TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO CẢM THÔNG LỤC

Soạn giả: Đời Đường, niên hiệu Lân Đức năm thứ nhất, núi Chung nam, Thích Đạo Tuyên.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Chánh pháp do người mở mang, cho nên khi Phật chưa giáng trần, pháp vẫn có nhưng không hiển, không có tăng làm sao truyền pháp. Đó là sự tương giao của sự lý. Vì thế bốn y ba phần, con người là đầu mối. Thần tăng chùa Thánh hiển bày khắp bốn biển là nhờ đức của La-hán, công của chư Tăng. Xin nêu vài việc về chùa thánh, giáo linh, thần tăng.

Chùa Thanh lương núi Thiên thai ở gần biển Lâm; chùa núi Bồng lai ở Đông hải; chùa Tiên hang, Đường thuật, Bảo hãn, Lâm hà; chùa Trúc lâm núi Thạch cổ, Tương châu; chùa Linh ẩn, Lô sơn, Nham châu; chùa núi Minh tịch, Tấn dương; chùa Thái phu núi Ngũ đài, Đại châu; chùa hang đá núi Hắc phong, Tây Vực; chùa Cửu không tiên núi Thái nhất, Ung châu; chùa Trúc Lâm, đỉnh Đại tần, núi Chung nam; chùa Nam độc cửa Đạo ngọ, Lương châu; chùa Cự minh núi Chung nam.

Chùa núi Thiên Thai đời Đông Tấn: Sa-môn Miên Đạo Hiến lên núi Thiên Thai, bỗng nghe tiếng nói rằng: Người này không tiết tháo nên không thấy được chùa thánh. Sa-môn liền chống tích trượng đi tìm khắp nơi, lại nghe có tiếng nói: Mười năm sau hãy đến, cần gì phải khổ công tìm kiếm. Nghe vậy Sa-môn lấy cỏ tranh lập am, tháng ngày thiền quán. Sau quả thấy chùa tháp uy nghiêm, thánh tăng hiển linh, nói: Mười năm sau hãy đến, cần gì phải ở sớm. Sa-môn không đi vẫn ở đó tu luyện, sau đó tự hóa. Vương Hy Chi có lên núi chiêm bái, hiện nay vẫn còn.

Thời Tống, Chu Linh Thạch đi đến Liêu đông, trên đường về bị lạc đường, liền để thuyền trôi theo dòng nước, hơn một tháng sau họ Chu trôi dạt vào một đảo nhỏ, lương thực đã hết, họ Chu lên đảo tìm nước uống, thì thấy một ngôi chùa rất lớn. Vị Tăng hỏi nguyên nhân, họ Chu kể lại. Vị tăng bảo ở lại, họ Chu nói: Đây là nơi của bậc Thánh, người phàm không thể ở, rồi xin ra đi. Vị Tăng nói, ở đây cách đất liền hơn hai mươi vạn dặm. Nghe nói, họ Chu liền kinh sợ, không biết vì sao lại đến được. Vị Tăng liền trấn an: Đừng lo, sẽ có người đưa về. Lại hỏi có biết đạo nhân Bôi Độ không? Thưa biết. Vị Tăng chỉ lên túi bát nói: Là vật đó. Vì phạm lỗi nên bị phạt xuống cõi người. Rồi vị Tăng đưa túi bát cho họ Chu và một bức thư, bảo chú Sa-di đưa họ Chu về. Chú tiểu bảo họ nhắm mắt lại. Họ làm theo, chỉ nghe tiếng gió thổi vèo vèo, nhìn trộm thì thấy thuyền bay trên mây. Không bao lâu thì họ đã về đến Dương Đô. Thấy Bôi Độ bị gông, họ Chu liền đưa bức thư, Bôi Độ kinh ngạc nói: Ngươi đã đến chỗ đạo nhân Bồng Lai ư? Đạo nhân có kêu ta về không? Họ Chu kể lại mọi chuyện, rồi đưa bình bát, Bôi Độ cầm bát nói: Đã hơn bốn ngàn năm ta không thấy cái bát này, liền đưa lên hư không. Vào niên hiệu Thái Sơ họ Chu vô cớ qua đời.

Chùa hang Đường thuật ở Hà châu thời Sơ Tấn: Trên núi Tích thạch cách Hà châu năm mươi dặm về phía Đông bắc có rất nhiều ngọn núi, hình thế khác nhau hoặc như tháp báu hoặc như lầu gác, thông bách trang nghiêm, thật là thánh tích. Đi về phía Nam khoảng hai mươi dặm thì đến hang đó, xung quanh chùa là cây trái suối nước, vẫn có chư Tăng ở. Phía Nam có cổng đá, được làm từ đời Tần Thái Thủy. Phía Đông có một ngôi chùa trời không rõ nơi chốn nhưng tiếng chuông luôn vọng ra, lại có thánh tăng thường ẩn hiện nên đặt tên hang là Đường Thuật. Khương nói là quỷ thần. Xưa nay người ta lên núi thường thấy có chùa có tăng xuất hiện. Trên đỉnh núi phía Đông bắc có con suối, người uống nước suối này sống lâu không già.

Đầu thời Cao Tề có một vị Tăng lạ đến an cư ở chùa Nghiệp hạ, rất hợp ý với vị Tăng cùng phòng. Khách tăng bị bệnh lị, vị Tăng cùng phòng cho uống rượu. Vị tăng lạ không uống sợ phạm giới. Vị tăng kia bảo rằng lúc bệnh Phật có khai giới, vị lạ tăng uống và khỏi bệnh. Sau mùa hạ, khách tăng từ tạ ra về, khi đưa khách, khách hỏi: Có nghe nói về chùa Trúc Lâm ở Cổ Sơn không? Có nghe, nhưng chỉ là lời đồn. Khách nói: Không có tâm thì làm sao đến được? Đã ở cùng một mùa hạ, thường quấy nhiễu, xin đến bổn tự để được đền ơn. Vị Tăng bảo: Nếu đến được thì chết cũng không tiếc. Tháng chín sẽ đến nhưng phải có người chỉ đường. Khách tăng nói: Hãy lên từ phía Đông, đến một hang nhỏ rồi đi lên theo hướng Đông bắc là đến chùa. Sau đó vị Tăng này cùng với năm, sáu người đến chùa Thạch quật, sơn Tăng hỏi: Đến đây có việc gì? Lên chùa Trúc lâm. Đó chỉ là lời đồn, làm gì có chùa. Khách tăng đã mời thì không phải là dối, liền cùng mười mấy vị sơn Tăng đi tìm. Đến một hang nhỏ họ thấy một vị Tăng vác bừa kéo đất, bảo: Năm ngoái đạo nhân thả ngựa ăn hết lúa của chúng tôi, năm nay lại đến đạp lúa. Rồi đuổi tất cả. Chỉ còn vị Tăng kia được mời, theo đường đi, vị Tăng nghe tiếng ngâm trên đỉnh núi, cất tiếng hỏi: có phải là người xưa? Đúng vậy. Có người ra mời vị Tăng vào điện, bảo chờ Hòa thượng. Hòa thượng khoảng chín mươi tuổi, tướng cao lớn như người Tây Vực, lại thấy ba mươi vị quan lại đứng hầu, Hòa thượng hỏi: Làm sao đến đây được? Hành lễ mười mấy lần. Hòa thượng liền đưa khách về phòng nghỉ. Đi qua các phòng thì đến phòng vị khách tăng, nhưng hôm sau Hòa thượng hỏi: Muốn ở luôn thì hẳn có duyên nhưng người xuất gia không đặt tên ở hai nơi. Muốn ở đây thì bỏ tên kia. Vị Tăng lại từ tạ ra về. Đi được một dặm vị Tăng nhìn lại thì thấy còn chùa tháp nhưng đi vài dặm nữa thì không thấy gì. Theo đường cũ trở về thì không thấy những hiện tượng lúc đầu. Về đến nơi vị Tăng kể lại mọi chuyện.

Đầu thời Cao Tề, Sa-môn Tung Công lên núi Bạch lộc nhưng bị lạc đường. Bỗng nghe tiếng chuông, Sa-môn lần theo thì thấy một ngôi chùa, có ba cổng. Đến cổng trước thì thấy đề chùa Linh ẩn, ngoài cổng có năm, sáu con chó to như con bò, lông trắng mõm đen, nhìn trừng vào Sa-môn. Sa-môn sợ định quay đi thì thấy một vị phạm tăng đi vào, mấy con chó cũng vào theo, Sa-môn gọi nhưng không đáp. Bước vào cổng thì thấy cửa phòng tăng đều đóng, ở giảng đường thì bày tọa cụ, nhưng không có người. Sa-môn đến ngồi ở góc Tây nam, bỗng nghe trên nóc có tiếng, nhìn lên thì thấy năm, sáu mươi người từ hư không bay xuống, họ hỏi nhau đi khất thực nơi nào. Sau cùng một vị Tăng bay xuống nói từ phía Đông thành Tương châu về. Kể lại việc gặp Thiền sư giảng đạo. Sau đó tất cả đều đi mất. Sa-môn thấy mình ngồi trên tảng đá. Sa-môn trở về hỏi Pháp sư Thống. Pháp sư bảo: Chùa đó được xây vào thời Thạch Triệu, nhưng lâu dần thành nơi ở của Thánh hiền, chùa lúc ẩn lúc hiện, hiện nay người đi núi vẫn nghe tiếng chuông. Văn Tuyên ở Tấn dương sai sứ giả cỡi lạc đà về chùa Tây Kinh. Sứ giả hỏi chùa nào thì bảo lạc đà sẽ đưa đến nơi. Rồi sứ giả ra đi, bắt chợt thấy mình như nửa ngủ nửa thức, đến núi Minh Tịch, lên lưng chừng núi, có mấy chú Sa-di bước đến nói: Lạc đà của Cao dương đã đến. Liền dẫn sứ giả vào chùa. Một vị Tăng già hỏi: Cao Dương làm vua ra sao? Rất thánh minh. Vị Tăng già chỉ phòng bảo sứ giả vào đó lấy kinh. Sau đó lạc đà lại đưa sứ giả trở về. Không lâu sau, vua đến chùa Mộc tỉnh, một người bảo: Ta đi trước, ông hãy đến nhé. Vua gật đầu. Đêm ấy người kia chết, về đến Tấn dương, vua cũng qua đời.

Núi Ngũ đài ở Đông nam Đại châu là ngọn núi cao lớn, rộng ba trăm dặm, trên núi có năm đài cao, thông bách sum suê. Núi này rất lạnh nên hiệu là Thanh Lương, phía dưới có phủ Thanh Lương. Trong kinh có ghi sự tích Bồ-tát Văn-thù đưa năm trăm vị tiên đến núi Thanh lương, chính là nơi này. Vì thế đạo sĩ xưa này thường đến núi này tu học. Đài giữa cao nhất, cách Tịnh châu bốn trăm dặm, trên có ngôi tháp chùa đá nhỏ do Ngụy Văn Đế lập. Trên vách đá còn in hình người ngựa. Lại có dòng suối Thái Hoa nước trong vắt, có hai ngôi tháp, bên trong thờ tượng Bồ-tát Văn-thù. Ở đây ngày đêm thường vang tiếng chuông, mùi thơm phảng phất, thần tăng, điềm lành thường hiện. Niện hiệu Long Sóc vua cho sư Hội Tích chùa Hội xương đến tu sửa, Sư cũng có thấy thần tích. Cách ba mươi dặm về phía Đông nam có chùa Linh thứu, do Hán Minh đế lập. Hai phía Đông và Tây có hai đạo tràng, tượng vẫn còn. Phía Nam có vườn hoa đẹp. Niên hiệu Trinh Quán, Thiền sư giải thoát đưa đồ chúng đến tu tập thì thấy Bồ-tát Văn-thù và các vị tiên ở trong hư không. Thiền sư Tăng Minh ở đó ba mươi năm cũng có thấy linh tích. Trong vòng ba mươi dặm ở đảo phía Nam, hoa thường nở tươi nên người đời gọi là Hoa sơn. Trong đó có chùa thánh, tiếng chuông thượng vang vọng. Người ở gần đó không dám đến.

Theo Biệt Truyện: Trên núi Hắc phong ở Thiên Trúc, Bồ-tát Long Mãnh là bậc thông minh, đức hạnh cao tột trong hàng thánh tăng. Vua lập chùa, đục đá làm nơi thờ nhưng trải qua nhiều năm chùa vẫn không thành. Vua đến lạy xin: quốc khố cạn kiệt mà chùa vẫn không thành. Bồ-tát bảo: đức của vua rộng lớn, tùy phước sẽ thành công, chớ lo tiền hết chùa không thành. Hãy tìm bên hông chùa sẽ có. Quả nhiên vua tìm thấy thỏi vàng, và xây xong chùa. Ở Tây Vực có nhiều loại vàng, nhưng vàng Long Thọ là đắt nhất. Xưa Bồ-tát thọ hơn bảy trăm tuổi, từ lúc ẩn hình đến nay đã hơn ngàn năm. Có một vị Tăng lên chùa thấy vô số tượng vàng và kinh điển mới biết Tam bảo có hai ẩn, hiển sau mùa hạ, vị Tăng định thỉnh kinh về nhưng không được đành ra về tay không.

Chùa núi Hệ đầu phía Nam huyện Hộ, Ung châu. Núi này xưa là nơi người ta buộc thuyền. Xưa kia núi này liền với Thái Hành. Sông Bạch Lộc dừng ở đây nên gọi là Thiếu Hải. Một hôm Tần Hồng Hải gặp nạn tay trái vịn Thái Hoa, chân phải đạp ở giữa thế là tách thành núi Thái Nhất. Tương truyền phía Nam núi Hệ đầu có chín chùa tiên. Xưa có người đốn củi bị lạc đường nên ngủ lại trong rừng. Đêm nghe tiếng chuông, người đốn củi lần theo thì thấy chùa, hơn trăm vị Tăng nhưng không một tiếng động. Sáng hôm sau thì không thấy gì. Sau có sư Hoằng Trọng đi tìm, tìm mãi mới thấy được năm hàng động rất sáng sạch như có người ở. Thần sư ở chùa Quang minh cũng đi tìm, ở lại an cư trong một hang động, nhưng vẫn không tìm thấy chùa tiên.

Chùa Trúc lâm trên đỉnh Đại tần ở phía Nam cửa ải Tý ngọ. Đầu niên hiệu Trinh Quán có người lên núi tìm mật ong, nghe tiếng chuông người ấy tìm theo thì thấy có một ngôi chùa hai gian, chùa có rừng trúc lớn, người ấy chặt hai mắc trúc để đựng mật. Khi về Sư đong được hai đấu. Từ rừng trúc đến Đại Tần khoảng năm mươi dặm. Nghe có rừng trúc, một người nọ sai người nhà tìm đốn trúc, nhưng họ lại thấy có người bị trói, kêu khóc rất ghê, sợ quá họ lại về. Sau đó một nhóm khác đi tìm thì gặp mưa bão nên trở về. Sư Quy Chân chùa Ngộ chân cũng lên đó tìm thấy hang trúc nhỏ, cũng nói là cách Đại Tần khoảng năm mươi dặm.

Phía Nam cửa Tý ngọ có một trạm gác tên Tam giao, phía Đông trạm gác có con suối nhỏ, phía Đông nam là rừng cây dẻ. Người ở đó thường nghe tiếng chuông vang, nhưng chẳng biết có tăng ở.

Một hôm, con gái của quan trạm gác lên núi tìm củi thì thấy một vị Tăng ngồi trên tảng đá may y, cô gái đến thưa: Từ lâu không biết có thánh tăng ở đây, xin mời về nhà dùng bữa.

– Bần đạo không dám nhận thức ăn của quan lại.

– Là thức ăn của riêng con.

– Cũng không dám.

Cô gái liền chạy về lấy thức ăn, khi trở lại thì không thấy gì. Về sau người ấy hay sai lính đi tìm mà không thấy gì nhưng vẫn thường nghe tiếng chuông. Chùa cách trạm gác khoảng năm dặm.

Chùa Tông Lư hang chiếc ở núi Chung nam, có một người nọ thấy một vị Tăng bảo: “Hãy mang vật này đến chùa.” “Chùa ở đâu?” Ở phía Đông Cự minh hang chiếc. Đến đó người kia lại thấy một vị Tăng to lớn, nói: Hàng ngày người vào núi đốn củi, hãy ăn bánh ở chỗ để củi. Người kia tìm quả thấy đúng như lời, người vợ thấy lạ nói ra, nên từ đó bị câm. Sau đó, lại thấy hai vị Tăng vào hang, người kia vẫy tay vào miệng, người vợ liền nói được. Ngày nay, người ta vào núi thường nghe tiếng chuông, thường thấy thần tăng. Một vị Tăng nghe vậy liền vào núi, thấy thần tăng, hỏi: Đại đức ở chùa Tông lư phải chăng? Muốn đi đến đó có được không? Hãy đi. Bỗng nghe tiếng gió thổi, vị Tăng kia nghĩ: Chắc không phải là thánh tăng, sợ là kẻ trộm. Vừa nghĩ thế thì không thấy thần tăng, người ấy hối hận trở về, sau xây tinh xá ở ẩn, tinh xá hiện vẫn còn.

Hang Hồ Lô ở núi Chung nam: Xưa, có người lên núi đốn củi, chợt thấy một ngôi chùa, nhà đá, cửa đá, bên trong có nhiều pháp khí quý, nhưng không có một vị Tăng nào. Người ấy xuống núi bảo dân chúng lên xem, nhưng khi lên đến nơi họ không thấy gì chỉ thấy toàn là hồ lô, có người tìm thấy cửa đá nhưng một nửa nằm trong đá, chỉ hiện một nửa, không ai mở được. Hang ấy tên Khố, đất ấy tên Thiên Tạng. Sau gọi làng ở cửa hang là là Thiên Tạng. Có người nói đó là nơi Đức Di-lặc hạ sinh.

Biệt Truyện chép: Phật sai chín mươi chín ức đại A-la-hán có đủ ba minh sáu thông giữ gìn chánh pháp ở tam thiên đại thiên thế giới. Lúc con người sống sáu vạn tuổi, ba tai nổi lên, các thánh ẩn. Khi con người sống một trăm tuổi, các Thánh hiện, truyền bá pháp Phật, đến khi con người sống sáu vạn tuổi thì các Thánh Niết-bàn. Người sống bảy muôn tuổi có Bích-chi-phật hiện, người sống tám vạn tuổi có Phật từ giáng sinh.

Tựa chép: Tam bảo trường tồn là nhờ Phật, tăng, để tăng tồn tại thì phải nương Thánh giáo. Vì thế Phật tùy cơ ẩn hiện. Giáo pháp giữ gìn dứt trừ phiền não kiết sử, do vậy xả thân nói kệ, truyền pháp mượn lời là điều các bậc Thánh thường làm. Vì thế thọ trì đọc tụng, tu hành đúng pháp đều được cảm thông. Thiên Trúc, Trung Hoa đều có rất nhiều chuyện lạ. Vào lửa không bị cháy, giặc cướp không làm hại, trừ mọi tai nạn, nhân có quả thành, những chuyện đó được ghi chép rất nhiều. Xin ghi lại vài chuyện.

Những người có duyên cảm ứng như: Đàm Vô Kiệt, Thích Đạo An, Thích Tăng Sinh, Thích Đạo Duệ, Thích Phổ Minh, Thích Tuệ Quả, Thích Tuệ Tấn, Thích Hoằng Minh, Tôn Kính Đức, Thích Đạo Lâm, Thích Chí Trạm, Phạm Dương Tăng, Tịnh Đông Khán Sơn, Ngụy Yêm Quan, Chu Kinh Thượng Thiên, Tùy Dương Châu Tăng, Thích Đạo Tử, Thích Bảo Quỳnh, Thích Không Tạng, Thích Di Tục, Sử Ha Thệ, Lịnh Hồ Nguyên Quỹ, Thích ĐàmVận, Thích Tăng Triệt, Hà Đông Ni, Thích Đàm Diên, Thích Đạo Tốn, Thích Trí Uyển, Nghiêm Cung, Lý Sơn Long, Lý Tư Nhất, phu nhân Trần Công Thứ, Sầm Văn Bản, thiếp của Tô Trường, Đổng Hùng, Không Kinh Ích châu, Cao Văn, Thôi Nghĩa Khởi.

Cao Tăng Truyện ghi: Đầu đời Tống, Sa-di Đàm Vô Kiệt thường tụng kinh Quán Âm, tu hành khổ hạnh, cùng hai mươi lăm người đi tìm nước Phật. Họ mang theo kinh, vượt bao hiểm nạn mới đến thành Xá Vệ. Trên đường đi họ gặp một bầy voi, liền dốc lòng tụng kinh, bầy voi quy phục, một con sư tử lại xuất hiện, bầy voi bỏ chạy, lại xuất hiện một con bò rừng muốn hại họ, họ lại thành tâm tụng đọc, bỗng một con chim cưu bay ra, con bò kinh sợ bỏ chạy, thế là họ thoát nạn.

Thời Hiếu Vũ đế đời Đông Tấn, vì gặp loạn Thạch Triệu Sa-môn Thích Đạo An đến ẩn cư ở Tương dương. Sa-môn thường chú giải các kinh Bát-nhã, Đạo Hành, Mật Tích, nhưng sợ không hợp lý nên phát nguyện: nếu lời giải không trái lý xin cho thấy điềm lành. Sau đó Samôn mơ thấy một đạo nhân đầu bạc mày dài bảo: Lời chú giải của ông rất hợp đạo lý. Ta không nhập Niết-bàn, ở lại Tây Vực, trợ giúp hoặc thông, thường cúng vật thực. Sau, Thiền sư Tuệ Viễn nói: Đó là Tôn giả Tân-đầu-lô. Do vậy liền thiết lễ cúng dường.

Sa-môn Thích Tăng Sinh ở quận Thục tu hành khổ hạnh, chuyên trì kinh Pháp Hoa. Mỗi lần tụng, có một con cọp đến nghe kinh, tụng xong cọp bỏ đi, lại có bốn người hầu nghe. Tuổi tuy già nhưng Sa-môn luôn siêng năng.

Sa-môn Thích Đạo Duệ cùng ba người đồng môn vào núi Hoắc ở Hà nam. Đi được vài dặm thì ba người kia chết, Sa-môn kinh sợ thành tâm tụng kinh Pháp Hoa, bỗng thấy đom đóm soi đường đi ra khỏi hang. Sau thường gặp Bồ-tát Phổ Hiền hoặc các thần tăng. Từ đó Sa-môn đến quận Tống làm nghề đưa đò. Một hôm có mấy người đưa Sa-môn đến một nơi rất lạ. Thấy Duệ, Pháp sư đứng lên từ biệt, rồi cho đưa về.

Sa-môn Thích Phổ Minh xuất gia học đạo, bản tánh thuần tịnh, sống rất thanh đạm, thường trì kinh Pháp Hoa, Duy-ma. Khi trì kinh Sa-môn luôn đắp y khác và ngồi bồ đoàn khác. Khi tụng đến phẩm Khuyến Phát trong kinh Pháp Hoa thì Sa-môn thấy Bồ-tát Phổ Hiền cởi voi đứng trước mặt, lúc tụng kinh Duy-ma thì nghe trong hư không có tiếng nhạc.

Sa-môn Thích Tuệ Quả trụ chùa Ngõa quan, Dương châu chuyên tụng kinh Pháp Hoa, Thập Địa. Có lần thấy một con quỷ ở nhà xí đến nói: Xưa tôi là Duy Na vì làm sai pháp môn nên đọa làm quỷ ăn phân. Tôi có chôn ba ngàn đồng tiền dưới gốc cây thị, xin lấy làm phước, Samôn làm theo, thiết lễ tụng kinh sám hối. Sau quỷ đến tạ ân, bảo là đã thoát nghiệp.

Sa-môn Thích Tuệ Tấn chùa Cao tòa, Dương đô, lúc nhỏ vốn là một hiệp sĩ, năm bốn mươi tuổi ngộ sự vô thường, liền xuất gia học Phật, nguyện tụng kinh Pháp Hoa. Nhưng khi tụng thì bị bệnh, liền phát nguyện in một trăm bộ kinh để sám hối tội chướng. Một hôm tên trộm lẻn vào định lấy số tiền in kinh nhưng chúng lại không lấy. Sau khi in xong một trăm bộ kinh, Sa-môn không bệnh nữa, ngày đêm lo tụng kinh sám hối, nguyện sinh về cõi Phật A-di-đà. Nghe trong hư không bảo: Ông đã toại nguyện, Sa-môn liền ra đi ở tuổi hơn tám mươi.

Sa-môn Thích Hoằng Minh ở chùa Vân môn, chuyên trì kinh Pháp Hoa, nơi ở của Sa-môn thường có chư Thiên cung phụng nước uống thức ăn, cọp quỷ cũng đến nghe kinh. Con quỷ ấy vốn là sa di nhưng trộm vật của tăng bị đọa làm quỷ. Quỷ này đến nghe kinh mong thoát nghiệp. Sa-môn nói pháp, quỷ ngộ đạo bỏ đi. Lại có con sơn tinh đến não loạn Sa-môn lấy dây buộc, quỷ xin tha, từ đó không đến nữa. Chuyện của Tôn Kính Đức như phần trước đã kể.

Sa-môn Thích Đạo Lâm trụ chùa Tuyền lâm huyện Phú dương xuất gia học đạo chuyên trì kinh Tịnh Danh. Trước đây chùa hay bị quỷ quấy rối, từ khi Sa-môn về ở quỷ không đến nữa. Có người đệ tử bị chết, đầu rơi trúng ngực, Sa-môn cầu thỉnh, đêm ấy thấy hai vị Tăng Ấn Độ đến kéo đầu ra, sau Sa-môn thiết lễ cúng tạ. Sa-môn trải bông mới trên giường nằm, cúng xong, thấy trên giường có hình người cao ba thước, đại chúng đều cảm phục.

Sa-môn Thích Chí Trạm tu học, tụng kinh Pháp Hoa ở chùa Hàm Thảo. Lúc Sa-môn sắp tịch, Lương Vũ Đế thấy thần tăng báo mộng: hôm nay thánh tăng chứng quả Tu-đà-hoàn nhập diệt tại chùa Hàm thảo. Sa-môn tịch, mỗi tay đều duỗi một ngón. Thần tăng bảo: đó là người chứng quả thứ nhất. Vua cho người đào xem chỉ còn cái lưỡi, liền cho xây tháp thờ.

Ở đất Ung châu có Sa-môn ở ẩn trên núi Bạch Lộc, chuyên trì kinh Pháp Hoa. Sau khi mất, toàn thân đều khô nhưng cái lưỡi vẫn y nguyên. Vua Tề hỏi, Sa-môn Pháp Thượng nói: Người trì kinh Pháp Hoa sáu năm không hoại. Vua cho nhóm chúng tụng kinh, tụng xong ngàn biến thì hiện nguyên hình, vua cho đóng khám đá để thờ.

Một hoạn quan thời Ngụy Cao Tổ xin lên núi ẩn tu, chuyên tụng kinh Hoa Nghiêm, sám hối tội chướng. Khi chưa mãn một mùa hạ, hoạn quan lại được thân tướng như xưa, liền viết sớ tâu lên vua cho cả nước tụng kinh Hoa Nghiêm.

Đầu niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, có một Sa-môn chuyên trì kinh Niết-bàn, một Sa-di chuyên tụng kinh Quán Âm. Bỗng cả hai đều chết, họ thấy mình xuống địa ngục, Diêm Vương lập tòa vàng mời Sa-di ngồi, thiết tòa bạc để Sa-môn an tọa. Sau thấy tuổi thọ hai người chưa hết, Diêm Vương thả về. Sa-môn liền tìm đến hỏi Sa-di vì sao được như thế. Sa-di kể rằng trước khi tụng kinh đều tắm gội, thay y phục và bồ đoàn mới. Sa-môn mới biết tội mình, từ đó lo tịnh tu.

Sa-môn Thích Đạo Tích chùa Phược thành, Ích châu chuyên tụng kinh Niết-bàn. Một hôm Sa-môn tịch, hơn một trăm ngày nhục thân vẫn còn như lúc sống, đạo tục đều khen ngợi.

Sa-môn Thích Bảo Quỳnh ở Thục Xuyên chuyên tụng kinh Đại Phẩm, thường kính tin Phật tăng. Dân ở đó không tin Phật nên Sa-môn cũng ít vào làng hóa duyên. Nhân dịp dân chúng đến lễ thần, Sa-môn đến đền thờ nhưng không lễ bái. Có người nói: không lễ bái thiên tôn thì không phải là Sa-môn. Sa-môn nói: tà chính khác đường, trời còn lạy ta, sao ta lại lạy lão quân. Dân chúng bàn tán. Sa-môn nói: Nếu ta không lễ thì cũng khó coi. Sa-môn liền lạy một lạy, tượng thờ lung lay, lạy một lạy nữa, tượng thờ rơi xuống đất. Dân chúng đều kinh ngạc, từ đó họ rất tôn kính Phật pháp.

Sa-môn Thích Không Tạng trụ chùa Hội xương ở kinh đô đời Đường, chuyên lo tụng kinh, du hóa. Xưa, Sa-môn tụng kinh ở núi Phu nhi cảm động thần linh. Lần nọ, trời hạn hán, nước suối khô cạn, tăng chúng bỏ đi, Sa-môn liền thành tâm cầu cúng, bỗng nước suối dâng đầy, đạo tục đều khen ngợi. Sa-môn mất vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười sáu.

Sa-môn Thích Di Tục chuyên trì kinh Pháp Hoa, lúc sắp mất Samôn nói với Thiền sư Tuệ Khuyết: nếu tụng kinh linh nghiệm, được sinh cõi lành thì mười năm sau khi mất, lưỡi vẫn còn nguyên. Nếu đúng như lời hãy xây tháp để tạo phước cho muôn loài. Sau mười một năm Thiền sư làm theo, quả đúng như lời, liền xây tháp thờ.

Huyện lệnh huyện Ba tây, Long châu, Hồ Nguyên Quĩ kính tin Phập pháp, muốn viết lại kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Bát-nhã, Niết-bàn nhưng không biết xem xét nên nhờ Thiền sư làm giúp. Thiền sư viết xong, cất ở gia trang. Lần đó, gia trang bị cháy, nhưng kinh điển không bị cháy. Riêng một quyển đầu chữ bị ố đen, vì người viết không thành kính. Kinh ấy hiện vẫn còn ở chùa Tây minh.

Thiền sư Đàm Vận là người ở Định châu hành đạo bảy mươi năm. Cuối đời Tùy nước nhà hỗn loạn, Thiền sư ẩn tại núi Tỷ can ở Li thạch. Thiền sư chuyên tụng kinh Pháp Hoa, muốn viết lại nhưng không làm được. Bỗng thấy một bức thư ghi rằng thanh tịnh thân tâm sẽ làm được. Hôm sau Thiền sư tắm gội, thay y phục, vào tịnh thất bắt đầu chép kinh, đến tối mới ra. Cứ như thế cho đến khi chép xong bộ kinh. Sau có giặc loạn, Thiền sư đặt kinh trong rương, chôn trên núi cao. Sau này người ta tìm thấy, rương bị hư nhưng kinh vẫn còn nguyên.

Thiền sư Tăng Triệt trụ chùa Hãm tuyền ở núi Cô sơn phía Nam Giáng châu, thấy một người bị bệnh phong ở trong hang, Thiền sư đưa lên núi, làm nơi ở, cho ăn và bảo tụng kinh Pháp Hoa. Nhưng vì không biết chữ nên Thiền sư phải dạy đọc từng câu, đến khi đọc được nửa bộ kinh thì mộng thấy thần linh, từ đó dần thông tỏ, tụng hết sáu quyển thì khỏi bệnh.

Một ni sư ở Hà đông chuyên tụng kinh Pháp Hoa và thuê người chép kinh, lại lo chay tịnh thành kính suốt tám năm mới xong bảy quyển. Thầy Pháp Đoan chùa Long môn nhân giảng kinh cho đại chúng nên mượn nhưng ni sư không cho. Sư chê trách, ni sư liền đem kinh đến. Sư mở kinh thì không thấy chữ nào, hối hận quá thầy mang trả lại. Ni Sư tự trách mình, lạy Phật sám hối suốt bảy ngày, sau đó kinh hoàn lại như cũ.

Đầu niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, Pháp sư Đàm Châu ở Hà Đông, sớ giải kinh Niết-bàn, sợ lời không hợp thánh ý nên để kinh và sớ trước tháp xá-lợi, khấn cầu và đốt kinh. Khấn xong kinh và tháp đều phát ra ánh sáng soi chiếu suốt ba ngày đêm. Mọi người đều kéo đến xem. Vua nghe tin, thỉnh Pháp sư về kinh, xây chùa Diên Hưng cúng dường.

Sư Đạo Tốn chùa Nhân thọ ở Bồ châu chuyên giảng kinh Niếtbàn, tín chúng quy y rất đông. Niên hiệu Trinh Quán thứ mười bốn, Thôi Nghĩa Trực làm hương lệnh ở đó, liền cho người mời sư giảng kinh, Nghĩa Trực thành tâm cầu nghe, thầy nói: Hãy lắng nghe thời gian không còn nhiều. Giảng đến phẩm Sư Tử thì sư tịch. Nghĩa Trực liền cho đưa về ở núi Nam Sơn. Lúc ấy là mùa đông, khi linh cửu được hạ xuống thì có hoa sen mọc lên hơn năm trăm cành, suốt bảy ngày mới héo.

Sa-môn Thích Trí Uyển ở Ung châu, khắc kinh vào đá rồi chôn ở núi Tây nam phòng khi chánh pháp bị diệt, kinh vẫn còn. Niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy, Sa-môn bắt đầu làm hang đá để khắc kinh trên đá, dân quan khắp nơi đều cúng sắt để khắc đá. Vì muốn xây điện Phật nhưng Sơn Đông không có gỗ. Đêm ấy trời nổi giông tố, hôm sau người ta thấy cả ngàn khúc gỗ thông bách, tìm rõ mới biết từ Tây Sơn đưa đến. Đó là thần linh giúp xây điện Phật. Khi làm xong được bảy động đá, Samôn mất (vào niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười ba). Các đệ tử vẫn tiếp tục hạnh nguyện của Sa-môn.

Niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy, Nghiêm Cung người ở Tương châu xây tinh xá, chép kinh Pháp Hoa. Nhiều người cúng dường giấy bút, có được bao nhiêu họ Nghiêm chép bấy nhiêu, không bao giờ kêu than. Có một người đến vay mười ngàn đồng tiền, Cung đưa cho, người vay tiền lên thuyền đi về thì bỗng nhiên thuyền bị lật, tiền mất, người còn. Sau họ Nghiêm thấy mười ngàn đồng tiền đó trong kho nhà. Một thương gia cầu cúng, mộng thấy một người đưa một vật báu chuyển cho họ Nghiêm. Họ Nghiêm đến chợ mua giấy bị thiếu tiền thì có người đưa tiền rồi biến mất. Một người làng chài thấy ở biển có ánh sáng liền bơi thuyền ra xem thì được một hòm kinh của họ Nghiêm, từ đó người đánh cá nguyện sao chép kinh. Sau này con cháu của người đánh cá cũng làm theo.

Vào niên hiệu Vũ Đức, Lý Sơn Long chết bất ngờ, suốt bảy ngày ngực vẫn còn nóng, sau sống lại kể: Chúng tôi thấy mình bị đưa đến trước gian tòa cùng với mấy ngàn tù nhân. Quan hỏi: Thường làm gì? thường bố thí khi có hội đám. Còn làm gì nữa? Tụng hai quyển kinh Pháp Hoa, quan phán: Rất tốt, hãy tụng. Họ Lý vừa tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm tựa thứ nhất, quan liền bảo dừng, nói: Chỉ nhờ tụng để những người tù kia tịnh tâm tạo phước. Sau đó mấy ngày tù nhân đều thoát khổ, mọi hình phạt ở địa ngục đều ngừng.

Lý Tư Nhất, ở quận Triệu bị bệnh vào ngày tám tháng một niên hiệu Trinh Quán thứ hai mươi, đến ngày mười ba thì chết. Hôm sau sống lại, kể: Quan hỏi: Năm mười chín tuổi thường giết chúng sinh. Họ Lý nói: Lúc nghe Pháp sư Mân giảng kinh Niết-bàn ở An châu bị hại. Quan cho hỏi Pháp sư Mân nhưng không gặp nên cho về. Nhờ gặp chùa Thanh Thiền nên họ Lý đến chùa lễ bái, kể chuyện với thầy Huyền Thông, thầy cho sám hối, thọ giới Phật, tụng năm ngàn biến kinh Kim Cang Bát-nhã. Chiều tối thì bị chết, hôm sau sống lại, kể: Quan tòa vui vẻ nói: Đã tạo phước đức, lại thấy một vị Tăng bảo: Người này chỉ nghe kinh, không hề giết hại, sao lại ghi sai. Quan liền cho về nhà. Từ đó họ Lý chuyên tu phước lành.

Thái Phu nhân của Trần Công họ Đậu Lô, tin phước nghiệp nguyện tụng kinh Kim Cang Bát-nhã nhưng tụng chưa được một trang thì đầu đau nhức, tự nghĩ đến chết vẫn không tụng được, liền cố gắng ngồi dậy tụng nhưng đèn bị tắt, phu nhân sai người tìm đèn nhưng khắp nơi đều không có, phu nhân buồn khổ, bỗng thấy có người mang đuốc đến, phu nhân vui mừng, đầu hết đau, liền tụng kinh tiếp. Sau đó gia nhân đem đuốc vào, đuốc kia biến mất. Đêm đó phu nhân tụng xong kinh. Từ đó về sau mỗi ngày phu nhân tụng năm biến kinh.

Trung thư lệnh Sầm Văn kính tin Phật pháp hay tụng phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa. Một lần, họ Sầm cùng vài người đi thuyền trên sông Ngô, thuyền bị chìm, người cũng chìm. Chợt nghe có tiếng bảo niệm Phật sẽ thoát khổ. Họ Sầm làm theo thì thấy mình được đưa vào bờ.

Niên hiệu Vũ Đức sứ giả Tô Trường được làm thứ sử Ba châu, khi qua sông Gia lăng, sóng dậy, thuyền bị lật, hơn sáu mươi người đều bị chìm, riêng một người thiếp thường tụng kinh Pháp Hoa, khi thuyền sắp lật người này đội kinh lên đầu, nên được đưa vào bờ. Kinh không bị ướt. Niên hiệu Trinh Quán, Đỗng Hùng người ở Hà đông vốn kính tin Phật pháp, chay tịnh hơn mười năm. Sau bị bắt giam cùng Lý Kính Huyền, Trực Vương Hân. Trong tù, họ Đỗng chuyên tụng phẩm Phổ Môn, tụng được ba ngàn biến thì gông cùm tự mở. Họ Đỗng nói với mọi người, quan giám ngục thấy vậy liền cho gông lại. Họ Đỗng tiếp tục tụng kinh, gông lại mở ra. Họ Đỗng nói với các bạn tù. Kính Huyền vốn không tin Phật, xưa hay hủy báng khi thấy vợ tụng kinh. Giờ thấy họ Đỗng tụng kinh linh ứng, liền tỉnh ngộ, biết Phật là bậc đại thánh. Hai người liền cùng họ Đỗng tụng kinh, tụng ba vạn biến thì thoát tù như họ Đỗng.

Thôn Vương Lý ở cách huyện Tân phồn, Ích châu bốn mươi dặm về phía Tây, đời Tùy có thư sinh họ Tuân dạy học ở đây nhưng không hiển kỳ tích, mọi người muốn lấy sách, họ Tuân không đưa. Sau viết kinh Bát-nhã trên hư không xung quanh làng. Viết xong, bảo: kinh này chỉ có chư Thiên đọc, người không hiểu được. Sau trời lụt, dân chúng đến chỗ kinh thì không bị nước cuốn đi, cũng không bị ướt. Sau đó có một vị Tăng nói: làng này có kinh Bát-nhã, không nên làm ô uế đất đó. Nghe vậy người trong làng làm hàng rào, không cho ai làm ô uế. Vào ngày lễ vía, người trong làng đến cúng, thường nghe tiếng nhạc vang lên.

Ngày hai mươi bảy tháng giêng niên hiệu Long Sóc thứ ba, Châu Cao Biểu Nhân thường tụng kinh Pháp Hoa. Một hôm, người ấy cỡi ngựa ra ngoài, bị con quỷ cỡi ngựa đuổi theo. Người ấy hỏi: Các ngươi là ai? Sứ giả Diêm Vương đến bắt ngươi. Sợ quá người này cỡi ngựa chạy về hướng Tây, quỷ đuổi theo, dặn đừng cho vào chùa, nếu vào sẽ thoát. Cứ thế chạy mãi mà không thoát được cuối cùng bị quỷ kéo tóc ngã ngựa. Mọi người đưa về nhà thì bị chết, sáng hôm sau tỉnh lại kể rằng gặp Diêm Vương phán tội trộm cắp hoa quả nhà chùa thì chịu bốn năm ngậm hòn sắt nóng, tội nói lỗi Tam bảo thì bị trâu cày trên lưỡi và cứ thế bốn ngày liền người ấy chịu tội ngậm hòn sắt nóng. Đến lúc kéo lưỡi cho trâu cày thì lưỡi rất cứng, biết nhờ tụng kinh Pháp Hoa, từ đó được thả về, lo nghe pháp sám hối tội lỗi.

Ngày hai mươi tháng sáu niện hiệu Long Sóc năm thứ ba, Thôi Nghĩa Khởi không tin Phật pháp, vợ của Khởi lại chuyên tụng kinh Pháp Hoa Bát-nhã. Tháng năm vợ Khởi chết, cha vợ thiết trai tụng kinh trong hai mươi mốt ngày. Hôm ấy tỳ nữ Tố Ngọc thấy phu nhân, liền nói: Lúc sống con nghe nói về địa ngục nhưng không tin nên chết rồi chịu không biết bao nhiêu điều khổ, phu nhân không thể không tin. Nhờ phu nhân tụng kinh, in kinh mà con được thoát khổ, ngày hai mươi sẽ lại chịu tội. Đến thời quả thật như vậy, phu nhân lại thấy cha mình nói: Đã thả Tố Ngọc rồi , lại nói: Con gái ta không tin lời ta, không làm lành, nay chịu khổ không ai cứu được. Con hãy về nói với chồng nó lo tu công đức, không lâu sẽ được giải thoát. Lại thấy Bà-la-môn dạy Tố Ngọc tụng kinh Kim Cang Bát-nhã, Dược Sư, Pháp Hoa, được làm Thanh văn. Tháng giêng niên hiệu Lân Vũ năm thứ nhất, tiết tướng quân thiết trai tại nhà, thỉnh tăng cúng dường, Tố Ngọc lên tòa tụng kinh không sai một chữ. Tiết tướng quân khen ngợi, tâu vua. Vua khuyên tất cả nên kính tin Phật pháp, tiến sĩ Phạm Thúc Nguyên cũng thiết trai, mời Tố Ngọc tụng kinh.

THẦN TĂNG CẢM THÔNG TỤC

Tăng chân hay ngụy chỉ có Phật biết, phàm phu không thể hiểu. Vì tùy cơ hóa độ, quyền thật khó lường, không thể nhìn từ oai nghi sự tướng bên ngoài. Kinh dạy: Vì chúng sinh có đủ ba độc, tà kiến nên đệ tử Phật tùy cơ độ thoát, vì thế có hai mươi bốn vị làm chỗ nương tựa của ba thừa, mười sáu bậc thánh hoặc trì sáu vạn pháp, chín mươi chín ức chân nhân thông đạt, bảy mươi bốn hiền tăng, người có năm thông. Nhờ thế ba cõi được lưu truyền pháp Phật, bốn loài hưởng phong giáo, bảy chúng biết quay về, bốn vua bị giết, tám bộ hộ pháp, lắng đọng năm uế, chúng tin thì được quả tốt, kẻ hủy báng thì chịu quả xấu, thời nào cũng có. Hai đế Chu, Ngụy oai phục các chư hầu khinh khi Phật pháp, phải chịu ta ương chánh pháp không mất, hưng thịnh do người, các Thánh hiền thường giữ gìn nào dễ bị diệt bởi một ông vua, một đất nước. Chu Ngụy ngu muội, làm việc trái đạo, không ai cứu được. Theo Phó Pháp Tạng thì Phật trao chánh pháp cho Tôn giả Ca-diếp, không để trời quỷ ma thần vua chúa tà kiến phá hủy. Vâng lời Phật, Tôn giả kiết tập kinh điển, rồi trao lại cho Tôn giả A-nan, cứ thế đến Tôn giả Sư Tử là hai mươi lăm vị. Vả lại Tôn giả Ca-diếp hiện vẫn ở trong núi Linh thứu, đang nhập định diệt tận, trải qua năm mươi sáu ức, bảy ngàn vạn năm Phật Từ Thị giáng trần, Tôn giả trao lại y bát, rồi mới Niết-bàn.

Ở nước Thơ Cừ cách nước Vu-điền hai ngàn dặm về phía Nam có một bậc thánh nhập định vô số năm, cứ mười lăm ngày có người đến cạo râu tóc. Theo kinh luật: Phật bảo Tôn giả Tân-đầu-lô không được diệt độ, thường truyền giữ Phật pháp để giúp cho chúng sinh được giải thoát sinh tử. Theo luận Đại thừa: Mười sáu vị Vô học như Tân-đầu-lô, La-hầu-la và chín mươi chín ức La-hán phát nguyện giữ gìn chánh pháp. Theo biệt truyện các vị Thánh ở khắp nơi, tuy có lúc ẩn mình nhưng thường lợi ích muôn loài nên trên núi vẫn thường hiện chùa thánh, thần tăng, tiếng chuông, mùi thơm… xin lược vài truyện:

An Thế Cao, Chu Sĩ Hành, Kỳ Vực, Phật Điều, Kiện Đà Lặc, Để Thế Thường, Diêm Công Tắc, Thái Tịnh, Trúc Pháp Tiến, Lý Hằng, Phật Đồ Trừng, Thích Đạo An, Đơn Đạo Khai, Hà Sung, Hoàn Ôn, Đỗ Nguyện, Lô Sơn tăng, Trúc Tăng Lãng, Lương Pháp Tướng, Bôi độ, Thích Đạo Duệ, Cầu-na-bạt-ma, Thích Tuệ Toàn, Lưu Ngưng Chi, Thích Đoàn Thỉ, Thích Tuệ Viễn, Thích Tuệ Minh, Thích Bảo Chí, Thích Tuệ Đạt.

Tất cả truyện ký chúng tôi tìm được đã ghi rõ ở trước, nhưng không thể ghi rõ từng điều nên chỉ nêu chung.

Thời Hán Hoàn Đế, Sa-môn An Thanh tự Thế Cao, thái tử nước An Tức, bỏ ngôi xuất gia, chứng quả thánh. Kể rằng xưa Sa-môn có đến Quảng châu gặp một kẻ thù xưa, Sa-môn nói: Ngươi vẫn chưa dứt được oán thù. Sa-môn liền đưa cổ nhận nhát dao chém, sau khi chết được làm thế tử, thái tử có một người bạn thích bố thí nhưng hay tức giận. Thái tử hỏi: Bạn bố thí như tôi, nhưng sao hay sân như thế? Không nhẫn nại được sau này nếu chịu quả báo thì mong bạn cứu cho. Sau khi chết người bạn làm thần hồ cung đình, thống nhiếp ngàn dặm. Sa-môn đến Trung Nguyên để độ bạn. Thuyền đến hồ, người chèo thuyền cầu phước, thần bảo: Mời Sa-môn đến đây. Sa-môn đến thần nói: xưa chúng ta là bạn nhưng vì hay sân hận phải chịu quả khổ này. Tôi sắp chết và phải đọa địa ngục, nhưng sợ làm bẩn hồ nước nên chuyển về bờ Tây, xin dùng số lụa và vật báu này tạo phước cho tôi. Sa-môn bảo hiện nguyên hình. Thần nói: Thân súc sinh không dám hiện nhưng cuối cùng cũng hiện thân rắn, thấy vậy Sa-môn khóc, rắn cũng khóc. Sa-môn trì chú, rắn dần biến mất. Sa-môn bảo người chèo thuyền đem số vật báu về Dự chương làm phước. Rắn thoát kiếp được sinh về cực lạc. Sa-môn cất chùa. Hôm sau, người ta thấy xác rắn trên bờ Tây, đầu đuôi cách nhau khá xa. Từ đó có làng đầu rắn đuôi rắn. Sa-môn đến Quảng châu tìm người xưa nhưng vì oan trái nhỏ nên bị đánh chết…

Niên hiệu Cam Lồ năm thứ năm thời Ngụy Phế Đế, Sa-môn Chu Sĩ Hành giảng kinh Tiểu Phẩm nhưng vì chưa tỏ chương cú nên Sa-môn sang Tây Vực để tìm. Bị nạn không về được, Sa-môn chất lửa đốt kinh, nói: Nếu giáo pháp không được truyền bá thì bị lửa thiêu. Nhưng lửa cháy kinh không bị đốt, vua cho về nước. Năm tám mươi tuổi Sa-môn tịch, người ta đốt thân suốt một ngày nhưng không bị cháy. Mọi người cầu xin thì thân mới đốt được, chúng xây tháp thờ.

Niên hiệu Thái Khang đời Tấn Vũ Đế, Sa-môn Kỳ Vực – người Tây Vực vượt biển đến đất Tương dương. Đến bên bờ sông người chèo đò thấy đạo sĩ ăn mặc dơ nên không chở. Khi thuyền đến bờ thì Sa-môn đã có ở đó. Lại thấy hai con cọp đuổi theo, Sa-môn xoa đầu chúng. Cuối niên hiệu Tuệ Đế, Sa-môn đến Lạc dương khuyên dạy tăng chúng. Quan sở tại hỏi pháp rồi tặng vật báu, Sa-môn cho lạc đà đưa về tây. Sa-môn bảo: sau này ở đây có tội lớn, rất đáng thương. Sau nhà Tấn bị loạn lạc. Khi Tôn giả về Tây, vô số người đưa tiễn, Sa-môn bước đi thong thả thế mà ngựa đuổi theo không kịp.

Đầu đời Tấn, Sa-môn Phật Điều ở núi Thường sơn, ngày kinh hành trên núi đêm ngủ trong hang cọp. Một hôm trời đổ tuyết lớn, con cọp về hang, Sa-môn nói: Ta chiếm nhà của ngươi thật hổ thẹn, Sa-môn phủi tuyết trên mình cọp, cọp liền xuống núi. Thấy mọi người Sa-môn nói: Trời đất còn băng hoại huống chi là con người. Sau đó Sa-môn về phòng, ngồi thẳng thị tịch. Mấy năm sau, đệ tử tại gia lên núi đốn gỗ, thì Sa-môn vẫn còn, chúng kinh ngạc hỏi: Hòa thượng vẫn ở đây? Ta vẫn ở đây. Mọi người bèn đào mộ, thì thấy mộ trống.

Sa-môn Kiện-đà-lặc trước du hóa ở Lạc dương vào đời Tấn. Tuy kinh phong thái của Sa-môn nhưng mọi người chưa thấy sự linh ứng. Sa-môn nói: Ở núi Bàn chí có ngôi tháp cổ, ai xây dựng sẽ được phước. Mọi người đào tìm thì thấy có nền liền xây lại, mời Sa-môn trụ trì. Một hôm, Sa-môn thọ trai ở nhà thí chủ cách chùa trăm dặm. Thọ thực xong, Sa-môn xin dầu rồi về chùa. Sa-môn đi như bay, người đi theo không kịp, Sa-môn bảo họ nắm chéo áo, lát sau họ đã về chùa.

Niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn vua cấm người Tấn xuất gia, Để Thế Thường phụng pháp, không sợ pháp nước nên lập tinh xá trong nhà, cúng dường chư Tăng, Ni. Một hôm có vị Tăng lạ, ăn mặc dơ bẩn đến nhà, họ Để lễ bái, sai tôi tớ lấy nước rửa chân, Sa-môn bảo họ Để làm, họ Để nói là già yếu nên không làm, Sa-môn hiện thân oai đức bay lên hư không, họ Để hối hận, tăng ni trong nhà đều thấy, mùi thơm vẫn còn phảng phất.

Diêm Công Tắc người đất Triệu, phụng hành Phật pháp, mất ở ấp Lạc thời Tấn Vũ Đế. Nhân chùa Bạch mã có lễ hội, mọi người cúng bái, thấy có một người thân đức oai nghiêm nói: Tôi là Diêm Công Tắc, được sinh về Cực lạc, hôm nay cùng các Thánh đến nghe kinh. Vệ Sĩ Độ là cư sĩ cũng rất kính tin Phật, thường cúng dường chư Tăng. Giữa trưa hôm đó, trong hư không bỗng có một cái bát đựng đầy cơm hạ xuống trước mọi người, ai cũng biết là bát của Công Tắc, số cơm ấy ăn trong bảy ngày. Vệ Sĩ ghi lại việc này.

Gia đình của Thái Tịnh ở Nam Dương đầu đời Đông Tấn rất kính tin Phật Thường, họ thường bố thí cúng dường. Hôm đó thiết trai cúng dường chư Tăng đi đường. Thấy một vị Tăng ngồi dưới gốc liễu, họ mời vào cúng cơm. Người nhà sớt cơm làm đổ dưới đất. Vị Tăng bảo: Bát của bần đạo đã đầy. Sa-môn quăng bát lên hư không, mọi người đều thấy rõ, bát lại mất, người ta làm lại cái khác, ngày đêm lễ bái.

Cuối đời Tây Tấn, Trúc Pháp Tấn ở chùa Khai Độ là người thông minh, lúc nước sắp loạn, Sa-môn vào núi ẩn. Sau người ta thiết trai cúng dường chư Tăng. Một vị Tăng thân hình tiều tụy lên ngồi ở ghế chủ tọa, Sa-môn đến kéo xuống, ba lần như vậy, vị Tăng biến mất, gió liền nổi lên, Sa-môn hối hận, tự trách mình.

Cuối thời Tây Tấn, Lý Hằng gặp một vị Tăng nói: Phước họa sắp đến, phước trước họa sau, nếu giữ mình thì không bị hại. Lý Hằng không tin lời, nói: Ta giàu có, lo gì tai họa. Vị Tăng ở nghỉ qua đêm, nhưng đang đêm Lý Hằng thấy giường trống, trên nóc nhà lại có một con chim. Sáng sớm thì lại thấy vị Tăng ở trên giường. Vị Tăng từ biệt, Lý Hằng ra tiễn thì không thấy nữa. Từ đó Lý Hằng tin Phật, sau được bổ làm thái thú Tây Dương và Hạ Lô, giữa niên hiệu Thái Hưng thì bị giết.

Cuối đời Tây Tấn Sa-môn Phật Đồ Trừng đến Trung Nguyên độ sinh. Tuy không học rộng nhưng mỗi lần tranh biện thì các học sĩ đều bị thuyết phục. Vào niên hiệu Vĩnh Gia, Sa-môn đến Lạc dương. Gặp lúc Thạch Lặc đóng quân ở Hà Bắc, giết hại rất nhiều người, Sa-môn khuyên giải nên cứu được vô số người. Thạch Lặc lại hỏi về việc lành dữ, và việc bắt Lưu Diệu Tướng. Sa-môn nói rõ, Thạch Lặc làm theo lời thì quả đúng sự thật. Ngày tám tháng tư niên hiệu Kiến Bình năm thứ tư, Thạch Lặc đến chùa lạy Phật, bỗng gió thổi rung chuông, Thạch Lặc hỏi, đại chúng nói: Năm nay nước có nạn lớn. Đến tháng bảy Thạch Lặc chết, Thạch Hổ lên ngôi, càng tôn thờ Phật pháp. Sau đó Sa-môn nói với đệ tử: Ta chết trước vua, vua sẽ bị đọa. Năm Mậu thân, thái tử giết mẹ và em, Hổ tức giận giết cả nhà. Năm sau Hổ chết.

Sa-môn Đạo An họ Vệ, người ở Thường sơn, là đệ tử của Sa-môn Phật Đồ Trừng. Lúc sinh tiền, Sa-môn Phật Đồ Trừng thường đàm đạo với Đạo An. Sau khi thầy mất, Sa-môn lánh nạn ở đất Hán. Một hôm đến nhà thế tục, Sa-môn gọi tên chủ nhà, chủ nhà kinh sợ hỏi: Trước đây chưa từng quen biết làm sao biết tên tôi? Sa-môn nói: Trước cổng nhà ông có một cái xe tre đựng được một hộc há không phải là Bách Thăng hay sao? Hai cây khép lại há không phải là Lâm sao? Trên cánh tay Sa-môn có một cái sẹo nên người đời gọi là Bồ-tát Ấn Thủ. Xưa, Samôn La-thập cũng từng lễ kính. Một hôm thấy một vị Tăng lạ, Sa-môn lễ bái, nói: Tự xét mình có tội, sao lại được thương tình? Ông không có tội, hãy chuẩn bị đồ tắm. Sa-môn hỏi nguyên nhân, vị Tăng bảo sau sẽ rõ. Lúc đó, Sa-môn thấy mười mấy đứa trẻ vào chùa vui chơi, rồi biến mất. Sa-môn nghe ở nhà tắm có tiếng, ra xem thì thấy khăn ướt, nước hết. Sau họ Phù định làm loạn, Sa-môn khuyên không được nên bị bại ở Hoài nam. Một hôm, sau giờ ăn sáng, Sa-môn về phòng an nhiên thị tịch, được chôn ở chùa Ngũ cấp.

Sa-môn Đơn Đạo người ở Khai đôn hoàng, xuất gia sống trên núi năm mươi năm, đi lại như bay, không thích chỗ đông người, thích chỗ thanh vắng. Thời Thạch Hổ, Sa-môn đến đất Nghiệp, chu du khắp nơi, cứu khổ cứu nạn. Sau tịch ở núi La phù.

Thời Đông Tấn, quan tư không Hà Sung kính tin Phật pháp, thường thiết lễ cúng dường, ai nấy đều khen ngợi. Lần nọ thiết trai bỗng thấy một vị Tăng quần áo dơ bẩn, đến dự trai diên, họ Hà cũng bất bình. Ăn xong vị Tăng đi ra, quăng bát lên hư không rồi biến mất, mọi người đều nhìn theo, sám hối tội lỗi.

Thời Tấn, đại tư mã Hoàn Ôn về già kính thờ pháp Phật. Một hôm gặp một vị ni sư từ xa đến, Hoàn Ôn kính tin. Lần nọ, ni sư tắm, Hoàn Ôn nhìn lén, thấy ni sư lõa thân, tự lấy dao mổ bụng rút ruột, chặt đứt đầu tay, nhưng khi sư ni ra ngoài thân thể lại như cũ. Hoàn Ôn hỏi thì ni sư từ tạ, biến mất.

Niên hiệu Thái Nguyên năm thứ ba đời Tấn, con trai của Đỗ Nguyện tên Thiên Bảo lên mười tuổi thì chết. Mấy tháng sau, con lợn trong nhà sinh năm con lợn con. Một hôm quan đến, họ Đỗ định giết lợn con. Vị Tăng bảo: Đừng giết, đó là Thiên Bảo, sao mới trăm ngày mà đã quên rồi. Nói xong vị Tăng biến mất.

Niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, quan thái thú Dực hương là Phạm Minh sai người đốn gỗ ở núi Lô sơn. Họ thấy một Sa-môn ngồi trên đỉnh 8 núi, lâu sau biến mất trên mây. Từ đó mọi người thường thờ cúng.

Sa-môn Trúc Tăng Lãng tinh nghiêm giới hạnh, thường cùng đồ chúng du hóa khắp nơi. Một hôm, trên đường đi Sa-môn nói với đồ chúng: ta nghi chùa có trộm, khi về quả đúng như lời. Cuối đời Phù Kiên bác bỏ đạo nhân riêng Sa-môn và đệ tử được tôn kính. Chỗ Samôn ở thường có nhiều cọp, y như chó trong nhà, lại có giếng thần hễ người nữ đến nhìn là giếng bị khô. Sa-môn lễ tạ giếng lại đầy nước. Tôn chủ cấp cho hai huyện, bái làm Đông Tề Vương, Ngụy, Tấn đều cung kính, đến nay đã hơn ba trăm năm, tượng chùa vẫn còn.

Sa-môn Lương Pháp Tướng người ở Hà đông, ở trên núi tu học, làm bạn với chim thú. Điền Thái Sơn có một rương đá đựng vật báu không ai mở được, Sa-môn thử mở ra, thấy vật báu Sa-môn liền bố thí cho dân chúng, Sa-môn thọ chín mươi tuổi.

Sa-môn Bôi Độ không biết từ đâu đến nhưng năm bảy mươi tuổi thì ẩn tu không ai biết. Lần nọ, Sư đến một nhà cư sĩ, thấy có tượng vàng Sư mang tượng đi, người nhà cỡi ngựa đuổi theo nhưng không sao đuổi kịp. Đến bờ sông, Sa-môn để một cái ly trên sông rồi đứng trên ly, qua bên kia bờ, nên được gọi là Sa-môn Bôi Độ. Sau Sư đến Bành thành hành đạo, mất ở Giang nam. Ngài La-thập bảo là hai vị đã xa nhau mấy trăm năm rồi, sao đến nay mà vẫn chưa gặp.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai, có người thiết lễ Phổ Hiền, hơn bốn mươi người dự lễ suốt bảy ngày. Một hôm, thấy có một vị tăng cỡi ngựa đến đạo tràng lạy Phật, bất chợt lên ngựa biến mất. Ba năm sau cũng đến đạo tràng Phổ Hiền, họ lại thấy có vị Tăng đến lễ Phật rồi biến mất, để lại ánh sáng sáng rực rỡ.

Sa-môn Cầu-na-bạt-ma người Tây Vực, đầu đời Tống, Sư đến Dương đô hành đạo. Một hôm người ta thiết lễ rải hoa trên tòa để tìm thánh tăng, hoa ở tòa của chư Tăng đều héo riêng hoa trên tòa của Sư không bị héo. Sau, Sư an tọa thị tịch, mọi người cho là Sư nhập định, nhiều hôm sau họ tìm thấy một bài kệ hơn ba mươi hàng, ghi rằng: Khi đạt quả thứ hai, ban đêm có hơn hai trăm người tập họp, thấy một vật nhiễu quanh kim thân rồi bay về phía Tây nam.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ nhất đời Tống, hai người con gái của nhà nọ (chị mười tuổi, em chín tuổi) chưa hề biết kinh pháp. Ngày tám tháng hai năm nọ họ biến mất, ba tháng sáu trở về bảo là gặp Phật. Ngày mười lăm tháng chín lại biến mất, một tuần sau trở về nói đọc được tiếng Phạm. Ngày mười lăm tháng giêng năm sau lại biến mất, cha mẹ khóc lóc cầu cúng quỷ thần, một tháng sau chúng trở về với hình tướng Tỳ-kheo-ni, kể rằng gặp Phật và các ni, bảo mình có túc duyên nên cho xuất gia, đặt tên là Pháp Duyên và Pháp Thái. Sau đó hai vị lo mở mang truyền bá chánh pháp.

Sa-môn Tuệ Toàn là Thiền sư ở Lương châu, có hơn năm trăm đệ tử, trong đó có một người thô bạo, không được Sư để mắt. Một hôm người ấy tự nói là đạt quả A-na-hàm, Thiền sư không tin. Lần nọ Thiền sư bị bệnh nhập thất tịnh tu, đang đêm đệ tử đến thăm bệnh: Nếu A-xàlê tin thì sau khi mất sẽ sinh vào nhà Bà-la-môn. Ta một đời ngồi thiền sao lại sinh vào đó? A-xà-lê tu học nhưng không toàn lực, tuy có phước đức nhưng chưa siêu thoát. Nếu lập đạo tràng bố thí thì quả sẽ thành. Lại bảo cúng y tăng già lê nhưng không phân biệt người. Sau, Thiền sư làm theo lời, cúng y cho một Sa-di. Ít lâu sau hỏi Sa-di: Y có lớn lắm không? Sa-di không biết. Thiền sư mới biết đó là Thánh tăng hóa thân. Người đệ tử chết, xung quanh mộ thường có ánh sáng.

Đầu niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, Lưu Ngưng Chi ở Quảng lăng gặp một vị Tăng bảo: Ông sắp bị bệnh nhưng không chết, nếu thiết trai cúng dường thì họa sẽ qua. Ngưng Chi không tin, tức giận quát. Vị tăng bỏ đi, bảy ngày sau Ngưng Chi bị bệnh gần chết. Một vị Tăng đến bảo: ông có pháp duyên, sao không tinh tấn? Ngưng Chi kể lại, vị Tăng bảo: Đó là Tôn giả Tân-đầu-lô, nói xong biến mất. Sau đó, Ngưng Chi thấy ánh sáng ở tinh xá Tuệ pháp.

Thời Ngụy Thái Vũ, Sa-môn Đàm Chỉ có những việc lạ lùng, thường ngồi suốt sáu mươi năm năm, chân không dính đất, người đời đặt cho tên là Bạch Túc A Lan. Khi Hách Liên Xương phá đất Trường an, chúng chém Sư nhưng Sư không bị thương, nhờ thế nhiều tăng ni được thoát chết. Sư tịch hơn mười năm mà thần sắc vẫn như cũ.

Thời Tống Hiếu Vũ, Sư Tuệ Viễn là đệ tử Thiền sư Tuệ Ấn. Thiền sư biết trước kia đệ tử là thầy mình nên gửi đến Giang Lăng làm người chèo thuyền. Hằng ngày Thiền sư khổ luyện hành đạo. Một hôm, biết đã hết nghiệp Sư đến chùa Đa bảo nói với sư Đàm Tuân: Ngày hai mươi ba tháng hai năm sau sẽ về trời. Hôm đó sư Đàm Tuân thiết trai cúng dường, thấy khí lạ, biết là sự thật. Canh ba hôm đó nghe trong hư không có tiếng nhạc, thầy nói: Sa-môn đi đó à?

Niên hiệu Đại Minh năm thứ tư đời Tống, thái hậu tạo tượng Bồtát Phổ Hiền ở chùa Trung hưng, thiết lễ cúng dường. Trong pháp hội có một vị Tăng hình dáng kỳ lạ, một vị Tăng khác hỏi: Xin hỏi Sư từ đâu đến? Từ Thiên An đến. Xin cho biết quý tánh. Tuệ Lãng.

Cuối đời Tống Sa-môn Bảo Chí đến Dương đô, thường hay phân thân biến hóa khôn lường, thấy vậy vua ra lệnh bắt giam. Sư bị gông cùm trong ngục nhưng người ta lại thấy Sư hóa độ ở chợ, thoắt ẩn thoắt hiện không sao biết được. Sau, Sư thường đến chùa Diên hiền. Lần nọ, trời hạn hán Sư bảo vua thỉnh Tăng tụng kinh Thắng Man, trời sẽ mưa. Vua làm theo quả đúng như lời. Vua lại hỏi về người thừa kế, Sư há miệng chỉ vào Hầu Cảnh. Sau này cũng đúng như lời.

Cách Từ châu không xa về phía Đông nam có người tên Lưu Tát Hà, không tin Phật pháp, sau bị chết, rồi được sống lại, kể rằng: Gặp Bồ-tát Quán Âm bảo đến Đan dương lễ bái tháp vua A-dục xây. Từ đó họ Lưu kính tin Phật, thường thiết trai cúng dường vào ngày mùng 8 tháng tư hàng năm. Sau đó, họ Hà xuất gia học đạo, pháp hiệu là Tuệ Đạt, được mọi người tôn kính. Người này ban đêm hay ẩn mình trong cái kén, sáng lại chui ra nên người đời đặt tên là Tô Hà Thánh, tô hà là cái kén. Dân chúng thường thờ tượng thánh Tô Hà vì rất linh thiêng. Sau Sư tịch ở Sa Lịch, hài cốt rất nhỏ, có thể xâu lại bằng dây. Mỗi khi gặp việc, dân chúng thường đến Sa Lịch tìm, nếu được thì tốt, không được thì xấu. Một người nọ tìm không được bên lấy trên tay tượng Bồ-tát Quán Âm, nhưng đang đêm thì bị mất, hôm sau lại thấy trên tay tượng.

Những việc thần dị ở các thời đại rất nhiều, được ghi rõ trong Cao Tăng Truyện nên ở đây chỉ nêu lược./.

 

Trang: 1 2 3