KINH ĐẠI THỪA ĐẠI TẬP ĐỊA TẠNG THẬP LUÂN
Hán dịch: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 6: THIỆN NGHIỆP ĐẠO
(Từ Quyển 7 đền đầu Quyển 9)
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát làm thế nào đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc? Làm thế nào đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc? Làm thế nào đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc? Làm thế nào đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc? Làm thế nào đối với Đại thừa không bị lầm lạc? Làm thế nào đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc? Làm thế nào để có thể hưng thịnh dòng giống Tam bảo? Làm thế nào đối với đệ tử xuất gia của chư Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải bậc Pháp khí, cho đến tất cả những người chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc, không bị lầm lạc? Làm thế nào đối với pháp Đại thừa thường được tiến tới, không thoái lui? Làm thế nào phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng? Làm thế nào đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa mau được tự tại, không thoái chuyển? Làm thế nào thường được gặp các Thiện tri thức và làm theo họ? Làm thế nào thường gặp tất cả chư Phật và các đệ tử Bồ-tát, Thanh văn, được nghe giáo pháp và thân cận cúng dường chúng Tăng? Làm thế nào đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu tâm không nhàm chán? Làm thế nào đối với các hạnh nguyện Bồ-đề tâm không biết chán mỏi?
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng:
–Này thiện nam! Đại Bồ-tát có mười luân, nếu Đại Bồ-tát nào thành tựu được mười luân này thì đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc. Đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc. Đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo. Đối với đệ tử xuất gia của chư Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải bậc Pháp khí, cho đến tất cả những người chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc, đều không bị lầm lạc. Đối với pháp Đại thừa thường được tiến tới, không có thoái lui. Phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng. Đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa đều mau được tự tại, không bị thoái chuyển. Thường được gặp các Thiện tri thức và làm theo họ. Thường được gặp tất cả chư Phật và các đệ tử, Bồ-tát, Thanh văn, được nghe giáo pháp và thân cận cúng dường chúng Tăng. Đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu tâm không nhàm chán. Đối với các hạnh nguyện Bồ-đề tâm luôn không nhàm chán. Thường dùng pháp trí của bậc Thánh vững chắc như kim cang để bẻ gãy tất cả nghiệp ác bất thiện đã tạo ra từ trước, làm cho tiêu diệt hết không còn sót lại, không thọ quả báo. Lại cũng không tạo các nghiệp ác bất thiện mới, không nhàm chán, mau chứng đắc pháp luân vô thượng. Thường khuyến tu tập bảy báu Giác phần không nhàm chán. Thường hay diệt trừ tất cả bệnh phiền não cho tất cả chúng sinh không mỏi mệt, tất cả chúng sinh nương vào đấy mà sống còn.
Này thiện nam! Như vua Chuyển luân có đầy đủ bảy báu, khi ra đi có xe báu dẫn đường đi trước, các báu khác theo sau, xem xét bốn đại châu, có thể diệt trừ ô uế trong thân tâm của tất cả chúng sinh, có thể làm tăng trưởng thân tâm an lạc cho tất cả chúng sinh. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc. Nói rộng ra cho đến tất cả chúng sinh nương vào đây mà sống còn.
Này thiện nam! Ví như xe lớn có đầy đủ bốn bánh, chở được rất nhiều người chạy trên đường lớn. Trên con đường đó có khối đất, ngói, gạch, cỏ, cây, gốc rễ, cành lá, hoa quả đều bị bánh xe lăn qua, tất cả đều tan vỡ, không còn tác dụng. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân có thể dẹp tan các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, làm cho không thọ lấy quả báo.
Này thiện nam! Ví như bánh xe kiếm bén vừa phóng tới là có thể chém đầu và các bộ phận thân thể kẻ địch, làm cho kẻ địch không còn hoạt động được. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tưu mười luân, có thể phá tan tất cả khổ lớn sinh tử trong năm đường lao ngục, vĩnh viễn diệt trừ tất cả nghiệp ác phiền não, làm cho không thọ lấy quả báo.
Này thiện nam! Ví như khi nạn hỏa khởi lên, năm mặt trời xuất hiện, khắp bốn đại châu tất cả sông biển, những nơi có nước đều khô cạn hết. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân thì tất cả bốn nhân các phiền não chướng, các hữu tình chướng, nhất thiết pháp chướng, căn bản khổ báo đều khô cạn hết.
Này thiện nam! Như phong tai khởi lên, bốn phương gió mạnh nổi lên đồng thời làm cho tất cả các núi lớn, nhỏ và đại địa khắp thế giới đều tan hoại hết. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân thì các núi của bốn điên đảo, của kiêu mạn ở thế gian đều hoại diệt, tất cả các phiền não chướng, các hữu tình chướng, nhất thiết pháp chướng, căn bản khổ báo của chúng sinh cũng đều tiêu diệt.
Này thiện nam! Như sư tử chúa rống lên một tiếng thì tất cả loài cầm thú đều kinh sợ, rụng rời bay đi, chạy trốn không dám động đậy. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân, phát ra pháp âm làm chấn động, cho đến tất cả ngoại đạo, tà giáo, bạn ác đều sợ hãi, quên mất biện thuyết, không dám chống cự lại.
Này thiện nam! Như Thiên đế Thích khi sắp đánh nhau với Atố-lạc, quân của Thiên đế vây quanh, tay cầm kim cang tiến vào trận, các A-tố-lạc đều kinh sợ, bỏ chạy tán loạn. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân thì tất cả ngoại đạo, tà giáo, tà kiến điên đảo, bạn ác đều kinh sợ bỏ chạy tán loạn.
Này thiện nam! Như châu như ý treo trên cờ cao, có thể mưa xuống các loại châu báu tốt đẹp cung cấp cho tất cả người nghèo. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân, ở trên cờ tịnh giới mưa pháp lớn cho tất cả vô lượng chúng sinh.
Này thiện nam! Như đêm khuya tăm tối, không thấy gì nên dễ bị lạc đường, khi trăng tròn xuất hiện, bóng tối liền mất, những người lạc đường đều tìm thấy đường phải đi. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân, nếu các chúng sinh vì vô minh mê mờ, mà quên mất tám chi Thánh đạo thì Bồ-tát tùy theo căn cơ mà thuyết pháp cho họ, làm cho họ trừ diệt vô minh mê mờ, phát sinh ánh sáng chánh pháp, chỉ bày rõ tám chi Thánh đạo, làm cho đoạn trừ các lậu, dứt hết các khổ.
Này thiện nam! Như khi mặt trời xuất hiện ở thế gian thì tất cả mầm lúa đều phát triển, tất cả hoa lá đều tươi tốt, tất cả các thứ hôi dơ đều tiêu trừ, các loại ngũ cốc, cây ăn quả, cây cỏ đều có kết quả, núi tuyết đều tan chảy, các sông đầy tràn, dần dần chảy ra biển làm đầy biển cả. Đại Bồ-tát cũng như vậy, khi thành tựu mười luân nương vào bố thí tăng thượng, điều phục, tịch tĩnh, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát-nhã, phương tiện Từ bi, biện tài, công đức thảy đều hưng thịnh, thuyết giảng chánh pháp cho các chúng sinh. Do oai lực ánh sáng chánh pháp, làm cho các mầm lúa căn lành tăng thượng của các chúng sinh đều phát triển, các hoa lá diệu hạnh tăng thượng đều tươi tốt, các thứ phiền não, nghiệp ác, hạnh ác đều tiêu trừ, các loài ngũ cốc, cây ăn trái, cây cỏ hướng đến Niết-bàn đều có kết quả. Các núi kiêu mạn, tà kiến đều tan chảy, các sông chánh tín, giới, văn, xả, tuệ và các định đều tràn đầy, dần dần chảy đầy biển lớn Niết-bàn, làm cho các hữu tình tùy theo ý thích mà hướng đến thành trì Niết-bàn vô úy.
Này thiện nam! Thế nào là mười luân của Đại Bồ-tát?
Này thiện nam! Mười luân này chẳng phải pháp nào khác, nên biết đó là mười nghiệp đạo thiện. Nếu thành tựu mười luân này thì được gọi là Đại Bồ-tát, đối với tất cả điều ác đều có thể thoát khỏi, tất cả pháp thiện đều tùy ý được thành tựu, mau có thể làm đầy biển lớn Niết-bàn, dùng ánh sáng đại trí phương tiện thiện xảo để giáo hóa tất cả các loài chúng sinh, làm cho họ đều được lợi ích an lạc. Vì sao? Này thiện nam! Vì tất cả chư Phật Thế Tôn đời quá khứ đều xa lìa mười nghiệp ác đạo, đều khen ngợi tán thán mười nghiệp thiện đạo này nên được phước báo. Vì vậy, nếu có thể đối với mười nghiệp thiện đạo do ta thuyết ra mà giữ gìn cho đến khi qua đời, hoàn toàn không dám phạm thì chắc chắn sẽ được tất cả phước báo thù thắng như đã nói từ trước đến nay.
Này thiện nam! Nếu Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa sát sinh, tức là ban cho các chúng sinh sự không kinh sợ, không sợ hãi, làm cho các chúng sinh không buồn khổ, không còn sợ hãi. Nhờ đó mà căn lành sẽ mau được thành tựu. Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do sát sinh. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, các thọ mạng chướng, hoặc tự mình làm hay dạy người khác làm, hoặc thấy nghe đều đồng lòng vui vẻ. Do xa lìa luân sát sinh này nên chuyển đổi hết các hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người thương mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, được sống lâu. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ, bức bách do sự luyến ái của vợ con quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-la quấy nhiễu làm cho sợ hãi, chỉ thấy điều vừa ý và là gặp bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu thiện pháp, giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa.
Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra ở đâu cũng không có bệnh, sống lâu, được thân xinh đẹp, thông minh, được an ổn, hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý, là bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa sát sinh, có thể đoạn trừ tất cả pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, mong cầu tất cả nghĩa pháp Đại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí mênh mông, cho đến chứng đắc đạo quả vô thượng: Sẽ được ở cõi Phật, xa lìa các binh khí, không có tên oán hại, đấu tranh; dứt hết các điều sợ hãi, được an ổn, hỷ lạc; tất cả đều không bệnh, sống lâu. Hữu tình như thế thì được sinh vào cõi nước ấy.
Thọ mạng Như lai vô lượng, vô biên, nhưng vì các hưu tình mà tùy cơ thuyết pháp để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp tồn tại lâu dài, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình. Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ nhất xa lìa sát sinh của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc; luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những người chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc cũng đều không bị lầm lạc; ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không bị thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các Địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp bạn lành và tu tập theo; thường được gặp tất cả chư Phật cùng các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa hành động của không cho mà lấy, tức là ban cho tất cả chúng sinh sự không kinh sợ, không sợ hãi, không phiền não, cũng không khuấy động, vui vẻ bằng lòng với tài lợi có được như pháp của mình, hoàn toàn không mong cầu tài lợi phi pháp. Do đó, căn lành sẽ mau được thành tựu.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do tham lấy của không cho. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, các tài bảo chướng, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều tùy hỷ. Do xa lìa luân tham lấy của không cho này nên chuyển hết mọi hoặc nghiệp, không còn sot lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người thương mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, tài bảo đầy đủ. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ, bức bách do sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cung không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy điều vừa y là gặp những vị Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa. Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra nơi nào cũng đầy đủ tài bảo, được thân xinh đẹp, thông minh, an ổn, hỷ lạc, tài bảo không thuộc về năm nhà, lại gặp điều vừa ý là gặp những vị Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa nghiệp tham lấy của không cho, đoạn tất cả các pháp bất thiện, có thể thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, luôn mong cầu tất cả giáo nghĩa Đại thừa, tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí mênh mông, cho đến chứng đắc Bồ-đề vô thượng; Sẽ được ở cõi Phật, được trang nghiêm bằng các châu báu, cây báu, ao báu, đền đài báu đều đầy khắp, xa lìa ngã, ngã sở, không bị lệ thuộc gì, đầy đủ tất cả vật trang sức. Hữu tình như vậy thì được sinh vào cõi nước ấy.
Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các chúng sinh mà tùy cơ thuyết pháp để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp được tồn tại lâu dài ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ hai xa lìa không cho mà lấy của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những người chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc, cũng đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả chư Phật cùng các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát nào có thể trọn đời xa lìa tà hạnh ham muốn, tức là ban cho tất cả chúng sinh đang bị trôi nổi trong biển dục sự không lo sợ, không sợ hãi, không ghen ghét, không oán hại, không bị phiền não, cũng không quấy động, bằng lòng vui vẻ với vợ mình, hoàn toàn không mong cầu sắc dục phi pháp. Do đó, căn lành sẽ mau được thành thục.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do tà hạnh ham muốn. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ac, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng và những chướng ngại về gia đình, tự mình làm hoặc dạy người khác làm, thấy nghe đều đồng lòng vui vẻ. Do xa lìa luân tà hạnh ham muốn này mà chuyển hóa hết các hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người thương mến, không lo nghĩ, thân tâm được an lạc, thê thiếp trinh lương. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách vì sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý và những vị đầy đủ giới, phước đức, thành thục các pháp thiện, là ruộng phước chân thật làm bạn lành, thân tâm vui vẻ, pháp sinh lòng tin kính sâu xa.
Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra nơi nào cũng đầy đủ các quyến thuộc xinh đẹp thông minh, được an ổn hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý là gặp những vị Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa tà hạnh ham muốn, đoạn trừ tất cả pháp ác, có thể thành tựu tất cả pháp thien thù thắng, mong cầu tất cả giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí mênh mông, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, không có người nữ, xa lìa dâm dục, đầy đủ phạm hạnh đệ nhất. Hữu tình như thế thì đến sinh đến ở cõi nước ấy, tất cả hữu tình đều do hóa sinh, không ở trong bào thai hôi hám dơ bẩn. Thọ mạng Như lai vô lượng, vô biên, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niếtbàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ ba xa lìa ham muốn tà hạnh của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này thì đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những người chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc cũng đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không bị thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả chư Phật cùng các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng. Đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam! Nếu Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa lời nói dối thì được tất cả chúng sinh kính mến, lời nói ra đều thành thật, người nghe đều tin kính, không nghi ngờ. Do đó, căn lành sẽ mau được thành thục.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do nói dối. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, làm chướng ngại sự tin tưởng vào lời nói, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều đồng lòng vui vẻ. Do xa lìa luân nói dối này nên chuyển hóa hết các hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ngay trong đời này, được trời người thương mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, lời nói ra được mọi người tin theo. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách do sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý và làm bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa. Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra ở đâu cũng nói lời thành thật, được thân xinh đẹp, thông minh, an ổn hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý và làm bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa lời nói dối, đoạn trừ tất cả pháp ác, có thể thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, mong cầu tất cả giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí sâu rộng, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, mọi thứ đều chân thật, xa lìa sự dối trá, được trang nghiêm bằng các loại hương thơm, các vật tinh khiết, không dua nịnh, không dối gạt, tâm hạnh chân chánh, mong cầu các pháp thiện thuần tịnh. Hữu tình như thế thì sinh vào cõi nước ấy, được trang nghiêm bằng các loại hương thơm, y phục đẹp, đồ trang sức báu. Thọ mạng Như lai vô lượng, vô biên, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ tư xa lìa lời nói dối của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu toc cũng đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không bị thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tai, không bị thoái chuyển, thường được gặp các bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả chư Phật cùng các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa lời nói ly gián thì được tất cả mọi người kính mến, lời nói ra đều làm cho hòa thuận, người nghe đều tin kính, không nghi ngờ. Do đó căn lành sẽ mau được thành thục.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tư là do nói lời ly gián. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, làm chướng ngại sự hòa kính, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều đồng lòng vui vẻ. Do xa lìa luân nói ly gián này nên chuyển hóa hết mọi hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người thương mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, lời nói nào cũng làm cho hòa thuận. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách bởi sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý và gặp bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa. Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra nơi nào cũng nói lời hòa thuận, đẹp đẽ, thông minh, được an ổn hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý, gặp bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa lời nói ly gián, có thể đoạn hết các pháp ác, thành tựu mọi pháp thiện thù thắng, mong cầu tất cả giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí sâu rộng, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, tất cả đều kiên cố, khó có thể phá hoại, được trang nghiêm bằng các vật tốt đẹp, không chống trái, không cạnh tranh, khéo hòa hợp các cuộc tranh tụng, mong cầu các pháp thiện chân thật. Hữu tình như thế thì đến sinh vào cõi nước ấy, thường tu pháp hòa kính, lắng nghe chánh pháp. Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ năm xa lìa lời nói ly gián của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả chư Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện mà khong chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa lời nói thô ác thì được mọi người thương mến, lời nói ra đều làm cho vui vẻ, ai nghe cũng tin kính, không nghi ngờ. Do đó căn lành sẽ mau được thành thục.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do lời nói thô ác. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, làm chướng ngại lời nói nhu hòa, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều một lòng vui vẻ. Do xa lìa luân nói thô ác này nên chuyển hóa hết mọi hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người kính mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, lời nói ra đều làm cho người vui vẻ. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách do sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu, cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý và là gặp những vị Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa. Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra nơi nào cũng nói lời nhu hòa, thân xinh đẹp, thông minh, được an ổn hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý, là gặp những vị Thiện tri thức, phước điền chân thật, thành tựu đầy đủ thiện pháp giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa lời nói thô ác, có thể đoạn hết các pháp ác, thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, mong cầu tất cả giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí sâu rộng, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, xa lìa tất cả âm thanh không vừa ý, lại có các âm thanh thượng diệu, như ý, hòa nhã, âm thanh của âm nhạc, âm thanh của sự kiết tập kinh điển vang khắp cõi nước ấy, có đầy đủ phạm âm niệm tuệ trong suốt, nhu hòa. Hữu tình như thế thì sinh đến ở cõi nước đó, thường dùng lời nói hoa nhã để sách tấn nhau. Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ sáu xa lìa lời nói thô ác của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới, không bị thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả chư Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồđề, tu các hạnh nguyện mà không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa lời nói tạp uế thì được mọi người kính mến, lời nói ra đều có ý nghĩa, ai nghe cũng tin kính, không nghi ngờ. Do đó, căn lành sẽ mau được thành tựu.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do lời nói tạp uế. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, làm chướng ngại lời nói có ý nghĩa, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều đồng lòng vui vẻ. Do xa lìa luân nói tạp uế này nên chuyển hóa hết mọi hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người kính mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, lời nói ra đều có ý nghĩa. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách do sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu, cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý, gặp những vị phước điền chân thật, là bậc Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ thiện pháp, giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa.
Sau khi qua đời, sinh lại làm người, các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra ở đâu cũng nói lời có ích, thân xinh đẹp, thông minh, được an ổn hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý, gặp những vị phước điền chân thật, là bậc Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ thiện pháp, giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa lời nói tạp uế, có thể đoạn hết các pháp ác, thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, cầu học mọi giáo nghĩa Đại thừa, tu tập tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí sâu rộng, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, xa lìa tất cả âm thanh không có ý nghĩa, mà lại có các âm thanh giảng pháp vi diệu của Bồ-tát vang khắp cả nước ấy, thành tựu vô biên đại nguyện, diệu trí, có khả năng giảng thuyết tốt các giáo nghĩa của chánh pháp. Hữu tình như vậy đến sinh ở cõi nước ấy. Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ bảy xa lìa lời nói tạp uế của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không bị thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng, đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tan mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồđề, tu các hạnh nguyện mà không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa tham dục thì được tất cả mọi người kính mến, tâm được thanh tịnh, xa lìa mọi cấu nhiễm. Do đó, căn lành sẽ mau được thành tựu.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm trong biển sinh tử là do tham dục. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng, làm chướng ngại sự không tham, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều một lòng vui vẻ. Do xa lìa luân tham dục này nên chuyển hóa hết mọi hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người kính mến, không lo nghĩ, thân tâm an lạc, thanh tịnh, lìa các cấu nhiễm. Khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách do sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý, gặp những vị phước điền chân thật, là bậc Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ thiện pháp, giới đức, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa.
Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra nơi nào tâm cũng được thanh tịnh, xa lìa mọi cấu nhiễm, được xinh đẹp, thông minh, được an ổn hỷ lạc. Lại gặp điều vừa ý, gặp những vị phước điền chân thật, là bậc Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ thiện pháp, giới đức, nương theo vị ấy mà tu học, xa lìa tham dục, có thể đoạn trừ hết các pháp ác, thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, có thể mong cầu mọi giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tập tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí sâu rộng, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, mặt đất bằng phẳng như lòng bàn tay, đầy dẫy các châu báu, được trang nghiêm bắng các hàng cây báu, các y phục báu, đồ trang sức báu, cờ lọng báu, các cây giăng lưới báu bằng vàng bạc, trân châu ở khắp nơi thật la ưa thích. Lại xa lìa kiêu mạn, dung mạo xinh đẹp, các căn đầy đủ, tâm bình đẳng. Chúng sinh như thế thì đến sinh vào cõi nước đó, không tham lam, được trang nghiêm bằng đầy đủ các công đức. Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ tám xa lìa tham dục của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới, không bị thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không bị thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để tu tập theo; thường được gặp tất cả Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe pháp, thân cận, cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu không nhàm chán, thường phát tâm Bồđề, tu các hạnh nguyện mà không chán mỏi, được phước báo như đã nói rộng ở trước.
*********
Lại nữa, này thiện nam! Nếu Đại Bồ-tát nào có thể suốt đời xa lìa sân hận thì được tất cả chúng sinh thương yêu, tâm vị ấy thanh tịnh, lìa hết mọi cấu uế. Do đó, căn lành sẽ dần dần được thành tựu.
Chúng sinh từ bao đời trước trôi lăn trong năm đường, chìm đắm mãi trong biển sinh tử luân hồi là do sân hận tạo nên. Thân, miệng, ý tạo ra không biết bao nhiêu các chướng của nghiệp ác, các phiền não chướng, các hữu tình chướng, tất cả pháp chướng và vô minh chướng, tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều một lòng vui vẻ. Do xa lìa luân sân hận này nên chuyển hóa hết mọi hoặc nghiệp, không còn sót lại, không thọ quả báo. Ở đời này, được trời người thương mến, không còn lo nghĩ. Tâm vị ấy thanh tịnh, lìa mọi cấu uế, nên khi lâm chung, thân tâm không bị buồn khổ bức bách do sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý thành tựu đầy đủ giới đức thiện pháp, làm bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa.
Sau khi qua đời, sinh lại làm người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra ở đâu tâm người ấy cũng được thanh tịnh, xa lìa mọi cấu uế, thân lại được xinh đẹp, thông minh, gặp mọi điều an ổn hỷ lạc. Lại gặp được những điều vừa ý thành tựu đầy đủ giới đức thiện pháp, làm bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, nương theo đó mà tu học, xa lìa các pháp sân hận. Như thế mới có thể đoạn trừ hết các pháp ác, thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng. Vị ấy có thể tìm cầu
tất cả giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tập tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào biển trí mênh mông, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng, sẽ được ở cõi Phật, xa lìa hết các uế trược, như gió, mây, uất khí, bụi trần cùng các vật dơ xấu, được các châu báu trang nghiêm, rất là ưa thích. Tâm không còn kiêu mạn, dung mạo đoan chánh, uy nghiêm, các căn không thiếu khuyết, tâm thường tịch tĩnh. Các hữu tình như vậy thì được sinh vào cõi nước đó, được trang nghiêm đầy đủ bằng các công đức Từ bi. Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, để sau khi nhập Niếtbàn, chánh pháp được trụ lâu ở đời, làm lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ chín xa lìa sân giận của Đại Bồ-tát. Đại Bồ-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không còn lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không còn lầm lạc; đối với Độc giác thừa không còn lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không còn lầm lạc; đối với Đại thừa không còn lầm lac, đối với người theo Đại thừa không còn lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với các đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không còn lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không có thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không có thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để cùng tùy thuận tu hành theo; thường được thấy tất cả chư Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồtát; thường được nghe giáo pháp, được gần gũi cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu mà tâm không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện mà không hề chán mỏi. Các quả báo đạt được như đã nói rộng ở trước.
Lại nữa, này thiện nam! Nếu Đại Bồ-tát nào có thể trọn đời xa lìa các tà kiến thì được tất cả chúng sinh thương yêu, tâm vị ấy được thanh tịnh, xa lìa mọi sự phân biệt, tà vọng. Do đó mà căn lành mau được thành thục. Chúng sinh nhiều đời luân chuyển trong năm đường, đắm chìm trong biển sinh tử, cũng do nhân là tà kiến mà ra. Thân, ngữ, ý tạo ra các chướng của nghiệp ác, phiền não chướng, các hữu tình chướng, cùng tất cả pháp chướng làm chướng ngại chánh kiến. Tự mình làm hay dạy người khác làm, thấy nghe đều đồng lòng vui vẻ. Do xa lìa các bánh xe tà kiến này, mà diệt trừ hết phiền não, không còn thọ quả báo. Ở đời này, được trời người thương mến, không còn lo nghĩ, thân tâm đều được an ổn. Tâm vị ấy thanh tịnh, lìa xa mọi tà kiến phân biệt. Khi lâm chung, thân và tâm không bị các sự buồn khổ bức bách, không bị sự luyến ái của vợ con, quyến thuộc quấy nhiễu; cũng không bị vua Diêm-ma quấy nhiễu làm cho sợ hãi, mà chỉ thấy những điều vừa ý thành tựu đầy đủ giới đức thiện pháp, làm bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, thân tâm vui vẻ, phát sinh lòng tin kính sâu xa.
Khi qua đời, nếu trở lại trong cõi người thì các căn đầy đủ, thân thể vẹn toàn, sinh ra nơi nào tâm người ấy cũng được thanh tịnh, xa lìa các tà kiến phân biệt, được thân xinh đẹp, thông minh, an ổn, hỷ lạc. Lại được gặp những điều vừa ý thành tưu đầy đủ giới đức thiện pháp, làm bậc Thiện tri thức, phước điền chân thật, nương theo đó mà tu học, xa lìa hết tà kiến, đoạn trừ tất cả pháp ác, thành tựu tất cả pháp thiện thù thắng, cầu học mọi giáo nghĩa Đại thừa, có thể tu tập tất cả hạnh nguyện Bồ-tát, dần dần nhập vào trong biển lớn Đại thừa, cho đến chứng đắc quả Bồ-đề vô thượng. Vào ở cõi Phật, xa lìa các nhân pháp Nhị thừa Thanh văn, Độc giác, xa lìa các đồ chúng trong cõi thiên ma, xa lìa tất cả những bè đảng ngoại đạo, được các châu báu trang nghiêm rất là ưa thích, xa lìa mọi điều cát hung, vọng chấp, thường kiến, đoạn kiến, ngã và ngã sở kiến.
Các loại hữu tình như vậy thì được sinh vào cõi nước ấy, được tuổi thọ lâu dài, được thọ dụng một vị, gọi là vị Đại thừa. Thọ mạng Như lai vô lượng, nhưng vì các hữu tình mà tùy cơ thuyết pháp, đề sau khi nhập Niết-bàn, chánh pháp vẫn được trụ lâu ở đời, đem lại lợi ích an lạc cho vô lượng hữu tình. Thánh giáo chỉ có một vị, không chống trái nhau, được lưu truyền rộng rãi, xa lìa các chướng nạn.
Này thiện nam! Đó gọi là luân thứ mười xa lìa tà kiến của Đại Bồ-tát. Đại Bo-tát nào thành tựu luân này, đối với Thanh văn thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Thanh văn thừa không bị lầm lạc; đối với Độc giác thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Độc giác thừa không bị lầm lạc; đối với Đại thừa không bị lầm lạc, đối với người theo Đại thừa không bị lầm lạc. Luôn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo; đối với hàng đệ tử xuất gia của Như Lai, hoặc là bậc Pháp khí, hoặc chẳng phải là bậc Pháp khí, cho đến những vị chỉ đắp một mảnh ca-sa, cạo bỏ râu tóc đều không bị lầm lạc. Ở trong pháp Đại thừa thường được tiến tới mà không thoái chuyển, phước tuệ thù thắng thường được tăng trưởng; đối với tất cả các định, các Đà-la-ni, các nhẫn, các địa thì mau được tự tại, không có thoái chuyển; thường được gặp các bạn lành để cùng tùy thuận tu hành; thường được thấy tất cả chư Phật và các đệ tử Thanh văn, Bồ-tát, được nghe giáo pháp, được gan gũi cúng dường chúng Tăng; đối với các căn lành thường tinh tấn mong cầu mà tâm không nhàm chán, thường phát tâm Bồ-đề, tu các hạnh nguyện sáu pháp Ba-la-mật mà không hề chán mỏi. Các quả báo đạt được như đã nói rộng ở trước.
Này thiện nam! Đại Bồ-tát nào thành tựu được mười pháp luân như vậy, có thể mau chứng đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồđề. Vì sao? Vì ở đời quá khứ, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều xa lìa mười nghiệp ác đạo, đều khen ngợi tán thán mười nghiệp thiện đạo này mà được phước báo, vì muốn trưởng dưỡng tất cả chúng sinh đều được lợi ích an lạc trong đạo Bồ-đề, vì muốn diệt trừ tất cả khổ phiền não cho chúng sinh, khong còn một chút mảy may nào, vì muốn làm khô cạn ba đường ác, vì muốn làm hưng thịnh dòng giống Tam bảo, vì muốn đoạn trừ hữu trong tam giới, vì muốn chấm dứt uẩn, xứ, giới, vì muốn làm cho tất cả chúng sinh mau vào thành Niếtbàn vô úy, xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện như đã nói rộng ở trên thì sẽ được phước báo.
Vì thế, này thiện nam! Nếu không mong cầu một cách chân thật mười nghiệp thiện đạo như vậy để chứng thành quả Phật và cũng không chân thật giữ gìn một nghiệp thiện đạo nào, đến khi mạng chung mà tự xưng rằng: “Ta là bậc chân thật hành pháp Đại thừa, ta cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” thì nên biết người như thế là đại dối gạt, là đại vọng ngữ. Ở trước chư Phật Thế Tôn khắp mười phương thế giới làm mê hoặc thế gian mà không biết hổ thẹn, nói các pháp là không, là đoạn kiến để dụ dỗ, lừa dối người ngu si, đến khi qua đời sẽ đọa vào đường ác.
Nay thiện nam! Nếu chỉ dùng lời nói hoặc chỉ nghe biết, không do tu hành mười nghiệp thiện đạo mà có thể đắc Niết-bàn Bồ-đề ở trong một kiếp, hoặc trong chừng một niệm, mà có thể làm cho vô lượng chúng sinh ở khắp các cõi nước trong mười phương cũng đều chứng quả Bồ-đề Niết-bàn là điều không thể có. Vì sao? Vì mười nghiệp thiện đạo là căn bản của Đại thừa, là nhân của Bồ-đề, là bậc thềm của cái thang vững chắc để chứng nhập Niết-bàn.
Này thiện nam! Nếu chỉ phát tâm, phát thệ nguyện lực, không do tu hành mười nghiệp thiện đạo, mà lại có thể đắc quả Bồ-đề Niếtbàn ở trong một kiếp, hoặc trong một niệm, mà có thể làm cho vô lượng chúng sinh ở khắp các cõi nước trong mười phương đều chứng quả Chánh giác, nhập Niết-bàn là điều không thể có. Vì sao? Vì mười nghiệp thiện đạo là căn bản các quả báo công đức thù thắng của thế gian và xuất thế gian.
Này thiện nam! Nếu không tu hành mười nghiệp thiện đạo, dù có trải qua vô số kiếp ở các cõi nước khắp mười phương, tự xưng là Đại thừa, hoặc nói, hoặc nghe, hoặc chỉ phát tâm, hoặc phát thệ nguyện thì hoàn toàn không thể chứng Bồ-đề Niết-bàn, cũng không thể làm cho người khác thoát được khổ sinh tử.
Này thiện nam! Cần phải tu hành mười nghiệp thiện đạo. Ở thế gian có các Sát-đế-lợi, Bà-la-môn giàu sang quyền lực, Tứ đại Thiên vương cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc Thanh văn thừa, hoặc Độc giác thừa, cho đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đều là do tu hành mười nghiệp thiện đạo mà thọ các phẩm loại sai khác như vậy.
Thế nên thiện nam! Nếu muốn mau chóng viên mãn đại nguyện Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì cần phải tu mười nghiệp thiện đạo này để tự trang nghiêm, chứ chẳng phải do mười pháp ác, phi luật nghi mà có thể đạt được. Hoặc mong cầu mau ngộ nhập vào canh giới Đại thừa, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mau viên mãn tất cả pháp thiện thì trước hết phải nên hộ trì mười nghiệp thiện đạo. Vì sao? Vì mười nghiệp thiện đạo này có thể tạo lập căn bản công đức của các pháp thiện, là nhân cho mọi quả báo thù thắng của thế gian và xuất thế gian, do đó phải tu hành mười nghiệp thiện đạo.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên nên nói kệ:
Muốn trừ tất cả khổ
Chứng đạo quả Bồ-đề
Nên tu mười nghiệp thiện
Tinh cần, chớ buông lung.
Đối với pháp ba thừa
Cùng các người theo pháp
Tất cả người xuất gia
Đều chớ nên lầm lạc.
Tin, thọ, hành Đại thừa
Lợi lạc khắp quần sinh
Ngộ thắng pháp tịnh độ
Mau chứng đại Bồ-đề.
Nếu xa lìa sát sinh
Được mọi người yêu kính
Không bệnh, được trường thọ
An vui, không tổn hại.
Sinh ra ở nơi nào
Thường ưa làm Phật sự
Thường gặp Phật, Pháp, Tăng
Mau thành Vô thượng giác.
Nếu xa lìa trộm cắp
Người trí đều tôn kính
Dứt trừ nghiệp tham lam
Được sinh chỗ vô tham.
Đời đời thường giàu có
Làm bậc đại thí chủ
Đầy đủ các châu báu
Tốt đẹp như nước Phật.
Nếu lìa dục tà hạnh
Diệt phiền não xấu ác
Làm khô biển tham ái
Mau đến cõi Phật tịnh.
Cứu độ các chúng sinh
Ra khỏi bùn nhơ dục
An trú nơi Đại thừa
Tinh cần tu phạm hạnh.
Xa lìa lời hư dối
Được Thánh trí tự tại
Thường nói lời thành thật
Diệt hết khổ hư vọng.
Một lời là chứng thật
Thường gặp Phật, Pháp, Tăng
Mau đến quả Bồ-đề
Khuyên tu chớ vọng ngữ.
Xa lìa lời ly gián
Thành tựu muôn pháp lành
Thường gặp Phật, Pháp, Tăng
Không còn bị đoạn diệt.
Đắc quả Vô nhiễm trước
Đà-la-ni bảo tạng
Vào sâu trong biển pháp
Mau chứng Vô thượng giác.
Nếu lìa lời thô ác
Thường nói lời nhu hòa
Chúng sinh đều kính mến
Diệt hết nghiệp đời trước.
Khiến ai thấy cũng vui
Thành Bồ-tát Đạo sư
Biet muôn việc của Phật
Vượt qua Địa thứ mười.
Không nói lời tạp uế
Người trí đều tôn kính
Vì người khác mà nói
Có đủ năm công đức.
Thường lắng nghe lời Thánh
Vui mừng cầu Thánh đạo
Biển chư Phật viên mãn
Mau được Nhất thiết trí.
Nếu lìa hết tham dục
Không chê bai Thánh giáo
Cúng dường áo ca-sa
Phát huy pháp ba thừa.
Liền sinh về tịnh độ
Chỗ ở bậc Đạo sư
Nương nơi Vô thượng thừa
Mau được trí tối thắng.
Nếu xa lìa sân hận
Một lòng tu tâm Từ
Mau chứng đắc Đẳng trì
Thích đến chỗ Thánh chúng.
Sẽ sinh về cõi Phật
Xa lìa các tội ác
Ở đó chứng Bồ-đề
Xa lìa lòng sân hận.
Nếu dứt sạch tà kiến
Thuần tu tâm tịnh tín
Vui khai thị ba thừa
Cúng dường khắp chư Phật.
Thoát hẳn các đường ác
Gặp được chư Thánh hiền
Đủ các đức Bồ-tát
Đạt được trí Vô thượng.
Ta nói mười nghiệp thiện
Hướng Bồ-đề tối thắng
Sinh trưởng các đẳng trì
Đà-la-ni nhẫn địa.
Luân này oai đức lớn
Diệt hết mọi đường ác
Phá hoại muôn chướng nghiệp
Mau thành đạo Bồ-đề.