SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 9: THÁN THẮNG

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa quả thật thâm diệu. Ở trong pháp này ngay nơi tên rốt ráo cũng không thủ đắc, cũng chẳng phải là ngôn ngữ kia. Nên giảng thuyết như Bát-nhã ba-la-mật-đa, tên cũng không thủ đắc, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không thủ đắc. Bát-nhã ba-la-mật-đa này danh tự và pháp không phải hai pháp sai biệt, đều không có chỗ sinh cũng không có chỗ đắc.

–Bạch Đức Thế Tôn! Như Phật đã nói: “Đại Bồ-tát Từ Thị sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề rồi cũng tại nơi này thuyết pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy. Pháp này quá thâm diệu, bằng cách nào Bồ-tát thuyết được?”

Lúc này, Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát Từ Thị kia sẽ thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, rồi cũng ở nơi này diễn thuyết về pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không thuyết sắc là thường hoặc vô thường, hoặc mở, hoặc buộc. Không nói thọ, tưởng, hành, thức là thường hoặc vô thường, hoặc mở, hoặc buộc mà nói thọ, tưởng, hành, thức rốt ráo thanh tịnh.

Này Tu-bồ-đề! Bồ-tát kia dùng ngôn từ như vậy đó chính là tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa như thật.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa này thanh tịnh.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Sắc thanh tịnh cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thanh tịnh.

Sắc không sinh, không diệt, không chấp trước phiền não, không lìa thế gian cho nên thanh tịnh; Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thanh tịnh như vậy. Thọ, tưởng, hành, thức không sinh, không diệt, không chấp trước phiền não, không lìa thế gian cho nên thanh tịnh; Bát-nhã bala-mật-đa cũng thanh tịnh như vậy.

Sắc vô nhiễm nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Thọ, tưởng, hành, thức vô nhiễm nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh.

Tất cả pháp vô nhiễm nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Hư không thanh tịnh nên Bát-nhã ba-la-mật-đa thanh tịnh. Tất cả pháp như hư không, như tiếng vang nên thanh tịnh; Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng thanh tịnh như vậy.

Lúc này, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm thanh tịnh lắng nghe, thọ trì, đọc tụng đối với pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa vì người khác giảng nói. Nên biết người này được lợi ích lớn.

Các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của người ấy đều thanh tịnh, lìa tất cả bệnh tật, đau khổ, tất cả việc ác độc không thể làm tổn hại, thọ mạng được lâu dài, không bị chết yểu, thường được ngàn vị Thiên tử hộ tống theo phía trước hoặc ở phía sau. Ở bất cứ chỗ nào cũng được hộ trì như vậy.

Thiện nam, thiện nữ hành trì pháp này nên giữ gìn các nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh và vào các ngày mùng tám, ngày mười bốn, ngày rằm, dù ở nơi nào cũng đọc tụng pháp môn Bát-nhã ba-la-mậtđa. Hoặc vì người khác giảng thuyết nghĩa pháp này. Nên biết thiện nam, thiện nữ ấy được phước rất nhiều.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thiện nam, thiện nữ ở nơi nào mà đọc tụng, giảng nói pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thì ở nơi đó có một ngàn Thiên tử thường đến chỗ họ để hộ trì pháp. Vì muốn được lợi ích lớn do lắng nghe thọ trì chánh pháp nên họ hộ trì người ấy.

Vì pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa đối với cõi trời, cõi người là bảo vật tối thắng. Do nhân duyên này nên thiện nam, thiện nữ thọ trì pháp ấy, họ được phước lớn.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu người thọ trì, đọc tụng, giảng thuyết pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu này, ngay nơi hiện tại được lợi ích lớn, được của báu thù thắng, trời, người đều tôn trọng. Vì sao? Vì pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa có khả năng giúp cho chúng sinh được lợi lạc lớn.

Này Tu-bồ-đề! Tất cả pháp kia không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không thủ, không xả, không chỗ có, cũng không có chỗ đắc.

Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không thủ, không xả, không chỗ có, cũng không có chỗ đắc.

Vì sắc không nhiễm nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng không nhiễm. Thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm nên Bát-nhã ba-la-mậtđa cũng không nhiễm. Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp không sinh tâm phân biệt, đây chính là thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Này Tu-bồ-đề! Bát-nhã ba-la-mật-đa chẳng phải bên trong, chẳng phải bên ngoài, không có ra cũng không có vào, không có pháp có thể chỉ bày, không có pháp có thể quan sát.

Khi ấy, tam thiên đại thiên thế giới, tất cả Phạm vương, Đế Thích cùng các vị Thiên tử đến đại hội, đều vui mừng hớn hở như vầy:

–Chúng ta ngày nay ở trong cõi Diêm-phù-đề được nghe Đức Thế Tôn chuyển pháp luân Bát-nhã ba-la-mật-đa thâm diệu này lần thứ nhất. Ở đời vị lai lúc Bồ-tát Từ Thị thành tựu Đẳng chánh giác rồi sẽ chuyển pháp luân thì ta ước nguyện được nghe pháp này nữa.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Pháp chẳng chuyển lần thứ nhất, cũng chẳng chuyển lần thứ hai, nên biết các pháp rốt ráo không có chỗ có, cho nên không thể chuyển. Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng phải như vậy.

Lúc này, Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại độ này gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì tất cả pháp lìa chấp trước, nên Đại Bồ-tát tu hành tất cả pháp cho đến chứng đắc Vô thượng Bồ-đề mà không có pháp có thể chứng, tuy chuyển pháp luân nhưng không có chỗ biểu thị, không có pháp có thể thủ đắc.

Do không chứng, không biểu thị, không chỗ đắc, nên tất cả pháp không rốt ráo, lìa chấp trước. Do lìa chấp trước nên tất cả pháp không trở lại, không chuyển. Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp lìa nên không có trở lại, không chuyển.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Này Tu-bồ-đề! Pháp môn giải thoát không kia không có trở lại, cũng không chuyển, không tướng, không nguyện, pháp môn giải thoát không cũng không trở lại, không chuyển.

Này Tu-bồ-đề! Đối với các pháp tuyên thuyết đúng như vậy, nên các pháp tánh rốt ráo tịch diệt, không nói, không biểu thị, không nghe, không thủ đắc, không pháp có thể chứng. Vì không có chỗ chứng nên không có người chứng.

Do vậy nên các pháp không diệt cũng chẳng không diệt.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Vì hư không vô biên cho nên Ba-la-mậtđa vô biên là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp không thể đắc nên vô đẳng đẳng Ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì rốt ráo là không nên lìa Ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Vì tánh của tất cả pháp không thể đắc nên Ba-la-mật-đa không thể phá là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không danh, không tướng nên Ba-la-mật-đa không câu cú là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không đến nên Ba-la-mật-đa không tánh là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không phân biệt nên Ba-la-mật-đa không nói là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các uẩn không thể đắc nên Ba-la-mật-đa không đến là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không đến nên Ba-la-mật-đa không đi là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không chấp thủ nên Ba-la-mật-đa vô tập chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tướng của các pháp vô tận nên Ba-la-mật-đa vô tận là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì tạo tác không thể được nên Ba-la-mật-đa vô tác là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không chủ thể nên Ba-la-mật-đa vô tri là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không thoái chuyển nên Ba-la-mật-đa không chỗ đến là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì thời gian trước, sau, giữa không thể có nên Ba-la-mật-đa bất diệt là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không sinh nên Ba-la-mật-đa như mộng, như huyễn, bào ảnh, tiếng vang, bóng nắng là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tánh tham, sân, si thanh tịnh nên Ba-la-mật-đa không phiền não là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì chỗ nương dựa không thể được nên Ba-la-mật-đa không xuất thế là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì hư không thanh tịnh nên Ba-la-mật-đa không nhiễm là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp bình đẳng nên Ba-la-mật-đa không hý luận là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các ý niệm không sinh nên Ba-la-mật-đa không niệm là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp tánh thường trụ nên Ba-la-mật-đa không động là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp tánh chân thật nên Ba-la-mật-đa lìa dục là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không nghi nên Ba-la-mật-đa không khởi là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp tướng không thể thủ đắc nên Ba-la-mật-đa tịch tĩnh là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì đầy đủ các công đức nên Ba-la-mật-đa không lỗi lầm là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì cảnh giới của chúng sinh không thể thủ đắc nên Ba-la-mậtđa không có chúng sinh là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không khởi nên Ba-la-mật-đa không đoạn là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp lìa chấp trước nên Ba-la-mật-đa không hai bên là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì các pháp không hòa hợp nên Ba-la-mật-đa không khác là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì không phân biệt quả vị Thanh văn, Duyên giác nên Ba-lamật-đa vô trước là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì phân biệt bình đẳng nên Ba-la-mật-đa không phân biệt là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì pháp vô lượng bình đẳng nên Ba-la-mật-đa vô lượng là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp không chướng ngại nên Ba-la-mật-đa như hư không là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp hữu vi nên Ba-la-mật-đa vô thường là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì hư không bình đẳng nên Ba-la-mật-đa khổ là Bát-nhã ba-lamật-đa.

Vì tất cả pháp không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa không là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì ngã cũng không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa vô ngã là Bátnhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp không thể chuyển nên Ba-la-mật-đa vô tướng là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì rốt ráo vô biên nên Ba-la-mật-đa không tánh là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì ba mươi bảy phẩm Trợ đạo không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa Niệm xứ, Chánh cần, Thần túc, Căn, Lực, Giác, Đạo là Bát-nhã bala-mật-đa.

Vì ba pháp môn giải thoát không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa không, vô tướng, vô nguyện là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tám giải thoát không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa nội hữu sắc quán, ngoại sắc là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì chín pháp hành trước không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa sơ thiền định là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì pháp bốn Thánh đế không thủ đắc nên Ba-la-mật-đa Khổ, Tập, Diệt, Đạo là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì mười Ba-la-mật-đa không thủ đắc nên Bố-thí ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì không thể phá hoại nên Ba-la-mật-đa mười Lực là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì không lo, không sợ, không thoái bước, không quay lui nên Ba-la-mật-đa bốn vô sở úy là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì Nhất thiết trí vô trước, vô ngại nên Ba-la-mật-đa lìa trói buộc là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì vượt các pháp số nên Ba-la-mật-đa Như Lai vô lượng công đức là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp chân như bình đẳng nên Ba-la-mật-đa Như Lai chân như là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp tự tánh bình đẳng nên Ba-la-mật-đa tự nhiên trí là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Vì tất cả pháp tánh, tất cả pháp tướng không thủ đắc nên Bala-mật-đa Nhất thiết trí là Bát-nhã ba-la-mật-đa.