PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 25: THỌ KÝ NGOẠI ĐẠO BÀ-LA-MÔN

Lúc đó, trong hội có ngoại đạo Bà-la-môn tên là Bát-rị-một-lanhạ-ca cùng với quyến thuộc sáu vạn người, thấy các A-tu-la vương, La-hầu-la vương, các đại Long vương, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… và An lạc thiên, Tứ thiên vương thiên, Tam thập tam thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên phát tâm cúng dường rồi, được Phật thọ ký và nghe các Thiên tử Tịnh cư dùng lời hay nói kệ khen Phật, hoan hỷ phấn khởi thật chưa từng có.

Lúc đó, ngoại đạo từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay hướng lên Đức Phật thưa:

–Con nghe Đức Cù-đàm nói pháp vô ngã tâm không ham thích, trái lại sinh nghi hoặc, không thích trụ xứ, không thích xuất gia.

Thưa Sa-môn Cù-đàm! Nếu nói vô ngã thì cớ gì thân này từ nhân duyên sinh? Con thấy thần thông sắc tướng của Cù-đàm thật là đệ nhất trong hàng trời người, thành tựu đầy đủ oai đức rộng lớn, khiến cho những người thấy đều sinh hoan hỷ, lại thường vì các Thiên tử Quảng quả nói tất cả pháp tức là Như Lai. Như vậy thì tại sao nói là vô ngã?

Thưa Sa-môn Cù-đàm! Xin vì chúng hội phân biệt như thật, con xin lắng nghe và ghi nhận; chỉ có Đức Như Lai mới có khả năng biết được tâm người khác và làm cho con được hiểu rõ, đoạn trừ lưới nghi.

Đức Phật khen:

–Hay thay ngoại đạo! Giả sử ông có đưa ra trăm ngàn vấn nạn ta đều có thể giải đáp không có khó gì. Nay ta hỏi lại ông tùy ý ông trả lời.

–Này ngoại đạo! Tại sao lúc đầu hữu tình kết sinh vào thai mẹ ông có biết không?

Ngoại đạo thưa:

–Việc đó con cho rằng có ba nguyên nhân. Một là cha, hai là mẹ, ba là hòa hợp thì mới thành thai.

Đức Phật hỏi ngoại đạo:

–Thai ấy là từ lòng tham của mẹ khởi lên ư?

Ngoại đạo thưa:

–Không phải thế.

Đức Phật hỏi ngoại đạo:

–Thai ấy là từ sự suy nghĩ của mẹ khởi lên ư?

Ngoại đạo thưa:

–Không phải thế.

Đức Phật hỏi ngoại đạo:

–Thai ấy là từ trên trời đọa xuống vào thai mẹ ư?

Ngoại đạo thưa:

–Con không biết.

Đức Phật hỏi:

–Này ngoại đạo! Thai ấy là từ loài người đọa vào thai mẹ ư?

Ngoại đạo thưa:

–Con không biết.

Đức Phật hỏi:

–Này ngoai đạo! Thai ấy là từ A-tu-la, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ mà đọa vào thai mẹ ư?

Ngoại đạo thưa:

–Con không biết.

Đức Phật hỏi:

–Này ngoại đạo! Ý ông nghĩ sao? Thai ấy là từ sắc sinh vào thai mẹ ư?

Ngoại đạo thưa:

–Con không biết.

Đức Phật hỏi ngoại đạo:

–Ý ông nghĩ sao? Thai ấy là từ thọ, tưởng, hành, thức sinh vào thai mẹ ư?

Ngoại đạo thưa:

–Con không biết.

Nói vậy rồi, Đức Phật liền bảo ngoại đạo:

–Này ngoại đạo! Pháp này rất là vi tế khó biết, điều đó chẳng phải là điều mà ông có thể luận nghị, đo lường và hiểu được; chỉ có người đầy đủ chánh kiến, chuyên tâm tu học đối với lý thú này mới có thể biết rõ. Ví như có người bị đau mắt, được gặp thầy thuốc giỏi chữa lành mắt ấy, nhờ đó mà thấy lại được các sắc.

Này ngoại đạo! Nếu hay thân cận các Thiện tri thức thì được tuệ nhãn thanh tịnh. Nhờ Tuệ nhãn đó mà thấy được pháp thậm thâm. Nếu không đầy đủ năm Căn là tín mà hiểu rõ pháp thậm thâm thì không thể có điều đó. Thế nên, ngoại đạo các ông thuở xưa đã từng ở trong nhiều kiếp sinh tử, bị các tà luận làm cuồng hoặc, khởi lên dị kiến, chấp chặt không xả; đối với phi pháp ấy lại cho là chánh pháp, sau đó, tùy theo sự thích ứng y vào pháp tam thừa dần dần tu tập hướng đến xuất ly, hoặc chứng được Niết-bàn Thanh văn, hoặc chứng được Niết-bàn Độc giác, hoặc chứng được Niết-bàn Vô thượng, rốt ráo an vui. Không giải thoát lại cho là giải thoát, đối với không xuất ly mà cho là xuất ly, thầy của các ông đã tự hoại rồi lại hại luôn cả các ông.

Này ngoại đạo! Ví như có người mù dắt dẫn các người mù. Nên biết, số người này nhất định rơi vào hiểm nạn. Như vậy Sa-môn, Bala-môn thật không phải là tiên giác mà tự xưng là tiên giác, tự ở chỗ chẳng phải đạo mà cho là chánh đạo, tự chưa điều phục mà cho là đã điều phục, tự sống trong tà niệm mà cho là chánh niệm, tự chưa cứu độ mà cho là có thể cứu độ, tự không biết đạo xuất ly mà cho là ta có thể biết đạo xuất ly.

Này ngoại đạo! Như người chăn bò, dắt bò qua sông mà không biết được chỗ nước cạn, lầm vào chỗ nước xoáy mạnh, bò ấy xoay tròn theo dòng nước xoáy, chưa đến bờ bên kia mà đã bị nhận chìm khốn ách không ai cứu. Vì sao? Vì người chăn bò không biết hướng dẫn.

Này ngoại đạo! Như bọn các người thật chẳng phải là đạo sư mà cho là đạo sư, khiến những người chịu giáo hóa trở lại chịu khổ ách cũng như vậy.

Này ngoại đạo! Ta xưng Đạo Sư thật khéo điều phục, khiến ở trong chánh pháp quyết định được an ổn. Ta là Chánh giác biết rõ như thật khiến các hữu tình được giác ngộ chân thật. Ta thường chánh niệm nhớ nghĩ thọ trì không quên, cũng khiến chúng sinh lìa các tán loạn. Ta đã xuất ly vĩnh viễn, thoát khỏi luân hồi, khiến người được giáo hóa tận các gốc khổ. Ta chỉ dạy chánh đạo quyết định không khác, khiến người được giáo hóa đến bờ giác ngộ.

Này ngoại đạo! Nay ông muốn cầu pháp giải thoát thì nên khởi lòng ham muốn thanh tịnh nhất tâm tôn trọng, siêng năng tu học, trước chưa được nghe pháp yếu xuất ly thì nên sinh lòng tin thanh tịnh, khiến ngươi được hiểu. Các tông phái luận nghị của các ông đã học thì nay nên xả bỏ không nên tìm cầu, chánh pháp tạng trước nay chưa được thì nay khiến ngươi ngộ nhập thông đạt không ngại.

Này ngoại đạo! Ở trong pháp của ta có ba thứ hòa hợp tương ưng thì mới được vào thai. Cha làm cái nhân nghiệp trước đời quá khứ. Mẹ làm duyên nghiệp trước đời quá khứ. Trước hết là kết sinh Yết-la-lam, nghiệp chiêu thức ấy gá vào thai mẹ, nghiệp này thành thục nên thọ sinh vào nơi ấy. Như thành Tầm hương tùy theo tâm mà hiện. Thức nương vào thai dần dần lớn lên. Thí như các cây thuốc đều nương vào đại địa mà phát triển.

Này ngoại đạo! Thức kia vào thai mẹ rồi dần dần thành tựu thân chi đầy đủ, cho đến kỳ sinh sản thân hình hiển hiện, nhân duyên hòa hợp liên tục không gián đoạn.

Này ngoại đạo! Trong thai trước hết là kết sinh phần vị sai khác, chỉ trừ Như Lai đầy đủ Nhất thiết trí hiệu Chánh Biến Tri thông đạt chân thật, còn những người ngu vô tri không thể hiểu nổi.

Này ngoại đạo! Nếu như hữu tình từ địa ngục được sinh vào cõi người, nhập vào thai mẹ, sinh ra thế gian sẽ có các tướng này: Tiếng nói khàn khàn không rõ ràng, nếu có nói ra điều gì người ta không tin dùng, việc làm thì hấp tấp vội vàng lo sợ và mau quên mất, tâm luôn sợ hãi, lông trên thân thì rung động, trong mộng thì thấy lửa dữ thiêu đốt, búa chém, vạc nước sôi phun lên, lúc đó chạy trốn ngục tốt La-sát cầm gậy rượt theo, hoặc thấy bị trói vào trụ cột dùng gậy đánh đập mong thoát không được, hoặc thấy voi say, rắn độc đuổi mo dày xéo ngang dọc không biết chạy phương nào, bị người khinh chê coi mình như giặc.

Này ngoại đạo! Đó là từ địa ngục được thoát sinh còn sót lại những tập nghiệp như vậy. Người trí biết rõ, người ngu không thể hiểu.

Này ngoại đạo! Nếu hữu tình ấy từ loài súc sinh sinh vào loài người, vào trong thai mẹ rồi sinh ra thế gian sẽ có những tướng như vầy: Làm người đần độn, biếng nhác ưa ngủ, thích ăn bùn đất, gặm nhắm cỏ cây và luôn làm ban với người ngu, thường ở những nơi đen tối và bùn nhơ, hoặc ngồi hoặc đứng tay chân luôn đào bới đất, đầu thì hôi thối ruồi lằn bu ăn, lanh chanh lóc chóc không khi nào yên, thường khổ đói khát, hoặc được thức ăn dơ bất tịnh liền sinh vui thích cho là đầy đủ, những gì được nghe thấy phần nhiều là bị dối trá hư thuyết, hoặc ở trong mộng thấy thân đọa vào chỗ hôi thối, hoặc ở đồng hoang ăn cỏ uống nước; hoặc mộng thấy ở trong hang núi rừng rú bị trăn lớn quấn vào mình, chịu mọi sợ hãi không ai cứu hộ.

Này ngoại đạo! Đó là từ súc sinh sinh ra còn có các tập nghiệp sót lại như vậy, dù có trải qua một kiếp cũng không nói hết. Người trí biết rõ, người ngu không thể hiểu nổi.

Này ngoại đạo! Nếu hữu tình ấy từ ngạ quỷ sinh vào loài người, vào trong thai mẹ sinh ra thế gian sẽ có các tướng như vầy: Tóc thì vàng đỏ, mắt thì giận dữ ngó thẳng, thường bị đói khát làm khổ, tánh chỉ xan tham tật đố, tâm ưa tài lợi không bao giờ biết đủ, nếu thấy của cải người khác liền khởi tưởng về cho mình, đối với vật tốt của người khác lại muốn trộm lấy, ăn thức ăn thừa thải bất tịnh mà không biết xấu hổ, thấy người khác có vườn rừng hoa quả thì muốn hái trộm và phá hoại.

Này ngoại đạo! Đó là từ ngạ quỷ sinh ra còn có các tập nghiệp như vậy. Người trí biết rõ, người ngu không thể hiểu nổi.

Này ngoại đạo! Nếu hữu tình từ Tu-la sinh vào loài người, vào trong thai mẹ rồi sinh ra thế gian sẽ có các tướng như vầy: Tâm luôn giận dữ ngã mạn cống cao, ưa tranh đấu kết oán không thôi, khoẻ mạnh nhiều sức lực, rất thích chiến đấu, cay vào mồm mép lăng miệt người khác, cũng có trí lực và vô minh lực, công phá luận của người khác để tự nuôi sống.

Này ngoại đạo! Đó là Tu-la sinh ra còn có các tập nghiệp như vậy. Người trí biết rõ, người ngu không thể hiểu nổi.

Này ngoại đạo! Nếu hữu tình ấy từ loài người sinh vào cõi người, vào trong thai mẹ sinh ra thế gian sẽ có các tướng như vầy: Người này chất trực thích thân cận người hiền thiện, tránh xa người ác, đốc tín thủ tiết, luôn nghĩ đến danh tốt, tánh thích công xảo, luôn biết hổ thẹn, ưa làm việc bố thí, đối với người tốt tâm không trái nghịch, trước quán sát rồi sau mới làm, lời nói không sai lầm, có khả năng biện luận hợp vơi căn cơ, có thể làm sứ mạng, nếu có dạy gì thì nhớ mãi không quên, đối với xứ phi xứ đều có thể lựa chọn.

Này ngoại đạo! Đây là người từ loài người sinh ra còn có những tập nghiệp như vậy. Người trí biết rõ, người ngu không thể hiểu nổi.

Lại nữa, này ngoại đạo! Nếu hữu tình ấy từ Thiên giới sinh vào loài người, vào trong thai mẹ sinh ra thế gian sẽ có các tướng như vầy: Làm người đoan chánh, tốt đẹp thanh khiết trong sạch, thích mang tràng hoa, xông hương, xoa hương, tắm rửa thân thể, chán ghét trần cấu, đối với năm dục ca múa âm nhạc, chỉ chọn thượng diệu không có dâm dục, thường cùng giao hảo ước hẹn với người thiện, ưa lên lầu gác hoa lệ, tánh luôn từ nhẫn làm cho người ưa thích, thường dùng thượng phục anh lạc để trang nghiêm thân thể, đến đi trong oai nghi, tâm không biếng nhác.

Này ngoại đạo! Đây là từ Thiên giới sinh ra có những tập nghiệp như vậy. Người trí biết rõ, người ngu không hiểu nổi.

Này ngoại đạo! Nếu thiện nam, thiện nữ đối với Thiện tri thức thân cận cung kính lễ bái cúng dường, ưa nghe chánh pháp, tác ý đúng lý, liền được siêu thoát, như vừa rồi đã nói các sắc tướng ác.

Ngoại đạo nên biết! Nếu hữu tình từ địa ngục sinh vào nhân gian, do nhân đời trước tạo nghiệp sân, tổn hại hữu tình, đọa vào địa ngục chịu các khổ não. Nay được làm người còn ôm giữ sân hận não hại, gặp Thiện tri thức vì nói thiện pháp đối trị tương ưng, khiến khởi tâm Từ, dần dần tu tập Trì giới ba-la-mật.

Ngoại đạo nên biết! Nếu hữu tình từ súc sinh sinh vào nhân gian, do nhân duyên đó đời trước tích tập ngu si, tạo tác vô số hạnh bất tịnh. Nay được làm thân người nhưng còn nhiều dâm dật, gặp Thiện tri thức vì nói mười hai duyên sinh quán hạnh đối trị vô minh, khiến sinh giác ngộ phát sinh tuệ thanh tịnh, dần dần tu tập Bố Bátnhã ba-la-mật đa.

Ngoại đạo nên biết! Nếu hữu tình từ ngạ quỷ sinh vào nhân gian, do nhân duyên đời trước đã tạo tham lam tật đố, cho đến khi lớn lên vẫn luôn tạo tác không có gián đoạn. Nay được thân người, tánh còn nhiều thô bỉ xan lận, gặp được Thiện tri thức vì nói pháp bố thí tương ưng với thiện pháp đối trị xan tham, dần dần khiến tu tập Thí ba-la-mật đa.

Ngoại đạo nên biết! Nếu hữu tình từ A-tu-la sinh vào nhân gian thì trước hết phải tạo phước hạnh rộng lớn, thường sinh ngã mạn lăng mạ Mục-kiền-liên khác. Nay được sinh vào loài người tánh nhiều cao ngạo, gặp Thiện tri thức vì nói lục xứ và pháp môn không đối trị ngã mạn, dần dần tu tập Nhẫn nhục ba-la-mat.

Ngoại đạo nên biết! Nếu hữu tình từ loài người sinh vào nhân gian, do trước quen tu mười nghiệp thiện, thích gần thiện hữu, cùng ở với nhau nhu hòa, quán sát chánh lý, ngộ pháp vô thường, chán khổ sinh tử, thích vui chân thường, dần dần tu tập sáu Ba-la-mật hay phát đạo tâm Vô thượng Bồ-đề, sẽ được Nhất thiết chủng trí của Như Lai.

Ngoại đạo nên biết! Nếu hữu tình từ chư thiên sinh vào nhân gian, thân đời trước của người này đã tu thí giới, không thể quên tướng, đều mong quả báo, nhờ duyên đó cho nên được sinh lên trời hưởng thọ nhiều thú vui, mạng chung sinh vào nhân gian, nhờ phước tuệ đời trước, nhớ lại nghiệp đời trước của mình nhất định là từ cõi trời đọa xuống, đối với thân này gia công siêng năng tinh tấn, siêng làm việc bố thí nhưng không mong đáp lại. Nếu người trụ vào tướng thì đó là lỗi lầm, nên trụ vô tướng được phước vô lượng, khuyến khích tu tịnh giới không mong cầu báo đáp. Nếu người chấp tướng thì là cấu bẩn, phải nên thuần tịnh lìa các nhiễm ô. Trì giới như vậy được phước vô lượng đối với Phật Bồ-đề không còn thoái chuyển.

Lại nữa, này ngoại đạo! Hữu tình từ địa ngục sinh lên cõi người, người này phải nên gần Thiện tri thức, ưa nghe ba đời chư Phật nói pháp, trụ A-lan-nhã, chuyên tu phạm hạnh, siêng năng học tập, tâm không mệt mỏi, giỏi về vấn nạn, phân biệt nghĩa thú, rõ được tất cả pháp không có tự tánh. Do hiểu được pháp cho nên thích nói cho người khác, hoặc ở trong làng xóm thành ấp hóa các Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… giảng nói chánh pháp, hay khiến cho mình và người đoạn ác tu thiện, dần dần tu tập được đạo vô thượng.

Lại nữa, này ngoại đạo! Hữu tình thoát khỏi thân súc sinh sinh vào cõi người, người này nên thân cận bạn lành duyên tốt, được nghe chánh pháp, xả trừ ngu si. Nhờ sức thiện hữu đa văn tu tập, quán các pháp không lìa mọi trói buộc, nhưng đối với tự thân khởi tưởng không phải có, ở trong đại chúng tâm không sợ gì, tự nhiên chứng đắc pháp tánh bình đẳng, hiểu rõ tất cả pháp vốn không có tự tánh, mau chóng đạt được Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, này ngoại đạo! Hữu tình từ ngạ quỷ thoát sinh vào cõi người, người này phải nương tựa thiện hữu tri thức, trước hết tập bố thí trừ xan tham ấy. Do hành thí cho nên phát sinh thiện tuệ, ưa cầu xuất ly, tu hạnh thanh tịnh; đối với việc bố thí không có chấp trước, biết rõ các pháp ba đời bình đẳng, chỉ có một tướng đó là vô tướng, lần lần tu tập được Nhất thiết trí.

Lại nữa, này ngoại đạo! Hữu tình từ Tu-la sinh cõi người, trước nên phát tâm nương tựa Thiện tri thức, phải tích cực chiến đấu với ma phiền não. Phiền não ma là ngã mạn phải nên suy nghĩ. “Thế nào là mạn? Ai khởi lên mạn này? Ai chịu mạn này? Cũng không thấy có người xả cái mạn này.” Tác ý như vậy, suy nghĩ quán sát, rõ được tướng ngã mạn không thể được, tự lừa dối thân mình, đều không có thật tánh. Nếu hiểu như vậy thì mới có thể thông đạt các pháp là vô tánh. Nếu tự tánh của pháp không có thì đó không phải là vật. Nếu không phải là vật thì không thể thành tựu. Nếu không thành tựu thì không sinh diệt. Nếu không sinh diệt thì không thể phân biệt. Nếu không phân biệt thì không có quá khứ, vị lai và hiện tại. Nếu ba đời không thể được thì nên biết pháp ấy không thể phá hoại.

Này ngoại đạo! Pháp tánh như vậy không biến không đổi, thể tức là chân như, là Như Lai. Nên biết, ngã tướng thật không thể được. Do vì khởi lên ngã mạn nên sinh vào A-tu-la, hoặc người, hoặc trời, lưu chuyển các nẻo. Thế nên quán sát tướng của ngã mạn vốn không có thể tánh, tự tha bình đẳng, đoạn trừ tập nghiệp còn lại, tâm được thanh tịnh.

Này ngoại đạo! Đây gọi là lìa bỏ ngã mạn phương tiện thiện xảo Ba-la-mật đa. Ngươi đối với pháp này phải siêng năng tu tập.

Lúc đó, trong hội sáu vạn ngoại nghe nói pháp này được Nhẫn vô sinh, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Đức Phật, nhất tâm chắp tay nói kệ khen Phật:

Trí lực Như Lai không ai bằng
Hiểu rõ hành nghiệp của chúng sinh
Cũng biết chỗ quy thú các pháp
Như xem trái Am-la trong tay.
Quán các ác nghiệp ở thế gian
Cũng như mây mù che hư không
Người ngu không rõ bị trầm luân
Cũng như người mù mất đường ngay.
Có thuyết thế gian là vô thường
Hoặc nói thế gian không vô thường
Hoặc nói phi thường, phi không thường
Ví như voi say bị trói buộc.
Có thuyết thế gian không có biên
Hoặc nói thế gian là có biên
Lại nói phi biên, phi vô biên
Như loài phi cầm nhốt vào lồng.
Có thuyết chấp thân này là ngã
Hoặc nói lìa thân riêng có ngã
Đó đều là vọng kiêu mê hoặc
Như thú mắc lưới tâm sầu não.
Có thuyết Đại tự tại thiên hóa
Cũng nói không phải nhân sinh ra
Như vậy ác kiến che hữu tình
Như mây che trăng in bóng nước.
Cũng như chim bị nhốt trong lồng
Mắt nhìn lồng cố muốn thoát ra
Ngoại đạo nên biết người ngu si
Họ không giải thoát cũng như vậy.
Có người quy y Đại Phạm thiên
Na-la-diên thiên, Đa Văn thiên
Như người trong tối bị giặc chiếm
Họ không giải thoát sinh sợ hãi.
Ngoại đạo ngu phu trước tà kiến
Tâm cầu xuất ly không chỗ nương
Như người bị trói tống vào ngục
Như kẻ thiếu thốn đi xin ăn.
Nếu hay bỏ tà tu chánh hạnh
Như Lai khởi Từ tâm với họ
Mau khiến thoát khỏi cảnh luân hồi
Như vua tha thứ các lỗi lầm.
Như Lai tu đủ các khổ hạnh
Mới chứng Phật Bồ-đề tối thượng
Vì độ người ngu si tà kiến
Thảy đều giải thoát trói vô minh.
Nhân Trung Sư Tử Đấng Lưỡng Túc
Ở trong các pháp được tự tại
Thương kẻ trầm luân trong biển khổ
Dùng sức phương tiện mà cứu vớt.
Nếu mong Như Lai đại trí lực
Tiêu trừ hết thảy bọn ma oán
Con nguyện sẽ được như Thế Tôn
Rống tiếng Sư tử trong đại chúng.
Như Lai chấn động ba ngàn cõi
Phóng vô lượng quang chiếu tất cả
Thành thục tất cả các hữu tình
Cúi xin thọ ký quả Bồ-đề.

Biết được tâm tin hiểu của các ngoại đạo, Đức Thế Tôn liền từ trong miệng phóng tịnh quang. Lúc đó, Tôn giả Mã Thắng dùng kệ thưa hỏi:

Oai đức Như Lai không ai bằng
Khiến các ngoại đạo sinh lòng tin
Nay đối trời người và đại chúng
Phóng ánh sáng lớn khó nghĩ bàn.
Thấy Phật phóng tịnh quang từ miệng
Cũng như mặt trăng tròn mùa thu
Các hàng trời người đều nghi hoặc
Nguyện nghe nhân duyên Phật phóng quang.
Người nào khởi cúng dường Đức Phật
Người nào xưng tán tâm Như Lai
Người nào trụ trong công đức Phật
Cảm được Như Lai hiện điềm này.
Ngoại đạo nay nghe Phật thọ ký
Tất cả chúng sinh cũng phát tâm
Như Lai xuất hiện ở thế gian
Vì nhiếp thọ họ khiến nhiếp phục.
Hay thay, Mâu-ni Đại Thánh chúa
Đoạn trừ tất cả các nghi hoặc
Nay chúng hội này đều muốn nghe
Đối với pháp Phật sinh vui thích.

Vì Tỳ-kheo Mã Thắng, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Tỳ-kheo Mã Thắng ông nên biết
Nay đã đúng lúc hỏi lời này
Vì muốn lợi lạc các hữu tình
Thỉnh hỏi Như Lai việc phóng quang.
Nay ta vì ông phân biệt nói
Hãy nên lắng nghe chớ nghĩ gì
Việc Như Lai làm đều có nhân
Tuyên sinh vui thích trụ chánh niệm.
Các ngoại đạo này thảy đều phục
Xả bỏ tà kiến được chánh kiến
Do nhập chánh pháp khởi đối trị
Nên hay an trụ đạo Bồ-đề.
Rõ biết pháp vô cấu tịch tĩnh
Đối với kiến thủ tâm nhàm chán
Nghe được lời thọ ký của Phật
Quyết định tự biết sẽ thành Phật.
Thuở xưa đã từng tu chánh hạnh
Được gặp hai mươi ức Đức Phật
Phụng thờ cúng dường không mệt mỏi
Vì muốn cầu Vô thượng Bồ-đề.
Luôn hành tuệ thí tâm không xan
Kiên trì tịnh giới tu nhẫn lực
Siêng năng tu tập môn Tổng trì
Nương Tam-ma-địa phát tịnh tuệ.
Đầy đủ Lục độ các công đức
Niệm niệm tăng tiến không thoái chuyển
Bẻ gảy dị luận bỏ tông tà
Trăm ngàn vấn nạn khéo phân biệt.
Do xưa thân cận ác tri thức
Nương vào những kẻ tà dị kiến
Được gặp Như Lai Đại Đạo Sư
Buông bỏ những hạnh tu tà giáo.
Ở vào vị lai kiếp Tinh tú
Đều sẽ thành Phật đồng một hiệu
Mỗi mỗi xuất hiện ở thế gian
Hiệu là Phổ Kiến Thắng Danh Xưng.
Quốc độ Phật ấy rất nghiêm tịnh
Trang nghiêm bằng các loại trân báu
Các chúng sinh lìa bỏ tà kiến
Y lời Phật dạy sinh tuệ sáng.
Cõi đó không có ba đường ác
Và không có tám nạn bức não
Thọ mạng chư Phật rất lâu dài
Ngang bằng tám vạn bốn ngàn năm.
Nếu người nghe danh hiệu Phật này
Xa lìa vĩnh viễn mọi tham dục
Người nữ được chuyển thành nam tử
Công đức nhờ nghe danh hiệu Phật.
Như Lai khéo phục các ma oán
Thọ ký ngoại đạo được thành Phật
Nghe rồi đều sinh tâm hoan hỷ
Đều sẽ thành tựu Nhất thiết trí.