SỐ 202
KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, xứ Kinh châu, quận Cao xương,
Sa-môn Tuệ Giác và các vị khác cùng dịch.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 3
Phẩm 20: CÔ GÁI NGHÈO NAN-ĐÀ
Tôi nghe như thế này:
Một thời Đức Phật trú tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc
nước Xá-vệ. Bấy giờ trong nước có người con gái tên là Nan-đà, bần cùng, cô độc, tự hành khất để nuôi sống. Thấy các vị quốc vương, đại thần, lớn nhỏ đều cúng Đức dường Phật và chúng Tăng, Nan-đà suy nghĩ: “Ta do tội báo đời trước sinh vào chỗ bần tiện. Tuy gặp việc phước điền mà không gieo được chút chủng tử.” Nàng cảm thấy chua xót thảm thương, tự mình rất hối hận, liền tiếp tục hành khất mong để cúng dường một chút nhỏ. Đi liên tục trọn ngày xin được một đồng tiền, nàng đem đến nhà hàng dầu để mua, người bán dầu hỏi:
– Chỉ mua một đồng thôi ít quá chẳng đủ dùng vào việc gì! Nan-đà trình bày và nói lên tâm nguyện của mình, người bán dầu thương tình cho thêm dầu. Nàng có dầu rồi rất hoan hỷ đủ châm cho một cây đèn, rồi mang đến tinh xá dâng lên Đức Thế Tôn. Nàng đem đặt vào số các cây đèn trước Đức Phật, rồi lập lời nguyện:
– Con nay nghèo khổ, có cây đèn nhỏ này kính dâng lên Đức Phật, nguyện với công đức này khiến con trong đời vị lai có được trí tuệ để chiếu soi diệt trừ tất cả các cấu uế và u ám của tất cả chúng sinh. Lập lời nguyện xong, nàng lễ Phật và lui ra. Đêm đã về khuya, các đèn đều tắt hết chỉ còn cây đèn đó đang cháy đỏ. Bấy giờ ngài Mục-liên đến phiên trực nhật, thấy trời đã sáng thu đèn để dẹp vào một chỗ, thấy riêng cây đèn này vẫn đỏ sáng rực, bấc đã khô quánh lại mà cũng chưa tắt, giống như đèn mới cháy vậy. Ngài Mục-kiền-liên suy nghĩ: “Cây đèn này, trời đã sáng rồi, để cũng vô ích nên thổi tắt, đêm tối thắp lại.” Ngài liền quạt cho tắt, nhưng đèn vẫn sáng như cũ, không cách nào dập tắt được. Ngài bèn lấy tay áo mà quạt nhưng đèn vẫn sáng không tắt. Đức Phật thấy Mục-liên muốn tắt cây đèn này, Ngài dạy:
– Này Mục-liên, ông nên biết cây đèn này, năng lực Thanh văn của ông không thể làm lay động nó được, dùng nước bốn biển phun vào cùng với gió thổi cũng không làm cho nó tắt được. Vì sao như thế? Đây là một vật mà người cúng dường đã phát tâm rộng lớn cao siêu vời vợi đã thực hiện.
Đức Phật vừa nói xong thì Nan-đà đến cúi đầu đảnh lễ. Ngay khi đó Đức Thế Tôn liền thọ ký cho cô là người vào thời vị lai hai trăm kiếp a-tăng-kỳ sẽ thành Phật lên là Đăng Quang có đầy đủ mười hiệu. Nan-đà được thọ ký rồi hoan hỷ quỳ xuống bạch Phật cầu xin xuất gia, được Đức Phật chấp thuận và trở thành Tỳ-kheo-ni.
Bấy giờ Tuệ mạng A-nan và Mục-liên, thấy người con gái nghèo khổ được xuất gia, thọ ký, liền quỳ xuống chắp tay hỏi Đức Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn, cô gái Nan-đà này do hành động gì trong quá khứ mà đến nay phải chịu cảnh xin ăn để nuôi sống; và do nhân duyên gì nay lại gặp được Phật, xuất gia. Cả tứ chúng đều cung kính, mọi người tranh nhau cúng dường? Đức Phật dạy A-nan:
– Trong quá khứ có Đức Phật hiệu là Ca-diếp. Lúc bấy giờ trong nước có vợ một người cư sĩ đích thân đến thỉnh Phật cùng chư Tăng. Nhưng trước đó, Đức Phật nhận lời mời cúng dường của một người nữ nghèo; người nữ này đã chứng đắc đạo quả A-na-hàm. Khi ấy vợ vị trưởng giả giàu có khinh khi các người nghèo, chê trách Đức Thế Tôn thọ nhận lời mời thỉnh của kẻ nghèo hèn kia, từ những lời chê trách đó đi đến ý tưởng khinh chê Hiền thánh. Từ đó đến nay năm trăm kiếp thường sinh trong gia đình nghèo khó ăn xin. Người nữ nghèo khổ kia do duyên tổ chức ngày trai cúng dường Phật và chúng Tăng vào lúc đó mà nay được gặp Phật ra đời, được xuất gia thọ ký, trong nước ai cũng cung kính.
Bấy giờ hội chúng nghe Đức Phật dạy về điều này ai cũng đều hoan hỷ. Quốc vương, thần dân nghe người con gái khổ sở này dâng cúng Phật một cây đèn như vậy ai cũng đều sinh tâm cung kính và nhiều người dâng cúng y phục tốt đẹp và bốn loại vật dụng không hề thiếu thốn. Nam nữ trong nước, cao quý thấp hèn, lớn nhỏ đều làm các loại hương hoa đèn dầu mang đến Kỳ hoàn để cúng dường Phật và chúng Tăng rất nhiều, đèn treo cùng khắp trong Kỳ hoàn, khắp các rừng cây bao quanh tứ phía giống như các dãy sao ở trên không trung, kéo dài cho đến bảy ngày đêm.
Ngài A-nan rất hoan hỷ tán thán vô lượng đức hạnh của Như Lai và bạch Phật:
– Bạch Đức Thế Tôn, không rõ Đức Thế Tôn trong kiếp quá khứ đã gieo trồng các thiện căn gì mà nay có được phước báo được cúng đèn nhiều vô số kể như vậy.
Đức Phật dạy:
– Này A-nan, trong quá khứ lâu xa hai a-tăng-kỳ chín mươi mốt kiếp, ở cõi Diêm-phù-đề này có một nước lớn, vua tên là Ba-tắc-kỳ làm chủ tám mươi bốn ngàn các tiểu quốc trong thế giới này. Vua có một đại phu nhân sinh được một thái tử thân có sắc vàng ròng, ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, trên thượng đỉnh có tướng báu tự nhiên. Các tướng chiếu sáng, ánh sáng chiếu soi mắt người. Vua liền cho mời một thầy tướng để xem điềm cát hung thế nào, từ đó mà đặt tên. Thầy tướng mới vén ra xem, thấy những tướng tốt kỳ diệu, liền cất tay tán thán: “Lành thay, lành thay! Vị thái tử này ở trong thế gian, trời người không ai sánh kịp. Nếu ở tại nhà thì sẽ làm Chuyển luân thánh vương còn đi xuất gia tự nhiên thành Phật.”
Vị thầy tướng hỏi vua:
– Khi sinh thái tử có sự việc gì khác thường không?
Vua đáp:
– Ở trên đỉnh đầu có một tướng báu sáng chói xuất hiện. Liền từ đó đặt tên là Lặc-na-thức-kỳ (Tần dịch là “Cái búi tóc báu”). Trải qua ngày tháng lớn lên, thái tử xuất gia học đạo, chứng ngộ thành Phật, giáo hóa nhân dân, độ được rất nhiều. Bấy giờ phụ vương thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cúng dường trong ba tháng có một Tỳ-kheo tên là A-lê-mật-la (Tần dịch là Thánh Hữu), lo việc liên hệ với đàn-việt về hương đăng hàng tháng vào thành đến nhà. Các trưởng giả, cư sĩ và nhân dân xin đầy đủ các loại dầu, đèn và bấc. Bấy giờ có người con gái tên là Mâu-ni đứng trên lầu cao thấy vị Tỳ-kheo hàng ngày vào thành vất vả với công việc, lòng sinh kính trọng, cho người đến hỏi:
– Thưa Tôn giả ngày nào cũng thấy ngài vất vả vào thành để lo công việc gì?
Vị Tỳ-kheo trả lời:
– Tôi trong ba tháng này lo liên hệ với đàn-việt về dầu đèn để lo cho Đức Phật cùng chư Tăng, cho nên mới vào thành đến nhà chư hiền để xin đầy đủ các thứ dầu, đèn, bấc. Người thị tỳ trở về báo lại cho vương nữ. Nghe xong cô hoan hỷ đến nói với Thánh Hữu:
– Từ nay về sau ngài khỏi cần phải đi xin cực khổ, tôi sẽ cung cấp đầy đủ đèn dầu cho ngài. Vị Tỳ-kheo nhận lời. Từ đó trở về sau nàng thường cung cấp đầy đủ đèn, dầu, bấc, Tỳ-kheo Thánh Hữu hàng ngày lo việc hương đăng cúng dường, phát tâm rộng lớn với lòng thành khẩn thiết. Đức Phật thọ ký cho Thánh Hữu vào thời a-tăng-kỳ kiếp sẽ thành Phật hiệu là Định Quang đầy đủ mười đức hiệu. Vương nữ Mâu-ni nghe Đức Phật thọ ký cho Tỳ-kheo Thánh Hữu làm Phật, suy nghĩ: “Tất cả mọi vật dụng đèn dầu ta lo, còn vị Tỳ-kheo ấy chỉ lo việc sửa soạn lại vậy mà nay được Đức Phật thọ ký còn riêng ta thì không được.” Mâu-ni liền đi đến chỗ Phật để tỏ bày tâm nguyện, lại được Phật thọ ký:
– Này Mâu-ni, người vào hai a-tăng-kỳ chín mươi mốt kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, đầy đủ mười hiệu. Bấy giờ vương nữ được Phật thọ ký trong tâm hoan hỷ được hóa thành nam giới, đảnh lễ ngang chân Phật, xin làm Sa-môn. Đức Phật liền chấp nhận. Vị ấy siêng năng tinh tấn, tu hành không biếng trễ.
Đức Phật dạy A-nan:
– Tỳ-kheo A-lê-mật lúc ấy đâu phải ai khác trong quá khứ, chính là Phật Định Quang. Vương nữ Mâu-ni cũng chẳng phải ai khác chính là Ta vậy. Nhân duyên ngày ấy cúng dường hương đăng, từ đó vô số kiếp đến nay ở trên chư Thiên hoặc trong thế gian tự nhiên thọ nhận phước đức. Thân thể đặc thù siêu việt hơn người, đến nay thành Phật là do phước báo cúng dường hương đăng lúc đó. Trong đại hội nghe Đức Phật dạy xong, có người đắc từ Sơ quả cho đến Tứ quả, hoặc có người gieo trồng căn lành vào quả vị Duyên giác, có người phát tâm Vô thượng chánh chân Đạo ý.
Tuệ mạng A-nan cùng các hội chúng, tất cả đều cung kính, hân hoan phụng hành.