SỰ SANH DIỆT VÔ THƯỜNG CỦA THÂN TỨ ĐẠI 
(Thư Học Phật Số 35)
Btg Bảo Đăng

  1. Thế nào là chánh kiến và chánh tư duy
  2. Giải nghĩa câu kệ
    “Trời đất che chở ta, thân này tan không được
    Cha mẹ nuôi dạy ta, tình thâm báo không được”

* * *

(Tiếp theo bức thơ “gởi người học Phật” số 34)

Nam mô A DI ÐÀ PHẬT,

Kính thưa quý huynh đệ, Phật tử và chư đạo hữu,

Hôm nay BẢO ÐĂNG xin được giảng tiếp tục theo “thời pháp” của tuần lễ vừa qua….

Và, trước khi đi sâu vào trong các chi tiết của thời pháp hôm nay, BẢO ÐĂNG xin được (mạn phép) hỏi đến quý huynh đệ một câu, đó là :

Quý vị có ghi nhớ lại được chút ít gì về thời pháp tuần rồi, chúng ta luận đạo về “đề tài” nào và đã giảng đến đâu không ‌?

(Phật tử hiện diện làm thinh).

Thưa quý huynh đệ,

Vậy là quý huynh đệ không nhớ rồi, mà nếu đã quên mất như vậy, thì:

– Làm sao mà có thể học, hiểu và (ít nhiều) thực hành theo như lời của Phật, Bồ Tát cùng chư vị Tổ sư dẫn dạy cho được?

– Làm thế nào phát sanh ra trí huệ và tinh tấn ở trong đường tu hành cho được ?

Vì thế cho nên điều mà BẢO ÐĂNG tha thiết và hằng luôn mong ước ở nơi quý huynh đệ là:

Sau khi nghe PHÁP xong rồi, thì chúng ta phải cố gắng nhớ tới PHÁP, tư duy nghĩa lý của PHÁP và hành theo lời PHÁP (đã) dẫn dạy, có như vậy thì mới mong thu đạt được phần ích lợi và kết quả giải thoát trong sự tu hành được.

Còn ngược lại, ắt sẽ luống công tu tập (nhọc nhằn) mà thôi, chớ quyết định chẳng thu hoạch được chút kết quả chi hết cả.

(Ðiều nầy quý huynh đệ (gần xa) nên cố gắng nhớ lấy, chớ quên).

Vậy thì nhân tiện đây, để BẢO ÐĂNG nhắc sơ qua một ít phần chánh yếu thì chắc là quý huynh đệ sẽ nhớ lại liền, phải như vậy không ‌?

Tuần rồi BẢO ÐĂNG đã có lược giảng qua về đề tài:

Sự sanh diệt vô thường vi tế của xác thân tứ đại nầy, và cái vô thường đó – (tức là bốn sự Sanh, TrụDị, Diệt của thân tứ đại) nó xảy ra trong từng sát na… mà vua BA TƯ NẶC đã bày tỏ ra trước PHẬT và chư đại chúng về sự “sanh diệt vội vàng, hối hả” của thân mạng chúng sanh (nói chung và của mình nói riêng)... Lược sơ qua như vậy thôi thì chắc là quý huynh đệ đã nhớ lại được chút đỉnh rồi…

Vậy thì trong suốt một tuần lễ ở nhà vừa qua, trong số quý huynh đệ đây có ai nhớ lại những lời tự trần “áo não” ấy của vua Ba Tư Nặc mà chịu khó “kiểm lại” những sự sanh diệt ngay chính trên bản thân của mình như thế nào không?

Nhưng mà,

Dù cho “kiểm lại” hay là “không kiểm lại” gì đi chăng nữa, có một điều mà ta được biết chắc chắn rằng:

Thân thể của mình (ở trong tuần nầy) đây, nó quyết định không phải là cái Thân thể (của ta) ở trong tuần trước nữa rồi!

Tại sao ?

Bởi vì cái Thân thể tươi trẻ của mình trong tuần trước nó đã “bị chết” cách đây hôm rồi. Còn cái Thân thể mới trong tuần nầy thì nó già hơn, cằn cỗi và bịnh hoạn hơn, cùng (đi) gần đến ngày 30 thánh chạp của cuộc đời (mình) hơn 7 ngày nữa !

(Tức là “đoạn đường đời” của mình được “thọ” đó, nó bị “rút ngắn” lại thêm 7 ngày nữa) !

Do vì như vậy cho nên nếu ai là người học Phật pháp có được CHÁNH KIẾN và CHÁNH TƯ DUY, nếu chịu khó để tâm suy nghĩ và quán xét lại thì biết ngay không chút nghi ngờ, sai lầm chi cả.

Ðến đây BẢO ÐĂNG cũng xin được phép dừng lại (một chút xíu) để nói sơ qua về việc thế nào là “CHÁNH KIẾN” và “Chánh tư duy” vừa mới lược nói ở trên, để cho quý huynh đệ hiểu rõ trước đã.

a. Sao gọi là CHÁNH KIẾN?

Nói khái quát thì CHÁNH KIẾN đây tức là các sự “thấy biết chân chánh”, đúng theo lẽ phải (tức là chân lý) nói chung và (thuận theo) lời Phật dạy nói riêng, chớ không phải là những sự thấy biết theo (hoặc xuyên qua) lời của Ông Bà, cha mẹ, phong tục, tập quán… hay người đời (như chúng ta đây), hoặc là theo sách vở dạy, nói, hay kể lại đâu.

Tại sao ?

Bởi vì hầu hết những lời dạy nói của “thế gian” (người đời) để lại (từ trước đến giờ) phần lớn đều (toàn) là “biên kiến” cả (thấy biết chỉ có một bên, một chiều và sai lầm) chớ đó không phải là “chánh giáo” và “CHÁNH KIẾN” chi đâu.

b. Còn sao gọi là CHÁNH TƯ DUY ?

Ðó là những sự “suy nghĩ chơn chánh”, xứng hợp với chơn lý và đúng theo lời thuyết dạy của chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư (cùng với các bậc thánh tăng giải thoát khác), đó là việc :

suy nghĩ và hiểu biết thấu đáo được “thâm nghĩa” của những lời mà các bậc Thánh nhơn, như Phật… thuyết dạy – (trong kinh điển) mà mình đã và đang được nghe, học, qua sự “trùng tuyên” lại từ nơi các bậc chơn tăng, chơn sư, minh sư, thiện hữu…

Cùng với sự việc:

– Suy nghĩ và phân biệt rõ ràng được (những lời đã và đang được trùng tuyên lại) đó là đúng hay sai, chánh hay tà, v.v… Hễ như tư duy và rõ biết rằng:

– Ðó là đúng, là chánh thì mới nên tin nhận và thực hành theo.

Còn như thấy và rõ biết được rằng:

Ðó là sai, là tà, trái với chánh giáo và chánh lý trong kinh dạy thì phải liền chối bỏ (chẳng nên nhắm mắt nghe (càng) theo mà làm điều xằng bậy).

Chớ không phải là nói theo lối – (ba phải) của người thế gian chúng ta (đại khái như) là:

Theo ý riêng của tôi nghĩ thì việc đó nó là như vậy, như kia…

Rồi quyết định sai lầm rằng:

Y theo như tôi “nghĩ” và “nói” như vậy, thì đó là đúng (còn trái lại thì là sai, là quấy…) đâu.

Tại sao?

Bởi vì chúng ta đây đều toàn là những hàng “phàm phu bạt địa chúng sanh”trí còn bị “vô minh” che mờ, TÂM thì dẫy đầy phiền não, sống trường kỳ trong các sự “điên đảo vọng tưởng”… thì làm sao mà quả quyết rằng (điều đó hay việc ấy… ) đúng hay sai được.

Hơn nữa:

Những sự thấy biết của mình – (nếu như nói đúng theo lý đạo) thì cũng vẫn còn nằm ở trong phạm vi “giác quan thấy biết” và “ngũ kiến phân biệt” [1] thì làm sao và thế nào mà đúng theo chơn lý cho được.

Ðại khái như là các sự suy nghĩ:

Hơn, thua, thị phi, phải, quấy, thấp, cao, thương, ghét, tranh đấu…lẫn nhau v.v…

Thì những “sự suy nghĩ đó” đâu có được gọi là “Chánh tư duy” (mà phải gọi là “Tà tư duy” vậy).

Ðối với người có trí huệ, tức là có “CHÁNH KIẾN, chánh tư duy”, thì một khi tai nghe, mắt thấy hoặc ở nơi lời nói, hoặc nhìn ngay vào các việc làm v.v… của một cá nhân (hay đoàn thể) nào đó thì người (có CHÁNH KIẾN) ấy liền biết ngay đấy là đúng hay saità hay chánh, liền…

Do đó cho nên:

Càng ngày kẻ (có CHÁNH KIẾN và chánh tư duy) kia càng thêm thâm nhập vào trong lý đạo, vì thế mà các lời nói cùng những hàng động, suy nghĩ… của họ sẽ không còn – (hoặc là bớt dần đi những sự) tà quấy theo lối “điên đảo, vọng tưởng, của thường tình nhân thế” nữa, mà đa số những ngôn hành… của họ đều xứng hạp theo lời Phật, ý Tổ (đã tuyên dạy) hết cả…

Kẻ ấy không bao lâu quyết chắc sẽ được hầu kề gần bên PhậtBồ Tát và chư vị Tổ sư vậy.

Tại sao ?

Vì “Tâm địa” của người có CHÁNH KIẾN, chánh tư duy ấy càng ngày càng thêm mở mang, tỏ sáng (tức là có được trí huệ).

Với trí huệCHÁNH KIẾN cùng với (sự) chánh tư duy ấy, nên họ thấy biết được rằng: “Tất cả cảnh đời (cùng với thân, tâm nầy – (của mình và mọi người) thảy đều là vô thường, hư giả”… chẳng có gì đáng quý, đáng giữ, đáng theo….để mà luyến lưu hết cả.

Còn ngược lại (tức là kẻ mà không có được các sự CHÁNH KIẾN, chánh tư duy như chúng ta đây vậy) thì như thế nào?

Mình sẽ thấy rằng:

– Kẻ ấy càng ngày càng đến gần hơn – (tức là họ năng giao thiệp và thân cận) – với các loại tà sư, tổn hữu, ác đảng…

– Những lời nói, hàng động và sự suy nghĩ của họ (càng ngày càng giống) y như là ma nói, ma làm, ma suy nghĩ…vậy.

– Họ tranh đấu, hơn thua lẫn nhau từ lời, từ câu… (nói ác).

– Lòng, miệng của họ thảy đều khác nhau (ngôn hành bất tương ưng)…

Do đó mà:

Tâm địa của họ càng ngày càng thêm bị tối tăm, u ám.

Rốt lại quyết định họ sẽ:

Xa cách hẳn với chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư cùng với các bậc minh sư, thiện hữu…

Những hạng loại như thế sau khi chết rồi, thần thức của họ sẽ đi về đâu‌?

Quý huynh đệ đây đa số đều là những người tu học Phật pháp đã lâu, có ít nhiều “CHÁNH KIẾN”, biết họ sẽ đi về nơi đâu không ?

Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.

(Xin lỗi quý huynh đệ : Nãy giờ BẢO ÐĂNG “nhập đề” hơi dài, bây giờ đây xin được đi thẳng vào trong thời pháp của tuần nầy).

Tuần trước BẢO ÐĂNG đã có đọc sơ qua cho quý huynh đệ nghe về bài kệ “KHÔNG ÐƯỢC” (của Ngài Chí Công Thiền sư – (vốn là một bậc) A la hán) rồi. Hôm nay, BẢO ÐĂNG sẽ tuần tự giảng đến một ít chi tiết của các phần trong bài kệ đó.

Câu thứ nhất:

Trời đất che chở ta,
Thân nầy tan KHÔNG ÐƯỢC.

Hai câu kệ nầy BẢO ÐĂNG đã có lược giảng qua trong thời pháp của tuần trước rồi (Thơ gởi người học Phật số 34), cho nên hôm nay thấy không cần phải lập lại thêm chi nữa.

Câu thứ hai:

Cha mẹ nuôi dạy ta,
Tình thâm báo không được.

Tại sao?

Bởi vì cha mẹ là hai bậc có “đại ơn đức” đối với ta, đó là : ƠN SANH THÀNH, (và ơn) DƯỠNG DỤC.

Vậy thì thế nào mà được gọi là “Ðại ơn đức” của cha mẹ đối với con?

Trong một số kinh điển của Phật giáo ta, đức Thế Tôn đã có thuyết lên các lời dạy về “đại ơn đức” nầy rất nhiều, không sao kể xiết, nơi đây – (trong phạm vi hạn hẹp của thời pháp nầy) BẢO ÐĂNG chỉ xin được “trích lược” lại một ít phần “KINH VĂN” nói về đại ƠN ÐỨC ấy mà thôi.

Trong kinh “TÂM ÐỊA QUÁN”, nơi phẩm “BÁO ÂN”, Phật đã có dạy rằng:

… “Nầy Thiện nam tử,

1. Cha có TỪ ÂN (“ơn đức ban vui”, nghĩa là làm cho con hằng được no cơm, ấm áo).

Mẹ có BI ÂN (tức là “ơn đức dưỡng sanh, cứu khổ”).

Riêng về “bi ân của MẸ”, nếu TA (Phật) trụ lại ở trong đời để nói về ân ấy thì dầu cho có nói đến suốt cả một kiếp (đời) cũng vẫn không thể nào hết được.

Nay TA sẽ vì các ông mà lược nói lên đây một ít phần để cho các ông được hiểu:

Nầy Thiện nam tử,

Giả sử như có người vì muốn tu tạo việc  phước đức, nên đem lòng cung kính cúng dường lên:

– 100 vị Ðại Bà la môn (có) tịnh hạnh. [2]

– 100 vị Ðại Thần tiên đầy đủ được 5 phép thần thông. [3]

– 100 người bạn lành (thiện hữu).

Rồi xếp đặt cho những người ấy :

– Ở yên trong nhà bằng thất bảo [4] rất đẹp.

– Dùng trăm nghìn thứ đồ ăn ngon quý nuôi dưỡng.

– Ðem y phục kết bằng các thứ châu báu thòng rũ xuống để cho mặc.

– Dựng phòng xá bằng gỗ chiên đàn cho ở, xông ướp trầm hương nơi chăn gối, mùng mền…cho nằm.

– Các chỗ nằm, ngồi, ấy…đều trang nghiêm bằng trăm thứ báu vật…

– Ðem trăm loại thuốc thang quý, lạ,… để chữa cho khỏi các thứ bệnh….

…………………

Nhất tâm cúng dường như vậy trọn trong trăm, ngàn kiếp, cũng :

“KHÔNG BẰNG PHÁT KHỞI MỘT NIỆM ÐỂ TÂM HIẾU THUẬN, ÐEM CHÚT ÍT VẬT NUÔI NẤNG SẮC THÂN BI MẪU [5] (Mẹ).

Và tùy:

Theo chỗ (cần thiết) cúng dường, hầu hạ (bi mẫu) ấy, mà đem ra so sánh với công đức (cúng dường trước) thì đến trăm, ngàn, vạn, phần cũng không thể nào xét lường (cho bằng, cho kịp) được.

2. Sự thương nhớ con của bi mẫu (mẹ hiền đức) ở trên thế gian nầy không có gì so sánh được cả.

Sự thương nhớ ấy đến với con ngay từ khi con chưa có hình hài (nghĩa là từ khi mới bắt đầu biết mình thụ thai).

3. Trải qua 10 tháng, trong 4 hành nghi là ÐI, ÐỨNG, NẰM, NGỒI, Mẹ chịu biết bao nhiêu điều khổ não, không thể nào dùng miệng mà nói ra cho hết được (các sự khổ não đó). Tuy rằng (mỗi ngày) mẹ có thọ hưởng những sự dục lạc, ẩm thực, y phục, v.v…

Nhưng lòng của:

Mẹ vẫn không sanh niệm ưa thích.

Mà:

Tâm mẹ vẫn luôn luôn lo nghĩ đến con, không phút nào quên lãng.

4. Hãy tự suy nghĩ:

– Khi sắp sanh sản, mẹ âm thầm chịu đựng mọi điều đau khổ.

– Ngày đêm lo lắng, sầu não…..

Kịp đến lúc “lâm bồn” (sanh nở), sự đau khổ ấy lại còn thêm quá đỗi, dường như có trăm ngàn mũi nhọn bâu vào cắt xé Thân thể… Thực không thể nào kể xiết cho được, có khi phải đến chết.

5. Sau khi sinh nở xong rồi, mẹ không còn bị khổ não gì nữa.

Lúc đó, họ hàng, thân thích, vui mừng vô tận, (và riêng mẹ thì) cũng tựa như là người đàn bà nghèo bổng gặp được ngọc “như ý” [6].

– Khi đứa con cất tiếng khóc chào đời, mẹ như là người nghe được tiếng âm nhạc.

– Mẹ dùng ngực mẹ làm nơi ngủ nghĩ cho con.

– Trên hai đầu gối của mẹ thường thường là nơi mà con chơi giỡn.

– Trong ngực mẹ tuôn ra những dòng sữa như nước cam lồ [7] (để) nuôi con khôn lớn…

6. Ơn nuôi dưỡng ấy nhiều hơn trời đất.

Và:

Ðức thương xót kia rộng lớn không gì so sánh được.

7. Nơi thế gian nầy, núi là cao, nhưng ơn đức của bi mẫu còn cao hơn nữa – cao hơn cả núi Tu di [8].

Nơi cõi thế gian nầy, đất là nặng, nhưng ơn đức của bi mẫu còn nặng hơn nữa.

8. Nếu có người con trai, con gái nào bội ơn, không hiếu thuận với cha me, làm cho Cha mẹ sanh tâm oán giận (mà nhứt là mẹ), bực bội thốt ra một lời nói ác [9], tức thời đứa con ấy (quyết định) phải bị sa đọa theo lời nói ấy, hoặc vào địa ngục, hay ngạ quỷ, súc sanh.

9. Trên thế gian nầy, nhanh gì hơn gió dữ, ấy thế mà một chút niệm oán giận của mẹ lại còn nhanh hơn gió ấy. Hết thảy chư PHẬT, chư Thiên, chư Kim Cang (thần) cùng với các vị Tiên được 5 phép thần thông (ngũ thông Tiên nhơn)… cũng không làm sao và thế nào mà cứu hộ cho được.

10. Nếu Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào biết theo lời dạy bảo (chơn chánh) của bi mẫu mà thừa thuận theo và không chống trái, thời được chư Thiên (Thần) hộ niệm cho, phước lạc vô tận.

Những hàng nam, nữ ấy tức (sẽ) là dòng giống tôn quý của chư Thiên, Nhân, hoặc là Bồ Tát vì muốn cứu độ chúng sanh mà thị hiện thân ra làm Nam, Nữ để mang lại các sự lợi ích cho Cha mẹ vậy.

11. Thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào vì muốn báo ơn cha mẹ, suốt trong một kiếp (đời), mỗi ngày 3 thời (sáng, trưa, tối) tự cắt thịt mình để nuôi cha mẹ, cũng chưa thể nào trả được công ơn (dưỡng nuôi) một ngày của (cha) mẹ.

12. Sở dĩ thế là sao‌?

a. Bởi vì hết thảy nam, nữ ở trong thai mẹ, miệng nút cuống vú (tức là cuống nhau) , uống huyết của mẹ.

Khi ra khỏi bào thai thì:

b. Trước hết là còn ấu trĩ, uống hết 180 hộc [10] sữa của mẹ.

c. Mẹ có được chút vị bổ nào cũng đều ban bố cho con hết cả.

d. Ngay cả đến những y phục quý tốt nào (mà mẹ có được) cũng đều như thế.

Và dù rằng:

e. Ðứa con ấy có bị ngu si, xấu xí… cho đến thế mấy đi chăng nữa, nhưng tình thương của mẹ (đối với con) cũng vẫn trước sau như một mà thôi.

13. Xem như xưa kia, có một người đàn bà đi chơi xa ở nơi nước ngoài, bồng con lội qua sông Hằng, không ngờ khi ấy nước sông bỗng nhiên lên to, chảy mạnh, sức người yếu không thể nào vượt qua nổi, nhưng lòng thương mến con thái quá, nên không nở rời bỏ con, vì vậy mà cả hai mẹ con đều bị chết chìm.

Song, bởi vì nhờ sức từ tâm, nên do nơi thiện căn ấy, sau khi chết, thần thức của người mẹ liền được sanh ngay lên cõi trời “Sắc cứu cánh”, làm một vị Ðại Phạm Thiên Vương.

14. Do nơi (các nhân duyên vừa được kể trên) đó, cho nên MẸ (đối với con) CÓ 10 ÐỨC TRỌNG, ấy là :

a. ÐẠI ÐỊA:

(Tức là: Vì trong thai mẹ là chỗ nương tựa của con, cũng như tất cả các thứ giống, loại… đều phải nương nhờ vào nơi đất để sống còn vậy.)

b. NĂNG SINH:

(Tức là: Vì mẹ phải trải qua biết bao nhiêu sự khổ não mới sinh nở được con.)

c. NĂNG CHÍNH:

(Tức là: Vì mẹ thường dùng tay mình mà vuốt ve, uốn nắn, tai, mắt, mũi, miệng, và thân con.) – (ý nói là hằng ân cần, săn sóc, dưỡng nuôi con kỹ lưỡng).

d. DƯỠNG DỤC:

(Tức là: Mẹ phải tùy hợp theo thời tiết của bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Ðông) mà nuôi nấng cho con khôn lớn.)

e. TRÍ GIẢ:

(Tức là: Mẹ thường dùng các phương tiện (khéo léo, tốt, lành) mà khiến cho con được phát sanh ra trí huệ.)

f. trang nghiêm:

(Tức là: Mẹ luôn lấy các thứ áo quần sang quý, vòng vàng, chuỗi, ngọc, đẹp đẻ… để mà trang sức cho con được xinh xắn, nghiêm đẹp.)

g. AN ẨN:

(Tức là: Mẹ ôm ấp con, làm cho con được nghỉ ngơi an lành.)

h. GIÁO THỌ:

(Tức là: Mẹ dùng các “phương tiện khéo léo” để dạy dỗ cho con biết rõ đâu là đường tà, nẻo chánh..để mà theo, mà tránh.)

i. GIÁO GIỚI:

(Tức là: Mẹ dùng các lời nói lành, tốt… dạy dỗ, giáo hóa để khiến cho con xa lìa hết những điều quấy ác.)

j. CHO GIA NGHIỆP:

(Tức là: Mẹ thường đem gia tài, sản nghiệp mà giao phó lại cho con.)

15. Nầy Thiện nam tử,

Ở trên cõi thế gian nầy gì là rất giàu, gì là rất nghèo ‌

16. Nầy Thiện nam tử,

a. bi mẫu tại đường (còn sống) là rất giàu.
bi mẫu bất tại đường (đã chết) là rất nghèo.

b. bi mẫu còn sống cũng như mặt trời ban trưa sáng tỏ.
bi mẫu mất đi cũng như mặt trời đã lặn.

c. bi mẫu còn sống cũng như trăng rằm sáng tỏ.
bi mẫu mất đi cũng như đêm tối ba mươi.

Thế cho nên,

Các ông phải siêng năng tu tập thêm về sự hiếu dưỡng đối với phụ mẫu, thời cũng như người cúng dường Phật không khác.

Hai phúc báo ấy (hiếu dưỡng Cha mẹ và cúng dường lên Phật) thảy đều bằng như nhau không khác.

Các ông phải nên báo ơn phụ mẫu như thế”………

* * *

Lại nữa,

Trong Kinh “Phật đảnh Tôn thắng Ðà ra ni”, Phật cũng có dạy lời rằng:

1. “…Lòng từ ái giữa trần gian chỉ có Cha mẹ…

Cha mẹ có công ơn sanh dưỡng rất là khó nhọc, mười tháng cưu mang khổ nặng, ba năm bú sữa, mớm cơm…

Trải qua biết bao sự lo lắng, gian lao, nuôi con khôn lớn, dạy dỗ, cho học hành, (lòng) chỉ mong sao cho con được thành lập, tài đức hơn người…

2. Nếu như con xuất gia, lại mong cho con được đắc đạo, thoát vòng sanh tử, …

3. Ân niệm ấy cao rộng như biển, trời, khó sánh ví, khó trả đền.

……………

4. Nếu có người, vai bên trái cõng cha, vai bên mặt cõng mẹ, đi giáp núi Tu di trăm ngàn vòng, máu chảy ra ngập cả hai bàn chân, cũng còn chưa có thể báo đền được công ơn sanh dưỡng thay.

Huống chi lại còn khởi sanh ra (ác) niệm hờn giận, (hoặc) buông lời khinh mắng (cha mẹ) ư ‌”

Kính thưa quý huynh đệ,

Trên đây là những lời Kinh được thuyết ra từ nơi “Kim Khẩu” của PHẬT dạy về ơn đức, và thâm ân dưỡng sanh của hai đấng bi (mẹ), từ (cha),…mà BẢO ÐĂNG đã trích lược ra để làm phần luận giảng cho câu kệ : “Cha mẹ nuôi dạy ta”, vậy.

Còn thế nào mà gọi là: “TÌNH THÂM BÁO KHÔNG ÐƯỢC” ‌?

Nói “tình thâm báo không được” là như thế nầy :

Bây giờ – (đại khái và tóm tắt) BẢO ÐĂNG xin được nói sơ qua về các chuyện gần đây, cho dễ hiểu đi.

Như chúng ta (do nơi duyên phước mà) đến được xứ Hoa Kỳ nầy, khôn lớn lên ở nơi xứ người, học hành, đỗ đạt, lập nên gia thất…

Trong cuộc sống hằng ngày (và có lẽ đến suốt cả cuộc đời) ta luôn bị các thứ vật chất, xa hoa, chẳng hạn như : nhà lầu, xe hơi, đô la, v.v… làm cho tâm thần mình bị mê muội, đắm đuối… đi.

Lại thêm (trong sự giao thiệp và sinh sống hằng ngày) gặp nhằm các hạng “tà sư” (thầy tà), “ác hữu” (bạn ác, vô đạo…) nó dẫn dắt và xúi bảo Ta hành sử những việc sai lầm tà quấy nữa… Bởi thế cho nên mình có được chút nào mà gọi là “tu hành chân thật” chi đâu, vì (giả sử như) nếu có TU – (được chút đỉnh) nhưng mà sai trái với chánh lý, chánh đạo, ngược lại với lời dạy của Phật… thì cái việc tu hành đó cũng bằng như không (tu) vậy mà thôi…

Hơn nữa,

Suốt cả đời mình (vì tâm luôn bị mê muội, điên đảo, vọng tưởng….kéo dắt) nên nào có chịu nghe pháp, học kinh, hoặc kết giao với các bậc “thiện hữu” (bạn tốt, bạn biết đạo, có đạo) gì đâu, cho nên làm sao và thế nào mà có được người bạn thiện lành hướng dẫn mình đi chùa, tụng kinh, lạy Phật, học kinh, nghe pháp… được.

(Hoặc nếu như có đến chùa thì họa hoằn lắm một năm đến được vài lần, lạy Phật sơ sơ đôi ba lễ, rồi đi tản bộ chung quanh chùa ngắm xem phong cảnh, tìm kiếm người đẹp v.v…)

Như vậy đó thì mình bị lâm vào trong hai điều lỗi lớn, ấy là:

1. Bởi vì mình cùng với cha mẹ cách xa nhau (bên Mỹ và bên quê nhà), cho nên Cha mẹ còn sống mà mình cũng không thể nào nuôi dưỡng được thân già.

(Ðó là chưa kể đến những trường hợp não lòng khác nữa, chẳng hạn như gặp phải thằng chồng hung dữ, con vợ yêu nghiệt, khác đạo… nó đánh đập, chưởi rủa… không thuận lòng chịu cho mình về thăm viếng Cha mẹ, săn sóc từ thân… đến nỗi khiến cho hai đấng “nghiêm từ” (Nghiêm là cha, Từ là mẹ) biền biệt tin con, quặn lòng thương nhớ…

Ðây là nói về trường hợp cha mẹ (và mình đây) vẫn còn hiện thế.

Bây giờ nói đến trường hợp thứ hai : đó là Cha mẹ đã quá vãng rồi.

2. Như trên đã nói, bởi vì mình cứ mải mê đắm theo các thứ vật chất, xa hoa… cho nên trọn cả cuộc đời nào có biết chịu tu hành, kinh kệ, công phu, bái sám… chi đâu !

Cho nên nếu như (một mai) mà :

Cha mẹ chết đi rồi, mình cũng không thể nào – (có đủ đạo lực, đức hạnh để mà) dắt dìu thần thức (tức là tụng kinh siêu độ cho phần hồn của “song đường”được.

(Ðó là chưa kể đến đám con học đòi theo đạo “cải cách, tân thời”, của Âu, Mỹ…tâm có bất hiếu, tánh tình lại thêm keo kiết, bỏn sẻn, tham lam, coi đồng tiền lớn như non núi… Do vậy cho nên nó cũng không chịu làm lễ ma chay hay là rước thầy (chơn tăng) tụng kinh siêu độ (cho hương linh của Cha mẹ) chi hết cả)…

Bởi vậy cho nên Tổ sư mới nói rằng:

Cha mẹ nuôi dạy ta
Tình thâm báo KHÔNG ÐƯỢC

chính là nhằm vào một trong những trường hợp (vừa kể trên) nầy vậy.

Trong kinh “HIẾU TỬ” (nói về bổn phận của người con có hiếu)PHẬT có dạy như sau:1. … “Lúc đó PHẬT hỏi ngài A NAN [11] rằng:

Nầy A NAN, như có người con trai hoặc con gái nào, ngày đêm hầu hạ cha mẹ không rời, dưng món ăn ngon, áo tốt cho Cha mẹ ăn, mặc, lại thêm lo lắng thuốc men đầy đủ cùng săn sóc… mỗi khi Cha mẹ bịnh hoạn ốm đau… suốt cả một đời như vậy.

Nầy A NAN, người con đó có hiếu chăng?

2. Ngài A NAN thưa rằng:

Bạch đức Thế Tôn, như thế là đã hiếu thảo quá sức rồi, không còn gì để nói hơn được nữa.

3. Lúc đó PHẬT mới bảo cùng ngài A NAN và các vị Tỳ kheo rằng:

Tuy là lo được đến bực như thế, nhưng cũng vẫn chưa phải là “trọn hiếu”.

Là người con muốn cho được “trọn hiếu” thì cần phải thực hành (thêm) các điều sau đây nữa :

a. Như Cha mẹ là người ngu tối không biết kính trọng Tam bảo, tánh tình hung ngược, tàn ác, hoặc trộm cắp, hoặc tham lam, hoặc làm nên các điều phi pháp, phi lý…

b. Hoặc cha mẹ dâm dật theo ngoại sắc (tức là tà dâm, tà hạnh), nói dối, nói lời tà ác, nói thêu dệt, nói đôi chiều…

c. Hoặc cha mẹ say sưa, hung hoang, vô độ…

4. Nếu Cha mẹ như thế thì bổn phận làm con phải hết lòng can gián để “khai ngộ” cho cha mẹ.

5. Như Cha mẹ vẫn còn ngoan cố, mê muội, chưa biết thức tỉnh… thì người con phải : Ðem những điều nhân nghĩa, đạo lý… mà dần dần khai hóa cho.

Hoặc là:

– Dẫn Cha mẹ đến xem chốn lao ngục (nhà tù) của vua để cho Cha mẹ thấy được các thứ hình phạt khốn khổ của những kẻ tù nhân bị giam cầm, thọ tội ở nơi đó, rồi dẫn giải cho cha mẹ hiểu và nói rằng :

– Thưa cha mẹ, những tù nhân nầy nguyên trước kia là các người không chịu tuân theo pháp luật, làm điều phi pháp, trái đạo… nên thân của họ phải bị lãnh chịu mọi sự khổ độc trong chốn ngục tù nầy.

Như vậy đó là:

– Tự mình gây ra, tự mình cảm thọ lấy tội phạt, sau khi chết rồi thần thức phải bị đọa vào trong địa ngục, chịu các thứ hình phạt thảm khổ gấp trăm, ngàn, vạn, ức… lần hơn (nơi đây nữa).

(Phụ chú:

Tuy là lúc còn sống thân xác đã bị trừng phạt theo luật vua, phép nước… rồi, nhưng “nghiệp tội” kia cũng vẫn chưa hết, cho nên sau khi chết, bỏ xác thân tứ đại rồi, thần thức (hồn) của kẻ đó cũng vẫn phải đi theo “nghiệp tội” ấy mà đọa ngay vào trong “địa ngục” để thọ lãnh lấy các thứ quả báo…nơi chốn u minh)

6. Giả sử như Cha mẹ vì tánh tình hung ác đã kết tạo thâm sâu, làm thành “tánh dữ” rồi cho nên vẫn chưa thể nào chuyển đổi được, thì con phải (dùng phương tiện khéo), hoặc là khóc lóc, kêu cầu (van xin), hoặc tuyệt thực không ăn uống, quyết liều chết can ngăn (để cảnh giác cho Cha mẹ thức tỉnh)

Trước hoàn cảnh như vậy, thì dù cho Cha mẹ có hung ác đến thế mấy đi nữa, nhưng vì tình thương đối với con, sợ con mình phải bị chết đi… nên thành ra khuất phục, đành phải chịu vâng làm theo ý của con mình.

(Phụ chú:

– Trường hợp hai ông bà đó chỉ có một đứa “con cưng, con quý”, nó (con) học hành giỏi dắn, tài đức song toàn, lại thêm nó còn là rường cột trong gia đình.. hễ :

– Nó (con) còn thì còn tất cả.

– Nó (con) mất thì mất tất cả…

nên hai ông bà ấy thương yêu, quý trọng đứa con ấy còn hơn cả tánh mạng của chính mình nữa, nhứt định là phải cam lòng nhận chịu và chiều theo ý muốn của con ngay).

7. Từ đó, họ (cha mẹ ấy) mới chịu nghe theo lời khuyên nhắc tha thiết của con mà quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới, chân thật tu hành, phụng sự Phật pháp…

8. Như thế đến khi lâm chung (chết) đương nhiên là (hai ông bà ấy) sẽ được siêu thăng, xa lìa khỏi ba con đường khổ não là địa ngục, ngạ quỷ, và súc sanh.

9. PHẬT nói cùng với ngài A NAN và các vị Tỳ kheo rằng:

– Hiếu theo lối đời [12] như thế không thôi vẫn chưa được gọi là đại hiếu.

– Chỉ có như thế nầy mới được gọi là “ÐẠI HIẾU” mà thôi.

10. Nếu được “ÐẠI HIẾU” như thế (tức là làm sao khiến cho Cha mẹ biết quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới, chân thật tu hành, phụng sự Phật pháp) thì dù rằng:

Buổi sáng cha mẹ có vâng giữ theo,

Mà:

Buổi chiều bị chết đi (vì đã hết tuổi thọ).

(tức là chỉ giữ được có một buổi mà thôi)

thì các việc “ÐẠI HIẾU” của người con ấy được Phật gọi là “HIẾU VÔ LƯỢNG” vậy.

Còn như:

Nếu không làm được như thế ấy, thì dù cho có hiếu dưỡng theo lối đời đến thế mấy đi chăng nữa cũng xem như là “bất hiếu” vậy mà thôi.

(Phụ chú:

Tại sao?

 người con ấy không thể khiến cho thần thức của Cha mẹ siêu thoát hay sanh về các đường lành (thiện đạo) của các cõi Trời, Người – hoặc được vãng sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A DI ÐÀ, để thoát khỏi vòng sanh tử – (mà cứ mãi bị luân hồi….hoài).

Nên người con ấy vẫn bị gọi là Bất hiếu (tức ý nói rằng cái “đạo Hiếu” không được trọn đủ vậy).

Chớ không phải là Phật phủ nhận cái hiếu theo lối “thường tình nhân thế” đâu.

Người học Phật phải nên hiểu rõ như vậy để tránh khỏi điều hoang mang, nghi hoặc).

(Kỳ sau tiếp)

* * * 

CHÚ THÍCH:
[1]- ngũ kiến phân biệt: là “năm sự thấy biết” còn nằm trong vòng “thức tâm phân biệt” sai lầm của chúng sanh, đó là:

a. Thân kiến: Thấy biết sai lầm rằng “thân nầy là của ta” tức là còn chấp thân là ngã.

b. biên kiến: Là các thấy biết nghiêng lệch , méo mó… theo ý của riêng mình, tức là chỉ thấy biết có một bên, một chiều nào đó… mà thôi chớ chưa được trọn đủ, đúng thực theo chơn lý.

c. Tà kiến: Tức là các thấy biết tà quấy, sai lầm,… của những hàng ngoại đạo, tà giáo.

d. Kiên thủ kiến: Chấp chặc vào các sự thấy biết sai lầm, nghiêng lệch…đó của mình, một cách kiên cố mà quyết không chịu cải sửa lại cho đúng theo lời của Phật và chư giải thoát Thánh nhơn (khác) đã chỉ dạy.

e. Giới thủ kiến : Chấp chặc vào những thứ giới luật, điều lệ, ngăn cấm,… sai lầm không ích lợi chi hết cho sự tu hành và giải thoát của các hàng ngoại đạo, tà giáo… dạy, mà không chịu sửa đổi lại cho đúng…

[2]- Tịnh hạnh: là có đức hạnh trong sạch.
[3]- Năm phép thần thông: là Thiên nhãn (mắt thấy suốt trên trời, dưới đất), Thiên nhĩ (tai nghe khắp mọi nơi), Túc mạng (biết được đời trước và đời sau), Thần túc (thần thông, biến hóa), Tha tâm (biết được tâm tưởng và ý nghĩ của người khác).
[4]- Nhà thất bảo: Nhà làm bằng 7 thứ báu vật là : vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não… kết hợp lại mà thành.
[5]- Bi mẫu: người “mẹ theo đúng nghĩa BI”, tức là : “PHẢI THẬT SỰ LÀ MỘT BẬC MẸ HIỀN ÐỨC” (đến nỗi Phật còn phải ca ngợi đó là một bậc “bi mẫu”). Chớ không phải là người mẹ ác độc, bất đắc dĩ, và vô tránh nhiệm….đối với con đẻ của mình (như đa số các bà mẹ trong thời buổi mạt pháp nầy đâu).
[6]- Ngọc “như ý”: là loại “thần châu” có công năng biến hiện ra tất cả các thứ vật loại..mà mình mong muốn.
[7]- Nước “cam lồ”: là loại nước cực quý (của cõi trời) có công năng làm cho thành tựu được tất cả các sự tốt đẹp tối thắng của sắc thân.
[8]- Núi Tu di : gọi là núi “chúa”. Núi nầy thuộc về cảnh giới của chư Thiên, chư Thần, cấu tạo bằng 4 thứ báu là : vàng, bạc, lưu ly và pha lê, mắt thường (nhục nhãn) của nhơn loại không thể thấy biết, và cũng chẳng thể nào đi đến được. Núi nằm ngay giữa biển “Hương thủy hải” (biển nước thơm, ngọt), là trục chánh của mặt trời và mặt trăng (xoay quanh), cao 84.000 do tuần (1 do tuần có từ 60 đến 100 dặm). Trên núi có 4 tầng trời “địa cư” an trú, đó là các (cõi) Trời :Trời Kiên Thủ, Trời Trì Hoa Mang, Trời Tứ Vương, Trời Ðạo Lợi (tức là cõi Tam thập tam thiên).

[9]- Lời nói ác : Tức là lời nói “trù rủa”, chẳng hạn như nói lời chưởi rủa đứa con rằng:

Mầy làm cho tao khổ bao nhiêu thì mầy sẽ bị đọa địa ngục bấy nhiêu v.v…

Nếu như đứa con ấy quả thật có lòng bội ơn, đại nghịch… quyết định sẽ bị đọa vào địa ngục theo y như lời “trù rủa” ấy ngay, không có Trời, Phật, Thần thánh….nào cứu được cả.

[10]- Hộc : là đơn vị đo lường hồi xưa (tương đương với 1 gallon bây giờ).
[11]- A NAN : là vị Thánh nhơn, thị giả (người hầu cận) của Phật, và cũng là người “chấp chưởng, thọ trì” hết các kinh điển mà Phật đã thuyết dạy ra… không để cho bị thất lạc…

[12]- Hiếu theo lối đời là:- Muốn ăn thời cho ăn, muốn mặc thời cho mặc…- Cung phụng đủ hết mọi thứ mà cha mẹ cần dùngmà thôi (chớ không có và chẳng biết, chẳng chịu, khuyến nhắc Cha mẹ tu hành, hay chỉ dẫn cho Cha mẹ biết tu, tạo nên các điều phước đức khác như là : cúng dường, bố thí, đúc tượng, in kinh vv….chi cả).

(tức là chỉ biết HIẾU theo lối của đạo Nho (khổng giáo) mà thôi).