SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN IX

Phẩm 8: TƯỚNG SƯ XEM TƯỚNG

Đại vương Tịnh Phạn cho mời tất cả tướng sư danh tiếng về triều để bàn giải, nhà vua bảo:.

-Này các tướng sư, các khanh phải quan sát thật tường tận tướng kiết hung của Thái tử, rồi bàn giải xem thử có điều gì tốt xấu đối với hoàng tộc ta chăng?

Các tướng sư Bà-la-môn vâng lệnh nhà vua, chú tâm quán sát hình dung Thái tử, rồi y vào sách vở của Thánh hiền đời trước để lại cùng nhau bàn luận, sau khi bàn luận nhất trí lại tâu nhà vua:

-Tâu Đại vương, ngày nay hoàng tộc được nhiều lợi ích. Vì sao? Vì Thái tử sinh trong hoàng cung là bậc Đại tôn quý của chúng sinh, có đầy đủ oai đức. Đại vương phải biết, Thái tử có ba mươi hai tướng Đại Trượng phu, hễ trong thế gian ai có ba mươi hai tướng này, nhất định thọ nhận được một trong hai phước báo. Hai phước báo đó là gì? Một là nếu ở tại gia thì hưởng phước lạc thế gian, làm Chuyển luân thánh vương thống lãnh bốn châu thiên hạ, hộ trì đại địa, đầy đủ bảy báu, cho đến không dùng binh đao, quân đội áp đặt dân chúng, mà dân chúng mọi nơi, từ đất liền cho đến ngoài biển cả đều tự nhiên sống y như chánh pháp. Hai là nếu bỏ vương vị xuất gia học đạo sẽ thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tiếng tốt vang khắp mọi nơi trong thế gian.

Đại vương nghe rồi lại gạn hỏi các tướng sư:

-Trên thân Thái tử có những gì gọi là ba mươi hai tướng Đại Trượng phu?

Tướng sư Bà-la-môn thưa:

-Ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân, đó là:

  1. Dưới lòng bàn chân Thái tử bằng phẳng đầy đặn, bước đi vững vàng.
  2. Chính giữa lòng bàn chân Thái tử đều có hình dáng bánh xe ngàn căm, rõ ràng, trong sạch, dễ cảm.
  3. Ngón tay Thái tử thon dài.
  4. Gót chân Thái tử tròn đẹp.
  5. Lưng bàn chân Thái tử tròn đầy.
  6. Tay chân Thái tử mềm mại.
  7. Giữa kẽ ngón tay ngón chân Thái tử có màng lưới mỏng.
  8. Bắp chân Thái tử như chân nai chúa.
  9. Thái tử đứng thẳng người, hai tay dài quá gối.
  10. Thái tử có tướng Mã âm tàng.
  11. Mỗi lỗ chân lông trên làn da Thái tử mọc một sợi lông hình xoắn ốc.
  12. Lông trên thân Thái tử rất đẹp.
  13. Làn da của Thái tử mịn như bông gòn.
  14. Lông trên thân Thái tử màu vàng.
  15. Thân thể Thái tử hoàn toàn trong sạch.
  16. Miệng Thái tử bên trong sâu đẹp, bên ngoài vuông vức như nụ cười.
  17. Hai gò má của Thái tử vuông vức như gò má sư tử chúa.
  18. Hai ổng chân Thái tử thon dài.
  19. Thân thể Thái tử, trên dưới, hai bên cân đối như cây Ni-câu-loại.
  20. Bảy chỗ trên thân Thái tử đầy đủ, tốt đẹp.
  21. Thái tử có bốn mươi răng.
  22. Các răng Thái tử đều, bằng và khít nhau.
  23. Các răng Thái tử không thưa, không mẻ, không lòi xỉ.
  24. Các răng Thái tử trắng sạch.
  25. Thân Thái tử trong sạch, thuần một màu vàng ròng.
  26. Tiếng nói Thái tử như tiếng Phạm vương.
  27. Lưỡi của Thái tử rộng dài, rất mềm mỏng, màu đỏ tươi.
  28. Những thức ăn đưa vào lưỡi đều biến thành thượng vị.
  29. Tròng mắt màu xanh biếc.
  30. Hai hàng lông mi của Thái tử như lông mi trâu chúa.
  31. Sợi lông trắng giữa hai hàng lông mày của Thái tử mềm mại trong sáng óng ánh, xoắn ốc về phía phải.
  32. Nhục kế trên đảnh đầu Thái tử nhô lên, cao rộng bằng phẳng đẹp đẽ.

Tâu Đại vương, đó là ba mươi hai tướng Đại Trượng phu của Thái tử. Nếu ai đầy đủ ba mươi hai tướng này, thì người ấy sẽ hưởng một trong hai phước báo: Tại gia và xuất gia như đã nói trên.

Đại vương nghe lời trình bày của các tướng sư, vui mừng hớn hở tràn ngập tâm can, không sao giữ được vẻ tự nhiên, vội thết đãi món ăn trăm vị để cho tướng sư mặc tình thưởng thức. Rồi đem đủ các thứ y phục thượng hạng và của cải châu báu cung cấp cho các tướng sư Bà-la-môn.

Khi đó trong thành Ca-tỳ-la, nhà vua tổ chức hội bố thí Vô già khắp các ngã tư và các đầu đường đi vào thôn xóm, hễ ai cần vật gì thì cung cấp cho vật ấy: cần đồ ăn thì cung cấp đồ ăn, cần đồ uống thì cung cấp đồ uống, cần y phục thì cung cấp y phục, cần của cải thì cung cấp của cải, cần xe cộ thì cung cấp xe cộ… Nhà vua nguyện đem bao nhiêu công đức này hồi hướng về làm lợi ích cho Thái tử.

Nhắc lại lúc Bồ-tát nhiếp tâm chánh niệm, xuất sinh từ hông bên phải của Thánh mẫu Ma-da tại vườn Lam-tỳ-ni, thuộc thành Thiên tý. Ngài phóng đại quang minh soi khắp cả thế giới, quả đất sáu thứ chấn động và xuất hiện mười điềm lành. Bấy giờ, chư Thiên, Thần tiên cõi Địa cư thấy những hiện tượng lạ này, rất đỗi vui mừng không thể tự kềm chế, cất tiếng hoan hô: “Ngày nay Bồ-tát đản sinh trong vườn Lam-tỳ-ni dưới cõi Diêm-phù-đề, ngài đem lại đại an lạc cho tất cả người trời trong thế gian, ngài làm ngọn đuốc lớn, chiếu tan bóng tối hắc ám vô minh của tất cả chúng sinh”.

Lúc ấy, bốn vị Thiên vương nghe tiếng tán thán của chư Thiên thần tiên dưới cõi trời Địa cư. Cõi trời này họ cùng nhau truyền miệng, vui mừng vung múa, cất tiếng hô to: “Bồ-tát đản sinh, đem lại ánh sáng an lạc cho tất cả chúng sinh thế gian”.

Chư Thiên cõi trời Đao-lợi nghe tiếng tán thán từ cõi trời Tứ-thiên cũng rất đỗi vui mừng. Như vậy cho đến chư Thiên cõi trời Dạ-ma nghe tiếng tán thán từ cõi trời Đao-lợi. Cho đến cõi trời Đâu-suất nghe tiếng tán thán từ cõi trời Dạ-ma. Chư Thiên cõi trời Hóa lạc nghe tiếng chư Thiên cõi trời Đâu-suất. Chư Thiên cõi trời Tha hóa tự tại nghe tiếng tán thán từ cõi Hóa lạc. Lần lượt chuyển tiếp cho đến cõi Phạm thiên sắc giới nghe tiếng tán thán của chư Thiên từ cõi Tha hóa tự tại. Chư Thiên cõi trời Phạm chúng nghe tiếng tán thán từ cõi Phạm thiên. Chư Thiên cõi trời Phạm phụ nghe tiếng tán thán từ cõi trời Phạm chúng. Chư Thiên cõi Đại phạm nghe tiếng tán thán từ cõi trời Phạm phụ. Chư Thiên cõi Quang thiên nghe tiếng tán thán từ cõi trời Đại phạm. Chư Thiên cõi trời Thiểu quang nghe tiếng tán thán từ cõi trời Quang thiên. Chư Thiên cõi Vô lượng quang nghe tiếng tán thán từ cõi trời Thiểu quang. Chư Thiên cõi Quang âm nghe tiếng tán thán từ cõi Vô lượng quang. Chư Thiên cõi Tịnh thiên nghe tiếng tán thán từ cõi Quang âm. Chư Thiên Thiểu tịnh nghe tiếng tán thán từ Tịnh thiên. Chư Thiên Vô lượng tịnh nghe tiếng tán thán từ cõi Thiểu tịnh. Chư Thiên cõi Biến tịnh nghe tiếng tán thán từ cõi Vô lượng tịnh. Chư Thiên cõi Quảng thiên nghe tiếng tán thán từ cõi Biến tịnh. Rồi từ cõi Quảng thiên đến cõi trời Thiểu quảng, từ cõi Thiểu quảng đến cõi trời Vô lượng quảng, từ cõi trời Vô lượng quảng đến cõi trời Quảng quả, từ cõi Quảng quả đến cõi Nhiệt thiên, từ cõi Nhiệt thiên đến cõi trời Vô nhiệt, từ cõi trời Vô nhiệt đến cõi trời Vô tỷ, từ cõi trời Vô tỷ đến cõi trời Thiện hiện. Từ cõi trời Thiện hiện như vậy lần lượt tiến đến cõi trời Sắc cứu cánh chỉ trong thời gian chớp nhoáng.         Tất cả chư Thiên đều xướng lên:

-Ngày nay Bồ-tát đản sinh nơi thế gian, Ngài đem lại cho trời người an lạc vô biên. Ngài làm ngọn đèn lớn chiếu phá màn vô minh hắc ám cho chúng sinh.

Bấy giờ Tiên nhân A-tư-đà đang tịnh tu tại cung trời Đao-lợi, thấy chư Thiên cõi trời này vui mừng hớn hở không giữ được vẻ bình thường, hoặc vung múa y phục, hoặc cất tiếng ca ngợi vang dội như đã nói trên. Tiên nhân hỏi chư Thiên:

-Này các nhân già Đại đức cõi trời Đao-lợi, ngày nay tại sao các ngài vui mừng hớn hở tràn ngập tâm can, không thể kềm chế được, đến nỗi miệng hoan hô, tay vung múa áo mũ?

Chư Thiên cõi Đao-lợi đáp:

-Này Tiên nhân A-tư-đà, Đại đức không nghe sao! Ngày nay nơi nhân gian, dưới cõi Diêm-phù-đề, ngay phía bắc Tuyết sơn, có một kinh đô thuộc dòng họ Thích tên là Ca-tỳ-la, đặt dưới sự thống trị của Đại vương Tịnh Phạn, đệ nhất Phu nhân của nhà vua sinh một Thái tử dung mạo cực kỳ tuấn tú, khả ái tuyệt vời, thân như vàng ròng, đầu tròn như chiếc lọng, mũi cao tròn thẳng, hai tay dài quá gối, hình thể đoan nghiêm, sáu căn hoàn hảo, bất cứ một bộ phận nào trên cơ thể cũng đều tuyệt đẹp, giống như pho tượng vàng ròng, đầy đủ ba mươi hai tướng Đại Trượng phu và tám mươi vẻ đẹp. Này Đại tiên, Thái tử ở trong thế gian, đối với tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn… chứng được các phép thần thông, quyết định sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Sau khi Ngài thành Phật, nhất định sẽ chuyển pháp luân Vô thượng thanh tịnh, tuyên dương chánh pháp: Sơ thiện, Trung thiện, Hậu thiện, đều là pháp môn bí mật, nghĩa lý thâm diệu, thanh tịnh Phạm hạnh. Tất cả chúng sinh do trong khi nghe thuyết pháp: Hoặc có chúng sinh còn nghiệp sinh thì dứt hẳn nghiệp sinh. Hoặc có chúng sinh nào còn thọ cảnh già nua, thì dứt cảnh già nua. Hoặc chúng sinh nào còn thọ bệnh tật, thì dứt hẳn không còn bệnh tật. Hoặc chúng sinh nào còn thọ cảnh đau khổ chết chóc, thì dứt hẳn cảnh đau khổ chết chóc. Tất cả Ưu sầu khổ não đều được đoạn trừ, tiêu diệt tận gốc rễ.

Tiên A-tư-đà nghe rồi sinh tâm kính tín, liền ẩn thân nơi cung trời Đao-lợi, hiện xuống nhân gian nơi rừng Tăng trưởng. (Lúc bấy giờ lại có một thuyết cho: Phía Nam nước Ấn Độ thuở ấy, cố một thành tên là Ưu-thiền-da-ni, cách thành này chẳng bao xa có một núi tên là Tần-đà, trong núi này lại có một ngọn núi tên là A-tư-đà, lúc ấy có một Tiên nhân tu trong núi A-tư-đà, người đời lấy tên núi đặt tên Tiên nhân là A-tư-đà).

Khi Tiên nhân từ trời Đao-lợi giáng xuống núi này có đem theo một thị giả tên là Na-la-đà. Từ núi này hai thầy trò ẩn thân bay trong hư không đến thành Ca-tỳ-la, khi gần đến thành, Tiên nhân hạ xuống đứng suy nghĩ: Ngày trước ta đến thành này, nghe các vị Quốc sư và các thầy Bà-la-môn tiên đoán: “Đại vương sẽ sinh được Đồng tử Bồ-tát, Đồng tử này là bậc Đạo sư của trời người. Ta chẳng nên xem thường, lẽ nào ngày nay ta hiện thần thông vào thành Ca-tỳ-la. Tại sao? Vì thành Ca-tỳ-la ngày nay chẳng giống như thành Ca-tỳ-la thuở trước. Vậy hôm nay nếu vào thành, để tỏ lòng tôn kính Đồng tử như thờ bậc Thánh tối tôn, ta cần phải có một cung cách khác.” Tiên nhân A-tư-đà và thị giả Na-la-đà đồng đi bộ theo một lối nhỏ vào thành Ca-tỳ-la, trong tâm chỉ nghĩ muốn thẳng đến cung vua Tịnh Phạn nơi ngài đang ngự. Khi đến trước cửa cung nhà vua, Tiên nhân mới thấy khắp mọi nơi trong thành Ca-tỳ-la, dân chúng đông đúc náo nhiệt, hầu như không có một nơi nào vắng bóng người, họ tổ chức quang cảnh nội thành thật trang nghiêm để tỏ lòng kính mừng Thái tử Bồ-tát.

Mọi người thấy Tiên nhân A-tư-đà đi bộ vào thành bằng một con đường nhỏ hướng thẳng về cửa cung, họ liền đổ xô về phía Tiên nhân, và rất ngạc nhiên, không biết lý do gì ngài xuất hiện nơi đây? Mà không dám thưa hỏi. Cũng trong lúc này nơi thành nội: Hoặc có người đứng trước cửa nhà mình, hoặc có người đứng nơi cửa sổ, hoặc có người tựa lan can, hoặc có người đứng trên đài cao, hoặc có người đứng trên lầu, họ đều đưa mắt về phía Tiên nhân cùng nói với nhau: “Thuở trước vị Tiên nhân này đến thành Ca-tỳ-la, vận sức Đại thần thông, đằng vân đến vương cung Đại vương Tịnh Phạn, không biết vì lý do gì ngày nay lội bộ đến vương cung?”

Đại tiên A-tư-đà đến trước cửa cung nhà vua rồi, nói với người giữ cửa:

-Ta là Bà-la-môn kỳ cựu từ trước còn lại thuộc hàng tổ phụ, và đây là Đồng tử Na-la-đà vừa lên tám tuổi là đệ tử của ta, ngày nay ta già nua lại đi bộ đến đây như kẻ thiếu niên tuổi độ đôi mươi, người có thể vì ta vào tâu giùm với Đại vương Tịnh Phạn?

Người giữ cửa thưa:

-Y như lời Tôn giả dạy, tôi xin phụng lệnh.

Rồi tên giữ cửa tiến thẳng vào nội cung, khép nép bước đi chậm rãi, tiến đến trước mặt Đại vương kính cẩn tâu mọi sự.

Nhà vua nghe qua, tâm hết sức kính ngưỡng, vui vẻ vô cùng, liền đứng dậy bảo người giữ cửa:

-Người mau mau đưa Tiên nhân đến đây không được chậm trễ.

Người giữ cửa trở lại chỗ Tiên nhân thưa:

-Bạch Đại tiên, thật đúng lúc, xin mời ngài vào trong cung.

Đại tiên A-tư-đà nghe rồi liền cùng thị giả Na-la-đà đồng vào cung vua Tịnh Phạn.

Đại vương Tịnh Phạn từ nơi chánh điện trông thấy Đại tiên A-tư-đà chậm rãi bước vào, khi gần đến, Đại vương đứng dậy tiến đến cung kính nghinh tiếp Đại tiên, Đại vương đưa hai tay xuống dưới nách Đại tiên dìu người đến bảo tòa tốt đẹp cao quý nhất mời an tọa, an tọa xong nhà vua lễ bái Đại tiên và thưa:

-Trẫm nay cung kính lễ bái Tôn giả.

Đại tiên đáp lễ, liền cầu chúc:

-Xin cầu nguyện Đại vương thường được an lạc.

Đại vương hỏi:

-Bạch Đại tiên, ngày nay ngài cần những gì mà cực nhọc từ xa đến đây? Ngài cần y phục chăng? Hay cần vật thực chăng? Hay cần những nhu cầu gì khác? Xin ngài cứ nói, trẫm đây sẽ cung cấp đầy đủ, hoàn toàn không trái ý.

Tiên nhân A-tư-đà lại tâu:

-Xin Đại vương biết cho, ngày nay hạ thần đến đây, không thiếu thốn một vật gì. Không phải cầu y thực, tôi không cần một vật gì cả. Ngày nay tôi đến đây chỉ vì muốn chiêm ngưỡng dung nhan tối thắng của Thái tử, cúi xin Đại vương cho tôi được gặp Thái tử Thiện thắng của ngài.

Đại vương đáp:

-Xin Tôn giả Đại tiên thông cảm đợi cho chốc lát, vì hiện giờ Đồng tử đang nằm ngủ trên bảo tọa còn ngon giấc, dường như chưa thức dậy.

Tiên nhân A-tư-đà liền tâu:

-Xin Đại vương chớ nên nói lời như thế, chớ nói rằng Bồ-tát còn đang ngủ. Vì sao? Vì chúng ta tuy đang thức mà cũng như người ở trong mộng. Còn Thái tử của Đại vương đã trừ diệt sự hôn trầm ngủ nghỉ từ lâu, lẽ nào ngày nay Ngài còn ngủ nghỉ. Ngày đêm Ngài luôn luôn lo đem lại sự an lạc lợi ích lớn lao cho chúng sinh mà thường ở trong định đó thôi.

Khi đại vương biết gần đến giờ Đồng tử thức dậy, liền vào nội cung ra lệnh:

-Rưới nước quét dọn sạch sẽ, rồi dùng dầu thơm và hoa tươi rải trên mặt đất. Phòng xá cung điện đều được trang trí: Lư hương xông các danh hương đặt khắp mọi nơi, lại treo các phướn lọng bằng lụa cùng các dây lèo tua tủa, với những tràng phan bằng ngọc quý, hoặc treo các chuỗi anh lạc, mành lưới bằng trân châu, những chuông rung bằng vàng treo úp xuống, xen lẫn các thứ bảo vật giống như ánh sáng mặt trời mặt trăng và các vì sao nhấp nháy, lại treo những y phục quý giá, giống như chư Thiên mang chuỗi anh lạc và cầm hoa bay trên hư không, lại treo vải nhiều màu sặc sỡ: Đỏ, vàng, hồng, tía… Dùng bao nhiêu thứ tốt đẹp như vậy trang trí cung điện hết sức trang nghiêm, giống như thành Càn-thát-bà.

Nhà vua cho mời các vị tôn túc, kỳ hào, trưởng lão có đầy đủ oai đức, thuộc hai bên nội ngoại dòng họ Thích đồng vân tập nội cung, còn Đại vương thì đứng một bên với Ma-da phu nhân.

Lúc ấy Ma-da bước đến chỗ Đồng tử, tới nơi Hoàng hậu dùng tay nâng đầu Đồng tử xoay về hướng Đại tiên nhưng do oai đức Đồng tử, nên thân Đồng tử tự xoay trở lại, chân vẫn hướng về Đại tiên. Đại vương thấy vậy lại phụ giúp Hoàng hậu xoay thân Đồng tử cho đầu hướng về phía Đại tiên để tỏ lòng lễ bái người. Nhưng cũng do oai thần của Đồng tử tự xoay trở lại, chân vẫn hướng về phía Đại tiên. Đại vương Tịnh Phạn cũng xoay như vậy đến ba lần mà vẫn không được.

Đại tiên A-tư-đà ngồi từ xa trông thấy oai thần thế lực của Đồng tử, đồng thời ánh thường quang của Đồng tử chiếu khắp cõi đại địa, tôn nhan đoan chánh khả kính, thân toàn một màu vàng, đầu tròn như chiếc lọng, mũi cao tròn thẳng, tay duỗi dài quá gối, các lóng đốt ngay thẳng cân xứng, hoàn toàn tốt đẹp, Tiên nhân liền đứng dậy bạch:

-Xin Đại vương chớ xoay đầu Thánh Đồng tử hướng về phía tôi. Tại sao? Vì đầu của Đồng tử lễ dưới chân tôi thì không đúng phép, đầu tôi phải đảnh lễ dưới chân Đồng tử.

Tiên nhân lại nói tiếp:

-Ít có thay! ít có thay! Bậc Đại nhân xuất thế. Thật hết sức hy hữu! Bậc Đại nhân xuất thế. Khi tôi ở trên cung trời Đao-lợi, nghe chư Thiên nói về Đồng tử, quả Đồng tử này đúng như lời chư Thiên nói không khác.

Lúc ấy, Tiên A-tư-đà chỉnh đốn y phục, trịch áo vai bên phải, đầu gối bên phải quỳ sát đất, đưa hai bàn tay bồng lấy Đồng tử để trên đầu rồi trở về chỗ ngồi. Tiên nhân ngồi xuống, hai bàn tay từ từ đưa Đồng tử từ trên đầu mình đặt trên hai đầu gối.

Quốc đại phu nhân Ma-da thưa cùng Đại tiên A-tư-đà:

-Xin Nhân giả tôn sư để cho Đồng tử lễ dưới chân Đại tiên.

Tiên A-tư-đà đáp:

-Thưa Quốc đại phu nhân, xin lệnh bà chớ nói lời ấy. Nay Đồng tử không nên lễ tôi, mà tôi cùng tất cả trời, người trong thế gian phải lễ bái sát dưới chân Đồng tử.

Lúc ấy đại vương Tịnh Phạn cho người mang nhiều thứ trân bảo quý giá cúng dường Đại tiên A-tư-đà.

Đại tiên lấy nước rửa sạch hai tay để nhận vật cúng dường của nhà vua. Tiên nhân nhận lấy đồ cúng rồi, lại đem hiến dâng cho Đồng tử.

Đại vương bạch Đại tiên:

-Thưa Tôn giả, trẫm đem vật này cúng cho Tôn giả, cúi xin ngài mẫn nạp, tại sao ngài lại cúng cho Đồng tử?

Đại tiên A-tư-đà đáp:

-Nay Đại vương cúng thí cho hạ thần, hạ thần cúng dường Đồng tử, Đấng tối thắng.

Đại vương lại bạch:

-Trẫm biết Đại tiên là ruộng phước vô thượng nên đem cúng dường cho Đại sư, xin thọ nhận.

Đại tiên lại đáp:

-Tâu Đại vương, hạ thần may gặp được nhân duyên tối thắng, nên đem cúng dường cho Đồng tử.

Đại vương Tịnh Phạn bạch:

-Thưa Tôn giả Đại thánh, nay trẫm không hiểu được ý của Tôn sư.

Đại tiên lại đáp:

-Đại vương phải biết, ngày nay hạ thần đem hết thân tâm quy phục Đồng tử.

Đại vương hỏi:

-Vì nhân duyên gì, xin Đại tiên giải thích cho.

Đại tiên A-tư-đà giải thích:

-Xin Đại vương chú ý lãnh hội, hạ thần sẽ vì Đại vương trình bày đầy đủ một cách mạch lạc.

Đại vương phải biết, trước đây hạ thần đang tịnh tu, hành đạo tại cung trời Đao-lợi, bỗng nhiên một hôm nọ, thấy chư Thiên cõi trời này vui mừng hớn hở tràn ngập tâm can không tự kềm chế được, họ vui đùa nhảy múa, tung áo mão tươi cười hớn hở. Lúc ấy hạ thần hỏi chư Thiên:

-Thưa các nhân giả, vì sao mà các ngài vui đùa hớn hở không thể tự chế, vung áo mão nhảy múa vui chơi như vậy?

Chư Thiên Đao-lợi đáp:

-Này Đại đức Tiên nhân, sao ngài chẳng biết, nay phía Bắc dưới chân Tuyết sơn nơi trần thế, có một kinh thành thuộc dòng họ Thích tên là Ca-tỳ-la. Vị vua đóng đô ở thành này tên là Tịnh Phạn, vị Đại đệ nhất Phu nhân của nhà vua sinh được một Đồng tử, hình dung tuấn tú khả ái, thân như vàng ròng, đầu tròn, mũi thẳng, hai chân đầy đặn, tay dài quá gối, chẳng khác nào pho tượng bằng vàng, đầy đủ ba mươi hai tướng Đại nhân và tám mươi vẻ đẹp, ai ai cũng thích chiêm ngưỡng. Đồng tử nhất định sẽ thành Bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sau khi thành Phật, Ngài sẽ chuyển Pháp luân vô thượng thanh tịnh. Tướng mạo của Đồng tử như vậy, quyết định thành Phật không nghi. Ngày ấy Đồng tử dùng thần lực biết căn tánh tất cả chúng sinh: Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Tùy mỗi chúng sinh Ngài giảng các pháp tướng… cho đến lược nói các thứ khổ não, những chúng sinh có thể giải thoát đều được giải thoát.

Này Đại vương, hạ thần nghe nói như vậy, nên mới đến đây quán sát dung nhan Đồng tử hư thật thế nào.

Đại vương Tịnh Phạn lại nói:

-Thưa Đại tiên, nếu thật vậy, ngài đã thương xót đến trẫm và Đồng tử, đem đến cho trẫm nhiều điều lợi ích, không còn gì phải ưu tư. Nhưng Đồng tử lại có pháp gì vượt qua bốn chủng hạnh, vượt qua bốn hạnh này mới là Bậc tối thắng. Nay Đồng tử đã sinh ra trong nhân gian, làm sao tương lai sẽ đắc đạo Vô thượng?

Đại tiên A-tư-đà lại tâu:

-Xin Đại vương phải biết ở khắp nơi, tất cả những vị Bà-la-môn, có tài năng vượt trội nào cũng được nhiều người biết đến.

Đại vương lại hỏi:

-Trẫm nay ở trước Đại tiên, xin ngài vì trẫm giải thích rõ ràng, trẫm nay muốn nghe.

Đại tiên A-tư-đà đáp:

-Tâu Đại vương, như hạ thần này được thừa hưởng kinh luận của chủng tộc Bà-la-môn để lại, như trong bốn kinh Tỳ-đà có nói:         Ở đời quá khứ, có một vị Bà-la-môn tên là Củ Dương, lại có một vị Bà-la-môn khác tên là Bạt-ca-lợi, lại có một Bà-la-môn khác tên là Bạt-già-bà, lại có một Bà-la-môn khác tên là Mạt-đàn-địa, lại có một Bà-la-môn khác tên là Ca-tra Ra-lỵ, lại có một Bà-la-môn khác tên là Ban-thích Thi-khí. Các vị Bà-la-môn này đều học phép kế toán của vua A-tu-la hết sức uyên thâm. Lại có Tiên nhân tên là A-đế Lợi-da, lại có một ông vua tên là Bát-ra-ma-đàn-na, lại có ông vua tên là Xà-na-ca. Những người này đều được pháp diệt khổ về thân.

Đại vương phải biết, các vị ấy như vậy! Nay Đồng tử tuy sinh trong nhân gian mà vượt lên trên mọi người, được pháp hơn người.

Này, lại nữa Đại vương, thuở quá khứ có một vị vua tên là Bà-già-la, có thể chạy qua trên ngọn sóng to như núi nơi biển cả; tổ phụ của nhà vua vô cùng khó khăn còn không thể vượt qua, mà chính bản thân nhà vua qua được.

Này Đại vương, những vị như vậy tuy sinh trong nhân gian mà có oai đức lớn, do oai đức này mà các vị vượt lên trên trời, người.

Đại vương Tịnh Phạn nói với Tiên nhân:

-Đúng như lời Tôn sư nói, trẫm đây không phải không tin, nhưng tâm trí trẫm nhỏ hẹp, nghe nói như vậy lòng sinh kinh sợ.

Đại tiên nói:

-Có lẽ trong tâm Đại vương còn hồ nghi điều gì chăng? Xin Đại vương cứ bày tỏ, hạ thần sẽ sẵn sàng giải thích.

Đại vương bạch:

-Thưa Đại tiên, trẫm thật hoài nghi, như thuở xưa có các vị vua: Điều-phù, Đa-la-cầu, Tri-ly-bà, Đạt-ly-ba. Các vị vua chưa từng được thấy, chưa từng được biết các pháp giải thoát cho chúng sinh. Tại sao Đồng tử trẫm lại thấy được, biết được việc này? Xin Đại tiên nói rõ nguyên nhân.

Tiên A-tư-đà lại đáp:

-Hạ thần cũng biết Đại vương nghi hoặc như vậy, không phải không có lý do. Vì sao? Vì Đại vương chỉ nghe người ta nói, rồi dùng tâm nhận định suy tính chấp lấy, tự sinh nghi ngờ. Phàm sự hiểu biết các vua đời trước hay đời sau, hoàn toàn nhất định không giống nhau. Này Đại vương, Vương tử, Phụ vương và Tiên vương hơn kém không đồng. Đại vương không nên chấp lấy một dòng họ nào cho là dòng họ thù thắng, cũng không nên lấy một người nào cho là siêu việt, cũng không được cho kẻ sinh trước là hơn, người sinh sau là kém, vì có kẻ sinh sau hơn người sinh trước. Này Đại vương, ví như khi rạng đông, trước tiên ta chỉ thấy ánh tán quang của mặt trời xuất hiện, rồi sau đó mặt trời mới mọc. Xét về ánh sáng lúc rạng đông chưa được sáng tỏ, sau khi mặt trời ló dạng, ánh sáng mới chiếu sáng khắp cõi đại địa, làm sáng tỏ tất cả chỗ tối tăm không bỏ sót một nơi nào. Bạch Đại vương, người trong thế gian cũng vậy, có lúc con cháu giỏi hơn cha ông.

Đại vương bạch Đại tiên:

-Thưa Đại đức Tôn sư, ngài khéo dùng thí dụ để chứng minh làm cho tâm trẫm sáng tỏ, diệt mọi nghi ngờ, sinh tâm an ổn, Đại tiên Tôn sư khéo nhiếp thọ trẫm.

Đại tiên A-tư-đà tâu:

-Tâu Đại vương, xin ngài phải biết, hạ thần nay quá già yếu, ngày tàn của cuộc đời chẳng bao lâu! Ngày nay Đồng tử còn tuổi thơ ấu, rồi trải qua năm tháng trưởng thành, sức lực đầy đủ, khi đó Đồng tử xuất gia vào trong rừng núi tu tập. Hận vì hạ thần tuổi già, không còn sống để chiêm ngưỡng Tôn nhan ngày Ngài thành đạo.

Vua Tịnh Phạn lại bạch Tiên nhân:

-Này Tôn sư Đại tiên, ngày nay Đồng tử nhất định xuất gia sao?

Tiên nhân đáp:

-Tâu Đại vương, điều này không còn gì để nghi ngờ nữa.

Lúc đó Đại vương đưa mắt nhìn vào mặt Quốc sư.

Tiên nhân hiểu ý hỏi:

-Trong tâm Đại vương muốn nói gì chăng?

Đại vương nói:

-Này Tôn giả Đại tiên, các Quốc sư Bà-la-môn này từng nói với trẫm: Mai sau Đồng tử sẽ làm Chuyển luân thánh vương.

Tiên A-tư-đà lại tâu:

-Tâu Đại vương, đúng y như lời của hạ thần nói, hoàn toàn không có giả dối, những gì hạ thần nói ngày hôm nay đều là lời nói chí chân thành thật.

Đại vương nghe lời khẳng định như vậy liền bạch:

-Này Đại đức Tôn sư, nếu quả đúng như vậy lại càng khiến cho tâm trẫm thật u sầu, tim như dao cắt, ruột gan rối loạn!

Đại tiên lại tâu:

-Đại vương là bậc trí tuệ không nên nói lời như vậy, ông bà tổ tiên nhiều đời của Đại vương ở trong quá khứ đã trồng nhiều thiện căn nhân duyên công đức phước nghiệp, nên ngày nay Đồng tử mới thác sinh vào vương cung, để đưa chúng sinh qua đến bờ giải thoát. Đâu chỉ vì cai trị dân chúng, quốc gia an lạc mới là con của Đại vương.

Đại vương lại nói:

-Theo ý trẫm cũng vậy, nhưng phải như thế này: Ngày nay Đồng tử phải nối nghiệp Đế vương, thay sự ưu lo cho trẫm mà gánh vác trọng trách quốc gia, trẫm đến tuổi già, xuất gia vào núi sẽ tu Tiên đạo cổ truyền.

Đại vương lại nói:

-Này Tiên nhân Đại tiên, ý trẫm muốn Đồng tử ngay từ hôm nay mãi cho đến về sau không bao giờ lìa xa trẫm, ngài có cách gì chăng?

Tiên nhân A-tư-đà lại tâu:

-Tâu Đại vương, hạ thần luôn luôn quyết định không bao giờ nói những lời cản trở xuất gia như vậy.

Đại vương Tịnh Phạn lại nói:

-Xin Đại sư để ý nghe cho, trẫm ngày nay sẽ dùng mọi cách khiến cho Đồng tử ta, ngay từ nay còn ấu thơ cho đến lúc trưởng thành không bao giờ tạm xa lìa ta, huống nữa là xuất gia.

Tiên A-tư-đà liền hỏi:

-Tâu Đại vương, ngày nay ngài căn cứ vào nhân duyên gì mà nói như vậy?

Đại vương lại đáp:

-Này Tôn sư phải biết, tất cả các tướng sư Bà-la-môn trong nước trẫm đều nói: Nếu Đồng tử này ở tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương. Do nhân duyên ấy mà trẫm mới nói lời như vậy.

Tiên A-tư-đà lại bạch:

-Xin Đại vương phải biết, các tướng sư đó đều là Đại vọng ngữ. Vì sao? Những tướng thù thắng như vậy không phải là tướng Chuyển luân thánh vương. Nay Đồng tử đều có đầy đủ một trăm tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tuyệt vời hết sức rõ ràng.

Đại vương hỏi:

-Bạch Đại-tiên, tám mươi vẻ đẹp của Đồng tử là những tướng như thế nào?

Tiên nhân A-tư-đà tâu:

-Đại vương phải biết, ngày nay Đồng tử có tám mươi vẻ đẹp, hạ thần xin kể đầy đủ như sau:

  1. Lòng bàn tay có vằn kim cang.
  2. Móng tay mềm mỏng.
  3. Móng tay sắc đỏ hồng như lá đồng mỏng.
  4. Móng tay đều ướt mịn.
  5. Màu sắc ngón tay tuyệt đẹp.
  6. Các ngón tay thẳng.
  7. Các mắt cá không lòi ra.
  8. Hai đầu gối tròn trịa, rất trơn láng.
  9. Đi đứng ung dung, bước đi chậm rãi.
  10. Đi như sư tử chúa đi.
  11. Đi như trâu chúa đi.
  12. Đi như ngỗng chúa đi.
  13. Đi bộ chậm rãi thong thả như vòng tai.
  14. Đi bộ chậm rãi dường như đứng yên.
  15. Thân mình ngay thẳng.
  16. Thân thể mềm mại.
  17. Thân thể trơn láng.
  18. Làn da trên thân không nhám.
  19. Trên thân tỏa ra mùi thơm đặc biệt.
  20. Làn da trên thân không ai đẹp bằng.
  21. Làn da trên thân đầy đặn.
  22. Đốt lóng trên thân phân minh rõ ràng.
  23. Làn da trên thân tươi sáng giống như vua trời Đại phạm.
  24. Làn da trên thân không nhăn.
  25. Làn da trên thân trong sạch, không có đen nám.
  26. Thân không có các bệnh.
  27. Thân thể tròn đầy bậc nhất.
  28. Bảy nơi trên thân đều toàn vẹn.
  29. Trên thân đầy đủ các vẻ đẹp.
  30. Khắp trên thân đều đoan chánh.
  31. Các Cơ quan bài tiết trên thân đều thanh tịnh.
  32. Thân được tối thắng không dơ bẩn, các lông trong sạch.
  33. Trên thân không bài tiết đồ dơ bẩn mà tiết ra các chất thanh tịnh.
  34. Thân luôn luôn có hào quang rộng một tầm.
  35. Eo thắt lưng hõm như chiếc cung.
  36. Da bụng không nhăn.
  37. Rún sâu kín rất đẹp.
  38. Rún tròn trịa không méo lệch.
  39. Rún giống như bánh xe.
  40. Rún xoáy về bên hữu rõ ràng.
  41. Bàn tay không nhám không rít.
  42. Bàn tay mềm dịu như bông gòn.
  43. Đường nét trong lòng bàn tay sâu đậm.
  44. Chỉ bàn tay như bức họa rõ ràng, mềm mại mịn sạch.
  45. Chỉ bàn tay không rối rắm.
  46. Bàn tay đường nét phân minh thứ lớp.
  47. Cổ tay rộng dài.
  48. Đầu như xương mắt cá.
  49. Môi, miệng đỏ như quả Tần-bà-la.
  50. Vẻ mặt trầm tĩnh.
  51. Lưỡi dài mỏng, đỏ như lá đồng.
  52. Tiếng nói nghe xa nhưng trong trẻo.
  53. Tiếng nói âm điệu trầm bỗng trong trẻo, vang rất xa.
  54. Bốn răng cửa lớn trội.
  55. Vành răng sắc bén.
  56. Răng không thiếu, không mẻ.
  57. Mũi tròn thẳng như chim Anh võ.
  58. Lông mi đều nhau, kín đáo.
  59. Trái tai dày, thòng dài.
  60. Tai không cong méo.
  61. Tai không nhám rít.
  62. Con mắt không suy giảm.
  63. Mắt không tật bệnh.
  64. Các căn tịch định.
  65. Khuôn mặt đẹp đẽ không ai hơn.
  66. Tóc thuần một màu xanh biếc.
  67. Tóc mướt óng.
  68. Tóc không nhám rít.
  69. Tóc mọc dày mà không rối.
  70. Tóc dài đều đặn.
  71. Tóc không thưa, không loang lỗ.
  72. Tóc xoáy thành búi nhỏ.
  73. Tóc xoắn về phía bên hữu theo hình chữ Vạn.
  74. Nhục kế trên đầu nổi lên hình đỉnh núi.
  75. Xương sọ và xương trán bền chắc.
  76. Đảnh đầu dùng sức người hay phi nhân không thể đập vỡ được.
  77. Đảnh đầu vòi vọi, rất cao, mắt người không trông thấy.

            (nguyên bản thiếu ba vẻ đẹp).

        Tâu Đại vương, nếu người nào thân thể đầy đủ ba mươi hai tướng Đại Trượng phu, lại có tám mươi vẻ đẹp như vậy, thì người này nhất định sẽ thành Bậc Vô Thương Chánh Đẳng Chánh Giác, sau khi thành Phật sẽ chuyển Pháp luân Vô thượng tối diệu.

Đại tiên A-tư-đà vì Đại vương kể tám mươi vẻ đẹp, rồi lại suy nghĩ: “Nay Đồng tử này chẳng bao lâu sẽ xuất gia tu tập chứng thành Phật quả, rồi chuyển Pháp luân tối thắng vi diệu”. Đang khi suy nghĩ, tự phát sinh trí tuệ liền biết được: “Ba mươi lăm năm sau kể từ nay trở đi, Đồng tử này sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi chuyển Pháp luân vô thượng tối thắng”. Lúc đó, do Tiên nhân chuyên tâm chánh niệm, lại thấy các căn của cơ thể mình suy thoái, rồi tự quở trách, thốt lời ta thán:

-Ôi thôi! Ta ngày nay sống ngoài giáo pháp của Đồng tử, chẳng được nghe lời giáo hóa của Ngài.

Quán tưởng như vậy, rồi buồn khóc thành tiếng! Nghẹn ngào nức nở, nước mắt ràn rụa trên mặt.

Vua Tịnh Phạn thấy Tiên nhân kêu khóc áo não, cầm lòng không được nên cũng buồn thương cất tiếng khóc òa. Hoàng hậu Ma-da thấy cảnh như vậy sụt sùi rơi lệ, tất cả đại thần quyến thuộc dòng họ Thích cảm xúc đều cất tiếng khóc vang, tất cả kẻ lớn người nhỏ trong cung đều buồn khóc, nước mắt như mưa.

Đại vương Tịnh Phạn nước mắt nước mũi đang ràn rụa cả mặt mày, bạch Tiên nhân A-tư-đà:

-Này Đại đức Tôn sư, ngày đản sinh Đồng tử, trong hoàng tộc Thích cũng sinh năm trăm đồng tử, rồi nhà vua kể sơ lược cho đến năm trăm đồng nữ, năm trăm tôi trai, năm trăm tớ gái, năm trăm ngựa tốt, năm trăm voi trắng sáu ngà đồng ngày đó tập trung trước cửa cung điện, năm trăm kho tàng tự nhiên xuất hiện, năm trăm hoa viên cũng tự nhiên xuất hiện khắp bốn mặt thành Ca-tỳ-la, năm trăm thương gia mang của cải từ phương xa đến thành Ca-tỳ-la, rồi lại có các vua lân bang đều đến quỳ lễ và hiến dâng năm trăm tàn lọng và năm trăm bình bằng vàng, rồi các vị Trưởng giả, Bà-la-môn, Sát-đế-lợi đem hiến dâng một vạn đồng nữ để cho ta sử dụng.

Này Đại tiên Tôn sư, ngày sinh ra Đồng tử, đối với tất cả những gì trong tâm ta mong muốn đều được thành tựu một cách viên mãn. Khi ấy ta mời các vị tướng sư Bà-la-môn danh tiếng trong nước tập trung về hoàng cung để bàn giải tướng kiết hung. Các Quốc sư sau khi quan sát dung mạo Đồng tử, họ đều vui mừng hớn hở tràn ngập châu thân, không thể kềm chế được. Duy nhất chỉ một mình Tôn sư ngày nay thấy Đồng tử lại buồn khóc rơi lệ là lý do gì? Làm cho trẫm và quyến thuộc sinh tâm lo sợ, xin Đại sư vì trẫm giải bày. Hay là Đồng tử ta gặp tai họa chẳng lành gì chăng? Tai họa tự thân Đồng tử phát sinh hay từ ngoài đưa đến?

Đại tiên A-tư-đà thấy Đại vương Tịnh Phạn nước mắt loang lổ trên đôi gò má buồn rầu lo lắng, liền tâu Đại vương:

-Tâu Đại vương, ngày nay ngài chẳng nên buồn rầu áo não. Vì sao? Vì hạ thần chẳng phải thấy Đồng tử có tai họa biến đổi gì, cũng chẳng phải thấy các khổ não trên nhục thân, hay những việc chẳng lành từ bên ngoài đưa đến cho Đồng tử. Xin Đại vương phải biết: Đồng tử tuổi thọ lâu dài, có oai đức lớn, thân thể đoan chánh đáng kính yêu, thân như vàng ròng, đầu tròn như tàn lọng, mũi thẳng như ống đồng, da thịt hồng hào, thân hình cân đối, đẹp như tượng vàng, thân có ba mươi hai tướng Đại Trượng phu. Đại vương, Đồng tử lại thêm tám mươi vẻ đẹp vi diệu, những tướng như vậy không phải tướng Chuyển luân thánh vương. Đại vương, những tướng như vậy đều là tướng chư Phật và Bồ-tát. Bạch Đại vương, do hạ thần thấy tướng Đồng tử như vậy, quyết định Đồng tử sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, rồi ngài sẽ chuyển Pháp luân Vô thượng thanh tịnh. Vì tất cá chúng sinh trời, người ở thế gian, ngài thuyết pháp Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện, cho đến thuyết các pháp Phạm hạnh thanh tịnh. Nếu ai nghe được giáo pháp này, kẻ nào lẽ ra bị sinh thì chấm dứt sinh, kẻ nào thọ cảnh già yếu thì đoạn cảnh già yếu, kẻ nào thọ tật bệnh thì hết tật bệnh, kẻ nào gặp cảnh chết chóc thì khỏi chết. Tất cả những lo buồn khổ sở của chúng sinh đều được giải thoát.

Bạch Đại vương, hạ thần tự hận mình tuổi già sức yếu, mạng sống chẳng bao lâu, vào lúc ấy không còn để chiêm ngưỡng tôn nhan Đấng Vô Thượng, mất lợi ích lớn lao này, do vậy ngày nay hạ thần buồn khóc là hận cảm thấy mình bị thiệt thòi, chẳng phải Đồng tử có điềm chẳng tốt. Rồi vì Đại vương, Tiên nhân nói kệ:

Ta tự hận mắc điều trái ngược,
Tuy đời này may gặp được ngài,
Nhưng tuổi già các căn suy thoái,
Xả báo thân còn chẳng bao lâu,
Đâu gặp được ngày Ngài thành đạo.
Ta sẽ mất đi lợi ích lớn
Uổng một đời pháp chẳng được nghe.
Nghĩ như vậy nửa mừng nửa tủi.
Dòng Đại vương hưng thịnh từ đây.
Ngài đản sinh, trời, người hưởng phước,
Đời ác trược khổ não dày vò,
Ngài khiến tất cả đều an lạc.

Này Đại vương, vô lượng vô biên chúng sinh khi bị lửa phiền não tham, sân, si thiêu đốt, Ngài sẽ rưới nước pháp cam-lồ vi diệu để dập tắt ngọn lửa phiền não. Khi vô lượng vô biên chúng sinh độc ác rơi vào đầm tà kiến, bị mê hoặc không thấy con đường chân chánh, Ngài sẽ làm vị Hướng đạo sư, chỉ cho con đường tốt rộng rãi bằng phẳng, đi thẳng đến cảnh Niết-bàn. Khi vô lượng vô biên chúng sinh đau khổ, bị giam cầm trong lao ngục phiền não, Ngài sẽ chỉ cho phương pháp tháo mở gông cùm phiền não. Đối với vô lượng vô biên chúng sinh ngu muội ở trong đêm dài tăm tối, bị màn mây che lấp mắt mù, Ngài sẽ vì họ làm phát sinh con mắt đại trí tuệ. Đối với vô lượng chúng sinh thâm độc ô nhiễm, do bị tên độc phiền não bắn nhằm, Ngài sẽ giúp nhổ mũi tên để khỏi đau khổ.

Nay hạ thần tuổi đã xế chiều, thân tâm suy bại, nghĩ đến lúc đó tủi hận không được nghe pháp, vì vậy hạ thần kêu khóc rơi lệ.

Tâu Đại vương, thí như hoa Ưu-đàm, vô lượng vô biên ngàn vạn ức năm mới nở một lần. Chư Phật cũng vậy, vô lượng vô biên ngàn vạn ức kiếp mới xuất hiện ở thế gian, rất là khó gặp.

Tâu Đại vương, nay Đồng tử quyết định sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, quyết định sẽ chuyển Pháp luân vô thượng, hạ thần bị thiệt thòi không còn để dự vào thời kỳ đó, nay tuy gặp được ngài mà cũng như cách biệt, nghĩ vậy mà sinh buồn khóc.

Tâu Đại vương, chúng sinh lúc ấy được lợi ích lớn, được phước nghiệp lớn. Nếu chúng sinh nào thấy được Đại thánh Đồng tử ở địa phương nọ, thiền tọa dưới gốc cây Bồ-đề hàng phục bốn ma, những chúng sinh đó sẽ được nhiều lợi ích, cuối cùng được Phật độ thoát.

Tâu Đại vương, Đại thánh Đồng tử sau khi thành đạo, Ngài lần lần hướng về nước Ba-la-nại, thuyết vô thượng diệu pháp, độ thoát tất cả chúng sinh, được chứng đạo quả thù thắng.

Tâu Đại vương, Đồng tử trang nghiêm thanh tịnh cõi Diêm-phù-đề này, tất cả Thánh nhân Bà-la-môn đều vâng lời dạy bảo của ngài, được chứng quả A-la-hán. Hạ thần nghĩ như vậy mà buồn khóc.

Tâu Đại vương, những chúng sinh đó đã đủ thiện duyên sinh ra làm người, lại may sinh trong thời gian gặp Phật, được nhiều lợi ích, được nhiều phước nghiệp. Kể cả chư Thiên cõi trời Đao-lợi, ngồi trên lầu bảy báu từ Thiên giới giáng xuống, vây quanh Đức Phật nghe thuyết pháp và có vô lượng chúng sinh lễ bái Thế Tôn.

Tâu Đại vương, ngài đã trồng nhiều thiện căn nên ngày nay mới được làm thân người, ngài hưởng vô lượng tài lợi và pháp lợi. Khi nhà vua thấy được con mình thành đạo, ở trong trời người thuyết diệu pháp, chừng đó sẽ chứng minh cho lời thần nói, không còn phải nghi ngại.