SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 18

Phẩm 18: THỦY

Tâm tịnh được niệm

Không còn tham vui

Đã qua vực si

Như nhạn bỏ ao.

Tâm tịnh được niệm, không còn tham vui: Buộc tâm vào sự thanh tịnh, thường tìm phương cách hay nhất để ra khỏi ba cõi.

Quán xét sự sinh tử như huyễn, như hóa, thường hay lo sợ, tâm như lửa đốt, cho nên nói: Tâm tịnh được niệm, không còn tham vui.

Như nhạn bỏ ao: Biết trong ao ấy có nhiều việc đáng sợ, lại bị thợ săn thường đến gây kinh hoàng, nên chim chóc bỏ ao, bay đi nơi khác, tránh các hoạn nạn kia, cho nên nói: Như nhạn bỏ ao.

Đã qua vực si: Vực ngu si che lấp đến tận xương tủy, phải tìm phương cách dứt sạch chúng không để sót, cho nên nói: Đã vượt qua vực ngu si, như chim nhạn kia, từ trên không tạm đáp xuống, tìm cách ra khỏi đường ác, đến nơi vô vi. Thí như chim nhạn nghĩa là sợ các thứ chim bay trên trời, né tránh những sự nguy hiểm ấy mà tìm nơi vô vi, cho nên nói: Thí như chim nhạn. Từ trên không tạm thời đáp xuống nghĩa là có khả năng bay xa gần, không có gì cản trở, tránh nguy hiểm, đến nơi an ổn. Cho nên nói từ trên không tạm thời đáp xuống, để tìm cách ra khỏi đường ác, đến nơi vô vi.

Đệ tử Hiền thánh của Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác, dứt bỏ điều ác cho người, tìm cách ra khỏi đường dữ, tu theo nghiệp lành, dứt bỏ tất cả kết sử. Cho nên nói tìm cách ra khỏi đường ác, đến nơi vô vi, cũng gọi là Nê-hoàn dứt hết phiền não, không còn sinh diệt, mọi đắm nhiễm đều đứt hết, thường tồn không biến đổi, cũng không bị mất đi. Người tu hành được định, bị già bệnh ép ngặt, bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh thường làm khổ thân mình, nhàm chán than bốn đại, xả bỏ thân năm ấm, đến chốn vô vi.

———————

Không tu phạm hạnh

Trẻ không chứa của

Kẻ ngu ham ngủ,

Thủ cũ, không đổi.

Một thuở nọ, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đắp y, ôm bát,

Ngài cùng thị giả là A-nan thấy trong cõi Diêm-phù có hai cụ già ốm yếu lụm cụm cất bước. Thấy vậy, Đức Thế Tôn mỉm cười. Bấy giờ, ngài A-nan sửa lại y phục, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật:

–Đức Phật không mỉm cười một cách vô cớ. Ngài mỉm cười chắc chắn có lý do, xin Ngài nói ý nghĩa.

Đức Phật bảo A-nan:

–Ông có thấy hai cụ già thân tướng đã già nua cằn cỗi kia không? Nếu như hai cụ già này, ở trong nước Xá-vệ này, từ lúc còn trẻ biết để dành của cải thì họ là người giàu bậc nhất trong nước Xá-vệ. Nếu họ từ bỏ gia nghiệp vợ con, xuất gia học đạo, thì thành bậc A-la-hán.

Nếu thuở nhỏ để dành của cải thì ngày nay, hai cụ già này cũng trở thành người giàu đứng thứ nhì, trong thành Xá-vệ này.

Nếu xuất gia học đạo thì cũng chứng quả A-na-hàm.

Nếu hai cụ già này tuổi trung niên, để dành của cải đến bây giờ, thì họ cũng đủ sức trở thành người giàu đứng thứ ba. Nếu xuất gia học đạo thì họ cũng chứng quả Tư-đà-hàm. Ta xót thương hai cụ già này đi ngược với ước mong ban đầu, bỏ gốc theo ngọn, cho nên giờ đây đói rét khổ nhọc, muôn thứ tai ương ùa đến.

Đức Thế Tôn quán xét ý nghĩa đó và làm ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau nên ở trước đại chúng, Ngài nói bài kệ:

Không tu phạm hạnh

Trẻ không dành của

Như hạc bờ ao

Đứng đó ích gì?

Như con hạc già đứng rình bên bồ ao chờ cá nhảy lên bờ mổ ăn, suốt ngày mệt mỏi chờ đợi, nhưng không bao giờ được cá ăn, chờ mãi không thôi, tự đi đến cái chết.

Già có lối sống của già, trẻ có sức sống của trẻ. Con hạc kia lấy lối sống lúc già xử sự như còn trẻ, nên suốt ngày không có cá ăn, bởi nó cứ nghĩ lối bắt cá lúc còn trẻ, không ngờ cái già đã đến rồi.

Hai cụ già lớn tuổi kia cũng giống như vậy, tự nhớ lại lúc trai tráng, họ chỉ lo ca múa vui chơi bài bạc, không biết nghĩ tới cái già của ngày nay. Rồi ôm gối ngồi xổm, nhớ lại bao việc đã qua, không chịu sống theo lối già, cứ mãi nhớ thời trai trẻ, nên bị nó lừa gạt muon điều, cho nên nói: Như hạc rình mồi bờ ao, đứng mãi ở đó, có ích gì.

———————-

Chớ khinh ác nhỏ

Gây họa không lường

Giọt nước tuy nhỏ

Lâu dần đầy hồ

Tội lỗi tràn đầy

Cũng từ tội nhỏ.

Chớ khinh thường điều ác nhỏ, bởi nó sẽ gây họa khôn lường: Người ta làm việc ác, dù nhỏ nhưng chớ nên coi thường, như rắn rít độc dù nhỏ, nhưng chúng cắn chết người, bởi chất độc ngấm khắp cơ thể mà bỏ mạng. Thuốc độc dù ít nhưng người nào ăn phải là chết ngay. Ở đây cũng vậy, làm việc ác dù nhỏ, nhưng nó hại đến chánh hạnh của người tu, khiến ta không đến được chỗ rốt ráo, bởi không lo nghĩ đến ngày mai nên phải chịu quả báo. Ngày qua ngày, không chịu sửa đổi, không nghĩ đến việc dứt bỏ điều ác nên chúng càng thêm lớn, cho nên nói: Chớ khinh thường điều ác nhỏ, bởi nó sẽ gây họa khôn lường.

Giọt nước tuy nhỏ, lâu dần đầy hồ: Như hồ chứa nước lớn hứng từng giọt nhỏ xuống, từng giọt nối nhau dần dần cũng đầy hồ.

Cho nên nói: Giọt nước tuy nhỏ, lâu dần đầy hồ.

Tội lỗi tràn đầy, cũng từ tội nhỏ: Kẻ ngu sống theo thói quen từ nhỏ đến lớn, ngày này qua ngày khác ham chơi theo thói ấy không ngờ tai họa đến, cho nên nói: Tội lỗi tràn đầy, cũng từ tội nhỏ mà ra.

——————–

Chớ khinh lành nhỏ

Cho là không phước

Giọt nước tuy nhỏ

Lâu dần đầy hồ

Phước báo tràn đầy

Cũng từ phước nhỏ.

Chớ khinh lành nhỏ, cho là không phước: Như có người hiền thiện đến chùa tháp lễ bái cầu phước, hoặc thắp nhang, đốt đèn sáng, quét dọn sạch sẽ, hoặc ca múa xướng hát, treo phướn lọng bằng lụa từ một đồng tiền trở lên. Lại khuyến khích mọi người, khiến họ phát tâm bố thí. Từ một vốc trở lên, cúng dường Thánh chúng. Hoặc cúng dường cành dương, nước tinh khiết với lòng thanh tịnh. Hoặc châm dầu mỡ cho đèn sáng mãi. Những việc làm nho nhỏ như vậy, nhưng chớ coi thường, bởi dựa vào lòng chí thành mà được quả báo vô lượng.

Như thắp một ngọn đèn xua tan bóng tối trong nhà, không thấy dấu vết bóng tối, như thắp loại nhang thơm quý giá để xua tan mùi hôi thối, không biết mùi hôi ấy tan biến đi đâu, gươm bén dù nhỏ nhưng chặt được cây độc to. Ở đây cũng như vậy, người làm điều lành dù ít, nhưng có công năng trừ được tội nặng, phước đó giúp họ qua lại cõi trời, cõi người, không còn khổ não. Từ đó, biết họ được phước vô lượng, hiện tại có thể biết, như từng giọt nước nhỏ nối nhau không dứt mà dần dần đầy hồ. Người mạnh mẽ làm việc phước thì dần dần thành tựu, cho nên nói: Phước báo tràn đầy, cũng từ phước nhỏ.

——————-

Như người muốn sang sông

Phải cột bè cho chắc

Nói qua nhưng không qua

Người thông thái qua rồi.

Phải cột bè cho chắc: Như chúng sinh muốn vượt qua vực sâu thì họ kết bè mà qua, hoặc dùng ghe bầu dục mà qua, hoặc dung trái nổi, ghe nhỏ mà qua hoặc dùng cỏ cây làm bè, đều được qua bờ bên kia, không có gì trở ngại, cho nên nói: Như người muốn sang sông, phải cột bè cho chắc.

Nói qua nhưng không qua: Vực sâu ái dục như vực nước sâu chảy ra thành sông, chảy đều thế giới cho đến ba cõi, đến bốn loài, khắp năm đường. Lại chảy đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cho nên nói: Nói qua nhưng không qua.

Người thông thái qua rồi: Người thông thái chỉ cho Phật, Bích-chi-phật. Những vị này dù đã vượt qua vực sâu cuộc đời nhưng đó không phải chuyện lạ. Vì sao? Vì vực thẳm của cuộc đời là không cùng, ai vượt qua được vực thẳm ái dục thì đó mới là chuyện lạ, cho nên nói: Người thông thái qua rồi.

Phật, Thế Tôn qua sông

Phạm chí qua bờ kia

Tỳ-kheo xuống vực tắm

Thanh văn kết chặt bè.

Thuở xưa, có hai kiến trúc sư Phạm chí, họ xây cất ngôi thành Ba-la-lị-phất-đa-la to lớn. Công việc xây cất trang trí đã xong, họ liền thỉnh Đức Phật và Tăng chúng vào thành để cúng dường, nhưng chưa đặt tên cho các cổng ra vào. Vị Phạm chí thầm nghĩ:

“Nếu Sa-môn Cù-đàm từ cửa này đi ra thì đặt tên là cửa Cù-đàm”.

Còn như Đức Như Lai đến từ sông Hằng thì nên đặt tên bờ nước ấy là bến Cù-đàm. Khi ấy, Phạm chí lại suy nghĩ: “Nếu qua sông thì không biết Như Lai dùng phương tiện gì, Ngài dùng bè hay dung ghe bầu dục, hay dùng trái nổi, hay dùng ghe nhỏ”. Lúc bấy giờ,

Đức Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm Phạm chí nên Ngài liền dùng năng lực thần thông thình lình bay qua sông với chúng Tăng.

Khi ấy, giữa đại chúng, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Phật, Thế Tôn qua sông

Phạm chí qua bờ kia

Tỳ-kheo xuống vực tắm

Thanh văn kết chặt bè.

Đức Phật nói kệ xong, các Tỳ-kheo trở về tinh xá. Phạm chí nghe những lời Phật dạy, họ vui mừng làm theo.

——————

Suối dùng làm gì?

Nước thường đầy yên

Nhổ gốc rễ ái

Còn mong muốn gì?

Suối này dùng vào việc gì, nước thường đầy, đứng yên: Ba cõi coi như suối, ái dục cũng là suối. Nước thường đầy, đứng yên là tất cả mọi kết sử đều nhóm họp trong suối ái dục, cho nên nói suối dùng làm gì, nước thường đầy, đứng yên?

Nhổ gốc rễ ái, còn mong muốn gì: Người tu hành có khả năngnhổ sạch gốc rễ ái dục, không còn sinh tử. Như loại cây độc hại, rễnó hoàn toàn bị đào lên hết, không còn sống được, cũng không có lá cành, ái dục cũng như vậy, gốc rễ nó bị đào lên hết, không còn cành lá. Còn mong muốn gì là không còn thọ thân, không còn tái sinh đời sau, cho nên nói: Còn mong muốn gì.

——————–

Tài công lái thuyền

Thợ cung sửa sừng

Thợ mộc bào gỗ

Người trí điều thân.

Tài công lái thuyền: Sửa lại cây đà cho chắc, trám bít lỗ thủng không cho nước rịn vào, để đưa người ở bờ bên này sang bờ bên kia. Thợ làm cung nỏ thì sửa uốn các dây gân cho ăn khớp với đầu sừng, khi lửa nóng, các dây gân không bị đứt, cho nên nói: Tài công lái thuyền, thợ cung nỏ uốn nắn sừng.

Thợ mộc bào gỗ: Dây mực căng thẳng, cao thấp như nhau, ý muốn, xây dựng nhà cửa được thành tựu, cho nên nói: Thợ mộc bào gỗ.

Người trí điều thân: Thường sống với chánh giáo, không hủy phạm pháp luật. Tìm cầu nghĩa vị, học pháp của bậc thượng nhân, cho nên nói: Người trí điều thân.

———————-

Giống như suối sâu

Trong ngoài trong suốt

Nghe pháp như vậy

Người trí vui mừng.

Như suối nước sâu, trong ngoài trong suốt: Nói kệ là vì qua thí dụ, người trí sẽ tự hiểu. Hoặc có suối sâu nhưng không trong, thường đục, cũng có suối vừa sâu vừa trong, tự soi chiếu mọi hình ảnh, cho nên nói: Giống như suối sâu, trong ngoài trong suốt.

Nghe pháp như vậy, người trí vui mừng: Thuở xưa, có vị vua nhàm chán sách vở và sự nghiệp ở đời, ông đến chùa tháp, nghe giảng chánh pháp. Lúc ấy, có thầy Tỳ-kheo tên là Tượng Lực đã chứng quả A-la-hán, theo thứ lớp đến phiên nói pháp. Lúc ấy vị vua này đầu trùm khăn, chân mang giày vào trong chúng nghe pháp. Vị Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán bảo nhà vua:

–Ngày xưa, Đức Phật có dạy: “Không được nói pháp cho người mang giày nghe”.

Vua bực tức liền cởi giày ra. Vị Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán lại bảo nhà vua:

–Thuở xưa, Đức Như Lai cũng có dạy là không được nói pháp cho người bịt đầu nghe.

Nghe lời ấy, vua liền nổi giận dữ, trong tâm nghĩ rằng: “Hôm nay ta bị thầy Tỳ-kheo này làm nhục, có lẽ thầy Tỳ-kheo này thấy ta bị hói đầu nên muốn làm nhục ta. Nếu Tỳ-kheo này nói pháp mà không lọt tai ta thì ta sẽ chém đầu.” Lúc ấy vị vua liền cởi bỏ khăn trùm đầu và giục Sa-môn:

–Xin thầy hãy mau nói pháp cho ta nghe.

Thầy Tỳ-kheo đáp:

–Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, cũng dạy là không được nói pháp cho những người giận dữ nghe. Giờ đây vua đang giận dữ làm sao tôi dám nói pháp? Vậy vua hãy bình tâm lắng nghe tôi nói thí dụ này. Như dòng suối đục, nước sôi trào mãi không thôi. Nay, nhà vua cũng như vậy, tâm ý chao đảo, rối loạn thì làm sao mà nghe pháp được.

Nhà vua nghe vậy tự lấy làm hổ thẹn, liền sinh tâm cung kính, thầm nghĩ:

“Thầy Tỳ-kheo này là bậc thánh nên mới soi xét thấy rõ lòng người như vậy”. Vua liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, gối phải quỳ sát đất, trán lạy sát chân thầy Tỳ-kheo, thưa:

–Cúi xin bậc Thánh nói pháp cho con nghe, khiến tấm thân nhơ bẩn này được nhờ ân che chở.

Thưa xong, vua liền trở lại chỗ ngồi, chờ nghe pháp. Lúc ấy thầy Tỳ-kheo liền nói cho nhà vua nghe bài kệ này:

Giống như suối sâu

Trong ngoài trong suốt

Nghe pháp như vậy

Người trí vui mừng.

Bấy giờ, thầy Tỳ-kheo lại nói pháp cho vua nghe, khiến tâm vua vui mừng, hớn hở, lòng tin sâu phát sinh, gốc đạo không bị lay động, cho nên nói: Nghe pháp như vậy, người trí vui mừng.

——————-

Tâm nhẫn như đất

Như núi không động

Như suối trong veo

Trí tâm không loạn.

Tâm nhẫn như đất: Như mặt đất này vừa nhận những đồ sạch vừa nhận đồ không sạch, nhưng đất không nghĩ rằng: Ta nên loại bỏ vật này, chấp nhận vật kia. Người trí giữ hạnh cũng như vậy, nếu có ai đến khen tặng cũng không lấy đó làm vui, nếu có ai đến chê bai bêu xấu cũng không lấy đó làm nhục, buồn rầu, thấy điều lành không vui, nghe điều ác không nổi giận, cho nên nói: Tâm nhẫn như đất.

Như núi không lay động: Như dãy núi đứng chơ vơ sáng tỏ bình yên, gió bão giận dữ vẫn không làm lay động. Bậc Thánh hiền cũng lại như vậy, không vì thiếu bốn thứ cúng dường mà tâm có thêm bớt mừng lo, cho nên nói: Như núi không lay động.

Như suối trong veo, tâm trí không loạn: Như dòng suối trong vắt, trong ngoài đều trong suốt, không bị dòng nước nhỏ làm đục.

Người trí cũng như vậy, bên trong không phạm sai lầm, mọi gian tà bên ngoài khó xâm nhập. Tâm ý người ấy cứng chắc như kim cương không thể phá hoại, cho nên nói: Như suối trong veo, tâm trí không rối loạn.