1. PHƯỚC BÁO NHIỆM MẦU

Kính thưa quý vị,

Hôm nay tôi trình bày về phước báo. Người đời vì không hiểu không tin nhân quả phước báo, nên không xả bỏ nổi tâm tham lam bỏn sẻn, không cố gắng làm việc từ thiện bố thí cúng dường, nên phải chịu quả báo khổ sở bần cùng.

Thuở Đức Phật Thích Ca còn tại thế giáo hóa độ sanh ở thành Xá Vệ nước Ấn Độ, có vị vua tên là Ba Tư Nặc. Nhà vua vốn là một Phật tử thuần thành, tánh tình thuần hậu, nhân ái, lấy đức trị dân. Đối với các nước láng giềng, nhà vua lúc nào cũng giữa thái độ hòa mục hữu nghị. Nhà vua không thích thấy cảnh binh đao chém giết. Là một bậc minh quân đức độ như vậy, nên chẳng những dân chúng trong nước tin tưởng kính mến, mà các nước lân bang cũng đều kính phục.

Vua Ba Tư có ba vị công chúa. Công chúa thứ nhất tên là Kim Cương, thân hình xấu xí, từ bé đến lớn ở ẩn trong thâm cung, không mấy khi lộ diện, để tránh tiếng người đời bình phẩm cười chê. Công chúa thứ hai tên là Thiện Quang. Công chúa thứ ba tên là Bà Đà, vị công chúa này sớm đã sống xa Quốc vương và Hoàng Hậu.

Riêng về Thiện Quang công chúa không những sắc đẹp tuyệt trần, nhất là về đêm toàn thân sáng rỡ lại đẹp thùy mị nết na, thông minh lanh lẹ, lễ độ bặt thiệp dịu dàng. Đối với mọi người, công chúa Thiện Quang lúc nào cũng tỏ ra khiêm tốn nhã nhặn, thương người giúp kẻ hoạn nạn, nên được dân chúng ngưỡng mộ kính mến.

Một ngày nọ, nhân lúc rãnh việc triều đình, nhà vua cùng gia thuộc và cận thần đến vườn ngự uyển thưởng hoa ngắm cảnh. Thiện Quang công chúa theo hầu cạnh bên vua cha. Nhân lúc xem hoa thưởng nguyệt, nhà vua cao hứng hỏi công chúa văn thơ thi phú, lý sinh tồn của tinh tú vạn vật, mỗi mỗi công chúa đều đáp ứng thông suốt. Nhà vua đắc ý gật đầu về sự thông minh tuyệt vời của con mình. Rồi nhà vua nói với công chúa rằng: Này con, Phụ vương con làm vua một nước, trị dân thanh bình, trăm họ trên dưới đều kính mến. Con nương nhờ phước đức Phụ vương nên được trăm họ mến mộ. Điều này chỉ riêng con mới được phước thù thắng như vậy.

Vừa nghe qua lời của vua cha nói, công chúa Thiện Quang từ tốn thưa:

– Tâu Phụ Vương, con đã nương nhờ thân thể của Phụ Vương và Mẫu Hậu đầu thai vào làm con gái Phụ Vương. Đương nhiên con phải kính hiếu để đền đáp công ơn sanh dưỡng rộng sâu như trời biển. Nhưng con được mọi người quý mến đâu phải nhờ Phụ Vương, mà đó là do phước báo chính nơi con đã tạo từ nhiều đời trước bằng sự tu nhân tích đức. Uy tín của chính mình tạo mới thật bền lâu, chứ còn nhờ cậy ảnh hưởng của cha mẹ hay người khác thì rất ít và đâu có chắc thật lâu bền.

Vừa nghe, vua Ba Tư Nặc không hài lòng, nghĩ rằng: Thiện Quang, con gái mình từ lâu tánh tình vốn là hiền dịu hiếu thuận, không khi nào làm cho ai phật lòng. Nhưng tại sao hôm nay bỗng nhiên đổi tánh dám nói với ta những lời đại ngôn, tự cho mình là có phước báo mà không phải nhờ ta. Phải chăng phước vận nó đã hết. Nó sẽ chịu khổ? Nghĩ vậy rồi, sắc mặt nhà vua sa sầm, lòng nhà vua trầm buồn nghiêm khắc. Gọi Thiện Quang công chúa mà phán rằng:

– Này con! Con nói chính do con đời trước có tu hành mà nay được hưởng phước báo quả tốt. Vậy nay đây ta thử coi phước báo của con to lớn đến bực nào. Nhà vua phán xong, bảo công chúa lui về hậu cung.

Vua Ba Tư Nặc liền gọi một vị cận thần tâm phúc đến bảo nhỏ rằng: “Ta giao cho ngươi nội trong bảy ngày, ngươi bí mật ra ngoài thành kiếm cho ta một chàng trai đẹp khỏe, tuổi trẻ độ chừng Thiện Quang công chúa, tức cố vô thân, nghèo đói ăn xin, không nơi nương tựa, bí mật đem vào vườn sau cho Trẫm. Việc này tuyệt đối không được tiết lộ cho ai biết cả, ngoài ngươi và ta”.

Ba ngày sau, vị cận thần này đã tìm dắt về một chàng trai áo quần cũ rách, làm nghề hành khất. Nhà vua được báo tin, liền đổi áo thường dân lặng lẽ một mình ra vườn sau, vừa thấy chàng ăn mày dáng mạo trẻ khỏe hiền từ, áo quần rách rưới, vua Ba Tư Nặc rất bằng lòng phán rằng:

– Nhà ngươi còn trẻ quá, chắc chưa có vợ con chi? Nếu chưa có mà nhà ngươi thật tình muốn vợ, thì ta có thể tặng cho nhà ngươi một thiếu nữ trẻ đẹp để làm vợ, và cho phép nhà ngươi tùy ý dắt đi ngay.

Trước sự bất ngờ, chàng ăn mày tưởng chừng như mình nằm chiêm bao không biết đây là thực hay mộng. Vì đã từ bé đến giờ sống trong hoàn cảnh đói khổ thiếu ăn thiếu mặc, chàng nào có bao giờ dám nghĩ đến chuyện vợ con. Vừa nghe nhà vua nói như vậy rồi, anh mừng không kể xiết, quên cả chính bản thân và hoàn cảnh của mình. Anh vội gật đầu lia lịa thưa:

– Bẩm Ngài! Ngài có lòng nhơn từ thương xót kẻ tiểu nhân hạ tiện thì thật là quý hóa, tiểu nhân xin đời đời kiếp kiếp ghi ân không hết, nào dám chối từ.

Vua Ba Tư Nặc liền gọi Thiện Quang công chúa đến phán rằng:

– Này con! Con nói ngày nay con được đẹp đẽ phú quý, được mọi người kính mến là chính tự phước báo của con. Để xem phước báo của con đến độ nào, nên nay cha đồng ý gả con cho chàng trai khốn cùng này. Vậy con hãy gấp rút ra khỏi thành nội ngay bây giờ, không được mang theo một thứ gì, để đi sống với nó.

Tuy bất ngờ, nhưng công chúa Thiện Quang chẳng những không buồn hận vua cha, mà còn không tỏ ra mảy may lo âu cho tương lai số phận mình. Nàng tin tưởng mãnh liệt vào nhân quả tội phước. Nên nàng thản nhiên từ giã đời sống công chúa nhung lụa giàu sang, không chút tiếc nuối. Nàng đổi áo hoa lệ cao quý của đời sống công chúa để mặc lên mình chiếc áo vải thô sơ, thường dân, không đem theo bất cứ một thứ gì. Nàng thản nhiên lạy vua cha từ biệt, rồi cùng với chàng ăn mày bước ra cửa sau vườn ngự uyển, lặng lẽ rời hoàng cung.

Công chúa Thiện Quang lòng không chút nao núng lo âu, thản nhiên cất bước. Đi một quãng đường xa, gối mỏi, chân cảm thấy đau, nàng hỏi chàng ăn mày:

– Thưa chàng, chàng ở nơi nào. Cách đây còn bao xa. Có nhà cửa gì để nương thân không?

Chàng ăn mày lòng áy náy ấp úng đáp:

– Không dấu diếm gì cô. Khi tôi vừa mới sinh ra, nhà tôi còn giàu có lắm, gia sản rất nhiều. Nhưng sau khi cha tôi trả áo từ quan, buồn lo thế sự không làm việc gì. Sau đó không mấy năm, gia đình sa sút hẳn. Cha tôi già lại buồn vì thân phận gia cảnh, nên sanh bệnh rồi chết sớm. Mẹ tôi cũng bị ảnh hưởng nỗi buồn của cha tôi rồi chết theo luôn. Lúc đó cha mẹ tôi bỏ lại cõi đời đứa con hãy còn thơ ấu là tôi. Tôi không còn cha mẹ nương náu hướng dẫn. Dần dần nhà cửa đổ nát với thời gian. Vườn nhà tuy rộng, nhưng không người chăm sóc, nên hoang phế. Ngôi nhà hoang phế của tôi cách đây không xa lắm cô à.

Thiện Quang công chúa nghe xong, lòng vui mừng bảo chàng ta rằng: Như vậy tốt lắm. Chúng ta trước hết nên đi đến nơi đó thăm nhà để nghỉ ngơi, rồi sẽ tính sau.

Không mấy chốc, công chúa Thiện Quang theo sau chàng ăn xin, vừa bước vào cổng lớn, một cảnh tượng nhà cửa phòng ốc cũ kỹ xiêu vẹo đổ nát, vườn đầy cỏ dại hoang tàn. Cả hai cùng đi xem khắp vườn một lượt. Khi đến một góc vườn, công chúa  Thiện Quang thấy có loại cỏ hương thơm ngạt ngào. Công chúa linh tính nghĩ rằng, thứ cỏ này chắc là cỏ thuốc có thể trị bệnh được. Nhân đó, một nguồn hy vọng vui vui nảy sanh trong lòng Thiện Quang. Đến một góc vườn khác, thấy bày ra một đống ngói đá gạch vụn cao như gò núi, không mọc một cây cỏ nào, công chúa lấy làm lạ, trèo lên ngồi nghỉ chân, nhìn quanh ngắm cảnh nguy nga hoa lệ của quan phủ ngày trước, nay đã hoang tàn.

Công chúa ngồi lấy tay bươi gạch đá vụn để khuây khỏa theo dòng tâm tư nghĩ vể thân phận mình. Bỗng phát hiện một tấm đá hoa cương bằng phẳng tuyệt đẹp. Thiện Quang kinh ngạc, mừng gọi nhỏ chàng ăn mày giúp sức với nàng để đỡ lấy tấm đá tinh mỹ kia lên dùng làm ghế ngồi. Thật lạ thay, vừa lật tấm đá hoa lên, nào ngờ tấm đá hoa cương kia chính là cái nắp đậy của một hàm vàng châu báu hiển hiện sáng chói.

Chàng ăn mày chưa từng thấy châu báu bao giờ. Nên vừa thấy, chàng ta kinh ngạc vui mừng vỗ tay nhảy nhót reo hò cười to khoái chí!

Để tránh người đời dòm ngó, công chúa Thiện Quang đưa tay ra hiệu khuyên chàng trầm tĩnh ngồi xuống để nhặt lấy của quý. Thiện Quang cùng chàng ăn mày quyết định ở lại khu vườn hoang phế. Sau khi bất ngờ được hầm vàng, Thiện Quang công chúa đã gọi nhiều tay thợ giỏi đến, y theo ý tưởng của nàng phác học xây cất nhà cửa lâu đài. Chẳng mấy thời gian, những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ hoàn thành. Mọi người xa gần đều tán thưởng khen ngợi. Tiếng khen đồn khắp, không mấy chốc đồn vào cả hoàng cung, đến tai vua.

Vua Ba Tư Nặc khi nghe tin đồn rất đổi ngạc nhiên, bán tín bán nghi, nghĩ rằng công chúa ra đi không đem theo một vật gì, kể cả nữ trang áo quần quí giá đều bỏ lại. Chàng ăn mày thì đói khổ rách rưới. Đúng ra thì cuộc sống của chúng nó phải khốn khổ lắm chứ. Sao mới đây lại được giàu sang, xây cất lâu đài huy hoàng không thua gì cung điện của ta? Lạ thật!

Nhà vua rất đổi kinh ngạc, nghĩ không ra. Thật công chúa Thiện Quang con ta có được phước báo lớn vậy sao? Mà phước báo từ đâu đến? Không tự giải đáp nổi về cội nguồn của phước báo, nên vua Ba Tư Nặc phải đến cầu thỉnh Đức Phật giảng giải về nhân duyên phước báo đời trước của công chúa. Đức Phật vì xót thương tâm địa vô minh ám chướng của vua Ba Tư Nặc, Ngài khai thị:

– “Này Đại Vương, thuở đời quá khứ có một vị Quốc Vương tên là Bàn Đầu. Vương hậu là một người rất mực sùng kính Tam Bảo, thích làm việc từ thiện bố thí.

Lúc bấy giờ Đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời thuyết pháp hóa độ chúng sanh. Sau khi Phật thị hiện tịch diệt Niết Bàn, Vương hậu nhớ tưởng đến Đức Phật, cho mời thợ giỏi khéo nhất trong nước vào cung để khắc tượng Phật tôn thờ cho đỡ bớt nhớ. Đồng thời để tỏ lòng tôn kính Đức Phật Tỳ Bà Thi, Vương hậu đêm đêm kính lễ tượng Đức Phật. Do lòng tin sùng tôn kính Đức Phật Tỳ Bà Thi Như Lai của Vương hậu với tâm nguyện đem tất cả châu báu dâng cúng Phật, bố thí người nghèo, sau đó Vương hậu còn phát nguyện rằng, trong tương lai đời đời được sanh vào nhà giàu, tin kính Tam Bảo, tiếp tục làm việc phước thiện, thân đẹp hương thơm.

Rồi đến thời Đức Phật Ca Diếp ra đời, giáo hóa chúng sanh, Vương hậu cũng sanh vào trong gia đình giàu có. Đối với việc bố thí từ thiện, bà lại càng tinh tấn phát tâm hơn. Nhứt là việc cúng dường phát tâm, không một chút lẩn tiếc. Có một lần nọ, Bà cung thỉnh Phật và Chư Tăng đến nhà để cúng dường thọ trai, nhưng chồng bà keo kiết lẩn tiếc cho rằng bố thí cúng dường là việc làm uổng của tốn tiền vô ích. Chỉ riêng một mình bà hiểu tin công đức bố thí được phước báo vô lượng thôi.

Nếu các đời trước không làm việc bố thí, thì đời nay không thể nào được phước báo như vậy. Trên đời này biết bao kẻ bần khốn? Bởi do những đời trước có tâm lượng hẹp hòi tham lam bỏn xẻn. Nên biết rằng, bố thí không những chỉ đem vật bố thí, mà thấy người khác làm hạnh bố thí, mình cũng nên khởi tâm vui mừng khen thưởng. Được như vậy, thì cũng sẽ tiêu trừ ác duyên tội chướng, tăng trưởng nhiều phước báo.

Hoàng hậu không những tinh tấn vui thích làm việc bố thí, mà còn hết lòng tìm cách khuyên chồng. Sau đó người chồng cũng tỉnh ngộ sửa sai, phát tâm cùng bà đồng làm việc thiện, bố thí, cúng dường, hộ đạo, tạo nhiều chùa viện tăng xá.

Phu nhân kia chính là tiền thân Thiện Quang. Người chồng keo kiết chính là chàng thanh niên khốn khổ ăn mày ngày nay vậy. Chỉ vì một niệm tham sân cua chàng ngày trước mà ngày nay phải chịu thống khổ suốt hơn nữa cuộc đời làm kiếp ăn mày”.

Phật nói tiếp: – Tâu Đại vương, thiện ác nhân quả báo ứng như bóng theo hình, quyết không sai sót. Một lần trồng, mười lần ăn. Đó là chân lý. Một hạt ổi được gieo và săn sóc kỹ thì nhất định sẽ hưởng được trăm ngàn trái ổi. Công đức bố thí cũng vậy!