SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 9

Phẩm 7: GIỚI

Người trí giữ giới

Được ba phước báu

Được lợi tiếng thơm

Sau sinh lên trời.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Ngài bảo các Tỳ-kheo:

–Người trí tuệ cầu ba pháp thì thường phải giữ gìn giới cấm.

Thế nào là ba pháp?

  1. Để xứng đáng là người lành thì phải cẩn thận giữ giới luật.
  2. Dù được lợi dưỡng cũng không nên hưởng hết.
  3. Sau khi chết được sinh lên cõi trời.

Đó là người giữ giới. Người thực hành ba pháp này sẽ được phước nói trên.

Lúc bấy giờ, Đức Phật ở trước đại chúng, nói bài kệ:

Người trí giữ giới

Được ba phước báu

Được lợi tiếng thơm

Sau sinh lên trời

Thường thấy pháp xứ

Giữ giới trong sạch

Được cái thấy đúng

Tốt nhất trong tốt.

Giữ giới thì an

Khiến thân không não

Giấc ngủ yên bình

Thức dậy thường vui.

Lúc ấy, mọi người trong hội nghe lời Phật dạy, vui mừng thực hành.

—————–

Giới trọn, già yên

Giới khéo an ổn

Tuệ là vật báu

Phước, ai trộm được.

Giới trọn, già yên: Người giữ giới dù đến tuổi già nua vẫn được trời, rồng, các thần thường theo giúp đỡ. A-tu-luân, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, Nhân, Phi nhân, Cưu-bàn-trà, Thất-xagiá- na, La-sát… các vị ấy thường theo giúp đỡ, bảo vệ bậc Trưởng lão giữ giới, đêm ngày theo bảo vệ như bóng theo hình, cho nên nói: Giới trọn, già yên.

Giới khéo an ổn: Nếu có chúng sinh tin tưởng, hướng về Như Lai thì họ đã đầy đủ cội gốc của lòng tin. Tin có hai việc:

  1. Tin không còn ngờ vực.
  2. Tin có căn bản.

Không ai có thể làm cho người giữ giới sinh tâm làm điều ác, dù hạng ấy là Sa-môn, Phạm chí, các Bà-la-môn, các trời Phạm, các ma đi nữa. Họ được trời, người cúng dường. Cho nên nói: Giới khéo an ổn.

Tuệ là vật báu: Tuệ cũng gọi là ánh sáng, cũng gọi là sang tỏ, cũng gọi là bó đuốc, cũng gọi là đèn, cũng gọi là con mắt, cũng gọi là mặt trời, cũng gọi là mặt trăng, cũng gọi là đống lửa lớn, cũng gọi là sự rực rỡ huy hoàng của các pháp. Giống như người đời có nhiều của cải, vật báu trên đời mà được an cư. Vật báu của người trí tuệ cũng như vậy. Gọi là vật báu của con người phải có đủ hai điều là công đức và trí tuệ sáng suốt, cho nên nói: Tuệ là vật báu của con người. Phước ấy không ai ăn trộm được. Như trong kinh Tạp A-hàm ghi: Có vị trời đến chỗ Như Lai hỏi về ý nghĩa này:

–Vật gì lửa không đốt được, vật gì gió thổi không bay, vật gì gió không làm lay động, vật gì nước không nhận chìm, vật gì đất không làm hư, vật gì mà cả vua, trộm cướp, sấm sét cũng không làm hư, vật gì để trong kho không ai giữ mà không hao tổn?

Lúc ấy, Đức Phật bảo vị trời kia:

–Phước đức lửa không đốt được. Phước gió không động. Phước nước không nhận chìm. Phước đất không làm hư. Phước vua, giặc không cuớp được, sấm sét dữ dội không làm hư hại được. Phước để trong kho không ai giữ mà không hao tổn.

Các trời nghe lời Phật dạy vui mừng hớn hở, lại khen ngợi Như Lai bằng bài kệ sau đây:

Lành thay! Bậc Tối Thắng

Là ánh sáng đời này

Chúng con làm điều lành

Được hưởng phước cõi trời.

Sau đó, các vị trời lại dùng bài kệ để hỏi lại về việc ấy:

Gì già được yên?

Gì khéo an ổn?

Gì là vật báu?

Gì không trộm được?

Đức Thế Tôn đáp bằng bài tụng:

Giới trọn, già yên

Giới khéo an ổn

Tuệ là vật báu

Phước, ai trộm được.

Trời, người nghe lời Phật dạy ghi nhớ mãi, liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi đi chung quanh Phật ba vòng, bỗng nhiên họ biến mất trở về cõi trời.

—————-

Tu giới, bố thí

Làm phước được phước

Đời này, đời sau

Thường sinh chỗ an.

Tu giới, bố thí: Bố thí có hai việc: Một là giữ giới vững chắc, tu thêm hạnh bố thí nữa thì tự nhiên được quả báu tốt ở cõi trời, cõi người, tự nhiên được quả báo lành. Hai là bố thí cho người giữ giới thì được nhiều quả báo, cho nên nói: Giữ giới, bố thí.

Làm phước được phước: Hoặc có người giữ giới đầy đủ, nhưng không được học rộng thì được công đức chẳng có gì đáng nói. Lại có người đã giữ giới đầy đủ lại thêm học rộng trí tuệ, làm việc bố thí, thì vị đó được phước vô lượng, cho nên nói: Làm phước được phước.

Đời này, đời sau: Từ đời này đến đời sau, tâm thường an vui, tâm không hối tiếc bỏn sẻn, cho nên nói: Đời này, đời sau.

Thường sinh chỗ an: Hy vọng đầy đủ, tự nhiên hân hoan, tâm ý vui vẻ. Tự biết mình giữ giới đầy đủ, bố thí thanh tịnh chắc chắn nhận được quả báo công đức, không rơi vào đường tà. Lúc nào cũng vui vẻ, không còn phiền não. Bố thí cho người giữ giới và người học rộng cũng lại như thế, cho nên nói: Thường sinh chỗ an.

———————-

Tỳ-kheo trì giới

Giữ gìn các căn

Ăn uống tiết độ

Ngủ nghỉ tỉnh thức.

Tỳ-kheo trì giới: Giữ tâm vững chắc, không để chao đảo, không bị  kéo lôi bởi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên nói: Tỳ-kheo trì giới.

Giữ gìn các căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều đầy đủ không bị khuyết tật, ý không mê lầm, cũng không nghĩ điều gì khác.

Nương theo các giác quan mà tu tập công hạnh tuyệt diệu, cho nên nói: Giữ gìn các căn.

Ăn uống tiết độ: Phải biết lường bụng mình, không ăn quá no cũng không tham ăn. Tôn giả Đàm-ma-nan-đề có nói: “Ăn quá no thì tức bụng, ăn quá ít thì đuối sức, ăn uống vừa chừng như cán cân không giác không thiếu.” Tôn giả Tăng-già-la-sát soạn kinh Tu Hành cũng nói như thế. Như có người bắt được nhiều chim, y nhốt trong cái lồng to, thường xuyên chăm sóc, cho ăn đúng giờ. Lông đuôi chim đã mọc dài, thường xuyên cắt bỏ bớt, lựa con mập béo để làm thịt hằng ngày. Trong đó, có một con chim trong tâm tự nghĩ: “Nếu ta ăn nhiều mau béo thì sẽ bị làm thịt, nhưng nếu nhịn đói không ăn thì cũng bỏ mạng. Ta phải tự liệu chừng, ăn ít, thịt da sa sút, nhưng lông vẫn mềm mại, ta sẽ chui ra khỏi lồng.” Như đã nghĩ, nó bèn ăn ít đi. Lông vẫn mềm mại liền thoát như ý muốn.

Người tu hành cũng như thế, phải tự tính lường nếu ăn nhiều tâm sẽ bị mờ mệt, không tu hành gì được, không suy nghĩ được pháp lành, làm cho pháp ác thường xuyên tăng thêm. Tham dục, giận dữ, ngu si đều bởi ăn nhiều mà ra, không đạt được mục đích cuối cùng của việc tu tập. Trong kinh, Đức Phật nói người ăn nhiều bị năm thứ khổ. Năm thứ khổ ấy là:

  1. Thường đi cầu.
  2. Thường đi tiểu.
  3. Ngủ nhiều.
  4. Thân thể nặng nề không tu hành được.
  5. Ăn nhiều khó tiêu.

Người ăn nhiều có năm thứ khổ, tự làm nhọc mình, không đến được chỗ rốt ráo. Cho nên Phật dạy, ăn phải biết tiết chế.

Ngủ nghỉ tỉnh thức: Đêm ngày phải tỉnh giác, buộc tâm ý vào thiền định. Nếu cơn buồn ngủ đến tấn công thì thòng một chân xuống giường. Nếu vẫn không xua tan được cơn buồn ngủ thì phải thả thòng cả hai chân xuống giường. Nếu buồn ngủ quá thì phải đi kinh hành. Nếu đi kinh hành mà vẫn còn buồn ngủ thì dậy lấy nước rửa mặt. Nếu vẫn chưa tỉnh táo thì hãy ngước mắt nhìn sao trời  tự thức tỉnh ý chí của mình. Đầu hôm, giữa đêm cho đến rạng sang đều không được lười biếng, cho nên nói: Ngủ nghỉ tỉnh thức.

———————–

Ý thường giác ngộ

Ngày đêm siêng tu

Lậu hết ý ngộ

Đạt được Niết-bàn.

Ý thường giác ngộ: Thân, miệng, ý thường được giác ngộ, dâm, nộ, si khởi lên liền dứt bỏ, không sinh phiền não thì được an ổn, cho nên nói: Ý thường giác ngộ.

Ngày đêm siêng tu: Ban ngày tu thế nào ban đêm cũng tu như thế, ban đêm tu thế nào ban ngày cũng tu như thế. Đầu hôm, giữa đêm, gần sáng cũng như vậy. Giữ tâm chuyên nhất không còn nghĩ gì khác. Chỉ theo về với đạo, tư duy pháp mà tâm nghĩ, cho nên nói: Ngày đêm siêng tu.

Lậu hết ý ngộ: Ý chí mạnh mẽ, cứng rắn thì có khả năng dứt sạch hết phiền não. Người có tâm lười biếng thì không thể dứt sạch phiền não, không thể tinh tấn đối với việc tu tập. Cho nên lui sụt xuống hàng phàm phu. Nhưng người tu hành ấy ngày đêm tinh tấn như cứu lửa đang cháy trên đầu, giữ tâm mạnh mẽ nên không còn lo sợ nguy hiểm, đặt chí nguyện làm đầu là dứt bỏ kết sử, diệt hết lậu hoặc, cho nên nói: Lậu hết ý ngộ.

Đạt được Niết-bàn: Mọi việc phải làm đã làm xong, tai họa phiền não ở đời đã dứt hẳn, không còn sinh trở lại nữa. Mong nhập Niết-bàn, cởi mở hoàn toàn. Mọi trói buộc đắm nhiễm đã làm dơ bẩn con người, làm cho chúng biến mất không hiẹn khởi nữa. Tiến vào cảnh giới Niết bàn không hề trở ngại, bỏ nghiệp hiện tại, nhập vào cảnh Niết-bàn, cho nên nói: Đạt được Niết-bàn.

——————–

Người trí giữ giới cấm

Chuyên trau dồi trí tuệ

Tỳ-kheo không phiền não

Chứng quả, dứt hết khổ.

Người trí giữ giới cấm: Giới không lay động, khéo an trụ vững chắc, cũng không thể dời đổi, người trí dứt bỏ ngu tối, không bao giờ sống trong sự ngu si mê hoặc, như vị tướng hùng mạnh than mặc áo giáp nhiều lớp, nhưng nếu trong tay không có kiếm thì không thể chiến thắng được cường địch. Còn nếu có kiếm nhưng không có áo giáp nhiều lớp thì cũng không thể hàng phục được cường địch. Còn nếu vị tướng hùng mạnh thân mặc áo giáp nhiều lớp, tay cầm kiếm bén, trước sau được che bọc thì chiến đấu với giặc chắc chắn thắng lợi, không còn ngờ vực. Người tu hành cũng lại như thế, thân mặc áo giáp giới luật, nhưng tâm không có kiếm bén trí tuệ thì không thể giết chết được tên đầu sỏ kết sử. Dù cho có thân trí tuệ nhưng không có áo giáp giới thì cũng không dứt trừ được kết sử kia, như vị tướng mạnh kia thân mặc áo giáp giới, tâm cầm kiếm tuệ, chiến đấu với kết sử bền bỉ từ đầu đến cuối thì chắc chắn có kết quả, cho nên nói: Người trí giữ giới cấm.

Chuyên trau dồi trí tuệ: Lấy tuệ luyện tâm, khử hết sạch chất dơ bẩn, như quặng sắt phải được tôi luyện trong lò liên tục nhiều lần thì dù mềm cũng có thể cứng, dù xấu cũng thành tốt, giống như biển cả đêm ngày sôi động, bao nhiêu cặn bã lắng xuống biến thành châu báu. Người tu hành cũng thế, đêm ngày điều khiển tâm không ngừng nghỉ thì chắc chắn chứng quả, cho nên nói: Chuyên trau dồi trí tuệ.

Tỳ-kheo không phiền não: Mặc dù mang hình hài được hun đúc bởi đất trời, nhưng ở trong đó, không bao giờ bị phiền não làm thương tổn. Vì sao? Vì Tỳ-kheo giữ gìn năm căn, được năm lực, tâm không lui sụt thì nguyện ước chắc chắn đạt kết quả. Tỳ-kheo là người dứt bỏ các kết sử, hết hẳn không còn sót. Thân mặc ca-sa, tay ôm bát, tới giờ đến nhà thí chủ với dáng vẻ hổ thẹn, được bố thí thức ăn không màng ngon dở, chỉ mong được vui Niết-bàn, cho nên gọi là Tỳ-kheo. Vì thế nói rằng: Tỳ kheo không phiền não.

Chứng quả, dứt hết khổ: Nhổ sạch cội gốc khổ, dứt không còn sót. Không còn phải trải qua các khổ nạn. Do đó khổ dứt, công đức phước đức ngày càng phát sinh, cho nên nói: Chứng quả, dứt hết khổ.

———————-

Dùng giới hàng tâm

Giữ ý chánh định

Trong tu chỉ quán

Không quên chánh trí.

Dùng giới hàng tâm: Thường giữ tâm không để mất chánh niệm, cũng không chơi đùa buông lung, cho nên nói: Dùng giới hàng tâm.

Giữ ý chánh định: Định có ba loại: thiện, bất thiện, vô ký. Người giữ gìn định thiện thì không để cho định bất thiện được dịp thuận tiện làm hại, thường nhớ nghĩ, tư duy: “Nay ta được chánh định thì phải tìm xét rốt ráo nguồn cội, vì sao lại để cho định bất thiện tán loạn xen vào.” Cho nên nói: Giữ ý chánh định.

Trong tu chỉ quán: Thường nghĩ giữ tâm, nhớ sự tỉnh sáng, quét sạch hết u tối như ngọn đuốc sáng. Quán sát gốc ái, tìm xét gốc si, ngăn chặn không phát sinh ra, cho nên nói: Trong tu chỉ quán.

Không quên chánh trí: Khi trí tuệ chiếu soi thì không có cái gì không sáng tỏ. Tâm nghĩ thì trí theo nhau như hai con trâu chung một cái ách, như lậu tận thông khiến thân năng nhẹ. Dùng thân giữ tâm, dùng tâm giữ thân. Thân và tâm tương ưng nhau thì không gì ngăn ngại, dù vách dù đá cũng đi qua được. Đó là sự luyện tâm nhập vào chỗ vi diệu, rồi luyện chỗ vi diệu nhập vào thân. Tâm nghĩ thì thân làm theo không gì cản ngăn được, cho nên nói: Không quên chánh trí.

———————

Dứt bỏ các cấu

Diệt mạn, không sinh

Trọn đời cầu pháp

Chớ tạm lìa Thánh.

Dứt bỏ các cấu: Các trói buộc cấu nhiễm trong ý thức và các thọ ấm nhập đã hết, đã dứt hẳn, không còn sinh cành nhánh cọng lá, cho nên nói: Dứt bỏ các cấu.

Diệt mạn không sinh: Giữ gìn tâm ý, chế ngự và dứt bỏ kiêu mạn, tăng thượng mạn. Hạt giống ấm, hạt giống kiết, cả hai dấu vết này đều tiêu diệt, cho nên nói: Diệt mạn không sinh (diệt hết kiêu mạn, không cho phát sinh).

Trọn đời cầu pháp: Nói về thân thì đều là hình thể được kết hợp bởi nhiều thứ, cũng gọi là thân ấm, thân tụ, thân dưỡng sinh.

Cũng gọi là thân, bốn sắc binh chủng là voi, ngựa, xa, bộ. Cũng gọi

là thân, trong thân không có gì hơn kết thân. Ai có khả năng dứt bỏ kết sử trong thân này mà cầu chánh pháp thì gọi là thoát khỏi trói buộc. Những ai không còn sống theo hữu vi, không nghĩ đến bảy xứ, ba quán, họ là Phật tử chân chánh, tương ưng với kiên tín, kiên pháp thì có khả năng phá tan được kết tụ, cho nên nói: Trọn đời cầu pháp.

Chớ tạm lìa Thánh: Thường nghĩ rằng từ bậc Thánh hiền được nối tiếp cho tông đồ. Tâm hỷ lạc là chỗ ở của Thánh hiền. Sự kiện việc này có ba trí: Trí thứ nhất là các kết sử đều dứt hết. Trí thứ hai là chứng Niết-bàn hữu dư. Trí thứ ba là chứng Niết-bàn vô dư, cho nên nói: Chớ tạm lìa Thánh.

—————————-

Giới, định, tuệ mở

Nên khéo suy nghĩ

Đều đã lìa nhơ

Không họa, trừ cõi.

Giới, định, tuệ mở: Người tu hành dùng Giới phẩm, Định phẩm, Tuệ phẩm, ba nghiệp đầy đủ làm chuỗi anh lạc để trang nghiêm thân, dứt bỏ nhóm kết sử thì không có cái gì không dứt bỏ được, giống như vua là người giàu có tài vật, quân lính hùng mạnh, tài năng trí hơn người mới có khả năng an ủi vỗ về dân trong nước, giặc ngoại xâm không làm hại được. Người tu hành ở đây cũng như thế. Ba nghiệp đầy đủ rồi thì phá tan giặc kết sử, không còn nghi nan gì nữa. Giới là lập chí (vững chí), định cột chặt tâm tán loạn, trí tuệ cắt đứt kết sử, cho nên nói: Hiểu giới, định, tuệ.

Nên khéo suy nghĩ: Suy nghĩ ba phẩm đêm ngày thực hành,

không hề lìa xa, cho nên nói: Nên khéo suy nghĩ.

Đều đã lìa nhơ: Điều mở rộng được rốt ráo, biết khổ sinh tử, ở trong đó cứu giúp rất thanh tịnh, không tì vết, không các thứ nhơ bẩn, cho nên nói: Đều đã lìa nhơ.

Không họa, trừ cõi: Đã lìa tai hoạn khổ não sôi trào, dứt bỏ nhân tái sinh trong ba cõi, không còn thọ thai, biết đúng như thật, cho nên nói: Không họa, trừ cõi.

——————-

Dựa giải vượt qua

Không còn tái sinh

Vượt cảnh giới ma

Như mặt trời sáng.

Dựa giải vượt qua: Hành có sáu phẩm, cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc còn bị trói buộc bởi các kết, tự trói buộc bằng si mạn ngu hoặc sinh ra từ cõi Dục, cho nên nói: Dựa giải vượt qua.

Không còn tái sinh: Người tu hành phải suy nghĩ quán xét, biết rõ một cách như thật, tức tìm phương tiện dứt hẳn kết sử, đã chấm dứt sinh tử thì không còn thọ thai, phạm hạnh đã lập, việc làm đã làm xong, cho nên nói: Không còn tái sinh.

Vượt cảnh giới ma: Từ tầng trời thứ sáu trở xuống đều là cảnh giới ma. Ở cảnh giới này nhiều phiền não, nó làm bít lấp tâm đạo, làm cho con người không đến được chốn vô vi. Trong cõi Diêm-phù-lợi này có nhiều loại chúng sinh khác nhau, gọi là Ma-khư, ban ngày ẩn núp, sống trong sinh tạng, thục tạng, rơi vào giới ma, đó là cõi Dục bị ma làm hại, gây ra nhiều họa hoạn. Bậc Hiền thánh đã vượt qua cảnh giới tà ma ấy, cho nên nói: Vượt cảnh giới ma.

Như mặt trời sáng: Như mặt trời chói sáng, không bị che khuất bởi năm thứ: Một là mây, hai là khói, ba là bụi, bốn sương mù, năm là tay của A-tu-luân. Nếu không có năm thứ này thì mặt trời, mặt trăng luôn luôn chói sáng. Các Tỳ-kheo tu hành cũng lại như vậy, phải thoát khỏi sự che đậy của năm ấm. Thế nào là năm ấm? Một là tham dục, hai là giận dữ, ba là ngủ nghỉ, bốn là vui chơi, năm là ngờ vực. Thầy Tỳ-kheo tu hành phải thoát ra khỏi năm sự che đậy ấy, tâm trí sáng suốt, trong ngoài đều thông đạt, như vàng tử ma, cho nên nói: Như mặt trời sáng.

——————–

Mê hoặc, rong ruổi

Tỳ-kheo xa lánh

Hành giới, định, tuệ

Đầy đủ, không lìa.

Mê hoặc, rong ruổi: Việc làm của hàng phàm phu mê hoặc đều lộn xộn, như khỉ vượn buông vật này bắt vật kia, tâm như cơn gió mạnh, rong ruổi theo chiều mối, cho nên nói: Mê hoặc, rong ruổi.

Tỳ-kheo xa lánh: Giữ hạnh như nước, nhẫn nhục sự giận tức như đất, nghĩa là thầy Tỳ-kheo không nương vào dòng họ cao quý, có khả năng tự chế ngự tình cảm, đóng bít sáu giác quan mới gọi là Tỳ-kheo, cho nên nói: Tỳ-kheo tránh ngoài.

Hành giới, định, tuệ: Đêm ngày siêng tu giới, định, tuệ, không sinh tâm buông lung. Người muốn vượt qua biển cả phải nương thuyền to, người muốn đến Niết-bàn phải thực hành giới, định, tuệ. Dứt bỏ pháp bất thiện và thực hành thêm pháp thiện.

Nếu Tỳ-kheo nào đi ngược với chánh giáo này, không thuận theo luật pháp thì có hệ lụy đến Phật pháp, Thánh chúng, cho nên nói:

Hành giới, định, tuệ, đầy đủ, không lìa.

——————–

Đã không buông lung

Còn không tưởng niệm

Cho nên bỏ mạn

Như vậy không sinh.

Đã không buông lung: Không rong ruổi theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên nói: Đã không buông lung.

Còn không tưởng niệm: Pháp mà tâm nhớ nghĩ thì trong ấy chỉ có duy nhất là tu thiền định, cũng không còn nghĩ nhớ đến sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên nói: Còn không tưởng niệm.

Cho nên bỏ mạn (kiêu mạn): Bên trong tu chỉ và quán, khống chế tâm rối loạn, thường nhập thiền định, không cho rong ruổi, chạy theo sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và kiêu ngạo, vì thế nói rằng: Cho nên bỏ mạn.

Như vậy không sinh: Như người không còn dính mắc sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, pháp mà tâm nghĩ nhớ cũng như vậy, pháp mà tâm nghĩ nhớ như cơn mưa lớn, như xe đổ lúa. Điều ác mà tâm nhớ nghĩ lại nhiều hơn thế, cho nên nói: Như vậy không sinh.

——————-

Người trí tu vững chắc

Đối với các giới cấm

Thẳng đường đến Niết-bàn

Mau tới cảnh diệt độ.

Người trí tu vững chắc: Vâng lời Phật khuyên răn, tuân lời thầy dạy dỗ, dứt bỏ tà vạy, trở về đường ngay. Thường giữ tâm vững chắc, không để tâm xấu phá hoại. Cho nên nói: Người trí tu vững chắc.

Đối với các giới cấm: Lúc nào cũng hành đạo, giữ gìn giới cấm. Pháp mà người trí tu hành, người ngu không thực hành được, cho nên nói: Đối với các giới cấm.

Thẳng đường đến Niết-bàn: Dứt hẳn vô vi, cũng không có chỗ bắt đầu hay chấm dứt, vắng lặng vô sinh, cho nên nói: Thẳng đến đường Niết-bàn.

Mau tới cảnh diệt độ: Giữa đường không còn bị cản trở, như dòng nước chảy xiết đều dồn ra biển cả, cho nên nói: Mau tới cảnh diệt độ.

————————

Hoa thơm không ngược gió

Như Phù dung, Chiên-đàn

Đức thơm bay ngược gió

Hương thơm người đức khắp.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt-kỳ, lúc đó ngài Đại Ca-diếp đang ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Ngài Ca-diếp sinh ra và lớn lên từ dòng dõi cao sang, thân thể mềm mại, ăn thì toàn món ngon, chưa từng ăn món dở, ý ngài muốn khai hóa những người nghèo khổ, thế nên ngài hay đến nhà những người nghèo khất thực, xin được thức ăn dở, ăn vào liền phát bệnh. Hơi sình trong bụng làm cho hạ phong. Lúc ấy, Đức Phật bảo ngài Mục-kiền-liên:

–Nay, thầy hãy theo Ta đi thăm người bệnh.

Ngài Mục-kiền-liên đáp:

–Thưa vâng.

Đức Thế Tôn liền cùng ngài Mục-kiền-liên đến núi Kỳ-xà-quật.

Lúc đó ngài Ca-diếp đang ngồi lặng yên trong phòng một mình, không có ai chăm sóc. Đức Như Lai liền vào trong hang ngài Ca-diếp. Thấy Phật, ngài Ca-diếp định đứng dậy, Đức Thế Tôn liền bảo:

–Hôm nay thầy bị bệnh, hãy ngồi, chớ đứng dậy, vì Ta có đem theo đồ ngồi.

Lúc ấy Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi ngài Ca-diếp:

–Nay thầy ngồi một mình trong phòng trống trải, không có người săn sóc, vì sao thầy lại thích ở trong núi vắng vẻ như thế?

Lúc ấy, có Thích Đề-hoàn Nhân đang đứng sau lưng ngài Ca-diếp. Ngài Ca-diếp liền bạch Phật bằng bài kệ sau đây:

Bỏ ngôi vua trời

Làm phước không mỏi

Trong tâm vui mừng

Ngài gắng thăm con.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nói với Thích Đề-hoàn Nhân bằng bài kệ:

Thân trời tánh thanh tịnh

Hương thơm tự xoa mình

Vì sao giáng xuống trần

Săn sóc thân hôi nhơ?

Lúc ấy Thích Đề-hoàn Nhân chắp tay bạch Phật:

–Con xin lập lại bài kệ sau đây:

Xin Tối Thắng biết cho

Giới hương không gì sánh

Nay con ngửi công đức

Không kể thân hôi nhơ. 

Nhưng ngày nay Thế Tôn là đóa hương hoa trời chói sáng hơn tất cả mà còn ở trong trần lao này làm ích lợi lâu dài cho chúng sinh, hương thơm giới pháp của bậc Hiền thánh là cắt đứt các kết sử, đóng kín cửa tai họa, không còn lọt ra các tham dục. Ngày nay, Đức Thế Tôn là Bậc ấy. Còn hương thơm của phàm tình như thế thì trôi lăn trong sinh tử, trải qua biết bao số kiếp. Nó không thể làm cho con người được vĩnh viễn an lạc. Hương thơm giới pháp của bậc Hiền thánh thì ức ngàn trăm kiếp vẫn còn mãi với thời gian.

Lúc ấy, xét kỹ Thích Đề-hoàn Nhân, Đức Thế Tôn bèn nói kệ:

Hay lắm! Đế Thích nhân

Ý ông thật ít có

Có thể trong buông lung

Nhiếp ý tu cội đức.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nhân bài pháp ấy, ở trước đại chúng, Ngài nói bài kệ rằng:

Hoa thơm không ngược gió

Như Phù dung, Chiên-đàn

Đức thơm bay ngược gió

Hương thơm người đức khắp.

Mùi thơm của các loại hoa trên thế gian đều là mùi thơm bay thuận chiều gió, không bay ngược chiều gió. Còn mùi thơm của giới đức vừa bay chiều theo gió và cũng vừa bay ngược chiều gió.

Mùi thơm của hoa ở thế gian thì chỉ xông ở cõi Dục, không xông lên đến cõi Sắc, hoặc xông được một phía, không thể xông ba phía còn lại. Mùi thơm của người giữ giới lan tỏa khắp mười phương.

Mùi thơm của hoa phải đến gần mới biết được. Mùi thơm của người giữ giới xông lên thẳng đến tầng trời Cứu cánh, cho nên nói: Hoa thơm không ngược gió, hương thơm người đức khắp.

—————-

Chiên-đàn rất thơm

Như hoa sen xanh

Dù là thơm thật

Không bằng thơm giới.

Chiên-đàn rất thơm: Theo người đời nói thì gỗ trầm thủy, khắc Chiên-đàn, đều là hương liệu tốt, đó là mùi thơm từ gốc. Mùi thơm của hoa như mùi thơm hoa sen, của Phù dung, của Chiên-bồ-tu-càn-đề, Mạt tu-càn-đề cho đến hoa giải thoát, hoa thuần nhật tinh, hoa Phân-đà-lợi. Mùi thơm của cả hằng ngàn thứ bông như vậy, nhưng vẫn không sánh nổi với mùi thơm của sự giữ giới. Mùi thơm này hơn cả ngàn vạn lần, triệu triệu lần hơn, không thể thí dụ nổi. Không thể dùng sự suy nghĩ, không thể dùng sự đo lường. Cả ngàn thứ mùi thơm đó, chỉ làm vui một đời người, không thể theo người đến đời sau. Trái lại, hương thơm của sự giữ giới thì bao trùm hiện tại mà còn thơm mãi đến trăm ngàn kiếp, không bao giờ luống mất, cho nên nói: Dù là thơm thật, không bằng thơm giới.

———————-

Mùi thơm hoa yếu

Không phải thơm thật

Hương thơm giữ giới

Vượt đến cõi trời.

Mùi thơm hoa yếu: Gỗ Chiên-đàn mộc khắc ở Trung quốc thì quý giá, ở miền biên giới không có. Hương thơm giới đức xông qua các tầng trời, dưới thì xông đến mười phương, lan tỏa khắp thế giới, ở đâu cũng ngửi được mùi thơm, cho nên nói: Mùi thơm hoa yếu, không phải thơm thật.

Hương thơm giữ giới, vượt đến cõi trời: Các vị trời ở tầng trời Đao-lợi, tâm ý buông lung, suy nghĩ tự do mà còn được ngợi khen.

Người giữ giới tu thiện được phước, làm ác mắc tội. Các phẩm: giới, định, tuệ, giải thoát kiến tuệ, độ tri kiến, thật đáng kính đáng quý, là đạo Vô thượng. Vì sao? Vì người như thế là bậc thầy dẫn đường của loài người, dẫn dắt chỉ bày con đường chánh, vén màn tăm tối mê muội, giúp người thấy được trí tuệ sáng suốt, cho nên nói: Hương thơm giữ giới, vượt đến cõi trời.

———————

Giới đủ thành tựu

Định ý vượt qua

Ma mê mất đạo

Ma không biết đạo.

Giới đủ thành tựu: Bốn bộ chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà- tắc, Ưu-bà-di mà giới đức đầy đủ, thanh tịnh, không mảy may thiếu sót thì ma vương dù có thế lực mạnh mẽ thống lĩnh cả cõi Dục, độc tôn trong cõi Dục, nhưng chúng không thể biết được quả vị mà bốn bộ chúng này chứng được, chúng cũng không biết được từ đạo quả nào mà được sạch hết lậu kết. Lúc bấy giờ, ác ma nhủ thầm: “Những người mặc áo đen này cạo râu tóc, mặc áo bày vai phải, tu tập thiền định, hoặc có người đã thoát khỏi chấp ngã, hoặc có người vượt qua, không nghe lời ta dạy bảo, hoặc có người vĩnh biệt cõi đời này, không biết thần thức họ ở đâu, hoặc có người biết được nơi họ sẽ đến sau khi chết”. Cho nên nói: Ma mê mất đạo, ma không biết đạo.

——————-

Đạo này là rốt ráo

Đạo này là vô thượng

Hương về được rốt ráo

Dùng thiền định trói ma.

Đạo này là rốt ráo: An ổn vô vi vui sướng vô cùng. Hướng về đạo này, đến cửa Niết-bàn, cho nên nói: Đây là đạo rốt ráo.

Đạo này là vô thượng: Đối với đạo này không đạo nào ở trên nữa, được Trời, Rồng, Quỷ tôn kính thờ phụng cúng dường. Tôn giả Xá-lợi phất có một Sa-di tên là Thuần Đầu, mới tám tuổi mà đã chứng được sáu thứ thần thông, bay trong hư không, đến suối A-nậu.

Có vị Phạm chí tên là Tu-bạt, đã được năm thứ thần thông, cũng đến suối ấy. Lúc bấy giờ con quỷ mặc áo xanh canh giữ suối A-nậu này đã đuổi vị Phạm chí có năm thứ thần thông kia, nó ném gạch đá vào Phạm chí không cho đến gần suối thần. Đúng lúc ấy, Sa-di Thuần Đầu bay đến, bọn quỷ thần mặc áo xanh cả mấy trăm tên đều chạy đến đón rước. Đứa thì thu xếp y, đứa thì đem nước rửa cho Sa-di rửa tay chân, đứa thì lấy khăn mới lau đầu mặt Sa-di, đứa thì đem nước thơm để Sa-di tắm gội. Phạm chí Tu-bạt lớn tiếng hỏi:

–Nay ta đã được năm thứ thần thông, thần đức vô lượng, có sức mạnh dời núi, ngăn sông khiến chảy ngược lại, coi trời đất như viên ngọc trong lòng bàn tay. Từ khi học đạo đến giờ đã hơn một trăm hai mươi năm, thân thể gầy gò khổ nhọc, tinh thần hết sức mệt mỏi. Có lúc ta luyện tập Ngũ minh, Tứ xứ, đốt lửa chiếu lên ánh sáng mặt trời. Có khi ta nằm trên phân tro, có khi nằm trên chông gai nguy hiểm, không đạo nào không học qua. Nhưng tại sao ta lại bị đuổi đi, không được đến bên suối? Trong khi chú bé mặc áo đen này mới bảy, tám tuổi miệng còn hôi sữa, thân thể vẫn còn hôi nhơ nhưng tại sao nó lại được tiếp đãi kính trọng quá mức, tiếp đón, thờ phụng là vì cớ gì?

Lúc ấy vị quỷ mặc áo xanh nói với Phạm chí:

–Nay vị học sĩ này tuy tuổi trẻ nhưng đã vượt ra ba cõi, chứng được tám phẩm đạo của bậc Thánh hiền. Ông không có những điều ấy cho nên không được kính rước.

Có một vị Bà-la-môn tên là Duyệt-xoa, xây cất một ngôi chùa cũng tên là Duyệt-xoa. Ông thường đem dầu tô cúng chùa thắp đèn. Lúc ấy, có một vị Bà-la-môn từ phương xa đến chùa Duyệt-xoa, nghe Phạm chí Duyệt-xoa tài cao, đức sáng, mà lại kính tin Phật pháp, xây cất cả chùa nữa. Vị này gặp mặt Duyệt-xoa rồi hỏi thăm sự việc. Khi đó có một chú Sa-di đi đến nhận số dầu tô cúng chùa thắp đèn. Có rất nhiều vị Phạm chí mới nói với Bà-lamôn Duyệt-xoa rằng:

–Ông có thể lạy người mặc áo hoại sắc này hay không? Nói chưa dứt lời thì vị Sa-di đã đến. Bà-la-môn Duyệt-xoa liền sụp lạy. Các Phạm chí đều nói với Duyệt-xoa:

–Ông xuất thân từ bốn giai cấp, tài nghệ hơn người, thiên văn địa lý, môn nào cũng luyện tập qua. Thần chú linh cảm, việc nào không làm được. Nay đối với người mặc áo hoại sắc này, xuất than từ nhiều dòng họ, không được chân chánh, thế mà tại sao ông làm trái pháp luật của giai cấp ta, đi lạy kẻ ấy như vậy? Hơn nữa, ông là người giữ gìn đức hạnh, thanh tịnh tự tu, bên trong chứa đầy đồ sấm, bí kí, hành đạo ban phước, có nguyện nào không thành đâu.

Văn tự chương ấn, thứ nào cũng hoàn tất. Còn hạnh Phật thì ít ỏi, có gì đáng quý đâu? Ông đã bỏ gốc theo ngọn, điều ấy làm tôi bực mình. Người ta đồn rằng Sa-môn là hạng bần tiện, xảo trá rắc rối, làm mê hoặc người đời, làm những hành việc xấu xa. Họ chỉ lo sung sướng riêng mình, không thể hưởng được phước trời Phạm thiên. Giả sử gặp nhau thì chỉ có đấm vào mặt họ thôi. Vì sao ông gieo năm vóc sát đất cung kính làm lễ họ như vậy? Chính tôi tận mắt nhìn thấy còn lấy làm giận, huống là bậc đại nhân tu học trước há có thể tha thứ cho ông tội này ư?

Duyệt-xoa bảo các Bà-la-môn:

–Xin các ngài bình tĩnh lặng yên nghe tôi nói bài kệ này:

Đức Hiền thánh khó lường

Tám đường đến vô thượng

Đó phạm hạnh Sa-môn

Do chính Như Lai nói.

Thấy thân này tuy nhỏ

Nhưng chứng đạo Thánh hiền

Cho nên tôi quy y

Vì sao các vị trách?

Cho nên nói: Đạo này là vô thượng.

Hướng về được rốt ráo: Các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm có khả năng cắt đứt mọi trói buộc ấm nhập của cõi Dục. Cho nên nói:

Hướng về được rốt ráo.

Dùng thiền định trói ma: Người ngồi thiền nhập định, vui trong sự vắng lặng, gom ý vào một chỗ, đếm từng hơi thở ra vào, giữ tâm vững chắc, có khả năng thoát khỏi sự trói buộc của ma, trở lại trói ma. Người nhập định có khả năng sai khiến quỷ thần đến ngay lập tức theo ý mình muốn. Trong kinh, Đức Phật cũng có nói:

“Ta quán sát khắp cả cõi trời, cõi người, trong sự ràng buộc vững chắc ấy, không gì hơn bị ma trói buộc, nhưng nhờ lậu tận nên bậc La-hán coi nó chỉ là dứt bỏ sự nhục nhã”. Đời vị lai không còn thọ sinh, cho nên Tỳ-kheo phải tu học như thế, phải tìm phương cách thoát khỏi sự trói buộc vững chắc của ma.

——————

Dù nói pháp rất ít

Nhưng nhất tâm nghe nhận

Được gọi người hộ pháp

Dứt bỏ dâm, nộ, si

Hết hẳn các kết sử

Đó gọi là Sa-môn.

Dù nói pháp rất ít: Nói ít nhưng nêu lên được những điều quan trọng và có nghĩa vị tương ưng. Xưa, có hai vị Tỳ-kheo ở trong núi sâu học đạo. Một vị học rộng còn vị kia thì ít học, kiến thức nông cạn. Vị ít học, giữ giới trọn vẹn, thầy chỉ tụng có một câu kinh thôi. Ngày nào cũng tụng câu ấy và không mong học thêm câu nào khác nữa. Bấy giờ, vị thần trên hư không và thần núi rừng ngày ngày khen ngợi. Các thần muốn được nghe những gì mà thầy Tỳ-kheo này nói. Trong khi đó, vị Tỳ-kheo học rộng kia đọc tụng lớn tiếng những câu kinh ý nghĩa sâu sắc mà mình biết. Các vị thần núi, rừng im lặng không nói gì cả, họ cũng không khen ngợi. Lúc ấy, thầy Tỳ-kheo học rộng liền nổi giận, bảo với vị thần núi:

–Sở học của vị Tỳ-kheo ở sau kia rất cạn cợt, chỉ tụng được có một câu, nhưng được các trời khen ngợi. Còn ta đây học rộng, hiểu nghĩa lý sâu sa, góp nhặt các lời hay trong kinh điển, rồi đem ra tụng học. Thế mà các trời, các thần không nói gì, cũng không khen ngợi!

Các trời, các thần trả lời:

–Sao Tỳ-kheo không tự trách mình mà lại trách chúng tôi? Vị Tỳ kheo kia dù ít học, nhưng lời nói và việc làm ăn khớp nhau.

Còn thầy dù tụng ba tạng kinh đi nữa, nhưng việc thầy làm thì trái với kinh, trái với lời Phật dạy, cũng có bài kệ này:

Dù nói pháp rất ít

Nhưng nhất tâm nghe nhận

Được gọi người hộ pháp

Dứt bỏ dâm, nộ, si.

Tỳ-kheo này ăn khớp với pháp, dù chưa dứt hết dâm, nộ, si nhưng nhờ phương tiện rồi sẽ dứt hết. Còn ngài dù học rộng nhưng ngày đêm sống với dâm, nộ, si, tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Còn thầy Tỳ-kheo ít hiểu biết kia đêm ngày thiền định, suy nghĩ, tâm không tán loạn, cho nên thầy ấy thường được khen ngợi. Tuy thầy học rộng, nhưng ý không chuyên nhất, cho nên không được khen ngợi.

Thầy Tỳ-kheo nghe các trời nói thế tự cảm thấy hổ thẹn đối với việc mình làm, nghĩ rằng thần núi còn thấy được những hành vi không  thực chất của ta huống gì những vị đã đắc đạo có thần thong mà không thấy rõ hay sao? Vậy nay ta tự sửa đổi, suy nghĩ bằng diệu trí, không cho niệm dâm, nộ, si, nổi lên nữa.

Thầy Tỳ-kheo cứ như thế thực hành, lời nói và việc làm ăn khớp nhau, nên được các trời ngày ngày khen ngợi vô lượng. Vì vậy, người biết thực hành theo lời khuyên của bạn lành bằng pháp lành thì chắc chắn thành tựu đầy đủ.

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo giữ hạnh tinh tấn, biết rõ được pháp nhiệm mầu thế tục, pháp bất tịnh, pháp an ban, pháp Tứ niệm ý chỉ, pháp noãn, pháp đảnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất. Lần lượt chứng được quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Sau khi đắc đạo, thầy Tỳ-kheo đáp tạ các trời, mong được khuyến tấn giúp đỡ để tâm càng trong như vực nước trong biếc. Nay ta đắc đạo là hoàn toàn nhờ vào năng lực thần kỳ giúp đỡ. Biết bao điều lợi ích, biết bao điều thành tựu. Thầy Tỳ-kheo lại nói pháp cho các trời nghe giúp họ tâm ý mở tỏ, được mắt pháp thanh tịnh, cho nên nói:

Dù nói pháp rất ít

Không buông lung được khen

Buông lung bị chê bai

Người Ma-kiệt không thế

Duyên tịch sinh cõi trời.

Thuở xưa, cách nay vô số kiếp, có vị Phật ra đời hiệu là Ca-diếp, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Ở tại thế gian, Ngài giáo hóa những chúng sinh có duyên. Xong, bèn nhập Niết-bàn vô dư.

Lúc bấy giờ, đối với Xá-lợi, bốn bộ đệ tử xây tháp bằng bảy chất

để tôn kính cúng dường, trải qua nhiều đời các tháp bị sụp đổ

không ai tu bổ. Lúc đó, rộng khắp dân chúng trong ấp Nghĩa Hiệp

có chín vạn hai ngàn người mà vua Bình-sa là lãnh tụ cao nhất. Vua

Bình-sa bảo mọi người rằng:

–Các ngươi phải khuyến khích nhau cùng làm việc phước đức. Phật ra đời khó gặp, thân người khó được. Dù được thân người, nhưng có khi sống ở biên địa ngoài xa, rơi vào những gia đình tà kiến. Vì sao chúng ta mãi tham đắm cái vui trần thế, chi bằng giờ đây, chúng ta phát tâm sửa chữa lại các ngôi tháp cũ đã sụp lở.

Mọi người đều nghe lệnh vua, liền cùng nhau tu bổ các ngôi tháp sụp lở. Rồi lại cùng nhau phát nguyện: “Chúng ta chung long chung sức tu bổ ngôi chùa này, thì dù chỉ được chút ít phước đức, cũng khỏi rơi vào ba đường, tám nạn, lại được sinh lên cõi trời, cõi người, cùng ở chung một nơi, chớ không khác nhau. Lại nghe rằng trong tương lai có Phật ra đời hiệu là Thích-ca Văn, khi Ngài nói pháp lần đầu tiên thì chúng ta là những người đầu tiên được Ngài độ, mà vua là người trước nhất.”

Lúc ấy, chín vạn hai ngàn người này tùy theo tuổi thọ mà lần lượt qua đời, đều được sinh lên tầng trời Đao-lợi. Trải qua nhiều kiếp sau đó, ở cõi Diêm-phù-lợi, có vị Phật ra đời hiệu là Thích-ca Văn, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân màu vàng tử ma, vầng ánh sáng tròn bao quanh thân bảy thước. Ngài nói pháp bằng âm thanh có tám tính chất như tiếng chim Yết-tỳ. Lúc ấy chín vạn hai ngàn vị trời kia hưởng hết phước trời, lần lượt sinh xuống nước Ma-kiệt- đà.Vua Bình-sa lên tám tuổi đã nối ngôi vua. Rồi vua trị vì bằng chánh pháp, không chút tà vạy, ủng hộ chánh pháp, ban ân lành xuống khắp, không sát hại sinh mạng. Vua còn lập đàn bố thí cứu giúp kẻ nghèo. Những ai từ xa đến tạm nghỉ lại, vua cũng đều cung cấp cho họ đầy đủ.

Lúc ấy Bồ-tát Nho Đồng bỏ tám muôn thể nữ, kể cả ngôi vua. Ban đêm lúc vắng người, Ngài đã bỏ nước ra đi tìm đạo, tự cắt tóc trên đầu. Rồi Ngài bỏ lại chiếc áo quý kể cả con ngựa trắng mà Ngài cỡi, giao hết cho Xa-nặc đem về nước tâu với vua: “Sự sống chết với vô số khổ não mệt nhọc buồn lo. Ngày nay con đi học đạo mong được chứng quả. Nếu nguyện ước đó được thành tựu, con sẽ trở về độ vua cha”. Rồi Bồ-tát lại tiến về phía trước. Trên đường đi, Ngài gặp người thợ săn mặc pháp phục giống như Sa-môn. Bồ-tát

hỏi người thợ săn:

–Pháp phục anh đang mặc gọi là gì?

Người thợ săn đáp:

–Nó tên là ca-sa, mặc vào đi săn, bầy nai ngỡ là người tu

hành, nên chúng đến gần quây quần không chút sợ hãi. Bọn chúng

tôi dùng cách ấy đết bắt giết chúng nuôi sống thân mạng.

Nghe vậy, Bồ-tát càng sinh tâm thương xót, Ngài nói:

Phàm người nương bốn tâm

Cứu giúp loài chúng sinh

Mặc ca-sa Như Lai

Bỏ nhơ lại tạo nhơ.

Giờ đây, tôi muốn đổi với anh chiếc áo đẹp đẽ mà tôi đang mặc trên người này.

Gã thợ săn nói:

–Ngài là con vua sống trong cung sâu thân thể mềm mại, không hề chịu khổ lạnh, tôi e rằng thân vương tử sẽ bị bệnh.

Bồ-tát đáp:

–Đổi áo này, Ta không cảm thấy khổ vì áo kia là vật tượng trưng cho Thánh hiền.

Gã thợ săn nói:

–Áo của vương tử có giá trị vô số, còn ca-sa này không thể bố thí cho ai được. Tại sao vương tử lại muốn đổi lấy nó?

Bồ-tát đáp:

–Khi tôi đã cần dùng thì không kể sang hèn.

Gã thợ săn nói:

–Cái áo này bẩn thỉu hôi hám, thật tình tôi không dám đổi nó cho vương tử đâu.

Bồ-tát nói:

–Thơm hay hôi hễ anh cho thì tôi sẽ đem giặt.

Gã thợ săn liền cởi ca-sa đổi chiếc áo quý của Bồ-tát. Sau khi đắp ca-sa, tay cầm lá hoa sen, Bồ-tát vào thành La-duyệt khất thực. Lúc ấy, trong thành có mấy ngàn muôn người đang nhóm họp một chỗ. Vừa thấy Bồ-tát, họ liền giơ tay khen ngợi, người thì nói lành thay, có người nói mặt trời mặt trăng. Hoặc có người chắp tay tự quy mạng, hoặc hỏi thăm:

–Đây là vị trời, hay là Phạm thiên? Hay là Thích Đề-hoàn Nhân?

Mọi người vây quanh khiến Ngài không khất thực được. Sau cùng Ngài cầm lá sen ra khỏi thành, đi đến Đông Sơn. Mọi người lần lượt đi theo sau Ngài. Lúc ấy, từ trên lầu cao, vua Bình-sa chợt thấy xa xa mọi người đang theo sau Bồ-tát. Vua liền hỏi những vị đứng hầu bên cạnh:

–Những người kia đang kéo vào núi, có chuyện gì thế?

Một vị quan lớn nhận ra Bồ-tát, liền tâu vua:

–Ấy là một người dòng họ Thích, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo, đi đến khắp nơi. Hay đó là một mưu đồ quốc sự, ta nên đến đó bắt y giết quách.

Nghe vậy, vua Bình-sa bảo với vị quan:

–Khanh muốn giữ gìn dòng họ của mình thì chớ nói lời ấy, dòng họ Thích nối ngôi vua làm Chuyển luân thánh vương thì bọn ta chỉ là quan phụ tá. Nếu ông ấy xuất gia học đạo, thành tựu quả vị Phật thì chúng ta nguyện được làm đệ tử hàng đầu của ông và buổi nói pháp đầu tiên của ông, ta sẽ được hóa độ trước nhất.

Rồi vua Bình-sa cho xe chở nhiều thức ăn ngon đi vào núi để vua được gặp Bồ-tát. Vừa thấy Bồ-tát, vua liền bước đến lạy dưới chân Ngài, tự xưng tên họ:

–Tôi là vua nước Ma-kiệt tên là Bình-sa.

Bồ-tát đáp:

–Tôi biết ngài lâu rồi, cần gì phải cung kính quá như vậy?

Vua Bình Sa thưa:

–Nay tôi xin dâng Ngài chút thức ăn mọn, mong Ngài nhận cho, để nói lên chút lòng quý mến sâu xa.

Bồ-tát im lặng thọ thực, thọ thực xong, vua Bình-sa tự tay dâng nước sạch rửa tay. Vua đến trước Ngài thưa:

–Nếu Ngài chứng đạo Vô thượng thì xin độ cho chúng tôi trước nhất để thoát hẳn sự đau khổ ở thế gian.

Vua Bình-sa liền lễ dưới chân Ngài và tạm biệt ra về. Còn Bồ-tát thì lên đường đến chỗ ông A-lan. Vừa thấy Bồ-tát đến, các đệ tử của ngài A-lan vội vàng vào thưa với thầy mình:

–Hiện có một người tuấn tú khác thường sắp đến cửa đạo tràng ta, chắc là đến xin làm học trò thầy. Lúc ấy, A-lan liền gọi các đệ tử mà nói bài kệ đó.