KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN V

Phẩm 11: BỐN ĐẾ

Bấy giờ, Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Nếu như cái khổ đó gọi là khổ đế, thì địa ngục và súc sinh đều có khổ đế. Gọi khổ đế nghĩa là biết pháp thân của Như Lai thường trụ không phải là thân uế thực. Chúng sinh không đạt được trí tuệ cao quý của Như Lai. Biết sự khổ, cho nên lấy phi pháp làm pháp. Phiền não ngu si và tham ái từ thuở lâu xa trói buộc, bánh xe khổ não xoay chuyển không ngừng nghỉ qua bao đời kiếp sống chết. Giả sử tạm thời được nghe qua tai hai chữ thường trụ của Như Lai, họ muốn sinh lên cõi trời và mong cầu sự giải thoát, tất nhiên sẽ đạt được Thánh quả, tự nhiên khoái lạc. Người trí tự biết đều là do âm thanh của Như Lai thường trụ tạm thời nghe qua tai, cho nên được kết quả kỳ diệu này. Từ thuở lâu xa đến nay, vì không biết pháp Như Lai thường trụ, cho nên đi đi lại lại trong vô lượng sự sống chết và khổ đau phiền não, người biết khổ như thế gọi là biết khổ đế, nếu khác với sự hiểu biết này thì không phải là người biết khổ đế.

Chân lý cắt nghĩa việc sinh khởi và căn nguyên của mọi nỗi khổ là sự chân thật của các pháp, vì không biết chân thật cho nên tăng thêm sự tụ tập tham ái của mình, nuôi nô tỳ và cất giữ các của cải phi pháp. Phi pháp cho là pháp, rồi sinh ra sự chấp giữ xằng bậy, không biết chánh pháp khởi lên và chẳng biết chánh pháp tiêu diệt. Vì không có trí nên ở mãi trong vòng sống chết, khổ đau phiền não xoay chuyển như bánh xe. Nên biết hạng người này làm hủy hoại chánh pháp, rốt cuộc chẳng được kết quả sinh lên cõi trời và giải thoát. Vì không biết tướng chân thật của nguyên nhân đưa đến khổ đau, cho nên làm hủy hoại chánh pháp. Tội báo của việc nói dối cũng lại chịu khổ não sống chết lâu dài, người biết như thế là biết chân lý nguyên nhân của mọi nỗi khổ, nếu khác với sự hiểu biết này thì không gọi là người biết nguyên nhân của sự khổ.

Chân lý đề cập tới việc diệt khổ và nguyên nhân của khổ, nghĩa là nếu tu hành pháp không, tất cả diệt hết thì hoại Như Lai tánh. Nếu tu hành pháp không, gọi là chân lý diệt khổ, thì nghĩa trái ngược nhau với các người ngoại đạo kia, họ cũng tu hành pháp không mà đạt được chân lý diệt khổ chăng? Nên biết hết thảy đều có tính của Như Lai thường trụ, diệt các sự trói buộc và phiền não mãi mãi hết sạch, tính của Như Lai thường trụ hiện ra rõ ràng, khởi lên sự nhất tâm, liền được kết quả vi diệu, thường ưa thích tự tại nên gọi là pháp tự tại vương, đó là sự tu hành Thánh đế diệt khổ. Nếu họ lại tu hành mà dấy lên tướng không và vô ngã đối với Như Lai, nên biết hạng người đó giống như con thiêu thân lao vào lửa. Gọi chân lý diệt khổ chính là Như Lai tánh, ấy là Như Lai chân thực diệt trừ hết thảy vô lượng phiền não. Vì sao? Vì Như Lai tánh ấy là nguyên nhân. Người biết như thế gọi là biết chân lý diệt khổ của Như Lai là bình đẳng, nếu khác với điều này thì không gọi là người biết diệt khổ.

Con đường để diệt khổ là tính giải thoát của Như Lai, Pháp và Tăng, bốn pháp này gọi là chân lý đề cập đến con đường để diệt khổ. Bởi vì không biết thật sự đối với bốn pháp, cho nên ở mãi trong vòng sống chết, chịu vô lượng khổ đau phiền não. Ở trong sinh tử có thể siêng năng tu hành, biết rõ sự giải thoát của Như Lai, Pháp và Tăng, đó là pháp thường trụ, không phải pháp biến đổi, không phải pháp phai diệt, không cùng tận cũng chẳng hủy hoại, khởi lên ở sự nhất tâm, được quả vi diệu, tự tại vui thích. Nếu người nào dấy lên tư tưởng phi pháp đối với bốn pháp bất không thường trụ này, thì nên biết hạng người ấy mắc phải quả báo tà kiến. Con đường để diệt hết khổ đau là tu tập thường trụ ở trong ba pháp này, như thế là người biết chân lý diệt khổ và con đường để diệt khổ. Việc tu hành và khởi lên tư tưởng thường trụ như thế, nên biết hạng người ấy là đệ tử của Ta, biết bốn chân lý mà các bậc Thánh nhân thấy được, đó là hạng Bồ-tát biết bốn chân đế.

Ca-diếp bạch Phật:

–Nay con bắt đầu biết tu tập bốn chân lý mà các bậc Thánh nhân thấy được.