PHỤ TỬ HỢP TẬP KINH
(KINH CHA CON GẶP NHAU)
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Nhật Xưng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 19: THỌ KÝ THA HÓA TỰ TẠI THIÊN

Khi ấy, Tha hóa tự tại Thiên vương cùng tám mươi vạn Thiên tử quyến thuộc, thấy các A-tu-la vương cho đến Lạc biến hóa Thiên vương ở chỗ Như Lai cúng dường rộng lớn và lại nghe Như Lai thọ ký cho họ, hoan hỷ phấn khởi thật chưa từng có, liền bạch Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Lạc biến hóa Thiên vương đã nói thật tế, nay con đối với thật còn không được thì làm sao nói có tế? Vì sao? Thưa Thế Tôn! Nếu người nào thấy Phật tức là thấy tế. Nên biết, người này trụ vào hai tướng, đã trụ vao hai tướng thì làm sao hiểu được Bồđề. Nên biết, nếu nói như vậy là chẳng phải đạo hạnh. Nếu thiện nam tử nào lìa hai tướng này tức là khéo an trụ, trụ không sở trụ thì không có ngôn thuyết. Người cầu Bồ-đề không co một pháp nhỏ nào có thể thấy, có thể giác ngộ được Bồ-đề ấy. Vì sao? Vì pháp thật tế này không phải có, không phải không, lìa tất cả tướng, không phải quá khứ, không phải hiện tại, không phải vị lai, không phải hữu vi, không phải vô vi, không phải đem thức để nhận thức, không phải dùng trí để biết, không phải quán sát tế, không phải hiện chứng, không có một pháp nhỏ nào là đối trị, cũng không có một pháp nhỏ nào là bị trị. Vì sao? Vì pháp không phải bị phiền não làm nhiễm ô, pháp không có tự tánh không thể được. Nếu mỗi mỗi pháp có chỗ đối trị thì có pháp nhỏ có thể thấy tự tánh.

Thưa Thế Tôn! Nếu sắc sinh thì sắc kia lìa sinh tướng; thọ, tưởng, hành, thức sinh thì thọ, tưởng, hành, thức lìa sinh tướng.

Thưa Thế Tôn! Nếu sắc diệt thì sắc kia lìa diệt tướng; thọ, tưởng, hành, thức diệt thì thọ, tưởng, hành, thức lìa diệt tướng.

Thưa Thế Tôn! Nếu quá khứ thì lìa tướng quá khứ, vị lai thì lìa tướng vị lai, hiện tại thì lìa tướng hiện tại.

Thưa Thế Tôn! Nếu hữu vi thì lìa tướng hữu vi, vô vi thì lìa tướng vô vi. Như vậy, năm uẩn sở nhiếp, ba tế sở nhiếp, hữu vi sở nhiếp, vô vi sở nhiếp. Các pháp như thế đều không thể được. Do không thể cho nên pháp kia không thể biết, không thể thấy, không thể nói, không thể hiểu, không thể quán, không thể chứng.

Thưa Thế Tôn! Nếu thiện nam, thiện nữ nào vì cầu Bồ-đề, phát tâm quyết định. Tu hành như vậy thì gọi là khéo an trụ Bồ-tát thừa.

Khi ấy, Tha hóa tự tại Thiên tử nói pháp đã ngộ rồi, chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ khen rằng:

Như Lai chỉ bày luận hồi tế
Vô thỉ kiên cố khó vượt thoát
Các phàm phu vô trí thế gian
Ưa trụ biển sinh tử ba cõi.
Các uẩn xưa nay tự tánh không
Tất cả hữu tình không thế được
Không có pháp nhỏ để đối trị
Nên biết các pháp đều không tướng.
Sắc tự tánh không vốn không có
Không trí, không thức, không quán sát
Không thấy, không chứng, không phải không
Nương chánh lý này khéo hiểu rõ.
Bồ-đề không tướng có thể được
Pháp phần Bồ-đề cũng như vậy
Phật, Bồ-tát, Tăng chỉ giả danh
Lìa tâm giữ tướng đều không tướng.
Người ngu trước dục chấp các tướng
Tự cho ta được tâm Bồ-đề
Là đi trong cảnh giới điên đảo
Nhiễm tuệ khó chứng lý chân thường.
Người đối cảnh giới Phật là tướng
Thì là người trí hành theo pháp
Xa lìa các tướng như không tướng
Và cũng lìa không và bất không.
Nương đó tu tập hạnh Bồ-đề
Đạt được vui tối thượng đệ nhất
Tất cả ngoại đạo không thể biết
Cũng không phải pháp Thanh văn học,
Không phải Bích-chi-ca-phật-đà
Tâm khéo giải thoát lìa trần cấu
Không phải A-la-hán vô lậu
Đối với chánh lý hay biết rõ.
Mâu-ni vô tướng hành Bồ-đề
Chỉ người đại trí khéo biết rõ
Nếu nương chánh lý mà nói không
Không phải sở đắc của Nhị thừa.
Thông đạt thật tướng chẳng nghĩ bàn
Rõ tất cả pháp không tự tánh
Thiển thức không thể biết Bồ-đề
Thượng căn thông tuệ nghe liền hiểu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của các Tha hóa tự tại Thiên tử, liền từ chỗ ngồi phóng ra ánh sáng thanh tịnh. Thấy tướng này rồi, Tỳ-kheo Mã Thắng chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ thưa hỏi:

Phật biết ý vui Tha hóa Thiên
Bỗng phóng ánh sáng lớn thanh tịnh
Chỉ có Như Lai tự chứng biết
Xin vì chúng hội phân biệt nói.
Chư Thiên đều khởi tâm suy nghĩ
Lẽ nào không nhân Phật phóng quang
Cốt vì nhiêu ích các quần sinh
Khiến sinh niềm tin tâm khát ngưỡng.
Nay đại chúng này còn do dự
Do thấy nhân hy hữu Như Lai
Miệng phóng ánh sáng thanh tịnh này
Thọ ký thành Phật cho chư Thiên.
Họ đều rời bỏ nẻo luân hồi
Hướng đến tịch tĩnh thành Niết-bàn
Đợi nghe tiếng Phạm âm Như Lai
Vô ngại biện tài mau diễn nói.
Chúng con tôn trọng lời Phật dạy
Đạt các pháp tánh không có nghi
Văn trì kiên cố tâm tin hiểu
Khen biển công đức của Mâu-ni.
Như Lai chánh giáo chẳng nghĩ bàn
Khiến chúng sinh đến chỗ an ổn
Nếu hay tu hành dùng như lý
Rốt ráo được thành đạo Vô thượng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn vì Tôn giả Mã Thắng nói kệ rằng:

Hay thay, Đại Tỳ-kheo Mã Thắng
Thưa hỏi vì lợi các quần sinh
Nay ta phóng ánh sáng lớn này
Là thọ ký Bồ-đề tối thượng.
Tha Hóa Tự Tại các Thiên chủ
Tin hiểu kiên cố đều lợi căn
Đều hay phụng trì lời chư Phật
Tu tập Bồ-đề đã từ lâu.
Hiểu rõ thế gian các vọng tưởng
Như thấy sóng nắng biết không đạt
Người ngu tưởng nước khởi tâm vọng
Người cầu Bồ-đề chớ như vậy.
Những người chấp trước vào tưởng kiến
Vô trí lại sợ nơi vô tướng
Người ngu vọng tưởng hướng phi đạo
Lìa đó sẽ được đạt Bồ-đề.
Vọng tưởng nghĩ tà là gốc khổ
Tùy sinh phân biệt tức là trói
Người trí biết rõ đó là không
Được thắng tổng trì vui tịch tĩnh.
Nếu tâm vọng tưởng không bình đẳng
Nhất định đọa lạc vào các nẻo
Trong trăm ngàn đời làm duyên khổ
Ba đời Như Lai đều nói thế.
Nếu người còn chấp trước vào tưởng
Thì bị ấm giới nó trói buộc
Người khéo quán sát dứt vọng chuyên
Tất cả đều không, không có tướng.
Do tưởng tướng nên các hoặc tăng
Lại còn tổn giảm các phước nghiệp
Nếu đối các tướng là hồ nghi
Mau chứng quả Bồ-đề vô thượng.
Nếu người phân biệt cầu Thánh đạo
Phân biệt cầu đạo tức là trói
Người trí tại dục nhưng hành thiền
Tức là khéo tu hạnh vô tướng.
Các pháp không thể, không thể nói
Phân biệt tánh các pháp đều không
Pháp không tướng ấy lìa suy nghĩ
Như vậy Bồ-đề không thể được.
Nghe Phật Thế Tôn nói như vậy
Chúng lìa nghi hoặc được vô ký
Như đem vòng hoa Đảm-bác-ca
Trao rồi vui thích đeo vào đảnh.
Các Thiên chúng này tâm khai ngộ
Khiến ở chỗ Phật khởi cúng dường
Rõ biết pháp tánh xưa nay không
Đến đời vị lai đều thành Phật.