KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

 

Phẩm VƯƠNG PHÁP CHÁNH LUẬN

Phẩm Vương Pháp Chánh Luận có chia ra làm ba phần.

1. Nói về lý do có phẩm này, Lưu thông có ba: Mười sáu phẩm đầu là học hạnh lưu thông, trong đó có năm phần, đây tức là phần thứ ba nói về sự trì học.

Trong phần trì học có hai: Đầu tiên là đưa ra việc xưa, sau là một khuyến khích nay.

Nêu ra việc xưa có hai:

  1. Vì tăng thêm chúng sinh ở cõi trời.
  2. Vì quyết định con đường tốt đẹp.

Phẩm này là đầu. Lại giải thích: Lấy phẩm Tứ Thiên Vương Hộ Quốc nói về vua cõi người, nếu có thể tôn kính người quý trọng đạo pháp chân chánh, thực hành mở mang kinh thì được các chúng trời ủng hộ, nếu không như thế thì các chúng trời xa lìa từ bỏ. Nay phẩm này nêu ra việc xưa khi vua cõi người chân chánh thực hành mở mang kinh, khuyến khích chúng hội lúc bấy giờ, nên có phẩm này sinh ra.

2. Giải thích tên gọi, trước chia ra, sau hợp lại. Vương có ba tên gọi:

  1. Gọi là Hoàng, Hoàng là Thiên vương.
  2. Gọi là Đế, Đế là chủ.
  3. Gọi là Vương, Vương là quy, là nơi quy tụ của mọi người, cũng gọi chung là quân.

Lại nữa, tùy ý tự tại gọi là vương, pháp nghĩa là khuôn phép, chánh tức là gạt bỏ tà, cũng gọi là Thánh. Như trong ái ngữ phát khởi bốn tịnh ngữ và tám Thánh ngữ. Tịnh ngữ tức là không nói dối v.v… Thánh ngữ tức là thấy nói thấy v.v… Luận nghĩa là quyết định chọn lựa, xoay vần nghiên cứu nghĩa lý các pháp. Vương tức là người thường thực hành pháp. Pháp Chánh luận tức là pháp thực hành. Nên gọi là

Vương chánh pháp Chánh luận. Thuận theo xứ Thiên-trúc nói là pháp Chánh luận. Luận là năng luận, chánh pháp là sở luận, vương là chánh pháp, chánh pháp là luận, đều thuộc về thích. Nay ở đây phân biệt rõ về chánh pháp luận của vua, không muốn giải thích riêng về vua và Chánh pháp luận.

3. Giải trừ vấn nạn.

Hỏi: Thần đất thỉnh cầu Đức Phật nói về vương Chánh pháp, vì sao không tự nói mà lại nêu ra việc xưa vậy?

Đáp: Vì muốn nói về pháp ba đời đều giống nhau, bởi pháp là tôn quý hơn cả, vì vậy không tự mình nói mà chỉ đưa ra việc xưa.

Hỏi: Nếu vậy, vì sao không nêu ra Phật quá khứ đã nói mà lại dẫn truyện vua Lực Tôn Tràng?

Đáp: Đúng lý nước y theo việc thế tục, do đó nêu ra lời mà Phạm vương quá khứ đã nói, căn cứ vào thực tế thì Phạm vương cũng đứng bên cạnh Phật mà nghe, rồi nói cho tứ Thiên vương nghe, như dưới đây “Thiện Sinh ở chỗ Phật Bảo Tích nghe nói về kinh Kim Quang Minh”, không nói là Phật nói.

Hỏi: Lực Tôn Vương và Diệu Tràng ngày xưa bây giờ là ai?

Đáp: Có nơi giải thích Diệu tràng tức là Diệu tràng bây giờ. Lại nói: Tức là Đức Phật Thích-ca. Nói rõ hai cách giải thích này không có văn ngăn trở hay xác nhận, lấy hay bỏ tùy ý.

Văn kinh: Lúc ấy, Thần nữ của mặt đất này tên là Kiên lao ở giữa đại chúng đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính.

Tán rằng: Toàn văn phẩm này chia làm ba phần: Đầu tiên là Địa Thần bày thỉnh, tiếp theo là Đức Thế Tôn giảng nói, sau là đại chúng vui vẻ thực hành. Trong phần đầu lại chia thành bốn. Đây là phần thứ nhất nghi thức bày thỉnh.

Văn kinh: Bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người làm vua cõi người trong các cõi nước, nếu không có chánh pháp thì không thể nào cai trị đất nước, dạy bảo chúng sinh, cho đến tự thân không thể ở lâu nơi ngôi vị cao quý.

Tiếp theo là phần thứ hai, nêu lý do vì sao.

Văn kinh: Cúi mong Đức Thế Tôn Từ bi thương xót nói cho con nghe điều quan trọng của việc cai trị đất nước trong vương pháp Chánh luận.

Tiếp theo là phần thứ ba nói về những điều thỉnh cầu.

Văn kinh: Khiến cho các vị vua cõi người được nghe pháp rồi như lời dạy tu hành, chân chánh giáo hóa thế gian, có thể khiến cho ngôi vị cao quý được bảo toàn mãi, trong nước được yên ổn, dân chúng đều được lợi ích.

Tiếp theo là phần thứ tư nói về các lợi ích.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng bảo thần đất Kiên lao rằng: Ngươi nên lắng nghe cho kỹ! Thuở xưa có vị vua tên là Lực Tôn tràng, vị vua đó có vương tử tên là Diệu tràng, thọ địa vị quán đảnh chưa được bao lâu. Lúc bấy giờ, vua cha bảo Diệu tràng rằng: Có vương pháp chánh luận tên là Thiên chủ giáo pháp, lúc xưa, ta thọ địa vị quán đảnh làm quốc chủ. Vua cha của ta tên là Trí lực Tôn tràng nói cho ta nghe vương pháp chánh luận này. Ta y theo luận này trong hai muôn năm khéo cai trị đất nước, ta nhớ không hề khởi lên một ý niệm tâm hạnh phi pháp. Ngươi ở ngày nay cũng nên như thế, đừng dùng những điều phi pháp mà cai trị đất nước. Vì sao gọi là vương pháp chánh luận? Nay ngươi khéo lắng nghe, ta sẽ nói cho ngươi nghe.

Tiếp theo là phần thứ hai, Đức Thế Tôn giảng nói, có ba: Đầu tiên là đối với đại chúng nhắc nhở lắng nghe, tiếp theo “Thuở xưa…” về sau là nói về duyên khởi ngày xưa, sau cùng “Lúc ấy, Lực Tôn…” trở xuống là nói về chánh pháp ngày xưa. Nói về duyên khởi ngày xưa có tám:

1. Người năng giáo, sở giáo.

2. Từ “Lúc bấy giờ…” về sau là nói về pháp truyền trao, Thế chủ tức là Phạm vương, tu tập bốn tâm vô lượng mới làm người đứng đầu thế gian. Vì phát khởi giáo pháp từ bi chắc chắn sẽ nhổ sạch gốc khổ, mang lại yên vui.

3. “Ta ở…” về sau là nói về duyên đạt được pháp.

4. “Vua cha của ta…” về sau là nói về nơi được nghe pháp.

5. “Ta y theo…” về sau là nói ta thường thực hành học hỏi.

6. “Ngươi ở ngày nay…” về sau là răn dạy con tu học theo đó.

7. “Vì sao gọi là…” về sau là nghe răn dạy thỉnh cầu giáo pháp.

8. “Nay ngươi…” về sau khuyên lắng nghe, hứa sẽ nói.

Đây là ý ở bên cạnh vua cha mà nghe, lại chỉ bày cho con mình. Nói lên việc cha con ân nghĩa sâu nặng, chỉ dạy chắc chắn thực sự được lợi ích, do đó khuyên nhủ người nghe kính trọng y theo đó thực hành.

Văn kinh: Lúc ấy, vua Lực Tôn tràng liền dùng Già-tha nhiệm mầu nói Chánh luận cho con mình nghe.

Tiếp theo nói về chánh pháp ngày xưa. Văn chia làm hai: Đây là Đức Phật nêu ra lời tựa.

Văn kinh: Ta nói vương pháp luận, lợi lạc các hữu tình, vì dứt nghi thế gian, trừ bỏ bao sai trái, tất cả các Thiên vương, và vua trong loài người, nên sinh tâm vui mừng, chắp tay nghe ta nói.

Tiếp theo là kể rõ chánh luận kia có bảy mươi ba hàng tụng, chia thành hai: Hai bài tụng đầu là vua Lực Tôn nhắc nhủ lắng nghe, bảy mươi mốt bài tụng sau là trình bày chánh luận. Trong phần nhắc nhủ lắng nghe: Một bài tụng đầu nói rõ lợi ích của luận, ba câu tiếp theo là chỉ dạy đầy đủ, một câu cuối là khuyên nhắc lắng nghe và giảng nói.

Hỏi: Trong văn trường hàng trước đó chỉ nói “con mình”, vì sao khuyên lắng nghe lại có Thiên chủ và vua cõi người?

Đáp: Vì văn trường hàng giản lược mà trong phần tụng lại mở rộng. Lại giải thích: Chính là răn dạy con mình, ý nói luận này xứng lý, lợi ích rộng lớn cho cả Thiên chủ và vua cõi người, đều nên vui mừng, do đó nay ngươi nên chắp tay lắng nghe ta nói.

Văn kinh: Các chúng trời ngày xưa, hội ở núi Kim cang, tứ vương từ chỗ đứng, xin hỏi với Đại phạm; đấng Phạm Chủ tối thắng, Đại tự tại trong trời, xin xót thương chúng tôi, vì dứt các nghi ngờ.

Tiếp theo bảy mươi mốt bài tụng là trình bày chánh luận. Toàn văn chia làm ba: Hai bài tụng đầu nói về nhân phát khởi, hai bài tụng tiếp theo sinh khởi các câu hỏi, sáu mươi bảy bài tụng sau chính là trình bày về luận đó.

Trong phần đầu có năm: Hai câu đầu là nơi chúng nhóm họp, một câu tiếp là người năng thỉnh, một câu tiếp là nêu câu hỏi, hai câu tiếp là khen ngợi luận ấy, hai câu tiếp là thỉnh nói cho nghe.

Văn kinh: Vì sao ở thế gian, mà được gọi là trời, lại vì nhân duyên gì, được gọi là Thiên tử? Vì sao sinh loài người, tự được làm nhân chủ? Vì sao trên cõi trời, lại được làm Thiên vương? Tiếp theo phát sinh những câu hỏi, nói chung có bốn câu hỏi, như văn có thể biết.

Ý đều có ba phần:

1. Hỏi: Danh hiệu đó y theo đức mà lập nên, tức là đồng thời hỏi do đâu mà lập nên danh hiệu. Do đâu tức là hỏi vua thực hành chánh pháp gì mà được gọi là vua v.v… Nếu không như thế thì tứ Thiên vương chỉ hỏi về tên gọi. Vì sao Thiên chủ nói rằng hỏi pháp trị nước của ta? Do đó trong kinh Tát-già Ni-kiền-tử quyển hai chép: “Vua nói: Thưa Đại sư! Các vị vua kia vì sao gọi là vua? Đáp rằng: Tâu Đại vương! Vua ấy là cha mẹ dân, vì y theo chánh pháp che chở chúng sinh, khiến cho yên vui, do đó gọi là vua.” Đây là nêu chung.

2. Cho nên giải thích rằng: “Đại Vương nên biết, vua nuôi dưỡng dân giống như con đỏ, chuyển chỗ khô dời chỗ ướt, không đợi con cái phải nói. Vì sao? Đại vương nên biết, vua đó là đạt được ngôi vị, vì dân chúng là đất nước, tâm dân chúng bất an thì đất nước sẽ hoại diệt. Thế nên vua thường phải nghĩ đến dân chúng giống như nghĩ nhớ con đỏ, không rời xa trong tâm. Nên biết rằng, nhân dân trong đất nước khổ sở, vui sướng, lụt lội, hạn hán, mưa gió, đói no, già trẻ, bệnh tật, ngục tù kiện cáo, có tội không tội, có công không công, người biết mọi điều như thế gọi là không rời xa trong tâm. Biết như vậy rồi dùng khả năng đem ra giúp đỡ, người cần giúp đỡ thì cung cấp giúp đỡ kịp thời, người nên thâu lấy thì nên suy tính, sai khiến phải biết thời, không làm mất lợi ích của người, cấm tuyệt tham bạo, mọi người đều được yên vui, đó gọi là che chở, giữ gìn đất nước, đó gọi là vua.” Việc hỏi đáp ở đây ý cũng giống như thế.

3. Ý hỏi rằng hiện tại hay vị lai do hạnh nghiệp gì mà sinh trong loài người được gọi là hàng trời? Do hạnh nghiệp gì mà sinh ở cõi trời được làm vua trời? Vì thế sau đó trả lời rằng: Do năng lực nghiệp lành trước đây nên sinh lên cõi trời được làm hàng trời. Theo phép nước ở Tây phương thì mỗi vật đều có mười tên gọi, ở đây vua cõi người đưa ra ba, vua trời đưa ra một, để so với các nơi khác.

Văn kinh: Hộ thế gian như thế, hỏi Phạm vương kia xong, bấy giờ Phạm Thiên chủ, lập tức nói cho nghe, hộ thế ông nên biết, vì lợi ích hữu tình, hỏi ta cách trị nước, ta nói nên khéo nghe.

Tiếp theo sau mươi bảy bài tụng là trình bày về luận đó, có ba: Hai bài tụng đầu là tựa về ngày xưa hứa sẽ nói, sáu mươi bài tụng rưỡi tiếp theo là Thiên chủ chính thức trình bày, bốn bài tụng rưỡi cuối cùng từ “Vì thế vua cõi người ông…” về sau là khuyến khích y theo tu học. Trong phần đầu chia làm hai: Một bài tụng đầu Lực Tôn nêu ra tựa, một bài tụng tiếp theo Thiên chủ hứa nói, nhắc nhở lắng nghe.

Văn kinh: Do sức nghiệp lành trước, sinh trời được làm vua, nếu ở trong loài người, thống lãnh làm vua cõi người.

Tiếp theo là Thiên chủ chính thức trình bày, có hai: Ba bài tụng đầu trả lời hai câu hỏi về tên gọi và hạnh nghiệp, tức là khiến tu điều lành lại làm nhân cho đời sau; năm mươi bảy bài tụng rưỡi sau từ “Thiên chủ cõi tam thập tam…” trở xuống là cùng trả lời câu hỏi về lý do đạt được danh hiệu, tức là trình bày về chánh luận, tức là dyạ tu được lợi ích hiện tại. Trong phần đầu lại có hai: Một bài tụng đầu là trả lời hai câu hỏi sau, hai bài tụng sau là trả lời hai câu hỏi đầu. Đây là phần đầu.

Văn kinh: Các trời cùng che chở, sau đó vào thai mẹ, đã vào trong thai mẹ, các trời lại che chở; tuy sinh ở loài người, cao quý nên gọi trời, do các trời che chở, cũng được gọi Thiên tử.

Tiếp theo trả lời câu hỏi trước, có hai: Một bài tụng rưỡi đầu trả lời câu hỏi thứ nhất, một bài tụng rưỡi sau trả lời câu hỏi thứ hai. Nhưng “do nghiệp lực đời trước” nên cũng nói đến “các trời cùng che chở”.

Văn kinh: Thiên chủ tam thập tam, chia sức lực giúp vua cõi người và tất cả các trời, cũng giúp sức tự tại; dạy trừ các phi pháp, khiến nghiệp ác không sinh, dạy hữu tình tu lành, khiến được sinh cõi trời. Người và chúng Tu-la, cùng loài Kiền-thát-bà, La-sát, Chiên-tràla, thảy đều giúp nửa sức; cha mẹ giúp nửa sức, khiến bỏ ác tu lành, các trời cùng che chở, chỉ bày các báo tốt. Nếu gây các nghiệp ác, khiến trong đời hiện tại, các trời không che chở, hiện bày các báo xấu.

Tiếp theo cùng trả lời về lý do đạt được danh hiệu và trình bày Thánh luận đó. Văn lại chia làm hai: Năm bài tụng đầu nêu ra sơ lược, năm mươi hai bài tụng rưỡi sau giải thích rộng về điều đã nêu ra. Trong phần đầu có ba: Hai bài tụng đầu nêu ra các trời giúp đỡ vua thực hành chánh pháp, lợi ích cho mọi người, có ba: Một bài tụng đầu là các trời giúp đỡ, một bài tụng tiếp là vua giáo hóa, trong giáo hóa: Nửa bài tụng đầu là dứt ác, nửa bài tụng sau là sinh thiện. Một bài tụng rưỡi tiếp theo nêu rõ người và các thần cùng hộ trì lợi ích của mình, hoặc cũng là lợi ích người khác, nhờ người và các thần giúp sức khiến cho vua giáo hóa mọi người bỏ ác tu lành cùng hộ trì lợi ích của mình. Nói về La-sát, Chiên-trà-la thì Chiên-trà-la, Hán dịch là nghiêm sí chấp thủ ác giả, tức là loài làm điều ác trong loài La-sát. Ý ở đây là loài ác thần này còn che chở, huống gì các hạng thiện thần khác. Sau từ “Các trời cùng che chở…” trở xuống một bài tụng rưỡi là nêu lý do khiến thực hành điều lành, giáo hóa mọi người, được các trời che chở. Nửa bài tụng đầu là nêu sự chỉ dạy, một bài tụng sau là chỉ bày riêng về thiện ác được nhân quả thế nào.

Hỏi: Làm lành thì đáng che chở, làm ác thì làm sao được che chở?

Đáp: Do ngày xưa tu lành nên ngày nay được làm vua, vì thế khi làm điều ác thì các trời thị hiện tướng ác, che chở làm cho thay đổi tu lành.

Văn kinh: Dân chúng gây nghiệp ác, vua bỏ không ngăn cấm, ấy chẳng thuận chánh lý, nên đúng pháp trừng trị. Nếu thấy ác không ngăn, phi pháp liền lớn mạnh, liền khiến trong đất nước, gian trá ngày nhiều thêm. Vương thấy người trong nước, làm ác không ngăn cấm, trời tam thập tam, đều sinh tâm tức giận. Do đó đất nước suy, làm thế gian giả dối, bị kẻ oán địch vây, phá hoại đất nước đó. Nhà cửa và tài sản, chứa nhóm đều mất mát, sinh đủ thứ dối gạt, lại chiếm đoạt lẫn nhau. Nhờ chánh pháp làm vua, nhưng không hành chánh pháp, nhân dân đều ly tán, như voi sa đầm lầy. Gió dữ nổi bất thường, mưa lớn tuôn trái thời, yêu tinh nhiều biến quái, trời trăng che không sáng. Các hoa quả ngũ cốc, mầm hạt đều hư hoại, đất nước gặp đói kém, do vua bỏ chánh pháp.

Tiếp theo năm mươi hai bài tụng rưỡi giải thích rộng, chia làm hai: Ba mươi lăm bài tụng đầu nói về nhà vua làm trái chánh pháp cho nên tai họa ập đến, mười bảy bài tụng rưỡi sau nói về nhà vua nương theo chánh pháp cho nên phước đức cùng đến. Theo Du-già sáu mươi mốt và Vương pháp chánh lý luận thì lỗi lầm của vua, công đức của vua, phần suy tổn của vua, phần phương tiện của vua, vua nên yêu quý pháp và có thể sinh ra pháp mà vua yêu quý đều có nhiều thứ, rộng như luận đó phân biệt rõ. Hoặc phối hợp riêng hành tướng này thì hơi khó.

Hỏi: Đây gọi là Vương pháp chánh luận, Du-già và Vương pháp chánh lý luận kia tên gọi thuận nhau, sao không y theo luận kia để giải thích?

Đáp: Lý không giống nhau, Nhân vương Bát-nhã, Tát-già Nikiền-tử… đều nói về cách trị nước của nhà vua thực hành, song chẳng phải các luận đó đều giống nhau, nhưng phối hợp thì không trái nhau. Tạm thời nương theo kinh này chia ra làm hai: Ba mươi bài tụng đầu giải thích rộng về sự trái ngược với chánh luận, sau từ “Vô biên lỗi như thế…” trở xuống bài tụng là kết thúc sự trái ngược với chánh pháp. Nói rộng chia làm ba: Tám bài tụng đầu là nói về lỗi thấy người làm ác không ngăn chặn, tiếp theo từ “Nếu vua bỏ chánh pháp…” về sau là chín bài tụng nói về lỗi nhà vua tự mình làm điều phi pháp, sau từ “Quan lớn nhất trong nước…” về sau mười ba bài tụng là nói về lỗi thấy quan làm điều sai trái mà không ngăn chặn. Trong phần đầu lại chia làm bốn:

  1. Một bài tụng đầu nói thấy ác cần phải ngăn chặn.
  2. Từ “Nếu thấy ác…” trở xuống một bài tụng là nói không ngăn chặn thì điều ác càng nhiều.
  3. Từ “Vua thấy người trong nước…” về sau là do đó các trời tức giận.
  4. Từ “Do đó đất nước suy…” về sau năm bài tụng là lập tức có tai họa phát sinh.

Trong tai họa phát sinh có năm:

  1. Oán địch phá hoại đất nước.
  2. Tài sản mất mát, chiếm đoạt lẫn nhau.
  3. Những nhân tố tai họa phát khởi.. Tai biến cùng hiện bày.
  4. Đất nước mất mùa đói kém.

Năm hàng như thứ lớp phối hợp theo đó có thể biết. Trong nhân tố tai họa thứ ba, nửa bài tụng đầu là nhân, nửa bài tụng sau là ví dụ.

Văn kinh: Nếu vua bỏ chánh pháp, dùng pháp ác dạy người, các trời ở cung điện, thấy rồi sinh ưu não. Các chung vua trời kia, cùng nhau nói như vầy: Vua này làm phi pháp, thân thiết với bạn ác, ngôi vua không dài lâu, các trời đều tức giận, vì các trời ôm hận, nước đó sẽ bại vong. Dạy người điều phi pháp, lưu hành ở trong nước, đấu tranh nhiều gian dối, tật dịch sinh các khổ. Thiên chủ không che chở, các trời đều lìa bỏ, đất nước sẽ diệt vong, thân vua chịu khổ ách. Cha mẹ và anh em, vợ con cùng chị em, thương yêu bị xa rời, cho đến thân hoại diệt. Biến quái sao băng rơi, hai mặt trời cùng hiện, giặc cướp phương khác đến, dân chúng chịu tang tóc. Đại thần chính trong nước, oan uổng nên mất thân, voi ngựa đáng quý, lại cũng đều chết mất. Khắp nơi xảy chiến tranh, nhiều người chết phi pháp, ác quỷ đến trong nước, tật dịch lan truyền khắp.

Tiếp theo là nói về lỗi nhà vua tự mình làm điều phi pháp, chia làm bốn:

  1. Hai câu nói về vua lìa bỏ chánh pháp.
  2. Tiếp theo hai câu là các trời thấy vậy tâm buồn rầu.
  3. Tiếp theo hai bài tụng là các vị trời bàn tán với nhau.

4. Sáu bài tụng tiếp theo là tai họa liền phát khởi. Trong đó có chín: Một bài tụng đầu là đấu tranh nhiều hơn; nửa bài tụng tiếp theo là các trời lìa bỏ, một bài tụng rưỡi tiếp theo là làm sai trái sự việc liền phát sinh, đất nước diệt vong là khổ do nương cần mà không được, thân vua chịu khổ tức là khổ ghét mà phải gặp, cha mẹ anh em chia làm là khổ thương mà xa lìa, cho đến thân mất tức là khổ chết, nửa bài tụng tiếp theo là các tai họa kỳ quái cùng phát sinh, nửa bài tụng tiếp theo là giặc cướp đến xâm hại, nửa bài tụng tiếp theo là đại thần chết oan uổng, nửa bài tụng tiếp theo là súc vật tài sản bị mất mát, nửa bài tụng tiếp theo là người chết phi pháp, nửa bài tụng tiếp theo là tật dịch lây lan khắp nước.

Văn kinh: Quan lớn nhất trong nước, cho đến các phụ tướng, tâm họ đầy dua nịnh, đều làm chuyện phi pháp. Thấy người làm phi pháp, mà sinh ra yêu kính, với người làm pháp lành, lại trị phạt khổ sở.

Tiếp theo mười ba bài tụng nói về lỗi thấy quan lại làm điều sai trái không trừ dẹp, chia làm bốn: Một bài tụng là đại thần làm điều sai trái, một bài tụng tiếp theo là thưởng phạt trái ngược, mười bài tụng tiếp theo có quả ác phát sinh, một bài tụng sau cuối từ “Nếu vua làm phi pháp…” là kết luận về sự sai lầm đó. Đây là hai phần đầu.

Văn kinh: Do yêu kính người ác, trừng phạt người làm lành, các sao và gió mưa, đều không đến đúng mùa, có ba thứ họa sinh, chánh pháp sẽ ẩn chìm, chúng sinh không ánh sáng, đất tốt đều sụt xuống.

Do kính ác, khinh thiện, lại có ba tai họa, trái mùa giáng mưa đá, đói, dịch khổ lan tràn. Hoa màu các quả hạt, mùi vị đều sút giảm, ở trong đất nước đó, chúng sinh nhiều tật bệnh. Các rừng cây trong nước, trước sinh quả ngọt ngon, do đó đều sút giảm, đắng chát không mùi vị. Trước có vườn rừng đẹp, nơi dạo chơi đáng yêu, bỗng nhiên đều khô úa, người thấy sinh buồn rầu. Các quả hạt lúa gạo, vị ngon dần biến mất, khi ăn tâm không thích, sao nuôi được các đại. Ánh sáng chúng sinh giảm, thế lực đều suy yếu, ăn uống tuy nhiều hơn, không thể làm no đủ. Ở trong đất nước đó, tập trung mọi chúng sinh, sức yếu không mạnh mẽ, làm việc không thể được. Dân chúng nhiều tật bệnh, các khổ bức bách thân, quỷ mị lan tràn khắp, khắp nơi sinh La-sát.

Tiếp theo có quả ác phát sinh. Trong đó chia thành năm:

  1. Một bài tụng đầu là ba việc trái thời:
    1. Các sao.
    2. Gió.
    3. Mưa.
  2. Tiếp theo một tụng là ba thứ tai họa phát khởi:
    1. Chánh pháp biến mất.
    2. Hữu tình không ánh sáng.
    3. Đất tốt giảm xuống.
  3. Tiếp theo hai bài tụng lại có ba điều ác phát sinh:
    1. Mưa đá trái mùa.
    2. Hoa màu sút giảm.
    3. Chúng sinh tật bệnh.

4. Tiếp theo ba bài tụng, quả bên ngoài suy yếu, có ba:

    1. Một bài tụng là các quả không có mùi vị.
    2. Một bài tụng là vườn cây đều khô héo.
    3. Một bài tụng là ăn vào không giúp ích cho bốn đại.

5. Tiếp theo ba bài tụng là báo ứng bên trong cũng lui sụt có bốn:

  1. Một bài tụng là hình sắc đói gầy yếu đuối.
  2. Một bài tụng là thân thể không mạnh mẽ.
  3. Nửa bài tụng là bị tật bệnh hoạn nạn khổ sở bức bách.
  4. Nửa bài tụng là quỷ mị lan tràn.

Văn kinh: Nếu vua làm phi pháp, gần gũi với người ác, khiến ba thứ thế gian vì đó chịu suy tổn.

Tiếp theo là phần thứ tư, kết luận về sự sai lầm đó. Ba thứ thế gian là ba cõi. Vì nhà vua nương theo pháp tăng thêm hàng trời người, thực hành phi pháp, do đó ba cõi bị suy tổn. Hoặc con người, súc vật và các loại hoa màu là ba thứ thế gian; con người suy yếu, súc vật giảm sút, các loại hoa màu không dồi dào, rộng như trên đã phân biệt rõ.

Văn kinh: Vô biên lỗi như vậy, xuất hiện ở trong nước, đều do thấy người ác, lìa bỏ không trừng trị. Nhờ các trời che chở, được làm vua trong nước, nhưng không theo chánh pháp, giữ gìn cho đất nước. Nếu người tu hạnh lành, sẽ được sinh cõi trời, nếu người gây nghiệp ác, chết sẽ đọa ba đường. Nếu vua thấy dân chúng, mặc ý làm sai trái, các trời tam thập tam, đều sinh tâm nóng giận. Không nghe lời các trời, cho đến cha mẹ bảo, đây là người phi pháp, chẳng vua, chẳng con hiếu.

Tiếp theo năm bài tụng là toàn bộ đoạn thứ hai kết thúc sự trái ngược với chánh pháp, có bốn: Một bài tụng kết thúc không trừng phạt điều ác, một bài tụng kết luận không tu lành, một bài tụng kết thúc quả báo thiện ác, hai bài tụng kết luận trái với lời dạy, chẳng phải là người.

Văn kinh: Nếu ở trong nước mình, thấy người làm phi pháp, nên trừng phạt đúng pháp, không nên sinh lìa bỏ. Vì thế các chúng trời, đều hộ trì vua này, để dứt các việc ác, nên thường tu gốc lành. Vua ở trong đời này, sẽ phải chịu hiện báo, do các nghiệp thiện ác, khuyên chúng sinh lấy bỏ. Vì nêu báo thiện ác, nên được làm vua người, các trời cùng che chở, tất cả đều tùy hỷ.

Tiếp theo mười bảy bài tụng rưỡi nói nhờ nương theo chánh pháp cho nên phước đức cùng đến, chia thành hai: Bốn bài tụng đầu nói thực hành chánh pháp, mười ba bài tụng rưỡi sau dựa vào nêu ra để giải thích rộng rãi. Trong phần nêu ra có hai, hai bài tụng này nêu ra sự trừng phạt điều ác, trừng phạt điều ác có hai: Bài tụng đầu trừng phạt người ác, bài tụng sau được các trời che chở. Hai bài tụng tiếp theo nói về khuyến khích hành thiện, khuyến khích hành thiện có hai: Một bài tụng đầu khuyến khích tu điều lành, một bài tụng sau đạt được Bồ-đề.

Văn kinh: Do tự lợi lợi tha, dùng chánh pháp trị nước, thấy có người dua nịnh, nên đúng pháp trừng trị. Giả sử mất ngôi vua, cho đến duyên hại mạng, vẫn không làm điều ác, thấy ác nên lìa bỏ. Điều nghiêm trọng bậc nhất, không bằng mất quốc vị, đều do người dua nịnh, vì thế nên trừng trị. Nếu bạn dối nịnh người, sẽ đánh mất quốc vị, do đó hại vương chánh, như voi vào vườn hoa. Thiên chủ đều tức giận, A-tu-la cũng vậy, vì họ là vua người, không dùng pháp trị nước. Vì thế nên đúng pháp, trừng phạt với người ác.

Tiếp theo là giải thích rộng, có hai: Năm bài tụng rưỡi đầu giải thích về trừng phạt người ác, tám bài tụng rưỡi sau giải thích về thực hành điều lành. Giải thích phần đầu có năm: Một bài tụng thấy người ác phải trừng trị, tiếp theo một bài tụng là không xả bỏ mực thước, tiếp theo một tụng nói về lý do trừng phạt, tiếp theo một tụng nhắc lại thành quả trước đó, ba câu là pháp, một câu là ví dụ, tiếp theo một bài tụng rưỡi kết luận cần phải trừng phạt.

Hỏi: Làm ác có bao nhiêu, bao nhiêu cách trừng phạt?

Đáp: Theo kinh Tát-già Ni-kiền-tử bốn chép: Chúng sinh làm ác có năm hạng:

  1. Đối với vua không có ích lợi.
  2. Làm những điều không ích lợi.
  3. Sinh khởi nghịch hại.
  4. Tà hạnh.
  5. Tà mạng.

– Đối với vua không có ích lợi gồm có mười một loại:

  1. Phản nghịch.
  2. Dạy người khác phản nghịch.
  3. Mang thuốc độc cho vua.
  4. Chiếm đoạt tài sản của vua.
  5. Phá hoại những gì đáng làm.
  6. Xâm chiếm cưỡng đoạt vợ của vua.
  7. Làm trái lệnh vua.
  8. Nói ra lời bí mật của vua.
  9. Dò xét đất nước.
  10. Mắng chửi nhà vua.
  11. Phỉ báng mắng nhiếc.

– Làm những điều không ích lợi lại có mười thứ:

  1. Giết hại lẫn nhau.
  2. Cướp đoạt lẫn nhau.
  3. Xâm phạm vợ con lẫn nhau.
  4. Luống dối làm chứng cho người.
  5. Lường gạt người.
  6. Phá hoại bạn bè thân thiết của người.
  7. Ác khẩu mắng nhiếc người.
  8. Cân đong lừa dối.
  9. Phỉ báng mắng nhiếc lẫn nhau.
  10. Thiêu đốt lẫn nhau.

Trái nghịch chúng sinh, nghĩa là tiểu vương trong các thành ấp, biên địa, người đứng đầu xóm làng… không vâng theo sự răn đe chỉ bày căn bản của Đại vương. Tà hạnh, nghĩa là những người không có giới, tức là các luật nghi xấu ác, hàng thịt thợ săn, nuôi dưỡng heo dê, gà chó ngỗng vịt, các loại tổn hại người khác, tự ý làm ác. Tà mạng, là các thứ phi pháp, cầu các lợi dưỡng phi pháp để nuôi sống thân mạng, tất cả đều không thể tự ở trong đó mà sống.

– Trừng phạt có ba cách:

  1. Trách mắng.
  2. Tước đoạt tài sản.
  3. Lao tù giam giữ, mắng nhiếc ruồng đuổi.

Năm hạng chúng sinh trừng phạt theo ba cách nhẹ, vừa, nặng. Loại phản nghịch thì phải dùng quyền hành, pháp uy lực của vua, trước tiên tâu lời tốt đẹp để chỉ bày đúng như pháp, nếu nghe lệnh vua tức là lìa bỏ tâm phản nghịch, thú nhận các tội lỗi trước nhà vua, vua ban đại ân tha thứ cho trọng tội đó, y theo đất nước đó nơi nhà vua thống lãnh, không hề giảm bớt không tước đoạt, không trục xuất. Vì sao? Vì để cho biết rằng nhà vua có ba việc:

  1. Có niềm tin.
  2. Có ân đức.
  3. Có sức mạnh.

Người chưa hàng phục sẽ được hàng phục, người đã được hàng phục không còn làm điều ác, người muốn phản nghịch thì không dám khởi sự, người có tội đó được thoát khỏi tội lỗi của mình, trở lại ngôi vua nhân dân được yên ổn. Vị vua đó đúng như pháp thực hành, được phước vô lượng, tiếng tốt lan truyền khắp nơi. Nếu nghe mệnh lệnh mà không cúi đầu nhận tội, nên trừng trị đích đáng, ngoại trừ không dứt bỏ mạng sống và không làm hại các căn, tước đọat tất cả tài sản đất nước nhân dân, trục xuất sang xứ khác. Vì sao? Vì để cho các chúng sinh khác không dấy lên phản nghịch, đó gọi là dùng quyền hành vương pháp trừng trị tội dấy lên phản nghịch của chúng sinh kia. Chúng sinh tà hạnh chỉ trừng phạt theo cách trách mắng, rằng ngươi trở lại làm điều ác thì gán cho ngươi tội lỗi thật nặng. Chúng sinh tà mạng nên thuận theo. Như pháp tăng thì chúng tăng nên hòa hợp, kêu gọi khiến họ hiện tiền tự nhận lấy tội lỗi của mình. Tùy theo mức độ phạm lỗi nhẹ hay nặng nên đúng pháp trừng trị. Làm trái tăng mạng, không nghe theo thầy bạn thiện tri thức chỉ dạy, làm náo loạn Tăng chúng không thể tu đạo; nếu vị vua đó là vị pháp vương thì tăng trình nên đến nói để nhà vua ban sắc. Nhà vua nên gọi Tỳ-kheo phá giới kia dùng lời tốt đẹp khuyên nhủ dỗ dành khiến cho thuận theo Tăng mạng. Nếu người đó không nghe theo, nên tập trung hai chúng hiện tiền để trả lời sự thật. Nếu phạm tội ấy thì giúp chúng như pháp trừng trị Tỳ-kheo kia; không được dứt bỏ mạng sống, cho đến không được tước đoạt tài sản của họ, chỉ được trách mắng hoặc trục xuất. Đại vương! Nếu có hai bè đảng tranh chấp, kiện tụng lẫn nhau thì nên đúng như pháp chấm dứt sự tranh chấp kiện tụng. Nếu nhà vua không biết, nên hỏi các vị đại đức sa môn biết pháp biết nghĩa, có bi trí rộng lớn, có danh tiếng tốt đẹp trong nước, đang thực hành chánh pháp lợi ích chúng sinh để chấm dứt sự tranh chấp kiện tụng, có thể chỉ bảo đúng như pháp.

Hỏi: Chánh pháp ấy biết phạm hay không phạm, biết như vậy rồi cứ đúng như pháp để trừ diệt.

Hỏi: Theo kinh Tát-già Ni-kiền-tử năm chép: “Hành pháp hành thực vương hành tám thứ tâm có thể hộ trì chúng sinh:

  1. Nghĩ nhớ các chúng sinh như nghĩ nhớ con cái.
  2. Nghĩ nhớ chúng sinh làm ác như nghĩ nhớ con cái bị bệnh tật.
  3. Nhớ nghĩ chúng sinh chịu đau khổ sinh tâm đại bi.
  4. Nghĩ đến chúng sinh thọ hưởng vui sướng tốt đẹp sinh tâm vui mừng.
  5. Nghĩ đến chúng sinh oán hận lẫn nhau sinh ý tưởng che chở vượt qua.
  6. Thường sinh ý tưởng che chở giữ gìn đối với bạn thân của chúng sinh.
  7. Tưởng như thuốc trị bệnh đối với các vật giúp ích trong cuộc sống hàng ngày.
  8. Thường sinh ý tưởng vô ngã đối với tự thân.

Có đủ tám thứ này gọi là pháp hành vương.”

Hỏi: Vì sao có thể thực hiện những việc giam cầm, bắt bớ trục xuất… như vậy?

Đáp: Đối với các hữu tình ác hạnh phi pháp xót thương nghĩ nhớ, phương tiện trị phạt khiến cho ăn năn cho nên không trái nhau. Vì thế kinh đó quyển ba chép: “Giống như cha mẹ đối với con cái làm ác, vì nghĩ như con cái cho nên muốn làm cho ăn năn sửa đổi, do đó dùng phương tiện trị phạt, ngoài ra không cắt đứt mạng sống, không làm hại các căn, còn các chuyện đánh mắng v.v… tùy thì tâm trị phạt, không gọi là xả tâm, không gọi là tâm ác. Vì nghĩ đến con cái lại muốn chúng ăn năn sửa đổi nên không dám làm ác nữa, nên cha mẹ kia không gọi là phi pháp, không mất tâm từ. Thực hành pháp làm vua cũng giống như thế, vì khiến cho bỏ ác theo thiện, khiến cho những chúng sinh làm ác còn lại đó không gây ra thêm những việc phi pháp, chẳng phải tâm thường ác bỏ rơi chúng sinh này, cũng không phải tâm cố tình làm chúng sinh khổ não mà thực hành một cách nóng giận. Dùng tâm từ bi để thực hành những sự đánh mắng chưởi rủa trừng trị chúng sinh, không gọi là phi pháp, không mất tâm từ.” Kinh đó cũng chép: “Người biết làm việc chân chính thì sẽ bỏ một người ác để thành tựu một nhà, bỏ một nhà ác để thành tựu một làng. Người không biết việc làm chân chính thì người và mọi vật mất mát, khiến cho thiên hạ oán giận.”

Hỏi: Thực hành pháp làm vua đã có Từ bi, dùng những tâm nào để trừng trị người làm ác?

Đáp: Theo kinh Tát-già Ni-kiền-tử ba chép: “Trước tiên khởi tâm từ trí tuệ quán sát tư duy theo năm cách, sau đó thích hợp để trừng trị:

  1. Căn cứ vào thực tế, không dựa theo không thực tế.
  2. Căn cứ vào thời cơ, không theo không hợp thời.
  3. Căn cứ vào nghĩa, không theo vô nghĩa.
  4. Căn cứ vào lời lẽ mềm mỏng, không nên thô bạo.
  5. Căn cứ vào tâm từ, không có tâm nóng giận.

Nghĩa là y theo pháp mà vặn hỏi, tự nói ra, căn cứ theo lỗi lầm thật sự để trừng trị. Vua có khả năng thì nên trừng phạt tội đó, không có khả năng thì không thể trừng phạt, tùy theo tâm ác mà làm, nên đúng như pháp mà trừng phạt, không được như vậy không nên trừng phạt, nên biết lỗi lầm của họ nói đích thực không hề che giấu, khéo nói hết lời, trách mắng như thế, không được như thế thì không nên trách mắng, đó gọi là nhu ngữ (lời mềm mỏng). Không chỉ trách mắng mà còn chấm dứt tội lỗi của họ, trừ việc dứt bỏ mạng sống cắt đứt thân thể. Nương vào tâm từ bi mà giam giữ, trói buộc trách mắng, tước đoạt tài sản, đuổi đến xứ khác là làm cho ăn năn sửa đổi, chẳng phải vì tâm ác lìa bỏ.”

Hỏi: Thực hành pháp làm vua đã không có tâm nhiễm ác để trừng phạt người ác, sao không chấm dứt mạng sống cắt đứt mạng sống, hủy bỏ các căn?

Đáp: Kinh đó chép: “Vì tâm không nhiễm trước, tâm không ác độc nên không thể khởi tâm niệm cắt đứt mạng sống, hủy bỏ các căn như thế được, cần phải quán sát chúng sinh đến lúc chết thì sự nghiệp sai trái sinh ra, tâm sân giận mà chết, mạng đã chấm dứt sẽ đọa vào đường ác, tâm ác theo đuổi đến cùng không lìa bỏ. Vì thế cho nên không thể cắt đứt mạng sống, hủy bỏ các căn. Một khi mạng đã cắt đứt, các căn đã hủy bỏ thì sau đó không thể cứu được. Giam cầm, trách mắng… chẳng phải là bỏ hẳn, thế nên Phật thuận theo đó mà nói”. Lại nữa, kinh đó hỏi rằng: “Tất cả thần tá, tể quan, cấm ti không suy nghĩ đến sách lược của đất nước, chỉ cầu lợi lộc cho bản thân; hoặc lại vì lòng căm tức riêng mà hại đến công chính, hoặc vì nhận của đút lót để trừng trị oan uổng, tăng thêm sự lừa dối hỗn loạn lẫn nhau trong trăm họ, cậy mạnh hiếp yếu, lấy giàu hiếp nghèo, lấy sang hiếp bần, lấy cong hiếp thẳng, người giàu được che chở, kẻ nghèo chịu oan ức, người nịnh hót nắm quyền hành, kẻ trung hiền phải lẩn trốn, hoặc lúc ở triều chính sợ tội lỗi nên tự im lặng, hoặc lấy trộm tài sản hàng hóa để sử dụng cho riêng mình còn trăm họ nghèo khổ không được cứu giúp, chán chán khổ sở, suy tính lung tung, không nghe lệnh vua, ấy là do quan lại bề tôi không thực hành trung nghĩa tiết tháo, lừa dối bề trên, não loạn kẻ dưới, mạo nhận lộc vua, người như thế thuộc vào loại nào trong số chúng sinh đã kể?”

Đáp: “Đại vương! Hạng người đó thuộc loại chúng sinh cướp đoạt trong số đã kể, trừng phạt theo hạng nặng nhất. Vì sao? Vì kẻ đó được nhà vua gọi là quan, hưởng lộc sâu nặng mà bỏ công nhớ tư, không giữ gìn công chính, tai họa loạn lạc phát sinh đều có lý do của nó. Đây là tên giặc lớn nhất của đất nước, nhà vua là vị pháp vương không được cắt đứt mạng sống, vì thế cho nên thuộc vào loại cướp đoạt trong số đã kể, phải trừng phạt theo hạng nặng nhất.” Rộng ra có nhiều loại, đầy đủ như kinh Tát-già Ni-kiền-tử đã nói.

Văn kinh: Dạy chúng sinh điều lành, không thuận theo phi pháp, thà xả bỏ thân mạng, không theo bạn phi pháp; với người thân không thân, quán tất cả bình đẳng.

Tiếp theo tám bài tụng giải thích về thực hành điều lành, có hai: Một bài tụng rưỡi đầu giải thích về thực hành điều lành, sáu bài tụng rưỡi sau giải thích về lợi ích đạt được. Trong phần đầu lại có ba: Nửa bài tụng đầu là dạy dỗ mọi người không thuận theo việc làm phi pháp, nửa bài tụng tiếp theo là tu tập chính đáng không theo bạn bè phi pháp, nửa bài tụng sau cuối là thưởng phạt không phân biệt người thân kẻ sơ.

Văn kinh: Nếu là vua chánh pháp, trong nước không bè đảng, pháp vương có tiếng tăm, vang khắp trong ba cõi. Thiên chúng tam thập tam, vui mừng nói như vầy: Pháp vương châu Thiệm-bộ, đó chính là con ta, dạy chúng sinh điều lành, dùng chánh pháp trị nước, khuyên thực hành chánh pháp, sẽ khiến sinh cõi ta. Trời và các thiên tử, cho đến chúng Tu-la, nhờ vua dạy chánh pháp, tâm thường được vui mừng. Chúng trời đều vui vẻ, cùng che chở vua người, các sao theo vị trí, nhật nguyệt không sai thời, gió nhẹ thường hợp mùa, mưa lành đến đúng tiết, mầm hạt đều thành tựu, người không ai đói kém, tất cả các chúng trời, đầy đủ nơi cung mình.

Tiếp theo giải thích về lợi ích đạt được, có sáu: Một bài tụng đầu là lợi ích được tiếng tăm vang khắp, một bài tụng tiếp theo là lợi ích được làm Thiên tử, một bài tụng tiếp theo là lợi ích sẽ được sinh lên cõi trời, một bài tụng rưỡi tiếp theo là lợi ích được các vị trời vui vẻ che chở, hai bài tụng tiếp theo là lợi ích đất nước được giữ gìn, trong đó lại có bốn: Nửa bài tụng là lợi ích các sao y theo vị trí, nửa bài tụng là lợi ích mưa gió thuận hòa, nửa bài tụng là lợi ích nhân dân đông đúc, vui sướng, nửa bài tụng là có khả năng che chở lợi ích của các trời, bởi vì có thể làm cho chúng trời thường được đầy đủ.

Hỏi: Nhà vua có thể thực hành điều lành, được các vị trời che chở, vì sao có thể được lợi ích che chở các vị trời?

Đáp: Nhà vua thực hành chánh pháp tức là truyền bá lời Phật dạy khắp nơi, đất nước thái bình, nhân dân yên vui, thường khiến cho tu tập điều lành, do đó nhiềungười sinh lên cõi trời. Lại nữa, mở mang Phật pháp nên các vị trời nghe được ích lợi. Vì thế, kinh Tát-già Ni-kiền-tử chép: “Thực hành pháp làm vua được vô lượng các vị trời che chở. Vì sao lại nói là che chở các vị trời? Bởi vì pháp làm vua có thể mang lại thức ăn thanh tịnh về chánh pháp cho các vị trời, đó là vì nói những pháp môn về thiền định, giải thoát, mười nghiệp lành… trong chánh giáo cam lộ của Như lai, khiến cho họ được lìa xa khổ đau trong các đường ác, vì thế nên trở thành che chở. Do đó pháp làm vua tức là thân có khả năng chứa nhóm vô lượng công đức để giúp ích cho hiện tại, vị lai lại có thể nhóm họp các quả lành.” Dưới đây cũng nói: “Vì thế cho nên vua cõi người, ông quên thân mình mở mang chánh pháp, nên tôn trọng pháp bảo. Do đó mọi người được yên vui.” Phẩm Tứ Thiên Vương Hộ Quốc cũng nói nhiều về điều này.

Văn kinh: Thế nên vua cõi người, quên thân truyền chánh pháp, phải tôn trọng pháp bảo, do đó dân yên vui, thường được gần chánh pháp, công đức tự trang nghiêm, quyến thuộc thường vui vẻ, được kìa xa các ác. Dùng pháp độ chúng sinh, thường khiến được yên ổn, giúp tất cả mọi người, tu hành mười điều lành. Tướng sĩ thường vui sướng, đất nước được an vui, vua dùng pháp trị người. Khéo điều phục hạnh ác, nên được tiếng tăm tốt, giúp chúng sinh yên vui.

Tán rằng: Trong phần nói về chánh pháp, có ba: trên đây là phần thứ hai nói rộng về chánh luận, tiếp theo là phần thứ ba khuyến khích y theo tu học, có ba: Một bài tụng đầu khuyến khích hoằng pháp lợi tha, nửa bài tụng tiếp đó khuyến khích gần gũi chánh pháp tự lợi, ba bài tụng sau cùng nói về lợi ích, có bốn: Nửa bài tụng đầu là quyến thuộc lìa bỏ những điều phi pháp, nửa bài tụng tiếp đó là thân chúng sinh vui vẻ, một bài tụng tiếp theo là đất nước giàu có, nhân dân bình yên, một bài tụng tiếp theo là được danh tiếng tốt đẹp, vang lừng khắp nơi.

Văn kinh: Bấy giờ, tất cả vua cõi người và các đại chúng trên mặt đất nghe Đức Phật nói về các vi vua cõi người thuở xưa trị nước, thực hành chánh pháp, được lợi ích chưa từng có này xong thảy đều vô cùng vui mừng tin nhận vâng làm.

Tiếp theo đoạn lớn thứ ba của phẩm, đại chúng vui mừng thực hành.