KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 13: NHƯ LAI TÁNH

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai có cái ta, hai mươi lăm cõi là có hay là không có?

Phật bảo Ca-diếp:

–Cái ta chân thật chính là Như Lai tánh, nên biết tất cả chúng sinh đều có, nhưng chúng sinh kia bị vô lượng phiền não che lấp nên chẳng hiện ra. Ví như người nhà nghèo, bên trong căn nhà có kho tàng quý báu, song người ấy không thể biết. Khi ấy có một người khéo biết của báu, bèn nói với người nghèo: “Ông hãy làm việc cho ta, ta sẽ cho ông tiền của và vật báu”. Người nghèo trả lời: “Tôi không thể đi. Vì sao? Vì trước đây trong nhà có kho tàng quý báu nên tôi không thể bỏ đi”. Người kia lại nói: “Ông là người ngu si, chẳng biết chỗ cất vật báu, vả lại ông hãy làm việc với ta, ta cho ông của báu, sử dụng nó không bao giờ hết”. Người nhà nghèo bèn nghe theo lời của người ấy, sau đó người kia mới lấy của báu trong nhà người nghèo ra rồi cấp cho. Người nghèo mừng rỡ dấy lên ý nghĩ lạ kỳ, biết người sĩ phu kia thật sự là người đáng nương cậy. Hết thảy chúng sinh cũng như thế, ai nấy đều có bản tính của Như Lai, thế nhưng do vô lượng phiền não che lấp ẩn mất, nên không thể nào tự mình hay biết, Như Lai phương tiện khuyên dỗ họ tiến bước để dìu dắt hóa độ, khiến cho họ biết, chính bản thân mình có Như Lai tánh rồi vui mừng tin theo và thọ trì.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như người mẹ sinh ra đứa con, đang còn nhỏ mà bị mắc bệnh. Người thầy thuốc phương tiện hòa hợp vị thuốc hay với bơ sữa và thạch mật rồi khiến đứa con uống vị thuốc ấy. Thầy thuốc nói với người mẹ ấy: “Bà hãy thận trọng đừng cho nó bú, để cho thuốc của đứa con mới uống được tiêu hóa, rồi sau mới cho nó bú”. Bà mẹ lại hòa hợp vị thuốc đắng rồi xoa lên vú của mình. Đứa con muốn bú vú mẹ, thế nhưng nó ngửi mùi thuốc đắng nên liền bỏ đi. Người mẹ biết vị thuốc ấy tiêu hóa, sau đó mới rửa vú để cho đứa con bú.

Như thế, này thiện nam! Như Lai khuyên dỗ chúng sinh, hãy tiến bước và giáo hóa họ, thoạt đầu ta nói pháp tu hạnh vô ngã đối với hết thảy pháp cho chúng sinh. Lúc tu vô ngã thì chúng sinh diệt trừ cái ý kiến chấp trước có ta, diệt ngã kiến xong mới vào Nê-hoàn. Vì muốn trừ bỏ cái ngã của thế tục nên ta nói phương tiện giáo pháp bí mật vô ngã, rồi sau đó mới nói bản tính của Như Lai cho chúng sinh, đó gọi là cái ta chân thật lìa khỏi cõi đời.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Lúc người ta mới chào đời, trí tuệ hãy còn ít ỏi. Dần dần người ấy lớn khôn, trí tuệ cũng theo đó mà sáng suốt. Nếu có cái ngã ấy thì trước sau phải như một. Vì trí tuệ kia dần dần tăng thêm, cho nên biết không có cái ngã. Lại nữa, cái ngã ấy không có sự sống chết, thế nhưng có sự sống chết nên biết rằng không có cái ngã. Ví phỏng tất cả chúng sinh đều có Như Lai tánh thì phải không có sự khác nhau, thế nhưng hiện tại có những hạng người như Trưởng giả, Phạm chí, Sát-lợi, Cư sĩ, Chiên-đà-la v.v… mọi loài chúng sinh chịu đủ các thứ nghiệp khác nhau, việc thọ thân cũng chẳng giống nhau. Nếu như chúng sinh có Như Lai tánh thì cần phải ngang hàng với nhau, thế mà nay họ không giống nhau, do đó biết rằng chúng sinh không có bản tính của Như Lai. Hoặc giả lại có Như Lai tánh thật sự, thì họ không nên giết hại, trộm cắp, gây ra đủ mọi hành động tội ác và bất thiện. Nếu cho rằng chúng sinh có Như Lai tánh, thì người điếc lẽ ra phải nghe được, người mù mắt lẽ ra phải nhìn thấy, người câm lẽ ra phải nói năng. Ví phỏng mỗi người đều có Như Lai tánh, thì tính ấy được ở chỗ nào? Đối với đủ thứ màu sắc, xanh, vàng, đỏ, trắng trong thân thể hòa hợp kia, tính ấy được ở một chỗ hay là trong khắp cả thân thể?

Phật bảo Ca-diếp:

–Ví như vị quốc vương có châu báu ma-ni đại lực sĩ, có năng lực trừ khử độc hại đau đớn, vua buộc viên ngọc trên đầu rồi đánh nhau với nước đối địch. Vua bị người kia đánh, khiến cho viên ngọc báu ma-ni lọt vào trong thân thể, viên ngọc bị máu thịt và da che phủ, thế là vua bị mất ngọc báu, tìm hoài chẳng được, vua bèn khởi lên ý tưởng mình mất viên ngọc báu. Bấy giờ có người thầy thuốc giỏi đến chữa bệnh cho nhà vua, nhân đó nhà vua bèn nói với người thầy thuốc: “Ta có châu báu liền bị đánh mất, ta tìm kiếm khắp nơi mà chẳng biết ở đâu, nên biết của báu là vật phi thường giống như bong bóng trên mặt nước, sinh ra nhanh chóng, tiêu diệt nhanh chóng, giả dối như huyễn”. Như thế, nhà vua dấy lên sự suy nghĩ mình đã mất ngọc báu vĩnh viễn. Người thầy thuốc trả lời: “Viên ngọc báu không mất, xin đại vương đừng dấy lên tư tưởng mất ngọc. Nhân lúc đại vương đánh nhau, viên ngọc đã lọt vào trong thân mình, vì máu thịt và da che phủ cho nên nó không hiện ra”. Vị vua kia không tin mà nói với người thầy thuốc: “Bên trong máu thịt, chỗ nào có ngọc báu, đó là lời dối trá mà thôi”. Khi ấy, người thầy thuốc kia liền lấy viên châu ngọc ra cho nhà vua, vua kia được châu ngọc rồi mới tin điều hiểu biết lạ kỳ của người thầy thuốc. Tất cả chúng sinh cũng như vậy, mỗi người đều có bản tính của Như Lai, song họ quen theo tri thức ác mà khởi lên sự dâm dục, tức giận, ngu si rồi đọa vào ba đường ác, cho đến thọ lãnh đủ các thân khắp cả hai mươi lăm cõi, bản tính của Như Lai ví như viên ngọc báu ma-ni ẩn mất ở vết thương phiền não dâm dục, tức giận, ngu si, chẳng biết nó ở nơi nào. Đối với cái ngã của thế tục, họ tu quán tưởng vô ngã, chẳng hiểu giáo pháp bí mật phương tiện của vị thầy thuốc tài giỏi Như Lai, họ dấy lên quán tưởng vô ngã mà không thể biết cái ngã chân thật. Do vậy Như Lai lại làm phương tiện, khiến cho vô lượng phiền não đang rực cháy bị dập tắt, khai thị bản tính của Như Lai hiện ra rõ ràng.

Lại nữa, này thiện nam! Ví như ở ngọn núi Tuyết có phương thuốc ngọt ngào tên gọi là Thượng vị, khi vị Chuyển luân Thánh vương chưa xuất hiện ở đời thì nó ẩn mất mà chẳng hiện ra, các người bệnh ấy đều đến nơi có thuốc, họ đào đất chôn ống tre để tìm cầu nước thuốc, có người hứng được mùi vị ngọt, có người được mùi vị đắng, có người được mùi vị cay, có người được mùi vị chua, có người được mùi vị mặn, có người được mùi vị nhạt. Thế rồi những người bệnh ấy hứng được các mùi vị này, mà chẳng được phương thuốc Thượng vị chân thật. Họ đào đất không sâu vì phước đức mỏng manh. Nhờ sức mạnh phước đức nên khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, liền được phương thuốc Thượng vị chân thật.

Như thế, này thiện nam! Như Lai tánh là mùi vị đủ loại, vì vô

lượng phiền não ngu si che lấp, cho nên chúng sinh không được bản tính của Như Lai thượng vị, họ có đủ mọi thứ hành nghiệp, đâu đâu cũng thọ thân. Như Lai tánh kia không thể nào giết hại được, các người chết ấy gọi là tuổi thọ ngắn ngủi, bản tính của Như Lai gọi là tuổi thọ chân thật, không cắt đứt cũng chẳng hủy hoại, cho đến thành Phật. Bản tính của Như Lai không có hại không có giết, chỉ có thân nuôi lớn, bởi vì có làm hại có giết chóc giống như những người bệnh kia gây ra mọi nghiệp tà vạy, chịu đủ các thứ báo ứng. Dòng dõi Sát lị, Phạm chí, cho đến hai mươi lăm cõi sống chết, chẳng được Như Lai tánh chân thật.

Lại nữa, này thiện nam! Giống như người đào đất tìm vật báu kim cương, tay cầm cái đục bén đào khoét đất đá cứng đều có thể khiến cho đất đá vỡ vụn, chỉ có kim cương không ai có thể cắt đứt. Tính của Như Lai cũng như thế, gươm bén của thiên ma không thể nào làm thương tổn, chỉ có thân nuôi lớn chịu sự tổn thương hủy hoại ấy không phải là Như Lai tánh. Vì vậy, nên biết rằng bản tính của Như Lai không có sự tai hại, không có sự giết chóc, đó là lời dạy quyết định của Như Lai, khế kinh Phương đẳng vừa làm cam lộ, vừa là thuốc độc.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa cam lộ và thuốc độc của khế kinh Phương đẳng quy hướng nơi nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Nay ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho ông rõ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Có người ăn cam lộ
Được sống lâu như tiên
Có người uống cam lộ
Tổn thọ mà chết sớm
Hoặc chết do uống độc
Hoặc sống bởi uống độc

Cam lộ ấy là trí vô ngại của Ma-ha-diễn, thuốc độc ấy cũng là trí vô ngại của Ma-ha-diễn. Giống như đề hồ, dầu bơ, đường phèn, nếu ăn chúng không tiêu thì gọi là thuốc độc, nếu ăn chúng mà tiêu hóa thì gọi là cam lộ. Chúng sinh không có trí chẳng hiểu giáo pháp bí mật của Phương đẳng Đại thừa, thì đối với người ấy gọi là thuốc độc; hàng Thanh văn và Duyên giác trụ vào pháp Đại thừa, cho đến các Bồ-tát, bậc oai hùng ở trong loài người gọi là cam lộ. Ví như con bò sữa, mặc dù màu sắc của chúng không giống nhau, song sữa của nó chung một mùi vị. Như thế, này Ca-diếp! Nên biết đó là điều mà Bồ-tát thành tựu sự không sợ hãi, rồi quay trở về và nương dựa vào pháp tánh của Như Lai. Tính của người kia và tính của Ta đều cùng một vị như nhau. Do đó Bồ-tát Ca-diếp liền nói bài kệ:

Con quy y Tam bảo
Như Lai tánh sâu xa
Tự thân Như Lai tạng
Phật Pháp Tăng là ba
Người quy y như thế
Là nương dựa cao nhất.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại vì Ca-diếp mà nói bài kệ:

Người chẳng biết Tam bảo
Sao gọi biết quy y
Ý nghĩa còn không rõ
Làm sao biết Phật tánh.
Nếu nhờ quy y Phật
Đó là an lành nhất
Lại có nhân duyên gì
Mà lại quy y Pháp.
Người quy y với Pháp
Đó là tưởng tự tâm
Lại có nhân duyên gì
Mà quay về chúng Tăng.
Không tin quy y Phật
Bậc chân thật quyết định
Tam bảo Như Lai tánh
Làm sao có thể biết.
Chưa biết nghĩa thế nào
Mà sinh suy tính trước
Phật Pháp Tỳ-kheo Tăng
Ghế thang của Tam bảo.
Giống như không có thai
Mà mong muốn sinh con
Người suy nghĩ như thế
Chỉ thêm rối loạn mình.
Như người tìm tiếng vang
Lìa Ưu-bà-tắc thật
Nên chăm cầu phương tiện
Nghĩa quyết định Đại thừa.
Như Lai tùy thuận nói
Khiến ông trừ lưới nghi.

Bồ-tát Ca-diếp lại nói bài kệ:

Phép làm Ưu-bà-tắc
Quay về nương với Phật
Tất cả các thiên thần
Không sinh tưởng quy y.
Phép làm Ưu-bà-tắc
Quay về hướng với Pháp
Không theo pháp hại sinh
Mà cúng tế phi pháp.
Phép làm Ưu-bà-tắc
Quay về nương dựa Tăng
Chẳng theo chúng tà đạo
Cầu xin ruộng phước tốt.
Cho nên nương Tam bảo
Trừ ba phi pháp tục
Ba pháp quay về này
Cũng là Như Lai nói.
Xưa ta do pháp này
Nay được chỗ yên ổn
Các ông cũng nên làm
Rốt cuộc đến chỗ ta.
Đường phẳng phiu như thế
Theo đó các ông đi
Chóng tránh khỏi các khổ
Hoặc sống chết luân hồi.
Bản tính của Như Lai
Cũng từ Thế Tôn nói
Ta và các chúng sinh
Cùng Như Lai tánh này.
Đạo chư Phật thuận theo
Chúng con đều theo đó
Cho đến các ma trời
Cũng có cam lộ này.
Kết cục giống chư Phật
Đấng Mâu-ni lìa hữu

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói bài kệ một lần nữa cho Ca-diếp:

Ông đừng như Thanh văn
Trí tuệ của trẻ con
Chỉ quy y một ngôi
Nên biết không có ba.
Đạo bình đẳng như vậy
Một vị Phật Pháp Tăng
Vì diệt si tà kiến
Nên lập ba pháp này.
Nay ông muốn thị hiện
Kẻ tùy thuận thế gian
Phải theo chỉ dạy này
Quy y với Tam bảo.
Nếu người quy y Phật
Chính là quy y Ta
Quy y Đẳng Chánh Giác
Chánh giác Ta đã đắc.
Kẻ phân biệt quy y
Thì loạn Như Lai tánh
Nên ở chỗ Như Lai
Mà khởi tâm bình đẳng.
Chắp tay cung kính lễ
Là lễ tất cả Phật
Ta là chỗ dựa thật
Cho các loài chúng sinh.
Vì Ta đã đầy đủ
Thân thanh tịnh diệu pháp
Nếu lễ tháp xá-lợi
Hãy nên kính lễ Ta.
Ta là tháp chân thật
Cho mọi loài chúng sinh
Cũng là xá-lợi thật
Cho nên phải kính lễ.
Ví phỏng quy y Pháp
Hãy nên quy y Ta
Bởi Ta đã đầy đủ
Thân thanh tịnh diệu pháp.
Ta là pháp chân thật
Cho các loài chúng sinh
Nếu quy y chúng Tăng
Cũng nên quy y Ta.
Hết thảy chúng còn lại
Đều nhiếp bởi Phật Tăng
Ta là Tăng Chánh Giác
Cho các hàng chúng sinh.
Loài chúng sinh không mắt
Sinh đạo nhãn cho họ
Cho nên chúng Thanh văn
Và các Tăng Duyên giác.
Tăng Như Lai đều nhiếp
Quy y chân thật nhất.

Phật bảo Ca-diếp:

–Như thế, này thiện nam! Đại Bồ-tát nên suy nghĩ thế này, dù cho sự chẳng tốt lành và không biết gì cả gom góp lại, thế nhưng cần phải biết rằng, Ta có Phật tánh. Giống như người khỏe mạnh kia lúc đang chiến đấu, nên biết ta là vị tướng lĩnh trong quân, là chỗ nương cậy của tất cả mọi người. Ví như con vua lúc làm thái tử, cần phải biết ta là người ở trên tất cả vương tử, ta sẽ nối ngôi vua để làm chỗ nương dựa chân thật cho các vương tử, rốt cuộc không sinh tâm nghĩ rằng mình là kẻ thấp hèn.

Này thiện nam! Đại Bồ-tát cũng như thế, lập ý chí kim cương vượt lên hẳn ba pháp kia, giống như vị vương tử kia thành tựu sự không sợ hãi. Ở trong ba pháp, vị ấy lìa khỏi các thứ suy nghĩ, Như Lai là bậc cao nhất dường như tướng trên đỉnh đầu là bậc nhất; không phải Phật, không phải Pháp, không phải Tỳ-kheo Tăng, đủ mọi thứ khác nhau như bậc thang vậy. Như Lai làm chỗ nương dựa cho thế gian, vì việc độ thoát thế gian, nên đối với pháp chân thật, Như Lai thị hiện đủ mọi thứ, mà đặt ra ba pháp khuyên bảo giáo hóa chúng sinh thơ dại không biết gì, khiến cho họ đi vào trí tuệ sâu sắc của Đại thừa. Bồ-tát Ca-diếp lại nói bài kệ:

Biết nghĩa chân thật này
Mà hỏi đấng Như Lai
Muốn hiển phát Bồ-tát
Dũng mãnh lìa nhơ bẩn.
Hay thay Thế Tôn nói
Việc Bồ-tát tu hành
Trí sâu sắc Đại thừa
Như luyện tuệ kim cương.
Hay thay Thế Tôn nói
An lập các Bồ-tát
Như Lai khéo tỏ rõ
Nay con cũng đương nhiên.
Tất cả loài chúng sinh
Đều nên tự quán xét
Như Lai tạng tự thân
Đều là ba quy y.
Phàm hết thảy chúng sinh
Người tín thọ kinh này
Nếu đã lìa phiền não
Và các dục chưa lìa.
Đều nên về tự thân
Như Lai tạng vi diệu
Chỉ quy y chính đáng
Không hai cũng không ba.
Nguyên cớ vì sao vậy
Thế Tôn phân biệt rộng
Tự thân ai nấy có
Như Lai tạng vi diệu.
Do biết nghĩa lý này
Chẳng quay về ba nữa
Con đã vì tất cả
Thế gian dựa chân thật.
Pháp và Tỳ-kheo Tăng
Tất cả việc thâu giữ
Thanh văn Phật-bích-chi
Thảy đều nên kính lễ.
Vì thế các Bồ-tát
Hướng đúng đạo Đại thừa
Như Lai tánh như thế
Là không thể nghĩ bàn.
Vì đủ băm hai tướng
Và tám mươi vẻ đẹp

Phật bảo Ca-diếp:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Các Bồ-tát ấy cần phải học trí lanh lợi rất sâu sắc như thế. Lại nữa, này thiện nam! Ta sẽ giảng nói lại lần nữa về việc vào Như Lai tạng.

Phật liền nói bài kệ:

Có ngã tồn tại lâu
Trọn chẳng trải khổ hoạn
Nếu như không có ngã
Là tu phạm hạnh suông.
Tất cả pháp vô ngã
Gọi là đoạn diệt giáo
Người nói ngã trường tồn
Thì gọi thuyết chấp thường.
Tất cả pháp vô thường
Đó là thuyết đoạn diệt
Tất cả pháp là thường
Thì gọi là thuyết thường.
Tất cả pháp là khổ
Đó là thuyết đoạn diệt
Hết thảy pháp là vui
Đó là thuyết chấp thường.
Tất cả tu thường tưởng
Là chóng được đoạn diệt
Tất cả tu vô thường
Là mau được thường tưởng.
Ví như bóc côn trùng
Được một vội trông hai
Người tu thường như thế
Là chóng được đoạn diệt.
Nếu người tu đoạn diệt
Cũng chóng được thường tưởng
Nói thí dụ như thế
Được một lại cầu dư.
Pháp khác nếu tu khổ
Thì nói phần bất thiện
Pháp khác nếu tu lạc
Chính là nói phần thiện.
Pháp khác tu vô ngã
Vô lượng các phiền não
Pháp khác tu thường còn
Phật tánh và Niết-bàn.
Pháp khác tu vô thường
Thì thân không bền vững
Pháp khác nếu tu thường
Tam bảo bậc Như Lai.
Và bình đẳng giải thoát
Là các pháp chân thật
Điều mà Như Lai nói
Chẳng giống với dụ kia.
Nên biết trừ hai mé
Ở giữa mà nói pháp
Chấp thường và đoạn diệt
Lìa cả hai kiến ấy.
Hạng phàm ngu thế gian
Mê hoặc lời Phật dạy
Dụ như người bệnh gầy
Chợt uống bơ mê loạn.
Có người không thêm hoạn
Ví như người bệnh nặng
Bốn đại thêm bớt nhau
Mà không được hòa hợp.
Đàm ấm tăng không ngừng
Chủng gió nổi thiêu đốt
Phong ấm đã trái ngược
Nước bọt cũng thêm nữa.
Chẳng hòa hợp như thế
Toàn thân phát cuồng loạn
Lương y khéo điều trị
Thuận theo an bốn chủng.
Trừ diệt tất cả bệnh
Vui đẹp toàn thân khỏe
Như rắn độc bốn đại
Vô lượng hoạn phiền não.
Lương y khéo điều trị
Tính bình đẳng yên ổn
Tính bình đẳng ấy là
Tên gọi Như Lai tạng.
Được nghe Như Lai tánh
Lìa khỏi tất cả cõi
Thường trụ không biến đổi
Chẳng dính sự có không.
Phàm ngu mà nói bừa
Chẳng hiểu pháp sâu xa
Như Lai vì chúng sinh
Phương tiện nói thân khổ.
Phàm ngu không thể rõ
Nói thân ta đoạn diệt
Người tuệ hiểu chân đế
Không gộp tất cả thọ.
Biết được trong thân ta
Có hạt giống an vui
Nghe ta nói vô thường
Phương tiện cho chúng sinh.
Phàm ngu bảo thân ta
Như đồ hỏng thợ gốm
Người tuệ hiểu chắc rằng
Không gộp tất cả thọ.
Biết được thân ta có
Giống pháp thân vi diệu
Nghe ta nói vô ngã
Phương tiện cho chúng sinh.
Phàm ngu nói pháp Phật
Hết thảy không ngã sở
Người trí hiểu chắc rằng
Không nói giả danh hết.
Với thanh tịnh chẳng lầm
Chân pháp tánh Như Lai
Nghe Phật vì chúng sinh
Phương tiện nói pháp Kkhông.
Người ngu không thể biết
Bảo dứt ngôn ngữ thảy
Người tuệ hiểu chắc rằng
Không gộp tất cả thọ.
Biết pháp thân Như Lai
Trường tồn chẳng biến đổi
Nghe ta nói giải thoát
Phương tiện cho chúng sinh.
Người ngu nói thân Phật
Giải thoát đều hao mất
Người tuệ hiểu chắc rằng
Không đoạn hết qua lại.
Nhân Sư tử, Như Lai
Tự tại đi một mình
Ta nói cho chúng sinh
Vô minh duyên các hành.
Phàm ngu không thể biết
Nói đó là hai pháp
Người tuệ hiểu chắc rằng
Minh, phi minh tuy khác.
Pháp giải thoát chân thật
Thì không có hai tướng
Duyên các hành sinh thức
Phàm ngu nói là hai.
Người tuệ biết hành duyên
Tuy hai mà chẳng hai
Mười thiện và mười ác
Phàm ngu theo hai tướng.
Người tuệ có thể rõ
Tuy hai mà chẳng hai
Có tội và vô tội
Phàm ngu bảo là hai.
Người tuệ hiểu chắc rằng
Tự tính chẳng phải hai
Tướng thanh tịnh bất tịnh
Phàm ngu bảo là hai.
Người tuệ hiểu chắc rằng
Tự tính chẳng phải hai
Người làm và không làm
Nói tất cả các pháp.
Phàm ngu không thể biết
Cho đó là hai pháp
Người tuệ hiểu chắc rằng
Tự tính chẳng phải hai.
Nói tất cả các pháp
Là phần khổ và vui
Phàm ngu không thể biết
Cho đó là hai pháp.
Người tuệ hiểu kỹ rằng
Tự tính chẳng phải hai
Ta nói cho chúng sinh
Hết thảy hành vô thường.
Phàm ngu không thể biết
Tu chung Như Lai tánh
Người tuệ hiểu kỹ rằng
Tự tính chẳng phải hai.
Ta nói cho chúng sinh
Tất cả pháp vô ngã
Phàm phu không thể biết
Bảo Phật nói vô ngã.
Người tuệ hiểu tự tính
Ngã, vô ngã chỉ một
Vô lượng vô số Phật
Nói là Như Lai tạng.
Ta cũng nói khế kinh
Tích tụ mọi công đức
Ngã, vô ngã chẳng hai
Các ông khéo thọ trì.

Này thiện nam! Nên nghĩ nhớ lại, kinh tích tụ tất cả công đức, Ta nói kinh Bát Nhã Ba La Mật và kinh Đại Bát Niết Bàn là không phải hai kinh, kinh kia nói về cái ngã và không có cái ngã như thế là không phải hai. Ví như từ sữa tươi làm ra sữa cô đặc, từ sữa cô đặc chế làm ra kem, từ kem làm ra bơ, từ bơ chế ra đề hồ, gọi rằng trước sau là một, gọi là từ chỗ khác đến. Nếu tức là một tức làm ra sự kiện gốc, nếu sữa tươi tức là từ sữa cô đặc, thì khi hiện còn sữa tươi mà không có tướng sữa cô, nhân duyên phát sinh lẫn nhau từ vị sữa này sang vị sữa khác như thế, không phải đã có trước kia mà nói rằng chuyển đổi từ vị sữa này sang vị sữa khác.

Nếu sự việc từ chỗ khác đến, thì sự việc kia trụ tại chỗ nào, cho rằng vào lúc còn vị sữa tươi, không thấy các vị sữa như sữa cô từ chỗ khác đến. Hết thảy thành phần của các vị sữa kia đều có tự tính của vị đề hồ, nhưng vì các lỗi che lấp, nên thành phần khác hiện ra. Bò ăn quá mức nên sữa biến thành huyết khí, bò ăn cam thảo thì sữa có mùi thơm ngọt, bò ăn cỏ đắng thì sữa có vị đắng. Ở dưới núi Tuyết có thứ cỏ thấm ngọt, con bò ăn thứ cỏ ấy sản xuất thành đề hồ, không làm ra màu sắc khác. Coi như bò ăn cỏ đủ thứ mùi vị, thì có đủ các thứ màu sắc khác. Minh và vô minh không phải là hai pháp, cũng như thế, vì hành nghiệp lỗi lầm nên minh chuyển thành phi minh. Hết thảy pháp tốt lành và pháp chẳng tốt lành đều không có hai pháp, cho nên phải biết rằng, tính của Như Lai giống như vị đề hồ kia, tự tính vốn thanh tịnh, vì lỗi lầm phiền não nên có tướng khác hiện ra.

Ví như người ta nói nước trong biển cả mặn, không phải là tất cả nước ấy đều mặn, trong ấy cũng có nước tám mùi vị. Ví như núi Tuyết có nhiều thứ cỏ độc, thế nhưng trước đây núi Tuyết kia có cỏ thuốc hay. Thân thể của tất cả chúng sinh cũng như thế, bốn đại hòa hợp ví như rắn độc, nhưng lại ở trong thân này trước đây có Phật tánh, giống như vị thuốc hay kia, Như Lai tánh ấy trước sau luôn luôn có, không phải tạo tác và đối tượng tạo tác, chỉ vì vô lượng phiền não cạnh tranh khởi lên ở khoảng giữa. Phàm các chúng sinh muốn cầu quả Phật, nên trừ bỏ vô lượng phiền não tai họa trói buộc. Ví như tháng mùa xuân, bầu trời nổi lên đám mây lớn, sấm sét vang rền, nhưng chưa đổ mưa xuống, cỏ cây hoa quả đều chưa đâm chồi nẩy mầm; mùa hạ đổ mưa lớn, tất cả sum sê tươi tốt. Tánh của Như Lai cũng như vậy, vì bị che lấp bởi vô lượng phiền não tai họa trói buộc, tuy nghe khế kinh và các Tam-muội, cho nên chẳng biết tánh của Như Lai, vì không biết mà khởi lên tưởng ngã và vô ngã. Khế kinh Phương Đẳng Đại Bát Nê Hoàn, pháp tạng mật giáo nghe ở thế gian, chúng sinh nghe xong thì tánh của Như Lai thảy đều nảy mầm, có thể nuôi lớn nghĩa lớn, cho nên gọi là Đại Bát-nê-hoàn.

Như thế, này thiện nam! Nếu có chúng sinh học Phương đẳng Bát-nê-hoàn này, gọi là người ấy đã đền trả ân đức của Như Lai xong xuôi.

Ca-diếp bạch Phật:

–Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Đối với các hàng Thanh văn và Phật-bích-chi, tánh của Như Lai rất là quý báu khó thấy và khó được.

Phật bảo Ca-diếp:

–Đúng thế, đúng thế! Này thiện nam! Ta cũng thường nói tánh ấy rất là khó thấy. Ví như có người không thấy được năm màu vì bị màn da che mắt, người ấy đến vị thầy thuốc tài giỏi kia để chữa mắt của mình. Người thầy thuốc bèn trừ bỏ ít phần da thịt làm che mắt cho người đó, rồi lấy một vật biểu hiện khiến cho người đó nhìn. Người kia do lầm lẫn lộn xộn cho rằng có hai, có ba vật, nhìn kỹ hồi lâu thì trông thấy lờ mờ. Như thế, này thiện nam! Đại Bồ-tát tu sửa thanh tịnh đạo đức, thành tựu mười trụ, ở trong tự thân quán xét tánh chân thật của Như Lai, vẫn còn bị bánh xe vô ngã làm mê hoặc, huống chi lại là hàng Thanh văn và Phật-bích-chi mà có thể biết điều đó chăng? Thiện nam! Nên biết tánh của Như Lai khó thấy như thế.

Lại nữa, giống như có người ngước lên xem chim bay, trông xa thì không biết có phải hay là không phải, nhìn rõ hết tầm mắt của mình thì chỉ nhận biết phảng phất. Bồ-tát Thập trụ cũng như vậy, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân vẫn còn sinh ra ý tưởng lầm lẫn, quán lâu ngày mới biết phảng phất, huống gì lại là Thanh văn và Phật-bíchchi.

Lại nữa, giống như người mắc bệnh đàm ấm tăng thêm, nên mê muội đối với các phương hướng, người ấy muốn có chỗ đi đến, từng tâm tư nối tiếp nhau chuyên lòng nhớ nghĩ cố nhận ra nhưng vẫn lạc đường đi. Bồ-tát Thập trụ cũng như thế, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân, chuyên tâm phương tiện song vẫn còn có sự tán loạn mê hoặc, huống gì lại là hàng Thanh văn và Phật-bích-chi.

Lại nữa, giống như kẻ đi xa giữa chốn đồng không mông quạnh, bị sự nóng bức và khát nước làm rối loạn, xa xa nhìn thấy ánh nắng bụi bặm tựa hồ sóng nắng, hoặc cho là nước, hoặc nói là cây rừng, hoặc nói rằng thôn xóm. Bồ-tát Thập trụ cũng như thế, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Lại nữa, ví như có người bước lên trên cao nhìn xuống, xa xa thấy tháp Phật, hoặc cho là nước, hoặc nói là hư không, hoặc nói rằng nhà cửa, hoặc cho là sóng nắng, núi, đá, cỏ, cây; phương tiện quan sát kỹ mới biết đó là ngôi tháp. Bồ-tát Thập trụ cũng như thế, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân vẫn còn sinh ra tưởng sai lầm, phương tiện nhìn hết mức mới biết chân thật.

Lại nữa, giống như người đi thuyền trên biển cả, xa xa thấy thành quách rồi sinh ra tưởng sai lầm, hoặc cho là hư không, hoặc nói là hình dáng sự vật. Bồ-tát Thập trụ cũng như thế, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Lại nữa, ví như vị vương tử xem đào hát suốt đêm, đến khi ánh nắng mặt trời hiện ra, vị ấy nhìn thấy mọi người rồi sinh ra mê hoặc, thấy người thân mà tưởng lầm kẻ khác. Bồ-tát Thập trụ cũng như thế, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Lại nữa, ví như vị quan lớn đi đến chỗ vua để tư vấn tường tận mọi chuyện với nhà vua, đêm tối ông trở về nhà, ở trong ánh điện chớp, dường như ông thấy con trâu trắng mà sinh ra tưởng sai lầm, hoặc cho là nhà cửa, hoặc bảo là gò đống. Bồ-tát Thập trụ cũng như vậy, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Lại nữa, ví như vị Tỳ-kheo giữ giới tự lọc nước sạch, nhìn kỹ lại một lần nữa dường như vị ấy trông thấy sợi lông nhỏ, hoặc cho là vi trùng, hoặc cho là mảy bụi. Bồ-tát Thập trụ cũng như thế, vị ấy quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Lại nữa, giống như người trông lên đỉnh núi cao, nếu có người đi bộ, lầm cho là cầm thú. Cũng như thế, Bồ-tát Thập trụ quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Như người đau mắt xem tranh vẽ vào đêm tối trời, hoặc cho là tranh vẽ người ta, hoặc cho là tranh vẽ vị thần, hoặc cho là tượng Phật, hoặc cho là tranh vẽ Phạm vương, Đế thích và các vị Bồ-tát. Cũng như thế, Bồ-tát Thập trụ quán xét Như Lai tánh ở trong tự thân cũng sinh ra tưởng sai lầm.

Như thế, này thiện nam! Tánh của Như Lai rất sâu xa khó thấy, chỉ có cảnh giới của Phật, không phải là điều mà các hàng Thanh văn và Phật-bích-chi có thể thấy biết. Như thế, này thiện nam! Giáo pháp của Như Lai mà người trí tuệ biết, phải nên có lòng tin và thọ trì.

Ca-diếp bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói, tánh của Như Lai rất sâu xa vi diệu, những người phàm mắt thịt làm sao thấy được?

Phật bảo Ca-diếp:

–Ví như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, chỉ có cảnh giới của Phật mới có thể thấy, còn tất cả hàng Thanh văn và Phật-bích-chi làm sao có thể thấy được. Chỉ cần những vị kia thuận theo khế kinh của Như Lai, có lòng tin và phương tiện, rồi sau mới quán xét một cách bình đẳng. Như thế, này thiện nam! Hết thảy hàng Thanh văn và Phậtbích-chi nên đối với kinh Phương Đẳng Bát Nê Hoàn mà phát sinh lòng tin, biết tự thân của mình có Như Lai tánh. Cho nên, phải biết rằng, tánh của Như Lai chỉ có cảnh giới của Phật, không phải cảnh giới của các hàng Thanh văn và Phật-bích-chi.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh trong thế gian đều nói có cái ta, so sánh ý nghĩa thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Ví như vào một thuở nọ, hai người làm bạn với nhau, một người là con vua, một người là kẻ nghèo túng, họ qua lại thắt chặt tình bạn tốt đẹp. Vị vương tử ấy có con tê giác cái đã được điều phục, người nghèo trông thấy nó. Vào thời gian sau này, người kia cùng đi chung với vị vương tử đến đất nước khác, trời tối hai người cùng dừng chân ngủ lại ở một nhà khách. Thế rồi ở trong giấc mơ, người nghèo kia nói: “Con tê giác đến, con tê giác đến”, tiếng nói vang thấu ra ở bên ngoài. Khi ấy có người nghe, bèn đi đến chỗ nhà vua rồi đem những điều mình nghe được tâu đầy đủ rõ ràng cho vị quốc vương. Nhà vua liền hỏi: “Nơi nào có con tê giác cái?”. Bấy giờ, người nghèo kia bèn tâu với nhà vua: “Tôi không có con tê giác cái, người bạn tri thức tốt lành của tôi có, đã có lần tôi thấy nó”. Tức thời nhà vua lại hỏi hình dạng của nó thế nào, người kia lại tâu với vua: “Sừng của nó tương tự con dê”. Người nghèo nói lời như thế xong, vua bèn nói với người nghèo: “Ông tự trở lại nơi nào có con tê giác”. Người kia không nói dối, thế mà chuyện con tê giác tựa hồ con dê truyền khắp thiên hạ. Như thế chẳng bao lâu vị vua ấy qua đời, thái tử lên ngôi cũng hỏi thăm tìm con tê giác song không thể nào được; sau này, người con của thái tử nối ngôi làm vua cũng như thế, mong cầu con tê giác chẳng được; đời vua này đến đời vua khác thường xuyên tương truyền về chuyện con tê giác mà dấy lên tư tưởng con dê. Như thế, khi Đại Bồ-tát xuất hiện ở đời, vị ấy nói về cái ngã chân thật cho chúng sinh. Trong số đó, kẻ không biết gì nghe tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, họ chẳng biết tính chân thật ấy bèn vọng tưởng nói rằng, cái ngã giống như cây đèn nhỏ xíu nằm ở trong tâm, đủ các thứ ngã, nhân và thọ mạng của chúng sinh. Giống như người kia nằm mơ nói, rồi người này nối tiếp người kia đều khởi lên tà kiến, so đo suy tính có cái ta và tính của cái ta, không được ngã chân thật rồi nói rằng không có cái ngã. Thế nhưng hết thảy chúng sinh trong thế gian thường dấy lên ý tưởng xằng bậy, so đo suy tính có cái ngã và tưởng không có ngã.

Như thế, này thiện nam! Ta nói tánh của Như Lai là chân thật nhất. Nếu thế gian nói ngã thuận theo pháp, nên biết đó gọi là lìa khỏi thế tục, nên biết đều là Bồ-tát biến hóa, thị hiện nói giống như thế tục.