SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN VIII
Phẩm 7: TỪ VƯỜN HOA TRỞ VỀ THÀNH
Bấy giờ, có một đại thần quốc sư thuộc họ Bà-tư-tra tên là Ma-ha Na-ma cùng các Quốc sư Bà-la-môn, cùng đi về vườn Lam-tỳ-ni. Khi vừa mới đến, còn đứng trước ngõ hoa viên, Quốc sư Bà-tư-tra nói với các vị Quốc sư kia:
-Các ngài xét xem vì cớ gì cõi đại địa này chấn động như vậy? Giống như ta ngồi thuyền lướt trên mặt sóng, ánh sáng mặt trời mặt trăng đều biến mất, giống như trạng thái những vì sao giữa ban ngày, chỉ còn lại hình bóng. Tất cả những thảo mộc cùng theo đó đua nhau khoe sắc. Trên bầu trời trong sáng, hoàn toàn không một gợn mây che, chỉ nghe có tiếng sấm vang rền. Lại trên không trung lặng yên trong sáng, chỉ có làn mưa nhẹ thơm tho ngào ngạt, tự nhiên đầy đủ tám thứ hương vị tuyệt vời. Lại từ tám phương phát sinh làn gió trong mát lạ thường, khí hậu thuần hòa. Tất cả bầu trời các phương đều trong sạch, hoàn toàn không có một làn khói, một gợn mây hay bụi bặm làm mù mịt. Lại trong hư không không thấy bóng người, mà tự nhiên nghe giọng Phạm âm thanh thoát, đồng thời cũng nghe các điệu âm nhạc, ca hát, ngâm vịnh của chư Thiên, và trên hư không, những đóa hoa trời thơm nức rơi lả tả, tuy gặp ánh nắng mặt trời mà không khô héo.
Lúc ấy, có một Quốc sư đáp lời đại thần Bà-tư-tra:
-Việc này tuy vậy, nhưng không lấy gì làm lạ. Vì cớ sao? Vì tánh quả đất là như vậy, có điều gì là chẳng lành?
Lại có một Quốc sư khác nói:
-Nay cõi đại địa này xuất hiện sáu thứ chấn động, hư không chói sáng che át cả ánh sáng mặt trời cũng như ban ngày nhìn tinh tú. Lại nữa, các thứ hoa trời, tuy gặp ánh nắng mặt trời mà hoa vẫn tươi như cũ, không chút đổi thay. Đây là những điều hết sức kỳ lạ.
Đang khi đại thần Bà-tư-tra cùng các Quốc sư luận bàn, có một nữ nhân từ vườn Lam-tỳ-ni vội vã chạy thẳng ra ngõ, thấy đại thần Bà-tư-tra cùng các vị Quốc sư khác, nàng liền dừng lại, nỗi vui mừng hớn hở, không sao giữ được vẻ mặt bình thường, thưa đại thần Bà-tư-tra và các vị Quôc sư Bà-la-môn:
-Này các hàng Thích chủng, mau mau trở về hoàng cung nơi nhà vua đang ngự.
Đại thần Bà-tư-tra và các Quốc sư nghe nữ nhân nói như vậy, với nét mặt vô cùng hoan hỷ không giữ được vẻ tự nhiên, nên hỏi:
-Nàng nay bảo ta trở về Hoàng cung nơi Đại vương đang ngự, vậy hãy nói cho ta nghe rõ đầu đuôi sự việc, rồi sẽ vì nàng tâu việc hoan hỷ gì? Hay việc nghi ngờ khủng bố bất an gì?
Nữ nhân đáp:
-Này các vị thuộc dòng họ Thích, ta nay sẽ báo cho các ngài biết một tin mừng đem lại sự hoan hỷ vô cùng.
Quốc sư Ma-ha Na-ma và các Quốc sư khác hỏi:
-Điều hoan hỷ đó là gì?
-Quốc đại phu nhân vừa sinh một Đồng tử, hình dung tuấn tú khả ái, thế gian không ai sánh bằng. Đồng tử chính là chân Thiên tử. Do vì thân Đồng tử tỏa ra hào quang trời và mọi nơi chư Thiên đều rải hoa.
Bấy giờ đại thần Quốc sư nghe lời nói này, tâm rất đỗi hớn hở, vui mừng tràn ngập cả tâm can, không giữ được vẻ tự nhiên, liền khi ấy đại thần cởi chuỗi anh lạc làm bằng đủ thứ ngọc quý thưởng cho nữ nhân, vì nàng đã đem lại cho ông ta tin vui này. Cởi tặng rồi sau lại thầm nghĩ: “Nữ nhân này là mỹ nữ ở trong cung nhà vua, Đại vương thấy được, ngài đem lòng yêu mến, mà nay ta cởi chuỗi anh lạc đang đeo trên thân tặng cho nàng, sau này không khỏi tai vạ”, nên ông ta lấy lại chuyển tặng cho một Quốc sư khác, khi tặng rồi ngài phát nguyện: “Ta đem chuỗi tặng cho Quốc sư, được bao nhiêu công đức sẽ hồi hướng về nữ nhân này. Sao vậy? Vì ta nhận được tin vui từ nơi nàng.”
Lúc ấy đại thần Ma-ha Na-ma nói với một Quốc sư Bà-la-môn khác:
-Này Đại Bà-la-môn, người nay có thể về hoàng cung, nơi Đại vương đang ngự, tâu lên ngài tin vui này.
Đại thần Ma-ha Na-ma đã phái một Quốc sư Bà-la-môn về triều rồi, ông ta trở lại gạn hỏi nữ nhân:
-Vừa rồi nàng nói Quốc đại phu nhân sinh được Đồng tử, chính là Thiên tử hay giống như Thiên tử phóng hào quang cõi trời? Nàng còn có thấy những gì lạ chăng?
Nữ nhân đáp:
-Cúi xin đại thần lắng nghe, tướng mạo Đồng tử sơ sinh này vượt hơn người thường, có oai đức lớn, đến nỗi hoàng hậu Ma-da khi đang đứng, Đồng tử tự nhiên từ hông phải của Lệnh bà xuất sinh, mà nơi hông, ngực, thắt lưng hoàng hậu không tỳ vết tổn thương gì cả.
Khi Đồng tử xuất sinh, chư Thiên đem chiếc áo Ca-thi-ca mềm mại tuyệt đẹp đắp trên thân Đồng tử, rồi nâng Đồng tử hướng về Thánh mẫu, Ngài nói thế này:
-Quốc đại phu nhân nên tự lấy làm hân hạnh, vui mừng gấp bội phần. Vì sao? Ngày nay Đại phu nhân đã sinh Thánh tử.
Ngay từ sau khi Đồng tử xuất sinh, Ngài ngước nhìn hông Thánh mẫu rồi nói:
-Ta từ ngày nay sắp đi, không trở lại thọ sinh trong thai Thánh mẫu nữa, đây là thân tối hậu của ta. Từ nay trở đi ta sẽ thành Phật.
Đồng tử đứng ngay trên đất không có người nâng đỡ, liền đi bảy bước, mỗi bước chân đều hiện hoa sen, đôi mắt không nháy, nhìn thẳng về phía trước không chút sợ sệt. Đầu tiên ngài đứng hướng mặt về phương Đông, cất tiếng trong trẻo, sử dụng từ ngữ câu văn hết sức chính xác, chẳng phải lời nói như những hài nhi bình thường khác, rồi ngài nói thế này:
-Đối với tất cả chùng sinh trong thế gian, ta là người trên hết, ta sẽ cứu giúp chúng sinh nhổ cội rễ phiền não sinh tử!
Vì thân Đồng tử thanh tịnh, nên ngay chỗ Đồng tử đang đứng, từ trên hư không hiện hai vòi nước, một nóng một lạnh, chư Thiên lại dùng một chiếc giường bằng vàng, thỉnh Đồng tử an tọa trên đó rồi dùng nước hai vòi tắm Đồng tử.
Sau khi Đồng tử xuất sinh, trên thân ngài phóng hào quang rực rỡ, át cả ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Chư Thiên thượng giới cầm chiếc lọng trắng cán bằng vàng ròng to bằng bánh xe che trên hư không. Lại có chư Thiên tay cầm quạt trắng, cán làm bằng các ngọc quý đứng quạt hầu Đồng tử. Lại trên hư không, tất cả nhạc khí không người sử dụng tự trổi lên đủ các âm điệu. Lại nghe vô lượng vô biên tiếng ca hát, ngâm vịnh. Lại kháp mọi nơi rải đầy các thứ hoa hương, tuy gặp ánh nắng mặt trời mà hoa vẫn tươi tốt như thường, không chút thay đổi.
Đại thần Ma-ha Na-ma nghe lời trình bày như vậy, liền tự suy nghĩ: ‘Thật hy hữu! Thật hy hữu! Đời ác trược này cảm đến Đại sĩ xuất hiện trong thế gian. Ta nay cần phải đích thân trở về hoàng cung tâu lên Đại vương Tịnh Phạn những gì hy hữu mà ta đã nghe.” Đại thần Ma-ha Na-ma chọn một tên có tài đánh xe, lựa bốn con tuấn mã chạy như gió đóng vào chiếc bảo xa, khởi hành từ ngoài cửa hoa lâm viên Lam-tỳ-ni trực chỉ về thành Ca-tỳ-la. Khi đến hoàng thành, đại thần chưa kịp yết kiến đại vương, vội vàng đem hết sức mình đánh trông Hoan hỷ.
Bấy giờ Đại vương đang ngự trên bảo điện, đang cùng các đại thần bàn bạc việc dân việc nước, quần thần khanh tướng, bá quan văn võ thứ lớp trước sau ngồi chầu hai bên tả hữu, ai ai cũng đều nghe tiếng trông Hoan hỷ. Nhà vua kinh ngạc nói với quần thần:
-Này các khanh, kẻ nào bỗng nhiên đánh trông Hoan hỷ của dòng Cam Giá, tiếng trống vang rền, ắt phải dốc toàn sức mạnh.
Liền tức khắc có quan thủ môn vội vã đến trước Đại vương tâu:
-Tâu Đại vương, quan đại thần của Đại vương họ Bà-tư-tra tên Ma-ha Na-ma, từ bên ngoài ngõ vườn Lam-tỳ-ni đánh xe tứ mã phi như gió về tới ngọ môn vội vã bước xuống xe, đem hết sức người đánh trống Hoan hỷ của Đại vương, người chỉ nói: “Ta nay cần gặp Đại vương”. Ngoài ra không nói một lời nào khác.
Đại vương Tịnh Phạn bảo quần thần:
-Chắc có tin vui gì đây, các khanh nên mau mau gọi Ma-ha Na-ma họ Bà-tư-tra, quan đại thần của dòng họ Thích cấp tốc đến yết kiến ta.
Quần thần vâng lệnh, bạch Đại vương:
-Hạ thần chúng tôi xin y giáo lệnh. Rồi vội vã đi gọi Ma-ha Na-ma, vị đại thần dòng họ Thích, thúc giục mau đến yết kiến Đại vương.
Khi đại thần Ma-ha Na-ma nhận được sắc lệnh của nhà vua, liền đến trước bệ rồng cao giọng tâu:
-Chúc Bệ-hạ tôn vinh muôn thuở, nay hạ thần vừa nhận được tin vui, dường như trong người tăng thêm sức lực.
Đại vương Tịnh Phạn nghe lời tâu như vậy, hỏi Ma-ha Na-ma, vị đại thần của dòng họ Thích:
-Này vị đại thần của họ Thích, vì cớ gì khanh vội vã đánh xe như gió từ Lam-tỳ-ni về đây, đem hết sức người đánh trông Hoan hỷ?
Đại thần Ma-ha Na-ma tâu Đại vương:
-Phu nhân của Đại vương đang khi dạo chơi trong hoa viên Lam-tỳ-ni nơi thành Thiên tý, hoàng hậu ở dưới tàn cây Vô ưu hạ sinh Đồng tử, thân như vàng ròng, tướng mạo đoan chánh, phóng quang rực rỡ như chư Thiên không khác.
Đại vương Tịnh Phạn lại gạn hỏi cặn kẽ về tướng hảo và sự diễn tiến như thế nào?
Đại thần diễn tả:
-Từ khi hoàng hậu đứng trên đất cho đến… hông bên phải của Thánh mẫu không có tì vết tổn thương gì cả. Đồng tử sinh ra tự đứng trên đất, chư Thiên đem áo Ca-thi-ca cõi trời đắp kín trên mình Đồng tử Đồng tử nhìn lên hông Thánh mẫu rồi nói: “Ta sẽ thành Phật, nhổ sạch cội rễ khổ não sinh tử cho chúng sinh”.
Đại thần trình bày tiếp:
-Nào việc tắm Đồng tử, nào việc Đồng tử phóng hào quang che lấp cả ánh sáng mặt trời mặt trăng, nào việc cây cối dược thảo đua nhau khai hoa khoe sắc, nào việc chư Thiên ở trên hư không, cầm quạt trắng lọng trắng che và quạt hầu Đồng tử, nào việc ở trong hư không nghe vang rền tiếng sấm, trời như mưa phùn, làn gió mát dịu từ bốn phương thổi về, nào việc trên hư không chẳng thấy bóng người mà tiếng nhạc Phạm âm trổi dậy, trông không đánh tự nhiên kêu, hoa trời rải xuống tốt tươi, dầu có gặp ấnh nắng mặt trời mà không bị héo… Đại thần trình bày theo thứ tự một cách đầy đủ những sự việc như đã nói trên cho nhà vua nghe.
-Xin Đại vương biết cho, vì hạ thần nghe thấy những việc hy hữu như vậy, trong lòng hết sức vui sướng; do đó hạ thần liều lĩnh đánh trống Hoan hỷ. Hạ thần đã trình bày đầy đủ, dám xin Đại vương thấu rõ cho.
Kế tiếp, đại thần đem các hoa trời mà chư Thiên cúng dường Đồng tử dâng lên Đại vương. Đây là bằng chứng cụ thể cho lời trình bày trên.
Đại vương Tịnh Phạn nghe qua rồi bảo đại thần:
-Khanh đã mang đến cho ta tin vui vô tận, và trình bày sự việc một cách tường tận, nay khanh muốn cầu mong những gì, ta sẽ ban cho một cách đầy đủ theo sở thích của khanh, không bao giờ trái ý.
Đại thần Bà-tư-tra tâu:
-Hạ thần nhờ ân của Đại vương nên không thiếu một vật gì.
Đại vương Tịnh Phạn lại bảo:
-Đúng theo lời khanh yêu cầu, nhất định ta sẽ ban cho.
Đại thần lại tâu:
-Xin Đại vương hoan hỷ, hạ thần đã nhờ ân của Đại vương nên không thiếu một vật gì.
Đại vương lại bảo đại thần:
-Khanh nay chớ phụ lòng tốt của ta, khanh phải nên cần và cần những gì, ta sẽ ban cho.
Lúc đó, đại thần Bà-tư-tra bạch:
-Tâu Đại vương, nếu như ngài quyết định hoan hỷ, thì hạ thần này sẽ xin một điều: “Cúi xin Đại vương cho phép hạ thần luôn luôn được gần bên Thái tử để làm người hầu hạ, cung cấp mọi sự cần dùng cho Thái tử”. Vì sao? Vì Đồng tử này ngày nay đã sinh ra, quyết định sẽ kế nghiệp dòng Cam Giá Nhật để cho con cháu nhiều đời về sau của Chuyển luân thánh vương khỏi phải tuyệt diệt.
Vua Tịnh Phạn đáp:
-Được, tốt lắm. Tùy ý khanh muốn.
Vua Tịnh Phạn bảo quần thần:
-Này các Đại-thần, cần phải ghi chép theo thứ tự thật đầy đủ những lời trình bày của đại thần Bà-tư-tra, theo phép nước đây là điều lành nhất, không được ghi chép thiếu sót.
Đại vương Tịnh Phạn bảo quốc sư Ma-ha Na-ma, vị đại thần của dòng họ Thích:
-Khanh đã đến làm quan nước ta, ta đã sinh được Thái tử như vậy. Ngày nay khanh còn vì Thái tử tôn quý này mà nguyện làm người hầu hạ nuôi nấng Thái tử.
Sau đó, đại vương Tịnh Phạn dùng oai thần thế lực của một đại vương, cùng với đại thần Ma-ha Na-ma, bá quan văn võ đứng chầu hai bên tả hữu như hình bán nguyệt trông thật oai hùng. Rồi vua tôi đồng hướng về vườn Lam-tỳ-ni chuẩn bị rước Bồ-tát sơ sinh.
Trên đường đi, bỗng nhiên vua Tịnh Phạn bảo Ma-ha Na-ma và các đại thần:
-Này các khanh, ta nghe tin sinh Thái tử và các việc hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu như vậy, lòng ta nửa mừng nửa lo!
Đại thần Ma-ha Na-ma lại tâu Đại vương:
-Đáng lẽ Đại vương rất lấy làm hoan hỷ hân hạnh, sao lại lo âu. Vì sao? Vì chư Thiên sinh ra, có những hiện tượng hết sức hy hữu không thể nghĩ bàn như vậy. Đại vương lẽ nào không nghe:
‘Thuở xưa có một Bà-la-môn tên là Đa-sắc-tra-ca được sinh ra từ bông hoa, sinh ra khôn lớn, không theo thầy thọ học, tự nhiên thông hiểu bốn bộ kinh Tỳ-đa.” Đại vương có lẽ nào không nghe:
“Thuở xưa có một ông vua tên là Nhất Đảnh Sinh, sinh ra từ đảnh đầu của phụ thân, sau khi sinh ra rồi, lại giống như một hài nhi bình thường khác, lần lần khôn lớn làm vua thống lãnh bốn châu thiên hạ.” Đại vương, lẽ nào ngài không nghe: “Thuở xưa có một ông vua tên là Tỳ-ca, sinh ra từ lòng bàn tay người cha, không phải sinh ra từ bụng mẹ.” Đại vương, lẽ nào ngài không nghe: ‘Thuở xưa có một ông vua tên là Lưu Bà sinh ra từ bắp vế của người cha.” Đại vương, lẽ nào ngài cũng không nghe: “ở đời quá khứ có một ông vua tên là Ca-truy-bà, sinh ra từ cánh tay của người cha.” Lại nữa, Đại vương lẽ nào ngài không nghe: “Tổ tiên của Đại vương từ xưa đến nay gọi là vua Cam Giá, sinh ra từ thân cây mía.” Các vị vua như vậy tuy sinh ra trong nhân gian, nhưng có những điều không thể nghĩ bàn.
Đại vương Tịnh Phạn lại bảo Ma-ha Na-ma, vị đại thần của dòng họ Thích:
-Này đại thần Ma-ha Na-ma, các vị vua đời trước đều là bậc đại thông minh có oai đức lớn, Đồng tử của ta ngày nay sao dám so với các ngài!
Đại thần Ma-ha Na-ma với lòng hoan hỷ tâu Đại vương:
-Xin Đại vương phải biết, Thái tử ngày nay nhất định sẽ vượt hơn các vị vua đời trước.
Đại vương Tịnh Phạn hỏi:
-Có ưu điểm gì siêu việt chăng?
Đại thần thưa:
-Hạ thần đem so sánh lối sinh của các vị vua thuở trước với lối xuất sinh của Thái tử ngày hôm nay khác nhau trời vực.
Đại vương lại nói:
-Khanh chớ cười trẫm. Vì lý do gì? Người cha nào lại không muốn con của mình vượt hơn những người khác: Hoặc học rộng, thấy xa, hoặc thông minh, hoặc đạo đức, hoặc đủ nhân cách lễ nghĩa, hoặc có tài chánh trị chăn dân, hoặc đủ đức tánh siêng năng tinh tấn. Chỉ có bao nhiêu việc như vậy, cũng đủ làm cho lòng người cha vui sướng lắm rồi.
Khi Đại vương Tịnh Phạn dứt câu tâm sự với đại thần Ma-ha Na-ma, thì đoàn người đã từ từ gần đến hoa lâm viên Lam-tỳ-ni. Khi đến ngoài cửa hoa lâm viên, đại vương cho sứ giả vào báo tin cho hoàng hậu:
-Hoàng hậu đầy phước đức khéo sinh hạt giống Thánh, Hậu nên cho người bố trí, trang hoàng nơi Thái tử hạ sinh một cách hết sức trang nghiêm tốt đẹp, ta muốn thấy dung nhan Thái tử. Tuy thuở trước Thái tử còn ở trong thai, ta đã từng thấy hiện các điềm lành hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu. Nhưng nay tâm ta nhớ tưởng đến con, muốn đến nhìn tận mặt. Vậy nên Hậu cho người trang hoàng cấp tốc.
Quốc đại phu nhân Ma-da được tin Hoàng thượng giá lâm, lập tức cho người chuẩn bị đầy đủ mọi sự được tốt đẹp trang nghiêm, theo lễ nghi một Thái tử yết kiến vua cha. Mọi việc đâu đó xong rồi, liền cho sứ giả phụng thỉnh Hoàng thượng:
-Đã đến lúc xin cung nghinh Hoàng thượng giá lâm viên nội.
Khi vua quan đã đến dưới tàn cây Vô ưu, có một tỳ nữ hai tay bồng Thái tử đến yết kiến Đại vương, tỳ nữ tâu:
-Hôm nay Đồng tử xin đảnh lễ Phụ vương.
Đại vương nói:
-Không được phép như vậy, ngươi phải đưa Đồng tử sang lễ thầy Bà-la-môn của ta trước, rồi sau mới yết kiến ta.
Tỳ nữ bồng Đồng tử đến đảnh lễ các Quốc sư Bà-la-môn.
Các vị Quốc sư Bà-la-môn chăm chú nhìn dung nhan Đồng tử trong giây lát rồi tâu Đại vương:
-Nhân đây chúng tôi xin chú nguyện: “Cầu chúc Đại vương tôn vinh muôn thuở!” Nhân thây tướng siêu việt của Thái tử, xin cầu nguyện: “Hạt giống dòng vua họ Thích đâm chồi nảy lộc, luôn luôn tươi tốt sum suê. Thái tử của Đại vương nhất định sẽ thành Chuyển luân thánh vương”.
Đại vương Tịnh Phạn lại hỏi các vị quốc sư Bà-la-môn:
-Lý do gì quốc sư biết chắc như vậy?
Quốc sư lại tâu Đại vương:
-Theo sự hiểu biết của chúng tôi qua luận Tỳ-đà-la, thấy các tướng tốt của Đồng tử phù hợp trong luận. Việc này hoàn toàn chân thật.
Đại vương lại hỏi:
-Nếu đúng như vậy, thì dòng họ Thích của ta sẽ làm Chuyển luân thánh vương, dòng họ Cam Giá ta sẽ được phát triển. Tại sao các nhà vua hiện tại đối với phước đức này, siêng năng tinh tấn tu hành khổ hạnh đều không được đầy đủ? Nhưng ta ngày nay sinh được Đồng tử có đầy đủ phước đức ấy, giồng như các vị vua trong kiếp ban sơ thuở trước, oai lực dũng kiện, phước đức đầy đủ không khác. Vậy thì dòng họ ta sẽ được hưng thịnh, giống như các Chuyển luân vương kiếp ban sơ.
Hoàng hậu Ma-da thây Đại vương Tịnh Phạn cùng các Quốc sư Bà-la-môn vẻ mặt tươi cười, liền thưa hỏi Đại vương:
-Xin Đại vương chỉ cho thần thiếp biết tướng mạo như thế nào là Chuyển luân thánh vương? Ôi thế nào là điều lành? Xin Đại vương vì thần thiếp nói sơ lược nét chính yếu, khiến tâm thiếp cùng được hân hoan.
Đại vương Tịnh Phạn xoay lại hỏi quốc sư Bà-la-môn:
-Này nhân giả Đại sư, xin quốc sư vì trẫm giải thích tướng mạo Chuyển luân thánh vương.
Quốc sư Ma-ha Na-ma và các vị đại Bà-la-môn đồng giải thích cho Đại vương và Hoàng hậu:
-Xin Đại vương và Hoàng hậu chú ý lắng nghe, chúng tôi sẽ trình bày tường tận. Chúng tôi được thừa hưởng các luận của chư Thánh đời trước truyền lại, trong luận dạy: Chuyển luân thánh vương phải đầy đủ các công đức một cách tự tại. Như khi Thánh vương đi giáo hóa trị dân, thì Chuyển luân thánh vương bay bổng trên hư không một cách tự tại như đi trên mặt đất. Trong quốc gia của Thánh Vương, chỗ nào hạn hán, tùy theo ý muốn thì trời liền mưa, nơi nào dân chúng độc ác, sân si, tật đố, ganh tị, ôm lòng hận thù… Nhờ oai đức của Thánh vương, thì dân chúng trong nước tâm được hoan hỷ. Chuyển luân thánh vương có đầy đủ bảy thứ báu, đó là: Bánh xe vàng, ngọc thần, voi thần, ngựa thần, ngọc nữ, quan chủ kho tàng và chủ binh lính. Chuyển luân thánh vương thọ mạng lâu dài, hoàn toàn không hoạnh tử, ít bệnh, ít buồn phiền, tướng mạo tuấn tú khôi ngô, thế gian không ai sánh bằng. Tất cả dân chúng trong nước ai cũng kính mến vua giống như con một, Thánh vương đem tâm thương yêu bảo hộ dân chúng hơn cha mẹ thương con đỏ.
Đại vương lại hỏi quốc sư Bà-la-môn:
-Này đại Bà-la-môn, theo lời nhân giả nói, hễ ai làm Chuyển luân thánh vương đều có những phước đức như vậy?
Lúc ấy, Thánh mẫu hoàng hậu Ma-đa lại thưa cùng Đại vương Tịnh Phạn:
-Tâu Đại vương, những việc như vậy chưa đủ lấy làm lạ. Tại sao? Vì Đồng tử của chúng ta ngày nay, sinh trong dòng họ Cam Giá thuộc giai cấp vua chúa thì đối với việc ấy có gì là lạ.
Đại vương lại nói:
-Này Hoàng hậu, thật là hy hữu! Chuyển luân thánh vương ít khi xuất hiện trong nhân gian, chỉ có oai đức của Thánh vương mới có quả báo tốt đẹp đặc biệt như vậy, theo trẫm, trẫm cho rằng hết sức lạ lùng! Bởi vì tất cả các vị Thánh vương trong quá khứ, không có một vị nào có trường hợp đặc biệt như Đồng tử. Chẳng hạn như dòng Cam Giá Nhật của trẫm sinh hạ các vua: Từ Ni-câu-la, Kiêu-câu-la, Cù-cù-la, hoặc phụ vương ta là Sư Tử Giáp, cho đến thân ta ngày nay, không một ai có hiện tương đặc biệt như vậy. Chắc phải có một nguyên nhân gì, nên Đồng tử mới có điều đặc biệt như vậy?
Quốc sư Ma-ha Na-ma cùng các vị quốc sư Bà-la-môn lại tâu Đại vương:
-Xin Đại vương phải biết, những việc đã có từ trước, hoặc sau này cũng có thể xuất hiện thì chưa đủ lấy làm lạ. Đại vương lẽ nào không nghe: Thuở xưa có một vị vua tên là Da-da-đề có đầy đủ các công đức, thân phụ tên là Bà Lưu, nhà vua có một người con tên là Bất Lưu, Bất Lưu có một người con tên là Truân-đầu-ma-la, Truân-đầu- ma-la có một người con tên là Ca-xoa-phước, Ca-xoa-phước có một người con tên là A-la-kỳ-bất, A-la-kỳ-bất có một người con tên là Mạn-đế-lệ-da-ni, Mạn-đế-lệ-da-ni có người con tên là Nhân-la-bà-tỳ-la, Nhân-la-bà-tỳ-la có một người con tên là Đầu-sơ-ban-na. Những vị vua như vậy có đầy đủ oai đức, nhưng không được làm Chuyển luân thánh vương. Đầu-sơ-bàn-na là vị vua cuối cùng của các vị vua này, sinh một người con tên là Bà-la-đà, chỉ có Bà-la-đà mới làm Chuyển luân thánh vương.
Lại nữa, trong kiếp ban sơ thuộc thời quá khứ, có một người thuộc dòng Sát-đế-lợi tên Ma-ha Tam-ma-đa từ Thiên giới giáng sinh, nhưng chẳng được làm Chuyển luân thánh vương, các vị vua sau đó chuyển tiếp kế vị, cho đến vua Đảnh Sinh mới được làm Chuyển luân thánh vương. Vua Đảnh Sinh thống trị cho đến cõi trời Đao-lợi, con cháu nhiều đời về sau của tổ phụ cũng tiếp tục làm vua, nhưng phước đức giảm dần, không được làm Chuyển luân thánh vương.
Đại vương Tịnh Phạn lại nói với quốc sư đại Bà-la-môn:
-Lời nói của quốc sư rất đúng. Vì sao? Trẫm cũng muốn con trẫm được như vậy, cũng nguyện con trẫm được y như lời quốc sư nói.
Rồi nhà vua tự thầm nghĩ: “Ta nay rước Đồng tử về triều, không biết dùng xe kiệu gì đây?” Nhà vua vừa nghĩ xong, thì có đoàn thợ thiện xảo ở cõi trời Đao-lợi của vua Đế Thích làm thành một chiếc kiệu bảy báu, nhà vua thấy chiếc xe xuất hiện không phải do sức người làm nên, hết sức trang nghiêm đẹp đẽ, tuyệt hảo vô song. Đại vương lập tức ra lệnh khẩn cấp sửa sang, chỉnh đốn thành Ca-tỳ-la, quét dọn tất cả các thứ gai góc, sỏi đá cát sạn, dơ uế, những nơi gồ ghề đều được san bằng, mọi nơi đều được sạch sẽ, không còn một cái gì tồi tệ làm mất vẻ mỹ quan. Thành Ca-tỳ-la được trưng bày đủ các thứ tốt đẹp, giống như thành Càn-thát-bà. Trong thành tổ chức trình diễn đủ các trò vui, tất cả nhạc công, kỹ nữ đàn ca múa hát. Những trò ảo thuật: hoặc biến thành viên ngọc, hoặc phun ra nước, hoặc hóa trang giả làm phụ nữ… Tất cả những trò vui như vậy đều tập họp về nội thành. Khi ấy họ biểu diễn đủ cách: Hoặc có người phóng mình lên hư không, hoặc có kẻ rung chuông, hoặc có người đánh trống, hoặc có kẻ mang giày dép đứng trên đầu cây gậy, hoặc có người đi lộn ngược, đầu đội đất chân đạp trời, hoặc có kẻ giồi cầu xoay thành vòng tròn, hoặc có người chạy trên dây giăng ngang qua hư không, hoặc có người phóng lao, hoặc có người múa kiếm, hoặc biểu diễn tiếng hét lớn la to, hoặc thổi còi bằng ngón tay, hoặc trò đùa vung tay áo… vô sô” những trò chơi như vậy.
Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương Hộ thế đều ẩn hình chư Thiên, hiện thân thiếu niên Bà-la-môn đầu búi tóc, hình dung đoan chánh khả ái, vai khiêng chiếc kiệu bằng ngọc để rước Bồ-tát sơ sinh về thành. Trời Đế Thích cũng ẩn bổn thân hóa làm đồng niên Bà-la-môn, đầu búi tóc, hình dung đoan chánh, thân mặc áo vàng, tay trái cầm chiếc bình vàng, tay phải cầm chiếc gậy ngọc đi tiên phong để dọn đường, miệng hô to: Này tất cả lữ hành nên tránh xa hai bên đường, nhường lối cho Đấng Tối thắng đi, ngài sắp trên đường về hoàng cung (bốn câu trên đây, trong bản tiếng
Phạm lặp lại hai lần để nói lên sự quan trọng).
Lúc ấy, vua trời Đại phạm cõi sắc lặp lại bài kệ ca ngợi Bồ-tát:
Chư Thiên, nhân loại không bằng Phật,
Mười phương thế giới cũng như vậy,
Mọi người trần thế tôi trông thấy,
Không có một ai như Đức Phật.
Trước khi Bồ-tát sắp rời vườn Lam-tỳ-ni nơi thành Thiên tý để về thành Ca-tỳ-la, chư Thiên rưới nước quét dọn đường sá.
Lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay cầm một bình vàng đựng đầy nước hương thơm, đi theo thứ tự về phía trước Bồ-tát để rưới nước trên mặt đường.
Kế đến lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay cầm chổi đi phía trước Bồ-tát để quét dọn đường sá.
Kế đến lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay bựng lư hương làm bằng các ngọc quý, xông các danh hương cúng dường Bồ-tát, đi phía trước để dẫn đường.
Kế đến có năm trăm ngọc nữ chư Thiên tay bưng bình vàng đựng đầy hương kỳ diệu, đi trước Bồ-tát để dẫn đường.
Kế đến lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay cầm cây quạt làm bằng lá Đa-la rất đẹp, đi phía trước Bồ-tát để dẫn đường.
Kế đến lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay cầm lông đuôi chim công phe phẩy, đi phía trước Bồ-tát để dẫn đường.
Kế đó lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay cầm nơm làm bằng lá Đa-la, đi phía trước Bồ-tát để dẫn đường.
Kế đến lại có năm trăm ngọc nữ chư Thiên, mỗi nàng tay cầm ghế xếp, đi phía trước Bồ-tát để dẫn đường.
Lại có năm ngàn Thiên nữ đều cầm chuông vàng luôn luôn rung động, phát ra âm thanh kiết tường, đi trước Bồ-tát để dẫn đường.
Lại nữa, có hai vạn năm ngàn hương tượng, đều dùng yên, dây đai, bàn đạp bằng vàng, với một tấm giáp vàng phủ lên thân. Tất cả những gì trang điểm trên mình hương tượng cũng đều bằng vàng. Lại nữa, một mành lưới bằng vàng từ trên rủ xuống, chung quanh hương tượng, đoàn voi như thế tuần tự đi sau Bồ-tát.
Lại có hai vạn con ngựa quý, lông mình xanh biếc, bờm và đầu đen tợ như quạ, lông đuôi chấm đất. Các thứ: Dàm, dây cương, yên, bàn đạp, dây đai được trang sức bằng vàng. Ngoài ra bên trên còn rũ xuống một lớp lưới trời bằng vàng, đoàn ngựa theo thứ tự đi sau Bồ-tát.
Lại có hai vạn chiếc bảo xa, đều là xe tứ mã, trên mỗi xe dùng phướn, lọng, mành lưới làm bằng vàng cõi trời rủ xuống theo thứ lớp đi sau Bồ-tát.
Lại có bốn vạn tráng sĩ đi bộ rất dũng mãnh, một người địch lại ngàn người, đều là hảo tướng trượng phu, ý chí khí khái, có tài đánh dẹp giặc thù, thân mặc áo giáp, có kẻ tay cầm cung đao, có kẻ tay cầm thiết luân, hoặc có kẻ tay cầm dáo mác, theo thứ lớp hộ vệ đi sau Bồ-tát.
Lại có vô lượng vô biên đại chúng chư Thiên cõi sắc, có đại oai đức thế lực đi bên phải hộ vệ Bồ-tát.
Lại có vô lượng vô biên đại chúng chư Thiên cõi Dục, có đại oai đức thế lực đi bên trái hộ vệ Bồ-tát.
Lại có vô lượng vô biên Long-vương, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-hầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Cưu-bàn-trà, La-sát, Tỳ-xá-giá… xuất hiện bán thân khắp hư không, tay cầm đủ thứ hoa quý lạ tùy tùng hộ vệ Bồ-tát.
Lại có vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức Thiên vương, Thiên thần khắp cả hư không, vui mừng hớn hở không sao kềm chế được nên tự Cất tiếng kêu to, hoặc thổi còi bằng ngón tay, hoặc múa, hoặc ca, phát ra những âm thanh tuyệt diệu lạ thường, hoặc có kẻ vung tay áo, hoặc có kẻ vung tay chân biểu diễn những trò vui nhộn. Hoặc đem theo phấn hương, sáp thơm, tràng hoa, chuỗi anh lạc, hoa Mạn-đà-la… Mỗi người tự bưng trên tay từ hư không rải xuống trên mình Bồ-tát, rồi lại rải lên mình tất cả chư Thiên.
Do oai đức thế lực của Bồ-tát, nên không nghe có hơi người, tất cả người trần gian tuy thấy sắc tướng chư Thiên nhưng không sợ hãi, cũng không phóng dật.
Khi ấy, tất cả quyến thuộc dòng họ Thích đem bốn thứ binh chủng: Xa binh, mã binh, tượng binh và bộ binh vây quanh trước sau tả hữu tùy tùng hộ vệ Bồ-tát. Đoàn người tràn ngập cả thành Ca-tỳ-la.
Vua Tịnh Phạn đem hết oai đức thế lực của một Đại vương, ra lệnh đánh vô lượng trống, nào trống lớn trống nhỏ, lại thổi vô lượng vô biên tù và. Vô lượng vô biên những nhạc khí như vậy, phát sinh vô lượng âm thanh vi diệu khác nhau để tỏ lòng vui mừng đón rước Bồ-tát vào thành Ca-tỳ-la.
Thuở ấy, cách thành Ca-tỳ-la chẳng bao xa có một đền thờ Thiên thần, vị Thần linh nơi đền thờ này tên là Tăng Trưởng, nơi đây luôn luôn có vô số nam nữ thuộc dòng họ Thích quỳ lạy lễ bái cầu nguyện, thường được mọi sự như ý. Bấy giờ Đại vương Tịnh Phạn muôn đưa Bồ-tát đến đền thờ này nên bảo quần thần:
-Ta nay đưa Đồng tử đến lễ bái Đại Thiên thần.
Khi nhũ mẫu bồng Đồng tử đến trước đền thờ, liền xuất hiện một nữ Thiên thần tên là Vô úy, từ nơi tượng nữ Thiên thần chính giữa điện thờ bước xuống nghinh tiếp Đồng tử Bồ-tát, chắp tay cung kính đảnh lễ, đầu mặt sát chân Bồ-tát và nói với nhũ mẫu:
-Đồng tử là Bậc tối thắng trong chúng sinh, không nên xúc phạm đến Ngài (hai câu này bản tiếng Phạn lập lại hai lần), chẳng nên để Đồng tử quỳ gối lễ bái ta, mà ta phải lễ bái Đồng tử. Vì sao?
Vì ai nhận sự lễ bái của Đồng tử thì đầu người đó sẽ vỡ làm bảy mảnh.
(Đầu quyển 9 theo bản Hán)
Bấy giờ ở thành Ca-tỳ-la có năm trăm đại thần thuộc dòng họ Thích đều là quyến thuộc của Bồ-tát, mỗi người trở về nơi tư thất lập một tinh xá chờ rước Bồ-tát vào an nghỉ. Ngay khi Bồ-tát vừa vào cửa thành, mỗi vị đại thần đều đứng trước ngõ tư gia của mình, với tấm lòng đầy hoan hỷ chắp tay cung kính tác bạch:
-Cúi xin Đấng Trời trong các hàng trời, quang lâm tinh xá chúng tôi.
Hoặc bạch:
-Cúi xin Bậc Thủy thủ vĩ đại vượt qua biển sinh tử, quang lâm tinh xá chúng tôi.
Hoặc bạch:
-Cúi xin Bậc Thân kim sắc thanh tịnh trong chúng sinh, quang lâm tinh xá chúng tôi.
Hoặc tác bạch:
-Cúi xin Bậc Ban tất cả hoan hỷ, quang lâm tinh xá chúng tôi.
Hoặc kính bạch:
-Cúi xin Bậc Tiếng tốt vang khắp mọi nơi không chút tì vết, quang lâm tinh xá chúng tôi.
Hoặc kính bạch:
-Cúi xin Bậc Tối tôn không ai sánh bằng, quang lâm tinh xá chúng tôi.
Lúc ấy, đại vương Tịnh Phạn đem lòng thương xót năm trăm vị đại thần quyến thuộc này, nên đưa Đồng tử tuần tự vào viếng thăm tất cả các tinh xá rồi sau mới về nội cung.
Chính trong ngày đản sinh Bồ-tát, lại có:
Năm trăm Đồng tử dòng họ Thích cũng đồng sinh, mà tôn nhan của Bồ-tát là tốt đẹp nhất.
Năm trăm Đồng nữ dòng họ Thích cũng đồng sinh, mà nàng Da-du-đà-la là người đẹp nhất.
Năm trăm nô bộc của họ Thích cũng đồng sinh, mà Xa-nặc sinh trong cung vua là bậc nhất.
Năm trăm tỳ nữ của dòng họ Thích cũng đồng sinh, mà con của người hầu hạ Thái tử ở trong cung vua là bậc nhất.
Năm trăm bạch mã khỏe tốt cũng đồng sinh, mà con ngựa Kiền-trắc trong chuồng ngựa nhà vua là bậc nhất.
Năm trăm hương tượng chúa khỏe mạnh đều sáu ngà, sắc trắng như tuyết bỗng nhiên xuất hiện trước cửa cung điện.
Năm trăm kho vàng lớn đang ẩn tàng bỗng nhiên xuất hiện chung quanh bốn mặt thành Ca-tỳ-la.
Năm trăm hoa lâm viên tuyệt hảo xuất hiện trên bốn mặt thành Ca-tỳ-la, khắp mọi nơi trong vườn đều có dòng suối, ao tắm, hoa quả… tất cả đều do oai đức thế lực của Thái tử.
Năm trăm thương gia, cũng trong ngày đó mang theo nhiều của cải ngọc ngà châu báu đến thành Ca-tỳ-la.
Năm trăm vua chư hầu, cũng trong ngày đó cho sứ giả mang năm trăm tàn lọng và năm trăm bình bằng vàng, đến chỗ Đại vương thưa: Bầy tôi chư hầu đem lễ mọn phụng hiến Đại vương để chúc mừng Thái tử.
Các vị Bà-la-môn, Sát-đế-lợi và các vị Trưởng giả, tất cả năm ngàn người, mỗi người đều đem theo mỹ nữ đến hiến dâng lên đại vương Tịnh Phạn. Lúc bấy giờ mọi nhu cầu của nhà vua đều được đầy đủ.
Khi ấy vua Tịnh Phạn suy nghĩ: “Ta nay sinh Thái tử sẽ đặt tên gì?” Rồi lại nghĩ tiếp: “Ngày sinh ra Thái tử, mọi sự lợi ích tự nhiên được thành tựu. Vậy ta nay có thể lấy sự việc này đặt tên cho Thái tử là Thành Lợi.” Đại vương truyền mở kho lấy trăm ức lượng vàng cúng dường cho Thái tử Thành Lợi để gọi là lễ đặt tên. Rồi nhà vua nói kệ:
Ngày ấy trong cung vua,
Mọi sự đều phong phú.
Nay đặt tên Thái tử,
Quý danh là Thành Lợi.