THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH SỚ

Hán dịch: Đời Đường, Sa-môn Khuy Cơ, chùa Đại Từ ân.

PHẨM 6: BẤT TƯ NGHỊ

Sau phẩm Phương Tiện gồm năm phẩm nói về hạnh lợi tha. Bốn phẩm đầu thuộc về ẩn tích lợi tha, vì chưa hiện đại thần thông, tùy loại mà cứu độ, cho nên gọi là ẩn tích lợi tha, tức mật quyền. Phẩm này hiện đại thần thông, nói về hiển tích lợi tha tức hiển quyền. Thần thông diệu dụng bậc thượng vị mới biết được, cho nên chẳng phải là chỗ suy nghĩ đến của người hạ vị, lại chẳng phải là chỗ tính bàn của hàng hạ vị. Nay ở phẩm này bàn luận rộng đến, cho nên gọi là phẩm Bất Tư Nghị. Bất tư nghị lấy tuệ căn vô lậu làm tánh, và thần thông làm thể, cảnh thần thông diệu dụng kia lại chẳng thể lường được, nên cũng gọi là Bất tư nghị.

Kinh: Lúc bấy giờ, Xá-lợi Tử… nên ngồi ở đâu?

Tán: Toàn phẩm được chia làm bốn đoạn lớn:

  1. Ngài Thu Tử suy nghĩ.
  2. Ngài Vô Cấu chê trách.
  3. Hiển thị Bất tư nghị, tức là câu: “Hỏi ngài Diệu Cát Tường mười phương ngồi…”.
  4. Chúng đương thời được lợi ích tức là câu: “Tám ngàn Bồ-tát được giải thoát”.

Đây là văn đầu. Tâm nghĩ đến tòa ngồi, mong được ngồi. Văn xưa chỉ có ba, không có đoạn nói về chúng được lợi ích.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… mong cầu tòa ngồi sao? Tán: Đoạn thứ hai ngài Vô Cấu chê trách. Gồm bốn phần:

  1. Hỏi ngài Thu Tử.
  2. Ngài thu Tử phản vấn.
  3. Ngài Vô Cấu giải thích rộng.
  4. Chúng đương thời được lợi ích.

Đây là văn thứ nhất, hỏi do xưa nghĩ rằng chúng ta hôm nay vì nghe pháp, cả hai nên cùng nhau theo đến đó, đã chẳng cầu mong tòa ngồi cho nên nêu câu hỏi này.

Kinh: Xá-lợi Tử… chẳng phải cầu tòa ngồi.

Tán: Ngài Thu Tử đáp lại.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… huống gì là tòa ngồi.

Tán: Thứ ba, ngài Vô Cấu giải thích rộng. Gồm ba phần:

  1. Nói tổng quát về cầu pháp.
  2. Nói riêng về cầu pháp.
  3. Tổng kết việc cầu pháp, tức là câu: “Cho nên Xá-lợi Tử! Nếu muốn cầu pháp…”.

Đây là văn đầu. Phàm cầu pháp phải nên ở nơi năm minh mà cầu nghe chánh pháp của Phật, nên mạnh mẽ tha thiết cầu nghe, dẫu có được một câu thiện pháp mà khó khăn gian khổ cũng vui vẻ mà vào, huống gì là muốn nghe nhiều ngôn nghĩa vi diệu. Tuy có yêu thích tự thân và các vật riêng tư, nhưng chẳng thể so sánh được với sự kính trọng ưa thích chánh pháp. Chẳng bao giờ đủ, chẳng bao giờ mỏi mệt, nhu hòa, tin sâu, tâm ngay thẳng, kiến giải ngay thẳng, mến đức mến pháp. Khi đến chỗ của pháp sư thì không có tâm cật vấn, chỉ khởi tưởng tuệ nhãn, diệu bảo trí minh, thắng quả, tâm ý vui thích, không lỗi lầm, rất mực cung kính, không có tâm cống cao ngã mạn, chẳng khởi tưởng phá giới, chủng tộc thấp kém, văn từ thô lậu, ý nghĩa sai khác. Chỉ cầu điều thiện, không khoe đức hạnh của mình, không vì danh lợi mà cầu chánh pháp, luôn luôn ân cần cung kính nghe học; không nên khởi tâm tổn hại tìm cầu lỗi, chỉ cầu hiểu biết, chuyên tâm lắng nghe, thanh tịnh lãnh thọ giữ gìn, như thế gọi là cầu chánh pháp. Vì thế, nơi Tuyết sơn nghe được nửa bài kệ mà xả thân chẳng khó, Hương thành nghe được hết giáo mà bán thân rất dễ. Tất cả đều vì tôn trọng chánh pháp, mà chẳng kể đến thân mạng hà huống gì tòa ngồi?

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… cõi Vô sắc.

Tán: Nói riêng về cầu pháp, gồm mười đoạn. Sở cầu nghĩa là tu cầu chứng pháp, sở bất cầu nghĩa là tuy có cầu biết, nhưng không cầu chứng đắc, gọi là chẳng cầu.

Đây là văn thứ nhất, chẳng cầu pháp hư huyễn. Uẩn, xứ, giới và các pháp trong ba cõi đều hư huyễn.

Kinh: Ngài Xá-lợi Tử… chẳng phải cầu pháp.

Tán: Thứ hai, chẳng cầu pháp Nhị thừa. Nhị thừa chấp có tam bảo và bốn đế, đây chẳng cầu chấp biệt tướng tam bảo, chẳng phải không cầu Tam bảo; chẳng cầu hý luận phân biệt sai biệt biết khổ, đoạn tập chứng diệt, tu đạo nhưng chẳng phải không cầu chứng chân lý phi an lập đế.

Kinh: Ngài Xá-lợi Tử… chẳng phải cầu viễn ly.

Tán: Đoạn thứ ba, chẳng cầu pháp hữu lậu, có hai phần. Đây nói chẳng cầu ngăn chặn các pháp hữu lậu, vì pháp gọi là tịch tĩnh, là chân như và pháp cận tịch tĩnh là các pháp vô lậu khác. Nếu thực hành pháp hữu lậu sinh diệt thì chẳng phải là cầu pháp vô lậu và cầu pháp chân như viễn ly.

Kinh: Các người cầu pháp… chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Trong phần chẳng cầu pháp hữu lậu, đoạn này nói chẳng cầu pháp phiền não tùy tăng. Pháp không có tham nhiễm, là chân như, lìa các tham nhiễm là các pháp vô lậu khác, đều chẳng có thể tham nhiễm.

Kinh: Ngài Xá-lợi Tử… chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đây là đoạn thứ tư, chẳng cầu pháp sở trí. Có hai cách giải thích. Một là chẳng cầu cảnh giới mà vọng tâm chấp thủ, vì chân như nhân duyên chẳng phải là cảnh vọng. Nếu tâm phân biệt chấp cảnh giới này thì chẳng phải là cầu pháp. Số tức là kế (chấp trước). Hai là, chẳng cầu cảnh giới hữu tướng sai biệt, vì chân như chánh pháp không sai biệt, số tức phân biệt.

Kinh: Ngài Xá-lợi Tử… ngài chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đoạn thứ năm, chẳng cầu pháp nhiếp khí. Thủ nghĩa là nhiếp thủ (lấy), xả tức khí xả (bỏ). Các tâm phân biệt cho rằng pháp có lấy bỏ, nhưng nhân duyên chân như không có lấy bỏ, hoặc pháp có sinh diệt, có thể lấy bỏ; còn chân thì không sinh diệt, đâu có gì để lấy bỏ?

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đây là câu thứ sáu, chẳng cầu pháp ái nhiễm. Hay thâu giữ thì yêu mến (ái). Cái được thâu giữ này là sở duyên của ái. Vậy đã chẳng cầu tham ái, cho nên pháp chẳng thể thâu giữ, chẳng phải là cảnh ái nhiễm.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đây là câu thứ bảy, chẳng cần pháp hữu tướng. Chân như chánh trí đều là vô tướng, nếu tùy pháp tướng mà xa lìa, tức là cầu pháp tướng mà chẳng phải cầu pháp.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đây là câu thứ tám, chẳng cầu pháp thế tục. Các người cầu pháp chẳng cùng trụ nơi tất cả pháp thế tục, vì trong pháp chân như thì vô sở trụ.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… Chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đây là câu thứ chín, chẳng cầu pháp bốn cảnh. Luận Đối Pháp ghi: “Nhãn thọ nhận là nghĩa kiến, nhĩ thọ nhận là nghĩa văn, tự nhiên suy nghĩ mà biết như thế là nghĩa giác, sở thọ bên trong là nghĩa tri (biết)”. Nhưng đối với Đại thừa thì căn thức và tâm hòa hợp thì gọi là thấy… Nhưng năm căn, nghĩa mạnh hơn cho nên được lấy làm tên. Luận Du-già ghi: “Kiến tri thuộc hiện lượng, văn thuộc Thánh ngôn lượng, giác thì thuộc tỷ lượng”. Cho nên biết nhãn thì gọi là kiến, còn tỷ thiệt thân đều được gọi là tri, ý duyên với giáo gọi là văn, chỉ có riêng ý tư duy thì gọi là giác. Đối pháp lấy nhĩ làm cửa mà cho rằng ý duyên với giáo, cho nên nhĩ thọ nhận gọi là văn, kỳ thật văn (nghe) là do ý duyên với giáo. Bốn pháp này đều nương vào tâm hữu lậu sai biệt mà kiến lập, cho nên nói chân như chẳng phải là kiến văn.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… Chẳng phải là cầu pháp.

Tán: Đây là câu thứ mười. Chẳng cầu các pháp phiền não ác nghiệp tạo tác. Các pháp vô lậu chẳng phải là chỗ tạo tác của các nghiệp ác phiền não, cho nên gọi là vô vi, vốn là cầu pháp này. Hoặc chỉ có chân như gọi là vô vi, vì đó là gốc của pháp.

Kinh: Vì thế, ngài Xá-lợi Tử… nên không có chỗ cầu.

Tán: Kết luận về việc cầu pháp. Các người cầu pháp chẳng nên cầu tất cả pháp phi pháp, đối với pháp phi pháp nên không cầu. Đối với pháp thì không cầu mà cầu, đó chính là cầu pháp.

Kinh: Khi thuyết pháp này… được pháp nhãn tịnh.

Tán: Đoạn thứ tư, chúng đương thời được lợi ích, đạt được quả Dự lưu.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… tòa sư tử cao lớn.

Tán: Phần thứ ba, hiển thị bất tư nghị; có hai phần:

  1. Hiện sự bất tư nghị.
  2. Thuyết sự bất tư nghị, tức là từ câu “có pháp giải thoát gọi là chẳng thể nghĩ bàn”…

Trong phần hiện sự bất tư nghị lại chia làm bốn đoạn:

  1. Hỏi về tòa ở phương nào.
  2. Ngài Cát Tường chỉ.
  3. Nói về việc đặt tòa.
  4. Ngài Thu Tử khen; theo văn có thể biết.

Đây là đoạn đầu hỏi về tòa ngồi ở phương nào.

Hỏi:

– Vì sao trước trách là nên cầu pháp chẳng nên cầu tòa ngồi, sau lại hỏi cầu tòa ở phương nào, mới đem đến mà đặt.?

Đáp:

– Lý thì nên cầu chân chẳng nên cầu tục, vì thế đầu tiên là trách, lễ xong thì vì thuận theo cơ nghi, cho nên nay đặt tòa ngồi.

Kinh: Ngài Diệu Cát Tường nói… an ổn trụ trì.

Tán: Bồ-tát Diệu Cát Tường chỉ nơi chốn. Gồm hai phần: Chỉ nơi chốn; tán thán.

Trong phần thứ nhất lại gồm chín câu:

  1. Chỉ nơi chốn; là phương Đông.
  2. Nêu xa gần, cách ba mươi sáu khắc-già-sa cõi Phật.
  3. Chỉ cõi Phật, là Sơn tràng.
  4. Nêu Đức Phật; là Phật Đăng vương.
  5. Nêu sự an lạc tức hiện đang trụ trì.
  6. Nêu thân lượng của Phật, tức tám mươi bốn ức du-thiện-na.
  7. Nêu tòa Phật cao rộng, tức sáu mươi tám ức du-thiện-na.
  8. Nêu thân lượng của Bồ-tát, tức bốn mươi hai ức du-thiện-na.
  9. Nêu tòa Bồ-tát cao rộng ba mươi bốn du-thiện-na.

Đoạn này có năm câu, phối hợp riêng có thể biết được.

Kinh: Thân Đức Phật ở cõi này cao… du-thiện-na.

Tán: Đoạn văn này gồm bốn câu.

Kinh: Cư sĩ! Nên biết… đầy đủ các công đức.

Tán: Đây là khen ngợi tòa thù thắng, chỉ ra để ông Vô Cấu lấy đem về, hoặc chỉ hóa tướng độ, hoặc chỉ tha báo độ, vì thế thân và quốc độ đều rất lớn.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… thần thông tự tại.

Tán: Đoạn thứ ba, chính thức đặt tòa. Theo văn thì có ba phần:

  1. Khởi thần thông.
  2. Tòa đến.
  3. Khuyên ngồi lên tòa.

Đây là văn thứ nhất. Đặt thứ tám trở lên, luôn ở nơi định, thuận theo thế tục mà khởi thần thông, khi nhiếp niệm thì lại nhập định.

Kinh: Liền khi ấy ở phương Đông… trượng thất của Vô Cấu Xưng.

Tán: Đoạn này nói về việc ngài Vô Cấu dời tòa đến. Có ba phần:

  1. Tòa đến.
  2. Việc kỳ lạ đặt biệt.
  3. Dung chứa.

Đây là văn đầu tiên. Ứng theo số chúng đương thời nên có ba mươi hai ngàn ức tòa ngồi, hiển thị tòa chẳng thật, do sức thần tạo ra, nương hư không mà đến.

Kinh: Các Bồ-tát này… trước chưa từng nghe.

Tán: Đây là nói về việc kỳ lạ. Nghe có thể nghe ở xa mà xưa chưa được nghe, thấy là thấy việc ở gần, xưa chưa được thấy, khoảng giữa xa và gần cũng đều chưa có, cho nên nói là kỳ lạ.

Kinh: Ngôi trượng thất tự nhiên rộng lớn… chẳng ngăn ngại nhau.

Tán: Nói về ngôi trượng thất dung chứa; gồm có hai:

  1. Ngôi trượng thất biến hiện ra dung chứa tòa ngồi.
  2. Thế giới chẳng bị ép chật.

Đây là văn thứ nhất. Ngôi trượng thất rộng lớn, sạch sẽ trang nghiêm mà chẳng dơ uế, có thể dung chứa tất cả các tòa sư tử. Khiến nhỏ thành lớn là thuộc về thư biến (duỗi) trong mười tám biến. Hoặc nhỏ có thể dung nạp lớn gọi là rộng, chẳng phải là biến thành rộng.

Kinh: Thành Đại Quảng Nghiêm… trước sau không khác.

Tán: Đoạn này là nói thế giới chẳng bị ép chật. Cõi Nam Thiệmbộ nhỏ, tòa thì rất lớn, cả hai ở cùng một vị trí mà không ngại nhau. Thế giới nhỏ chẳng bị tòa lớn chướng ngại ép chật, cho nên nói vẫn như cũ, trước sau không khác. Trong hai mươi tám biến thuộc về biến các ảnh tượng nhập thân.

Hỏi: Vì sao khiến trượng thất rộng, mà không làm cho thế giới cực nhỏ biến thành lớn?

Đáp: Phương trượng là ngôi thất riêng. Đại chúng vân tập cho nên biến, thế giới là cõi chung, nên chẳng cần biến. Tính ngôi thất luận tòa ngồi, thì tất cả đều lớn hơn thế giới. Do sức thần thông tự tại mà có biến và chẳng biến.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… lên tòa sư tử.

Tán: Từ đây xuống là phần thứ ba, chánh thức khuyên lên tòa ngồi, có hai:

  1. Khuyên thỉnh ngài Cát Tường lên tòa.
  2. Thỉnh đại chúng lên tòa.

Đây là văn thứ nhất. Ngài Cát Tường dùng thần lực, chẳng đợi ông Vô Cấu thỉnh, theo phép tiếp khách, phải mời lên tòa, cho nên mới khuyên thỉnh.

Kinh: Cùng với các Bồ-tát… xứng hợp với tòa sư tử.

Tán: Mời những người khác lên tòa. Có hai:

  1. Mời.
  2. Ngồi.

Đây là lời mời. Đạo lực chẳng cao, nên khuyên hiện thần lực, sợ chẳng tương xứng với tòa, cho nên phải biến thân.

Kinh: Những vị được thần thông… đoan nghiêm mà ngồi.

Tán: Đây là nói về lên tòa ngồi. Có hai:

  1. Bồ-tát lên tòa.
  2. Thanh văn lên tòa.

Trong phần một lại có hai:

  1. Hiển năng lực của chính mình.
  2. Năng lực của người khác.

Đây là văn thứ nhất. Thân và tòa ngồi tương xứng, cho nên gọi là đoan nghiêm.

Kinh: Các vị Bồ-tát mới học… tòa sư tử.

Tán: Hiển năng lực của người khác. Gồm có ba:

  1. Nói chẳng thể lên.
  2. Nói lợi ích.
  3. Mới lên được.

Đây là văn đầu, những vị chứng lên được, tức các Bồ-tát trước Thập địa.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… được năm thần thông.

Tán: Đây là nói lợi ích, được năm thần thông.

Kinh: Tức dùng thần lực… đoan nghiêm mà ngồi.

Tán: Đây là nói nhờ tha lực mới ngồi được.

Kinh: Trong đó lại có… tòa Sư tử.

Tán: Thanh văn lên tòa. Có năm phần:

  1. Chẳng thể lên.
  2. Hỏi.
  3. Đáp đã khuất phục.
  4. Nói lợi ích.
  5. Mới lên được.

Đây là văn đầu nói về việc các Thanh văn không thể lên được. Thần lực của Nhị thừa, tuy đến Đại thiên, nhưng do tha lực chế phục nên không thể lên tòa, hoặc chẳng thể hiện thần thông, tùy thân lên tòa.

Tòa đã cao rộng, vì thế chẳng thể lên được.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… chẳng thể lên tòa này.

Tán: Đây là lời cật vấn. Chúng Thanh văn rất nhiều nhưng khó có thể đối đáp, ngài Thu Tử là bậc Thượng thủ, vì thế mới hỏi, để ông Vô Cấu biết được đạo của Thanh văn.

Kinh: Xá-lợi Tử nói… tôi chẳng thể lên tòa.

Tán: Trả lời đã bị khuất phục. Tòa quá phần sức của mình cho nên chẳng thể lên.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói rằng… mới có thể ngồi.

Tán: Thứ tư, nói lợi ích. Tòa xuất xứ từ Phật Đăng Vương, cho nên bảo lễ kính. Cần phải được thêm thần lực mới có thể lên tòa, để hiển thị nếu quy kính thì nguyện ắt viên mãn, cũng hiển thị việc Phật gia trì để thực hiện các việc thiện. Nhưng trước thuyết cho Bồ-tát, khiến được thần thông mà lên tòa. Là vì căn cơ và giai vị đã kham nhận được.

Còn ở đây các Thanh văn chỉ lễ Phật mà lên được tòa, chẳng được thần thông, vì căn cơ chưa thể kham nhận.

Kinh: Lúc bấy giờ, các đại Thanh văn… đoan nghiêm mà ngồi.

Tán: Phần thứ năm, mới lên tòa được. Thân và tòa tương xứng gọi là đoan nghiêm mà ngồi. Lễ tạ để được ngồi; quy kính gá nương, hiển thị chẳng phải là Thắng đạo để khiến phát tâm. Luận Thành Duy Thức ghi: “Nếu do sức định biến hiện, thì căn thân, khí giới, tự tha đều chẳng quyết định.” Do đó có thể biết tòa ngồi, thân lượng và thân đều do sức thần thông của người khác dẫn phát; thức tùy theo lớn nhỏ mà biến đổi, không trái nhau.

Kinh: Xá-lợi Tử nói… chẳng ngại nhau.

Tán: Trong phần hiện sự bất tư nghị, đây là đoạn thứ tư nói về việc ngài Thu Tử khen ngợi. Gồm hai:

  1. Khen ngợi trượng thất dung chứa.
  2. Khen thế giới vẫn như cũ.

Đây là văn thứ nhất.

Hỏi: Trước biến thành rộng lớn, thì ngôi thất chẳng phải là nhỏ, nay nói thất nhỏ, thì trái nghịch sao?

Đáp: Có hai cách giải thích:

1. Ngôi thất chẳng phải biến thành lớn, mà dùng nhỏ dung chứa lớn, nên gọi là rộng lớn; thất chẳng phải lớn, cho nên gọi là thất nhỏ.

2. Ngôi thất biến thành lớn, lược có ba cách giải thích: Do thần lực biến thành lớn, cho nên trước nói rộng, hàng Thanh văn chẳng thể lường được nên còn thấy thất nhỏ, vả lại xưa nói đến mạt (ngọn) hôm nay, cho nên nói rộng lớn, nay luận đến bản, (gốc) khi xưa, cho nên nói nhỏ. Theo lý thật có biến thành lớn. Trước nói rộng lớn, đều thấy là nhỏ, nay nói thất nhỏ, thì cũng không trái nhau.

Kinh: Thành lớn Quảng Nghiêm… trước sau không khác.

Tán: Đây là khen thế giới vẫn như cũ. Về chỗ thấy theo trước giải thích thì thế giới lớn thất nhỏ; y theo cách giải thích sau thì thất lớn thế giới nhỏ, cho nên không bị ép chật.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… bất khả tư nghị.

Tán: Đoạn thứ hai, nói về bất tư nghị. Nhân trước khen tặng mà giải thích rộng về việc hy hữu. Theo văn thì gồm có ba:

  1. Thuyết bất tư nghị.
  2. Ngài Ca-diếp tán thán.
  3. Lặp lại về giải thoát.

Văn thứ nhất lại có ba phần:

  1. Nêu tổng quát.
  2. Nói rộng; tức từ câu: “Thưa ngài Xá-lợi-phất…”.
  3. Kết luận.

Đây là phần một. Địa thứ tám trở lên gọi là bất thoái. Có thần thông tên là giải thoát; vì chứng chân giải thoát mới có thể phát khởi; cũng tên là giải thoát giải thoát định chướng cho nên gọi là giải thoát.

Vì dụng của thần thông này khó lường, nên gọi là Bất tư nghị.

Kinh: Nếu trụ như thế… hình lượng chẳng giảm.

Tán: Từ đây trở xuống là phần nói rộng. Gồm có sáu phen mỗi một phen đều có phần nêu lên và kết luận. Sáu phen:

  1. Lớn nhỏ dung nhập nhau.
  2. Rộng hẹp lãnh nạp nhau.
  3. Đến đi tự tại.
  4. Kéo dài hay rút ngắn tùy ý.
  5. Vận chuyển tùy tâm; đồng loại đều đến.

Năm phen đầu là chuyển cảnh; một phen sau là biến tâm. Trong phen thứ nhất lại gồm có năm:

  1. Nêu người năng biến.
  2. Chánh thức nói về thân biến.
  3. Không duyên nào chẳng biết.
  4. Căn cơ thành thục có thể ủy thác.
  5. Kết luận nói về sự sâu xa vi diệu.

Đây là phần một; gồm có hai đoạn: Một là nêu người năng biến, tức Bồ-tát giải thoát; hai là nói về thần biến, núi và hạt cải dung nhập lẫn nhau.

Hỏi: Núi lớn chẳng giảm, hạt cải nhỏ chẳng tăng, cả hai khác nhau làm sao mà dung nạp lẫn nhau?

Đáp: Không Lý Nghĩa ghi: “Thế tục hư giả, Thắng nghĩa vốn không. Vì mê không và giả nên ngại nơi tâm, thì lớn nhỏ phân cách, nếu ngộ được huyễn hóa mà ý thông đạt, thì sao chẳng dung nạp nhau? Huống hồ lớn nhỏ cách xa, do mê nên chấp có, nếu đạt thắng nghĩa không, thì ngại gì chẳng thông? Ứng Lý Nghĩa ghi: “Lược có tám cách giải thích:

  1. Chấp có chỗ chấp thì lớn nhỏ sai biệt; biết chỗ chấp là không thì đâu có lớn nhỏ?
  2. Chẳng đạt y tha, cho rằng có thật lớn nhỏ, nếu thể hội được hư giả, thì lý nào chẳng thông?
  3. Sự có lớn nhỏ hoặc cho rằng chẳng thể dung nhập, nhưng lý đều viên thành, sao chẳng dung nhập được?
  4. Chấp pháp có tác dụng thì lớn nhỏ liền trái, biết pháp do nhân duyên, đồng như hư huyễn, thì nào có cách ngăn?
  5. Mê tâm chấp cảnh, cảnh thật thì khó dung chứa, biết cảnh đều do tâm đâu có gì chẳng được?
  6. Pháp chân có tướng thì lớn nhỏ chẳng dung nhập, biết Pháp vô tướng là chân, thì đâu có lớn nhỏ?
  7. Chưa khế hợp chân như thì tâm ngu tăm tối ngăn cách, biết chân đạt giả, thì trí sáng suốt thông đạt.
  8. Hàng giai vị thấp chẳng thể thông đạt; bậc Thượng nhân có oai lực thì việc gì chẳng hay.

Đây là sức bất tư nghị chẳng phải là những hạng người khác có thể lường được. Hợp với trước thành mười câu, phần sau đều căn cứ theo đó mà biết. Nhưng tùy theo khả năng mới có thể làm được, mà chẳng thể cho là bất tư nghị thì liền trái với chánh lý. Lời này thành thật, người trí nên suy xét.

Kinh: Tuy hiện như thế… đâu có đến, đâu có nhập?

Tán: Đoạn thứ ba nói không duyên nào chẳng biết.

Kinh: Chỉ khiến những người khác… nhập vào hạt cải.

Tán: Đoạn thứ tư, căn cơ thuần thục. Hạng người thấy sức thần thông mà điều phục, tức là những người cần thấy thần thông để nhập đạo, là người có căn cơ thuần thục.

Kinh: Như thế an trụ… Độc giác chẳng thể lường được.

Tán: Kết luận, sâu xa vi diệu. Nhập tức chứng. Đây là sở chứng của trí thiện xảo của Bồ-tát, chẳng phải là cảnh giới mà hàng Nhị thừa phàm phu có thể biết được. Đã nói hơn Nhị thừa, thì phàm phu cũng không thể lường biết.

Kinh: Ngài Xá-lợi Tử… hình lượng chẳng giảm.

Tán: Phen thứ hai, hẹp rộng dung nạp nhau. Theo văn gồm có năm. Đoạn này có ba ý đầu là nói về người có thể biến hiện, và chánh thức nói về thần biến.

Kinh: Tuy hiện như thế… lo sợ não hại.

Tán: Thứ ba, không duyên nào chẳng biết. Có hai:

  1. Nói về sự linh nghiệm chẳng lường, tức là đoạn văn “nào có đến, nào có nhập” nói ở trước.
  2. Loài hữu tình chẳng kinh sợ tức là đoạn “Cũng chẳng làm cho chúng…”

Kinh: Chỉ khiến những kẻ khác… chẳng phải là hàng Độc giác có thể lường được.

Tán: Đoạn này có hai là: thứ tư hàng căn cơ thuần thục có thể ủy thác và thứ năm là kết thành sâu xa vi diệu.

Kinh: Lại ngài Xá-lợi Tử… không có tăng giảm.

Tán: Phen thứ ba là nói đến đi tự tại, theo văn gồm có năm. Đây là hai đoạn đầu: Nêu người năng biến hiện, chánh thức nói về thần biến. Đào gia luân tức là bánh xe ép gạch của người thợ gốm, đặt trong lòng bàn tay tự xoay chuyển mà ném ra rồi lại thâu về.

Kinh: Tuy hiện như thế… cũng không làm lo sợ.

Tán: Đoạn thứ ba nói không duyên nào chẳng biết. Sức vận động đã lớn, mà chẳng làm cho họ sinh khởi ý tưởng là có qua lại và không sợ hãi.

Kinh: Vả lại thưa ngài Xá-lợi Tử… mà làm cho họ điều phục.

Tán: Phen thứ tư, kéo dài rút ngắn tùy ý. Theo văn cũng có năm.

Đây là đoạn đầu chánh thức nói về thần biến, lại có hai:

  1. Nói về việc làm.
  2. Nói về thần biến.

Có thấy sinh tử tương tục ở thời gian dài thì mới có thể điều phục, vì kéo ngắn thành dài, có thấy sinh tử tương tục trong thời gian ngắn thì mới có thể điều phục, vì rút dài thành ngắn. Đây là nói việc làm, để hiển rõ việc thần biến nói ở sau.

Kinh: Có thể dùng thần thông… mà khiến cho được điều phục.

Tán: Thứ ba, chánh thức nói về thần thông.

Kinh: Tuy hiện như thế… rõ biết được kéo dài hay rút ngắn.

Tán: Đoạn này gồm hai câu:

  1. Không duyên nào chẳng biết, tức câu “thời gian dài ngắn…” trở lên.
  2. Căn cơ thuần thục mới ủy thác, tức câu: “Chỉ làm cho những người khác…” trở xuống.

Kinh: An trụ như thế… Độc giác chẳng thể lường được.

Tán: Kết luận nói sâu xa vi diệu.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi Tử… chỉ bày các hữu tình.

Tán: Phen thứ năm, vận chuyển tùy tâm. Theo văn cũng có năm.

  1. Nêu người hay biến hóa.
  2. Chánh thức nói về thần biến.

Phần chánh thức nói về thần biến, gồm bảy câu:

  1. Gom các cõi Phật.
  2. Biến khắp mười phương.
  3. Hiện vật cúng tốt đẹp.
  4. Hiện khắp các sắc tượng.
  5. Có thể hút phong luân.
  6. Có thể hút lửa vào bụng.
  7. Ném các thế giới.

Đoạn này có một câu nói về gom các cõi Phật.

Kinh: Vả lại dùng thần lực… mà chẳng di chuyển.

Tán: Biến khắp mười phương. Có hai cách giải thích:

1/ Ý thế thông, nghĩa là chẳng phải dùng thân để đi mà dùng thế lực của ý, biến làm hữu tình đi khắp cõi nước trong mười phương để chỉ các cõi Phật, chẳng phải chỉ biến thân đi cùng khắp. Các hữu tình ấy trụ tại một cõi Phật, chưa từng di chuyển.

2/ Ý thế thông, tức vận động chỗ tạo tác của thân, tùy thuận thế lực của ý thì rất nhanh chóng, trong một sát-na đến khắp mười phương, chẳng đồng với việc thân của Tiểu thừa đến khắp mọi nơi.

Tuy mang hữu tình đến các thế giới ở mười phương, nhưng đó chỉ là các Báo độ, các cõi Phật riêng biệt, vì pháp tánh tự tại, hoặc trụ ở Báo độ, trong một cõi Phật mà không di động.

Kinh: Lại dùng thần lực… các sắc tượng như tinh tú…

Tán: Đoạn này có hai: Câu thứ ba là nêu lên vật cúng tốt đẹp, câu thứ tư là hiện các sắc tượng.

Kinh: Lại dùng thần lực… đều không tổn hại.

Tán: Đoạn này có hai câu: Câu thứ năm có thể hút phong luân, câu thứ sáu là nói có thể hút lửa vào bụng.

Kinh: Lại dùng thần lực… đều không tổn hại.

Tán: Câu thứ bảy, ném các thế giới, tức thân trụ ở phương dưới lấy một thế giới; ném qua phương trên cách đây hơn vô số thế giới, tuy đặt ở một cõi khác nhưng thế giới ấy vẫn không bị tổn giảm, như dùng một cây kim găm vào một lá táo không có gì khó khăn.

Kinh: Tuy hiện như thế… liền thấy việc này.

Tán: Đây là đoạn thứ ba trong phần vận chuyển tùy tâm, nói về không duyên nào chẳng biết và đoạn thứ tư là hàng căn cơ thần phục mới được ủy khác.

Kinh: An trụ như thế… Độc giác chẳng thể lường được.

Tán: Kết luận nói sâu xa vi diệu.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi-phất… các loại sắc tượng.

Tán: Phen thứ sáu nói về đồng loại đều đến. Văn chỉ phân làm hai:

  1. Biến thân.
  2. Biến ngữ.

Biến thân lại có hai:

  1. Biến mình.
  2. Biến người.

Đoạn này là nêu người hay biến và biến mình. Hoặc Thánh hoặc phàm, hoặc thầy hoặc trò, như văn đã nói, chẳng cần lặp lại.

Kinh: Hoặc dùng thần lực… các loại sắc tượng.

Tán: Đây là biến thân người khác.

Kinh: Hoặc dùng thần lực… vi diệu bậc nhất.

Tán: Đây là nói biến ngữ. Ví như biến lời nói của mình có năng lực quyết định. Gồm hai phần: Một là, biến âm thanh pháp vô ngại; biến âm thanh từ ngữ vô ngại. Một phen sau cùng từ câu: “Hoặc dùng thần lực… trở xuống”.

Trong phần đầu lại có ba:

  1. Chuyển thành âm thanh của Phật làm căn bản.
  2. Có thể thuyết pháp… từ âm thanh của Phật lưu xuất.
  3. Kết luận nêu lợi ích.

Đây là văn thứ nhất có thể chuyển âm thanh của ba phẩm hữu tình, đồng thời tạo thành âm thanh Phật, đều là bậc nhất.

Kinh: Từ âm thanh của Phật này… ngôn từ sai biệt.

Tán: Từ đây xuống là phần thứ hai; hay thuyết pháp, từ âm thanh Phật lưu xuất. Có ba câu:

  1. Thuyết pháp.
  2. Hiển ba thừa.3. Xuất âm vận.

Đây là câu đầu.

Kinh: Cho đến tất cả… đều từ trong đó lưu xuất.

Tán: Đây là hiển âm thanh Tam thừa thuyết pháp.

Kinh: Cho đến mười phương… từ âm thanh Phật lưu xuất.

Tán: Đây là nói về âm vận. Âm vận của chư Phật, đều có thể lưu xuất.

Kinh: Khiến cho tất cả… đều điều phục.

Tán: Kết luận nêu lợi ích. Tùy theo các loại căn cơ khác nhau, tất cả đều điều phục.

Kinh: Hoặc dùng thần lực… mỗi mỗi đều được lợi ích.

Tán: Đây là nói biến âm thanh ngôn từ vô ngại, đều khiến cho được lợi ích.

Kinh: Thưa ngài Xá-lợi-phất… rốt cuộc chẳng cùng tận.

Tán: Trong phần thuyết Bất tư nghị, từ đây trở xuống là phần thứ ba, kết luận để thành tựu nghĩa nói ở trước, có hai:

  1. Kết luận nói trí của mình biện biệt khó cùng.
  2. Nói sự giải thoát của người khó tận.Đây là văn đầu.

Kinh: Như trí tuệ của ta… vì vô lượng.

Tán: Đoạn này là nói sự giải thoát của người khó tận.

Kinh: Lúc bấy giờ, Tôn giả… khen là điều chưa từng có.

Tán: Trong phần thuyết Bất tư nghị, từ đây trở xuống là phần thứ hai, Ca-diếp khen và tự hận, gồm hai câu:

  1. Khen và tự hận.
  2. Nói về lợi ích.

– Đây là văn đầu, gồm có hai:

  1. Khen.
  2. Tự hận.

Đây là phần khen ngợi.

Kinh: Liền nói với Tôn giả… cũng chẳng thể liễu ngộ.

Tán: Tự hận gồm có sáu câu:

  1. Hận mình chẳng biết.
  2. Nói trí có thể ngộ.
  3. Than không phát thú.
  4. Oán mình mà buồn khóc.
  5. Mừng người đạo cao.
  6. Hiển thị hay phá ác.

Đây là đoạn nói về hận mình chẳng biết. Theo văn gồm có hai là dụ và hợp.

Kinh: Ai là bậc có trí… tâm Chánh đẳng Chánh giác.

Tán: Thứ hai nói về trí có thể ngộ, vì thế mà phát tâm.

Kinh: Chúng ta hôm nay… lại nên làm thế nào?

Tán: Thứ ba là than không phát thú. Tuy đã có nhân Đại thừa, nhưng lại bị cực quả của Thanh văn làm tổn hại, đã đoạn phiền não mà như hạt giống hư thối, không thể làm gì được; đó là khi chưa phát tâm, mà tự khiêm nhường, chẳng phải nơi hội Pháp Hoa thì chẳng được thọ ký làm Phật.

Kinh: Chúng ta tất cả… đại thiên thế giới.

Tán: Thứ tư, oán mình buồn khóc.

Kinh: Tất cả Bồ-tát… thế lực tin hiểu.

Tán: Thứ năm, vui mừng thấy người đạo cao, vì có thế lực hay sinh, hay tưởng, tin hiểu kiên cố.

Kinh: Nếu có Bồ-tát… không có khả năng tạo tác.

Tán: Thứ sáu, hiển thị có thể phá ác, chẳng thể làm gì được.

Kinh: Nên ở nơi Tôn giả… tâm Chánh đẳng giác.

Tán: Kết luận nêu lợi ích.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… Bồ-tát giải thoát.

Tán: Trong phần thuyết Bất tư Nghị, từ đây trở xuống là phần thứ ba lặp lại nghĩa giải thoát. Có hai đoạn:

  1. Nói ma vương phần nhiều là giải thoát.
  2. Nói người ăn xin lớn phần nhiều cũng giải thoát.Trong đoạn một lại có hai:
  3. Nói ma vương phần nhiều là giải thoát.
  4. Giải thích lý do.

Đây là văn đầu.

Kinh: Phương tiện khéo léo… vì các hữu tình.

Tán: Đây là giải thích lý do dùng phương tiện độ làm nhiều ma vương để lợi ích chúng sinh.

Kinh: Đại Ca-diếp-ba… Bồ-tát giải thoát.

Tán: Sau đây là nói về người hành khất lớn phần nhiều cũng giải thoát. Có hai:

  1. Hiển.
  2. Kết luận.

– Trong phần hiển bày lại có ba:

  1. Nói về chỗ tạo tác.
  2. Giải thích lý do.
  3. Lặp dụ để rõ nghĩa.

– Đoạn thứ nhất lại có hai:

  1. Nói về vật xin.
  2. Nói về người xin.

Vật xin có hai loại: Nội tài vật và ngoại tài vật. Ngoại tài vật gồm có bảy:

  1. Thân thuộc.
  2. Đất đai ở thế gian.
  3. Địa vị tôn quý.
  4. Ẩm thực.
  5. Vật trang sức.
  6. Bốn sự.
  7. Tài sản riêng tư.

Kinh: Dùng xảo phương tiện… ý lạc vững chắc.

Tán: Giải thích lý do. Đầu tiên là nêu lên, sau là giải thích.

Đây là phần nêu lên. Muốn khiến cho ý lạc của Bồ-tát vững chắc, cho nên làm đại hành khất để thử nghiệm.

Kinh: Vì sao?… vì việc này mà cầu xin.

Tán: Đây là hiển rõ nghĩa trước. Vị đại hành khất là Bồ-tát dũng mãnh vì làm lợi ích chúng sinh mà làm việc khó làm này, chẳng phải hàng hạ liệt có thể làm đại hành khất được vì ý chí kém cỏi.

Kinh: Đại Ca-diếp-ba… vì việc này mà cầu xin.

Tán: Đây là dụ để hiểu rõ. Có hai ví dụ:

  1. Nói về lực lớn hay bức bách.
  2. Nói về lực đối địch hay bức bách.

Đây là văn đầu. Bồ-tát trước Địa thứ bảy làm vị đại hành khất giống như lửa đom đóm, vì giai vị thấp, chẳng thể bức bách bậc đại thí Bồ-tát, Bậc đại thí Bồ-tát giống như mặt trời oai thế rất lớn. Bồ-tát Địa thứ tám trở lên là Bồ-tát giải thoát mới có thể làm đại hành khất, mà bức bách được, vì có oai lực rất lớn, hoặc mới có thể bố thí lớn, chẳng phải là việc các giai vị thấp làm được.

Kinh: Đại Ca-diếp-ba… cộng tướng bức bách.

Tán: Đây là nói lực đối địch bức bách. Theo văn ý có thể biết.

Kinh: Đó gọi là an trụ… cảnh giới giải thoát.

Tán: Đây là thứ hai, kết luận.

Kinh: Khi thuyết pháp này… cảnh giới giải thoát.

Tán: Đoạn thứ tư của phẩm là phần kết luận nêu lợi ích. Cảnh giới giải thoát là Bồ-tát Địa thứ tám trở lên. Nay ở đây nói nhập, thì đều là chứng quả vị bất thoái.