SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 4
Phẩm 19: HỎI VỀ ĐẠI THỪA
Bấy giờ, Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại nguyện của Đại Bồ-tát? Làm sao để biết Bồ-tát hướng đến Đại thừa? Đi bằng thừa này sẽ đến đâu? Ai sẽ thành tựu thừa này?
Phật bảo Tu-bồ-đề:
–Sáu pháp Ba-la-mật là Đại thừa của Đại Bồ-tát. Đó là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ ba-la-mật.
Tu-bồ-đề hỏi Phật:
–Thế nào là Bồ-tát Bố thí ba-la-mật?
Phật dạy:
–Đại Bồ-tát bố thí ý hợp với trí Nhất thiết để bố thí ở bên trong và bên ngoài, rồi đem công đức này bố thí cho chúng sinh, cùng với chúng sinh hướng đến quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Đó là Bố thí ba-la-mật của Đại Bồ-tát.
Tu-bồ-đề hỏi Phật:
–Thế nào là Trì giới ba-la-mật?
Phật dạy:
–Bồ-tát trì giới bằng trí Nhất thiết, tự giữ và dạy người khác làm mười điều thiện nhưng không chấp thủ. Đó là Bồ-tát giữ giới mà không chấp thủ.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Thế nào là Nhẫn nhục ba-la-mật?
Phật dạy:
–Bồ-tát tự thân đã trọn vẹn hạnh nhẫn nhục, lại khuyên mọi người tu hạnh nhẫn nhục nhưng không chấp thủ. Đó là tu hạnh Nhẫn nhục ba-la-mật của Đại Bồ-tát.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Thế nào là Tinh tấn ba-la-mật?
Phật dạy:
–Ý của Bồ-tát ứng hợp với trí Nhất thiết, không bỏ năm pháp Ba-la-mật, ở giữa chúng sinh tu năm pháp Ba-la-mật mà không thấy có pháp để chấp thủ. Như vậy gọi là Tinh tấn ba-la-mật của Đại Bồtát.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Thế nào là Thiền định ba-la-mật?
Phật dạy:
–Đại Bồ-tát dùng trí Nhất thiết với phương tiện quyền xảo vào thiền nhưng không đắm vào cảnh giới của thiền, lại còn giáo hóa người khác hành thiền mà không có chỗ để chấp thủ. Đó là Thiền định ba-la-mật của Bồ-tát.
Tu-bồ-đề bạch Phật:
–Thế nào là Trí tuệ ba-la-mật của Bồ-tát?
Phật dạy:
–Đại Bồ-tát với trí Nhất thiết không bị lệ thuộc vào các pháp, quán tánh của các pháp không bị chấp thủ; giáo hóa người khác không bị lệ thuộc vào các pháp, quán tánh của các pháp không bị chấp thủ. Đó là Trí tuệ ba-la-mật của Đại Bồ-tát và chính là Đại thừa của Đại Bồ-tát.
Lại nữa, này Tu-bồ-đề! Có Đại thừa mà bên trong không, bên ngoài không, cho đến hữu, vô cũng không.
Thế nào là bên trong không? Bên trong pháp ấy là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Nhãn vốn không, vì không dính mắc các trần và không hoại diệt. Vì sao? Vì bản tánh nó là như vậy. Nhĩ vốn rỗng không, tỷ vốn rỗng không, thiệt vốn rỗng không, thân vốn rỗng không, ý vốn rỗng không. mỗi mỗi đều không dính mắc trần cấu cũng không hoại diệt. Vì sao? Vì bản tánh của chúng đều là như vậy.
Thế nào là bên ngoài không? Bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sắc vốn rỗng không, không dính mắc trần cấu cũng không hoại diệt. Vì sao? Vì bản tánh của sắc là như vậy. Thanh, hương, vị, xúc, pháp đều như vậy. Vì sao? Vì tánh của chúng vốn rỗng không.
Thế nào là cả trong ngoài không? Sáu căn ở trong và sáu trần bên ngoài là cả trong ngoài pháp. Vì bên trong pháp không nên bên ngoài pháp không. Vì bên ngoài pháp không nên bên trong pháp không, không dính mắc và không hoại diệt. Vì sao? Vì bản tánh của chúng vốn như vậy. Đó là cả trong ngoài không.
Thế nào là Không không? Cái không của các pháp giữ cho các pháp hoàn toàn không, không ở trong không. Đó là Không không.
Thế nào là Đại không? Tám phương và phương trên phương dưới đều không. Đó là Đại không.
Thế nào là Không tối thượng? Niết-bàn không dính mắc, không hoại diệt là Không tối thượng.
Thế nào là hữu vi không? Từ căn bản không đắm trước, không hoại diệt, cho đến ba cõi đều không là hữu vi không.
Thế nào là vô vi không? Là không sinh, không diệt, trụ vào không thay đổi, do không dính mắc, không hoại diệt nên đều không. Vì sao? Vì cội gốc là không.
Thế nào là Cứu cánh không? Các pháp hữu vi và vô vi đều không bờ mé thì gọi là Cứu cánh không.
Thế nào là Vô thỉ không? Các pháp có thể đến nhưng không biết từ đâu đến và không có chỗ đến, gọi là Vô thỉ không.
Thế nào là Vô tác không? Đối với các pháp không có chỗ xa lìa gọi là Vô tác không.
Thế nào là Tánh không? Tánh các pháp, tánh của pháp hữu vi và vô vi chẳng phải cái mà La-hán, Bích-chi-phật, chư Phật Thế Tôn tạo ra nên gọi là Tánh không.
Thế nào là các pháp không? Các pháp là năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới, hữu vi pháp, vô vi pháp. Đối với các pháp, từ chỗ không dính mắc, không hoại diệt cho đến tánh các pháp.
Thế nào là Tự tướng không? Tướng của sắc là tướng được (căn) nhận lấy, tướng được nhận lấy đó làm ra tưởng. Từ tưởng mà có sự biết về tướng, đó là thức, cho đến tướng hữu vi và vô vi. Từ hữu vi, vô vi tướng đến các pháp đều không. Đó là Tự tướng không.
Thế nào là không của không thủ đắc? Từ sự không dính mắc, không hoại diệt đến không có cái đạt được, pháp cũng không có cái đạt được.
Thế nào là Vô không? Ở trong các pháp mà không có cái thấy là Vô không.
Thế nào là Hữu không? Các pháp không có ngẫu nhiên nhưng có sự tập hợp mà không có thật, đó là Hữu không.
Thế nào là hữu vô không? Ở trong các sự tập hợp không có thật, đó là hữu vô không.
Lại nữa, Tu-bồ-đề! Hữu lấy Hữu làm không, Vô lấy Vô làm không, khác lấy khác làm không.
Thế nào là hữu? Hữu là tánh năm uẩn, tánh lấy tánh làm không, đó là Hữu không.
Thế nào là Vô? Vì vô là không, nên không có cái tạo thành, không có tạo thành là không. Cái không ấy không phải do trí có thể tạo tác, cũng chẳng phải do kiến có thể tạo tác.
Thế nào là việc Khác không? Có Phật, không Phật thì pháp tánh, pháp tịch vẫn như thế và chân tế cũng như vậy, thế nên khác không chính là việc Khác không.
Này Tu-bồ-đề! Đây là Đại thừa của Đại Bồ-tát. Thế nào là thừa? Hằng trăm Tam-muội, mỗi Tam-muội có một tên. Nhưng Tammuội nào tên là Thủ-lăng-nghiêm?
Thế nào là Tam-muội Thủ-lăng-nghiêm? Các Tam-muội đều hướng vào Tam-muội này nên gọi là Thủ-lăng-nghiêm.
Lại có Tam-muội tên là Bảo ấn. Thế nào là Tam-muội Bảo ấn? Là Tam-muội ấn chứng các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội tên là Sư tử du hý. Thế nào là Sư tử du hý?
Người trụ trong Tam-muội này thì tự tại trong các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội Nguyệt, người trụ Tam-muội này thì có thể dùng ánh hào quang chiếu sáng các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Nguyệt tràng, người trụ Tam-muội này nắm giữ các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội Tải chư pháp thượng, người trụ Tam-muội này sẽ phát sinh các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội Chiếu đảnh, người trụ Tam-muội này có thể dùng ánh sáng chiếu khắp các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Pháp tánh tất, người trụ Tam-muội này hiểu rõ các pháp một cách chắc chắn.
Lại có Tam-muội Tất tạo tràng, người trụ Tam-muội này nắm giữ kiên cố các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Kim cang, người trụ Tam-muội này không ai dám đương đầu.
Lại có Tam-muội Pháp sở nhập ấn, người trụ Tam-muội này ứng hợp với các pháp ấn.
Lại có Tam-muội An trụ, người trụ Tam-muội này liền có thể trụ các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Phóng quang minh, người trụ Tam-muội này có thể chiếu khắp các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Thế tấn, người trụ Tam-muội này có thể dùng thế lực giáo hóa các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Đẳng bộ, người trụ Tam-muội này có thể đi lại trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Nhập biện tài giáo thọ, người trụ Tam-muội này có thể biện giải các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Quá lượng âm thanh, người nhập Tam-muội này được nhập vào vô lượng danh tự Tam-muội.
Lại có Tam-muội Chiếu xứ xứ, người trụ Tam-muội này có thể chiếu khắp các phương diện.
Lại có Tam-muội Tổng trì ấn, người trụ Tam-muội này có thể giữ gìn ấn của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Bất vong, người trụ Tam-muội này không quên các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội Hư không phổ, người trụ Tam-muội này có thể ở khắp các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội Kim cang bộ, người trụ Tam-muội này nắm giữ các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Bảo thắng, người trụ Tam-muội này hàng phục các cấu trược.
Lại có Tam-muội Xí diêm, người trụ Tam-muội này có thể dùng ánh sáng do lửa bốc cháy để chiếu khắp các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô nguyện, người trụ Tam-muội này không có sự mong cầu đối với các pháp.
Lại có Tam-muội Thẩm trụ, người trụ Tam-muội này không thấy trụ xứ các pháp.
Lại có Tam-muội Tuyển trạch, người trụ Tam-muội này không thường nhớ đối với các pháp.
Lại có Tam-muội Vô cấu đăng, người trụ Tam-muội này sẽ là ngọn đèn sáng cho các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô hạn quang, người trụ Tam-muội này không có hạn lượng đối với các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tác quang minh, người trụ Tam-muội này có sự chiếu sáng đối với các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Phổ chiếu minh, người trụ Tam-muội này sẽ có các Tam-muội khác hiện ra trước mặt.
Lại có Tam-muội Tịnh yếu, người trụ Tam-muội này sẽ theo kịp các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô cấu quang, người trụ Tam-muội này sẽ giải tán các cấu uế của các Tam-muội khác.
Lại có Tam-muội Tạo lạc, người trụ Tam-muội này sẽ cảm thọ được sự an lạc của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Điện minh, người trụ Tam-muội này sẽ làm sáng tỏ cho các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô tận, người trụ Tam-muội này sẽ không thấy được hết vì bất tận.
Lại có Tam-muội Thượng oai, người trụ Tam-muội này oai đức hơn hẳn các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tất tận, người trụ Tam-muội này sẽ thấy hết các chỗ tận cùng không thể thấy của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Bất động, người trụ Tam-muội này làm cho Tam-muội bất động, không biết, không tán loạn.
Lại có Tam-muội Bất Biệt, người trụ Tam-muội này không thấy sự biệt ly.
Lại có Tam-muội Nhật đăng, người trụ Tam-muội này sẽ chiếu sáng các môn Tam-muội.
Lại có Tam-muội Nguyệt vô cấu, người trụ Tam-muội này sẽ bỏ đi sự tối tăm của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tịnh quang minh, người trụ Tam-muội này sẽ phân biệt bốn trí tuệ vô ngại đối với các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tác minh, người trụ Tam-muội này sẽ làm sự sáng suốt cho các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tạo tác, người trụ Tam-muội này sẽ làm sự cứu cánh cho các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Chư tuệ, người trụ Tam-muội này thấy được trí tuệ của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Kim cang, người trụ Tam-muội này sẽ quyết đoán các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Trụ ý, người trụ Tam-muội này sẽ bất động, không trạo cử, không lo sợ cũng không có ý tưởng.
Lại có Tam-muội Hiện minh, người trụ Tam-muội này thấy ánh sáng khắp nơi trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội An lập, người trụ Tam-muội này được an ổn trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Bảo tích, người trụ Tam-muội này sẽ thấy tất cả các báu của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Pháp ấn, người trụ Tam-muội này sẽ ấn chứng các Tam-muội, từ những chỗ có ấn chứng và những chỗ không được ấn chứng.
Lại có Tam-muội Đẳng, người trụ Tam-muội này không thấy sự giải thoát các pháp.
Lại có Tam-muội Khí lạc, người trụ Tam-muội này sẽ bỏ hết các sự an lạc.
Lại có Tam-muội Quá pháp định, người trụ Tam-muội này sẽ diệt sự mê muội của các pháp và an trú ở Tam-muội trên.
Lại có Tam-muội Tán kiết, người trụ Tam-muội này có thể làm tan mất công dụng của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Giải chư pháp cú, người trụ Tam-muội này có thể giải thích các pháp cú và các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Đẳng văn tự, người trụ Tam-muội này sẽ hiểu hết các văn tự.
Lại có Tam-muội Tất tự, người trụ Tam-muội này không thấy dù chỉ một chữ.
Lại có Tam-muội Đoạn nhân duyên, người trụ Tam-muội này sẽ cắt đứt các nhân duyên.
Lại có Tam-muội Vô thái, người trụ Tam-muội này sẽ không theo trạng thái của các pháp.
Lại có Tam-muội Vô hành, người trụ Tam-muội này sẽ không thấy sự lưu chuyển của các pháp.
Lại có Tam-muội Vô quật hành, người trụ Tam-muội này sẽ không thấy sự đi lại nơi tổ hang.
Lại có Tam-muội Tất âm, người trụ Tam-muội này có thể làm sạch các âm khí.
Lại có Tam-muội Chư hành, người trụ Tam-muội này thấy được sự tu tập của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Bất khởi, người trụ Tam-muội này không thấy được tánh động của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Độ cảnh giới, người trụ Tam-muội này vượt qua được các cảnh giới.
Lại có Tam-muội Tụ chư thiện, người trụ Tam-muội này sẽ tụ hợp được các pháp trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Chỉ tuyển, người trụ Tam-muội này ý không đọa lạc.
Lại có Tam-muội Thanh tịnh hoa, người trụ Tam-muội này sẽ được các Tam-muội cúng dường hoa trong sạch.
Lại có Tam-muội Chủ giác, người trụ Tam-muội này có bảy giác ý đối với Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô hạn biện, người trụ Tam-muội này sánh kịp với các bậc biện tài vô hạn.
Lại có Tam-muội Vô đẳng đẳng, người trụ Tam-muội này liền chứng quả Vô đẳng đẳng.
Lại có Tam-muội Độ chư pháp, người trụ Tam-muội này sẽ vượt qua ba cõi.
Lại có Tam-muội Quyết đoán, người trụ Tam-muội này quyết đoán các sự việc khi thấy các pháp và Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tán chư hồ nghi, người trụ Tam-muội này sẽ chứng được tán chư pháp Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô trú, người trụ Tam-muội này không thấy các pháp xứ.
Lại có Tam-muội Nhất hành, người trụ Tam-muội này không thấy các pháp có hai.
Lại có Tam-muội Chúng sinh sở nhập, người trụ Tam-muội này không thấy chúng sinh và chỗ đi vào của chúng sinh.
Lại có Tam-muội Nhất sự, người trụ Tam-muội này không thấy việc của các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Yểm cai chúng sự, người trụ Tam-muội này không thấy có sự riêng biệt.
Lại có Tam-muội Tán chư sinh tử lao oán, người trụ Tam-muội này đạt được Tam-muội chư yểm và có trí tuệ giác ngộ tất cả.
Lại có Tam-muội Chúng hành âm sở nhập, người trụ Tammuội này các hành nghiệp và âm thanh đều tùy tùng.
Lại có Tam-muội Thoát chư âm hưởng tự, người trụ Tam-muội này thấy các Tam-muội thoát khỏi lời nói và văn tự.
Lại có Tam-muội Nhiên cự, người trụ Tam-muội này có oai đức sáng ngời trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tịnh tướng, người trụ Tam-muội này sẽ làm sạch tất cả tướng của Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô chuẩn, người trụ Tam-muội này không thấy chuẩn mực trong Tam-muội.
Lại có Tam-muội Cụ túc chúng sự, người trụ Tam-muội này sẽ được đầy đủ các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Bất nguyện khổ lạc, người trụ Tam-muội này không thấy có khổ có vui trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Sự bất giảm, người trụ Tam-muội này không thấy các Tam-muội có sự kết thúc.
Lại có Tam-muội Trì tích, người trụ Tam-muội này giữ gìn các Tam-muội một cách rốt ráo.
Lại có Tam-muội Tà chánh tụ, người trụ Tam-muội này thấy tà chánh trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Diệt nhuế tranh, người trụ Tam-muội này không thấy sự tranh cãi giận hờn trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Vô nhuế, người trụ Tam-muội này không thấy có giận hờn hay không giận đối với các pháp trong các Tammuội.
Lại có Tam-muội Vô cấu quang, người trụ Tam-muội này không thấy sáng cũng không thấy cấu bẩn đối với Tam-muội.
Lại có Tam-muội Chủ yếu, người trụ Tam-muội này không thấy có sự quan trọng trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Minh nguyệt mãn vô cấu nhiễm, người trụ Tam-muội này có thể làm cho các Tam-muội đầy đủ trọn vẹn như trăng ngày rằm.
Lại có Tam-muội Đại trang sức, người trụ Tam-muội này hay làm cho các Tam-muội trang nghiêm tốt đẹp.
Lại có Tam-muội Dữ thế gian tác quang minh, người trụ Tammuội này sẽ chiếu hào quang khắp các pháp ở mười phương.
Lại có Tam-muội Đẳng, người trụ Tam-muội này không có các pháp có định hay có loạn.
Lại có Tam-muội Vô phần, người trụ Tam-muội này có thể sai khiến các Tam-muội mà không có giận hờn.
Lại có Tam-muội Vô ỷ vô quật vô lạc, người trụ Tam-muội này không thấy có những sơ hở trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội Tối như, người trụ Tam-muội này không thấy có sự lay động đối với thật tướng các pháp.
Lại có Tam-muội Thân hài, người trụ Tam-muội này không thấy tánh của Tam-muội.
Lại có Tam-muội tên Đoạn khẩu hành dữ không hợp, người trụ Tam-muội này không thấy có ngôn từ trong các Tam-muội.
Lại có Tam-muội tên là Hư không bản thoát, người trụ Tammuội này ngộ được các pháp vốn không.
Này Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật của đại thừa.