SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.

Việt dịch:  Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN 9

Phẩm 44: CHUYỆN ÁC CẦU, THIỆN CẦU

Tôi nghe như thế này:

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá- vệ. Khi ấy Đề-bà-đạt-đa tuy đã xuất gia nhưng bị tâm lợi dưỡng che lấp, làm ba điều tội nghịch: Xô đá trên núi lăn xuống đè Phật, làm ngón chân Phật bị thương, thả voi say để chà đạp Phật, giết Tỳ-kheoni lậu tận. Vì do sát sinh nên sợ thọ quả báo đời sau. Ông đến hỏi Lục sư, họ nói các lời, tà kiến: Làm ác không có tội, làm thiện không có phước, tâm sinh tin kính đoạn mất căn lành. Khi đó A-nan vì tình ruột thịt thương mến, đau đớn buồn rầu bạch với Thế Tôn:

– Điều-đạt ngu si tạo nghiệp chẳng lành, phá hoại căn lành, làm  nhục dòng họ Thích.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo A-nan:

– Đề-bà-đạt-đa chẳng những đời này vì lợi dưỡng đoạn phá căn lành, mà ở trong kiếp quá khứ cũng tham lợi dưỡng tán thân mất mạng.

A-nan bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, ông Đề-bà-đạt-đa ở thời quá khứ tham lợi tán thân mất mạng, việc đó như thế nào? Cúi mong Thế Tôn hoan hỷ nói lại chúng con xin muốn được nghe.

Đức Phật bảo:

– Này A-nan, hãy lắng nghe cho kỹ. Ở thời quá khứ vô lượng kiếp a-tăng-kỳ không thể nghĩ bàn, tại châu Diêm-phù-đề này, có một nước tên Ba-la-nại, có một người thương buôn tên Ma-ha Dạ-di, vợ người ấy mang thai, tự nhiên tính tình thay đổi, rất nhân từ nhu hòa, sau khi đủ tháng sinh được một đứa con trai, hình thể đoan chánh, cha mẹ rất yêu mến, mở bày buổi tiệc ngon ngọt đãi thân tộc và mời thầy tướng đến xem tướng, họ cũng tiệc tùng vui vẻ. Thầy tướng hỏi:

– Đứa bé này được mẹ mang thai đến khi sinh ra có điềm ứng gì không?

Người cha nói:

– Từ khi thọ thai nó đến nay, mẹ nó tự nhiên tánh tình hiền hòa từ ái.

Thầy tướng bèn đặt tên là Thiện Cầu. Khi lớn lên thích làm các việc phước đức, thương mến chúng sinh. Thời gian sau bà vợ thương buôn lại mang thai, bỗng nhiên tính tình hung ác. Và mãn tháng cũng sinh được một đứa con trai, hình thể xấu xí. Mời thầy tướng đến đặt tên. Thầy tướng hỏi:

– Đứa trẻ này từ khi mẹ nó mang thai có điềm cảm ứng gì không?

Đáp:

– Khi mang thai nó đến nay, mẹ nó hung dữ lắm. Thầy tướng bèn đặt tên là Ác Cầu. Khi lớn lên nó rất thích làm việc ác, thường sinh lòng tham, tật đố… Hai người con trai ấy đều muốn đi biển tìm châu báu, họ mỗi người dẫn theo năm trăm tùy tùng, đường xá xa xôi giữa đường thì bị thiếu lương thực. Trải qua bảy ngày,  người ta cứ lần lượt chết bớt. Bấy giờ Thiện Cầu cùng các thương buôn thành tâm cầu nguyện các Thần kỳ, cầu xin giúp đỡ nạn đói. Lúc đó ở bên một cái đầm, từ xa trông thấy một thân cây cành lá sum suê, họ bèn đi đến thấy một dòng suối. Thiện Cầu và mọi người cùng thành tâm thương xót cứu giúp. Do lòng thành nên Thần cảm ứng, hiện thân nói:

– Hãy đốn đi một nhánh cây thì sẽ có đồ cần dùng hiện ra. Mọi người vui mừng, bèn đẽo một nhánh cây thì nước uống ngon lành chảy ra, đẽo một nhánh cây thứ hai, các thứ thức ăn hiện ra đầy đủ trăm vị, họ cùng nhau tiếp nhận được ăn uống no nê, họ đẽo thêm nhánh cây thứ ba thì có ra các thứ y phục đẹp lạ; đẽo thêm nhánh thứ tư hiện ra các thứ bảo vật trang nghiêm đầy đủ các thứ cần dùng. Sau đó Ác Cầu và mọi người thương buôn đến cũng được cây đó hiện ra các thứ đồ như trước. Chàng ta bèn nghĩ: “Cành cây này có thể hiện ra các thứ vật báu đẹp lạ, huống nữa là rễ của cây ta nên chặt thử, may ra nó hiện các thứ còn đẹp cực kỳ hơn nữa.” Trong lòng suy nghĩ liền quyết định sai người đốn cây ấy. Khi đó Thiện Cầu nghe tin đó, buồn rầu nói với Ác Cầu:

– Chúng ta đói thiếu, mạng sống chỉ còn sớm chiều, nay nhờ ân của cây này được cứu giúp mạng thừa, tại sao lại ôm lòng ác tệ muốn đốn cây ấy?

Khi ấy Ác Cầu không chịu nghe lời liền đốn cây ấy. Thiện Cầu đau lòng không nỡ nhìn thấy nên đã dẫn mọi người thương buôn của mình đi về nhà. Đốn cây xong xuôi thì có năm trăm quỷ La-sát đến bắt lấy Ác Cầu và nhóm thương buôn này, nuốt ăn hết, của cải, bạn bè mất hết tất cả.

Nói đến đây, Đức Phật bảo:

– Này A-nan, ông nên biết Thiện Cầu là tiền thân của Ta. Người cha thuở đó nay là phụ vương Tịnh Phạn, còn bà mẹ nay là mẫu hậu Ma-da. Còn Ác Cầu chính là Đề-bà-đạt-đa. Này A-nan, Đề-bà-đạt-đa chẳng những đời này làm việc chẳng thiện, tham cầu lợi dưỡng mà đời đời thường tạo nghiệp ác như thế. Ta với ông ấy ở tiền kiếp thường gặp nhau, thường dạy ông ta pháp lành mà ông không chịu nghe, lại còn oán hận Ta. Khi đó A-nan và bốn bộ chúng nghe Đức Phật nói thế, buồn vui  lẫn lộn, đều tự khích lệ, đảnh lễ phụng hành.