TẬP THẦN CHÂU TAM BẢO CẢM THÔNG LỤC

Soạn giả: Đời Đường, niên hiệu Lân Đức năm thứ nhất, núi Chung nam, Thích Đạo Tuyên.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Từ thời Đông Hán giáo pháp dần truyền đến Nam Ngô, các điềm lành ứng hiện rất nhiều, các sách ghi chép khác nhau. Nay y theo lời kể lược nêu vài việc: Tượng vẽ Đức Thích-ca ở Lạc dương thời Đông Hán; tượng vàng xuất hiện ở Kiến Nghiệp thời Nam Ngô; tượng đá nổi trên sông ở quận Ngô đời Tây Tấn; tượng vàng bảy nước ở Thái sơn thời Tây Tấn; tượng vàng xuất hiện ở Dương đô đời Đông Tấn; tượng vàng đi trên núi ở Tương Dương thời Đông Tấn; tượng vàng giáng hạ ở Kinh châu thời Đông Tấn; tượng vàng hiện trên sông ở Ngô hưng đời Đông Tấn; tượng gỗ thơm ở Cối Kê đời Đông Tấn; tượng vàng truyền chân ở quận Ngô đời Đông Tấn; tượng vàng hiện trên đất ở Đông Dịch đời Đông Tấn; tượng thái tử tư duy ở Từ châu đời Đông Tấn; tượng Văn-thù bằng vàng ở Lô sơn đời Đông Tấn; tượng đá hiện trên núi ở Lương châu đời Nguyên Ngụy; tượng đất ở ngọn Vương nam, Hà nam, đời Bắc Lương; tượng đá cao trượng sáu ở Thơ Cự đời Bắc Lương; tượng Văn-thù bằng vàng ở Đô thành đời Tống; tượng đồng ở Đông Dương đời Tống; tượng vàng xuất phát ra ánh sáng ở Giang lăng đời Tống; tượng vàng hiện ở Bồ Trung đời Tống; tượng vàng ở Minh trạch, Giang lăng đời Tống; tượng vẽ trên vách ở Kinh châu đời Tống; tượng vàng ở Giang lăng đời Tống; tượng đá ở Phiên ngung gặp lửa thì nhẹ ở đời Tề; tượng vàng ra mồ hôi ở Bành thành đời Tề; tượng Quan Thế Âm bằng vàng ở Dương Đô đời Tề; tượng Chiên-đàn của vua Ưu-điền hiện ở Kinh châu đời Lương; tượng vàng chùa Quang trạch ở Dương Đô đời Lương; tượng bạc đời Lương cao tổ; kinh Cao Vương Tượng Quán Thế Âm bằng vàng ở Định châu đời Nguyên Ngụy; tượng ở điện Trùng vân bay vào biển đời Trần; tượng đá chùa Linh thạch ở Tấn châu đời Chu; tượng đá ở Bắc sơn, Nghi châu đời Chu; tượng đi Hoa nghiêm ở Hiện sơn, Tương châu đời Chu; tượng dời chùa Hưng hoàng bị đốt ở Tương châu đời Tùy; Thích Minh dâng năm mươi tượng Bồ-tát vào đời Tùy; tượng bốn mặt ở chùa Sa hà, Kinh châu đời Tùy; tượng đá chùa Nhật nghiêm ở Kinh đô nhà Tùy; tượng đá ở Phường châu đời Đường; bia đá chữ Phật ở Lương châu đời Đường; vết chân Phật ở chùa Tương tư, thuộc Du châu đời Đường; tượng từ Vũ châu dời đến Đàm châu đời Đường; tượng vàng ở Lam điền, Ung châu đời Đường; tượng vàng ở huyện Hộ Ung châu đời Đường; tượng phát ra ánh sáng ở Thẩm châu đời Đường; tượng phát tiếng ở núi Ngũ đài, Đại châu đời Đường; tượng hiện ở núi Liên khẩu đời Đường.

Theo Nam Tề vương Diễm Minh Tường ký: Hán Minh đế nằm mộng thấy vị thần cao gần hai trượng, màu vàng, quanh cổ có vầng ánh sáng, vua hỏi các quan. Có vị thưa: Ở phương Tây có vị thần được tôn là Phật. Người mà bệ hạ mộng thấy chắc là người này. Vua sai sứ đến Thiên Trúc thỉnh kinh tượng, tất cả vua quan đều kính trọng. Ban đầu các sứ giả thỉnh được hai Pháp sư, thấy tượng Đức Thích-ca do vua Ưu-điền cho làm, vua Minh đế cho họa sĩ vẽ lại thành nhiều bức để thờ cúng tại đài Thanh lương, Nam cung và Thọ lăng ở Cao dương lại cho vẽ tượng ngàn xe muôn ngựa vây quanh tháp ba vòng (có nói như trong truyện).

Đời Ngô, người ta tìm thấy một pho tượng bằng vàng ở sau khu vườn đất Kiến nghiệp. Tìm hiểu mới biết đo là tượng do vua A-dục làm vào đầu đời Chu để trấn ở Giang phủ. Vì sao? Vì đời Tần, Hán, Ngụy ởđây chưa có pháp Phật, làm sao có tượng? Tôn Hạo thấy tượng không kính tin, đem bỏ ở nhà xí. Hôm mùng tám tháng tư, Tôn Hạo đến nhà xí, đùa rằng: Hôm nay là ngày tắm Phật, rồi tiểu lên tượng. Ngay lập tức trời đất tối tăm, Tôn Hạo đau la, quan thái sử xem bói, nói đã phạm tới bậc đại thần, rồi cầu cúng khắp nơi nhưng không có hiệu quả. Trong số cung nữ, có người tin Phật nên nói: Phật là vị thần lớn, bệ hạ làm ô uế, nay hãy sám tội. Tôn Hạo làm theo, lập tức khỏi bệnh, liền cho người đến thỉnh Sa-môn Khương Tăng Hội vào cung, dùng hương thơm tẩy tịnh, sửa sang lại rồi đưa về thờ tại chùa Kiến sơ.

Niên hiệu Kiến Hưng năm thứ nhất thời vua Mẫn Đế đời Tây Tấn, một người chài lưới sống tại Hộ độc, Trùng giang, huyện Ngô, quận Ngô thấy trên mặt biển có hai người đi lại, người làng chài cho là thần biển nên cầu cúng, sóng gió nổi lên, thầy cúng sợ hãi bỏ về; lại có đạo sĩ cho là thiên sư nên ra cầu cúng, sóng gió vẫn như trước; một cư sĩ tin Phật cho đó là Phật giáng thần, liền cùng các ni ở chùa Đông Vân và các cư sĩ khác thiết lễ ở cửa biển để thỉnh, sóng gió yên lặng. Theo sóng biển hai tượng đá dần dần trôi vào bờ, mọi người đến nâng tượng nhưng nâng không nổi. Họ lại cầu thỉnh thì nâng về được. Một đại sư ở chùa Thông Huyền xem biết đó là tượng Tôn giả Duy-vệ và Ca-diếp, nhưng không biết có từ thời nào, mọi người định đặt tượng lên tháp tòa nhưng không nâng nổi, họ lại cầu cúng mới nâng lên được. Từ đó quan dân quy y rất đông. Sa-môn Thích Pháp Uyên người ở Tây Vực y cứ theo kinh truyện biết đó là hai tượng và tháp mà vua A-dục đặt ở phương Đông, ai đến lễ bái sẽ trừ được tội lỗi. Theo Biệt Truyện: Mười hai vị Sa-môn ở Thiên Trúc đưa tượng đến quận này, tượng đứng trên nước không chìm, không lay. Các Sa-môn liền tâu lên vua, vua cho phép để lại đó, sau công chúa nghe được, cho người đến chùa Thông Huyền để vẽ lại.

Tượng ở chùa Lãng công hang Kim dư, núi Thái đời Tây Tấn. Xưa khi đất Trung Nguyên gặp nạn, Vĩnh Gia mất ngôi. Sa-môn Thích Tăng Lãng họ Lý, người đất Ký, đi Tây Vực trở về, cùng hai Sa-môn nữa đến Đông Nhạc, thấy trên đỉnh phía Tây bắc có mây che, mọi người đều cho là lạ. Thời ấy không có vua, anh hùng nổi lên khắp nơi, Tần, Tống, Yên, Triệu đều làm việc phước, bảy nước Cao Lê, Hồ, Nữ, Ngô… tặng tượng đồng mạ vàng để thờ. Ngôi chùa ấy đến nay đã gần ba trăm năm mươi năm mà cấu trúc của chùa tháp vẫn còn như xưa. Đời Tùy đổi thành đạo tràng Thần Thông.

Vào niên hiệu Hàm Hòa vua Thành đế đời Đông Tấn, Đan Dương Đoãn Cao Ly vào cung trở về thấy ở bãi cát cầu Trường hầu có ánh sáng lạ, liền sai người tìm, quả nhiên thấy một pho tượng vàng. Họ Cao xuống xe đưa tượng về đến Trường Can thì xe không đi nữa. Do đó đặt tượng tại chùa Trường can, dân chúng đến chùa bái rất đông. Một người chài lưới ở huyện Lâm hải thấy hoa sen đồng nổi trên nước, đem về dâng lên chùa thì rất khớp với tượng kia. Năm vị Tăng Tây Vực đến nhà họ Cao, bảo rằng: Xưa có pho tượng do vua A-dục làm đưa về phương Đông, đến đất Nghiệp thì gặp loạn nên để ở bến sông. Nay nghe ông tìm được muốn đến lễ bái, họ Cao liền đưa họ về chùa. Thấy tượng, năm vị Tăng đều khóc, tượng liền phát ra ánh sáng soi sáng cả điện. Niên hiệu Hàm An thứ nhất, Đổng Tông, người tìm châu ở Hợp Phố thấy trên biển có ánh sáng, tìm rõ mới biết là ánh sáng Phật, vua nghe tin liền ban cho pho tượng, hơn bốn mươi năm có rất nhiều chuyện lạ về pho tượng. Trên đài sen của pho tượng có chữ Phạm, Pháp sư Cầu-na-bạt-ma, biết là của công chúa thứ tư (em vua A-dục) tạo ra. Sa-môn Tuệ Toại định mô phỏng nhưng tăng chúng sợ làm tổn hại tượng, Sa-môn nói: Nếu làm được thì tượng phát ra ánh sáng, xoay về hướng Đông. Sa-môn thành kính khẩn cầu, nửa đêm nghe tiếng lạ, mọi người đến xem thì thấy đúng như lời, lúc đó chư Tăng mới cho mô phỏng, liền làm mấy mươi pho tượng để truyền bá. Niên hiệu Vĩnh Định thứ hai đời Trần, Vương Lâm dấy binh. Vũ đế cho đem quân đánh phạt. Trước khi đi mọi người thấy tượng Phật lung lay. Quân chưa đánh mà bọn Vương Lâm đều bỏ chạy. Niên hiệu Thiên Gia, phía Đông nam có binh biến, vua đến trước tượng cầu nguyện, ánh sáng phát ra, quân lính đều bỏ về. Từ Tấn đến Trần, năm đời vua đều tôn kính. Hạn hán, lụt lội đều đến trước tượng cầu nguyện thì mọi tai ương đều mất. Niên hiệu Trinh Minh năm thứ hai, pho tượng tự nhiên xoay về phương Tây. Vua nghe được liền chay tịnh cầu cúng. Tượng vốn có mão bảy báu, vua cho trang sức thêm châu ngọc và mũ gấm. Sau đó mũ báu bị treo lên tay, mũ gấm vẫn ở trên đầu tượng, vua liền đốt hương khấn: Nếu trong nước có điều chẳng lành thì xin cởi mão chỉ tội. Vua liền đặt mão lên đầu, hôm sau mão lại treo lên tay. Vua quan đều biến sắc. Sau nhà Tùy diệt nhà Trần. Vua Tùy nghe tin cho đưa tượng vào cung để cúng dường. Vua thường đứng hầu bên tượng. Sau hạ chiếu: trẫm tuổi cao không thể đứng lâu, hữu ty hãy làm pho tượng ngồi như cũ rồi đưa về chùa Hưng thiện. Lúc đầu họ để tượng quay về phương Bắc, sáng hôm sau thì thấy tượng quay về hướng Nam. Họ lại thử thì y như trước, mọi người đều sám hối tội lỗi.

Ngày mùng tám tháng tư niên hiệu Ninh Khang năm thứ ba thời vua Hiếu Vũ đời Đông Tấn, Sa-môn Thích Đạo An chùa Đàn khê, Tương dương – người nổi tiếng về hạnh đức tài trí – tạo pho tượng Phật Vô Lượng Thọ bằng đồng cao một trượng sáu, đến cuối mùa đông năm sau thì hoàn tất. Đến thời thứ sử Ung châu Hoằng Khôi đến trấn ở đó, đang đêm tượng Phật bỗng đi về phương Tây, để lại dấu trên đá, dân chúng kinh sợ đón rước về nơi cũ, tượng lại đứng trước cổng chùa, thứ sử liền đổi tên chùa là Tượng vàng. Mùng tám tháng tư niên hiệu Phổ Thông năm thứ ba đời Lương, vua sai đúc tượng cao năm thước chín tấc, rộng chín thước tám tấc, đúc xong đưa về thờ, còn làm bia ở dưới tượng. Về sau Chu Vũ diệt pháp, niên hiệu Kiến Đức năm thứ ba, Vương Khang làm thứ sử Tương Châu, phó tướng Trưởng Tôn Triết không tin Phật pháp nên khi nghe nói tượng linh ứng thì muốn phá hủy, dân chúng đạo tục trong ấp đều than trách. Triết cả giận sai một trăm người buộc dây vào cổ tượng để kéo đổ, nhưng tượng không hề lung lay, Triết càng giận tăng thêm số người lên đến năm trăm, tượng mới bị đổ, làm rung chuyển cả đất trời. Mọi người lo sợ, riêng Triết thì vui thích, cho người về báo lại thứ sử. Giữa đường người ấy bị ngã ngựa, không cử động được, đến tối thì chết. Lúc sắp phá tượng, mọi người thấy trong lớp y dưới nách tượng có ghi: Niên hiệu Thái Nguyên năm thứ mười chín đời Tấn, Tỳ-kheo Đạo An đúc pho tượng cao một trượng sáu ở Tương dương, tượng này hơn một trăm tám mươi năm sau sẽ bị hủy. Sau người ta tính ra thì ngày tháng rất đúng. Dấu chân in trên đá ngày nào nay vẫn còn. Cuối đời Tùy, Đậu Lư Bảo chiếm cứ một vùng. Pháp sư Hiến chùa Khải pháp, khuyên họ Đậu về đầu hàng nhà Đường, họ Đậu không nghe. Kinh Phụ phát binh đánh Tương châu, họ Đậu cố thủ, thành không bị đánh úp. Sau mới biết Pháp sư Hiến bị giết. Trước lúc chết Pháp sư nói với đệ tử Tô Phú Lũ: Ta và cha con thấy tượng bị phá, từ đó không ai làm lại, sau khi ta chết con hãy làm lại. Đến niên hiệu Vũ Đức năm thứ tư, quan quân vây đánh, họ Đậu đầu hàng, mới tiếc là không nghe lời Pháp sư, đã giết oan người tốt. Sau đất nước yên bình, Tô Phú Lũ liền làm tượng theo lời thầy dặn, nhưng không biết hình tướng ra sao. Một đêm, họ Tô nằm mộng thấy một vị Bà-la-môn đến vẽ hình tướng của được. Họ Tô lại y theo bức vẽ xưa để làm tượng. Lúc làm tượng mây vần, mưa hoa. Họ Tô lại làm thêm tượng Đức Dilặc bằng đồng cao hơn một trượng. Sau mơ thấy Pháp sư bảo làm thân tượng, họ Tô liền làm một pho tượng cao năm mươi chín thước ở chùa Phàm vân. Xưa, Tần Hiếu Vương nghe việc lạ của tượng Phật do Đạo An làm nên cho người vẽ lại, rồi làm một pho tượng đặt tại chùa Diên hưng. Đêm đầu đúc tượng trời cũng rải hoa, nhạc trời trỗi lên. Pho tượng đó hiện vẫn còn.

Năm Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Hòa năm thứ sáu thời Mục đế nhà Đông Tấn, đêm mùng tám tháng hai, người ta thấy một pho tượng ở phía Bắc thành Kinh châu, dài bảy thước năm tấc, tính cả đế là một trượng sáu, không ai biết tượng có từ đâu. Đầu niên hiệu Vĩnh Hòa năm thứ năm, một thương gia ở Quảng châu, chất hàng lên thuyền nhưng lại thấy thuyền vẫn nhẹ. Đang đêm có người lên thuyền rồi biến mất, thuyền lại nặng không chở thêm được. Tuy thấy lạ nhưng không biết vì sao. Khi đến bến, thì thấy người ấy lên bờ, mất hút, thuyền lại nhẹ như trước. Khi được tượng chư Tăng khắp nơi đều kéo đến để thỉnh. Niên hiệu Vĩnh Hòa năm thứ hai, Thái thú Giang lăng định sửa nhà thành chùa, do nghe Pháp sư Đạo An đến Tương xuyên nên mời Pháp sư đến xem hộ, Pháp sư nói với Đàm Dực: Ở đây dân quan bắt đầu có lòng tin Phật, ông nên hành đạo, Dực vâng lời, thường khen rằng: Tượng chùa A-dục vương tùy lòng thành ứng hiện. Khi nghe ở Kinh châu có tượng, Đàm Dực vui mừng nói: Phải đón bằng tâm, không thể dùng sức. Quả đúng như lời của Đàm Dực, tượng được thỉnh về chùa. Đến niên hiệu Hàm An năm thứ hai mới đúc đế tượng. Đến niên hiệu Thái Nguyên, vua Hiếu Vũ đế đời Tấn, Ân Trọng làm thứ sử, đang đêm tịnh dưỡng đi ra cửa Tây, hỏi thì không đáp, có người lấy giáo đâm, sau mới biết là tượng. Ngay chỗ giáo đâm có bản văn. Thiền sư Tăng-già Nan-đà người ở Kế Tân đến chùa lạy Phật, hồi lâu Thiền sư thở dài. Đàm Dực hỏi nguyên nhân, Thiền sư đáp: Ở Thiên Trúc bị mất, sao giáng thần đến đất này. Tính năm tháng thì rất hợp. Sau lưng tượng có bản văn bằng tiếng Phạm: Vua A-dục tạo. Đàm Dực thành tâm niệm thì thấy ứng nghiệm. Sau đó ánh sáng biến mất, Đàm Dực biết sắp mất, sau một tuần thì mất. Về sau, vị tăng Nghĩ Quang lại đúc tượng. Thời Hiếu Vũ nhà Tống tượng lại phát ra ánh sáng, Phật pháp được hưng thịnh ở Giang đông. Cuối niên hiệu Thái Thỉ thời Tống Minh đế, tượng Phật rơi lệ, vua Minh đế băng hà. Sau đó binh biến nổi lên, quan thứ sử Kinh châu không tin pháp, sa thải tăng ni, mấy trăm vị ở chùa Trường sa phải hoàn tục, già trẻ trong làng đều buồn khóc, tượng Phật ra mồ hôi suốt năm ngày, hỏi nguyên nhân, Pháp sư Huyền Sướng nói: Phật thánh không xa, hiện hữu khắp nơi. Vì đàn-việt không tin nên hiện điềm lành này. Hỏi ở kinh nào? Đáp: Ở kinh Vô Lượng Thọ. Thứ sử cho tìm, quả đúng như lời nên ngừng lệnh sa thải. Tháng năm niên hiệu Đại Thông thứ tư, vua cho người đến chùa Bạch mã cầu cúng, đang đêm thấy ánh sáng bay theo sứ giả. Hôm sau lại tiếp tục cầu nguyện, tượng mới đi. Bốn chúng lưu luyến tiễn đến bến sông. Đến Kim lăng, cách kinh đô một dặm, vua đích thân ra đón rước, ánh sáng lại được phát ra, mọi người đều vui mừng, khen là việc ít có. Sau đó vua thiết lễ suốt hai ngày. Khi đưa từ cửa Đại thông ra vào chùa Đồng thái tượng lại phát ra ánh sáng. Vua cho xây điện ba gian hai mái ở phía Đông bắc chùa, đặt tòa bảy báu để tôn tượng, lại cho đúc hai tượng Bồ-tát bằng đồng mạ vàng. Tháng ba niên hiệu Đại Đồng năm thứ hai vua đến chùa lễ Phật. Vua vừa bước lên bậc cấp tượng liền phát ra ánh sáng, cảnh vật đều biến thành màu vàng đến nửa đêm mới trở lại như cũ. Sau chùa bị cháy, tượng vẫn còn nguyên. Niên hiệu Thái Thanh năm thứ hai, tượng lại ra mồ hôi. Tháng mười một năm đó Hầu Cảnh làm loạn. Niên hiệu Đại Bảo năm thứ ba, giặc cướp được bình định, Pháp sư chùa Trường sa lại thỉnh tượng về chùa cũ. Niên hiệu Đại Định năm thứ bảy thời Hậu Lương, tượng lại ra mồ hôi, tháng hai năm sau vua Trung Tông băng. Niên hiệu Thiên Bảo năm thứ ba, chùa bị cháy, chỉ sáu người mà nâng được tượng ra ngoài trong khi trước kia trăm người nhấc không được. Niên hiệu Thiên Bảo năm thứ mười lăm, vua đến lạy Phật sám hối. Năm thứ hai mươi ba vua băng hà. Vua Túc Tông đưa tượng về cung Nhân Thọ, tượng lại ra mồ hôi. Niên hiệu Quảng Vận năm thứ hai, nhà Lương bị diệt. Niên hiệu Khai Hoàng năm thứ bảy, chư Tăng lại thỉnh tượng về chùa Trường sa. Quan thứ sử Kiềm châu Điền Tôn Hiển đến chùa lạy Phật, tượng lại phát ra ánh sáng. Quan liền cho xây chùa, đốn gỗ đưa về, nhưng đến Kinh châu thì không thể đi tiếp, quan cho xây ở đó, chùa được trang nghiêm rất đẹp, tượng được đặt ở hai điện Đông tây. Niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ mười hai tượng lại ra mồ hôi, năm ấy Chu Sán cướp phá các nơi, phóng lửa đốt chùa, mọi người đều sợ tượng bị đốt, đêm đó tượng bỗng bay lên, đến trước cổng chùa Bảo quang. Sau khi giặc tan, chỗ để tượng không bị cháy, người ta xây lại chùa. Niên hiệu Phượng Minh năm thứ năm, Dương Đạo Sinh đến chùa lễ Phật, tượng lại ra mồ hôi như mưa, tháng chín năm đó binh mã Đại Đường kéo đến đất Thục. Ngày mười hai tháng chín Sư Pháp Thông lạy Phật cầu điềm lành. Đêm ấy ánh sáng soi sáng cả điện, mãi đến ngày hai mươi lăm mới hết. Hôm ấy binh mã của Triệu Quân vương vào thành. Tháng sáu niên hiệu Trinh Quán năm thứ sáu, trời đại hạn, vua quan thiết lễ cầu mưa, suốt bảy ngày đêm mọi người dốc lòng cầu nguyện, trời liền tuôn mưa.

Quan thái thú Ngô Hưng tên Chu Tị, có một người con gái tin phụng pháp Phật. Một hôm, gia đồng đi bắt cá, thấy trên sông có một tượng vàng cao gần ba thước, dung mạo trang nghiêm, nổi trên mặt nước. Người ấy kéo nhưng không được, liền về tâu lại thái thú. Thái thú cho đưa con gái mình đến xem. Thấy tượng người con gái vui vẻ kính lễ, vẫy tay, tượng bỗng nằm trên thuyền, họ đem về thờ ở nhà. Đêm ấy người con gái mơ thấy gối trái của Phật bị đau, tỉnh dậy xem thì thấy bị lỗ hổng, người con gái liền dùng kim thoa đắp vào. Sau, thái thú gả con cho Trương Trừng, người con gái mang tượng theo. Sau đó người con gái bị bệnh qua đời, mọi người đều thấy các vị trời đến rước. Họ Trương vì mãi lo thảo phạt giặc cướp nên bỏ trai giới, tượng Phật bị mất nhưng ánh sáng vẫn còn, cả nhà sám hối, tìm cầu. Sau đó có một bà lão đem tượng đến bán. Biết là tượng xưa cả nhà liền mua, bà lão liền biến mất, tượng cũng không còn.

Tượng gỗ ở chùa Vân bảo núi Cối Kê đời Đông Tấn do họ Lục làm, ban đầu làm theo kiến trúc thời trung cổ nên tượng không có thần, sau theo kiến trúc Đông Hạ nên tạo tượng rất đẹp, mọi người đều thích chiêm ngưỡng. Một người đốt hương khấn: Nếu thường còn thì xin cho thấy diện mạo vàng của Phật, nếu là vô thường thì xin ở trước Đức Dilặc, liền tỏa mùi thơm cả chùa. Tượng vẫn còn ở chùa Gia tường, Việt châu.

Niên hiệu Thái Nguyên năm thứ hai đời Đông Tấn, Sa-môn Tuệ Hộ đúc tượng Đức Thích-ca cao một trượng sáu, bằng vàng, ở chùa Thiệu linh, quận Ngô. Sa-môn đúc tượng trong hang đá ở phía Nam chùa. Đêm đúc xong, trong hang có hoa trắng xuất hiện, sáng sớm mây trắng vần vũ trên hang, trong hang có con rồng dài mấy mươi trượng quấn quanh hang, dường như kính ngưỡng pho tượng, gió lặng, trời trong, mưa phùn làm tăng thêm mùi thơm. Khi đưa tượng vào pháp tòa, rồng bay lên trời. Sau đó có người sửa chữa lại pho tượng.

Niên hiệu Nghĩa Hy năm thứ nhất đời Đông Tấn, Tư Đồ Vương Mật vào cung, ở cửa Đông dịch, người hầu thấy ở cửa có ánh sáng năm màu, liền chạy vào xem thấy tảng đá cổ, dưới đó là một tượng vàng cao bốn thước, tượng này giống như tượng mà Tôn Hạo thấy, liền thỉnh về cung. Tống Tổ vốn không kính tin nhưng khi được tượng này thì càng tin, liền đích thân lễ cúng. Tượng này vốn ở chùa Ngõa quan, sau dời về chùa Long quang.

Tượng thái tử tư duy ở Từ châu đời Đông Tấn, xưa Sa-môn Pháp Hiển đến Thiên Trúc chiêm bái thánh tích. Sa-môn đến ở trong một ngôi chùa nhỏ, vị chủ trì có việc đi xa nên bảo chú tiểu đi khất thực để cúng dường Sa-môn. Lát sau chú tiểu trở về, bàn chân bị chảy máu, Sa-môn hỏi thì chú tiểu nói đến nhà Ngô Thương Ưng ở Bành Thành để khất thực, bị chó cắn, Sa-môn thấy lạ vì cách quá xa, sau mới biết đó không phải là người thường. Sau khi về nước Sa-môn tìm hỏi nhà họ Ngô bảo là có việc, hiện trên cửa vẫn còn vết máu. Sa-môn bảo, đó là máu của vị La-hán. Nhà họ Ngô liền sửa nhà thành chùa, đến Dương Đô thỉnh kinh tượng. Họ đến giữa sông Tế thì thuyền bị nghiêng, có hai cột dài một trượng từ nước vọt lên thuyền. Khi đem lên bờ, họ mới biết là răng rồng. Đến sông Tế, họ Ngô lên bờ nghỉ, bỗng thấy một vị Bàla-môn mang một pho tượng nói là đem cho họ Ngô. Khi đem về kinh có người mô phỏng thành ngàn pho giống nhau. Họ Ngô tìm tượng của mình thì mộng thấy rõ tướng tượng nên đã tìm được, đưa về Từ châu. Ngụy Hiếu Văn lại thỉnh về Bắc Đài, Tề Hậu chủ sai Thường Bưu thỉnh về đất Nghiệp. Sau nhà Tùy lên tượng lại hiển linh, hiện ở chùa Đại từ, Tương châu.

Tượng Bồ-tát Văn-thù ở Lô sơn đời Đông Tấn. Một người làng chài mơ thấy ánh sáng trên bờ biển, liền tâu lên đại thần Đào Khản. Khản cho người tìm biết là tượng Bồ-tát Văn-thù do vua A-dục đúc tạo.

Tương truyền vua A-dục thống trị vùng này, ma quỷ quấy rối, vua làm nhà ngục để chế phục. Đêm đó, vua thấy Văn-thù đứng trong vạc dầu, khi đốt lửa, tự nhiên có hoa sen xanh mọc lên. Vua tỏ ngộ liền phá hủy ngục, xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp và tạo vô số tượng. Lúc đầu Khản không tin nhân quả nhưng khi thấy việc này thì kính tin, Khản đưa tượng về chùa Hàn Khê ở Vũ Xương, sau dời về Kinh châu nhưng mấy mươi người đưa tượng lên thuyền thì thuyền bị chìm, Khản liền đưa về chùa cũ. Sa-môn Tuệ Viễn liền thỉnh về Lô Sơn. Cuối đời Tùy giặc cướp phá, tăng chúng bỏ đi, một lão tăng đến từ biệt tượng. Tượng bảo: ông đã già không nên đi. Lão tăng liền ở lại. Lúc đó giặc cướp đến quấy phá, vào chùa tìm vàng, chúng bắt lão tăng đòi vàng, biết không có, chúng định giết, lão tăng xin giết bên ngoài để không làm ô uế chùa. Lúc sắp bị giết lão tăng nói: Suốt bảy mươi năm chưa từng phụ lời Phật, lại xin tên cướp đợi khi mình đưa cổ ra hãy giết. Lão tăng làm vậy, tên giặc hạ đao, dao lại đâm trúng tên giặc. Bọn giặc tẩu tán thì bị sấm sét đánh chết. Từ đó giặc cướp không dám lên núi. Tượng hiện còn ở chùa Đông lâm trên núi.

Tượng ở Lương châu thời Nguyên Ngụy. Niên hiệu Đại Diên thứ nhất, Sa-môn Lưu Tát Hà đến Kim Lăng lễ tháp xá-lợi, xong việc Samôn đi về phương Tây, đến phía Đông bắc huyện Phan hòa cách Tương châu một trăm bảy mươi dặm, Sa-môn liền nhìn lên núi, bảo có tượng linh hiện. Tượng đủ thì thời bình, thiếu thì thời loạn, dân khổ. Tám mươi bảy năm sau, niên hiệu Chánh Quang năm thứ nhất, gió bão nổi lên, trên núi hiện tượng đá cao một trượng tám, hình tướng trang nghiêm nhưng không có đầu. Sau đến đầu nhà Chu, người ta tìm thấy đầu tượng cách thành bảy dặm về phía Đông, đem ráp vào thì rất khớp với thân tượng. Từ đó ánh sáng thường hiện, tiếng chuông vang xa. Niên hiệu Bảo Định thứ nhất, vua nhà Chu xây chùa đắp tượng. Khi Kiến Đức sắp diệt, đầu tượng lại bi rơi. Vũ Đề sai Tề vương đến xem, vương sai đặt đầu tượng lên thì lại rơi xuống, sau đó nước mất, pháp không còn. Niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ năm, Dạng đế đi đánh phía Tây, vua đến đây lễ Phật, đổi thành đạo tràng Cảm Thông, hiện vẫn còn.

Tượng đất trên núi đá ở Lương châu: Đây là vùng đất thịnh nhất trong năm châu ở Lũng tây. Tất cả chùa tháp trong cung điện ở đây thường bị lửa cháy. Nếu xây dựng lại thì cũng bị như trước. Nếu dùng vàng bạc để làm thì lại bị trộm cướp. Cho nên là người ta thờ Phật bằng đá, bằng đất ở phía Nam của châu. Người đến lễ bái đều rất ngạc nhiên vì họ thường thấy có vị Tăng kinh hành xung quanh, việc này kéo dài hơn trăm năm.

Vương Mông Tốn ở Hà tây, Hà bắc vì mẹ mà làm tượng đá cao một trượng sáu đặt ở chùa Vu sơn. Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ sáu nhà Tống, thế tử Hưng Quốc dấy binh bị hại, chết. Tốn rất tức giận, cho là thờ Phật không linh, liền hạ lệnh đập phá chùa tháp, đuổi tăng ni. Hôm Tốn đến núi Dương Thuật chư Tăng đứng bên đường đợi, thấy họ Tốn giận dữ chém chết mấy người. Tướng sĩ đến lạy Phật, thấy tượng rơi lệ, liền tâu với Tốn. Đến trước cổng chùa, Tốn thấy người mệt mỏi, những người xung quanh đỡ đến xem tượng, quả thấy tượng khóc, Tốn cúi lạy tạ tội, lập trai đàn, thỉnh chư Tăng trở về. Tội ác rất lớn nên Tốn lo sám hối, cho dịch kinh Đại Niết-bàn. Sau Tốn bị giết. Hiện ở trên núi cách Sa châu ba mươi dặm về phía Nam còn hai trăm tám mươi bức tượng Phật.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai đời Tống, Lưu Thức Chi tạo tượng Bồ-tát Văn-thù, đêm ngày lễ bái, nhưng bỗng nhiên tượng bị mất, họ Lưu ngày đêm thỉnh cầu, năm năm sau, họ Lưu thấy trên tòa sen có ánh sáng rực rỡ, họ Lưu liền đốt hương, quét dọn thì thấy tượng cũ trở về.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai đời Tống, Lưu Nguyên Chi, người Trường sơn, Đông dương, làm nghề nông, một hôm đốt cỏ, thấy một chỗ cỏ không bị cháy, họ Lưu ngạc nhiên không dám khai khẩn nữa. Ít lâu sau họ Lưu đào thấy một pho tượng đồng cao gần ba tấc, không biết từ đâu đến.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ mười bốn đời Tống, Tỳ-kheo-ni Tuệ Ngọc, chùa Linh mộc, Giang lăng tu hành tinh tấn. Xưa ở chùa Thượng thư, ni sư thấy cầu vồng trắng, tìm đến thì thấy tượng Đức Dilặc bằng vàng cao một thước. Giờ ở chùa này lại thấy ánh sáng chiếu sáng cả khu rừng, sư nói mọi người nhưng không ai thấy. Sau đó vị chủ trì tìm thấy một tượng bằng vàng cao gần một thước.

Niên hiệu Gia Nguyên năm thứ mười bốn nhà Tống, gia đình Tốn Ngạn kính tin Phật pháp. Người thiếp chuyên tụng kinh Pháp Hoa. Một hôm thấy ở dưới đất có ánh sáng sáng, cho người đào thì được một pho tượng vàng cao hai thước một tấc. Chân tượng có ghi: Sư Pháp Tân chùa Ngõa quan làm vào năm Canh Tý, niên hiệu Kiến Vũ năm thứ sáu.

Niên hiệu Nguyên Gia năm thứ hai mươi mốt nhà Tống. La Thuận làm tướng Bình tây phủ, tháng mười hai họ La thả chim ưng về rừng, đốt lửa, nhưng có một chỗ không bị cháy, họ La đến nơi thì thấy một pho tượng Bồ-tát bằng vàng cao một thước, được làm rất khéo léo, họ La cho là trộm cướp, liền rao tìm người mất, không thấy ai đến xin tượng họ La liền thờ phụng.

Khang Vương nhà Tống xây chùa trong thành Kinh châu để thờ kinh tượng. Trên vách chùa có rất nhiều tượng vẽ Bồ-tát, gia thế Dương Văn Vương, Khang vương cho xóa đi nhưng càng xóa tượng càng rõ, họ Khang lại cho hủy vách ấy thì bị bệnh, nhắm mắt là thấy các hình tượng quẩn quanh, sau họ Khang không ở đó nữa, lo việc giảng dạy.

Nguyên Gia năm thứ hai mươi ba đời Tống, ở Giang lăng có gia đình họ Trương, người con gái tuy nhỏ tuổi nhưng kính tin Phật pháp, muốn xuất gia học đạo. Cha mẹ không thích nên ngầm gã cho nhà họ Bính. Khi biết được, cô gái liền tự vẫn, tượng Phật trong nhà liền phát ra ánh sáng, thấy vậy cha mẹ liền đồng ý cho cô gái xuất gia, hai nhà càng kính tin pháp Phật hơn. Thừa tướng Vương Trấn Thiểm xây tinh xá cho vị ni ấy.

Niên hiệu Thái Thỉ năm thứ hai mươi bốn nhà Tống, Hà Kính Thúc tôn thờ pháp Phật, nhân theo quan thứ sử đến Tương châu xem xét, gặp được chiên-đàn, liền tạo thành tượng nhưng không thành. Đêm nọ, mơ thấy một vị tăng bảo: Chiên-đàn khó làm như gỗ thường, nhà họ Hà có cái mộc bằng cây ngô đồng, có thể làm được. Sau khi mua được thì tượng cũng được làm xong. Một hôm mơ thấy tượng nói: chuột cắn chân ta. Hôm sau tìm quả đúng như vậy.

Niên hiệu Kiến Nguyên đời Tề, tinh xá ở Tỳ-gia-ly ở Phiên ngung có thờ tượng đá nước Phù Nam, bình thường bảy, tám mươi người mới nhấc được. Lần nọ chùa bị cháy, nhưng riêng gian thờ tượng không bị cháy, các ni liền vào cứu tượng. Lạ thay chỉ ba, bốn vị là nâng tượng ra ngoài được. Sau khi đưa tượng ra, gian thờ ấy bị cháy. Về sau mỗi lần có tai họa binh biến sắp xảy ra, tượng thường ra mồ hôi. Sau thứ sử Quảng châu đưa về kinh, hiện còn ngôi chùa ở Tương châu.

Quan thứ sử Từ châu nhà Tống Vuơng Trọng Đức, tạo tượng vàng, cao một trượng tám ở chùa Tống vương, Bành thành. Tượng thường xuất mồ hôi khi sắp có điều xấu xảy ra. Nhân khi quân Ngụy đánh phá diệt pháp, đuổi tăng, tượng ra mồ hôi rất nhiều, bao nhiêu người lau vẫn không khô. Quan thứ sử Từ châu Lương Vương vốn kính tin Phật pháp, thấy vậy liền đốt hương, lạy tạ, khấn rằng: Chúng tăng không có tội, nguyện xin che chở. Nếu lòng thành cảm ứng thì xin lau khô mồ hôi. Quả nhiên như lời khấn, thứ sử liền dâng sớ tâu vua.

Niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ nhất đời Tề, Vương Viêm ở Thái Nguyên thọ năm giới với Pháp sư Hiền ở Giao chỉ, được Pháp sư tặng tượng Bồ-tát Quán Âm để thờ. Họ Vương thỉnh về thờ ở chùa Nam Gian. Một hôm mộng thấy tượng hiện tướng rất lạ, sáng ra mới biết chùa bị mất tượng, bọn cướp ăn cắp để đúc tiền. Mùa thu niên hiệu Đại Minh năm thứ bảy nhà Tống cả nhà thấy ánh sáng lạ liền gửi tượng ở chùa Đa bảo. Sau nghe tin tượng bị mất, họ Vương lại mơ thấy tượng, chư Tăng tìm được. Ngày mười ba tháng bảy niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ nhất họ Vương làm bài tựa về sự linh hiển của tượng thần.

Ngày mùng tám tháng một niên hiệu Thiên Giám thứ nhất Lương Vũ đế mơ thấy tượng chiên-đàn được đưa về nước, vua hạ chiếu đón rước. Theo Phật Du Thiên Ký và kinh Ưu-điền Vương ghi: Phật lên cõi trời Đao-lợi nói pháp độ mẹ, quan vua rất nhớ Phật, vua nước Ưu-điền liền sai ba mươi hai người thợ, thỉnh Tôn giả Mục-kiền-liên vẽ tượng Phật, vua cho đúc để thờ, hiện ở tinh xá Kỳ hoàn. Vũ Đế muốn thỉnh tượng này, liền sai tám mươi người đến Xá-vệ thỉnh tượng. Vua Xá-vệ nói: Đây là tượng ở đất Phật không thể đem về vùng khác. Liền cho ba mươi hai người thợ khắc gỗ chiên-đàn tía làm tượng tặng. Họ khắc từ giờ Mẹo đến giờ Ngọ thì xong, tượng rất đẹp, đỉnh tượng lại có ánh sáng, trời rải hoa như mưa, hương lạ thoảng khắp vùng. Kinh Ưu-điền Vương chép: Chân thân đã ẩn, hiện ở tượng này, lợi ích cho mọi loài. Tám mươi người sứ cùng thỉnh tượng về. Vì đường đi gian khổ, phải vượt qua bao sóng gió nên nhiều người mất mạng. Một hôm mọi người đang đói khát liền thấy phía trước có một vị Tăng, họ đến lễ bái, vị Tăng trao cho bát nước, uống vào ai cũng thấy khỏe khắn lạ thường. Vị Tăng nói: Tượng này là tượng Tam-miệu Tam-phật-đà Kim-tỳ-la Vương, sẽ làm nhiều việc Phật. Nói xong vị Tăng biến mất. Ngày năm tháng tư niên hiệu Thiên Giám năm thứ mười, họ thỉnh tượng về đến kinh đô. Vua quan ra ngoài bốn mươi dặm để đón. Nhà vua ra lệnh ân xá, không giết, không tham dục. Tháng năm niên hiệu Thái Tinh năm thứ ba vua mất. Tương Đông Vương lên ngôi ở Giang lăng, thỉnh tượng về đó. Niên hiệu Đại Định năm thứ tám nhà Hậu Lương, vua xây chùa Đại minh ở phía Bắc thành rồi thỉnh tượng về thờ.

Đầu niên hiệu Thiên Giám nhà Lương, vua cho xây chùa Quang trạch, tạo tượng vàng cao tám trượng. Người thợ theo mẫu đúc tượng nhưng sợ thiếu đồng, vua cho chở năm mươi xe đồng đến, họ làm thấy cao hai trượng hai nên tâu vua xin thêm đồng. Vua cho là điềm lạ, liền ghi lại ở chân tượng, hiện vẫn còn. Vua lại cho xây chùa Đại Ái kính ở núi Chung Sơn tạo phước cho vua cha, tượng Phật hiện rất nhiều thần tích. Ở huyện Diệm có tượng Phật bằng đá do vua A-dục khắc tạo.

Thiền sư Đàm Quang từ phương Bắc đến, thấy cảnh sắc núi sông nhàn tĩnh nên cất am tranh tu học. Trong hư không có tiếng nói: Đây là đất Phật, sao lại có nhà cỏ. Nghe vậy Thiền sư dời đến núi Thiên thai, đúc tượng Phật để thờ nhưng không thành. Sau vua Lương bị bệnh, có người báo mộng đến lễ tượng ở huyện Diệm, vua thỉnh Luật sư Tăng Hựu đến xem, thấy tượng còn thô liền đẻo gọy thì tượng hiện ra rất đẹp, đầy đủ đức tướng. Người nhà của thái tử liền làm bia ghi lại.

Sau vua Lương Thế Tổ lên ngôi, ông rất tôn sùng Phật pháp, phế bỏ lễ giáo, thường mời chư Tăng vào cung đàm đạo, tạo đúc hai tượng vàng bạc, kính lễ gần năm mươi năm, ngày đêm sáu thời,vết chân in trên đá. Sau Hầu Cảnh đoạt ngôi, vua vẫn lễ bái. Thái úy Vương Tăng Biện giết Cảnh, đón Trinh Dương Hầu Túc Uyên lên ngôi. Khi ấy đất Giang Tả chưa yên, Biện sai con rể là Đỗ Kham đến trấn giữ. Tánh họ Đỗ hung ác nên muốn đập bỏ hai tượng kia. Họ Đỗ sai mấy mươi người buộc dây vào cổ tượng để kéo, lập tức tay bọn chúng đều bị tê liệt, sau lại thấy lực sĩ Kim Cang tay cầm chày đánh, làm cho thân thể chúng đều bị ra máu, chết tươi.

Niên hiệu Thiên Bình thời Nguyên Ngụy, Tôn Kính Đức trấn giữ Định châu, tạo tượng Bồ-tát Quán Âm. Sau bị tống giam vào ngục, khép tội tử hình. Đêm trước khi bị hành quyết, họ Tôn lạy Phật, sám hối tội lỗi, khóc lóc khẩn cầu: Nay bị oan ức phải là do đời quá khứ giết oan người, xin đền tội, nguyện không bao giờ phạm nữa. Lại phát nguyện lớn. Chợt thấy một vị Sa-môn dạy tụng kinh Quán Thế Âm cứu sinh một ngàn lần sẽ thoát nạn khổ. Họ Tôn tỉnh dậy tụng đọc đến sáng thì tròn một trăm biến. Khi bị đưa đến pháp trường họ Tốn vẫn tụng đến lúc hành hình là tụng đủ ngàn biến. Đao phủ hạ đao, đao bị gãy làm ba khhúc, họ thay đao khác vẫn bị gẫy như trước. Quan trông thấy liền tâu lên thừa tướng, họ Tôn được khỏi tội chết, trở về lo thiết lễ đền ơn. Lại thấy cổ tượng bị ba nhát dao chém, mọi người đều cho là sự cảm ứng.

Trần Vũ Đế băng, con của người anh tên Thiến lên kế vị. Vua lại muốn xây lăng mộ, làm xe lớn nhưng vì quốc khổ không đủ, nghe tượng ở điện thời Lương Vũ Đế làm bằng vàng bạc châu báu, vua định cho phá để lấy vàng xây lăng, vua cho người đến đó, trời bỗng u ám, mưa to gió lớn, tướng ánh sáng hiện, bốn bộ thần cùng nâng tượng bay lên hư không, mọi người đều kinh ngạc, kính tin. Sau trận mưa, ở nơi thờ tượng chỉ là gian nhà trống không. Tháp ở chùa Vĩnh Minh hôm đó cũng có hiện tượng lạ ấy.

Sa-môn Tăng Hộ, chùa Linh thạch, Tấn châu, cuối thời Bắc Tề, tu tập đạo nghiệp nguyện tạo tượng đá cao một trượng tám. Mọi người cho là kiêu ngạo. Sau đó Sa-môn thấy một tảng đá trong hang ở phía Bắc chùa cao một trượng tám nên nhờ thợ tạc tượng. Hôm đó tượng ra mồ hôi, Tấn châu bị binh biến, quân lính đến đốt chùa tháp, tượng bị gãy hai ngón tay. Sáu mươi người lính dùng sức kéo phá tượng vẫn y nguyên. Sau có người mộng thấy tay tượng bị đau, tỉnh dậy người ấy liền đắp lại. Niên hiệu Khai Hoàng năm thứ mười lăm có tên trộm cướp phướn lọng, thấy tượng đến trách, hắn liền trả về chỗ cũ.

Niên hiệu Kiến Đức năm thứ ba, Chu Vũ Đế quyết tâm diệt Phật, trên ngọn núi cách Kinh châu hơn trăm dặm về phía Bắc, người ta thấy có ánh sáng lạ, tìm thì thấy có tảng đá như pho tượng nằm, đào sâu thì thấy quặng sắt cao gần ba trượng, người ta định đẻo dũa nhưng không được, đào sâu nữa thì thấy ống chân đá, dân chúng kéo lên, tượng bị rơi, chân đá vẫn đứng thẳng, bèn lập chùa Đại tượng ở đó. Sau nhà Tùy sửa chữa, đổi thành chùa Hiển tế, nhưng tìm ở đó lại không thấy gì, nên cho đó là thần lực cảm ứng. Cuối niên hiệu Trinh Quán, vua xây cung Ngọc hoa, đặt tượng ở đó để lễ bái. Niên hiệu Vĩnh Huy, vua đổi cung thành chùa, nay thuộc phường châu. Đêm đêm mọi người thường thấy ánh sáng lạ hiện ở đó.

Tượng gỗ chùa Hoa nghiêm, Tương châu, cao gần một trượng. Khi nhà Chu diệt pháp, đầu tượng bị mất, nhà Tùy tìm thấy, trang nghiêm lại như xưa. Đó là tượng Phật Lô-xá-na. Người ta thường cầu cúng. Lúc vua sắp băng, tượng chảy mũi, lớp vàng bị bóc ra, phát ra ánh sáng. Tháng tư niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai mươi ba, tượng cũng có sự lạ như trước, sau đó vua Thái Tông băng hà. Tháng sáu tượng lại có sự lạ, dân chúng không biết tai họa gì xảy ra. Tháng bảy nước sông Hán dâng, kéo trôi người vật, mọi người đến chùa cầu khẩn.

Niên hiệu Khai Hoàng đời Tùy, điện Phật chùa Hưng hoàng ở Tương châu bị cháy, mọi người đều sợ tượng đồng cao trượng sáu bị cháy nhưng tượng vẫn còn nguyên, sau dời về chùa Bạch mã. Niên hiệu Vĩnh Huy năm thứ hai, tên trộm vào định cướp tượng, bỗng tay bị kẹt, không rút ra được. Sáng hôm sau chư Tăng hỏi, tên trộm nói có người đến trói tay.

Tượng Phật A-di-đà và năm mươi tượng Bồ-tát được xem là điềm lành từ Thiên Trúc. Tương truyền: Bồ-tát đạt năm thông ở chùa Kê đầu ma Thiên Trúc đến cõi tịnh, thưa với Đức Phật A-di-đà rằng chúng sinh Ta bà muốn sinh về cõi này nhưng không thấy hình tượng Phật, e không có sức thần, xin Phật giáng hạ. Phật bảo: Hãy về đi sẽ thấy. Bồ-tát trở về thì thấy một tượng Phật và năm mươi tượng Bồ-tát ngồi ở tòa sen trên lá. Bồ-tát vẽ theo để truyền bá. Về sau con của Đằng Tỉ xuất gia mới thỉnh được về đất Hán. Sau trải qua nhiều năm tháng và sự diệt pháp của các triều đại, tượng không còn thấy nữa. Nhà Tùy khai giáo, Sa-môn Minh Hiến được Pháp sư Đạo Trường tặng một bức, Sa-môn cho vẽ lại để truyền bá. Họa sĩ Tần Trọng Đạt ở Bắc Tề vẽ lại trên vách. Hiện vẫn còn.

Tượng đá chùa Nhật nghiêm ở kinh đô nhà Tùy, tượng cao tám tấc, rộng năm tấc, được làm bằng đá bát lăng tử nên rất trong suốt. Xưa vị Tăng Tây Vực mang sang, nhưng gặp loạn Hầu Cảnh nên cất tượng ở chùa Tây lâm núi Lô sơ, Giang châu. Tùy Dạng Đế cho tập hợp các cảnh tích xưa, thấy bản ghi về tượng liền sai người đến chùa tìm. Sau này mới đưa về chùa Nhật nghiêm không cho ai vào xem. Cuối niên hiệu Đại Nghiệp, tăng chúng kéo đến chiêm ngưỡng tượng, mọi người thấy một vẽ, vua liền lập trai đàn sám hối thì tượng hiện lại như xưa. Nhưng nhìn vào tượng người thì thấy Phật, Bồ-tát, người thì thấy địa ngục khổ đau. Từ đó về sau mọi người đến lễ tượng để biết kiếp trước kiếp sau của mình.

Bốn mặt Phật ở chùa huyện Sa hà, Hình châu nhà Tùy. Thời Tùy tổ có một người vào núi thấy một vị Tăng giữ pho tượng bằng đồng, cao hơn ba thước, liền xin, vị Tăng cho, nhưng bỗng biến mất, lại thấy một người dẫn đến chùa Sa hà thì thấy một khối vàng hình con chim và có ghi chữ làm tượng Phật bốn mặt. Sau lại biến mất. Bên hông chùa thường có ánh sáng hiện. Tùy Hậu Chủ nghe, liền cho người đúc, mãi hơn hai trăm ngày mới xong.

Niên hiệu Vũ Đức đời Đường, Hác Biện, Hác Tích ở phường châu vốn kính tin Phật. Họ thường thấy trên núi có một bầy nai nhưng đuổi chúng đi không được. Thấy lạ họ đào chỗ nai đứng thì thấy một pho tượng đá cao gần một trượng tư. Họ đưa về làng. Từ đó không thấy bầy nai nữa. Tương truyền thời Phật Ca-diếp có bốn mươi pho tượng được chôn trên núi, hiện chỉ thấy được hai tượng.

Chùa núi Tam học ở Giản châu, Thục Xuyên, đời Đường có dấu chân Phật, trong hư không thường có đèn thần chiếu soi vào ban đêm, ngày chay càng nhiều. Sau có người cỡi ngựa đến chùa để tìm. Ngoài mười dặm thì thấy đèn nhưng đến thì mất. Niên hiệu Trinh Quán thứ mười thầy Pháp Tạng đến ngủ đêm ở chùa, bỗng có một vị đại thần lôi ra ngoài cửa, quăng ra xa bảy dặm, làm đau chân, thầy trở về chùa, đóng cửa.

Tháng chín niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười bảy đời Đường, đô đốc Lương châu Lý Tập Dự đi tuần hành đến huyện Xương tuyền phía Đông nam, thấy có tảng đá gồm một trăm mười chữ, ghi về bảy Đức Phật và tám Bồ-tát. Đô đốc dâng sớ tâu, vua hạ chiếu xá tội một năm.

Núi Bắc Thạch chùa Tương Tư cách Du châu hơn trăm dặm về phía Tây có mười hai vết chân Phật, dài gần ba thước, rộng một thước mốt, in sâu chín tấc, giữa có hình cá, cách hơn mười bước về phía Bắc điện Phật có một vị Tăng ở đó. Tháng mười niên hiệu Trinh Quán năm thứ hai mươi, trong suối của chùa có hoa sen màu đỏ mọc lên, to ba thước, có hình người khóc. Mọi người đến xem đều kinh ngạc, tên chùa Tương tư có từ đó.

Trên núi, chùa Linh kham ở huyện Hưng ninh, nằm về phía Đông bắc Tuần châu nhà Đường có hơn ba mươi vết chân Phật to gần năm thước. Trong một con sông cách Tuần châu hai trăm dặm về phía Đông tây, một trăm dặm về phía Nam bắc có một kho đồng, có bài minh: Tăng được thì phước, tục được thì họa. Tục truyền: Xưa có một vị Tăng từ phương Bắc đến ẩn ở đây, hôm lên núi Hồng lĩnh, vị Tăng lần đến chỗ vết chân Phật. Thấy cỏ cây ở đó tốt tươi liền ngủ đêm. Nửa đêm sơn thần hiện lên dọa, bảo: Không nên ở đây, quỷ thần hay đến quấy rối. Vị Tăng bỏ đi. Thời Tống có hai vị Tăng đến đó tìm, biết vị Tăng kia trì kinh Pháp Hoa, hàng phục ma quỷ, chúng đều theo tu học. Sau có người tìm thấy bảy dấu chân in trên đá. Đến niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba, người ta lại thấy thêm một dấu chân nữa, tất cả đều phát ra ánh sáng. Vua nhà Tống liền xây chùa ở đó.

Niên hiệu Hiển Khánh năm thứ tư đời Đường, thứ sử Phủ châu cầu cúng để tránh hạn hán nhưng không được. Về sau có người thấy trên núi phía Đông có tượng đi nhưng không dời được. Người ta theo đường đi tìm thấy hai vết chân dài hai thước cách nhau năm dặm. Nghe tin thứ sử và dân chúng đến thắp hương cầu khẩn xin mưa, lại thỉnh tượng về chùa. Lúc đưa tượng đi mây phủ giăng, đến đêm thì tuôn mưa.

Niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường, chùa núi Ngộ chân huyện Lam điền, Ung châu có nhiều tăng chúng tu học. Một vị Tăng xây một cốc nhỏ ở khe núi phía Bắc nhưng trước cốc có một tảng đá rất lớn, trở ngại việc đi lại. Vị tăng làm mọi cách để phá đá nhưng không được, sau đập đá ra thì được một tượng vàng, cao năm tấc, hiện còn ở chùa.

Ở huyện Hộ đất Ung châu đời Đường có tượng vàng cao ba thước sáu, thường phát ra ánh sáng. Tôi nghe thì đến chiêm ngưỡng, trên chân tượng có bài minh: Ngày tám tháng tư niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ hai mươi, đúc tại chùa Trường an. Công chúa xuất gia học Phật, có nói: nhờ sự cảm ứng của tượng Phật nên được xuất gia. Xin mô phỏng theo để tạo phước cho mười phương.

Xưa giáo pháp bị diệt, tượng được cất ở Song la nhân. Sau có người nghe tiếng, thấy ánh sáng lạ liền báo dân làng đến tìm, họ đào thấy tượng nhưng dân chúng cất giấu để cúng thờ vì còn là thời Chu. Nay vẫn còn.

Tháng hai niên hiệu Long Sóc năm thứ ba đời Đường, ở Thẩm châu có tượng xuất hiện. Ở hang huyện Cẩm thượng vốn có ba pho tượng đá, tượng giữa thường phát ra ánh sáng soi sáng cả hang. Dân chúng đồn đến tai vua. Vua cho sư Huyền Tú chùa Đại từ ân và sứ giả đến xem. Thấy ánh sáng chiếu sáng họ liền tâu vua, ánh sáng soi chiếu suốt ba đêm mới hết. Niên hiệu Trinh Quán năm thứ ba chúng tôi có đến huyện này nhưng không thấy điềm lạ.

Niện hiệu Long Sóc năm thứ nhất đời Đường. Vua hạ chiếu cho thầy Hội Tích chùa Hội xương lên núi Ngũ đài để tu sửa chùa tháp. Núi này có năm đài, đài giữa cao nhất, được làm từ thời Ngụy Cao tổ Hiếu Văn Đế. Phía Bắc đài vẫn còn vết tích người ngựa, trên đỉnh có ao Thái Hoa Tuyền, lại có suối nhỏ, giữa có hai tháp thờ Bồ-tát Văn-thù. Tương truyền Bồ-tát Văn-thù đến núi Thanh lương nói pháp cho năm trăm vị tiên. Núi này rất lạ, ít có cây cối chỉ có rừng thông, phía Nam núi có đỉnh Thanh lương, dưới núi có phủ Thanh lương. Cách ba mươi dặm về phía Đông của đài có chùa Linh thứu, ở đó có hai đạo tràng. Tương truyền do Hán Minh Đế xây dựng, phía Nam có vườn hoa, thật là đất của thần tiên. Sư Hội Tích cùng huyện thừa và hơn hai mươi người lên núi tu sửa. Thấy thần tích họ ra sức tu sửa tôn tạo. Chợt nghe tiếng chuông vang lên, mùi hương thoảng ra, tất cả đều khen lạ. Họ đến phía Tây, thấy một vị Tăng cỡi ngựa đi về phía Đông, họ liền chạy theo nhưng không kịp. Điềm lạ ấy vẫn thường ẩn hiện. Phía Đông nam là Hằng Nhạc, phía Tây bắc là Hằng Thiên, giữa có sáu ngôi tháp Phật, thân tướng các Thiền sư Giải Thoát, Tăng Minh vẫn còn.

Niện hiệu Long Sóc đời Đường tả hành quân tướng Tiết Nhân Quý đánh dẹp đất Liêu. Thấy tượng đi trên núi, tướng quân hỏi mới biết là kỳ tích đời trước, liền cho vẽ lại để lưu truyền.

 

Pages: 1 2 3