SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 23
Phẩm 29: TÙY TRI
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nên thuận theo sự hiểu biết về tướng của Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tướng ấy đồng với tất cả pháp vô ngại; tất cả pháp không phân biệt, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy; tất cả pháp không hoại, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy; tất cả pháp vô ngã, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như vậy; không phô trương trí tuệ giác ngộ, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như vậy; tất cả pháp là danh tự giả, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng như vậy; tất cả pháp được bàn luận hay phân biệt đều là không, không thể nắm bắt, Bát-nhã ba-la-mậtđa cũng như vậy; tất cả các pháp đều không thuyết, Bát-nhã ba-lamật-đa cũng như vậy. Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô lượng; tất cả pháp vô lượng; tất cả pháp vô tướng; tất cả pháp là tướng thông đạt; tất cả pháp tự tánh thanh tịnh; tất cả pháp vắng lặng; tất cả pháp không diệt đồng với không đoạn; tất cả pháp thành tựu Niết-bàn đồng với chân như; tất cả pháp không đến, không đi không có mạng sống, nơi sống và cuối đời; tất cả pháp không có tự tướng và tha tướng; tất cả pháp Thánh hiền tự tánh thanh tịnh; tất cả pháp bỏ các thệ nguyện, tất cả pháp không phương không xứ, Bát-nhã ba-la-mậtđa cũng như vậy. Vì sao? Vì tự tánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh không phương không xứ. Tất cả pháp tánh an vui; tất cả pháp không nhiễm và không lìa nhiễm; tất cả pháp không ái và cũng không xa lìa ái, vì tự tánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm trần cũng không xa trần; tất cả pháp không bị trói buộc; trí của Bồ-tát hiểu biết tất cả pháp Phật; tất cả pháp là Không, Vô tướng, Vô nguyện; tất cả pháp là liều thuốc hay mà tâm Từ đứng đầu; tất cả pháp đều trụ nơi hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả; tất cả pháp hoàn toàn không trụ cũng không lìa những lầm lỗi; như biển cả bao la; như núi Tu-di uy nghiêm; như sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên; như ánh sáng mặt trời soi rọi vô biên, tất cả âm thanh vô biên, tất cả Phật pháp vô biên, như phước trí của tất cả cảnh giới chúng sinh vô biên; như địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, thức giới vô biên; như pháp thiện và pháp bất thiện vô biên; như tất cả tạng Phật pháp vô biên; như tất cả pháp vô biên; như tánh không vô biên; như tâm sở và tâm sở pháp vô biên; như tâm sở hành vô biên; như tập ở tất cả pháp vô lượng; tất cả pháp chánh định vô lượng không thể nắm bắt; như pháp thiện và bất thiện vô lượng; như tất cả pháp sư tử hống; như tất cả pháp không thể hoại; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức như biển cả; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức trang nghiêm như núi Tu-di; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức như ánh sáng mặt trời tỏa chiếu khắp nơi; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức như âm thanh vô biên; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên như sự quy nạp của tất cả Phật pháp; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên như cảnh giới của chúng sinh; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức như địa, thủy, hỏa, phong, không, thức đại vô biên; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức xa lìa sự tập hợp của tướng hoàn toàn; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức tướng hòa hợp; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên như những pháp chánh định; vì sắc xa lìa tự tánh của sắc nên sắc chân như chính là Phật pháp; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức xa lìa tự tánh của thức; vì thức chân như chính là Phật pháp; vì tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên; vì không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức nơi tâm và tâm sở vô biên; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đối với hành nghiệp của tâm sở không sinh; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức đối với pháp thiện và pháp bất thiện không thể nắm bắt; vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức như sư tử hống; vì cứu cánh của sắc, thọ, tưởng, hành, thức không thể hoại; nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thế.
Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát nào có thể thuận theo sự hiểu biết của Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, thì đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa là không hành động, không tạo tác và không có sự chứng đắc, cho đến không thể dùng tư duy quan sát mà so sánh kịp. Vị ấy hoàn toàn xa lìa những ý niệm như: Lừa dối, nịnh nọt, lười biếng, keo kiệt, tật đố, chấp thủ về ngã, phân biệt mình và họ, phân biệt ta người, chúng sinh, tiếng khen và lợi dưỡng, các pháp về năm ấm cho đến tất cả pháp.
Tu-bồ-đề! Nếu Đại Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, thì đối với những pháp khó đạt mà đạt được, cho đến thành tựu trọn vẹn tất cả công đức và sinh vào cõi của các Đức Phật thành Nhất thiết trí.