SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 24

Phẩm 28: QUÁN (Suy xét)

Khéo quán xét lỗi mình

Để lỗi không bày ra

Ai nấy có hiềm khích

Như bụi nhẹ bay kia.

Khéo quán xét lỗi mình: Người ta chỉ thấy lỗi xấu của kẻ khác mà không thấy lỗi xấu của mình. Cho mình phải, cho người trái, gièm pha lẫn nhau, như quan Điển trường coi việc thu lúa thóc, khen ngợi coi trọng kẻ ở gần, coi thường người ở xa, cho nên nói:

Khéo quán xét lỗi mình, để lỗi mình không bày ra. Ai nấy có hiềm khích, như bụi nhẹ bay kia.

——————–

Nếu khoe mình không lỗi

Hai việc sẽ cùng đến

Chỉ thấy người lầm lỗi

Thường có tâm nguy hại

Nhìn xa không thấy gần.

Người ta sống trên đời phần nhiều tự khen ngợi mình, tự khoe khoang công đức mình, đời không ai bằng. Những việc ta thực hành như giới, văn, tuệ thí là tôn quý, là đặc biệt, là không ai sánh bằng, cho nên nói: Nếu khoe mình không lỗi.

Hai việc sẽ cùng đến: Như kẻ đánh bài lận, hễ kẻ gian lận thì thắng, người ngay thẳng thì thua. Người giữ hạnh, tu đức cũng như vậy, là tự biết lỗi lầm của mình không để ai thấy, cho nên nói: Hai việc sẽ cùng đến.

Chỉ thấy người lầm lỗi, thường có tâm nguy hại: Người không tự xét, chỉ thấy việc bên ngoài, các pháp bất thiện, những tai họa xấu ác, rơi vào đường ác, không đến cõi lành, gieo khổ địa ngục, ngạ quỷ súc sinh, cho nên nói: Chỉ thấy người lầm lỗi, thường có tâm nguy hại.

Đất trời cách biệt nhau, không thấy pháp chân, không thấy pháp chẳng phải chân, cho nên nói: Nhìn xa không thấy gần.

———————

Biết thẹn, thọ hơn hết

Diều ham ăn bị bắt

Lực sĩ không sợ hãi

Hạng ấy sống ngắn ngủi.

Biết thẹn là hơn hết: Người ta sống trên đời này, không biết hổ thẹn, không kiêng sợ điều gì, như trâu chạy rong không hề sợ hãi. Người ngu đần cũng giống như vậy, họ sinh tâm làm mọi chuyện không hề sợ hãi, cho nên nói: Biết thẹn, thọ hơn hết.

Diều ham ăn bị bắt: Như diều bay trên cao, nhưng do ham ăn, nào biết tránh né lưới bẫy. Chúng sinh cũng giống như vậy, tham đắm tài sắc không biết thỏa mãn, cho nên nói: Diều ham ăn bị bắt.

Lực sĩ không sợ hãi: Như người lực sĩ không biết sợ hãi, giữa chốn đông người muốn làm gì thì làm, không ai bằng. Nếu ai đến trách mắng khuyên can thì tâm liền tức giận giết chết người ấy, cho nên nói: Lực sĩ không sợ hãi.

Hạng ấy sống ngắn ngủi: Người ta sống trên đời này, có thói quen khinh người quý mình. Chỉ chấp vào điên đảo, mê lầm không tỉnh ngộ. Xâm phạm đồ đạc của Tam bảo, ỷ mình làm càn. Những hạng người ấy, sống không dừng lâu, cho nên nói: Hạng ấy sống ngắn ngủi.

———————

Biết thẹn, không hết thọ

Thường cầu hạnh thanh tịnh

Oai nghi không thiếu sót

Phải xét thọ chân tịnh.

Biết thẹn không hết thọ: Người biết hổ thẹn thì không tha thiết lắm đối với chuyện cơm áo, tiền của có được đều ban bố cho mọi người. Áo thô cơm dở, không ưa trang sức. Giữ thân sống tạm qua ngày, không mong cầu giàu sang, cho nên nói: Biết thẹn không hết thọ.

Thường cầu hạnh thanh tịnh: Mọi việc làm đều thanh tịnh, không gây ra những việc tà vạy. Thân, miệng, ý khớp với hạnh vô thượng. Cũng biết giữ gìn sự thanh tịnh bên ngoài nên nói ra lời gì đều vừa lòng người đối diện, không làm tổn hại người khác, cho nên nói: Thường cầu hạnh thanh tịnh.

Oai nghi không thiếu sót: Gom nhiếp các giác quan, không để rong ruổi, cho nên nói: Oai nghi không thiếu sót.

Phải xét thọ chân tịnh: Mọi hành động cử chỉ, nói năng, ăn uống là để nuôi mạng sống, cho nên nói: Phải xét thọ chân tịnh.

———————-

Thế gian đều mù tối

Có mắt, ít có tai

Bầy chim sa vào lưới

Sinh thiên có mấy ai?

Thế gian đều mù tối: Như kẻ mù không thấy hình sắc đẹp xấu, cao nguyên hay đồng bằng, chúng sinh trong thế gian này cũng giống như thế, họ bị dâm, nộ, si che lấp, không thấy việc làm thiện ác, không biết tốt xấu, cũng lại không biết pháp dữ, pháp lành; ý tự mê lầm, không mong cầu điều thiện. Cho nên nói: Thế gian đều mù tối.

Có mắt, ít có tai: Trong kinh Trường A-hàm chép:

Đức Phật bảo Phạm chí Trường Trảo:

–Trên đời này, rất ít người tu thiện. Tóm lại chúng sinh tà kiến điên đảo nhiều hơn đất trên mặt đất. Không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tỳ-kheo Tăng, không biết cha mẹ, cũng không biết trên dưới, cao thấp, chúng sinh chánh kiến thì ít như đất dính trên móng tay. Hiểu biết dù không sai lầm nhưng nguyện ước không giống nhau. Như ngoại đạo Phạm chí Ni-kiền tử xuất gia học đạo, ai cũng đều cho mình là cao quý, sách vở khác nhau, mong cầu giải thoát. Họ chấp chặt ý ngu mê nên không đạt được đại đạo.

Người chánh kiến không có bao nhiêu.

Cho nên nói: Có mắt, ít có tai.

Bầy chim rơi vào lưới: Như người thợ săn giăng lưới, giương bẫy bắt chim. Họ bắt được vô số loài chim thú, thoát khỏi lưới chỉ có một, hai con. Chúng sinh được sinh lên cõi trời cũng giống như vậy, chỉ một, hai người được hưởng phước trời. Như trong kinh Tạp

A-hàm có viết:

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

–Chúng sinh bị đọa vào địa ngục nhiều như đất trên mặt đất.

Hết khổ địa ngục này thì sinh qua địa ngục khác; ngạ quỷ, súc sinh cũng giống như vậy. Chúng sinh được sinh lên cõi trời ít như đất dính trên móng tay.

Cho nên nói: Như chim sa vào lưới, sinh Thiên có mấy ai.

———————

Quán suy hao ở đời

Chỉ thấy các sắc đổi

Kẻ ngu tự buộc mình

Bị mê tối trói buộc,

Quán suy hao ở đời, chỉ thấy các sắc đổi: Người ta sống trên đời sự thay đổi có trăm ngàn thứ, việc làm không giống nhau, thế gian có ba thứ: 1. Khí thế gian; 2. Ấm thế gian; 3. Chúng sinh thế gian.

Khí thế gian chỉ cho ba ngàn đại thiên, cõi nước.

Chúng sinh thế gian chỉ cho chúng sinh trong ba cõi, bốn cách sinh, năm đường.

Ấm thế gian là sắc ấm, vô sắc ấm. Trong ba cõi thì chú trọng cõi chúng sinh. Vì sao nói pháp suy hao? Suy hao là do dâm, nộ, si làm suy hao, giống như những người đi buôn đến phương xa, gặp cướp bóc, bị cướp mất hết tiền của báu vật, các loài chúng sinh này cũng giống như vậy, bị dâm, nộ, si, cướp đoạt hết hàng hóa tiền bạc căn lành. Mọi người đều trông thấy sự suy hao ấy, có hằng ngàn muôn chúng sinh thoát khỏi sự cướp bóc ấy, cho nên nói:

Quán suy hao ở đời, chỉ thấy các sắc đổi.

Kẻ ngu tự buộc mình, bị mê tối trói buộc: Ở đời có nhiều người việc làm khác nhau, thường bị trói bởi hai phược một là kết sử phược, hai là ấm phược, do hai thứ này trói buộc, vô minh che kín, cho nên không có khả năng vượt thứ lớp chứng quả, dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu. Như người có tội bị giam trong ngục, không thấy ánh sáng mặt trời mặt trăng, các loài chúng sinh này cũng giống như vậy họ bị giam hãm trong căn nhà vô minh, bị dâm, nộ, si trói buộc, muốn cầu giải thoát cũng khó được, cho nên nói: Kẻ ngu tự buộc mình, bị mê tối trói buộc.

Cũng không thấy hành quán, cũng không có gì của ta, bởi tính quán xét nên không thấy được cội gốc công đức. Lại dùng trí biết tâm người khác để thoát khỏi nạn này, nhưng không có một căn lành nào thì làm sao thoát khỏi được. Như có kẻ rớt xuống hầm xí, bị phẩn nhơ dính đầy khắp mình, lại có người lòng Từ bi thương xót muốn cứu kẻ đó, bèn tìm chỗ sạch trên mình để đưa tay kéo lên, nhưng khắp mình không còn chỗ nào sạch cả, đành phải bỏ đi.

Người vô lậu quán xét chúng sinh, tìm xem có chút căn lành nào để cứu vớt chữa trị, nhưng xem khắp thì không thấy có gốc lành nào để cứu chữa cả. Bậc Thánh nhân tự nghĩ mà than: “Chao ôi! Toàn là những người suy hao!” Tội nặng đến như thế, cho nên nói: Cũng không thấy hành quán, cũng không có gì của ta.

———————

Chúng sinh đều có ngã

Bởi ngã sinh tai họa

Mỗi mỗi đều không thấy

Bị gai tà kiến đâm.

Chúng sinh đều có ngã, bởi ngã sinh tai họa: Trên đời này có nhiều người tâm tính điên đảo, các loài chúng sinh do ngã tạo tác, từ ngã phát sinh. Lại có người nói: Do cái khác mà sinh, do cái khác mà có, cho nên nói: Chúng sinh đều có ngã, bởi ngã sinh tai họa.

Mỗi mỗi đều không thấy, bị gai tà kiến đâm: “Mỗi mỗi” là chỉ cho ngoại đạo Phạm chí, họ không suy nghĩ chánh kiến mà tin theo tà kiến điên đảo, cho nên nói: Mỗi mỗi đều không thấy, bị gai tà kiến đâm.

——————

Quán nhân duyên gai này

Bởi chúng sinh nhiễm đắm

Ta làm chẳng của kia

Kia làm chẳng của ta.

Quán nhân duyên gai này: Gai ở đây là gai tà kiến, nhân duyên chỉ cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi người. Trời và người mỗi cõi khác nhau là bởi tạo nghiệp khác nhau, cho nên nói: Quán nhân duyên gai này.

Bởi chúng sinh nhiễm đắm: Ngoại đạo dị học đêm ngày chăm chú, vội vàng, đều tự cho mình chân chính, tin theo tà kiến điên đảo. Không thể buông bỏ để trở về đường chánh, cho nên nói: Bởi chúng sinh nhiễm đắm.

Ta làm chẳng của kia, kia làm chẳng của ta: Họ đều tự cho mình là chân chánh, cùng nhau sai lầm, các loại chúng sinh đều do ta làm ta tạo, chẳng phải của người kia. Lại tự nghĩ: “Người kia tạo, người kia làm, chẳng phải của ta.” Cho nên nói: Ta làm chẳng của kia, kia làm chẳng của ta.

——————-

Chúng sinh bị mạn trói

Nhiễm đắm vào kiêu mạn

Bị kiến chấp mê lầm

Không khỏi bờ sinh tử.

Chúng sinh bị mạn trói, nhiễm đắm vào kiêu mạn: Người nọ tự nghĩ về tánh ý mình rồi sinh tâm kiêu ngạo: “Ta là bậc tối tôn, tối thượng giữa mọi người. Trong họ hàng bà con, nếu nhìn về ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, gia sản thì không ai bằng ta”, giữ khư khư tánh kiêu ngạo ấy không bao giờ lìa bỏ, cho nên nói: Chúng sinh bị mạn trói, nhiễm đắm vào kiêu mạn.

Bị kiến chấp mê lầm, không khỏi bờ sinh tử: Kẻ chấp theo thường kiến thì không tương ưng với kẻ chấp theo đoạn diệt kiến, kẻ chấp đoạn diệt kiến thì không tương ưng với kẻ chấp theo thường kiến. Cả hai hạng người này đều không thể ra khỏi sinh tử để đến bờ vô vi, cho nên nói: Bị kiến chấp mê lầm, không khỏi bờ sinh tử.

———————-

Đã kịp và sẽ kịp

Cả hai bị trần cấu

Quen với cội gốc bệnh

Học những gì phải học.

Xét những người giữ giới

Bậc phạm hạnh thanh tịnh

Chăm sóc người đau ốm

Đó là cõi bờ mé.

Trên thế gian có những chúng sinh tâm tà kiến lẫy lừng, tham đắm vào ái dục, không thể lìa bỏ. Khi tu hành khiết dục thanh tịnh thì họ khởi tâm kiêu mạn, không tự sửa đổi. Đó gọi là bờ mé thứ hai. Đó gọi là các bậc Hiền tăng thêm các đắm trước.

Đã kịp và sẽ kịp: Loại có thân hoặc loại không có thân, cả hai đều còn phiền não, một là phiền não tà kiến, hai là phiễn não ái dục, bị kết sử sai khiến, không thể lìa bỏ được, cho nên nói: Cả hai đều bị trần cấu.

Quen với cội gốc bệnh: Chỉ cho ngoại đạo dị học, họ luyện tập kỹ thuật làm cho mình tiến lên.

Học những gì phải học: Có các chúng sinh học các kỹ thuật như cỡi ngựa, đánh xe và làm đầy đủ vô số việc. Làm đủ những việc ấy mới được giải thoát, cho nên nói: Học những gì phải học.

Xét những người giữ giới: Hoặc có Phạm chí vâng giữ giới cấm; hoặc có người giữ giới quạ, họ cất tiếng như quạ kêu; hoặc có người giữ giới chim trọc đầu thì lúc nào họ cũng quỳ mọp bắt chước tiếng kêu của chim trọc đầu; hoặc có người giữ giới nai thì họ phát ra âm thanh như nai. Cho nên nói: Xét những người giữ giới.

Bậc phạm hạnh thanh tịnh: Hàng ngoại đạo dị học kia họ tự nói với nhau rằng cứ hai người một tu hành tịnh hạnh thì liền được giải thoát, đến nơi thanh tịnh. Còn như ai thờ lửa, thờ mặt trời, mặt trăng, thờ thần châu báu, cỏ thuốc, y phục, cung điện, nhà cửa thì sau này sẽ được đến cõi vô vi, cho nên nói gọi là bờ mé thứ nhất.

Trên thế gian có chúng sinh tâm tà kiến lẫy lừng, tham đắm ái dục không thể lìa bỏ. Về dục thanh tịnh, nếu người ngoài tu tập, có phạm dục không lỗi. Đó gọi là bờ mé thứ hai. Gọi là các bậc Hiền tăng thêm các đắm trước, nếu hiểu rõ việc này thì không còn bị trôi lăn.

Người có mắt nhìn xem: Người có mắt chỉ cho chư Phật, Thế Tôn. Ai có lòng tin, thì có khả năng quán sát sự trôi lăn trong sinh tử không dừng, cho nên nói: Người có mắt nhìn xem. Ai xóa bỏ được hai bên này thì không còn đắm nhiễm, không khởi trần lao, đây gọi là bờ mé.

———————

Phải quán bọt trên nước

Và quán ngựa lóa nắng (giữa đồng)

Như thế, không quán thân

Thì không thấy thần chết.

Phải quán bọt trên nước, và quán ngựa lóa nắng: Bọt nước kia không tồn tại lâu. Thuở xưa, có nàng công chúa được vua cha quý yêu, không bao giờ rời khỏi tầm mắt ông. Khi ấy, trời mưa to, bong bóng nổi trên mặt nước. Thấy những bong bóng ấy công chúa thích lắm. Nàng thưa cùng vua cha:

–Con muốn được những bong bóng trên nước ấy để kết thành tràng đội đầu.

Vua bảo công chúa:

–Bong bóng nước không thể giữ gìn, làm sao lấy được để xỏ thành tràng?

Công chúa thưa:

–Nếu không xỏ được thành tràng thì con sẽ tự sát.

Nghe công chúa nói vậy, nhà vua liền vời các tay thợ giỏi đến bảo:

–Các khanh là tay thợ giỏi, không chuyện gì không làm được.

Vậy thì hãy mau mau lấy bong bóng nước xỏ thành tràng cho con gái ta đeo. Nếu không làm được thì các ngươi sẽ bị chém đầu.

Người thợ liền thưa vua:

–Chúng tôi không thể lấy bong bóng để xỏ thành tràng được.

Nhưng trong số đó, có một người thợ già tự nói mình có khả năng làm chuyện ấy, ông liền bước đến thưa vua:

–Thần có thể lấy bong bóng nước để xỏ thành tràng cho bệ hạ.

Vua nghe vậy mừng rỡ, gọi công chúa đến bảo:

–Hiện giờ, có một người có khả năng xỏ xâu bong bóng nước cho con, con hãy tự đến xem.

Công chúa nghe lời vua ra ngoài để xem. Khi ấy, người thợ già bèn thưa với công chúa:

–Tôi vốn không phân biệt được bong bóng nào tốt, bong bong nào xấu. Cúi mong công chúa hãy tự mình chọn lấy rồi đưa tôi, tôi sẽ xỏ thành xâu cho.

Công chúa liền đưa tay vớt bong bóng, nhưng hễ vừa vớt là bong bóng bể ngay, không vớt được cái nào. Cứ vớt như vậy cả ngày vẫn không được cái nào. Công chúa mỏi mệt, bỏ đi, đến thưa với vua cha:

–Bong bóng giả dối không tồn tại lâu, thôi cha hãy xỏ cho con xâu vàng ròng, suốt ngày đêm không bao giờ héo tàn.

Bong bóng nước làm mê lầm mắt người, dù có hình chất nhưng vừa sinh thì liền diệt, dương diệm, ngựa lóa nắng cũng giống như vậy. Con người khát vọng ái dục, mệt nhọc rồi bỏ mạng. Thân người luống dối, vui ít, khổ nhiều, là pháp bị tiêu diệt, không tồn tại lâu dài, đổi đời biến động trên đời nào có bao lâu, rồi cũng bị thần chết dòm ngó? Cho nên nói: Phải quán bọt trên nước và quán ngựa lóa nắng, như thế không quán thân thì không thấy thần chết.

———————-

Phải quán bọt trên nước

Và quán ngựa lóa nắng

Như thế, không quán đời

Thì không thấy thần chết.

Không quán đời: Thân năm ấm lẫy lừng, không tồn tại lâu mà sẽ bị hoại diệt. Nếu ai diệt được thân năm ấm này thì không gặp thần chết.

—————————-

Như vậy, phải quán thân

Như xe vua nhiều màu

Kẻ ngu rất đắm nhiễm

Người lành muốn lánh xa.

Như vậy, phải quán thân, như xe vua nhiều màu: Như xe vua đi có tô vẽ nhiều màu, tuy có hình sắc nhưng không bền chắc, không thể chở nặng được, cho nên nói: Như vậy, phải quán thân, như xe vua nhiều màu.

Kẻ ngu rất đắm nhiễm, người lành muốn lánh xa: Kẻ ngu tham đắm thân này, còn người trí thì xả bỏ đi như bỏ phân dơ, cho nên nói: Kẻ ngu rất đắm nhiễm, người lành muốn lánh xa.

——————-

Như vậy, nên quán thân

Như xe vua nhiều màu

Kẻ ngu rất đắm nhiễm

Người trí thì xa lìa.

Người trí biết có dao động nên tâm không ưa thích, ý thường muốn xa lìa như tránh xa hỏa tai, cho nên nói: Người trí thì xa lìa.

——————-

Như vậy, nên quán thân

Biết nguyên nhân gây bệnh

Bệnh, ở chung kẻ ngu

Đâu đáng để nương cậy?

Người ta sinh ra từ bào thai là do nhân duyên đời trước, có người nhiều bệnh, có người ít bệnh, hình tướng tốt xấu khác nhau, cho nên nói: Như vậy, nên quán thân, biết nguyên nhân gây bệnh, bệnh ở chung kẻ ngu, đâu đáng để nương cậy.

———————

Nên quán hình tượng vẽ

Tóc xanh ngọc Ma-ni

Kẻ ngu duyên theo đó

Không cầu đến bờ kia.

Nên quán hình tượng vẽ, tóc xanh như ngọc Ma-ni: Dùng các chất thơm gội tóc. Mùi thơm gội tóc bay xa, cho nên nói: Nên quán hình tượng vẽ, tóc xanh như ngọc Ma-ni.

Kẻ ngu mãi quyến luyến, không cầu đến bờ kia: Kẻ ngu bị trói buộc, không thể xa lìa được, không có phương tiện khéo léo nào để đến bờ bên kia. Bờ bên kia là Niết-bàn dứt hết phiền não, cho nên nói: Kẻ ngu mãi quyến luyến, không cầu đến bờ kia.

——————-

Nên quán hình tượng vẽ

Tóc xanh ngọc Ma-ni

Kẻ ngu duyên theo đó

Người trí lại nhàm chán.

Người có trí tuệ phân biệt quan sát tinh vi, suy nghĩ tính lường, không khởi tâm đắm nhiễm, cho nên nói: Người trí lại nhàm chán.

——————-

Gượng dùng màu vẽ hình

Trang điểm thân dơ xấu

Kẻ ngu bám vào đó

Không chịu cầu tự độ.

Thuở xưa, có một người giàu có, nhiều tài sản vật báu. Ông trưởng giả tự nghĩ: “Các Đạo nhân tuổi còn trẻ, tình dục chưa dứt, nay ta nên thỉnh các vị ấy đến nhà, sai các cô gái dâng đồ cúng dường. Nếu ai có dục tình là ta biết ngay.” Ông liền tới chùa thỉnh các đạo sĩ tuổi trẻ đến nhà trưởng giả. Các cô gái trang điểm, mặc áo mới đều ra lễ bái, khởi tâm cung kính. Khi ấy, có vị La-hán đã chứng được sáu thứ thần thông biết sự việc ấy, ngài liền hóa thành một người chết, xương cốt máu thịt tan biến hết, đầu lâu, tay chân mỗi nơi một món. Khi ấy vị La-hán bảo các thầy Tỳ-kheo:

–Các thầy phải chuyên tâm cầu giải thoát. Chớ nhìn nữ sắc, chớ khởi tâm dơ bẩn.

Khi ấy, vị trưởng giả thấy điềm lạ kia, khen là việc chưa từng có, trong tâm tự trách, biết việc mình làm là sai quấy, ông bèn gieo năm vóc sát đất, xin sám hối:

–Hôm nay con mới biết pháp nhiệm mầu.

Còn các cô gái thì hổ thẹn liền chạy về nhà. Khi ấy vị La-hán bảo vị trưởng giả:

–Phật pháp sâu rộng mênh mông không bờ bến, ngày nay ông đem trí lượng của phàm phu mà đo lường bậc Thánh, đó là điều không đúng lý, khác gì lấy cục đất mà so sánh với núi Tu-di, lấy thăng mà muốn đong lường nước biển.

Lúc bấy giờ, vị Tỳ-kheo liền nói bài kệ này:

Gượng dùng màu vẽ hình

Trang điểm thân nhơ xấu

Kẻ ngu bám vào đó

Không tự cầu độ thoát.

Chải tóc rẽ tám phần

Mắt lành, tai đeo ngọc

Kẻ ngu bị đắm nhiễm

Không tự cầu độ thoát.

Nói hai bài kệ xong, thầy Tỳ-kheo đứng dậy ra đi. Lúc ấy vị trưởng giả và các cô gái kia tâm lành tự phát sinh, cung kính Tam bảo, sau này mỗi vị đều thành tựu dấu đạo.

———————

Đắm mê dục, nhiễm dục

Không rõ kết sử bám

Không cho khởi kết sử

Phải lội dòng dục hữu.

Đắm mê dục, nhiễm dục: Ở đời, mọi người đều có chí hướng khác nhau. Có người nhẹ về ái dục, có người nặng về ái dục. Ai nặng về ái dục thì không đạt được pháp của bậc Thánh hiền, cho nên nói: Đắm mê dục, nhiễm dục.

Không rõ kết sử bám: Các tâm lý tham ganh, bỏn sẻn, là bệnh nặng nhất trong các thứ bệnh. Nó vào sâu trong xương tủy, không thầy thuốc nào chữa được. Chất chứa tài sản ức muôn nhưng không chịu bố thí, khi chết không mang theo được một đồng tiền. Nếu ai tu hành mà còn tham lam, ganh tỵ thì thân không có oai thần, chịu cảnh nghèo nàn, bà con họ hàng không hòa thuận, bị mọi người khinh thường, cho nên nói: Không rõ kết sử bám.

Không cho khởi kết sử, phải lội dòng dục hữu: Dòng nước dục có bốn thứ, với mỗi việc khác nhau, bốn thứ ấy là gì?

Dòng nước ái dục (dục lưu).

Dòng nước hữu lậu (hữu lưu).

Dòng nước vô minh (vô minh lưu).

Dòng nước kiến chấp (kiến lưu).

Các loài chúng sinh chìm đắm trong sinh tử đều do bốn dòng nước này nhận chìm. Vì không thể lội qua bốn dòng nước kết sử này cho nên cứ mãi trôi lăn trong năm đường, cho nên nói: Không cho khởi kết sử, phải lội dòng dục hữu.

———————

Trên tất cả vô dục

Phải xét đại quán này

Như thế có giải thoát

Cho ai chưa được độ.

Trên tất cả vô dục: Trên là cõi Sắc, cõi Vô sắc. Dục là cõi Dục. Đối với ba cõi này không còn ba độc, nên ở trong đó được giải thoát hẳn, cho nên nói: Trên tất cả vô dục.

Phải xét đại quán này: Người vô dục là đệ tử bậc nhất của Phật. Đức Phật có bốn hạng đệ tử mà A-la-hán là hơn hết, đáng tôn, đáng quý, không có ai hơn, cho nên nói: Phải xét đại quán này.

Như thế có giải thoát: Bậc Thánh tu hành không phải vì mình, được tự tại đối với bốn kết sử, không dính mắc vào hành vi của thân, miệng, cho nên nói: Như thế có giải thoát.

Cho ai chưa được độ: Từ xưa đã trải qua tai nạn sinh tử chưa được độ thoát, nay phải tìm cách vượt ra ba cõi, không còn thọ than bốn đại nữa, cho nên nói: Cho ai chưa được độ.

———————

Không phải vườn, thoát vườn

Thoát khỏi lại vô vườn

Phải quán sát người này

Thoát buộc lại bị buộc.

Thuở xưa, Đức Phật ngự trong vườn Ni-câu-loại, thuộc nước Thích-xí-sưu-ca duy-la-kiệt. Khi ấy, đã đến giờ, Đức Thế Tôn đắp y ôm bát cùng thị giả A-nan đi vào thành Ca-duy-la-kiệt khất thực.

Khi ấy chàng trai Nan-đà đang đứng trên lầu cao, từ xa trông thấy Đức Thế Tôn vào thành khất thực, chàng liền vội xuống lầu, đến chỗ Phật, lễ lạy sát chân Phật, bạch:

–Như Lai sinh từ giai cấp giàu sang ở vùng kinh thành, rồi sẽ lên ngôi Chuyển luân thánh vương, vì sao tự làm nhục mình bằng cách ôm bát đi khất thực như vậy?

Khi ấy, Nan-đà lấy bình bát của Như Lai đem vào thành để những món ăn ngon. Sau khi thấy Nan-đà vào nhà, Đức Phật liền bảo Tôn giả A-nan:

–Nay Ta đi về phía vườn Ni-câu-loại. Nan-đà trở ra thì chớ nhận lại bình bát. Ông hãy nói với Nan-đà rằng: Chính Nan-đà phải đem bát đến tận chỗ Như Lai. Nan-đà nghe Tôn giả nói lại như vậy nên phải đi theo sau mà giao bát. Vợ Nan-đà chạy theo sau nói với:

–Hãy mau trở về sớm để ăn cơm, chớ đi lâu. Nan-đà đi không bao lâu, người vợ còn sai người đưa thư là xong thì về ngay chớ ở lâu. Sở dĩ trịnh trọng như vậy là cô sợ Nan-đà bỏ nhà đi xuất gia.

Nan-đà ôm bát đến chỗ Thế Tôn, hai tay dâng bình bát lên cho Thế Tôn:

–Cúi xin Ngài nhận lãnh, bây giờ con muốn trở về nhà.

Đức Phật bảo Nan-đà:

–Ngươi đã đến đây, thì bây giờ nên xa gia đình, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Cớ sao lại từ chối mà muốn trở về nhà?

Khi ấy Như Lai dùng năng lực oai thần bắt buộc Nan-đà phải xuất gia học đạo, nhốt trong tĩnh thất, không trở về nhà. Như vậy, trải qua bao tháng ngày, theo thứ lớp đến phiên trực, bây giờ là đến phiên Nan-đà. Nghe vậy, trong tâm Nan-đà vui mừng: “Nay đến phiên ta trực, sự việc được thong dong. Nhân lúc rỗi việc này ta nên trốn về nhà.” Rồi phiên trực đến, Nan-đà lo múc nước, quét đất, đâu đó đều xong hết. Khi ấy, Thiên thần theo che chở Nan-đà làm cho nước múc đầy tự nhiên đổ tràn hết ra đất, cỏ rác lại mọc lan nhanh, các cửa đang đóng bỗng nhiên mở toang ra hết. Nan-đà thầm nghĩ: “Ta thuộc gia cấp vương giả, tài sản vật báu nhiều không thiếu chi. Nay ta cứ trốn về nhà, nếu có mất mát thứ gì thì ta sẽ đền sau, bây giờ ta nên lẻn theo đường tắt, vì cập theo đường lớn có thể gặp Như Lai.”

Nghĩ rồi, Nan-đà cởi ba pháp y, mặc y phục thế tục vội vã đi nhanh. Đi chưa bao lâu thì gặp Như Lai đi lại ngược chiều. Vừa trông thấy, Nan-đà vội chạy núp sau cây to để giấu mình. Như Lai dùng năng lực thần thông khiến cây nọ đứng sau Nan-đà. Nan-đà chạy quanh kiếm nơi ẩn núp nhưng không có. Khi ấy Đức Thế Tôn lại dùng năng lực thần thông nhổ cây đại thọ treo lơ lửng trên hư không. Nan-đà núp vào rễ cây che mình. Như Lai liền đến trước mặt Nan-đà hỏi:

–Có việc gì Nan-đà đến đây vậy?

Nan-đà xấu hổ không đáp. Như Lai hỏi Nan-đà hai ba lần:

–Ông muốn đi đâu, sao im lặng không nói?

Bấy giờ Nan-đà mới nói:

–Muốn về nhà thăm vợ.

Đức Phật bảo Nan-đà:

–Người học đạo nhưng tâm không chuyên nhất, tâm ái dục tham đắm, không nghĩ đến họa bị thiêu thân ở đời sau.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Không phải vườn, thoát vườn

Thoát khỏi lại vô vườn

Phải quán sát người này

Thoát buộc lại bị buộc.

Giờ đây, Ta dẫn ông lên cõi trời dạo chơi, ông nên tự chuyên tâm, chớ có lo sợ. Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng năng lực thần túc, nắm tay Nan-đà bay lên cõi trời. Trông thấy một cung điện bằng bảy thứ báu vàng bạc trải đầy, ngọc nữ hầu hạ nhiều không tính kể, chỉ thuần là nữ, không có người nam, họ cũng không có chồng, khi ấy Nan-đà bạch Phật:

–Tại sao cung điện cõi trời này đầy vui sướng không đâu sánh bằng, điện đường bằng bảy chất báu, đàn trống kỹ nhạc reo vang, vui thú chưa hề thấy từ trước đến giờ, nhưng sao Thiên nữ ở đây lại không có chồng? Cúi mong Thế Tôn giải đáp cho thắc mắc của con.

Đức Thế Tôn bảo Nan-đà:

–Ông hãy đến đó hỏi sự thật, các Thiên nữ sẽ nói cho ông nghe.

Nan-đà vâng lời Đức Phật dạy liền đến chỗ cung điện kia, tình thật hỏi các Thiên nữ:

–Thiên nữ quý cô tự nhiên hưởng phước, với điện đường bằng bảy chất báu, vui chơi năm thứ âm nhạc, chẳng hay chồng quý cô hiện đang ở đâu?

Các Thiên nữ đáp:

–Ngài không biết sao? Ở cõi Diêm-phù-lợi, thành Ca-duy-lakiệt, có người em cùng cha của Đức Phật Thích-ca tên là Nan-đà, sau khi chết sẽ sinh lên cõi trời này. Người ấy là chồng của chúng tôi.

Nghe vậy, Nan-đà mừng thầm, người mà Thiên nữ nói chính là ta rồi. Nan-đà liền trở về chỗ Phật, bạch hết việc ấy lên Đức Thế Tôn:

–Bạch Đức Thế Tôn, các cung điện này và ngọc nữ hầu hạ đều là của con hết.

Đức Phật bảo Nan-đà:

–Ngươi phải mau tu phạm hạnh thì không bao lâu sẽ sinh lên đây hưởng phước tự nhiên.

Khi ấy Đức Thế Tôn dùng năng lực thần túc, tay dắt Nan-đà xuống dạo chơi ở địa ngục. Đi ngang qua núi Thiết vi, thấy có một con khỉ cái mù, Đức Phật bảo Nan đà rằng:

–Nàng Tôn-đà-lợi vợ ngươi có giống con khỉ cái mù này chăng?

Nan-đà bạch Phật:

–Thôi, thôi! Xin Thế Tôn chớ nói lời ấy, đâu thể sánh con khỉ mù này với nàng được? Bởi Tôn-đà-lợi là cô gái đẹp nhất trong các cô gái đẹp, sáu mươi bốn nghề không nghề nào nàng không biết.

Đức Thế Tôn bảo Nan-đà:

–So sánh con khỉ cái mù này với Tôn-đà-lợi, rồi so sánh Tôn-đà-lợi với các Thiên nữ thì cách xa nhau ngàn muôn lần, không thể dùng thí dụ để so sánh.

Rồi Đức Phật dắt Nan-đà đến địa ngục, chỉ cho ông thấy bao nhiêu cảnh khổ đau, nào tra khảo đánh đập bằng roi gậy, chất độc, nhiều không thể tính kể. Có tám địa ngục lớn nung nấu người tội.

Mỗi địa ngục lớn có mười sáu ngăn nhỏ bao quanh. Núi dao, rừng kiếm, xe lửa, lò than, đốt nướng, chưng nấu khổ đau khó có thể nói hết. Có một cái vạc lớn, ngục tốt đứng chung quanh, lửa cháy phừng phừng, nước sôi sùng sục, nhưng không thấy người tội nào.

Nan-đà bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, chẳng hay vì sao ở các địa ngục kia đều có người tội, còn trong cái vạc to này, lại không thấy người tội?

Đức Phật bảo Nan-đà:

–Ông hãy tự đến đó hỏi các ngục tốt, họ sẽ nói cho ông nghe lý do.

Nan-đà vâng lời Phật dạy, liền đến hỏi ngục tốt:

–Vì sao trong cái vạc này không người tội?

Ngục tốt đáp:

–Ở cõi Diêm-phù-lợi, con vua Chân Tịnh đã đắc đạo, người em cùng cha với Ngài tên là Nan-đà, là người buông lung, ham mê dâm dục. Tự ỷ mình giàu có, khinh chê mọi người. Sau khi y chết sẽ bị đọa vào vạc to này, trải qua nhiều kiếp mới thoát khỏi. Ông nên biết việc ấy là như vậy.

Nghe vậy, Nan-đà nổi ốc khắp mình, toàn thân run rẩy, mặt biến sắc. Nan-đà đến chỗ Phật, bạch:

–Cúi mong Đấng Thiên Nhân Sư che chở ba cõi, nay con thấy việc ấy, lòng rất kinh sợ. Nan-đà liền ở trước Phật nói bài kệ:

Nay bỏ ngôi cõi trời

Không tạo gốc sinh tử

Mong khỏi khổ địa ngục

Xin nói Niết-bàn lặng.

Khi ấy Đức Thế Tôn dần dần nói pháp mầu cho Nan-đà nghe, hãy sống đời vô vi, sẽ đến được đạo tràng.

———————–

Áo xanh, che lọng trắng

Nhà vua ngồi một xe

Thấy người hết bụi nhơ

Thoát hẳn các trói buộc.

Nhiều người cầu tự quy

Thần sông, núi, cỏ, cây

Vườn hoa và đình thần

Mong thoát các khổ nạn.

Người có tâm lo sợ thì ý mê không tỉnh biết. Gặp chuyện thì cúng kiến van xin, không biết đâu là thật giả.

Thuở xưa, ở nước Nguyệt Chi, có vị vua tên Ác Thiểu, cả thiên hạ đều quy phục ông. Mẫu hậu dạy vua:

–Nếu con gặp hiểm nạn lâm nguy thì cẩn thận, chớ đi vào phía trái ngôi chùa. Phải nhớ đi vào ở phía tay phải, hãy cẩn thận, chớ trái lời mẹ dạy.

Khi ấy, vua Ác Thiểu dẫn binh chúng đi đánh thành Thuần Tây. Chính tay vua cầm gươm giết ba ức người, chưa tới bốn ức người, trong khi quy định là phải đủ năm ức người. Sau đó, vua thua trận, phải cỡi voi chạy trốn. Chợt trông thấy bức hình Phật, ông nhớ lời mẹ dạy, bèn quày voi đi vòng phía tay phải. Quân địch thấy vậy liền rút về nước. Thấy giặc lui, vua liền đuổi theo sát, phá được giặc, trở về.

Nhớ lời Phật dạy, vua liền quy y Phật, là Bậc Tôn Quý, là Bậc Cao Thượng không ai sánh bằng, nếu ta không đi theo phía tay phải thì làm sao phá được giặc, cho nên nói: Nhiều người cầu tự quy, thần sông, núi, cỏ cây, vườn hoa và đền thần, mong thoát các khổ nạn.

———————–

Đó chẳng quy y thượng

Thì chẳng được lợi lành

Nếu có người quy y

Không thoát tất cả khổ.

Nếu ai quy y Phật

Quy y Pháp và Tăng

Tu tập pháp Tứ đế

Thấy biết với trí tuệ.

Nhân khổ, duyên khổ sinh

Nên vượt gốc khổ này

Tám phẩm đạo Thánh hiền

Dứt hết, được cam lộ.

Đó là quy y thượng

Thì sẽ được lợi lành

Nếu có người quy y

Được thoát tất cả khổ.

Người tu hành chỉ có tín và giới. Khi gốc tin đã có thì không hủy phá giới luật. Nếu ai quy y Tam bảo thì mọi nguyện đều thành tựu, được trời, người cúng dường, tự chứng được đạo, hưởng phước nhiều kiếp. Ai không có nơi nương tựa thì giống như cây không có gốc. Nếu có nơi nương tựa thì mọi việc đều kết quả.

———————–

Quán, đã quán, sẽ quán

Không quán thì nên quán

Đã quán lại quán nữa

Quán rồi không quán nữa.

Quán là bốn lẽ chắc thật chân như: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Người tu hành phải quán bốn lẽ chắc thật chân như: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Quán là hiện tại, đã quán là quá khứ, sẽ quán là vị lai, sinh khởi trần lao đều do ba đời, trôi lăn trong sinh tử, không chứng được đạo, cho nên nói: Quán, đã quán, sẽ quán.

Không quán thì nên quán: Không quán là không thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Như vậy, phải quán thật kỹ, xét thật sâu, biết một cách rạch ròi. Từ đó, không còn thấy bốn lẽ chắc thật chân như:

Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cho nên nói: Không quán thì nên quán.

Đã quán lại quán nữa: Tin tưởng và phân biệt Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Mỗi món đều suy nghĩ, nghiên cứu ý nghĩa của nó.

Quán rồi không quán nữa: Đã quán đã biết, không còn suy nghĩ nữa, cho nên nói: Không quán thì nên quán, quán rồi không quán nữa.

———————-

Quán rồi lại quán nữa

Phân biệt bản tính nó

Tính lấy ngày làm đêm

Thân báu hoại, không lâu.

Quán rồi lại quán nữa: Quán có hai thứ: một là quán tài sản, hai là quán nghĩa bậc nhất. Nếu quán tài sản thì càng tăng them kết sử, còn quán nghĩa bậc nhất thì dứt hết hữu lậu, trở thành vô lậu, cho nên nói: Quán rồi lại quán nữa.

Phân biệt bản tính nó: Có những người tánh hạnh khác nhau.

Có nhiều cõi nước nên không phải chỉ có một giáo pháp. Bậc Thánh phân biệt mỗi pháp ấy, có người tâm ý tỏ ngộ, có người tâm ý không tỏ ngộ, có người vừa tỏ ngộ vừa không tỏ ngộ. Tính tình mỗi người khác nhau nên tỉnh ngộ có mau chậm. Thế nên bậc Thánh dùng đạo dạy bảo, siêng năng tu hành, đêm ngày không biếng trễ, cho nên nói: Phân biệt bản tính nó.

Tính lấy ngày làm đêm: Các loài chúng sinh tánh hạnh khác nhau, có người suy nghĩ cội gốc hạnh lành, có người không suy nghĩ cội gốc hạnh lành. Gọi là tính ngày làm đêm.

Thân báu hoại, không lâu: Về tài sản ở thế gian, theo pháp thường ở đời thì suốt ngày gom góp rồi cũng phải hoại diệt, còn tài sản căn lành thì không bao giờ hoại diệt. Thế nên luật bản nói:

Nên đổi thân không quý báy lấy thân quý báu, đổi tài sản không quý báu lấy tài sản quý báu, đổi mạng sống không quý báu lấy mạng sống quý báu, cho nên nói: Thân báu hoại, không lâu.

——————

Quán rồi, không quán nữa

Dù thấy cũng không thấy

Như thấy mà không thấy

Quán mà cũng không thấy.

Quán rồi, không quán nữa: Người tu hành suy nghĩ diệu quán. Người đắc đạo quán sát biết người tu hành ấy, cũng không có diệu quán để suy nghĩ. Người đắc định có hai loại: một người được quán, một người không được quán. Lại có bậc Đạo sư quán sát người tu hành, có người tương ưng với Thánh Đế, nếu không suy nghĩ quán sát rộng khắp thì không tương ưng với Thánh Đế, cho nên nói: Quán rồi, không quán nữa.

Quán mà cũng không thấy: Có nhiều người suy nghĩ tu tập đạo hạnh, lại quán sát những vật ở đời quá khứ lâu xa, có người đạt được, có người không đạt được. Mỗi thứ đều phân biệt sáng tỏ, không lẫn lộn, cho nên nói: Quán mà cũng không thấy.

——————–

Thế nào thấy, không thấy?

Sao nói thấy, không thấy?

Vì đâu thấy, không thấy?

Nhờ đâu khởi kiến chấp?

Thế nào thấy, không thấy: Hành nhân tu pháp chấp có, là pháp thường thanh tịnh. Không thấy là không thấy Khổ, Tập, Diệt, Đạo, cho nên nói: Thấy, không thấy.

Sao nói thấy, không thấy: Người tu hành chỉ thấy có một duyên, có người duyên theo sắc, có người duyên theo sắc, thanh, hương, vị. Có người suy nghĩ, có người không suy nghĩ, cho nên nói:

Vì sao nói thấy, không thấy.

Vì đâu thấy, không thấy: Như có hai người các hạnh đã đầy đủ, công đức vẹn toàn nên dù sống trong sinh tử nhưng không yếu hèn, tâm muốn dứt bỏ kết sử, không bị trở ngại. Nhưng một người thì tâm ý thiên lệch nên không đạt được rốt ráo. Một người không thấy phiền não để dứt bỏ nó, một người thì không thấy mình đang sống trong vòng sinh tử, cho nên nói: Vì đâu thấy, không thấy.

Nhờ đâu khởi kiến chấp: Nhờ pháp Thánh hiền mà tự thấy nghĩa xuất ly, mọi cầu mong đều đạt kết quả, không có gì trở ngại, cho nên nói: Nhờ đâu khởi kiến chấp.

——————–

Nếu như không quán khổ

Thường phải tự quán sâu

Giải thoát cội nguồn khổ

Gọi là quán sáng mầu.

Nếu như không quán khổ: Như người học đạo không thấy khổ, không, vô thường, vô ngã, cũng không phân biệt các hành ấm, nên bị đọa lạc. Tự quán sự nhơ bẩn bất tịnh trong thân, từ đầu cho đến chân, không có một thứ nào đáng ham mê. Ta có ngã về ta, sắc có ngã về sắc, cũng không phân biệt gốc ngọn của sắc, cho nên nói: Nếu như không quán khổ, thường phải tự quán sâu.

Giải thoát cội nguồn khổ, gọi là quán sáng mầu: Hiểu rõ nghĩa khổ, không, vô thường, vô ngã. Thân là tai họa, đầy dẫy nhiều thứ bệnh. Người tu hành suy nghĩ, ý không rối loạn, biết rõ nguồn gốc sinh bệnh. Thân sống tạm trên thế gian, họp thành bởi bốn đại, từ vô số kiếp đến nay không thấy được ánh sáng rực rỡ, đó là do ngu si lầm mê trói buộc. Ta nay đã thoát khỏi, không còn gây những nghiệp duyên nữa, cho nên nói: Giải thoát cội nguồn khổ, gọi là quán sáng mầu.

——————–

Ai khiến kẻ phàm phu

Không thấy gốc các hạnh

Do đó mà quán sát

Xua tối, thấy ánh sáng.

Ai khiến kẻ phàm phu, không thấy gốc các hạnh: Thế gian mờ mịt không thấy ánh sáng rực rỡ là do ai tạo ra. Chúng sinh cứ đi luẩn quẩn không biết được đường chánh. Hiện có khổ về ấm, giới, nhập của thân bốn đại nhưng kẻ ngu thì đắm nhiễm nó, không tin là tai họa. Họ sinh khởi tà kiến, càng tăng thêm trần lao. Công việc chính của người tu hành là tự quán sát, đêm ngày suy nghĩ dứt bỏ kết sử. Xua tan bóng tối để thấy ánh sáng rực rỡ. Gốc của ánh sang rực rỡ này, không hề có rễ của bóng tối. Đó là do không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tỳ-kheo Tăng, cũng không biết bốn đế chân như: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Không tu hạnh thanh tịnh của cảnh giới, cho nên nói: Ai khiến kẻ phàm phu không thấy gốc các hạnh.