2. TÂM Ở ÐÂU

Thưa quý vị,

Người đời thường nói tu tâm. Người Phật tử chúng ta thường nói Phật tại tâm. Phật tại tâm sao ta cứ mãi sai lầm trầm luân phiền khổ thế này! Vậy tâm ở đâu? Hôm nay tôi xin lược trình bày cùng với quí vị, tâm ở đâu.

Thưa quý vị,

Không ít người thắc mắc khi nghe nói đến tâm Phật, tâm chúng sanh. Vậy tâm là cái gì, nó ở đâu? Ðó là câu hỏi thường được phát xuất trên miệng người đời. Một cách đơn giản, xin trả lời gọn, hằng ngày chúng ta suy nghĩ, phán đoán, quyết định, thương ghét, vui buồn v.v… tất cả những thuộc về tinh thần nhận thức đều gọi là tâm, là bóng hình của tâm, nhà Phật gọi đó là vọng tâm. Tâm chủ đông hành vi tạo tác suốt cả đời người, và làm cho cuộc đời trở nên an định hay loạn động.

Nhưng đó là câu trả lời tổng quát. Muốn phân biệt một cáh rõ ràng, xin quý vị lần lượt theo đây:

Giáo lý của nhà Phật rộng sâu như rừng biển, phương tiện pháp môn của nhà Phật nhiều đến vạn thiên. Bàng cách này hay cách khác, tất cả đều quy về tâm. Tâm có tâm Vương, tâm Sở. Phần này ở Duy thức học phân biệt rất cặn kể, rõ ràng. Chỉ thuyết minh về tâm thôi, mà hình thành một tông phái gọi là Duy thức tông hay còn gọi là Pháp tướng tông. Với những bộ kinh Ðại thừa như Bát Nhã, Thủ Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim Cang … đều luận giảng về tâm.

A Nan tôn giả đã bao phen bối rối khi Ðức Phật hỏi tâm ở đâu? Ðủ thấy “Tâm” mật áo vi diệu đến là dường nào. Nhiều người hằng ngày miệng bô bô nói “tâm tôi”, tôi “tu tâm”. Nhưng khi hỏi tâm ở đâu chỉ ra xem, thì họ ngẩn người lúng túng. Rồi hỏi thế nào là tu tâm, thì ú ớ ngây người trợn mắt, không có lấy một câu trả lời dứt khoát. Ðó là những người quá thờ ơ dễ dãi xem nhẹ phần tâm linh của mình, không thấu hiểu vai trò trọng yếu là, tâm chỉ huy suốt ca đời sống của mình. Thăng trầm, vinh nhục đều do tâm. Biết nhận định, chánh, tà, chân, giả đều là tâm.

Tâm là phần hiểu biết của phàm phu. Chơn tâm là hiểu biết của Phật. Phàm phu sống theo vọng tâm tham lam, sân hận, si mê, ích kỷ, đắm đuối với danh lợi, ái ân, trần cảnh ngũ dục của thế gian. Ðược, còn, cảnh thạnh thì vui. Mất, suy, cảnh tàn thì buồn. Buồn vui theo cảnh, bị động theo duyên trần là vọng tâm. Ðạt được lẽ sắc không, chẳng tham đắm cảnh trần mộng huyễn, tự tại trước cuộc đời thịnh, suy, tan, hợp, thì đó là chơn tâm. Chơn tâm tức là tâm Phật.

Tâm Phật thì giác ngộ không đắm nhiễm mê chấp. Tâm Phật thì từ bi, hỷ xả, lợi tha, bình đẳng, tự tại giải thoát, an nhiên trước cảnh thịnh suy, còn mất. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh. Nhân duyên biệt ly hư vọng hữu diệt. Nghĩa là mọi vật ở đời có, đều do nhân duyên sanh. Một khi nhân duyên không hòa hợp thì mọi vật tan rã, hoại diệt. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Người ta khổ lụy vì mê chấp thân này. Thân này do ngũ uẩn hợp thành. Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát quán ngũ uẩn đều là không, nên thoát ly mọi sự khổ ách”. Thời đại nhà Lý, ngài Ðạo Hạnh Thiền sư nói:

“Tác hữu trần sa hữu
“Vi không nhứt thiết không
“Hữu không như thủy nguyệt
“Vật trước hữu không không.

Tạm dịch:

“Có thì có tự mảy may
“Không thì cả thế gian này đều không
“Kìa xem bóng nguyệt dòng sông
“Ai hay không có có không là gì.

Vạn hạnh Thiền sư đã đạt được lẽ sắc không mộng huyễn của vạn vật, nên trước khi thị tịch, Ngài làm bài kệ để nhắc nhở chúng tử như sau:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Tạm dịch:

Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Nhận định rõ tâm, biết đâu là chơn là vọng, thật sống với chơn tâm là người đã đạt đạo chứng quả. Tâm địa một khi không còn phân biệt đắm nhiễm duyên trần, mà thể nhập với pháp tánh bao la hòa đồng với vũ trũ, không còn hạn hẹp trong giả tướng thịnh suy, còn mất, ấy là chơn tâm. Như sóng hết, biển trong. Hình thức sóng bọt chao động chỉ cho vọng tâm. Tánh nước biển trong sóng, phẳng lặng tạm chỉ chơn tâm. Chơn tâm thì tự tại vô ngại thường hằng. Tâm đã tự tại vô ngại, không còn chấp trước phân biệt nhân ngã, đây kia, mất còn, tốt xấu, thương ghét, đây chính là tâm Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật, chúng sanh tam vô sai biệt. Mê thị chúng sanh, ngộ tức Phật”. Nghĩa là tâm ta, tâm Phật và tâm chúng sanh cả ba đều không sai khác. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật.

Tâm mê là tâm vọng động. Tâm ngộ là tâm thanh tịnh. Ðủ biết phàm phu tục tử khổ lụy đọa đày cũng do tâm. Mà thánh nhơn từ bi giải thoát tự tại cũng do tâm. Kinh Pháp Hoa, Ðức Phật nói: “Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Nghĩa là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Nhưng chúng sanh không thắng nổi dục vọng, không khắc phục loạn động của phàm tâm, nên Phật tâm bị lu mờ. Chẳng khác nào nước biển vốn trong ngần bị gió chao động mà thành sóng. Chúng sanh tâm vốn thanh tịnh bị nhiễm ngũ dục thế gian mà sanh phiền não buộc ràng.

Tâm Phật như trăng sáng, trăng mờ bởi mây. Tâm Phật như gương sáng, gương lu bởi bụi trần. Gió thổi mây bay, trăng lại sáng. Lau bụi thì gương trong. Mây, bụi có đến đi, còn mất. Tánh sáng của trăng, gương muôn đời vẫn là sáng. Không vì mây, bụi mà bản chất sáng của trăng, gương hoen ố. Phật tâm muôn đời sáng suốt giác ngộ vẫn tồn tại nơi chúng sanh. Nhưng chúng sanh mê chấp lại giong ruổi theo dục tình trần cảnh mà quên đi Phật tâm nơi mình, giong ruổi truy cầu không trở về sống lại với bản tâm Phật tánh thường tại nơi mình. Như đứa con nghe lời dụ dỗ của bạn ác bỏ cha mẹ ra đi sống lang thang thành kẻ cùng tử. Như đứa trẻ được cha mẹ dấu ngọc trong vạt áo mà không biết, lại đi ăn xin đầu đường xó chợ. Cũng vậy, mỗi chúng sanh đều có chơn tâm Phật tánh nơi mình, nhưng không chịu sống với Phật tâm chơn tánh để được tự tại giải thoát an vui, mà lại đắm đuối chạy theo vọng thức bị ngũ dục ái ân, danh lợi, tình đời cuốn lôi nhận chìm trầm luân khổ hải muôn kiếp không dứt.

Thiền sư Trần Thái Tông nhận rõ kiếp luân lưu nổi chìm của phàm nhơn, ông nói:

“Vĩnh vi lăng đăng phong trần khách,
Nhứt vãng gia hương vạn lý trình”.

Tạm dịch:

“Một thưở ra đi trong cát bụi,
Ngàn năm mất dấu hướng về quê”.

Ðức Phật thương xót kiếp trầm luân của muôn loài, nên Ngài thốt lên lời tâm nguyện trong kinh Pháp Hoa: “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên lớn. Nhân duyên đó là, khai mở chỉ bày cho chúng sanh thấy rõ Phật tánh, chơn tâm để ngộ nhập tri kiến Phật của chính mình, chơn tâm để ngộ nhập tri kiến của chính mình”. Nên Ðức Phật đã suốt 49 năm cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, thức tỉnh người đời giác ngộ, để quay về chơn tánh Phật tâm của chính mỗi người.

Nặng mang tâm nguyện lợi sanh như vậy, nên không ngày nào Ngài nghỉ, không chỗ khó khăn nguy hiểm xa xăm nào mà Ngài không đến, không chúng sanh nào nghiệp chướng sâu dày mà Ngài không phương tiện để độ, và không nghịch cảnh gian nguy nào mà Ngài không xông pha vào để hóa độ.

Ðã nhiều kiếp hy sinh hóa đạo
Ðem phép mầu giáo hóa quần sanh
Dứt niềm nhơn ngã đua tranh
Thẳng đường Bát chánh đến thành chơn như.

Suốt đời Ðức Phật hy sinh cho chúng sanh nhân loại bằng tu chứng, bằng suốt năm mươi năm rày đây mai đó thuyết pháp, khai mở đủ phương tiện pháp môn để chỉ bày bí quyết, khiến cho chúng sanh trở về cội nguồn bản tánh Phật tâm giác ngộ. Nhờ lời dặn cặn kẻ của Phật mà ta nhận biết được trong ta sẵn có chơn tánh Phật tâm, từ bi, hỷ xả, lợi tha. Nếu ta không cố gắng khắc phục tu tĩnh để trừ bỏ vọng tâm phàm tánh tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, ái tình, danh lợi để trở lại với bản tánh Phật tâm của ta thì không ai cứu nổi ta thoát kiếp trầm luân. Rồi ra sáu nẻo luân hồi tránh sao cho khỏi tiếp tục đọa lạc? Như vậy là vô tình vong ân Phật đã vì ta mà thiết tha chỉ dạy sự tu tĩnh. Như thế là ta đã cô phụ khả năng thánh thiện Phật tâm của ta. Như thế là ta tự đào huyệt trầm luân để đắm chìm trong sanh tử muôn triệu kiếp, và như thế làm sao ta có thể báo ân Phật, đền trả ơn cha mẹ, và cứu giúp chúng sanh?

Chúng sanh chỉ vì đắm mê ngũ dục, sống theo vọng thức, tham lấy cái giả, mà đành xa lìa chơn tâm, bỏ đi cái thường lạc tự tại, nên phải vùi sâu kiếp kiếp trầm luân.

Vậy tâm là gì, ở đâu? Nói một cách ngắn gọn là: Tất cả nhận thức phân biệt hằng ngày của ta là hình bóng của tâm, hay là vọng tâm. Chừng nào đối với ngũ dục lạc không sanh tâm đắm nhiễm, không vui buồn phiền khổ theo sự mất còn, ấy là chơn tâm. Hay nói cách khác, không mê chấp là tâm.