TẠI SAO BỊ MA DỰA, NHẬP VÀ PHÁT CUỒNG
& CÓ NÊN XUẤT GIA KHÔNG

Sa môn Thích Hải Quang

Lời HOẰNG PHÁP:

1/- Vì quyển sách “THẾ NÀO LÀ XÁ-LỢI” sẽ được ban Hoằng-pháp của bổn tự xuất bản trong nay mai (kế sau quyển THƠ GỞI NGƯỜI HỌC PHẬT II nầy), cho nên loạt bài “Thế nào là XÁ-LỢI” còn lại xin được tạm ngưng ở nơi đây.

Vả lại, cũng bởi:

2/- Vì thư hỏi PHÁP gởi đến quá nhiều, cho nên ban Hoằng pháp cần phải tuyển lựa lại để xem những phần “Vấn pháp”nào quan trọng và có liên quan cùng cần thiết đến sự tu học chung của chư Phật tử để “Giải đáp”, nên loạt bài “THẾ NÀO LÀ XÁ-LỢI” còn lại xin được tạm ngưng nơi đây để chờ cho sự “thành hình” và ấn tống của quyển sách nầy trong thời gian sắp tới.

Xin quý Phật-tử và chư đạo-hữu thông-cảm cho.

* * *

Trong “Thư Gởi Người Học Phật” kỳ nầy, ban Hoằng Pháp xin được giải đáp các phần vấn đáp của quý Phật tử sau đây:

1/- Phật-tử QUẢNG HUỆ Trần Thành Tâm, Santa Clara, CA.
2/- Phật-tử THIỆN HUỆ Nguyễn Trần Thiên-Ân, Atlanta, Georgia.
3/- Phật-tử DIỆU HIỀN Bùi Thị Ðạt, Santa Ana, CA.

Lần lượt hỏi:

1/- Con thấy gần như đa số những người tu THIỀN (đôi khi cũng có một số người tu theo Tịnh-độ nữa) sau vài chục năm “hành THIỀN”(hoặc Niệm Phật) đều bị “ma dựa” làm cho phát cuồng (tâm, loạn trí), nửa tỉnh, nửa mê, – (giống như “Tẩu hỏa nhập ma” vậy), nói năng bậy bạ, sai trái với chánh pháp mà PHẬT đã từng thuyết dạy trong Kinh (như mấy người bạn đồng tu của con vậy)…

Ðó là tại sao ?

2/- Trong nghi thức “THẬP NHỊ DANH LỄ SÁM” (mà Thầy và cô BẢO-ÐĂNG) đã gởi cho con có đoạn KINH nói là xưng lễ 12 vị PHẬT (của 10 phương) trong vòng 10 ngày thì vô lượng, vô biên tội chướng tiêu diệt.

Con lễ sám theo nghi thức ấy đến nay cũng hơn 2 năm rồi mà sao vẫn chưa thấy chi cả?

Lại trong quyển “PHẬT THUYẾT A-DI-ÐÀ KINH” có đoạn dạy:

-“Niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày sẽ được NHỨT TÂM BẤT LOẠN”…

Con Niệm Phật mấy chục năm nay mà TÂM vẫn còn LOẠN y như xưa là tại sao?…

3/- Bạch thầy con có một đứa con gái, từ trước đến nay con vẫn thường khuyên nó đi chùa, lễ, niệm..v.v… nhưng nó không chịu nghe lời. Nay Nó bỗng dưng phát tâm đòi xuất gia dữ lắm. Khiến cho cả nhà ai nấy cũng lấy làm ngạc nhiên hết, chẳng hiểu do đâu và tại sao?

Việc nầy con kính xin nhờ Thầy khai-thị và chỉ dẫn xem con phải làm gì hay khuyên nhắc nó như thế nào?

GIẢI ÐÁP Câu hỏi thứ I:

Sở dĩ có “trường hợp đáng buồn” (phát cuồng (tẩu hỏa nhập ma) nầy là bởi vì những người tu theo pháp môn THIỀN thì:

– Chỉ sở cậy vào nơi “TỰ LỰC” (tức là ỷ-lại vào nơi “sức của RIÊNG MÌNH” mà TU TẬP thôi) chớ:

– Không chịu nương vào nơi “THA LỰC” (tức là chẳng cần cầu “PHẬT LỰC” gia hộ).

Cho nên:

Khi Họ dụng công phu “HÀNH THIỀN” đến lúc được “đắc lực” rồi thì hai phần:

– CHƠN (tức là TỊNH TÂM sẵn có).

– VỌNG (tức là hai phần “NGHIỆP LỰC” và “VÔ MINH VỌNG TƯỞNG” trong A-LẠI-DA THỨC công kích, lấn áp lẫn nhau).

Vì vậy nên:

– Hành giả tu THIỀN ấy THƯỜNG THẤY CÓ NHIỀU CẢNH GIỚI MỚI LẠ mà từ trước đến giờ chưa từng thấy biết, thoạt ẩn, thoạt hiện ra ở trong Tâm-tưởng.

(Trường hợp nầy cũng ví như có một cảnh giông bão to sắp sửa tạnh ráo, trời đang đen tối, bỗng lộ dần ra ánh sáng, phút chốc (gió đùa làm cho) mây đen họp lại, cho nên (bầu trời) thay đổi thành ra cảnh sắc âm-u, không sao lường trước được).

(Phụ-chú:

Trong “TRẦN TÂM ÐIÊN ÐẢO” của Ta thì bởi vì do nơi nghiệp “vô minh vọng tưởng” từ vô thỉ kiếp đến nay kết tụ lại thành ra một bức màn “tối tăm u-ám” dầy đặc, che phủ Chơn tâm. Nay do vì có công tu THIỀN, cho nên trong những lúc dụng công (phu) đắc lực, cảnh giới “THẤU TIÊU TỨC” (tựa như gió thổi đùa mây đen khiến cho (mây) có khi tan, khi tụ) hiện ra.

Hễ mà:

a/- Khi mây đen – (tượng trưng cho “vô minh, hắc nghiệp”) – được (tạm) giãn ra đôi chút, thì mình sẽ thấy được một ít ánh sáng của mặt trời (ý nói là hành giả tu Thiền ấy cảm thấy “thần khí” có được chút đỉnh trí-huệ sáng suốt).

Còn nếu như:

b/- Mây đen mà hiệp trở lại – (tượng trưng cho việc mình giải-đãi TU HÀNH hoặc là không thắng nổi NGHIỆP) – thì thấy đầu óc, thần trí tối tăm, hôn mê lại y như cũ (ý nói là ba hồi tỉnh, bốn hồi mê).

Việc tu THIỀN (làm cho bị phát cuồng) mà đạo hữu đã hỏi đó cũng giống y như vậy.)

Những “CẢNH GIỚI” thắng diệu mà hành giả tu THIỀN được tạm thấy biết trong khi trí huệ chợt bừng sáng lên trong một thời gian ngắn nào đó (do dụng công (phu) Hành Thiền đến mức đắc lực) hay bị lu mờ, tắt mất đi (tức là “thần trí trở nên u-mê như cũ do vì tâm tánh giải-đãi (lười biếng), buông lung và sự dụng công hành THIỀN bị gián đoạn mà gây ra).

Cho nên kẻ tu THIỀN ấy:

– Ba hồi thấy thế nầy (tỉnh, lành tốt), ba hồi thấy thế khác (mê, xấu ác).

– Ðôi khi thấy được chút ít “thánh cảnh” (do “tâm thanh-tịnh” hiển hiện ra).

– Ðôi khi thấy ma cảnh (do nghiệp ác và các thứ vọng tưởng trong Trần Tâm… biến hiện ra).

Những thứ “CẢNH GIỚI” (hoặc) CHƠN, (hoặc) VỌNG hoặc THÁNH, hoặc MA….ấy, nếu như chẳng phải là người có đủ đạo nhãn, có đủ chánh kiến… tất khó thể nào phân biệt được đâu đúng, đâu sai.

Thoảng như đối với “Ma cảnh” mà (vì TÂM TÁNH bị u-mê) nên lầm nhận cho đó là Chơn thật, rồi chấp lấy, dựa vào, cùng y cứ ở nơi (các giả cảnh giới) đó lâu ngày, tất nhiên là Hành giả ấy sẽ bị lâm vào trong cảnh:

   MA DỰA PHÁT CUỒNG  (gọi cho dễ hiểu là: – Tẩu hỏa nhập ma)

không thể nào cứu chữa được.

Cho nên hành giả tu THIỀN rất cần phải tựa nương nơi bậc Minh sư, thiện hữu, để nhờ vào sức trí huệ và kinh nghiệm của các VỊ đó chỉ dẫn dắt dìu cho, thì mới khỏi bị tổn hại.

Vả lại, đa phần những người tu THIỀN trong thời buổi MẠT-PHÁP ngày nay thì thường hay bị lâm vào trong cảnh “NGỘ NHẬN THIỀN” hết cả.

Như thế nào?

Tức là có nhiều kẻ thông minh (theo lối “Thế Trí biện thông”) của người đời, mỗi khi đọc đến các sách luận dạy nói về Thiền tông, thấy có được chút đỉnh “ý vị”, thì liền tự cho rằng mình là người “THIỀN KHÁCH”, muốn làm một bậc cao nhơn. Họ không biết thế nào là THIỀN (hoặc TỊNH) chi cả, lầm chuốc lấy lỗi tự tôn, tự đại, khởi lòng “Tăng thượng mạn”, (nên từ đó trở đi) cứ chuyên môn nói “THIỀN LÝ” trên đầu môi, chót lưỡi – (để cầu danh đối với những người không biết đạo chung quanh) – hoặc tự sánh ví là mình đã được (đắc đạo) ngang bằng với các bậc THIỀN TỔ ngày xưa !!!

Ngoài ra, Họ lại có thêm vào các thứ “TRẦN TÂM” sai lầm khác nữa, chẳng hạn như là Tu Thiền chỉ vì mục đích để :

– Vọng cầu phước huệ,
– Ham muốn danh lợi,
– Ưa thích thần thông.

Lại còn thêm:

– ÐẠO-LÝ không minh (không rành rõ về Phật Pháp),
– Chẳng có CHÁNH KIẾN,
– GIỚI, ÐỊNH, HUỆ lực đều KHÔNG,
– TÂM BỒ-ÐỀ chẳng phát sanh,
– Tấm lòng lợi danh, hơn thua… hãy còn lừng lẫy.
– v.v…

Vì thế cho nên “ma chướng” và các “oan gia”, nghiệp báo….từ nhiều đời trước nhân cơ hội đó mà dựa vào khiến cho hành nhơn ấy PHÁT CUỒNG là như vậy.

Ðó là lỗi tại sự DỤNG TÂM và DỤNG CÔNG tu hành không chánh của các Hành giả tu Thiền kia, chớ chẳng phải là lỗi tại pháp môn tu đâu.

Việc nầy phải được (tạm) hiểu cho như vậy.

Còn Ðạo hữu lại nói việ : – Có một số Người tu theo pháp môn TỊNH ÐỘ, tức là NIỆM PHẬT lâu ngày, mà bây giờ bỗng dưng bị phát CUỒNG (tâm, loạn trí nói năng bậy bạ sai trật với Kinh điển…) như đạo hữu đã thấy, đó là bởi vì:

Người NIỆM PHẬT ấy không thông giáo lý, chẳng xem kỹ QUÁN KINH (tức là Kinh QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ), nên không rõ được những“LÝ” sau đây:

– Tức TÂM là PHẬT.

(Tâm thanh tịnh tức là PHẬT)

– Tâm TỊNH thì PHẬT hiện.

Còn nếu như:

– Tâm BẤT TỊNH thì PHẬT ẩn (mất).

v.v…

– Ngoài TÂM không PHÁP.

– Ngoài PHÁP không TÂM.

 (Tức ý nói là:

– Các PHÁP (kể luôn cả PHẬT, Bồ-TÁT và các vọng cảnh hoặc thánh cảnh khác… đều do nơi trong TÂM – hoặc Tịnh hoặc bất tịnh – thể hiện ra cả chớ chẳng phải là từ bên ngoài đi vào (TÂM) đâu)…

Cho nên hành giả Niệm Phật đó chẳng biết “LÝ”:

– Các cảnh đều do DUY TÂM hiện ra chớ chẳng phải từ bên ngoài mà đến, không nên chấp trước (tức là đừng khởi TÂM quá tha thiết cầu đạt, cầu thấy…. cho kỳ được).

Vả lại kẻ Niệm Phật đó bởi vì :

– Cảnh QUÁN chẳng thuần.

– Lý đạo chưa thấu suốt.

– Niệm Phật chưa được “nhứt TÂM”.

– TÂM NIỆM không chuyên nhất.

– Tu hành không TINH TẤN.

– GIỚI, ÐỊNH, HUỆ chẳng vững chắc (hoặc chẳng có được chút chi cả).

Mà nay đem TÂM vội gấp muốn thấy được các thánh cảnh Tây phương hoặc là cầu thấy PHẬT, BỒ-TÁT, v.v… thì:

Toàn thể TÂM ấy đã là (TÂM) vọng (tưởng) rồi.

Nếu TÂM đã VỌNG như thế thì quyết-định:

KHÔNG THỂ NÀO THẤY ÐƯỢC PHẬT HOẶC THÁNH CẢNH… CHI CẢ

Tại sao?

Bởi vì TÂM (VỌNG) ấy chẳng những :

KHÔNG CẢM ỨNG ÐẠO GIAO ÐƯỢC VỚI PHẬT

Mà (sự việc đó) lại còn thêm:

LÀM NHÂN CHO CÁC VIỆC MA.

Lại nữa:

– Cũng bởi vì việc NIỆM PHẬT không được NHỨT TÂM mà vội gấp muốn thấy CẢNH, cho nên (trần) TÂM ấy càng ngày càng thêm vọng động, khiến cho oan gia nhiều kiếp trước (Nghiệp báo) và ma chướng nhơn vào cơ hội hiếm có ấy mà hóa hiện ra các “giả cảnh giới” làm mê hoặc, khiến cho hành giả Niệm Phật ấy bị mê lầm.

– Bởi ban đầu sự dụng TÂM Niệm Phật đã không chơn và chẳng có chánh kiến rồi.

Thì kẻ Niệm Phật kia:

– Ðâu biết (những cảnh được thấy) đó chỉ là giả cảnh giới do MA hóa hiện ra (mà thôi).

Nên từ đó trở đi (y ta cứ):

– Sanh lòng vui mừng, khấp khởi hoài, tình niệm chẳng yên (tức là TÂM luôn bị loạn động).

Nhân đó:

– MA liền dựa nhập vào làm cho MÊ MỜ MẤT TÂM TÁNH mà phát sanh ra CUỒNG TÂM, LOẠN TRÍ…

Là như vậy, 

Cho nên:

– Người tu hành (theo PHẬT PHÁP) dù là tu THIỀN hay tu TỊNH (hoặc bất cứ pháp môn nào khác đi nữa) cũng phải thường xuyên lắng lòng, lượng xét cho kỹ lại căn cơ và sự lập tâm tu tập ban đầu của mìnhđừng khởi TÂM ham tưởng các việc cao xa, quá sức (mình) mà trở thành ra mang hại.

Liên tông Nhị Tổ THIỆN ÐẠO HÒA THƯỢNG (là ứng thân của đức Phật A-DI-ÐÀ) có lời dạy rằng:

– “Chúng sanh trong đời MẠT PHÁP, thần thức rối loạn, cho nên nếu như đem “TÂM THÔ” (tức là Trần Tâm điên đảo) ấy mà quán cảnh NHIỆM (mầu) (tức là Thánh cảnh) quyết khó thành tựu được”.

Vì thế cho nên đức PHẬT xót thương, khai mở ra môn tu phương tiện “TRÌ DANH” (tức là NIỆM PHẬT), đó là tại sao?

Bởi vì NGÀI:

E rằng có kẻ “Niệm Phật” mà không biết khéo “dụng tâm” (như những lời Tôi vừa mới bày tỏ ở trên) tất sẽ (rất dễ dàng) bị lạc vào trong “MA CẢNH” vậy.

Tu theo pháp Trì danh (Niệm Phật) nầy rất dễ, bởi lẽ là chỉ cần giữ một NIỆM “NAM MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT” nối nhau không dứt, tất sẽ được vãng sanh.

Trong pháp môn tu đó lại còn có thêm vào các TÂM NIỆM lành khác nữa như là : – chí thành, khẩn thiết, phát NGUYỆN v.v… cũng lại là những phương pháp mầu nhiệm để đối trị “vọng tâm” và các “ma cảnh” (làm DUYÊN cho phát CUỒNG đã nói trên kia …) nữa vậy. 

Tóm lại:

– Người đời nay, sau một thời gian tu niệm, phần nhiều hay bị MA DỰA NHẬP vào làm cho PHÁT CUỒNG (tâm, loạn trí) nguyên do đều là:

– DÙNG PHÀM TÂM VỌNG ÐỘNG.

Ðể:

– CẦU MONG THẤY ÐƯỢC CÁC CẢNH GIỚI LẠ THƯỜNG, hết cả.                

Ðó là:

 LỖI TẠI NGƯỜI TU (chẳng biết khéo DỤNG TÂM).

Chớ:

 CHẲNG PHẢI LÀ LỖI TẠI PHÁP MÔN TU, đâu.

(Phụ-chú 1:

Vả lại, đạo hữu cũng cần phải nên biết thêm điều quan trọng nữa rằng :

– Chúng ta (nói chung) và các liên hữu khác tu theo pháp môn NIỆM PHẬT, khi chưa đạt được “NHỨT TÂM” và (cũng chưa) chứng được “NIỆM PHẬT TAM MUỘI” thì đương nhiên là:

TÂM LÀM SAO CHO KHỎI CÓ VỌNG NIỆM?

Nhưng việc quan trọng là:

1/- Phải biết đem TÂM soi chiếu vào bên trong.

(Tức là: – Xoay ngược cái “NGHE” lại mà “NGHE” vào trong “tự tánh của mình” như Ðức QUÁN THẾ-ÂM Bồ-Tát đã dạy trong Kinh LĂNG-NGHIÊM vậy) – Ý nói là nên thường xuyên quán xét lại Tâm tánh của mình mà tu sửa, chớ đừng nên để cho bị lời nói, âm thanh, v.v… (cùng với các sự  thấy, nghe, hay, biết – (Kiến, Văn, Giác, Tri) khác…. ở chung quanh, bên ngoài…. làm cho TÂM bị vọng động).

2/- (Ðừng để cho TÂM) chạy theo và lệ thuộc quá nhiều vào các thứ “vọng cảnh giả dối” bên ngoài (tức là đừng để cho lục trần Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp làm hại, làm mê Tâm đi, thì đó đã là điều đáng quý lắm rồi.

Ví như có hai “trận chiến” đối nhau, thì vị tướng chỉ huy (tức là mình) cần phải giữ thành luỹ mình cho chắc-chắn (tức là phải năng quán chiếu và gìn-giữ TÂM của mình cho kỹ-lưỡng), đừng để cho giặc (lục trần, ngũ dục) xâm phạm vào. Hễ khi quân giặc (ngũ dục, lục trần) kia kéo qua thì liền đón lại mà đánh.

Bằng cách nào?

Ðó là phải:

1/- Phải đem đạo “binh chánh kiến” của mình ra mà bao vây bốn phía (ý nói là phải thường luôn sáng suốt quán sát và phòng TÂM cho kỹ lưỡng).

Khiến cho:

2/- Ðối phương không còn đường nào tẩu thoát được nữa, mà phải chịu đầu hàng.

Ðiều cần yếu là vị CHỦ SOÁI (tức là, Tâm của Mình phải cho MINH, cho ÐỊNH) phải thường tỉnh táo, đừng để cho bị hôn trầm, biếng trễ…

Nếu phạm nhằm hai lỗi (hôn trầm và biếng trễ nầy) thì:

3/- Chẳng những không phá được giặc (phiến não, thị phi, ngũ dục, lục trần)

Mà còn:

4/- Trở lại bị giặc tiêu diệt nữa (tức là bị rớt, hoặc bỏ tu… luôn).

Cho nên nếu như :

– Người NIỆM PHẬT nào mà không biết “nhiếp Tâm” để đối trừ vọng tưởng, phiền não v.v…

Thì:

– Càng NIỆM PHẬT nhiều bao nhiêu, TÂM càng sanh ra lắm VỌNG NIỆM bấy nhiêu.

Còn nếu như (người Niệm-Phật nào) mà:

– Có thể “NHIẾP TÂM” được

Thì:

– VỌNG NIỆM sẽ yếu bớt,

Và rồi:

– Dần dần bị tiêu diệt hẳn đi.

Tổ sư có lời dạy rằng:

NIỆM PHẬT (học đạo) dường như giữ cấm thành,
Ngày phòng 6 giặc (lục trần) tối tinh chuyên (tu hành).
Tướng quân (là Ý thức), chủ soái (là 5 thức Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân) đều y lịnh,
Chẳng động đao thương nước thái bình.

(Ý nói: – Nếu tu được như (trên vừa nói) vậy, thì Tâm sẽ “thanh tịnh”, được “cảm ứng đạo giao” với PHẬT A-DI-ÐÀ và sẽ được vãng sanh về cõi nước CỰC-LẠC).

(Phụ chú 2:

Vả lại người tu hành, dù là Thiền tông hay Tịnh độ tông v.v… gì gì đi chăng nữa, sở dĩ bị Ma phá làm cho phát CUỒNG (Tâm, loạn trí (Tẩu hỏa nhập ma), một phần cũng là do nơi “túc nghiệp” gây ra, cho nên hành giả ấy phải biết:

a/- Thành khẩnchí thiết sám hối và chân chánh phát tâm Niệm Phật tinh tiến trở  lại.

Thì :

– MA TÀ sẽ tự nhiên xa lánh.

– Thần trí ắt sẽ dần-dần tỉnh táo lại và phát sanh ra Trí-huệ…

Ngược lại, nghĩa là:

Nếu không có lòng thành khẩn mà còn khởi thêm ra các thứ niệm tà-dâm, bất chánh, thì TÂM TRÍ sẽ bị sa lại vào trong sự u-ám, tối tăm, thử hỏi : – làm sao tránh khỏi bị ma nạn khuấy phá cho được ?

Cho nên sau mỗi thời khóa Niệm Phật, hành giả tu Tịnh-độ ấy cần phải hồi hướng và cầu nguyện cho “các oan gia, nghiệp báo” đời trước của mình, khiến cho bọn “oán báo” kia đều nhờ vào công-đức niệm Phật và Hồi hướng đó mà được thoát khổ luân-hồi, sanh về cõi lành…

b/- Lại còn có như vầy nữa:

Người Niệm Phật ấy, nếu như:

– Biết dụng công phu tu hành siêng năng, tinh tấn.

Thì :

– TÂM NIỆM dần được thuần thục, quy nhất.

Ắt (tự nhiên) được:

– Cảm ứng đạo giao cùng với PHẬT, THÁNH…

Mà:

– Tự có thể thấy được cảnh giới lành (Thánh cảnh).

(Giả sử như tu hoài mà vẫn không thấy được cảnh giới lành nào hết đi chăng nữa, cũng đừng nên khởi TÂM lo ngại chi cả).

Nếu như: – Bỏ SỰ tinh tấn và chuyên chú “dụng công” mà vội gấp muốn được nhứt tâm, được tương  ưng với Phật, hay thấy được cảnh giới lành, v.v…

Thì:

– Vọng tưởng ấy sẽ khiến cho TÂM bị rối nùi đi !.

– Tâm niệm “cầu mong” sai lầm (vọng tưởng) kia càng ngày càng cấu kết nặng ở nơi lòng !!!…

Ðây là chứng bịnh lớn lao, nguy hiểm nhất của các người tu niệm. (nhất là các kẻ chỉ HÀNH sự tu của mình qua Kinh sách dạy mà thôi, chớ không được bậc Minh sư, Thiện hữu chỉ dẫn, dắt-dìu)

Bởi vì (nếu bị):

– Như thế lâu ngày, thì những “oan gia, nghiệp báo” nhiều đời trước của mình sẽ được tiện dịp nương theo các TÂM “vọng tưởng” ấy mà hóa hiện (giả dối) ra các cảnh :

 – Hoặc là giả hiện ra thân PHẬT.

– Hoặc là giả hiện ra các cảnh giới tốt lạ (thánh cảnh).

– Hoặc là giả hiện ra ao sen, cây báu…v.v…

Ðể mong báo oán và phá huỷ công phu tu niệm của mình….

Lúc ấy, vì tự mình:

– Ðã không có chánh kiến (để thấy biết đâu là thật, đâu là giả).

– Không rõ toàn thể cảnh ấy đều là do ma lực giả biến hóa ra.

Cho nên:

– Khi vừa thấy được các thứ cảnh (giả dối) ấy, thì trong TÂM liền sanh ra NIỆM hoan-hỷ, rồi khởi lòng say mê, chấp trước – MA sẽ được tiện dịp nương vào các vọng niệm nầy mà nhập vào trong tâm khảm, khiến cho “hành nhơn” đó bị trở thành ra (điên) cuồng.

Ðến mức nầy rồi thì:

DÙ CHO CÓ PHẬT SỐNG CŨNG KHÔNG SAO CỨU ĐƯỢC!

Phải nên nhớ cho thiệt kỹ (và học biết rõ) điều nầy, mới khỏi bị ma, oán làm hại trong con đường tu tập.

Chớ quên.

Lại nữa, người Niệm Phật không phải:

a/- Chỉ lo chuyên chú tu theo sự tướng ở bên ngoài không thôi (đâu).

(Tức là lo chưng diện bề ngoài để mua danh, cầu lợi).

Mà phải (bắt buộc) nên thêm vào các việc :

b/- Ðể ý dứt trừ các thứ phiền não bên trong (nội tâm).

Cùng với sự sửa-đổi và loại trừ :

c/- Các Tập nghiệp tà quấy, các ý niệm xấu xa nữa.

Nếu như:

 1/- Phiền não bớt đi được một phần.

Thì:

 2/- Công phu niệm Phật sẽ được tăng lên thêm một phần.

Còn trái lại (tức là cứ việc phóng TÂM) :

 3/- Ðể cho các thứ phiền não tà quấy và ý niệm xấu xa… tăng trưởng lên hoài.  

Thì:

 4/- Công hạnh niệm Phật tất nhiên phải bị lui kém.

Cho nên:

CÓ NGƯỜI CÀNG TU HÀNH LẠI CÀNG BỊ PHÁT CUỒNG HOẶC ÐỔ NGHIỆP THÊM RA (cho chí đến bỏ Tu luôn) LÀ VÌ CÁC NGUYÊN DO NHƯ (trên vừa nói) VẬY. 

Xin được tạm giải đáp như thế.

Mong đạo hữu hãy nhơn (lời giải thích trên) đây mà chân thật quán xét lại TÂM TÁNH và CĂN CƠ của riêng mình hầu phát TÂM chí thành tu tập, đừng nên để cho bị lâm vào trong các cảnh trạng không tốt như các (người bạn) kia.

Trân-trọng.

GIẢI-ÐÁP Câu hỏi thứ II:

Nếu như đã thực là một người Phật tử rồi, thì:

Ðối với những lời PHẬT (là bậc Pháp Vương toàn giác) đã dạy trong KINH, quyết định phải tin nhận theo chớ không nên nghi hoặc, vì (các“thánh ngôn”) đó chẳng phải là cảnh giới thấy biết do “vọng thức phân biệt” sai lầm, kém cỏi của hàng phàm phu bạt địa chúng sanh chúng ta đâu.

Trong nghi thức THẬP NHỊ DANH LỄ SÁM DIỆT TỘI nói rằng:

– “Nếu có người nào xưng lễ 12 danh-hiệu của chư PHẬT trên đây trong vòng 10 ngày, (và còn thêm) – SÁM-HỐI tất cả các TỘI (nữa)…

(Phụ chú:

Trong phần “SÁM HỐI” nầy thì:

– Một chữ HỐI” ấy quyết định phải do tận nơi đáy lòng mà phát lộ. Nếu như không thật tâm ăn năn, chừa cải, thì:

– Dù có nói “HỐI” mấy cho lắm cũng bằng thừa!

Hoặc là:

– Dù cho có nghe nhận được cả ngàn muôn lời thuyết pháp hoặc khai thị –  (hay đến thế mấy đi chăng nữa) – quyết định cũng như không (nghe) mà thôi.

Tại sao?

Vì nếu giả sử như có người bịnh nào đó đọc được “phương thuốc hay” mà vẫn không chịu bổ thuốc và sắc uống, hỏi làm sao bịnh ấy được lành ?

Còn nếu như:

Có thể y theo cách trị đúng thuốc, chắc-chắn bịnh sẽ tiêu trừ, thân tâm yên ổn ngay.

Việc SÁM HỐI được nói ở đây cũng giống y như vậy (bất cứ là HÀNH theo phương pháp “sám hối” nào) chỉ lo là kẻ SÁM HỐI ấy lập chí chẳng bền, cho nên trở thành ra cảnh :

– Một ngày phơi nắng, 9, 10 ngày để lạnh.

Sám-hối như thế ắt cũng chỉ luống có danh suông mà thôi, chớ nào có thu được chút phần thiết-thực (là được tiêu tội) chi đâu !!!

Cho nên trong Kinh dạy:

“Trong đời có hai loại người anh-dũng, đó là:

– Một người không tạo TỘI.

Và:

1– Một người đã (lỡ) tạo TỘI (rồi) mà biết thành tâm SÁM HỐI”.

Phải hiểu rằng:

Những “tội nghiệp” đã qua, tuy là rất nặng nề, to lớn nhưng nếu biết (thành tâm phát lồ) sám hối (như trên vừa nói), rồi y theo các sự hiểu biết chân chánh đã có của mình (chánh kiến), mà quyết chí tu hành theo Tịnh nghiệp (Tu Tịnh độ), lợi mình, lợi người thì tội nghiệp kia quyết định sẽ tiêu mòn, tâm tánh dần-dần được mở thông, tỏ sáng vậy).

2/- KHUYẾN THỈNH chư PHẬT trụ thế và chuyển pháp luân.

3/- TÙY HỶ công đức của tất cả chúng sanh.

4/- PHÁT NGUYỆN và HỒI HƯỚNG các căn lành của mình tu về giải thoát v.v…

Thì kẻ Sám hối và tu hành ấy, quyết định sẽ tiêu trừ được tất cả tội, đầy đủ hạnh Bồ-Tát, cho chí đến thành tựu được quả “Vô thượng Bồ-đề”…

Sở dĩ đạo hữu tu theo pháp môn “Thập Nhị Danh Như Lai sám hối diệt tội” nầy đã lâu rồi mà VỌNG TÂM và NGHIỆP CHƯỚNG vẫn còn thấy y nguyên như cũ là bởi vì không khéo dụng công, chẳng hạn như hoặc là bị lâm vào trong các cảnh :

1/- Ngồi (tu) chưa ấm chiếu,
Chạy khắp Tây, Ðông.
Thân như sai dịch,
DANH LỢI mê lòng…

Vả lại, người tu hành chúng ta (nói chung) và đạo hữu (nói riêng) cần phải biết rằng :

Dù cho mỗi ngày có sám lạy đủ 12 danh hiệu PHẬT theo trong pháp sám hối “THẬP NHỊ DANH NHƯ-LAI Diệt tội” kia đi chăng nữa, mà:

– TRẦN TÂM VỌNG ÐỘNG VẪN CÒN Y NGUYÊN (như cũ)

(Tức là mãi-mê chạy theo 2 đường Danh, Lợi).

– KHÔNG THẬT LÒNG CHỊU DỨT TRỪ LỖI MÌNH.

– CHẠY THEO GIẢ CẢNH (ngũ dục, lục trần) HOÀI KHÔNG NGỪNG.

Thì:

– LÀM SAO MÀ TỊNH TÂM CHO ÐƯỢC?

Và mong:

– NGHIỆP CHƯỚNG ÐƯỢC TIÊU MÒN?

Lỡ như bị ma oán dựa nhập vào làm hại, khiến cho phát CUỒNG (Tâm, loạn trí), như những hành giả tu THIỀN, tu TỊNH (mà đạo hữu đã nói) kia thì sẽ bị mang lỗi nặng nề đối với TAM BẢO.

Ở CHỖ NÀO ?

Ở các chỗ:

– Bởi vì những người đời (không biết đạo), hoặc các kẻ ngoại đạo, tà giáo, phỉ báng chánh pháp… sẽ được dịp may hiếm có, rồi nhân vào đó mà Họ mỉa-mai rằng:

– Tu hành (mà bị điên khùng) như vậy thì Tu làm chi?

– Tại vì tu theo PHẬT PHÁP cho nên mới bị hại như thế đó (chớ nếu tu theo đạo của tụi tôi thì làm gì có chuyện đáng buồn như vậy) !!

– Tu theo PHẬT PHÁP, chẳng những không được lợi-ích gì, mà còn bị tổn hại thêm !!…

Do các “sự kiện” (thấy bị phát CUỒNG) cho nên Họ (các hàng ngoại đạo, tà giáo kia) mới:

– Tìm đủ mọi cách để ngăn trở kẻ khác tu niệm (theo đạo PHẬT).

– Chê bai chánh pháp của NHƯ-LAI.

– Phá huỷ trí huệ (non kém) và căn lành còn sơ-bạc của người thiện tín.

– Lấp mất con đường giải-thoát của kẻ thiện căn

Chớ (người đời) mấy ai chịu hiểu cho rằng:

– Lỗi ấy là tại do (ở) nơi mình không thực hành đúng theo Phật pháp đâu !!!

Cho nên điều quan yếu của người tu (hoặc Thiền, hoặc Tịnh) l :

1/- Phải biết điều hay (mà theo)điều dở (mà tránh).

2/- Gắng sức thực hành đúng theo lời PHẬT, BỒ-TÁT, Tổ-sư đã chỉ dạy trong Kinh, Luận…(mà chân thật, và giữ cho kiên-cố sự phát tâm tu tập lúc ban đầu, đừng để cho NÓ bị lạc mất đi).

3/- Chăm chỉ tu hành làm sao cho được sự cảm-thông (cảm ứng đạo giao) trong thầm lặng.

thì:

VIỆC ÐÓ MỚI CHÁNH, MỚI HAY, MỚI LÀ ÐÁNG NÓI…..vậy.

Nếu như giữ kỹ lưỡng được TÂM mình mà TU TẬP mãi cho đến trọn đời (theo các lời Tôi vừa mới bày-tỏ ở trên), thì :

 LÀM SAO MÀ PHÁT CUỒNG (Tâm, loạn trí).

– LÀM SAO BỊ MÀ, TÀ DỰA VÀO LÀM HẠI.

– HAY “TẨU HỎA NHẬP MA”…..

cho được.

Ráng nhớ, ráng nhớ, chớ quên.

(Phụ-chú 3:

 Nên biết rằng (tóm tắt lại các ý trên):

Bởi vì những người Tu mà bị phát CUỒNG (khùng khịu) như đạo hữu đã thấy và thưa hỏi đó HỌ HÀNH PHẦN SỰ (tu tập) trái lại (với các lời trình bày trên) cho nên mới bị lâm vào cảnh “đường xưa lối cũ” như vậy.)

 – Kế đến nữa, như lời đạo hữu đã hỏi : trong “Kinh A-DI-ÐÀ” có nói :

– “Giữ niệm lấy danh hiệu (Phật A-Di-Ðà) từ MỘT NGÀY cho đến BẢY NGÀY, một lòng không loạn,” …

Nhưng:

– Niệm hoài mà TÂM vẫn cứ BỊ LOẠN (như cũ) là tại sao ?

Người Niệm Phật (nói riêng) và kẻ tu theo Tịnh-độ có chánh kiến (nói chung) phải nên biết rằng :

– Ðây là lời nói tỉ-lệ (tức là sự “so-sánh công đức” trong pháp môn NIỆM-PHẬT, chớ chẳng phải là lời nói quyết định) vì vậy mà chẳng nên cố-chấp vào (tức là đừng một bề chịu chết trong lời Kinh) mà phải xét hiểu đến cái  PHÁP NGHĨA  (thâm nghĩa) của các lời PHẬT dạy.

Như thế nào ?

Nếu như hành giả Niệm Phật đó có “căn-tánh đẳng-giác” (tức là Thượng-thượng căn) thì:

a/- Một NIỆM (10 câu) liền được “Một lòng không loạn” ngaychớ đâu có cần:

PHẢI ÐỢI ÐẾN MỘT NGÀY

b/- Một ngày mà đã KHÔNG ÐỢI rồi thì còn nói chi cần phải “chờ đến bảy ngày” ư?

Còn ngược lại, đối với những hạng người căn tánh TỐI HẠ, NGHỊCH ÁC  như chúng ta đây (nói chung) và đạo hữu (nói riêng) thì dù cho có NIỆM PHẬT hoài, đến trọn đời đi (chăng) nữa, cũng khó được nhứt tâm, huống chi là 7 ngày ?!

Vả lại, điều mà Tôi thấy cần-thiết phải bày tỏ ra đây để “cảnh giác” đến cho những người tu tập (nói chung) trong thời buổi Mạt pháp đời nay (trong đó có cả Tôi nữa) là :

– Phải thiết thật tu hành vì cần cầu giải thoát.

– Ðừng tự “khi dối” mình và khi dối người.

– Ðừng phô trương bề ngoài để mưu cầu danh tiếng, lợi dưỡng (cho cá nhân). 

Còn như ở trong đường tu, về việc thực hành phần SỰ thì phải luôn nhớ biết rằng:

– Các PHÁP LỄ (lạy) NIỆM (Phật) TRÌ (chú) TỤNG (Kinh) quyết định phải nên :

LẤY LÒNG “THÀNH-KHẨN, CHÍ-THIẾT” MÀ LÀM CHỦ VÀ ÐẶT ÐỂ Ở HÀNG ÐẦU.

Nếu như có:

a/- Thành khẩn và chí thiết đến mức cùng cực, thì dù là phàm tăng bạt địa, công đức tu hành chưa đầy đủ, nhưng vẫn thu được KẾT QUẢ khó thể nghĩ bàn.

Còn ngược lại, nghĩa là :

Chỉ tụng niệm lếu láo cho qua ngày, đoạn tháng, giống như “trả nợ cho PHẬT hoặc làm “vừa lòng thí chủ” (trường hợp tụng đám cầu-siêu hoặc chuyên làm ma chay ăn tiền) hay dối gạt các hàng đàn na tín-thí để mua danh, cầu lợi…. thì sự LỄ NIỆM, TRÌ TỤNG ấy (nếu như) xét cho kỹ ra thì :

– Có khác nào (so với) những kẻ múa hát trên sân khấu đâu !!!

Như vậy thì rất là mang lỗi. 

Tại sao?

– Bởi vì đối với các kẻ múa hát, làm tuồng trên sân khấu thì dù cho họ có dùng hết sức để diễn bày ra những nét KHỔ, VUI, THƯƠNG-CẢM..v.v… nhưng thảy đều là GIẢ TRANG hết cả (chỉ để ăn tiền thôi) chớ chẳng phải là tự ở nơi đáy lòng phát lộ.

Người giả tu hành, lễ niệm với mục đích mưu cầu lợi dưỡng, danh tiếng v.v… mà không vì lòng chí-thành, khẩn-thiết, cầu cho nghiệp chướng tiêu trừ, thoát khỏi vòng khổ lụy như vậy… thì có khác nào như những kẻ giả-trang làm tuồng trên sân khấu ấy đâu !!

Việc (giả lễ, niệm) ấy nếu như có thu thập được chút phần phước đức nào đi chăng nữa, chẳng qua cũng chỉ là được chút đỉnh SI PHƯỚC nơi cõi TrờiNgười mà thôi.

Còn như muốn nhờ vào đó để giải-thoát, vãng-sanh (thì việc ấy) quyết không bao giờ có được.

Hơn nữa cái SI PHƯỚC (tức là có PHƯỚC mà không có HUỆ) ấy chính là chỗ mà người đời y-cứ vào để gây tạo ra vô lượng nghiệp ác về sau vậy. Hãy xem lại sử sách của các nước Ðông, Tây đi, ắt sẽ thấy… những hàng bạo chúa, hôn quân, giàu sang, trọc phú xưa nay, mấy ai chẳng phải là những kẻ hưởng được SI PHƯỚC trong kiếp trước ?

Cho nên cái :

Yếu quyết của người tu niệm (bất cứ hành trì theo pháp môn nào cũng vậy) là phải DỨT DỮ, LÀM LÀNH thành thật kiểm điểm lấy TÂM mình, thì Tôi thấy không chi hay (hơn) bằng phép  CÔNG QUÁ CÁCH (tức là ghi chép lại việc lành dữ hàng ngày của mình trong sổ tay…)

Nhưng nếu như không có lòng thành kính, thì dù cho có ghi chép tội lỗi mỗi ngày (hoặc tu-niệm, lễ-bái v.v… nhiều cho đến thế mấy đi chăng nữa), cũng chỉ là việc suông mà thôi, chớ chẳng được ích-lợi gì !

Cứ theo chỗ hiểu biết của tôi thì người tu hành quyết định là phải nên :

– Giữ lòng thành kính, khiêm hạ, chơn thật trong tất cả thời, đừng nên để cho bất cứ một NIỆM nào không tốt sanh khởi lên trong TÂM hết.

 Ðược như thế thì dù cho vọng niệm có thoạt khởi lên cũng liền tự hay biết. Hễ hay biết rồi thì liền trừ bỏkhông tái phạm, lâu ngày, chầy tháng ắt ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý sẽ được thanh tịnh và không còn bị cuốn trôi vào trong lầm lạc nữa.

Dùng 3 nghiệp THÂN, KHẨU, Ý thanh-tịnh đó mà SÁM-HỐI, LỄ, TỤNG, TRÌ, NIỆM ắt sẽ được nhứt tâm và tạo được vô-lượng vô-biên công đức.

Như thế thì lo gì chẳng chứng được cảnh MỘT LÒNG KHÔNG LOẠN (nhứt tâm bất loạn) trong việc niệm Phật nơi hiện đời ư?

 

Trả lời câu hỏi thứ 3 về việc “hỏi Ý kiến xuất gia” của đứa con:

PHẬT PHÁP là PHÁP sẳn (có) đủ nơi TÂM của tất cả chúng-sanh, vì thế cho nên người Phật-tử tại gia, lẫn kẻ xuất gia đều có thể kham thọ-trì, tu học được hết.

Nhưng về phần “nữ nhân” ắt cần phải biết điều rằng:

Thân NỮ có nhiều chướng duyên, trở ngại, đó là nếu như lìa nhà đi xa, ắt rất dễ bị người (có tâm tà quấy, xấu ác tìm cách) lấn hiếp, gạt gẫm…

Theo ý của Tôi thì:

a/- Nên khuyên con gái của đạo hữu ở nhà, làm người cư-sĩ tại gia, rồi thọ trì Tam-quy, ngũ giới, tu theo pháp môn Tịnh-độ, quyết chí niệm Phật, cầu sanh về cõi CỰC-LẠC của đức PHẬT A-DI-ÐÀ, chớ:

– Không cần phải lìa gia đình xuất gia làm NI mà chi.

b/- Nên khuyên con gái của đạo hữu gắng tu tịnh-nghiệp, chuyên trì danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT, nếu như có thể nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối luôn không dứt, ắt hiện đời thân sẽ chứng được Niệm Phật tam muội, lo chi lâm-chung chẳng được sanh về cõi CỰC-LẠC, chứng được phẩm cao ư?

Nếu được như vậy thì mới khỏi phụ chí quyết liệt xuất gia ngày hôm nay, mới đáng gọi là người NỮ mà TRƯỢNG PHU vậy.

c/- Ý của Tôi là muốn cho Cô ấy thành tựu được tịnh nghiệp (tức là được giải-thoát)  ngay trong hiện đời nầy, nên mới khuyên “không nên”và “chẳng cần” phải xuất-gia làm Ni mà chi, chớ chẳng phải là có ý muốn ngăn trở pháp duyên đâu, xin hãy suy-nghĩ kỹ lại rồi sẽ tự biết.

Vả lại, càng đi sâu vào trong thời buổi Mạt pháp, người chân tu (hoặc TĂNG hoặc NI) rất là hiếm có, biết tìm đâu ra bậc chân sư để dẫn-dắt cho ta trên bước đường lập TÂM tu niệm ? Vả lại nếu như chỉ thuần biết xuất gia làm NI là giải-thoát, mà chưa biết đến “sự chướng ngại” của hàng NI-TĂNG, ấy là điều hiểu biết vẫn chưa được trọn đủ.

Kinh dạy:

 “Người giàu sang khó học đạo,

Mà:       

Người Nữ cũng khó học đạo…” 

TẠI SAO?

a/- Vì đa phần người giàu sang hay quen tánh kiêu căng, ngạo-mạn, xa-xỉ,… rất ít ai chịu khó phát tâm khiêm-hạ, nhún-nhường để xét lỗi mình và tiếp đãi người.

Như thế rất khó mà dứt được các mối âu lo, xoá tan các mối “trần lao niệm tưởng”, để cõi lòng trống lặng mà cầu đạo được ư ?

(Còn như những người nghèo, ít học thức, lại thêm có tâm cố chấp, cho nên không thông hiểu thấu được lời Phật, ý Tổ thì Thân, Khẩu, Ý của họ sẽ ra sao? !!….

b/- Còn người NỮ khó tu là tại sao?

Bởi người Nữ tánh thường hay đố-kỵ, sửa soạn dung nghi (trang-điểm), đâu biết rằng dù cho có được sắc nước, hương trời thế mấy đi chăng nữa, nhưng xét cho kỹ lại thì thân nầy cũng như là một cái túi da, trong chứa đầy ruột gan, phẩn tiểu tanh nhơ mà thôi.

(Nếu TÂM đã luyến “huyễn hình” như thế rồi thì làm sao ngộ đạo)?

Hơn nữa, con gái của đạo hữu xưa nay chư từng biết tu niệm, chưa từng thọ “Tam quy, ngũ giới” hoặc đến chùa chiền làm việc công quả chi cả, mà nay lại bổng nhiên quyết ý xuất gia, thì cái việc (cầu xuất gia) ấy cần phải nên khuyên nhắc, gẩm-suy cho thật kỷ lại, để xem Tâm xuất gia của NÓ ấy như thế nào ?

Nghĩa là:

– Xuất gia vì mộ đạo, vì cầu giải thoát,

Hay chỉ:

– Muốn mang được hình tướng người Tu-sĩ Phật giáo, mang y-hậu vào mình cho ra vẻ là một bậc NI TĂNG để cầu danh, lấy tiếng và tiếm nhận sự cung-kính của hàng cư-sĩ?

Theo như Nghi (thức) xuất gia trong các chốn thiền môn xưa nay thì:

– Người Nữ muốn xuất gia ấy, trước hết phải (tự biết mình là người MỘ ÐẠO và cũng lại là một Phật tử thuần thành (nghĩa là khi còn ở tại gia thường hay ham thích lui tới chùa chiền, phát-tâm tinh-tiến tu tập đôi ba năm, học hỏi kinh điển, làm công quả, v.v…) kế đến vào làm kẻ “Thường trụ” trong chùa, rồi làm (cô) ÐIỆU trong vòng 2 năm (tối thiểu) hoặc hơn nữa… thời gian ấy phải biết chăm lo học Kinh điển các loại và đọc tụng thông thuộc các khoá công phu bái sám căn bản trong chốn thiền môn, rồi sau đó, nếu như vị chủ trì trong chùa thấy “có thể xuất gia được” thì mới cho phép thế độ (cạo tóc), thọ giới Sa-di ni, cùng với các “thể giới” khác (sau nầy).

(Phụ-chú 4:

Sao gọi là thấy ÐƯỢC?

Nghĩa là xét thấy “cô ÐIỆU ấy tâm tánh hiền-hoà, khiêm-hạ, biết tinh-tấn tu hành, thức khuya, dậy sớm, công-phu các khoá sáng, trưa, tối không bê-trễ, chấp tác (làm công quả) mọi việc trong chùa không nài mỏi nhọc, sân hận một lòng cầu đạo giải-thoátkhông khởi dị tâm (tâm xấu ác) thì gọi là THẤY ÐƯỢC).

Tổ thứ 13 của Tịnh tông là Ngài Ấn-Quang Ðại-sư từng có lời dạy rằng:

– “Người xưa xuất gia thọ giới là vì phát tâm muốn dứt trừ sự sanh tử,

Trái lại,

Người xuất gia thọ giới ngày nay phần nhiều đều có ý muốn làm ra một vị đại tăng, còn việc có “đắc giới” hay không thì chẳng cần nghĩ đến. Vì thế mà mấy ông Sư (hoặc Ni) thiếu học, thiếu tu bên ngoài, đều là những người đã thọ qua ba giới đàn cả.

Sự tệ hại đó là do nơi vua Thế-Tổ nhà THANH bỏ độ-điệp 1, bãi lệ “thí tăng” mà ra. Cho đến những kẻ tự xưng là thầy người, song chỉ lo cầu danh lợi, tham quyến thuộc (gần gũi, kết thân, giao tình với Phật tử), cũng xuất phát ra từ nguyên nhân ấy”… 

Vì thế cho nên trong thư gởi cho một cư-sĩ Phật tử ở miền VĨNH GIA, Ðại-sư đã viết dạy rằng:

Bải lệ thí tăng : là bỏ tục lệ “bắt chư Tăng, Ni phải thi về đạo pháp”. Bởi vì từ trước đời nhà THANH, nếu như người nào muốn xuất gia làm Tăng, Ni thì kẻ ấy bắt buộc phải trải qua một kỳ thi khảo hạch và viết bài luận về giáo lý Phật pháp – Nếu được chấm đậu thì mới được phép xuất gia. Ðến đời nhà THANH thì vua xuống chiếu chỉ hủy bỏ luật nầy đi (thật là một điều đáng tiếc).

“Ví như có người phát tâm xuất gia, mà mình chưa chứng đạo, không thể nào “quán xét” được căn-cơ của người xin xuất gia ấy như thế nào, mới cầu Phật từ-bi thầm gia-hộ và chỉ-thị xem có nên thâu nhập hay chăng?

Làm như thế để tránh mối tệ, đó là:

– Ðề phòng hạng vô-lại trà trộn vào giả dạng làm tăng, ni phá rối đạo pháp vậy.

Người đời nay trong sự thu nhận đệ tử, chỉ muốn thâu vào cho thật nhiều. Ðôi khi biết rõ đó là kẻ hạ-lưu, họ cũng gấp-gấp dung nạp sợ bị mất đi (!) không nghĩ gì đến sự lựa chọn c !

Cái Tâm “tham quyền, tham tiền, tham danh lợi, ưa quyến thuộc” ấy, khiến cho Phật pháp suy-tàn đến mức khó nổi chấn hưng”…

(Lời phụ:

Các sự việc trên đây ngày nay cũng đã có xảy ra rồi (rất nhiều nữa là khác), gặp ai có chút căn lành cũng xúi xuất gia hết…rồi lập giới đàn to lớn, tuyên dương rần rộ, vì thế nên trong hàng ngũ TĂNG-NI hiện thời bị rất nhiều các hạng vô lại, vô trí, vô tài, vô tâm, vô đức… lẫn lộn vào giả hình làm người xuất gia… khiến cho Phật pháp ngày càng thêm suy yếu, Tam-bảo chẳng còn thiệt nghĩa, suy-tàn tồi-tệ, rất đáng đau lòng !

Các bậc chân tăng và những hàng thiện tín hữu tâm trông thấy chỉ còn ngậm-ngùi sa nước mắt, không thốt nên lời…

Xin thử hỏi: – Một phần trách nhiệm nầy thuộc về ai đây?

Tóm lại:

Ấn-Quang Ðại-sư là một bậc Bồ-Tát tái lai để hoằng dương Tịnh-Ðộ trong thời gian cuối cùng của triều đại nhà Thanh và vào thời kỳ chuyển-tiếp đầu tiên của thời-đại cải-cách “Trung Hoa Dân Quốc, cho nên ngài hành-xử đúng theo lời Phật dạy mà quan niệm rằng:

– Bậc xuất gia phải là người thật tu, thật hạnh, theo đúng như lời kinh Phật đã dạy và hạp cùng với quan điểm của những bậc tiên hiền, bậc cổ-đức vậy.

Vì thấy đa phần tu-sĩ Phật giáo thời nay đều không hội đủ được các tiêu-chuẩn trên, nên trọn đời Ngài mới:

KHÔNG THÂU NHẬN ÐỆ TỬ XUẤT GIA.

là như thế, mục đích chỉ để tránh gây ra các mối tệ-hại trong đạo về sau mà thôi, chớ không phải là ích-kỷ đâu.

(Tôi xin thay thế cho Ngài Ấn-Quang Ðại sư mà minh giải lên như vậy).

Lại nữa:

Suốt cuộc đời của Ðại-sư, NGÀI không bao giờ kêu gọi Phật tử cúng-dường bạc tiền để làm việc nầy, việc kia chi cả.

Ðây cũng lại là một lời “dạy bảo gián tiếp” của Ngài đến cho chư Tăng, Ni hiện tại cùng với các hàng xuất gia thuộc đàn hậu-tấn về sau nữa.

Ðó là:

– Phải luôn-luôn nhớ rằng: – Mình đã là người xuất gia rồi thì phải cố gắng giữ sao cho trọn-vẹn ý nghĩa của hai chữ “xuất gia”.

Vậy thế nào gọi là “xuất gia” theo như thông nghĩa?

Chính là các việc sau đây:

 – Từ bỏ hết các ước vọng thầm kín, cao xa riêng tư của cá nhân mình.

– Từ bỏ hết các sự trói buộc trong gia đình, mà nơi đó có tất cả những người thân yêu quý mến, như là cha, mẹ, vợ, con, anh chị em, cùng với bao nhiêu là nam nữ trong vòng lục thân quyến thuộc.

–  Cạo bỏ mái tóc xanh.

– Khoác lên mình mảnh áo nhà tu hoại sắc…

Ðể tiến vào trong cảnh:

– Vạn sự giai không.

 ………………

Kinh “Ðại Bát Niết Bàn” dạy rằng:

– “Người xuất gia chính là người nghèo nhất trong tất cả các người nghèo trên thế gian nầy”.

Tại-sao?

 Vì người xuất gia ấy:

– Không có gia đình, cha mẹ, vợ con, anh em, thân bằng, quyến thuộc chi cả, mà suốt đời chỉ sống trơ trọi có một mình.

 – Không có một chỗ trú ngụ nhất định nào cả, mà nay đi xin ăn nơi nầy, mai đi khất thực ở chốn khác.

– Trên mình chỉ có một bình bát và ba cái y đắp đổi mà thôi…

Và:

Tất cả việc “tứ sự” (cơm ăn, áo mặc, thuốc men, giường ngủ, mùng mền) dùng mỗi ngày, đều là do đàn-na cúng thí cho hết (chớ chẳng phải tự mình có được).

NHƯ VẬY CHẲNG NGHÈO THÌ GỌI LÀ GÌ?

Chính vì sự xuất gia là cao quý và khó làm như vậy cho nên người xuất gia phải cố-gắng giữ sự thanh-cao của một “người con Phật”, y theo giới luật của Phật chế mà mình đã thọ để hành trì.

Như thế nào ?

Chính là phải:

– Ðừng nên làm các hạnh của người thế gian.

– Ðừng nên quyên mộ và cất chứa tiền bạc, quý kim.

– Ðừng nên bày vẻ ra bất cứ điều chi có thể làm tốn kém thêm cho hàng Phật tử tại gia cả.

– Ðừng nên vì bạc tiền mà phải quỵ-lụy nơi người đời, hoặc làm sứ giả cho các nhà quyền quý, cao sang, vương hầu, khanh, tướng v.v…

Mà:

LÀM NHẸ ÐI CÁI SỰ XUẤT GIA THANH BẠCH CỦA MÌNH.

Và:

 TỔN LÂY TIẾNG XẤU ÐẾN CHO PHẬT ÐẠO nữa.

Như thế thì thử hỏi làm sao cho tròn bổn phận của kẻ xuất gia đối với ba ngôi Tam bảo được ?

Chính vì (qua các điều đại lược vừa nêu trên) như thế, mà :

– (Suốt đời) ÐẠI SƯ KHÔNG QUYÊN MỘ, KHUYẾN HÓA  (hàng Phật tử cúng dường tiền của chi – (cho nhiều) – cả).

Và đặc biệt nhất là NGÀI:

KHÔNG THẾ ÐỘ (tức là chẳng thâu nhận đệ tử) cho nhứt một người xuất gia nào hết.

      (Phụ-chú 5:

– Việt Nam Liên Tông Sơ tổ là Ngài:

VÔ-NHẤT Ðại-sư THÍCH THIỀN TÂM Hòa thượng (và cả chính Tôi là người “nối truyền dòng pháp” của NGÀI (Thích Thiền Tâm) cũng y theo các “Ý NIỆM” (vừa trình bày ở trên) mà không thâu nhận đệ tử xuất gia (mặc dù có rất nhiều hàng Thiện tín tại gia đến nơi Ngài Thiền Tâm (và cả nơi Tôi nữa) để cầu xin được thâu nhận làm đệ tử xuất gia).

Tại sao?

Bởi vì các bậc “cổ đức” và chư vị “Tổ sư” xưa quan niệm rằng:

– Nghĩa chân thật của chữ “xuất gia” là phải:

– Ra khỏi “nhà tam giới” (tức là giải thoát khỏi ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới).

Hoặc ít nữa cũng phải ra khỏi “nhà phiền não”.

Chớ không phải là chỉ :

– Rời khỏi nhà thế tục, vào chùa cạo đầu, mặc áo cà sa làm Tăng, Ni là đủ đâu.

Tại sao ?

Bởi vì căn cơ của chúng sanh (nói chung) và người tu hành đời nay (nói riêng), duy chỉ ở vào trong trình độ :

– Giữ Tam quy, ngũ giới.

– Niệm Phật, ăn chay mà thôi.

– (Chớ không còn có “căn cơ xuất gia”, đúng theo pháp ý vừa nói ở trên)

Như thế cũng gọi là: – Ðã có nhiều căn lành lắm rồi.

Còn như những hạng siêu xuất (tức là các bậc thượng căn) thì thật là “TUYỆT ÍT”.

Vì thế nên NGÀI (ẤN QUANG Ðại sư) chỉ khuyên các Phật tử cố gắng:

– Giữ trọn luân thường.

– Tin chắc lý nhân quả.

– Lánh dữ làm lành.

– TÍN, NGUYỆN NIỆM PHẬT.

 Cầu sanh về Tây Phương Cực-lạc mà thôi.

Cho nên :

Ý CỦA TÔI TRONG VIỆC MÀ ÐẠO HỮU HỎI NẦY (xuất-gia của cô con gái đạo hữu) LÀ NHƯ VẬY.

Chớ: (lập lại một lần nữa để cho “minh thêm ý” của Tôi)

Tuyệt nhiên chẳng phải là muốn ngăn trở pháp duyên và con đường xuất gia của (riêng) cô ấy (và các người khác) đâu.

Xin hiểu cho như vậy.

Lại nữa,

Con gái của đạo hữu xưa nay chưa từng thấy phát tâm tới chùa học đạo, làm công quả..vv…chi cả, mà nay nếu muốn “xuất gia” ắt phải nhất quyết trừ cho sạch tập tánh kiêu xa, trang điểm, khiến cho không còn một mảy may nào, lại còn phải thêm chân thật tu hành thì mới mong có thể thoát khổ  hiện-tại cùng về sau được.

Hiện nay, pháp vận trong đạo Phật ta đang bắt đầu đi vào trong thời kỳ đấu tranh kiên cố, chánh pháp ngày càng thêm suy yếu, tà ma, ngoại đạo tung hoành, các bậc chân tăng, hiền thánh thảy đều lui về tu ẩn nơi chốn non cao, rừng vắng hết, cho nên khó thể nào gặp gỡ thầy hay, bạn tốt được.

Nếu như muốn gặp được bậc minh sư, thiện hữu có đủ khả năng, đạo đức để dẫn dạy, dắt dìu… trên con đường tu học thì duy nhất chỉ còn có phương cách là tìm Thầy, bạn trong gương mẫu của người xưa (ghi trong sách vở) mà thôi.

Nên tìm đọc kỹ những quyển sách : Tỳ kheo ni truyện, Thiện nữ nhơn truyện, Tịnh độ thánh hiền lục (tức là quyển Mấy điệu Sen Thanh (Hòa Thượng THÍCH THIỀN TÂM dịch), Ðường về CỰC-LẠC (Hòa Thượng THÍCH TRÍ-TỊNH dịch) mới có thể tìm ra và gặp được những “Tấm gương sáng” cho mình noi theo trên con đường tu Phạm Hạnh, không còn sợ bị lầm lạc vào đường tà, chốn hiểm. 

(Càng đi sâu vào) trong thời buổi “Mạt pháp” và “đấu tranh kiên cố” nầy, thì nếu như Ta dùng cặp mắt chánh kiến mà nhận xét, ắt sẽ thấy, biết rằng :

Gần đây Tăng, Ni (khắp nơi) đều ít có được bậc thanh tu (tu hành chân thật và thanh tịnh), phần lớn đều “phạm luật nghi” và tu hành không đúng theo “như pháp”, vì thế cho nên các bậc chơn sư đều chẳng muốn “lạm thâu” đồ chúng (nhất là kẻ xuất gia) để tránh thêm những sự hư rối (vốn đã có nhiều trong đạo Phật) sau nầy vậy.

Nếu như (con gái của đạo hữu) được bậc cao tăng nào đó, thấy “Ðược” mà cho phép Thế Phát xuất gia, ắt phải nghiêm trì giới luật, giữ mình trong sạch đúng theo thanh quy trong đạo, gắng sức tu Tịnh độ, làm sao cho khi sống thành một người NI gương mẫu, lúc chết được dự vào hội liên trì nơi Cực Lạc.

Như thế mới không phụ chí xuất gia, chẳng uổng làm con của Phật.

Phải cương quyết cố gắng và lập chí tinh tấn tu hành, chớ phụ bỏ những lời chân thật mà Tôi đã nhắn gởi hôm nay.

Trân trọng.

Sa môn THÍCH HẢI QUANG