THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH SỚ

Hán dịch: Đời Đường, Sa-môn Khuy Cơ, chùa Đại Từ ân.

PHẨM 14: CHÚC LỤY

Trong hai phẩm cuối cùng nói về tán thán và trao phó lưu thông, thì phẩm trước nói về tán thán lưu thông, phẩm này nói về phó chúc lưu thông. Nếu chẳng trao phó kỹ càng thì hoặc là sợ người khinh mạn pháp chẳng rõ, cho nên mới trịnh trọng phó chúc, khiến sinh lòng tin mà tu học. Dùng lời mà trao cho, gọi là chúc, lặp lại nhiều lần gọi là Lụy.

Phẩm này luận bàn kỹ về việc ấy nên gọi là phẩm Chúc Lụy.

Kinh: Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Từ Thị… phó chúc cho ông.

Tán: Toàn phẩm được chia làm ba đoạn:

  1. Phó chúc kỹ càng.
  2. Hỏi tên giữ pháp.
  3. Lợi ích đã xong hoan hỷ lưu thông.

– Đoạn đầu lại có hai phần:

  1. Phó chúc cho Bồ-tát, tự giữ và hành trì.
  2. Phó chúc cho Thanh văn, khiến lấy bỏ.

– Phần đầu lại có ba:

  1. Phó chúc cho Bồ-tát Di-lặc.
  2. Bồ-tát xin thọ trì.
  3. Thiên vương hộ vệ.

– Phần một lại có ba:

  1. Như Lai phó chúc.
  2. Bồ-tát Di-lặc tán thán lãnh thọ.
  3. Thế Tôn khen ngợi.

– Thứ nhất lại có hai:

  1. Phó chúc pháp.
  2. Nói về đức bị mất.

– Phần một lại có hai:

  1. Phó chúc khiến hành trì.
  2. Giải thích nguyên do.

– Đầu tiên lại chia làm ba:

  1. Phó pháp chung.
  2. Nói về pháp thắng diệu.
  3. Khiến đời sau truyền bá lưu thông.

Đây là văn thứ nhất. Quả gom tập từ nơi biển nhân Thánh hạnh đem phó chúc cho ông, biểu thị thể dụng đều lớn.

Kinh: Kinh điển như thế… gia hộ.

Tán: Đây là nói về pháp thù thắng vi diệu. Do oai lực của Phật giữ gìn mà chẳng diệt, nhờ oai lực của Phật gia hộ nên không có tai họa.

Kinh: Sau khi Như Lai Niết-bàn, ông sẽ… chớ khiến bị diệt mất.

Tán: Đoạn này là bảo đời sau lưu thông. Nhiếp thọ tức gia hộ, nhiếp trì lãnh thọ, là tên khác của gia hộ.

Kinh: Vì sao?… vô lượng thắng lợi.

Tán: Trên là trao phó khiến hành trì, đây là giải thích nguyên do.

Có hai:

  1. Nói về lợi ích và tổn hại của hai người.
  2. Phó chúc nhân pháp.

Phần thứ nhất được chia làm hai:

  1. Nói về tổn hại.
  2. Nói về lợi ích.

Đây là văn đầu tiên, ở đây có hai hạng người:

1. Tuy chưa phát tâm Đại thừa mà đã gieo trồng thiện căn tốt đẹp.

2. Đã phát tâm Đại thừa có thắng giải rộng lớn, tức Bồ-tát trước mười Địa; các tâm trước mười Địa trong mười ba trụ tâm gọi là Thắng giải hạnh, cho nên có thắng giải rộng lớn. Hàng phàm phu trước mười Địa nếu chẳng nghe kinh, như người chưa phát tâm thì chẳng thể phát tâm, người đã phát tâm, thì chẳng thể đạt lợi ích, gọi đó là thoái thắng lợi.

Kinh: Nếu kia được nghe… hoan hỷ đảnh lễ vâng thọ.

Tán: Đây là nói về nghe pháp được lợi ích. Bản dịch xưa dùng phát tâm Bồ-đề là một, thích pháp Đại thừa là hai, thứ tự phối hợp với hoan hỷ, đảnh lễ vâng thọ. Nhưng nói nên phát tâm nên ưa thích thì nghĩa cũng đồng như bản dịch mới, không có lỗi.

Kinh: Ta nay trao phó những người thiện nam, thiện nữ ấy… lưu hành rộng khắp.

Tán: Đây là phó chúc nhân pháp. Phó chúc người là khiến được hộ niệm để không bị chướng nạn khi nghe pháp này. Phó chúc pháp là khiến pháp được lưu hành rộng khắp.

Kinh: Từ thị nên biết… tướng ấn của Bồ-tát.

Tán: Trình bày về đức bị mất, có ba:

  1. Nêu lên.
  2. Chỉ rõ.
  3. Giải thích.

– Đây là đoạn văn đầu. Ấn có hai loại:

  1. Vô tướng ấn, như trước đã giải thích.
  2. Hữu tướng ấn, chính là ấn nói ở đây.

Tướng tức tướng mạo, ấn tức là quyết định, tướng trạng quyết định gọi là tướng ấn. Hai giáo này gọi là ấn, ấn hai hạng Bồ-tát.

Kinh: Thế nào là hai?… ngộ nhập tướng ấn.

Tán: Đây là hiển bày, có hai: Một là, nêu lên; sau là hiển thị.

Đây là đoạn văn thứ nhất. Một là, thích những lời văn thêu dệt thì lý theo đó mà bẻ cong hay uốn thẳng; hai là, tùy thuận tánh tướng mà ưa thích pháp nghĩa sâu xa, là thể của tướng ấn. Nhập tức là chứng giải.

Kinh: Nếu các Bồ-tát… Bồ-tát tu học đã lâu.

Tán: Đây là phần giải thích, có hai:

1. Theo văn có thể biết, tức theo văn chẳng theo lý.

2. Hàng thứ hai là các Bồ-tát không có tạp nhiễm không chấp trước, tức là đối với pháp sâu xa không sợ hãi, nghe liền tin hiểu cho đến tu hành, do đó liền được lòng tin thanh tịnh xuất thế, gọi là hàng tu học đã lâu, nếu chẳng phải hàng tu học lâu, thì chẳng thể tin thích pháp này.

Kinh: Từ Thị nên biết… pháp nhẫn sâu xa.

Tán: Nói về tướng mất, có hai là thứ tự nói về hai hàng Bồ-tát nêu trên. Trong phần một có ba:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích.
  3. Kết luận.

Đây là văn thứ nhất. Pháp nhẫn tức trí nhẫn đạt được từ việc quán giáo pháp bốn Đế của Bồ-tát Sơ địa. Do bốn duyên nên Bồ-tát mới học không đạt được Sơ địa.

Kinh: Thế nào là bốn… từ đâu mà đến.

Tán: Đây là phần giải thích có hai:

  1. Nêu lên.
  2. Hiển bày.

– Trong phần hiển bày lại có hai:

  1. Hai việc đầu là đối với pháp.
  2. Hai việc sau là đối với người.

Đây là lời văn thứ nhất. Đối với pháp chưa nghe thì phát sinh hai việc: một là, kinh sợ nghi ngờ, tâm không tùy hỷ cho nên trái nghịch; hai là dẫu đã nghe thì sau lưng lại trái nghịch phỉ báng, trước mặt lại khinh chê, nói rằng chẳng phải là pháp mà trước kia ta đã nghe, từ đâu mà có đây? Vì cho rằng không có xuất xứ nên khinh hủy.

Kinh: Thứ ba là, thấy có người… phỉ báng.

Tán: Đây là hai việc đối với người.

1. Thấy người tin pháp này thì chẳng thích gần gủi, chẳng thích cung kính, chẳng thích lễ bái.

2. Đối với người tin pháp này thì về sau thân khinh mạn, tâm ganh ghét, lời thì trước mặt hủy nhục, sau lưng phỉ báng. Bản dịch xưa ghi bốn việc này gom lại hai môn, cũng đồng có nhân và pháp.

Kinh: Do bốn duyên này… pháp nhẫn sâu xa.

Tán: Đây là phần kết luận.

Kinh: Từ Thị nên biết… Vô sinh pháp nhẫn.

Tán: Đoạn văn này có ba, đây là phần thứ nhất. Người được tương tục Vô sinh pháp nhẫn là Bồ-tát Địa thứ tám. Trước nói hàng mới học chưa được Sơ địa, ở đây nói hàng hữu học chẳng được Địa thứ tám, hoặc chẳng được Sơ địa.

Kinh: Thế nào là bốn… trao cho, khuyên bảo.

Tán: Đây là phần hiển bày, có hai:

1. Nêu lên. 2. Hiển thị.

– Hai duyên đầu là đối với người, hai duyên sau là đối với pháp.

1. Khinh người mới học.

2. Không thích thâu họ làm đệ tử, không thích chỉ bày học xứ, không thích dạy cho pháp thiện, không thích khuyên bảo chớ làm việc ác cho người mới học. Do hai duyên này mà khiến cho người mới học không thể tiến tu. Bản xưa ghi: “Chẳng dạy dỗ khuyên bảo”, tức duyên thứ hai.

Kinh: Thứ ba… pháp thí thanh tịnh.

Tán: Hai duyên đối với pháp. Học xứ rộng lớn là giới Bồ-tát. “Thậm thâm” thì Luận Nhiếp Đại thừa ghi: “Bồ-tát hành mười nghiệp như sát sinh… mà không có tội, sinh vô lượng phước, mau chóng chứng Bồ-đề”. Rộng lớn có bốn:

1. Vô lượng học xứ rộng lớn.

2. Vô lượng phước đức rộng lớn.

3. Ý lạc lợi sinh rộng lớn.

4. Kiến lập Bồ-đề rộng lớn, đều như luận đã nói. Hoặc cho rằng thậm thâm tức khó lường. Rộng lớn tức thể dụng rộng lớn. Một là, chẳng kính trọng sâu xa pháp này, mà xem nhẹ; hai là, thích tài thí chẳng thích pháp thí, thấy lợi lạc hiện tại, mà chẳng thấy lợi ích mai sau. Bản xưa không có hai duyên sau, cũng không có văn kết luận.

Kinh: Do bốn duyên này… Vô sinh pháp nhẫn.

Tán: Đây là kết luận.

Kinh: Bồ-tát Từ Thị… rất vi diệu.

Tán: Đoạn thứ hai, Bồ-tát Di-lặc tán thán lãnh thọ. Có ba:

1. Tán thán. 2. Lãnh thọ. 3. Kết luận.

Đây là lời Bồ-tát Di-lặc tán thán. Hy hữu vì rất khó được nghe, vi diệu là vì khó vào.

Kinh: Như lời Phật đã chỉ dạy… rốt ráo xa lìa.

Tán: Bồ-tát Di-lặc lãnh thọ có hai:

  1. Tướng lỗi của đức.
  2. Lãnh thọ sự phó chúc ở trước.

Đây là văn thứ nhất. Văn mới nói rằng Bồ-tát có các lỗi lầm, tài chưa đủ đức còn thiếu, chẳng dám tự thọ nhận, nên nói lỗi lầm này con xin xa lìa. Đây là hiển bày Bồ-tát còn ở nơi nhân vị, chưa đạt đến quả vị, đến quả mới cùng tận, cho nên nói sẽ xa lìa.

Kinh: Như Lai… khiến chẳng diệt mất.

Tán: Lãnh thọ lời phó chúc đã nói ở trước, có hai:

  1. Lãnh thọ pháp.
  2. Lãnh thọ người.

Đây là đoạn thứ nhất, giữ gìn pháp này khiến chẳng bị diệt; có người lưu thông thì pháp sẽ thịnh hành.

Kinh: Các thiện nam, thiện nữ ở đời vị lai… giảng nói cho người khác nghe.

Tán: Đây là lãnh thọ người. Có người chân pháp khí cầu Đại thừa, con khiến cho họ nhận được kinh điển này và trao cho niệm lực khiến họ thọ trì cho đến giảng nói cho người khác nghe.

Kinh: Bạch Thế Tôn! Vào đời sau… trụ trì gia hộ.

Tán: Đây là kết luận, thành tựu cho việc lãnh thọ và ban cho niệm lực nói ở trước.

Kinh: Đức Thế Tôn dạy rằng… chánh pháp như thế.

Tán: Thứ ba, Thế Tôn khen tặng. Ba nghiệp chẳng trái gọi là tùy hỷ; nhiếp thọ lãnh nạp, ủng hộ giữ gìn, rất khéo léo vi diệu.

Kinh: Bấy giờ, trong hội… lưu bố tuyên dương khắp nơi.

Tán: Đoạn lớn thứ hai, Bồ-tát xin thọ trì, có hai:

  1. Ủng hộ chánh pháp.
  2. Ủng hộ người.

Đây là phần thứ nhất. Đức Phật tại thế thì nhờ oai thần tự có thể gia hộ, còn sau khi diệt độ thì con sẽ hộ trì, chẳng những ở phương này tự tại hộ trì mà còn đến phương khác để ủng hộ.

Kinh: Nếu thiện nam… làm cho không bị chướng ngại. Tán: Đoạn này nói bảo hộ người:

  1. Ban cho niệm lực khiến chẳng quên sót giáo pháp.
  2. Khiến cho lưu thông rộng khắp mà không bị chướng ngại.

Kinh: Bấy giờ, trong chúng… pháp môn này.

Tán: Đoạn lớn thứ ba, Thiên vương ủng hộ, có hai:

  1. Nói về việc ủng hộ.
  2. Nói về xa gần.

Đây là phần thứ nhất; thứ nhất là hộ trì chánh pháp, thứ hai hộ trì người. Pháp môn tức là pháp, giả tức người giả.

Kinh: Bốn phương… chẳng được tiện lợi.

Tán: Đây là nói về xa gần. Du-thiện-na, bản xưa ghi là do-tuần. Theo luận Câu-xá thì năm trăm cung là một câu-lô-xá bằng hai dặm; tám câu-lô-xá là một du-thiện-na, bằng mười sáu dặm. Xưa truyền rằng hoặc cho bốn mươi dặm là một du-thiện-na, thì cũng không trái với ở đây. Trong vòng một trăm do-tuần đều làm cho được an ổn, Thiên ma, ngoại đạo, tai chướng, suy hao, hiểm nạn không thể gây chướng ngại, kẻ ác cũng không thể thừa cơ thuận tiện dò xét, trừ người bị nghiệp quyết định.

Kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn… khiến được lưu thông.

Tán: Trên là phó chúc cho Bồ-tát, gồm pháp và người; còn đây là phó chúc cho Thanh văn, chỉ có pháp không có người. Đoạn này có hai:

  1. Phó chúc.
  2. Thọ nhận.

Đây là phần đầu.

Kinh: A-nan-đà bạch rằng… pháp môn như thế.

Tán: Thứ hai là lãnh thọ.

Kinh: Bạch Thế Tôn! Pháp môn như thế… con thọ trì như thế nào?

Tán: Đoạn thứ hai, hỏi tên và cách thọ trì, có hai:

  1. Hỏi.
  2. Chỉ dạy.

– Đây là lời hỏi.

  1. Hỏi tên pháp môn.
  2. Hỏi cách thọ trì.

Kinh: Thế Tôn dạy rằng… nên thọ trì như thế.

Tán: Đây là lời dạy. Nêu chung một tên mà thọ trì, tức là cách thọ trì. Bất khả tư nghị tức là siêu việc sự suy lường của tình thức và ngôn ngữ. Tự tại tức là nhậm vận, nghĩa là tự do; thần biến tức là diệu dụng của thông quả, chuyển biến vô cùng, không mà rõ ràng là có; giải thoát tức định quả vô lậu, thoát khỏi định chướng cho nên gọi là giải thoát. Hoặc cho rằng định quả là tự tại thần biến, chân như ly hệ gọi là giải thoát. Pháp môn là giáo năng thuyên, tức là giáo pháp hiển bày nghĩa sở thuyên. Nên thọ trì như thế tưc là khuyên người tu học, lãnh thọ giáo pháp.

Đây là đoạn thứ ba nói về việc lợi ích đã xong vui mừng lưu thông. Đạo từ nơi không có phiền não, lìa sầu bi khổ mà khởi, vì thế nên hoan hỷ. Thuận mà tâm tịnh, lưu giữ tại lòng, y đó mà lưu truyền tu tập, cho nên gọi là tin nhận, vâng theo đó mà hành trì.

*****

Vào ngày 27 tháng 12, niên hiệu Hàm Thuần thứ ba. Bấy giờ ngài Khuy Cơ chưa từng đọc các chương sớ của cổ đức, nhưng do chư vị ở chùa Bình đẳng, huyện Đại nguyên, ở Tinh châu ép giảng bản xưa kinh này. Nhân lần giảng đó mà chế lời sớ trên, để nêu lên huyền chỉ. Lúc ấy, ban đêm thì soạn văn, sáng sớm thì giảng thuyết. Cứ tùy thời mà chẳng biếng trễ. Nhưng chưa từng xem hỏi lại, mãi đến tháng 7 niên hiệu Hàm Thuần thứ năm, nhân đến U minh ở đất Tô, lại được mời giảng bản dịch xưa kinh này, thì mới được đọc lại, xét thấy văn tuy sơ lược mà nghĩa lại đầy đủ, lời tuy thô mà lý lại sâu xa. Nhưng vì thời gian bức bách, nên thật chưa được hoàn toàn. Nay kinh văn có những chỗ khác nhau, đều lược nêu lên, hân hạnh được chư vị lưu tâm xem đọc.

(Dương Tín, ở chùa Hưng phước, viết vào tháng 5, niên hiệu Bảo An thứ hai)