Phật tại nước Tỳ-da-ly, lúc đó có 1 ác Ưu-bà-tắc là đệ tử của Bạtnan-đà thường nói chuyện với nhau và ái niệm nhau. Sáng sớm hôm đó Bạt-nan-đà đắp y mang bát đi đến nhà Ưu-bà-tắc này, người này trải tòa ngồi bằng vải mời Bạt-nan-đà ngồi rồi cùng nhau thăm hỏi. Trong nhà này có nuôi con trâu nghé lông tạp sắc rất đẹp, Bạt-nan-đà vừa nhìn thấy liền sanh tâm tham nghĩ rằng: “Da lông tạp sắc này thật đẹp, có thể dùng làm Ni-sư-đàn”, nghĩ rồi liền nói với Ưu-bà-tắc: “Da lông của con trâu nghé này thật đẹp, có thể dùng làm Ni-sư-đàn”, Ưu-bà-tắc hỏi: “Thầy cần dùng phải không?”, đáp là cần, Ưu-bà-tắc này liền giết con trâu nghe lột da lông của nó đưa cho Bạt-nan-đà mang về, con trâu mẹ liền rống lên và đi theo sau Bạt-nan-đà. Lúc đó các Tỳ kheo đang kinh hành nơi đất trống ở bên trong tăng phường, từ xa nhìn thấy Bạt-nan- đà trở về, lại thấy có con trâu mẹ theo sau rống lên, liền nói với nhau: “Bạt-nan-đà này là người không biết xấu hổ, là người tham có nhiều thấy nghe nghi ác, chắc đã làm việc ác hoặc sắp làm nên trâu mẹ mới theo sau rống lên như vậy”, đợi Bạt-nan-đà đến gần liền hỏi nguyên do vì sao con trâu mẹ theo sau rống lên như vậy, Bạt-nan-đà liền kể lại việc trên, các Tỳ kheo nghe rồi liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cố ý giết súc sanh, thầy không có tâm từ bi”, quở trách rồi liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt-nan-đà: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo … không có tâm từ bi”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được nhận da trâu từ trong nhà bạch y, không được dùng để ngồi hay nằm; nếu có cho da trâu khô thì được nhận nhưng không được dùng ngồi nằm”.
Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Lục quần Tỳ kheo đi xe có chở người nữ liền làm các việc bất tịnh, Phật nói: “Không được đi xe có chở người nữ, nếu đi thì phạm Đột-kiết-la”. Sau đó Lục quần Tỳ kheo lại đi xe ngồi cạnh người nữ và làm các việc bất tịnh, Phật nói: “Không được đi xe ngồi cạnh người nữ, nếu ngồi cạnh thì phạm Đột-kiết-la”. Sau đó Lục quần lại đi xe ngồi bên người nữ có ngăn cách ở giữa và làm các việc bất tịnh, Phật nói: “Không được đi xe ngồi bên người nữ có ngăn cách ở giữa, nếu ngồi thì phạm Đột-kiết-la”.
Lúc đó Trưởng lão Tất lăng già bà ta bị bịnh mắt, thân quyến sai người cởi xe có hai trâu kéo đến rước về nhà trị bịnh, Trưởng lão nói: “Phật chưa cho ngồi trên xe có hai trâu kéo”, liền đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho ngồi trên xe có hai trâu kéo, nên sai người khác cầm cương, không được tự cầm cương”.
Lúc đó Lục quần Tỳ kheo nắm đuôi của con trâu cái để bơi qua sông và làm các việc bất tịnh, Phật nói: “Không được nắm đuôi của con trâu cái để bơi qua sông, nếu nắm thì phạm Đột-kiết-la. Nếu năm đuôi của sư tử, cọp, voi, nhựa, trâu đực và gấu để bơi qua sông thì không phạm”. Lúc đó Lục quần Tỳ kheo nắm tay thiếu nữ để đưa qua sông và làm các việc bất tịnh, Phật nói: “Không được nắm tay thiếu nữ để đưa qua sông, nếu nắm thì phạm Đột-kiết-la”. Lúc đó có vợ của các cư sĩ đến sông A-chi-la tắm, họ cởi y phục để trên bờ rồi xuống sông tắm, thủy triều đột nhiên dâng lên và cuốn trôi họ đi. Họ thấy các Tỳ kheo đang kinh hành trên bờ liền kêu cứu, các Tỳ kheo nói: “Này các chị, Phật đã kết giới không được cố ý xúc chạm thân người nữ”, họ nói: “Các Đại-đức từ bi tại sao thấy chúng tôi bị nước cuốn trôi mà không chịu nắm cứu chúng tôi lên”. Các Tỳ kheo không biết làm sao liền đem việc này bạch Phật, Phật nói nên cứu, các Tỳ kheo khi nắm vớt lên, tâm dâm liền khởi nên vội buông ra, họ nói: “Xin đừng buông, hãy vớt chúng tôi lên tới bờ rồi buông”, các Tỳ kheo không biết làm sao bạch Phật, Phật nói: “Tâm dâm tuy khởi cũng nên nắm cứu chớ buông, đợi lên tới bờ rồi thì không được cố ý xúc chạm, nếu xúc chạm thì phạm tội. Cũng không được cố ý xục chạm người nữ thêu vẻ hay bằng gỗ, nếu xúc chạm thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật Bà-già-bà tại nước A-la-tỳ, lúc đó các Tỳ kheo A-la-tỳ mang guốc gỗ hằng ngày đi đền chỗ Hòa thượng, A-xà-lê thọ học và hỏi kinh, kéo lê guốc ra tiếng và có Tỳ kheo đạp chết con trùng dài. Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, A-Nan đem việc trên bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi các Tỳ kheo này: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại cất chứa guốc gỗ”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được mang guốc gỗ, guốc Đa la xà, guốc tre, guốc lá tre, guốc chạm trỗ và guốc bà tỳ; nếu cất chứa thì phạm Đột-kiết-la”.
Lúc đó Trưởng lão Bạt đề thuộc dòng họ cao quý xuất gia, do hồi còn bạch y quen mang guốc Khâm-bà-la nên nay vẫn cất chứa guốc Khâm-bà-la để mang. Các cư sĩ quở trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại mang guốc Khâm-bà-la như vua, Đạithần”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Bạt đề: “Thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại mang guốc Khâm-bà-la”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được mang guốc Khâm-bà-la, nếu mang thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật tại thành Vương xá nước Chiêm-bặc, lúc đó có Sa-môn Thập nhị ức là con của một trưởng giả, do vị này đem hai mươi ức tiền vàng cho năm trăm tụ lạc trong nước Chiêm-bặc rồi xuất gia ở A-ni-mục-khư nên có tên gọi như thế. Vị này đi chân không kinh hành nơi đất trống, chân bị thương chảy máu dính khắp nơi, ở phía đầu và cuối chỗ kinh hành đều có quạ bay đến rỉa vết máu. Lúc đó Phật và A-nan đi đến nhìn thấy việc này, Phật tuy biết nhưng vẫn hỏi A-nan nguyên do, ANan đem việc trên bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Sa-môn Nhị thập ức: “Thầy thật như thế phải không?”, đáp:
“Thật vậy thưa Thế tôn”, Phật hỏi: “Thầy có thể mang giày da một lớp để đi kinh hành hay không?”, đáp: “Không thể thưa Thế tôn”, Phật hỏi vì sao, đáp: “Thế tôn, chúng con đồng giữ giới, nếu con mang giày da một lớp thì các Tỳ kheo sẽ nói rằng: Sa-môn Nhị thập ức con của ông trưởng giả… xuất gia ở A-ni-mục-khư nên được Phật cho mang giày da một lớp. Nếu Thế tôn cho tất cả tăng đều được mang thì con sẽ mang”. Phật đủ lời khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho mang giày da một lớp kinh hành, nếu rách thủng thì cho vá hai miếng ở giữa. Không được mang giày da nhiều lớp, giày da lông thú, giày da khi đi phát ra tiếng, giày da có thêu đều không được mang. Tất cả giày da có màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen hoặc bên trong có màu sắc như xanh, vàng, đỏ, trắng, đen; hoặc giày da thêu chỉ xanh, chỉ đỏ, chỉ trắng, chỉ đen; hoặc giày da sư tử có thêu, giày da hổ có thêu, giày da báo có thêu, giày da rái cá có thêu, giày da mèo có thêu; hoặc giày may bằng sợi Đâu la, hoặc sợi lông chiên, sợi Kiếp-bối, hoặc sợi gân Khổng tước, sợi lông Không tước và tất cả giày da có thêu tạp sắc đều không được mang, nếu mang thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật ở trong tòa nhà của Ma-già la mẫu tại Đông viên thuộc thành Xá-vệ, vào xế chiều Phật xuất thiền ra khỏi nhà đi kinh hành ở chỗ đất trống. Lúc đó có Tỳ kheo mang giày da đi kinh hành theo sau Phật, Phật quay lại nhìn thấy liền nói với các Tỳ kheo: “Có bậc thầy của ngoại đạo xuất gia, hàng đệ tử cung kính tôn trọng thầy nên không mang giày da đi kinh hành theo sau thầy mình, huống chi là đối với bậc Phật Bà-già bà, Thích-ca-Mâu-ni-Đa-đà-a-già-độ-A-la-ha-tam-miệu-tam-Phật-đà mà các thầy lại mang giày da đi kinh hành theo sau hay sao”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không được mang giày da ở trước Phật, trước Hòa thượng, A-xà-lê và trước tất cả các thường tòa; cũng không được mang giày da vào trong tháp Phật, tháp của các bậc đắc đạo, vào trong nhà ấm, giảng đường, nhà ăn, nhà thiền… tất cả chỗ mà chúng tăng đi; nếu mang thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó Trưởng lão Tất-lân-già-bà ta bị bịnh mắt, khi đi chân không vào tụ lạc giẫm phải đá nên chân bị thương, bịnh mắt càng nặng thêm, liền đem việc này nói với các Tỳ kheo, các Tỳ kheo bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm Tỳ kheo tăng rồi hỏi Tất-lân-già-bà ta: “Thầy thật như thế phải không?”, đáp: “Thật như thế thưa Thế tôn”, Phật khen ngợi giới và người trì giới rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho mang giày da một lớp vào tụ lạc, không được mang giày da nhiều lớp… cho đến các loại giày mau thêu tạp sắc đều không
30 được mang, nếu mang thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó các Tỳ kheo rửa chân ở chỗ đất trống rồi đi nhón chân hoặc giẫm trên lá cây hoặc nhảy lên phiến đá để đi; vào nhà rồi ngồi trên giường dùng cỏ hoặc vải hoặc giẻ lau để lau chân, sau đó vất bỏ bừa bãi trên đất làm cho ngọa cụ hôi dơ. Lúc đó có cư sĩ thỉnh Phật và Tăng vào ngày mai thọ thực, Phật im lặng nhận lời,cư sĩ biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ Phật hữu nhiễu rồi ra về. Về đến nhà ngay trong đêm đó lo sửa soạn đủ các món ăn ngon, sáng sớm trải tòa rồi sai sứ đến bạch Phật: “Đã đến giờ thọ thực, xin Phật tự biết thời”. Các Tỳ kheo đi đến nhà cư sĩ, Phật bảo thị giả nhận lấy phần ăn của mình vì Phật muốn đi kiểm tra phòng Tăng. Lúc đi kiểm tra các phòng, Phật thấy cỏ, vải dơ, giẻ lau dơ bỏ bừa bãi duới đất làm cho ngọa cụ hôi dơ nên quét dọn sạch sẽ, sau đó trở về phòng mình trải Ni-sư-đàn ngồi kiết già. Lúc đó ở nhà cư sĩ, cư sĩ thấy chúng tăng ngồi rồi liền tự tay dâng cúng các món ăn ngon cho chúng tăng đều được no đủ rồi lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước Tăng muốn được nghe pháp, Thượng tọa thuyết pháp rồi cùng chư tăng đứng dậy ra về. Thường pháp của Phật là khi các Tỳ kheo thọ thỉnh thực xong trở về, Phật đều hỏi thăm ăn có no đủ không; lúc đó các Tỳ kheo đều đáp là no đủ, Phật bảo các Tỳ kheo: “sau khi các thầy đi rồi, ta cầm chìa khóa đi kiểm tra phòng Tăng, thấy cỏ, vải dơ, giẻ lau dơ bỏ bừa bãi trên đất khiến cho ngọa cụ hôi dơ. Các thầy làm vậy là không đúng, tại sao các thầy không biết ái hộ ngọa cụ của Tăng. Các cư sĩ, Bà-la-môn khô cạn máu thịt để bố thí cầu phước, các thầy phải thọ ít và biết ái hộ mới đúng”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay cho mang giày da một lớp rửa chân, nếu hư rách được vá hai miếng ở giữa… tất cả loại giày thêu may tạp sắc đều không được mang, nếu mang thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật tại nước Xá-vệ, lúc đó có một Tỳ kheo mất giày da một lớp rửa chân nên đến xin cư sĩ, cư sĩ này bảo người thợ làm da làm cho Tỳ kheo một đôi giày da một lớp, ông sẽ trả tiền, nhưng người thợ làm da không chịu làm giày da một lớp, chỉ nhận làm giày da nhiều lớp vì tiền công được hai, ba tiền. Tỳ kheo không được giày lại đến hỏi xin cư sĩ lần nữa, cư sĩ nói: “Người thọ làm da không chịu làm, tôi biết phải làm sao. Thầy có thể mang giày da nhiều lớp được không?”, Tỳ kheo suy nghĩ: “Ta đem giày da nhiều lớp tách ra thành giày da một lớp rồi mang”, nghĩ rồi liền nhận lấy giày da nhiều lớp mang về, sau đó mang chỉ và dùi ra trước cổng Kỳ hoàn muốn tách giày da nhiều lớp ra thành giày da một lớp. Lúc đó Phật kinh hành đến chỗ này nhìn thấy rồi liền hỏi Tỳ kheo muốn làm gì, Tỳ kheo liền đem việc trên bạch Phật rồi nói: “Vì thế nên con muốn tách giày da nhiều lớp này ra thành giày da một lớp”, Phật nói: “Không nên tách giày da nhiều lớp ra, vì sao, vì khiến nó không bền chắc. Từ nay cho làm pháp phá nhiễm được tịnh để mang, sao gọi là phá nhiễm được tịnh, tức là nếu được người bố thí giày da nhiều lớp, nên bảo thí chủ mang đi vài bước thì được cất thọ dụng”.
Phật tại thành Vương xá, Lục quần Tỳ kheo nghe Phật cho cất dùng giày đã phá nhiễm được tịnh để mang nên theo các Thích tử xin các loại giày tạp sắc cất dùng. Nếu các Thích tử không cho thì một Tỳ kheo trong nhóm nhấc bổng Thích tử này lên để cho một Tỳ kheo khác cởi lấy giày. Do nhân duyên này nên các Thích tử không dám ra ngoài sợ Lục quần Tỳ kheo theo xin cởi lấy giày của mình. Các cư sĩ thấy việc này rồi liền chê trách: “Sa-môn Thích tử tự xưng là bậc hiền thiện có đức mà lại mang giày tạp sắc trang nghiêm, như vua, Đại-thần”. Có Tỳ kheo thiểu dục tri túc hành hạnh đầu đà nghe biết việc này tâm không vui liền đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi hỏi Lục quần Tỳ kheo: “Các thầy thật đã làm việc này phải không?”, đáp: “Thật đã làm thưa Thế tôn”, Phật liền quở trách: “Tại sao gọi là Tỳ kheo lại mang giày tạp sắc trang nghiêm”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Nếu có giày da một lớp hay giày da nhiều lớp đã phá nhiễm được tịnh thì cho mang. Không được mang các loại giày tạp sắc trang nghiêm, nếu mang thì phạm Đột-kiết-la”.
Phật tại nước Xá-vệ, tự tứ xong vào cuối tháng của mùa hạ, Phật cùng chúng đại Tỳ kheo du hành các nước. Lúc đó có một Tỳ kheo tay cầm giày đi cà nhắc, Phật nhìn thấy liền hỏi Tỳ kheo nguyên do, Tỳ kheo đáp: “Thế tôn, bên trong mũi giày của con quá cứng khiến cho ngón chân bị trầy, đau nhức nên con phải cầm giày đi cà nhắc”, Phật nói: “Nên dùng vật mềm lót ở trong rồi mang”.