Tam Vô Của Lục Tổ
Tỳ Kheo Thích Thông Phương
I. Vô Niệm Làm Tông
Theo tinh thần của Lục Tổ dạy thì người tu phải lấy vô niệm làm tông chỉ. Chủ trương đường hướng tu hành phải lấy vô niệm làm chính. Nắm vững tông chỉ này thì mình tu được vững vàng.
Chúng sanh thì lấy “niệm” làm tông cho nên luôn luôn đi theo chiều sanh tử luân hồi, tức là sống theo niệm. Bởi “niệm” là có động, khởi mà có động khởi là có sanh diệt, động là sanh, mà sanh là phải có diệt. Còn ở đây lấy vô niệm làm tông. Như có vị tăng hỏi Thiền sư Thụy Nham: ”Thế nào là lý bản thường?”. Sư đáp :“Động”. Ông tăng hỏi:”Khi động thì thế nào” Sư đáp: “Chẳng phải lý bản thường”. Lý bản thường là vốn sẵn thường như vậy không sanh không diệt mà khởi cái tâm hỏi đến nó tức là “động niệm”, mà “động niệm” là trái với bản thường. Cho nên ở đây khi ông tăng hỏi thế nào là lý bản thường thì ngài đáp là động chứ không giải thích lý bản thường là thế này thế nọ. Như vậy “động niệm” là có sanh, mà có sanh là có diệt, còn cái không sanh mới là không diệt và đó mới là chỗ tu của mình. Nhân quả rõ ràng. Chúng sanh cho đến người tu mà chưa giác ngộ thì thường sống theo niệm, là theo cái sanh diệt. Như Ông tăng hỏi thiền sư Tùng Triển: “Thế nào là vào lửa chẳng cháy, vào nước chẳng chìm”. Sư đáp: “Nếu là nước lửa thì liền bị cháy chìm”, vậy làm sao hiểu? Đúng là học theo chữ nghĩa thì khó hiểu nổi. Nhưng hiểu được lý thiền rồi thì thấy Sư đáp rất là chí lý, nghĩa là sao? Nghĩa là vừa động niệm phân biệt là nước là lửa thì liền bị cháy chìm ngay thôi. Ngay đó mà khởi tâm phân biệt nước-lửa là dính vào nước- lửa là bị cháy bị chìm, là rơi vào trong sanh diệt rồi. Còn ngay đó mà vô niệm thì không kẹt trong vô thường sanh diệt, đó là thiền sư muốn dẫn cho người học trở về “tông chỉ vô niệm” vượt thoát sanh tử. Nghĩa là ở trong đó vừa động niệm là rơi vào trong sanh diệt. Đó là chỗ mà mình thấy được để ứng dụng tu tập. Nếu ứng dụng kỹ thì bảo đảm con đường vượt thoát sanh tử là dễ dàng chứ không phải xa. Cũng như trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ dạy: ” Động niệm trái chơn. Hôn trầm chẳng tốt” Có động niệm là trái với chỗ chân thật xưa nay không sanh diệt, là đi lệch ra con đường mê vọng và theo đó mà đi thì càng ngày càng xa. Còn nếu ngay đó dừng lại là con đường tu hành của mình. Các Thiền sư sau này cũng lấy tông chỉ này rồi khai triển theo phương tiện của mỗi thời đại nhưng cái ý là cũng chỉ về chỗ vô niệm đó. Như Hòa thượng Triệu Châu dạy chúng: ”Tâm toan nghĩ liền sai”. Có vị tăng hỏi: “Khi tâm chẳng nghĩ thì sao?” Sư đánh ông tăng ba cái, bảo: “Phải là lão tăng cô phụ xà lê chăng?”Đây là Ngài Triệu Châu cũng chỉ rõ tông chỉ vô niệm. Đã bảo vừa toan nghĩ liền sai rồi, vậy mà ông còn cố hỏi là thế nào nữa là có nghĩ rồi, là động niệm rồi. Sư đánh ông để nhắc cho ông: Đã chỉ ông rõ ràng vậy rồi mà ngay đó ông còn hỏi thế nào nữa! Nắm vững tông chỉ đó để thấy chỗ tu hành của mình, vừa khởi niệm là đi vào trong sanh diệt, lưu chuyển. Còn vô niệm đó mới là tông chỉ, đường hướng tu hành, vượt thoát sanh tử. Nhưng ở đây cũng cần phải hiểu rõ thế nào là vô niệm, đó mới là quan trọng. Chỗ này không phải là chỗ học ở trên chữ nghĩa mà được. Đó là chỗ phải thực hành.
Ở đây Lục Tổ có dạy rõ: “Ở trên cảnh mà tâm chẳng nhiễm là vô niệm. Ở trên niệm của chính mình mà thường lìa cảnh, chẳng ở trên cảnh sanh tâm. Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ niệm phải trừ hết, một niệm dứt tức là chết rồi, sẽ sanh nơi khác, ấy là lầm to. Người học đạo suy nghĩ đó, nếu không biết cái ý của pháp thì tự lầm còn có thể, lại dạy người khác, tự mê không thấy lại còn chê bai kinh Phật, vì thế nên lập vô niệm làm tông”.
Lục Tổ dạy vô niệm không phải là diệt niệm để thành không, không còn biết gì hết rồi ngồi trơ như khúc gỗ thì đó là lầm to. Ngài dạy ở trên cảnh mà tâm chẳng nhiễm mới là vô niệm, chứ không phải diệt hết niệm không còn biết gì hết giống như cây như gỗ. Tức là ở trên cảnh mà chẳng sanh tâm và ở trên niệm mà thường lìa cảnh. Ở trên niệm mà lìa cảnh, lìa cảnh tức là đâu có sanh. Không phải diệt niệm mà ngay niệm đó nhưng lìa cảnh thì sáng ngời. Cho nên ở trên niệm mà lìa cảnh, chẳng sanh tâm ở trên cảnh tức là niệm không rời tự tánh để đi theo cảnh. Tu hành như thế thì đâu có mê được. Mình vẫn thấy nghe nhưng lìa cảnh thì đâu có mê. Còn sở dĩ mê là do dính cảnh, theo cảnh. Vô niệm như vậy đồng với tinh thần Sơ Tổ Trúc Lâm dạy: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Lục Tổ dạy thêm: “Này thiện tri thức! Tự tánh chân như khởi niệm tuy có sáu căn thấy nghe cảm biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh thì chân tánh thường tự tại”. Tức là tự tánh chân như khởi niệm không phải là cái vọng tâm khởi niệm. Ngay từ tự tánh chân như khởi niệm cho nên tuy có sáu căn thấy nghe cảm biết rõ ràng nhưng không nhiễm muôn cảnh, do đó chân tánh thường tự tại, là niệm mà chưa từng niệm. Tuy khởi niệm mà sự thực là chưa từng có khởi. Đây là dùng theo ngôn ngữ thế gian tạm nói vậy, chứ sự thực niệm mà chưa từng niệm nên không theo cảnh sanh tâm để mất mình. Nghĩa là, tuy niệm niệm nhưng không rời tự tánh nên đâu có mất mình. Còn mình niệm mà theo cảnh là rời mất tự tánh, rời mất tự tánh mới mê, mê mới mất mình. Bởi vậy thấy nghe hiểu biết mà lìa mọi cảnh thì thường tự tại, đâu có bị ngăn ngại, đâu bị che mờ. Có lần Tướng quốc Bùi Hưu hỏi Thiền sư Hoàng Bá: “Thế nào là Phật?”. Sư đáp: “Tức tâm là Phật, không tâm là đạo, chỉ không cái tâm động niệm có không, dài ngắn, ta người, năng sở v.v. Tâm vốn là Phật, Phật vốn là tâm. Tâm như hư không, sở dĩ nói chân pháp thân của Phật ví như hư không không nên cầu riêng, có cầu đều khổ”. Ở đây Ngài Hoàng Bá cũng dạy tinh thần vô niệm chân chánh là như vậy, không phải diệt niệm thành không, mà chính ngay cái tâm mà không khởi tâm động niệm theo có không hai bên đối đãi đó chính là tâm Phật, đó là chơn vô niệm. Như vậy không phải là diệt hết niệm hoặc không còn tâm gì hết. Tông chỉ tu hành rõ ràng như vậy, nắm vững tông chỉ này để tu thì bảo đảm con đường vượt thoát sanh tử luân hồi không còn nghi. Không có động niệm khởi theo cảnh thì đâu có bị cảnh dẫn, không bị cảnh dẫn thì tức là thường tự tại, tức là vượt qua cái sanh diệt cho nên hễ vừa động niệm rơi vào hai bên phải tỉnh giác ngay để kéo lại thì sẽ rút ngắn thời gian bất giác mê lầm. Còn nếu cứ theo đó mà tiếp tục thì đi vào trong sanh diệt. Bởi vậy có câu “Nhất ba tài động vạn ba tùy”. Một lượn sóng khởi thì muôn vàn lượn sóng nối tiếp. Nếu mình không giác kịp thì vậy đó. Thí dụ khi nhập thất đang ngồi yên chợt nhớ lại khi hồi bé còn đi học. Nếu vừa động niệm như vậy dừng lại ngay thì không sao, nhưng động niệm vậy rồi theo nó thì bao nhiêu cảnh sẽ tiếp, đi học rồi sao, học ở đâu, vui buồn đi chơi v.v.. Nó kéo dài một hơi dẫn đi cả nửa tiếng. Nếu khéo tu hành là phải thường soi trở lại trước khi niệm khởi để mình trở về chỗ trước khi động niệm thì không phải theo niệm mà sanh. Mà không sanh thì không diệt. Phải nắm vững vậy, hễ có sanh là có diệt, chạy đâu cũng không khỏi, dù chạy lên cõi trời phi tưởng phi phi tưởng cũng không khỏi nó luôn. Còn không sanh thì mới không diệt, không phải chạy đâu hết mà cũng khỏi. Nắm vững yếu chỉ đó thì khi mình tu là không lầm. Hãy quán kỹ, hễ cái gì có sanh thì phải có diệt, thì cái đó không phải thật mình nên theo. Còn không sanh thì thì đó mới là chỗ sống của mình. Đó lẽ thật như vậy.
Ngài Lâm Tế có chỉ rõ rằng: “Các ông chớ có lầm, bên ngoài không pháp, trong cũng chẳng thể được (tức không có cái nào là thật). Các ông cứ chụp lấy lời nói trong miệng của Sơn Tăng chi bằng thôi dứt vô sự đi. Cái đã dấy lên chớ tiếp tục, cái chưa dấy lên thì chẳng cho dấy, còn hơn là các ông đi hành khước mười năm.” Ngài dạy đơn giản, cái đã dấy lên thì chớ có tiếp tục nữa. Khi vừa thấy nó dấy lên tức là có khởi, khởi là thuộc về sanh rồi, có sanh có diệt thì không phải, dừng ngay. Còn cái chưa dấy thì thôi đừng cho dấy. Tu vậy là sáng sủa rõ ràng, đỡ công phu biết bao nhiêu. Còn theo niệm dấy lên rồi lo diệt nó thì mất bao nhiêu công phu. Sanh cái tâm diệt nó thì thêm cái tâm sanh diệt thứ hai nữa, sanh cái tâm này để diệt cái tâm kia, thành ra thêm cái thứ hai sanh diệt cho thấy “vô niệm làm tông” là yếu chỉ tu hành. Tu như vậy bớt công phu nhọc nhằn rất nhiều mà bảo đảm là con đường vượt thoát sanh tử sáng sủa không có nghi ngờ gì. Bởi động niệm là có sanh diệt, còn vô niệm là không có động niệm thì không sanh diệt là vượt thoát sanh tử. Niết-bàn là vô sanh, thì chính cái này là vô sanh, vậy ngay đó là Niết-bàn chứ còn Niết-bàn ở đâu nữa. Cho nên người học theo chữ nghĩa nhiều khi cũng lầm rất nhiều. Nghe nói Niết-bàn tưởng Niết-bàn là một cảnh giới gì đó, tu để đạt cảnh giới Niết-bàn. Nhưng nếu Niết-bàn mà có cảnh giới thì hết còn là Niết-bàn rồi. Có cảnh giới tức là bỏ cảnh giới này để đạt tới cảnh giới Niết-bàn kia tức là có sanh, mà có sanh tức là có diệt thì đâu phải Niết-bàn. Còn đây ngay chỗ niệm mà vô niệm thì tức là Niết-bàn chứ còn gì nữa. Ngay chỗ một niệm không sanh đó là một niệm Niết-bàn. Còn nếu mà sống được trọn vẹn trong đó là trọn vẹn Niết-bàn, đó là con đường rõ ràng.
II. Vô Tướng Làm Thể
Lục Tổ dạy: “Này thiện tri thức, ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa các tướng tức pháp thể thanh tịnh, đây là lấy vô tướng làm thể.”
Ở đây cũng không giống thế tục. Thế tục là thể thì phải có tướng này tướng kia gì đó. Còn đây lấy vô tướng làm thể. Bởi phàm phu thì tâm mê theo tướng nên chấp lấy tướng làm chỗ nương cứ sống theo tướng do đó thường bị nhiễm ô. Đây thì Lục Tổ dạy tâm thường lìa tất cả tướng, nhớ kỹ điều đó. Tâm mà lìa tất cả tướng tức không nhận bất cứ tướng nào làm mình thì thể tự thanh tịnh. Nó không nhận bất cứ tướng nào làm mình, dù tướng tốt, tướng xấu, tướng hay tướng dở gì cũng không nhận thì có chỗ nào để nhiễm. Còn vừa nhận thì mới có nhiễm. Thấy tướng tốt thích thì nhiễm, thấy tướng xấu ghét thì cũng nhiễm. Giống như cái gương chiếu tất cả cảnh, cảnh gì đến thì nó cũng chiếu hết, không bỏ sót cảnh nào nhưng nó vẫn thường lìa tất cả cảnh nên nó không nhiễm cảnh nào hết. Tâm mình nếu như vậy thì tự thanh tịnh. Được như vậy thì không có gì làm lay động được hết. Như bài kệ của Lục Tổ đối lại với bài kệ của Ngài Thần Tú: “…xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ.” Trong thể thanh tịnh đó xưa nay không một vật, không có tướng gì hết thì chỗ nào dính bụi nhơ, bụi bám vào đâu. Như trong hư không mình có tung bụi mờ mịt trong đó thì cũng rớt xuống hết, đâu có dính vào hư không. Còn tâm thể mình vô tướng thì cũng vậy. Nếu mình sống lại với cái tâm xưa nay không một vật đó thì có gì dính. Ở đây không cần phải làm cho nó thanh tịnh mà nó tự thanh tịnh, Thiền tông là như vậy, không phải làm cho nó thanh tịnh mà nó tự thanh tịnh, vậy mới thật là thanh tịnh. Còn nếu làm cho nó thanh tịnh thì nó chỉ thanh tịnh được một lúc nào đó rồi nó sẽ hết thanh tịnh, bởi do mình làm mà ra. Ví dụ mình quét hết các bụi ngoài cho nó được thanh tịnh thì khi hết quét bụi đóng trở lại, tức chỉ là thanh tịnh tạm thời. Đây đúng như kinh Kim Cang Phật dạy: “Hễ cái gì có tướng đều là hư vọng, còn thấy các tướng chẳng phải tướng là thấy Như Lai.” Cảnh gì đến mình đều nhớ hễ cái gì có tướng đều là hư vọng, dù cho tướng hay tướng dở tướng tốt tướng xấu, hễ có tướng là hư vọng, không chấp nhận tướng gì thì đâu bị gạt. Còn tâm chấp tướng nên dễ bị gạt. Nên ngồi thiền mà thấy sáng ngời lên là nhiễm liền, hoặc ngồi thiền thấy cảnh giới ghê sợ rùng rợn thì liền hoảng hốt mất tinh thần. Nếu nắm vững điều này thì biết đều là tướng hư vọng không thật, giữ vững tâm thanh tịnh không chú ý vào cái gì thì rồi nó qua hết, không gì gạt được.
Như vậy Phật hay Tổ đều chỉ rõ ràng là không cho người chấp tướng. Đó là yếu chỉ thanh tịnh chân thật, còn chấp tướng là có nhiễm ô, là có dính mắc, nhớ kỹ.
Như Ngài Kỉnh Huyền đến hỏi Thiền sư Duyên Quán: “Thế nào là đạo tràng Vô tướng”. Thiền sư Duyên Quán ngay đó chỉ tượng Bồ tát Quán Thế Âm và nói: “Cái này là do ông Ngô Xử Sĩ vẽ.” Ngay đó Ngài Kỉnh Huyền mới suy nghĩ,định hỏi tiếp, Thiền sư Duyên Quán nhanh nhẩu nói: “Cái này có tướng, cái kia không tướng.” Ngay đó Ngài Kỉnh Huyền liền ngộ. Tức vừa suy nghĩ là có tướng, là mê, trái với thể chân thật vô tướng. Đơn giản, mê ngộ là ngay chỗ đó. Ngay tướng đó mà lìa tướng là giác trở về pháp thể thanh tịnh, còn theo tướng thì đó là mê mất mình. Hòa thượng Triệu Châu một hôm cầm chổi quét đất, có người đến thấy mới hỏi: “Hòa thượng là bậc thiện tri thức, vì sao có bụi mà phải quét?“. Sư bảo: “Bên ngoài đến.” Lại hỏi: “Già lam thanh tịnh thì vì sao lại có bụi?” Sư đáp: “Lại có một điểm.” Đây đúng là Sư thường sống trong tâm thể thanh tịnh không một vật cho nên không có cái gì dối được trong đó. Nghĩa là trong chỗ tâm thể thanh tịnh vốn là thanh tịnh không một vật rồi thì đâu có bụi nào vào trong đó được, lúc nào cũng sáng ngời, nên ông vừa khởi niệm là Sư biết liền. Bởi vậy khi hỏi thanh tịnh làm sao lại có bụi thì Sư nói bên ngoài đến, tự ông đem đến. Còn hỏi già lam thanh tịnh làm sao có bụi, Sư nói lại có một điểm, tức là chỉ do ông động niệm, ông động niệm tức là bụi. Bụi đó là tự ông che chớ ông đâu có dối được Sư. Còn mình nếu không phải thật sống trong đó, nghe vậy rồi suy nghĩ lung tung là bị mờ, bị gạt. Hoặc như Ngài Đại Điên hỏi Hòa thượng Thạch Đầu: “Nói có, nói không là hai cái đáng chê, vậy xin Thầy trừ cho.” Có và không thuộc về hai bên là cái đáng chê trách, nên xin Thầy trừ cho. Ngài Thạch Đầu đáp: “Một vật cũng không trừ cái gì.” Đúng là các Ngài thường sống ở trong đó nên hễ có cái gì đến là thấy rõ hết không có mê lầm. Còn như mình nếu được hỏi vậy thì sẽ dạy ông phải trừ cái này, trừ cái kia đi, thì cũng rơi vào có không. Còn Ngài nói một vật cũng không còn trừ cái gì? Khởi niệm trừ thành có rồi. Thế mới thấy Thiền sư là chỉ thẳng như vậy. Thấy thấu đến thể thanh tịnh vô tướng xưa nay không một vật còn có gì nhiễm ô được trong đó. Hết chỗ để nhiễm ô thì không trừ gì hết nhưng lại tự trừ rồi. Như vậy mới thực sự là chỗ không tạo tác. Còn mình có trừ cái này để được cái kia thì thành tạo tác. Thấy chỗ này mới thấy chỗ Ngài Đơn Hà khi đến thăm quốc sư Huệ Trung, hỏi thị giả là “Quốc sư có ở nhà hay không?“, ông thị giả nói:“Ở thì ở nhưng mà không có thấy khách”, vì đang ngủ. Đây có hai ý, vừa nói Quốc sư đang ngủ, vừa ngầm chỉ chỗ không có chủ khách. Ngài Đơn Hà nghe thì biết liền vì đó là bậc đã sáng mắt, nên Ngài Đơn hà bảo: “Rất sâu xa thay”, tức là chỗ đó thiệt là rất sâu xa, khó thấy. Ông thị giả nói: “Chỗ đó mắt Phật nhìn còn chẳng thấy, chỗ đó không còn chủ khách thì còn chỗ nào để mà thấy, có thấy thì thành có chủ có khách rồi.” Ngài Đơn Hà khen: “Đúng là rồng sinh rồng con, phụng sinh phụng con.” Quốc sư ngủ dậy, thị giả thuật lại, Quốc sư đánh hai mươi gậy đuổi ra, Ngài Đơn Hà nghe được việc đó bèn nói: “Đúng không lầm là Nam Dương Quốc sư.” Tức là trong chỗ thanh tịnh rốt ráo đó, nó vốn là không một vật không có tướng gì hết, không có chủ khách cho nên đây thể hiện là Quốc sư đang ngủ. Nhưng ông thị giả thuật lại tức là trong chỗ thanh tịnh không chủ khách, bây giờ thị giả đem tin tức từ bên ngoài vào, là có chủ có khách rồi, là có tướng rồi, cho nên Quốc sư đánh. Người học thiền phải thấy đến chỗ đó mới thấy đến chỗ Quốc sư chân thật, chỗ không thể nghĩ bàn. Còn thấy tướng này tướng kia là thấy giả tướng thôi. Cũng giống như ông Đại Nhĩ Tam Tạm gặp Quốc sư Huệ Trung. Ông Đại Nhĩ Tam Tạng có tha tâm thông nên ai nghĩ gì ông biết liền. Quốc sư mới thử, khởi tâm đến cầu Thiên Tân hỏi “ta đang ở đâu?” Thí dụ mình nghĩ tới Sài Gòn thì có tướng Sài Gòn hiện trong đầu. Ông nói: “Ngài là Quốc sư mà đến cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn làm chi.” Lần thứ hai Ngài khởi tâm đến bến đò Tây Xuyên và hỏi:“Ông nói xem bây giờ ta đang ở đâu?” Ông nói: “Ngài là quốc sư một nước như vậy tại sao đến bến đò Tây Xuyên xem đò đua”. Đến lần thứ ba ngài không nghĩ gì hết, bặt hết các tướng, ông tìm hoài không thấy. Ngài mới thúc nói nhanh, ông cũng tìm không thấy. Ngài quở: “Chồn tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào?” Nếu như ông thật sự thông được tâm thể chân thật, thì lần thứ ba Quốc sư hỏi “Tôi đang ở đâu?”, ông chỉ cần thoi cho một thoi, hoặc ngay đó liền lễ bái là xong, là tự cảm thông nhau. Còn ông chỉ thấy trên tướng thôi chứ không thấy được chỗ thật. Mới thấy lấy vô tướng làm thể, đó mới là thể chân thật. Thấu được thể chân thật đó thì đâu có gì làm nhiễm ô được, đó mới thật sự là quán tự tại, tự tại qua các cảnh, các trần không gì nhiễm được, không gì ngăn ngại được.
III. Vô Trụ Làm Gốc
Lục Tổ dạy: “Vô trụ là bản tánh của người, đối với việc thiện ác tốt xấu của thế gian cho đến oán thân lúc nói năng động chạm tranh đua v.v. đều đưa vào không, chẳng nghĩ tác hại lại. Trong mỗi niệm chẳng nhớ nghĩ cảnh trước. Nếu niệm trước, niệm nay,niệm sau niệm niệm tiếp nối nhau không gián đoạn gọi là trói buộc. Còn ở trên các pháp niệm niệm chẳng dừng trụ tức là không trói, đây là lấy vô trụ làm gốc.”
Chỗ này mà nắm vững thì tâm liền an. Người mê thì tâm luôn luôn có chỗ trụ gọi là bám vào cảnh vào trần. Chính mình đang sống với cái tâm hiện tại của mình đây là cái tâm luôn luôn có chỗ trụ, cho nên lúc nào nó cũng phải tìm cảnh tìm duyên để nó bám, mất cái này thì nó phải bám cái kia, luôn luôn có chỗ trụ, tức là kẹt trong cảnh đối đãi phân biệt,gọi là niệm niệm thường bị trói buộc không có tự do. Bởi vì lệ thuộc vào cảnh, vào duyên, vào trần. Muốn cho nó đừng trụ đừng bám mà không được, nó chạy hoài nên lúc nào cũng bị thấy. Còn đến chỗ vô trụ này mới là hết chỗ quỷ thần xem thấy vì đâu còn tướng nào nữa để thấy.Ở đây Lục Tổ dậy là tâm đi qua tất cả cảnh duyên, trong mỗi niệm chẳng nhớ cảnh trước. Đối với tất cả các việc thiện ác tốt xấu của thế gian, v.v… nói năng động chạm đều đưa vào “không”, không nghĩ đáp lại, thì đó mới là vô trụ. Còn niệm niệm cứ dính nhau, nối nhau theo cảnh thì gọi là trói buộc, đó là có trụ.Trở về bản tánh vô trụ, không dừng ở trên một cảnh nào hết thì đó là gốc giải thoát an ổn, vững vàng, tự tại. Vì hễ có trụ tức là có dời đổi, nhớ kỹ điều đó! Các pháp là vô thường. Hễ trụ vào nó, khi nó nói dời đổi thì mình cũng dời đổi theo nên tâm cứ phải lưu chuyển mãi. Đó là con đường bất an, theo dòng lưu chuyển sanh tử.Vô trụ thì mặc cho các thứ biến đổi, bản tánh tự an trụ. Cho nên vô trụ tức là an trụ, còn trụ là bất an. Thế gian thì cái có trụ mới vững, còn ở đây, có trụ thì lại không vững.Do đó, thiện ác, tốt xấu, vui buồn thương ghét mình không trụ vào cái gì hết thì không bị dời đổi theo cái gì, nó đến rồi đi, không dính dáng gì cả. Quán kỹ để ứng dụng tu thì tâm sẽ nhẹ nhàng, cởi mở. Dù gặp cảnh gì cũng vậy, gặp cảnh thuận thì cũng tốt, đừng có vội trụ vào, gặp cảnh nghịch thì cũng vậy, cũng không có trụ vào, thì rồi nó qua. Biết như vậy mình ứng dụng gốc vô trụ này để sống, tu thì sẽ an ổn. Nên có người hỏi Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền:” Thế nào là thấy hiểu chân chánh?” Thiền sư Nghĩa Huyền đáp: “Ông hãy tất cả vào phàm, vào thánh, vào nhơ, vào sạch, vào các cõi Phật, vào các cõi Thánh,vào lầu gác Đức Di Lặc, vào pháp giới Tỳ Lô Giá Na tức là pháp thân, hiện khắp mọi nơi, cõi nước thành trụ hoại không cho đến Phật hiện ra đời, chuyển đại pháp luân, rồi vào Niết-bàn mà chẳng thấy có tướng mạo đi đến, tìm sanh tử của Ngài trọn không thể được, liền vào pháp giới vô sanh, dạo đi khắp mọi cõi nước, vào cả thế giới hoa tạng thấy tột tướng không của các pháp đều không có pháp thật, chỉ có vị đạo nhân không nương tựa đang nghe pháp đó là mẹ chư Phật.” Vào khắp hết tức là đi qua hết không có bỏ sót cái gì nhưng mà không trụ vào cái gì hết, cho nên gọi là thấy tất cả đều là không, chỉ có một đạo nhân không nương tựa đang nghe pháp, không nương tựa tức là vô trụ, nhận ra cái đó thì đó là mẹ chư Phật. “Do đó Phật từ không nương tựa mà sanh, nếu tỏ ngộ không nương tựa thì Phật cũng không được. Nếu thấy được như thế tức là thấy hiểu chân chánh. Người học chẳng thấy rõ chấp theo tên gọi, câu lời bị tên thánh phàm kia làm ngăn ngại, do đó mà che ngăn con mắt đạo chẳng được nhìn rõ. Như mười hai phần giáo đều là lời nói biểu hiện bên ngoài, người học chẳng lãnh hội liền nhằm trên những câu nói bên ngoài mà sanh hiểu thì đó đều là nương dựa, rơi ở nhân quả, chưa khỏi sanh tử trong ba cõi. Nếu ông muốn sống chết đi ở thong dong tự tại thì ngay đây hãy nhận rõ người nghe pháp không hình, không tướng không gốc không rễ, không chỗ trụ thì tự nhiên sống động, ứng ra có muôn thứ phương cách hành động, chỗ dùng chỉ là không chỗ ( không chỗ có nghĩa là không chỗ trụ). Do đó càng tìm càng xa, càng cầu càng trái, gọi đó là bí mật.” Nghĩa là Ngài Lâm Tế dạy rõ, mình vào khắp hết tất cả chỗ không bỏ sót chỗ nào hết, nhưng mà không trụ vào đâu hết mà chỉ nhận rõ vị đạo nhân không nương tựa đang nghe pháp đó thì đó mới chính là chỗ sống chân thật an ổn, đó mới chính là chỗ an trụ. Vị đạo nhân mà không nương tựa, tức là không có chỗ trụ chứ gì. Còn có chỗ tựa là có chỗ trụ thì tức là bất an, bị biến đổi. Nhận ra đạo nhân đang nghe pháp mà không hình không tướng, không gốc không rễ, không chỗ trụ thì đó là đi ở thong dong tự tại. Nếu mình gần chết mà nhớ được “người này” thì đúng là chết cũng tự tại. Chết là cái thân này chết thôi, nhưng nhớ là “cái người nghe pháp không hình không tướng không gốc không rễ không chỗ trụ” thì đi ở thong dong tự tại, không có mắc kẹt nơi thân này, cũng không có đi đâu.Nhưng mà không dễ! Bây giờ còn quên lên quên xuống huống là đến chỗ đó. Nên phải nhớ tu tập cho kỹ, huân tập sâu, đậm, vững thì lúc nào cũng nhớ hết. Tức là gặp cảnh duyên gì, cảnh thuận hay cảnh nghịch gì thì mình cũng thường nhớ trở lại như vậy đó, quen vậy rồi thì khi sắp chết bảo đảm có đắc lực. Còn ngay đây, cảnh duyên đổi chút mà đã mất mình rồi thì đến đó làm sao nhớ nổi. Hiểu kỹ rồi mới thấy ghê sợ chứ không phải thường! Bây giờ còn tỉnh táo, còn sáng suốt, nhưng khi gặp cảnh duyên trái ý là mất ngay rồi, hoặc cảnh duyên vui thích cũng mất ngay rồi, huống chi là gần chết bao nhiêu cái làm rối loạn tâm thần mà còn nhớ được thì đúng là quý báu, bảo đảm là có chỗ đi sáng sủa! Vậy muốn được tự do tự tại thì phải sống trở lại với cái “tâm vô trụ”, đó là con đường an ổn bậc nhất, nhớ kỹ điều đó! Có câu chuyện, một vị tướng võ sau thời gian chinh chiến ông cũng chán muốn xuất gia tu hành, đến thưa với Thiền sư Đại Huệ xin xuất gia.Ông thưa rằng:“Con bây giờ sẵn sàng từ bỏ hết, cả vợ con thê thiếp gì cũng sẵn sàng bỏ hết, xin Ngài cho con xuất gia thôi.” Thiền sư Đại Huệ nói: “Ờ thì cũng tốt nhưng hãy từ từ, sao phải gấp vậy.” Ông năn nỉ hoài, nói con đã bỏ hết, chỉ xin xuất gia thôi. Ngài Đại Huệ cũng bảo:“Thì cũng tốt đó nhưng cứ từ từ đi.” Một buổi sáng nọ, Ngài Đại Huệ thấy ông lên lễ Phật sớm, Ngài hỏi ông sao lên lễ Phật sớm vậy, không sợ vợ ở nhà có người ngủ chung sao. Ông nghe tới đó là nổi tam bành lục tặc lên, mới trách Ngài Đại Huệ tại sao nói chuyện xúc phạm đến người như vậy. Ngài Đại Huệ cười nói, ông nói cái gì cũng bỏ hết mà quạt mới phẩy chút thôi thì lửa đã phừng lên rồi, bỏ cái gì. Đó để cho thấy rằng, có chỗ trụ, vừa nghe thấy là trụ liền, mà trụ là động thôi. Động tức là mất sáng suốt nên khởi phiền não.
Cho nên Lục Tổ dạy rõ: “Này thiện tri thức, đạo cần phải trôi chảy, cớ sao lại ngưng trệ”. Đã là đạo thì phải trôi chảy, cớ sao lại ngưng trệ. Ngưng trệ tức là trụ, trụ tức là dính. “Tâm chẳng trụ nơi pháp thì đạo liền trôi chảy, nếu tâm trụ pháp gọi là tự trói.” Cần phải nhớ kỹ điều đó, nếu tâm trụ nơi pháp là tự trói, là mất tự tại. Còn tâm mà không trụ nơi pháp thì đạo liền trôi chảy tức là tự tại, là sáng tỏ. Như vậy muốn hợp với đạo thì tâm không trụ nơi pháp, không để nó làm cho ngưng trệ.
Tóm Kết
Tam Vô của Lục Tổ dạy đây, nếu người đầy đủ niềm tin, nắm vững để tu hành quyết sẽ đạt đạo, không nghi ngờ.“Lấy vô niệm làm tông” là không động niệm theo cảnh theo duyên tức là không có sanh khởi thì không có diệt, trở về vô sanh. “Lấy vô tướng làm thể” thì không mắc kẹt nơi tướng, ở nơi tướng mà lìa tướng thì tâm sáng ngời. Rồi “Lấy vô trụ làm gốc“, tâm đi qua tất cả các cảnh giới tức là thông suốt tự tại. Ứng dụng ba môn đó tu thì bảo đảm là đạt đạo, phiền não làm sao đến được. Đây đúng là Yếu Chỉ Tào Khê. Lục Tổ thường lấy đây chỉ dạy cho người.
Như vậy tóm lại lấy tông chỉ vô niệm mà tu hành thì ngay niệm mà lìa niệm, không theo duyên để mà sanh ra nhiễm trước, là trở về trước khi có niệm. Rồi đối với các tướng mà tâm thường lìa tướng. Trong sinh hoạt hàng ngày, hoặc trong khi ngồi thiền luôn nhớ vậy, có tướng nhưng tâm thường lìa tướng là tự trở về với bản tánh thanh tịnh xưa nay vô tướng, Rồi tâm đi qua tất cả các cảnh giới nhưng không dừng trụ ở bất cứ một cái gì, gọi là không trụ nơi tốt xấu, phải quấy, hay dở, thiện ác, được mất thì trở về với tâm thể tự tại giải thoát, chưa từng sanh diệt, đó là gốc vô trụ, tức là an trụ. Được như vậy thì không còn có ai nắm đứng được, cũng không còn có gì làm lay động được. Cho nên ở trong mỗi niệm tự thấy bản tánh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo. Đây là “Yếu Chỉ Tào Khê“, nắm vững đó để ứng dụng sống. Đó là con đường đốn giáo mà Lục Tổ chỉ dạy. Đây kết thúc bằng lời của Lục Tổ nhắc:” Này Thiện tri thức, đời sau có người nhận được pháp của tôi, hãy đem pháp môn đốn giáo này đối với người đồng kiến đồng hành, phát nguyện thọ trì như thờ Phật, nên trọn đời chẳng lui sụt, là sắp vào thánh vị. Song cần phải truyền trao. Theo từ trước đến nay là thầm truyền trao phó, chẳng được ẩn giấu chánh pháp ấy. Nếu người chẳng đồng kiến đồng hạnh, ở trong pháp khác thì chẳng truyền trao, vì sẽ làm tổn đến người trước kia, rốt ráo không ích gì. Sợ rằng người ngu chẳng hiểu mà chê bai pháp này thì trăm kiếp ngàn đời đoạn dứt hạt giống Phật.” Tức là không hiểu rồi sanh tâm chê bai thì đoạn dứt hạt giống bồ đề này. Nên Ngài mới bảo với người đồng kiến đồng hành có thể tin tưởng sẵn sàng truyền trao để cùng tiến. Còn người ở pháp khác, không có niềm tin thành tổn hại, phải biết khéo để chỉ dạy. Đó là nói qua về Yếu Chỉ Tào Khê là Tam Vô, cho người khéo ứng dụng tu tập để có bước tiến vững trên đường tu.