KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG
KINH SỚ
Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.
Phẩm ĐẠI BIỆN TÀI THIÊN NỮ TÁN THÁN
Phần nói về lý do có phẩm này của phẩm Đại Biện Tài Thiên Nữ Tán Thán đồng như trước. Bồ-tát đầy đủ bốn biện tài nên gọi là Đại Biện Tài, có thần thông tự tại nên gọi là Thiên, hiện làm Thiên Nữ tức trì nghiệp thích, hoặc để phân biệt với Thiên nữ khác. Thiên nữ có Đại biện tài cũng thuộc về y chủ thích.
Hỏi: Sao không nói vị Thiên nữ khác mà ngợi khen?
Đáp: Vì vị này đầy đủ Biện tài thù thắng nhất trong các thần cho nên không nói các vị khác.
Văn kinh: Bấy giờ, Đại Biện tài Thiên nữ liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chắp tay cung kính dùng lời nói thắng.
Tiếp theo văn trong phẩm chia ba đoạn. Đây tức là đoạn đầu nêu rõ người ngợi khen. Có ba: Đầu tiên là nêu ra người ngợi khen, tiếp theo là oai nghi; sau cùng dùng lời nói thẳng là hiển bày sự khác nhau, không dùng tụng để ngợi khen gọi là lời nói thẳng.
Văn kinh: Ngợi khen Thế Tôn rằng: Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Như lai ứng chánh đẳng giác, thân màu vàng ròng, cổ như sò ốc, mặt tựa trăng tròn, mắt giống sen xanh, môi miệng đỏ tươi đẹp như màu pha lê, mũi cao dài thẳng như thoi vàng đầy, răng trắng đều khít như hoa Câu-vật-đầu, thân quang chiếu khắp như trăm ngàn mặt trời, ánh sáng rực rỡ rạng ngời như vàng ròng ở châu Thiệm-bộ. Tất cả ngôn từ đều không nhầm lẫn, nêu rõ ba cửa giải thoát, mở bày ba đường Bồ-đề, tâm thường thanh tịnh, ý lạc cũng thế. Nơi Phật an trụ và cảnh sở hành cũng thường thanh tịnh, lìa điều trái oai nghi, đi đứng không sai phạm, sáu năm tu khổ hạnh. Ba lần quay bánh xe pháp, độ chúng sinh đau khổ, khiến trở về Niết-bàn. Thân tướng tròn đầy như cây Câu-đà, sáu độ huân tu ba nghiệp không lỗi, có trí Nhất thiết, tự lợi lợi tha thảy đều trọn vẹn. Tất cả sự giảng nói thường vì chúng sinh, lời không nói suông, ở trong họ Thích làm Đại sư tử vững chắc mạnh mẽ, kiên cố dũng mãnh đầy đủ tám giải thoát.
Ngợi khen, có hai:
- Ngợi ca công đức.
- “Nguyện đem phước đức này…” về sau là phát nguyện.
Trong phần ngợi khen có ba: Đầu tiên là nói rõ sự kính lễ; tiếp theo là ngợi khen riêng; sau “Nay con tùy năng lực…” trở xuống là kết thúc sơ lược. Trong phần ngợi khen có mười:
1. “Thân màu vàng ròng…” về sau ngợi khen tướng tốt.
2. “Tất cả ngôn từ…” về sau là ngợi khen lời nói không nhầm lẫn, là nói pháp sắc bén thù thắng trong mười tám pháp Bất cộng, cho nên chỉ ngợi khen về lời nói.
3. “Nêu rõ ba cửa giải thoát…” về sau là khen ngợi đức nói pháp giáo hóa ở ngoài, có hai: Một là nêu rõ ba cửa giải thoát tức là cửa Niếtbàn, hai là mở bày ba đường Bồ-đề tức là quả Bồ-đề của ba thân Phật, các quả khác của Nhị thừa nương theo đây mà có..
4.“Tâm thường…” về sau là khen ngợi bốn đức thanh tịnh chứng đạo bên trong, bốn đức thanh tịnh là:
a) Tự tánh tịnh.
b) Ly cấu tịnh.
c) Đạt được đạo tịnh này.
d) Sinh ở cảnh tịnh này.
Tức là phối hợp theo thứ ngược lại, do tâm thanh tịnh lưu xuất ra giáo pháp, thường phát sinh tất cả pháp Bồ-đề phần, tức là thường sinh ra tất cả các sự thanh tịnh. Kinh Vô Cấu Xưng chép: “Hễ tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh, hễ cõi Phật thanh tịnh thì giáo pháp thanh tịnh.” Cho đến nói: “Công đức ý lạc thanh tịnh tức là đạt được đạo thanh tịnh này.” Nơi Phật an trú tức là nơi pháp thân chân như lìa cấu an trụ, tánh và tướng chia làm hai, cho nên kinh Thắng Man chép: “Đang còn bị trói buộc gọi là Như lai Tạng, thoát khỏi ràng buộc gọi là Pháp thân.” Cảnh sở hành tức là tự tánh thanh tịnh. Nhất chân pháp giới là cảnh sở hành của Phật, vì thế trong Nhiếp Luận năm của ngài Vô Tánh chép: “ Bốn đức thanh tịnh này là viên thành thật.” Lại giải thích: “Đây là bốn sự của tất cả tướng thanh tịnh.” Theo Nhiếp Luận chín của ngài Vô Tánh chép:
5. Sở y thanh tịnh tức là y chỉ vào tịnh tự.
6. Sở duyên thanh tịnh tức là biến hóa tạo ra tất cả các sắc.
7. Tâm thanh tịnh tức là tùy theo pháp môn Tam-ma-địa mà minh mong muốn tự tại chuyển hóa, tức là tự tại xuất nhập các định.
8. Trí tự tại là như pháp môn Đà-la-ni mà mình mong muốn được trú trì tự tại. Tâm thanh tịnh này là thứ ba, ý lạc là thứ tư, sở trú là thứ nhất, sở hành là thứ hai. Lại giải thích: “Tâm tức là tâm vương, ý lạc tức là thắng giải, nêu ra thắng giải này để ví dụ cho các tâm sở khác. Sở trú tức là chân như, sở hành tức là cảnh trụ.”
9. “Lìa điều trái oai nghi…” về sau là ngợi khen dứt trừ hẳn, tập tức là khí, trong Nhiếp luận của ngài Vô Tánh chép: “Khắp nơi tất cả các hành trú, nghĩa là ở nơi xóm làng, thành ấp khất thực kinh hành qua lại, thân an trú trong bốn oai nghi vắng lặng. Lại nữa, thân thường làm lợi ích chúng sinh nên an trú trong bốn oai nghi không lỗi.” Kinh Vô Cấu Xưng chép: “Tất cả oai nghi tiến chỉ của Như lai không có gì chẳng phải là Phật sự, đều làm cho chúng sinh được lợi ích hóa độ.”
10. “Sáu năm tu khổ hạnh…” là ngợi khen thị hiện tám tướng, trong tám tướng tạm thời nêu ra hai tướng khổ hạnh và xoay bánh xe pháp, từ “Độ chúng sinh đau khổ…” về sau là ngợi khen hiện tướng, ý khiến cho quay về Niết-bàn, để ví dụ cho các tướng khác.
11. “Thân tướng tròn đầy” đó là ngợi khen về thân tướng.
12. “Sáu độ tu tập” là ngợi khen về tu hành.
13. “Ba nghiệp không lỗi” là ngợi khen đức bất cộng của ba nghiệp, nêu ba nghiệp để ví dụ những điều khác.
14. “Có trí Nhất thiết…” về sau là ngợi khen trí đức: Đầu tiên là nêu chung, từ “Tất cả sự giảng nói” về sau là giải thích riêng. Trong giải thích riêng: Đầu tiên là lợi tha, từ “ở trong họ Thích” về sau là tự lợi. Căn cứ vào thực tế hiện thân giáng sinh đều là lợi tha, nói theo tướng thì gọi là tự lợi.
Văn kinh: Nay con tùy năng lực ngợi khen một phần nhỏ công đức của Như lai, tựa như con muỗi uống nước biển khơi.
Tiếp theo là kết thúc sơ lược.
Văn kinh: Nguyện đem phước đức này hồi hướng khắp tất cả chúng sinh, lìa hẳn sinh tử, thành tựu đạo quả vô thượng.
Tiếp theo là phát nguyện.
Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên nữ Đại Biện Tài rằng: Lành thay, lành thay! người tu tập đã lâu, đầy đủ đại biện tài, nay lại đối với ta trình bày ngợi khen khiến người mau chóng chứng được pháp môn vô thượng, tướng tốt sáng ngời đầy đủ, lợi ích tất cả chúng sinh.
Đây là Như lai khen ngợi ấn chứng. Trong phần khen ngợi: Đầu tiên là khen ngợi chung, từ “Người tu tập đã lâu…” về sau là riêng biệt khen ngợi. Trong khen ngợi riêng. Đầu là khen ngợi nhân, vì tu tập đã lâu nên đầy đủ biện tài; sau là khen ngợi quả, nay lại có thể ngợi khen; “khiến cho người mau chóng chứng được…” sau là ấn chứng phát nguyện.