SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 2

Phẩm 9: TÌM KIẾM THÁI TỬ

Vua vì nỗi đau buồn
Cấp sai hai vị quan
Ra roi đánh ngựa giỏi
Phi nhanh như nước cuộn
Thân nhọc không từ nan
Thẳng đến rừng khổ hạnh
Bỏ năm dục thế tục
Khéo nhiếp giữ các căn
Vào am thanh Phạm chí
Kính lễ các tiên kia.
Các tiên mời an tọa
Nói pháp an ủi họ.
Liền thưa vị tiên rằng:
“Tôi có việc muốn hỏi
Vua Tịnh Phạn tiếng tăm
Dòng Cam Giá rạng danh
Chúng tôi là bề tôi
Trong giáo điển các vị
Vua như trời Đế Thích
Con như Xà-diên-đa
Vì thoát già, bệnh, chết
Xuất gia ở đây chăng?
Chúng tôi đến vì Ngài
Chỉ các vị mới biết”
Đáp rằng: “Có người này
Tướng đại nhân, tay dài
Cho rằng pháp tôi tu
Còn thuận theo sinh tử
Đến chỗ A-la-lam
Để tìm giải thoát hơn.”
Đã được định thật rồi
Tuân lệnh vua mau đến
Chẳng quản nỗi nhọc nhằn
Tìm đường mà thẳng tiến
Thấy Thái tử trong rừng
Bỏ phục sức thế gian
Hình dung vẫn sáng ngời
Mặt trời giữa mây đen
Nước tôn thầy Thiên thần.
Đại thần giữ chánh pháp
Bỏ lễ nghi thế tục
Xuống xe đi bộ đến
Như vua Bà-ma-điệp
Vị tiên Bà tư-tra
Cùng nhau vào rừng núi
Thấy Thái tử La-ma
Theo lễ nghi của đạo
Cung kính lễ, thăm hỏi
Giống như Tu-ca-la
Cùng với Ương-kỳ-la
Đem hết lòng cung kính
Thờ phụng trời Đế Thích.
Thái tử cũng kính theo
Quốc sư và đại thần
Như Đế Thích an ủi
Tu-ca, Ương-kỳ-la,
Liền mời hai vị ấy
Ngồi trước mặt Thái tử
Như Phú-na-bà-tẩu
Hai sao hầu bên trăng.
Quốc sư và đại thần
Khải tâu lên Thái tử
Như Tỳ-lợi-bà-đê
Nói với Xà-diên-đa:
“Vua cha nhớ Thái tử
Như gai nhọn đâm tim
Hôn mê phát cuồng loạn
Ngất xỉu, mình lấm bụi
Ngày đêm thêm buồn nhớ
Lệ rơi thường như mưa.
Ban sắc cho chúng tôi
Cúi xin lắng nghe cho
Rằng biết Ngài ưa pháp
Quyết định không nghi ngờ
Chưa phải lúc vào rừng
Lửa nhớ đốt tâm vua
Nếu Ngài nghĩ đến pháp
Thì nên thương xót vua.
Mong Ngài đừng đi xa
Để an ủi lòng vua
Đừng để nước buồn thương
Xói mòn bờ tâm vua.
Như mây, nước, cỏ, núi
Gió nắng và lửa mưa
Lo buồn bị bốn họa
Thổi làm khô cháy tâm
Hãy về hưởng bổng lộc
Thời đến sẽ tu Tiên
Không đoái hoài bà con
Cha mẹ cũng lìa bỏ
Đó gọi từ bi sao?
Cứu giúp tất cả sao?
Pháp không cần rừng núi
Tại gia cũng tu nhàn
Giác ngộ cần phương tiện
Cho nên gọi xuất gia
Cạo tóc mặc y nhuộm
Tự vào trong rừng núi
Đó chính là sợ hãi
Đâu đáng gọi tu Tiên.
Mong ôm Ngài một lần
Dùng nước rưới lên đầu
Đội mũ trời cho Ngài
Đặt Ngài dưới lọng báu
Được một lần nhìn Ngài
Sau đó vua xuất gia.
Tiên vương Đầu-lưu-ma
A-nâu-xà-a-sa
Bạt-xà-la-bà-hưu
Tỳ-bạt-la-an-đề
Tỳ-đề-ha-xà-na
Na-la-thấp-ba-la
Các vị vua như thế
Thảy đều đội mũ trời
Trang sức bằng anh lạc
Tay chân đeo châu báu
Chúng thể nữ vui chơi
Không trái nhân giải thoát.
Giờ Ngài hãy về nhà
Tu tập hai việc này
Tâm tu pháp tăng thượng
Trở thành đấng Tăng thượng
Rơi lệ khuyên bảo Ngài
Lệnh tuyên lời như thế.
Đã có sắc chỉ này
Ngài nên tuân lệnh về
Vua cha chỉ vì Ngài
Chìm trong biển buồn khổ
Không ai cứu, nương ai
Không nhờ đâu khai mở
Ngài chính là thuyền trưởng
Đưa vua đến chỗ an.
Thái tử Tỳ-sum-ma
Nhị-la-di-bạt-đề
Nghe cha dạy kính vâng
Nay Ngài cũng nên biết
Ân mẹ hiền nuôi nấng
Suốt đời báo không cùng
Như bò mẹ mất con
Vì buồn quên ăn ngủ
Giờ Ngài nên mau về
Để cứu sống mạng vua.
Chim xa đàn buồn nhớ
Voi mạnh một mình khổ
Người nương tựa mất bóng
Thường mong được cứu giúp.
Một đứa con cô độc
Gặp khổ biết nhờ ai
Khỏi khổ đơn độc kia
Như người cứu nguyệt thực.
Trai gái trong cả nước
Chia ly khổ vô cùng
Khói thở than xông trời
Xông làm mờ mắt tuệ
Chỉ cầu thấy nước Ngài
Tắt lửa mắt mờ sáng.”
Bồ-tát nghe vua cha
Thiết tha dạy bảo vậy
Liền ngồi thẳng suy nghĩ
Mà đáp thuận theo rằng:
“Ta cũng biết vua cha
Tâm từ niệm quá dày.
Sợ sinh, già, bệnh, chết
Nên trái ân khó với
Ai không trọng mẹ cha
Nhưng rồi cũng chia ly
Dù cho giữ tướng sinh
Nhưng chết đến khó giữ.
Cho nên biết rằng trọng
Cũng từ biệt xuất gia
Nghe vua cha lo buồn
Thêm luyến tiếc tâm Ta
Chỉ như mộng tạm hội
Thoắt cái, đã vô thường.
Vua cha nên biết rõ
Tánh chúng sinh bất đồng
Điều sinh ra buồn khổ
Chẳng phải chỉ cha con
Cho nên khổ sinh ly
Đều từ nghi hoặc sinh.
Như người đi trên đường
Giữa đường tạm gặp nhau
Giây lát đã chia tay
Trái lý vốn tự nhiên
Hội họp tạm thành thân
Tùy duyên lý tự phân
Hiểu rõ thân giả hợp
Không nên sinh đau buồn.
Đời này trái tình thân
Đời khác là thân tình.
Tạm thân lại chia lìa
Nơi nơi đều là thân
Thường hợp lại thường tan
Tan tan đâu đáng buồn
Trong thai dần biến đổi
Lăng xăng tử lại sinh
Lúc nào cũng có tử
Núi rừng đâu không có
Thường luôn huởng năm dục
Cầu tài thì cũng thế.
Tất cả thời có tử
Ngoài pháp tử không thời
Muốn cho ta làm vua
Pháp từ ái khó trói
Như bệnh uống chẳng thuốc
Cho nên ta không kham.
Chỗ vị cao ngu si
Mặc tình theo thương ghét
Suốt đời thường sợ hãi
Suy nghĩ thân tâm mệt
Theo tâm chúng trái pháp
Việc người trí không làm.
Cung điện bằng bảy báu
Trong đó lửa cháy hừng
Bếp trời, cơm trăm vị
Trong đó có chất độc
Ao sen nước trong mát
Trong đó nhiều rắn độc
Ngôi cao: Nhà tai họa
Nơi người trí không ở.
Xưa các vua cao quý
Thấy làm vua nhiều họa
Chúng sinh thêm khổ sở
Chán ngán nên xuất gia
Nên biết vua còn khổ
Chẳng bằng hành pháp an
Thà ở trong rừng núi
Ăn cỏ như cầm thú
Không kham ở trong cung
Sống chung hang rắn đen
Bỏ ngôi vị năm dục
Chịu khổ sống núi rừng
Đó chính là thuận theo
Ưa pháp, dần thêm sáng.
Giờ bỏ rừng thanh vắng
Về nhà hưởng năm dục
Ngày đêm pháp khổ tăng
Đó là việc không nên.
Bậc trượng phu vọng tộc
Vì ưa pháp xuất gia
Bỏ hẳn dù vọng tộc
Lập chí Đại trượng phu
Cắt tóc, mặt pháp phục
Ưa pháp, sống núi rừng
Giờ lại bỏ pháp phục
Trong tâm rất hổ thẹn
Vua trời còn không đoái
Huống nhà đẹp thế gian
Đã nhổ tham, sân, si
Mà ăn trở lại sao?
Nếu người ăn trở lại
Khổ ấy đâu thể kham
Như nhà người bị cháy
Phải tìm cách chạy ra
Khoảnh khắc lại trở vào
Người ấy thông minh sao?
Thấy khổ sinh, già, chết
Chán khổ mà xuất gia
Bây giờ trở lại tục
Người ấy thật ngu si.
Trong cung tu giải thoát.
Thì không có việc ấy
Vắng lặng sinh giải thoát
Làm vua như bị phạt
Vắng lặng bỏ uy vua
Làm vua trái giải thoát
Động, tĩnh như nước, lửa
Hai thứ đâu ở chung
Quyết định tu giải thoát
Cũng không ngồi ngôi vua.
Nếu nói ngồi ngôi vua
Mà tu giải thoát được
Việc ấy quyết không thể
Quyết giải thoát cũng thế
Đã không tâm quyết định
Hoặc ra lại trở vào
Giờ ta đã quyết định
Cắt mồi câu thân thuộc
Theo đường chính xuất gia
Vì sao lại quay về?”
Tâm đại thần tự nghĩ
Thái tử chí trượng phu
Biết sâu nên thuận theo
Lời nói có nhân duyên
Bèn tâu Thái tử rằng:
“Như lời Thái tử dạy
Cách cầu pháp nên thế
Nhưng giờ chưa phải lúc
Vua cha tuổi đã cao
Nhớ con thêm buồn khổ
Tuy nói ưa giải thoát
Nhưng lại không đúng pháp
Tuy xuất nhưng không tuệ
Không nghĩ lý sâu xa
Không thấy nhân cầu quả
Luống bỏ hiện pháp vui.
Người nói có đời sau
Người thì nói không có
Có, không chưa quyết định
Sao bỏ vui hiện đời?
Nếu nói có đời sau
Thì nên cần chứng đắc
Nếu nói không đời sau
Thì không là giải thoát
Nếu nói có đời sau
Không nói nhân giải thoát
Như đất chắc, lửa ấm
Nước ẩm, gió xao động
Đời sau cũng như thế
Đó là tánh tự nhiên.
Người nói tịnh, bất tịnh
Đều từ tự tánh khởi
Nói hãy tìm cách đổi
Đó là lời ngu si.
Cảnh giới các căn hành
Tự tánh đều quyết định
Nhớ thương và không nhớ
Tự tánh định cũng vậy.
Khổ già, bệnh, chết thảy
Ai mà sai khiến được
Cho nước dặp tắt lửa
Lửa làm nước sôi trào
Tự tánh căn, tướng hoại
Tánh hòa thành chúng sinh.
Như người ở trong thai
Có các phần chân tay
Thần thức tự nhiên thành
Ai có khả năng làm?
Gai góc ai làm nhọn
Đó là tánh tự nhiên
Và các loại cầm thú
Không ai muốn như thế.
Có những người sinh Thiên
Do trời Tự tại làm
Và đấng tạo hóa khác
Không hề có tự lực.
Nếu có chỗ sinh ra
Chỗ này cũng phải diệt
Cần gì tự tìm cách
Mong cầu sự giải thoát.
Người nói do ngã sinh
Rồi cũng do ngã diệt
Người nói không ai sinh
Rồi do phương tiện diệt
Như người sinh nuôi con
Không phụ ân tổ tông
Học sách của vị Tiên
Cúng tế miếu thờ trời
Ba điều này không phụ
Thì gọi là giải thoát.
Từ xưa nay truyền lại
Ba câu giải thoát này
Nếu dùng phương tiện khác
Luống nhọc mà không thật.
Ngài muốn cầu giải thoát
Chỉ tu phương tiện trên
Vua cha hết đau buồn
Đạo giải thoát mau được.
Bỏ nhà vào núi rừng
Trở về cũng không lỗi
Xưa vua Am-bà-lê
Ở lâu rừng khổ hạnh
Bỏ đồ chúng quyến thuộc
Về nhà lên ngôi vua.
Có Thái tử La-ma
Bỏ nước vào núi rừng
Nghe phong tục nước thiếu
Bèn trở về giáo hóa.
Vua nước Sa-lâu-bà
Tên là Đầu-lâu-ma
Cha con vào núi rừng
Rốt cuộc đều trở về.
Bà-tư-trú-mâu-ni
Và vua An-đê-điệp
Tu phạm hạnh núi rừng
Ít lâu cũng trở về.
Những bậc tài giỏi ấy
Được vang danh chánh pháp
Về lên ngôi trị nước
Như đèn soi thế gian
Cho nên bỏ núi rừng
Pháp trị dân, không lỗi.”
Thái tử nghe đại thần
Lời dịu, nói việc lợi
Bèn dùng lý không loạn
Vô ngại và thứ lớp
Vững chí, nói an ổn
Mà đáp lời đại thần:
“Do dự có, không thảy
Hai tâm nghi hoặc tăng
Mà nói lời có, không
Ta không quyết định lấy.
Tịnh trí, tu khổ hạnh
Quyết định ta tự biết
Luận do dự thế gian
Xoay vần truyền nhau tu
Nghĩa chân thật có, không
Điều này ta chẳng an.
Người sáng phân chân ngụy
Tín không do người sinh
Như người mù bẩm sinh
Được người mù dẫn đường
Ở trong đêm trời tối
Thì biết đi đường nào!
Đối pháp tịnh, bất tịnh
Người đời sinh thắc mắc
Nếu không thấy chân thật
Nên hành đạo chân thật
Thà thực hành pháp tịnh
Không thích hành bất tịnh.
Xét thuyết tương thừa kia
Không một tướng quyết định
Lời thật tâm lắng thọ
Lìa hẳn các lỗi lầm
Nói quá thành hư ngụy
Lời người trí không nói.
Như nói chuyện La-ma
Bỏ nhà tu phạm hạnh
Cuối cùng cũng trở về
Thọ hưởng năm thứ dục
Đó là hành vi xấu
Việc người trí không theo.
Nay ta sẽ vì ông
Nói lược yếu nghĩa ấy
Trời, trăng rơi xuống đất
Tu-di, núi Tuyết chuyển
Thân ta không hề đổi
Rơi vào chỗ không đúng.
Thà nhảy vào lửa hừng
Không theo nghĩa không trọn
Trở về nhà của mình
Lao vào lửa năm dục.”
Bày tỏ yếu thệ xong
Ngài đứng dậy, giã từ.
Lời Thái tử sáng sủa
Như ánh sáng mặt trời
Quốc sư và đại thần
Luận bàn không hơn được
Bảo nhau: đã hết cách
Chỉ còn từ giã về
Rất kính khen Thái tử
Không dám bắt Ngài về
Vì kính vâng lệnh vua
Nên không dám về vội,
Giữa đường chợt bồi hồi
Đi xa, ngoái đầu lại
Lựa chọn người thông minh
Xét kỹ người cơ ngộ
Âm thầm hầu Thái tử
Rồi sau mới ra về.