SỐ 190
KINH PHẬT BẢN HẠNH TẬP
Hán dịch: Đời Tùy, Tam tạng Pháp sư Xà-na-quật-đa, người Ấn độ
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

 

QUYỂN VII

Phẩm 6: ĐẢN SINH DƯỚI CÂY VÔ ƯU

Thánh mẫu Ma-da mang thai Bồ-tát gần được mười tháng, thời gian trước lúc lâm bồn, thân phụ của hoàng hậu Ma-da là trưởng giả Thiện Giác cho sứ giả đến thành Ca-tỳ-la (Sư Ma-ha Tăng-kỳ nói: Trưởng giả Thiện Giác, thân phụ của phu nhân Ma-da đến thành Ca-tỳ-la) tâu lên đại vương Tịnh Phạn, lời sớ nói: “Theo sự hiểu biết của thần thì Đại phu nhân của Đại vương hiện mang Thánh thai, oai đức rất lớn, nhưng sau khi sinh rồi, con gái của thần đoản mạng, chẳng bao lâu sau sẽ từ bỏ cõi trần, ý của thần muốn rước Ma-da trở về bên nhà cha mẹ an nghỉ trong vườn Lâm-tỳ-ni, để cha con gần nhau hưởng thú hoa viên, tận tình phụ tử. Cúi xin Đại vương chớ nên ngăn cản, xin ngài cảm thương, cho người đưa hoàng hậu Ma-da về nhà cha mẹ, sau khi sinh sản mọi sự được bình yên, thần sẽ lập tức đưa Hoàng hậu và Thái tử trở lại hoàng cung cho Đại vương”.

Đại vương Tịnh Phạn nghe lời tâu của sứ giả rồi, liền lập tức ra lệnh xuống các ty sở: Trên con đường từ thành Ca-tỳ-la đến thành Đề-bà Đà-ha phải dọn dẹp tất cả đồ dơ uế, cây cỏ gai góc, sỏi sạn gò nổng đều được sửa sang bằng phẳng. Dùng nước thơm rải trên mặt đất, đem đủ các hoa thơm quý giá rải trên mặt đường.

Còn về phần trang sức cho hoàng hậu Ma-da thì dùng các dầu thơm, tràng hoa quý giá, các loại chuỗi anh lạc để trang điểm. Đủ các loại nhạc trổi lên những âm thanh vi diệu. Tất cả thể nữ trong cung đều tập họp hộ vệ tiễn đưa, oai phong thế lực của hoàng hậu như một đại vương. Trước khi sắp khởi hành, vua Tịnh Phạn cho sứ giả đến báo tin cho trưởng giả Thiện Giác để chuẩn bị nghinh tiếp.

Bấy giờ, hoàng hậu Ma-da ngồi trên thớt voi trắng lớn, trên lưng voi được chư Thiên trải một bức trướng quý giá. Hoàng hậu an ngự trên bức trướng này hướng thẳng về quê nhà.

Nói về việc hoàng hậu Ma-da đến nội thành Đề-bà Đà-ha: Trước khi hoàng hậu sắp vào thành, ngay khi đó đại vương Tịnh Phạn sắp đặt san một vạn con voi tốt khỏe mạnh, đều dùng yên bằng vàng và bảy thứ ngọc quý trang điểm trên thân, đẹp đẽ lạ thường để chuẩn bị đưa hoàng hậu. Lại sắp đặt sấn một vạn con ngựa khôn ngoan khỏe mạnh, đồng một sắc lông màu xanh, đầu và bờm toàn một sắc đen như quạ, đuôi chúng dài sát đất. Mỗi ngựa được trang điểm: dàm miệng, dây cương, yên, bàn đạp và tất cả các dây buộc vào mình đều làm bằng vàng ròng; trên những vật này được điểm những viên ngọc quý. Lại có một vạn cỗ xe hảo hạng và xe tứ mã, chung quanh xe được treo phướn lọng cùng những bức rèm rũ xuống, xen vào đó những chuông rung quý đồng hòa tâu những âm điệu véo von. Tất cả chuẩn bị đầy đủ như vậy, đều để tùy tùng hộ tống hoàng hậu Ma-da.

Lại có hai vạn lực sĩ dũng mãnh, mỗi người có sức mạnh bằng ngàn người, oai hùng tráng kiện, có thân hình cân đối tốt đẹp tuyệt vời, có tài năng đánh dẹp giặc thù hung hãn. Mỗi lực sĩ được trang bị: Thân mặc áo giáp, có kẻ tay cầm cung tên, có kẻ tay cầm đao côn, có kẻ tay cầm đâu luân và các thứ giáo mác… vô số chiến cụ, tùy tùng hộ tông hoàng hậu.

Đặc biệt hơn nữa, lại có một vạn phi tần, cổ đeo chuỗi anh lạc, sắc phục lộng lẫy, ngồi trên một vạn chiếc bảo xa, hầu hạ chung quanh hoàng hậu.

Lúc ấy đại vương Tịnh Phạn ra lệnh nghiêm ngặt, bảo đại thần thái giám gia tăng sự phòng vệ tốt hơn, chẳng cho thường dân và những người đi đường gần sát bên xe hoàng hậu, cả các phi tần cũng không được lẫn vào kề bên. Chỉ có đồng nữ mới được kề cận bên xe hầu hạ tiễn đưa hoàng hậu.

Theo thứ lớp như vậy, hoàng hậu Ma-da ngự trên bạch tượng ở trung tâm đoàn người. Một vạn phi tần mỗi người ngồi trên một bảo xa đồng hộ vệ hai bên, tả hữu trước sau nối nhau, mà hoàng hậu Ma-da là người trên hết.

Ngoài ra, lại có một vạn lực sĩ mặc áo giáp đều ngồi trên một vạn con voi tốt, tùy tùng hoàng hậu hộ vệ hai bên tả hữu trước sau, theo nghi lễ hầu một Thiên tử đi kinh lý.

Lại có một vạn lực sĩ đi bộ, thân mặc áo giáp, tay cầm đủ các thứ binh khí: Kích, giáo, mác… hộ vệ hoàng hậu Ma-da. Lại có vô lượng voi ngựa gầm hý kêu vang. Lại có vô lượng trống lớn hình đầu rồng, vô lượng trông nhỏ… tất cả các nhạc khí trổi lên âm thanh vi diệu. Quang cảnh tưng bừng, hoành tráng, trang nghiêm oai đức như vậy, hoàng hậu Ma-da cùng đoàn người hướng về thành Đề-bà Đà-ha, là nơi quê nhà thân phụ của hoàng hậu.

Ngay lúc đó đại thần trưởng giả Thiện Giác cùng với quyến thuộc đem theo vô lượng thứ tốt đẹp, ra khỏi cửa thành, dẫn đoàn người hướng về phía trước để nghinh rước hoàng hậu Ma-da, con gái của mình.

Nói về thuở ấy, đại thần Thiện Giác có người vợ tên là Lam-tỳ-ni, Lam-tỳ-ni nói với chồng:

-Thưa phu quân dòng họ Thích, như ngài đã biết, các hệ phái thuộc dòng họ Thích khác đều có rừng hoa quả riêng, họ tự do tiêu dao thưởng ngoạn, cho đến ở ngay trong đó hưởng cảnh lạc thú vui chơi. Đức lang quân ngày nay có thể lập một Hoa lâm viên thanh tịnh, để chúng ta cùng nhau hưởng cảnh lạc thú vui chơi trong đó chăng?

Khi ấy Thiện Giác, thân phụ của hoàng hậu Ma-da, quán sát cảnh trí giữa hai thành Ca-tỳ-la và Đề-bà Đà-ha, có một vùng đất ở gần trong thành Đề-bà Đà-ha, vì người vợ mà lập một Đại lâm viên, lấy tên vợ đặt tên vườn là Lam-tỳ-ni. Hoa lâm viên này cây cối hoa quả tốt tươi, trên thế gian không có vườn nào sánh bằng. Trong vườn có nhiều kỳ hoa dị thảo, trái cây muôn màu làm tăng vẻ đẹp của quang cảnh. Ngoài ra, lại có nhiều dòng nước, khe suối, hồ ao, xen lẫn dưới những hàng cây tươi tốt. Rải rác khắp trong vườn, đâu đâu cũng đầy dẫy các thứ bảo châu ma-ni.

Ngày mùng tám tháng hai một mùa xuân nọ, nhằm lúc sao Quỷ tú, đại thần Thiện Giác cùng con gái của mình là hoàng hậu Ma-da, đánh xe về hướng hoa viên Lam-tỳ-ni để ngoạn cảnh, tham quan chốn đại Cát tường này.

Sau khi đến Hoa lâm viên, hoàng hậu Ma-da từ trên xe báu bước xuống, trước tiên dùng các chuỗi anh lạc trang điểm trên thân, kế đến dùng đủ thứ nước hoa thoa trên thân và y phục, rất nhiều thể nữ đàn ca múa hát hầu hạ chưng quanh. Hoàng hậu ung dung tản bộ thưởng ngoạn khắp mọi nơi, từ vườn hoa này đến đám cây nọ, cứ như vậy tuần tự rảo bước giáp vòng. Trong vườn này có một cây đặc biệt tên là Ba-la-xoa, thân cây sừng sững, trên dưới đều nhau, cành lá sum suê tỏa đều bốn phía, màu lá nửa lục nửa thanh hòa lẫn với màu tím biếc, thành một màu tổng hợp giống như màu lông nơi cổ con công, hết sức mềm mại như chiếc áo lông khổng tước. Hoa có một mùi thơm đặc biệt, ngửi vào trong lòng lâng lâng dễ chịu vô cùng. Hoàng hậu chậm rãi tiến đến dừng chân dưới tàng cây này.

Do oai đức của Bồ-tát, lúc ấy có một cành cây Ba-la-xoa tự nhiên mềm mại cong xuống chấm sát đất, giống như chiếc móng xuất hiện trong hư không tỏa ra màu sắc kỳ diệu. Thánh mẫu Ma-da liền khi đó từ từ đưa cánh tay phải vin lấy cành cây Ba-la-xoa đang rũ xuống, rồi đưa mắt nhìn lên hư không.

Ngay khi Thánh mẫu chân đứng trên đất, tay vin cành Ba-la-xoa thì trên hư không có hai vạn chư Thiên ngọc nữ đồng giáng xuống đứng chung quanh chắp tay bạch Thánh mẫu:

Nay Bà sinh Thái tử,
Luân hồi Ngài vượt qua.
Thầy cả cõi trời người,
Quyết định không có hai.
Chư Thiên thường nương tựa,
Cứu vớt khổ chúng sinh.
Thánh mẫu chớ lo âu,
Chúng tôi đồng hộ vệ.

Bấy giờ Bồ-tát thấy Thánh mẫu Ma-da đứng trên đất, tay đang vin lấy cành cây, Ngài ở trong thai chánh niệm từ tòa đứng dậy. Còn bao nhiêu người mẹ của chúng sinh khác, khi sắp lâm bồn khắp cơ thể đau nhức bức bách, do vậy buồn khổ lo sợ, đứng lên nằm xuống chẳng yên. Còn Thánh mẫu Ma-da mang thai Bồ-tát, vui vẻ thản nhiên điềm tĩnh, thân tâm cảm thấy an lạc.

Đang khi Thánh mẫu Ma-da đứng trên đất tay vin cành cây Ba la-xoa thì Bồ-tát liền xuất sinh. Đây là điều kỳ lạ chưa từng có của Bồ-tát. Sau khi Ngài thành Phật, không có một chút mỏi mệt cực nhọc đau khổ. Ngược lại, Ngài nhổ tất cả rễ phiền não, chặt đứt cội gốc vô minh, như dứt ngọn cây cau không bao giờ mọc trở lại. Vô tướng vô hình, không có một pháp nào làm nhân duyên sinh ra đời sau. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Đối với tất cả chúng sinh, khi ở trong thai mẹ thì luôn luôn bị đổi dời, đến lúc mở mắt chào đời lại càng bức bách đau khổ. Bồ-tát chẳng phải vậy, khi nhập vào thai theo hông bên phải, thời gian ở trong thai cũng an tọa hông bên phải không chút đổi dời, cho đến lúc đản sinh cũng theo hông bên phải của Thánh mẫu mà thị hiện, hoàn toàn không có một chút khổ đau nào ép ngặt. Do vậy, đây là việc lạ lùng chưa từng có của Bồ-tát. Sau khi Ngài thành Phật, tận đời vị lai tu hành hạnh thanh tịnh, không có chút sợ sệt, thường được an vui, không có đau khổ. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Đầu tiên Bồ-tát chánh niệm nhập vào thai Thánh mẫu theo hông bên phải. Khi đản sinh ngài phóng đại quang minh, chiếu khắp các cõi thế gian: Trời, Người, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la- môn… đều được thấy nhau, nên mỗi loài cùng nói với nhau: Tại sao hôm nay bỗng nhiên có chúng sinh”. Đây là việc kỳ lạ chưa từng có của Bồ-tát. Ngài sau khi thành Phật xé tan màn vô minh hắc ám, để phát sinh ánh đại trí tuệ thanh tịnh. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Bồ-tát nhiếp tâm chánh niệm sinh từ hông bên phải của Thánh mẫu. Khi ấy thân thể Thánh mẫu vẫn bình thường như cũ, không chút đổi thay, không bị thương tổn, không chút khổ đau vì Bồ-tát đản sinh đem lại nhiều lợi ích. Do nhân duyên này, thân Thánh mẫu không bị đau khổ, ba nghiệp thân khẩu ý không chút phiền não. Ví như có một chúng sinh thân hình to lớn khỏe mạnh, ý chí dũng mãnh, lăn lộn trên mặt đất tự đánh đập lấy thân mình, âốẽì với quả đất nào có hề hấn gì. Như vậy Bồ-tát đản sinh, chánh niệm từ hông bên phải của Thánh mẫu xuất sinh, do vì nhân duyên đó mà thân Thánh mẫu không chút tổn thương.

Ngay trong lúc này có một phụ nữ chắp tay thưa hỏi Thánh mẫu:

-Thưa Hoàng hậu có oai đức lớn, trong khi ngài sinh con có đau đớn gì không?

Thánh mẫu đáp:

-Nhờ nhân duyên oai đức thần lực của Đại nhân sơ sinh này, khiến thân thể ta không thấy đau đớn, hiện giờ không có gì thay đổi. Đây là điều hết sức kỳ lạ chưa từng có của Bồ-tát. Ngài sau khi thành Phật, tu hạnh thanh tịnh không phạm một mảy may tội lỗi, hoàn toàn trong sạch không chút tì vết. Đây là lý do xuất hiện điềm lành nói trên của Như Lai.

Bồ-tát từ lúc ra khỏi thai Thánh mẫu, không có chút khổ não, an ổn chậm rãi mà xuất hiện, tất cả các thứ ô uế nhơ bẩn như: Phân, tiểu, đàm dãi, hoạt dịch, máu mủ… đều không ảnh hưởng đến thân thể Bồ-tát. Còn các chúng sinh khác khi ra khỏi thai mẹ, mang theo lẫn lộn đủ các thứ ô uế hôi tanh. Bồ-tát không phải như vậy, không giống như các loài chúng sinh khác, tất cả các thứ ô uế không ảnh hưởng vào thân, ngài chuyên tâm chánh niệm,an ổn từ thai mẹ xuất sinh. Ví như viên bảo châu lưu ly Như ý gói trong chiếc áo Ca-thi-ca, cá hai đều không ảnh hưởng lẫn nhau. Thật sự đúng như vậy, Bồ-tát khi ở trong thai Thánh mẫu, nhất tâm chánh niệm an ổn xuất sinh một cách thanh tịnh, đôi với tất cả các thứ ô uế như: Máu, mủ, phẩn, tiểu hôi tanh hoàn toàn không làm ô nhiễm được. Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát. Sau khi Ngài thành Phật, thời kỳ trụ trong thế gian đối với các pháp ô trược của cuộc đời này, ngài không bao giờ bị ô nhiễm. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Bồ-tát khi từ thai Thánh mẫu xuất sinh, khi ấy trời Đế Thích là người đầu tiên dùng chiếc Thiên y Kiều-thi-ca mềm mại, bao phủ hai bàn tay để nâng đỡ thân Bồ-tát sơ sinh. Đây là việc đặc biệt chưa từng có của Bồ-tát. Ngài sau khi thành Phật, là vị giáo chủ khai sáng đạo Vô thượng Bồ-đề tại cõi Ta-bà này. Vua trời Đại phạm là người đầu tiên thỉnh Như Lai thuyết pháp. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Bồ-tát khi đản sinh từ hông phải của Thánh mẫu, có bốn vị Đại thiên vương nâng đỡ Bồ-tát sơ sinh hướng về trước mặt Thánh mẫu Bồ- tát, thưa:

-Hoàng hậu ngày nay đáng vui mừng, ngài đã sinh con tác thành thân loài người, chư Thiên còn hoan hỷ ngợi khen huống nữa là loài người. Đây là điều đặc biệt chưa từng có của Bồ-tát. Ngài sau khi thành Phật, có vô lượng vô số hàng Phật tử xuất gia Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni và vô số chúng Phật tử nam nữ tại gia, đều hướng về Như Lai lãnh hội giáo pháp. Y như lời ngài chỉ dạy chẳng dám trái phạm. Đây là lý do xuất hiện điềm lành nói trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát xuất sinh rồi, Ngài đứng dưới đất ngước nhìn hông bên-phải của Thánh mẫu Ma-da, nói:

-Thân hình này của Ta từ nay về sau, không ở trong hông Thánh mẫu nữa, chẳng vào trụ trong thai. Là thân cuối cùng của Ta, Ta sẽ thành Phật.

Đây là điều quá ư đặc biệt của Bồ-tát. Ngài sau khi thành Phật, tuyên bố:

-Ta nay đã dứt hết nhân duyên sinh tử, Phạm hạnh viên mãn, bổn phận đã được hoàn tất, không thọ thân đời sau.

Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

(Đầu Quyển 8)

Bồ-tát Hộ Minh khi sinh ra không cần người nâng đỡ, tự bước đi về bốn phương, mỗi phương đi bảy bước. Đầu tiên ngài đi về phương Đông, dưới mỗi bước đi có hoa sen lớn xuất hiện nâng đỡ bàn chân, rồi dừng lại ở bước thứ bảy, mắt chăm chăm nhìn về phía trước, miệng cất tiếng nói không giống như lời nói của trẻ sơ sinh, ngôn từ chính xác, đúng thể kệ văn:

Ở trong thế gian,
Ta được tối thắng,
Ta từ hôm nay,
Thoát khỏi sinh tử.

Các phương khác cũng lại như vậy.

Việc Bồ-tát khi sơ sinh không có người nâng đỡ, tự bước đi về bốn phương, mỗi phương đi bảy bước là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi Ngài thành Phật, chứng được bảy pháp trợ Bồ-đề đạo. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh quán sát bốn phương, nên sau khi Ngài thành Phật, đầy đủ bốn pháp Vô úy. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh tự xướng lên: “Ở trong thế gian ta được tối thắng”, nên sau khi Ngài thành Phật, tất cả trời người trong thế gian đều tôn trọng cung kính phụng thờ. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh tự xướng lên: ‘Ta đã đoạn sinh tử, đây là thân tối hậu”, nên sau khi ngài thành Phật, lời nói việc làm đi đôi. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, quyến thuộc vội vã đi tìm nước khắp bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng không một nơi nào có nước. Liền khi đó nơi vườn Lam-tỳ-ni xuất hiện hai ao nước, một lạnh một nóng, Thánh mẫu tùy ý lấy nước hai ao này mà sử dụng.  Lại trên hư không cũng xuất hiện hai vòi nước, một nóng một lạnh, lấy nước hai vòi này tắm thân Bồ-tát sơ sinh. Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi ngài thành Phật, thành tựu hai pháp Chỉ, Quán, xa lìa mọi sự ham muốn, không phải cực nhọc khổ sở mưu cầu của cải, mà của cải tự nhiên đầy đủ. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, chư Thiên đồng nâng đỡ chiếc giường bằng vàng để cho Bồ-tát ngồi. Tuy Bồ-tát sơ sinh mang lấy thân người, nhưng chư Thiên hộ vệ tắm rửa Bồ-tát. Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi ngài thành Phật, có tòa ngồi bằng bốn thứ hoa sen nâng đỡ Như Lai. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, phóng hào quang chiếu sáng, che lấp tất cả những ánh sáng đã có từ trước. Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi Ngài thành Phật, không có giáo pháp của một ai có thể biện luận hơn Như Lai. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, trên thân phóng hào quang, át cả ánh sáng mặt trời, giống như ánh sáng ban ngày che ánh sáng các vì sao.  Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi Ngài thành Phật, trong chúng đệ tử Thanh văn, Ngài là người được sự cúng dường trên hết, là người có danh tiếng hơn hết. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, tất cả cây cối dược thảo, cùng lúc trăm hoa khoe sắc. Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi Ngài thành Phật, đối với chúng sinh chưa tin hiểu Phật pháp, Ngài khiến họ tin hiểu. Đối với chúng sinh đã tin hiểu Phật pháp, Ngài khiến họ tăng trưởng. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, chư Thiên thượng giới cầm chiếc lọng trắng, cán bằng vàng, to bằng bánh xe. Đây là điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi Ngài thành Phật, do không sân hận nên được giải thoát, không ham muốn mà được nhiều lợi ích, không cần cù khổ nhọc mà được nhiều của cải. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, chư Thiên trên hư không tay cầm chiếc quạt trắng cán làm bằng ngọc quý, đồng đứng quạt hầu Bồ-tát.

Khi Bồ-tát sơ sinh, bầu trời trong tạnh không gợn chút mây, không chút bụi mù, chỉ nghe tiếng sấm vang rền.

Khi Bồ-tát sơ sinh, trên bầu trời không có các thứ mây mù, chỉ có làn mưa phùn bằng nước thơm thanh tịnh, đủ tám đặc tính ưu việt, khiến cho chúng sinh an lạc.

Khi Bồ-tát sơ sinh, bốn phương hư không thổi đến làn gió, nhẹ nhàng mát mẻ dễ chịu, tất cả tám phương bầu trời quang đãng, không một gợn mây, không một làn khói hay bụi bặm.

Khi Bồ-tát sơ sinh, trên hư không không thấy có người nào ca xướng, mà tự nhiên nghe giọng Phạm âm vi diệu.

Khi Bồ-tát sơ sinh, trên hư không tự nhiên phát sinh các âm nhạc và giọng hát của chư Thiên, cùng các loại hoa, hương thơm của cõi trời tự nhiên rơi xuống, hoa dù gặp ánh nắng mặt trời mà vẫn không bị khô héo.

Các việc trên đây là những điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu của Bồ-tát, nên sau khi ngài thành Phật, vì tất cả chúng sinh thế gian, dùng đủ thứ trí tuệ, hiện vô lượng thần thông thanh tịnh, biến hóa vô cùng. Trong thế gian không ai sánh bằng, Như Lai là người trên hết. Đây là lý do xuất hiện điềm lành trên của Như Lai.

Khi Bồ-tát sơ sinh, chư Thiên ở trên hư không dùng vô lượng các hoa sen xanh, hoa sen hồng, hoa sen trắng và hoa sen trắng lớn cùng các thứ hoa quý khác, lại cũng đem theo các thứ hương thơm vi diệu cùng các tràng hoa quý giá đồng rải trên mình đức sơ sinh. Các hoa hương rải rồi đều tan biến, chư Thiên lại tiếp tục rải các thứ mới khác.

Khi Bồ-tát sơ sinh, có năm trăm ngọc nữ chư Thiên cầm các hoa trời đều ướp dầu thơm, đồng hướng đến đứng trước mặt Thánh mẫu Ma-da hiến dâng, rồi nói lời vấn an: Thánh mẫu khéo sinh Bồ-tát, ngài có mỏi mệt gì không?

Khi Bồ-tát sơ sinh, có năm trăm ngọc nữ chư Thiên cầm phấn sáp hương thơm cõi trời, đồng hướng đến đứng trước mặt Thánh mẫu Ma-da hiến dâng, rồi nói lời vấn an: Thánh mẫu khéo sinh Bồ-tát, ngài có mỏi mệt gì không?

Khi Bồ-tát sơ sinh, có năm trăm ngọc nữ chư Thiên mang theo y phục quý giá của cõi trời, đồng hướng đến đứng trước mặt Thánh mẫu Ma-da hiến dâng, rồi nói lời vấn an: Thánh mẫu khéo sinh Bồ-tát, ngài có mệt mỏi gì không?

Khi Bồ-tát sơ sinh, có năm trăm ngọc nữ chư Thiên mang theo đủ thứ chuỗi anh lạc và các chuỗi ngọc quý giá khác, đồng hướng đến đứng trước mặt Thánh mẫu Ma-da hiến dâng, rồi nói lời vấn an: Thánh mẫu khéo sinh Bồ-tát, ngài có mỏi mệt gì không?

Khi Bồ-tát sơ sinh, có năm trăm ngọc nữ chư Thiên mang theo đủ các thứ nhạc cụ quý giá của cõi trời, đồng hướng đến đứng trước mặt Thánh mẫu Ma-da hiến dâng, rồi nói lời vấn an: Thánh mẫu khéo sinh Bồ-tát, ngài có mỏi mệt gì không?

Khi Bồ-tát sơ sinh, cõi đại địa này xuất hiện mười tám điềm lành và sáu thứ chấn động, tất cả chúng sinh đều cảm thấy an lạc. Ngay khi đó, không có một chúng sinh nào sinh tâm tham lam, sân hận, ngu si, ngã mạn và khiếp nhược. Lại không có một chúng sinh nào tạo tác nghiệp ác. Tất cả người bệnh đều được lành, người đói được ăn, người khát được uống, tất cả đều được no nê đầy đủ, không có thiếu hụt. Chúng sinh mê muội được tỉnh ngộ, kẻ cuồng dại được minh mẫn, kẻ mù lòa được thấy, kẻ điếc được nghe, người tật nguyền thân hình được trọn vẹn, kẻ nghèo được của, kẻ bị gông cùm trong lao ngục thì được phóng thích, chúng sinh trong địa ngục thì được ngừng sự khổ đau tra tấn, loài súc sinh được khỏi sự khủng bố, loài ngạ quỷ được no đủ.

Khi Bồ-tát xuất sinh hông bên phái của Thánh mẫu, có vô lượng vô biên những điều hết sức đặc biệt, quá ư hy hữu như vậy.