SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 8-9

Phẩm 8: THANH TỊNH

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người tin theo bạn ác, xa lìa căn lành và không có tinh tấn, thì đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa thâm sâu này khó tin hiểu lắm phải không?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng như vậy, đúng như vậy, đúng như lời ông nói! Những người như vậy rất ít thấy, ít nghe pháp này và xa lìa các căn lành, tu với trí tuệ kém cỏi không thể tinh tấn.

Lại nữa, do tin theo các bạn ác nên đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu rất khó tin hiểu.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Do ý nghĩa nào mà pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này khó tin, khó hiểu?

Phật đáp:

–Này Tu-bồ-đề! Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không buộc, không mở. Vì sao? Vì tự tánh của sắc là sắc nên không buộc, không mở. Tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức là thọ, tưởng, hành, thức cho nên không buộc, không mở. Sắc quá khứ không buộc, không mở, vì tự tánh của sắc quá khứ là sắc. Sắc vị lai không buộc, không mở, vì tự tánh của sắc vị lai là sắc. Sắc hiện tại không buộc, không mở, vì tự tánh của sắc hiện tại không buộc, không mở.

Thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai, hiện tại không buộc, không mở, vì tự tánh của thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai, hiện tại là thọ, tưởng, hành, thức. Do ý nghĩa thâm diệu này nên Bát-nhã ba-la-mật-đa khó giải bày.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa khó tin, khó giải bày. Như lời Phật dạy, pháp này thâm sâu, tối thượng nên thật khó hiểu. Nếu người biếng nhác, không tinh tấn, mất chánh niệm, không có trí tuệ, nên biết người đó đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa này thật khó hiểu, khó ngộ nhập.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy, đúng như lời Tôn giả nói!

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Sắc thanh tịnh tức là quả thanh tịnh; quả thanh tịnh tức là sắc thanh tịnh. Quả thanh tịnh cùng sắc thanh tịnh không hai, không phân biệt, không đoạn, không hoại. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức là quả thanh tịnh; quả thanh tịnh tức là thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh. Quả thanh tịnh cùng thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh không hai, không phân biệt, không đoạn, không hoại.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Sắc thanh tịnh tức là Nhất thiết trí thanh tịnh, Nhất thiết trí thanh tịnh tức là sắc thanh tịnh. Sắc thanh tịnh, Nhất thiết trí thanh tịnh thì không hai, không phân biệt, không đoạn, không hoại. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh tức là Nhất thiết trí thanh tịnh, Nhất thiết trí thanh tịnh tức là thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh, Nhất thiết trí thanh tịnh không hai, không phân biệt, không đoạn, không hoại.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này tối thượng, thâm diệu.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa là ánh sáng lớn.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này rộng lớn, rực rỡ.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này không hòa hợp.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này không có chỗ đắc.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này không có chỗ chứng.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này rốt ráo không sinh Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này rốt ráo không diệt.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này không chỗ hiểu biết.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất hỏi:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này vì sao không có chỗ hiểu biết?

Phật đáp:

–Xá-lợi-phất! Bát-nhã ba-la-mật-đa này không biết sắc, không biết thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa này đối với Nhất thiết trí không phát sinh, không tạo tác.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Xá-lợi-phất nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa không có pháp có thể chấp thủ, không có pháp có thể thí xả.

Phật đáp:

–Do tánh thanh tịnh.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Ngã thanh tịnh, nên sắc cũng thanh tịnh.

Phật đáp:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ngã thanh tịnh nên thọ, tưởng, hành, thức cũng thanh tịnh.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ngã thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí cũng thanh tịnh.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ngã thanh tịnh nên không có chỗ đắc, không có chỗ chứng.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ngã vô biên nên sắc cũng vô biên.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Ngã vô biên nên thọ, tưởng, hành, thức cũng vô biên.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Đại Bồ-tát đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa không có chỗ hiểu biết.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa không ở bờ bên này, không ở bờ bên kia cũng không ở giữa, tự tánh không có chỗ trụ.

Phật nói:

–Rốt ráo đều thanh tịnh.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Đại Bồ-tát còn có chỗ phân biệt đối với tất cả pháp thì mất Bát-nhã ba-la-mật-đa, xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Phật khen ngợi Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Đúng vậy, đúng như lời Tôn giả nói! Vì sao? Vì khởi tâm phân biệt đối với tất cả các pháp thì còn có chỗ chấp trước vào danh tướng.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, trong đó còn có chỗ phân biệt thì lời nói này gọi là chấp trước.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Tại sao gọi là chấp tướng?

Tu-bồ-đề nói:

–Bồ-tát phân biệt sắc không, phân biệt thọ, tưởng, hành, thức không, thì còn chấp tướng.

Lại nữa, phân biệt đây là pháp quá khứ, đây là pháp vị lai, đây là pháp hiện tại, đây là người mới phát tâm Bồ-đề, có được bao nhiêu phước? Đây là người tu lâu dài hạnh Bồ-tát thành tựu được bao nhiêu công đức? Có sự phân biệt như vậy gọi là chấp tướng.

Khi ấy, Đế Thích bạch Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Do nhân duyên gì Bồ-tát được phước mà cho là chấp tướng?

Tu-bồ-đề nói:

–Này Kiều-thi-ca! Nếu Bồ-tát mới phát tâm, lại dùng tâm để phân biệt, đây là tâm Bồ-đề, rồi phát tâm hồi hướng đến căn lành của Vô thượng Bồ-đề. Hồi hướng như vậy tức là không gọi hồi hướng. Phân biệt như vậy gọi là chấp tướng.

Này Kiều-thi-ca! Nếu Bồ-tát làm cho tất cả thiện nam, thiện nữ an trụ vào Bồ-tát thừa, nên đối với Vô thượng Bồ-đề dùng pháp chân thật, tỏ bày đúng như pháp, giáo thọ đúng như thật, làm việc lợi ích, tâm sinh hoan hỷ đúng như pháp. Bồ-tát dùng pháp như vậy để hiểu biết, giáo hóa làm lợi ích, tự mình không làm thương tổn đến sự ấn chứng và giáo pháp của chư Phật. Thiện nam, thiện nữ kia cũng lại xa lìa chấp trước.

Khi ấy, Phật khen Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề! Ông khéo thuyết giảng pháp môn xa lìa chấp trước, giúp cho hàng Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không còn khởi tâm chấp trước. Này Tu-bồ-đề! Ta nay vì ông thuyết giảng pháp môn xa lìa chấp trước, vi diệu. Ông nên để tâm lắng nghe và khéo suy nghĩ.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Lành thay, Thế Tôn, cúi xin Ngài thuyết giảng!

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Nếu có người nào tưởng là có chứng đắc đối với Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác nên sinh ra chấp trước. Đây gọi là pháp tham đắm lớn, vì không xa lìa các tướng.

Này Tu-bồ-đề! Có Bồ-tát phát tâm tùy hỷ đối với các pháp vô lậu của chư Phật ở quá khứ, vị lai, hiện tại, rồi dùng căn lành tùy hỷ này hồi hướng đến Vô thượng Bồ-đề, đây chính là chấp trước. Vì sao?

Này Tu-bồ-đề! Vì các pháp không có chỗ đắc ở quá khứ, vị

lai, hiện tại. Tâm tùy hỷ kia ba đời cũng chẳng có. Vậy nên dùng tâm tùy hỷ nào, pháp nào? Do đây nên biết tất cả pháp đều không có tướng, không có thấy, không có nghe, không có hiểu, không có biết.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Tánh các pháp đều thâm diệu.

Phật nói:

–Vì tánh xa lìa các thứ.

Tu-bồ-đề nói:

–Tánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa rất thâm sâu.

Phật nói:

–Vì tự tánh của Bát-nhã ba-la-mật-đa xa lìa các tánh.

Tu-bồ-đề nói:

–Do tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa xa lìa, nên con nay cung kính, lễ bái Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Phật nói:

–Vì tánh tất cả các pháp đều lìa.

Tu-bồ-đề nói:

–Do tánh tất cả pháp lìa nên tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa này cũng lìa. Vì sao? Vì Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chứng đắc như thật tất cả pháp vô tánh.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác chứng pháp vô tánh phải không?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Vô tánh cũng chẳng phải vô tánh, tất cả pháp kia hoặc tánh, hoặc vô tánh đều hòa hợp một tướng cho nên vô tướng.

Này Tu-bồ-đề! Do đây, chư Phật Như Lai chứng đắc tất cả pháp kia. Vì pháp nhẫn của chư Phật không phân biệt như vậy. Tánh tất cả pháp chỉ có một, không có hai. Tất cả pháp kia hoặc tánh, hoặc chẳng phải tánh đều là vô tánh. Tánh, vô tánh kia đều là một tánh, một tánh này cũng không thể đắc.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát biết rõ như vậy liền xa lìa các chấp trước.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa tối thượng thâm sâu.

Phật nói:

–Như hư không thâm sâu, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thâm sâu.

Tu-bồ-đề nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa thật khó biết.

Phật nói:

–Thật không biết như vậy.

Tu-bồ-đề nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể suy nghĩ.

Phật nói:

–Tâm không thể biết, vượt qua sự thấu hiểu của tâm.

Tu-bồ-đề nói:

–Bát-nhã ba-la-mật-đa xa lìa các tạo tác.

Phật nói:

–Vì tạo tác không thể có.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mậtđa như thế nào?

Phật nói:

–Đại Bồ-tát không hành sắc tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành thọ, tưởng, hành, thức tức là hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Không hành sắc vô thường tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành thọ, tưởng, hành, thức vô thường tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành sắc không tức là hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Không hành thọ, tưởng, hành, thức không tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không hành sắc có đầy đủ tướng hay không đầy đủ tướng tức

là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì nếu hành sắc có đầy đủ tướng, không đầy đủ tướng tức chẳng phải sắc.

Không hành thọ, tưởng, hành, thức có đầy đủ tướng, không đầy đủ tướng tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì nếu hành thọ, tưởng, hành, thức có đầy đủ tướng, không đầy đủ tướng tức chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức.

Các pháp đều không thực hành như vậy đó gọi là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hy hữu! Ngài khéo vì hàng Đại Bồ-tát, từ nơi pháp chấp trước tuyên bày pháp không chấp trước.

Phật nói:

–Nếu không thực hành sắc có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành thọ, tưởng, hành, thức có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Không hành nhãn xúc cho đến ý xúc, các cảm thọ do duyên sinh có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Không hành địa giới cho đến không hành thức giới có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành các Ba-la-mật-đa: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mậtđa. Không hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực của Phật, bốn pháp Vô úy, mười tám pháp Bất cộng các công đức nhóm lại, có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Duyên giác, Như Lai có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không hành Nhất thiết trí có chấp trước, không chấp trước tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát đối với sắc không sinh tâm chấp trước; đối với thọ, tưởng, hành, thức không sinh tâm chấp trước; đối với nhãn xúc cho đến ý xúc, các cảm thọ do duyên sinh không sinh tâm chấp trước; địa giới cho đến thức giới không sinh tâm chấp trước; các Ba-la-mật-đa: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định không sinh tâm chấp trước; ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực của Phật, bốn pháp Vô úy, mười tám pháp Bất cộng, các công đức đều không sinh tâm chấp trước; quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, Ana-hàm, Duyên giác, Như Lai, cho đến Nhất thiết trí cũng không sinh tâm chấp trước. Vì sao? Vì các pháp không buộc, không mở vượt qua các chấp trước. Do đấy nên gọi là Nhất thiết trí lìa chấp trước, vô ngại.

Này Tu-bồ-đề! Các Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-lamật-đa như vậy.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn, hy hữu thay! Bát-nhã ba-la-mật-đa này quả thật là pháp thâm sâu, nói cũng không tăng, không nói cũng không giảm. Nói cũng không giảm, không nói cũng không tăng.

Phật khen ngợi Tu-bồ-đề:

–Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề, đúng như vậy! Như các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cho đến trọn đời luôn khen ngợi hư không, thì hư không kia cũng không tăng, không khen ngợi cũng không giảm. Khen ngợi cũng không giảm, không khen ngợi cũng không tăng.

Ví như khen ngợi người huyễn, khi được khen ngợi họ không có hoan hỷ, khi không được khen ngợi họ cũng không giận dỗi. Được khen ngợi cũng không có tăng, không được khen ngợi cũng không có giảm.

Này Tu-bồ-đề! Tánh của các pháp cũng như vậy, xa lìa lời nói cùng không nói, không tăng cũng không giảm.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa rộng lớn thâm sâu, cho nên các Đại Bồ-tát rất khó thực hành. Ví như hư không, không động, không lay chuyển, không tướng, không tạo tác. Bát-nhã ba-lamật-đa cũng lại như vậy.

Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát vì chúng sinh nên mặc áo giáp lớn để trang nghiêm. Bồ-tát muốn thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề để độ chúng sinh thế nên cần phải học Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Bạch Đức Thế Tôn! Như người mặc áo giáp chiến đấu với hư không, hư không kia xưa nay vốn bình đẳng, pháp giới cũng bình đẳng, chúng sinh cũng bình đẳng, nên các Đại Bồ-tát tuy có dũng mãnh và thành tựu Tinh tấn Ba-la-mật-đa nhưng rốt ráo không thể chiến thắng hư không. Do đây các Đại Bồ-tát rất khó hành trì Bátnhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, Đế Thích thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Nếu như hành trì Bát-nhã ba-la-mật-đa nhưng lại không có chỗ sinh. Vì sao lại tương ưng?

Tu-bồ-đề đáp:

–Này Kiều-thi-ca! Hành chỗ sinh của hư không như thế nào, thì hành chỗ sinh của Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vậy.

Này Kiều-thi-ca! Các Đại Bồ-tát muốn học, thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa nên thực hành như hư không. Người học như vậy tức là tương ưng.

Lúc này, trong chúng hội có một Bí-sô nghe pháp rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật thưa:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa không có pháp nhỏ có thể sinh, không có pháp nhỏ có thể diệt. Do đó, nên con cung kính lễ lạy Bát-nhã ba-la-mật-đa.

*********

Lúc này, Đế Thích bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người thọ trì pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, con sẽ hộ trì người ấy và pháp môn này.

Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Ông thấy pháp có thể hộ trì không?

Đế Thích nói:

–Thưa Tôn giả không thể có.

Tu-bồ-đề nói:

–Này Thiên chủ! Đại Bồ-tát theo pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa như đã thuyết, rồi thực hành đúng pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa tùy thuận tương ưng theo pháp đó. Đó gọi là hộ trì chân thật.

Nếu xa lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa dầu ở nơi nào người ấy cũng đều bị người, chẳng phải người xâm hại.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Bồ-tát muốn hộ trì Bát-nhã ba-la-mậtđa nên hộ trì như hư không. Đây là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Kiều-thi-ca! Ý ông như thế nào? Tiếng vang kia có thể hộ trì được chăng?

Đế Thích nói:

–Thưa Tôn giả! Tiếng vang kia không thể hộ trì.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng như vậy, đúng như vậy! Này Kiều-thi-ca! Ông nên biết tất cả pháp như tiếng vang, biết rõ như vậy thì không còn chỗ quán, không có chỗ biểu thị, không có chỗ sinh, không có chỗ đắc đối với tất cả pháp. Đây là Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Khi ấy, tam thiên đại thiên thế giới trong các thế giới, từ trời Tứ Thiên vương cho đến trời Đại phạm vương, trong đó có chủ cõi Ta-bà là Đại phạm Thiên vương, Thiên chủ Đế Thích và các Thiên tử khác, nhờ oai lực của chư Phật gia trì nên họ đồng thời cùng đến chỗ Phật. Cúi đầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi lui về ngồi một bên.

Lúc này, Đức Thế Tôn dùng thần lực làm cho tất cả Phạm vương, Đế Thích, Phạm chúng cùng các vị Tứ Thiên vương và chúng Thiên tử. Tất cả đều được thấy ngàn Đức Phật, Thế Tôn. Ở tất cả mọi nơi đều thuyết giảng pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa, câu cú ngôn ngữ đều giống nhau. Nói về tướng của Bát-nhã ba-la-mật-đa các chương, các phẩm, các pháp môn, tất cả giống nhau không khác. Người thọ trì pháp này đều có tên là Tu-bồ-đề, người thỉnh vấn kia cũng gọi là Đế Thích.

Khi ấy, Phật bảo Phạm vương, Đế Thích:

–Các ông nay thấy chư Phật ở cõi này nói pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Sẽ có Đại Bồ-tát Từ Thị thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, rồi ở nơi này mai sau cũng lại tuyên thuyết pháp môn Bátnhã ba-la-mật-đa như vậy.