KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 5: SỐNG LÂU

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo khắp cả đại hội:

–Này các thiện nam, thiện nữ! Ở trong ba pháp (giáo pháp, hành pháp và chứng pháp) và các lời giảng dạy về giới luật, nếu có điều gì còn thắc mắc thì nay các vị đều phải hỏi.

Đức Thế Tôn nói đi nói lại như thế mấy lần.

Lúc này, trong hàng ghế ngồi có Bồ-tát Na-la-tụ-lạc, người họ Ca-diếp, dòng Bà-la-môn, vâng nhờ uy đức thần lực của Đức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục để hở vai bên phải, rập đầu lễ dưới chân Phật, đi quanh trăm ngàn vòng, quỳ gối phải chạm đất, dùng hương hoa cõi trời cúng dường xong rồi bạch:

–Bạch Thế Tôn! Con có điều muốn hỏi, xin Thế Tôn từ bi thương xót diễn bày rộng rãi cho.

Phật bảo Đại Bồ-tát Ca-diếp:

–Tùy ý ông hỏi điều gì, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác sẽ giảng nói cho ông.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những điều con hỏi đều là được nhờ sức uy thần của Như Lai, cũng là do gốc rễ tốt lành của tất cả chúng sinh. Hôm nay, Như Lai lấy bốn chúng hiền đức lớn làm quyến thuộc, lấy các đại sư tử làm quyến thuộc, lấy các kim cương sĩ làm quyến thuộc, lấy biển cả trí tuệ tuyệt vời làm quyến thuộc. Còn hạng phàm phu thấp kém như chúng con có điều muốn hỏi, song vì không được nhờ thần lực của Như Lai trợ giúp thêm, nên chúng con không thể nêu ra câu hỏi. Vì thế, nay con có điều dám hỏi, nên biết đều là nhờ thần lực của Như Lai. Ở trước Đức Phật, Ca-diếp liền dùng kệ hỏi:

Nhân gì được sống lâu
Thân kim cương chẳng hoại
Thọ trì thế nào đây
Nghĩa khế kinh rất sâu.
Bồ-tát dạy chúng sinh
Nói pháp có mấy thứ?
Hạng người nào kham được
Gọi là nương chân thật.
Tuy chẳng phải La-hán
Lượng ngang với La-hán
Thiên ma Như Lai nói
Làm sao phân biệt được.
Làm sao biết bình đẳng
Nghĩa Bốn thánh chân đế
Và bốn tướng đảo ngược
Hành, khổ, không, vô ngã.
Làm sao thấy Bồ-tát
Khó thấy tánh Như Lai
Làm sao được đầy đủ
Hiểu rõ nghĩa “bán tự”.
Làm sao khéo hóa hiện
Như nhạn hạc xá-lợi
Làm sao được trí tuệ
Như tú vương nhật nguyệt.
Làm sao vì Bồ-tát
Nguyện thương nói quyết định
Các pháp môn như vậy
Nghĩa rất sâu vô lượng.
Điều chúng con nên biết
Nên nêu câu hỏi này
Đâu dám hỏi Như Lai
Cảnh giới của chư Phật.

Phật bảo Ca-diếp:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Người nào dần dần bước lên thềm bậc Nhất thiết chủng trí của Như Lai, mới có thể hỏi nghĩa lý kinh điển rất sâu xa này. Từng phương diện một, chư Phật hiểu rằng atăng-kỳ cát sông Hằng, từ khi có nguồn gốc đến nay, chư Phật tự ở thế giới mình, ngồi nơi gốc cây Đạo thành bậc Đẳng Chánh Giác, con số ấy rất nhiều không đếm xuể. Các vị ấy vốn dĩ là Bồ-tát đắc đạo Bồ đề, lần lượt khai phát sự tỉnh thức, thảy đều là do họ hỏi về pháp tạng sâu xa của Như Lai. Hôm nay các ông cũng như vậy, các ông có thể lấy cảnh giới Nhất thiết chủng trí mà hỏi Ta, ngõ hầu đem lại an vui cho tất cả chúng sinh.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con không thể nào gánh vác nổi sự việc xin hỏi Thế Tôn về cảnh giới Nhất thiết chủng trí. Ví như con muỗi, con ve, chúng nó không thể bay vượt hư không để sang bờ bên kia biển cả, chúng nó cũng không thể nào uống hết nước biển. Cũng như thế, con không thể vượt qua trí tuệ rất mực sâu rộng dường hư không và biển cả của Thế Tôn mà không có nỗi sợ hãi. Lại như viên ngọc sáng trong búi tóc của vị đại vương, người giữ kho tàng của đại vương tăng thêm sự trông nom giống như chăm giữ đỉnh đầu của mình. Cũng như thế, nay con hỏi chánh pháp rất sâu xa của Như Lai, Như Lai sẽ giải quyết mạng lưới ngờ vực ấy mà giảng nói rộng rãi.

Phật bảo Ca-diếp:

–Này thiện nam! Nay Ta sẽ nói về nghiệp của sự sống lâu, Đại Bồ-tát thực hành nghiệp này để làm nhân cho bậc Đẳng giác. Này thiện nam! Ta cũng nhờ thực hành nghiệp kia và giảng nói rộng rãi cho mọi người, nên chứng đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề. Ví như đại vương, đứa con của ông phạm tội bị nhốt tại nhà giam, vì đứa con ấy nên ông tha tội cho những người tù khắp cả để cứu đứa con của mình. Bồ-tát tu nghiệp sống lâu như thế, nhớ nghĩ tất cả chúng sinh giống như đứa con một. Đối với các chúng sinh, Bồ-tát đem tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, vâng giữ giới hạnh thanh tịnh, không làm hại chúng sinh, xây dựng tất cả chúng sinh ở dấu tích năm giới cấm và mười nghiệp thiện. Tùy theo sức lực của mình, Bồ-tát có thể cứu giúp địa ngục, quỷ đói, súc sinh, để cắt đứt hết thảy nghiệp duyên đường ác. Giải thoát cho người chưa giải thoát, hóa độ cho kẻ chưa được độ, chí hướng và sự suy nghĩ vững mạnh thành trí thông đạt về pháp phương tiện. Do thực hành nghiệp này mà được quả dựa theo và quả báo do hành động tạo tác, vị ấy sống lâu không cùng tột, thành trí tuệ rất tuyệt diệu, sống tự tại và không có nỗi sợ hãi, như thế Bồ-tát mãi mãi lìa khỏi khuôn pháp của sự chết.

Ca-diếp bạch Phật:

–Như lời Thế Tôn nói, Đại Bồ-tát bình đẳng xem chúng sinh dường như đứa con một, điều này có ý nghĩa gì? Nếu nói Đại Bồ-tát bình đẳng xem chúng sinh như con một, chẳng lẽ có ý này. Vì sao? Vì trong pháp Phật, hoặc có kẻ gây ra năm tội trái ngược với đạo lý, nói xấu chánh pháp, đối với hạng chúng sinh này, đều phải tu tập ý tưởng con một chăng?

Đức Thế Tôn bảo:

–Đúng thế, này Ca-diếp! Ta coi tất cả chúng sinh giống như Lahầu-la.

Ca-diếp bạch Phật:

–Nếu đúng như vậy, thế thì tại sao một hôm nọ, vào ngày mười lăm hàng tháng, giữa chúng Tăng thanh tịnh, Bồ-tát trong đại hội, có một người chưa thọ giới Cụ túc lén vào nghe trộm giới luật, khi ấy kim cương lực sĩ ngước nhìn thần chỉ của Phật, bèn cầm cái chày kim cương đập nát khiến cho người kia dường như bụi bặm, sao gọi là bình đẳng coi tất cả chúng sinh như con.

–Đừng nói như thế, đồng tử kia là người biến hóa thành mà thôi, muốn chánh pháp sáng tỏ thì phải dẹp bỏ kẻ phạm tội, để răn đe người đời sau, khiến cho kẻ ôm lòng vụng trộm và tâm xấu ác của hạng Nhất-xiển-đề phải ẩn núp. Giống như ông quan lớn của nhà vua bắt giữ kẻ phạm pháp, tùy theo tội trạng của kẻ ấy mà trừng trị. Như Lai cũng như vậy, có người phá hoại giáo pháp, liền đem đạo lý để trừng phạt, khiến cho kẻ phạm vào điều xấu ác tự thấy quả báo của tội lỗi. Như Lai thường đem ánh sáng từ thân mình để an ủi chúng sinh, không e sợ cũng chẳng làm hại. Tuy có chúng sinh không được nhờ ánh sáng, nhưng đến chết, đối với người kia, Như Lai cũng không bỏ lòng đại bi.

Lại nữa, này Ca-diếp! Nếu các ông có thể khéo hiểu ý nghĩa vi diệu bí mật của Như Lai, thì nay Ta sẽ nói lại. Ca-diếp! Ví như ở phương khác có các Tỳ-kheo giữ giới thanh tịnh, đạo đức thuần nhất, uy nghi đầy đủ. Đức Như Lai ở phương kia đã vào Nê-hoàn, các chúng Tỳ-kheo không có người gánh vác nắm giữ. Bởi vì chúng Tăng kia không có vị Đại sư, cho nên người không có đạo đức làm não hại các vị Tỳ-kheo. Bấy giờ, có vị quốc vương tốt rất ưa thích pháp Phật, trừng trị kẻ xấu ác kia, hoặc là đuổi người kia ra khỏi đất nước. Nhờ đuổi người ác kia, làm cho chánh pháp được đứng vững yên ổn, cho nên ông vua gặt hái được phước đức không lường. Lý do ấy thế nào? Vì ông vua trừng phạt lỗi nặng của người kia và xây dựng giáo pháp lớn lao. Lại nữa, như nhà người mọc lên cây cối độc hại, thì hãy nên mau chóng cắt bỏ và tiêu diệt. Như thế, người phạm giới và làm loạn pháp ở trong pháp Phật, như chủ và tôi tớ tai hại đều phải đuổi ra khỏi, nếu không đuổi họ ra khỏi, nên biết hạng người ấy cách giáo pháp của Ta quá xa, nếu người nào đuổi họ ra khỏi thì chính là đệ tử của Ta.

Ca-diếp bạch Phật:

–Vì ý nghĩa ấy, cho nên chẳng bình đẳng coi chúng sinh giống như con một. Mổ xẻ và quán xét một cách đồng đều thì lời nói này trái nghịch. Nếu nói rằng Như Lai trị người phá hoại giáo pháp thì làm sao có ý nghĩa này?

Phật bảo Ca-diếp:

–Như nhà vua, quan lớn, trưởng giả, cư sĩ sinh ra đứa con đoan chánh, thông minh, sáng láng, trí tuệ khôn khéo, cả thế giới chỉ có một không hai, được mọi người yêu mến quý trọng. Người cha đem con mình đi đến nhà thầy để xin cho con học các môn kỹ nghệ, ông thưa với người thầy: “Tôi tuy sinh ra đứa con phước đức và đoan chánh này song nó chưa học kỹ nghệ, xin thầy dạy dỗ nó học hành giúp tôi, ắt hẳn khiến nó được thành tựu. Nếu nó không giữ đúng phép tắc, thì thường xuyên đánh roi vọt thêm. Tôi có bốn đứa con đều đến học với thầy, cho dù ba đứa con bị gậy đánh mà chết, chỉ có một đứa con còn lại nên phải chịu khó trông nom việc học, cốt yếu làm cho nó thành tựu, thì tôi vẫn không ân hận”.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ý ông nghĩ thế nào? Cha mẹ và thầy vất vả dạy dỗ đứa con ấy đến nỗi mất mạng, cha mẹ và thầy phạm tội giết người chăng?

Ca-diếp trả lời:

–Bạch Thế Tôn! Không phải vậy! Vì yêu thương và lo nghĩ con cái, muốn cho con cái được thành tựu, tuy thêm roi gậy đau đớn, song họ không có ý ghét hại, phước ấy vô lượng, không có mang tội giết người.

Phật dạy:

–Như thế, này thiện nam! Như Lai cũng vậy, trong số đó có người phạm giới và phá hoại pháp, Ta xem chúng như con với tâm đồng đều, xót thương răn dạy, muốn làm cho kẻ phạm giới và phá hoại pháp thành tựu, nên phải nhọc sức trông nom dạy dỗ, Ta không có lỗi. Do đó nên biết rằng, Đại Bồ-tát bình đẳng xem chúng sinh, nghĩ tưởng như con một, tu tập tâm bình đẳng Tam-muội, như thế thì không ôm lòng làm hại, đó là nghiệp sống lâu của Bồ-tát, trí tuệ tự tại.

Ca-diếp bạch Phật:

–Tưởng nghĩ tất cả chúng sinh như đứa con một, Đại Bồ-tát tu hành tưởng này rồi được sống lâu chăng?

Đức Phật dạy:

–Đúng thế.

Ca-diếp lại bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chỉ có điều con ước mong rằng Thế Tôn đừng nói ý nghĩa này như bắt chước trẻ con đùa giỡn bằng hai thứ tiếng nói vậy. Bạch Thế Tôn! Ví như trẻ con đùa giỡn trong đại hội, nói rằng khen ngợi và cúng dường cho cha mẹ đủ thứ, tự nhiên trở về nhà mình thì lại bất hiếu ngược ngạo, làm rối loạn buồn bực hai đấng sinh thành, chẳng đền trả ân đức nuôi nấng. Thế Tôn cũng như thế, Ngài nói Đại Bồ-tát coi tất cả các chúng sinh nghĩ như đứa con một, nhờ công đức ấy liền được sống lâu, trí tụê tự tại, thường trụ không chết. Thế nhưng, nay tuổi thọ của Thế Tôn và người trong cõi đời giống nhau, lẽ nào chẳng phải là Thế Tôn thường ôm ý tưởng dao gươm đối với tất cả chúng sinh ở trong vô số kiếp chăng? Kỳ lạ thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn chịu quả báo làm hại chúng sinh với tuổi thọ ngắn ngủi này, giống với thọ mạng trăm tuổi của người đời kia, thì Thế Tôn còn không phải là Bồtát, huống nữa là đấng Như Lai.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ông đừng phát ra lời lẽ thô lỗ này ở trước Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Thiện nam! Ông nên biết, Như Lai sống lâu không lường được, nên biết Như Lai là pháp thường trụ, nên biết Như Lai không phải là pháp thay đổi, nên biết Như Lai chẳng phải là pháp phai mờ tiêu diệt.

Ca-diếp bạch Phật:

–Làm sao biết được Như Lai sống lâu?

Phật bảo Ca-diếp:

–Như nước trong tám con sông lớn và các con suối thuộc cõi Diêm-phù-đề thảy đều chảy về biển, không có chỗ cùng tột, nên biết biển cả là chỗ dung nạp của sông suối. Như Lai cũng vậy, tất cả thọ mạng của chư Thiên và người đều trở về với biển cả thọ mạng của Như Lai, do ý nghĩa đó, nên biết tuổi thọ ấy của Như Lai là vô lượng.

Lại nữa, này Ca-diếp! Ví như hư không thường trụ không biến đổi, sự thường trụ của Như Lai cũng như thế. Cũng như đề hồ là vị thuốc mát mẻ, có thể trừ diệt nóng sốt phiền não, Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác thường đem vị thuốc diệu pháp đề hồ mát mẻ, để diệt trừ hết những hoạn nạn cho chúng sinh, vì thế Như Lai thường trụ trì mát mẻ, không có các phiền não tai họa.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu đúng là Như Lai sống lâu không lường, lại muốn cho tất cả chúng sinh an vui, thì hôm nay Thế Tôn phải nên ở cõi đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, để cho nước chánh pháp mát mẻ mưa xuống khắp cả chúng sinh. Chúng con chỉ ước mong Thế Tôn xót thương mà ở cõi đời.

Phật bảo Ca-diếp:

–Đừng dấy lên ý tưởng tận diệt đối với Như Lai. Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và những người ngoại đạo vẫn còn năm đức, thì họ có thể sống lâu ở đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, họ đi dạo giữa hư không, ngồi nằm tự tại. Sườn bên trái ra lửa, sườn bên phải ra nước, từ thân thể ra khói, họ có thể làm cho thân thể mình to lớn mà không có chỗ cùng cực và nhỏ bé vào nơi không có khe hở. Người có năm đức này liền được sức thần thông tự như thế, huống chi là Như Lai thành tựu tất cả vô lượng công đức, mà sức lực không thể ở cõi đời một kiếp hoặc hơn một kiếp hay sao? Do đó, nên biết Như Lai thường trú, không phải pháp biến đổi và pháp phai diệt. Nên biết thân này không phải là thân uế thực, thân ứng hóa ở thế giới này như cây thuốc độc nay nên vứt bỏ. Cho nên, này Ca-diếp! Nên biết pháp thân của Như Lai là thường trú, không phải là pháp biến đổi, không phải là pháp phai mờ tiêu diệt, ông hãy giảng nói rộng rãi cho mọi người.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế gian và xuất thế gian khác nhau những gì?

Đức Phật dạy:

–Như Lai thường trú, người đời cũng nói thường trú. Ca-diếp nói rằng Phạm thiên trước kia, vị thần ấy lại thường chu du tới lui. Nếu Như Lai thường trú thì chưa thấy sự khác nhau giữa pháp thế gian và pháp lìa khỏi thế gian.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ví như ông trưởng giả có một con bò sữa giao cho người chăn bò, ông ra lệnh cho người ấy chăn nuôi bò phải thả riêng ở đồng bằng bát ngát, nơi không có cỏ độc hại, không được buộc chung một chuồng cùng với đàn bò, ông trưởng giả muốn được bơ sữa tốt để cung cấp cho bà con thân thuộc. Như thế ít lâu người trưởng giả ấy qua đời, rồi chẳng bao lâu sau đó, kẻ chăn bò kia lại chết. Khi ấy có người dân quê mùa đi chơi trong đầm bắt được con bò sữa này, bèn vắt sữa con bò ấy để tự cung cấp cho cuộc sống, ông muốn làm bơ sữa song chẳng biết cách thức sử dụng, ông ta chứa sữa vào đồ đựng xấu và độ lạnh ấm không thích hợp, rốt cuộc không thành sữa mà cũng chẳng được bơ. Lại nữa, mùi vị sữa bị hỏng, sữa ôi đông đặc và đục ngầu, vậy mà ông cũng gọi đó là bơ sữa, nghĩ là bơ sữa rồi giữ lấy để dùng.

Sự ngu si của chúng sinh cũng như vậy, ao đầm chánh pháp tưới thấm nghĩa lý vi diệu rộng sâu, Phật đã diệt độ giống như ông chủ con bò qua đời, những chúng sinh kia đang ở vùng đầm rộng sinh tử giống như người quê mùa kia, đối với chánh pháp của Phật, họ đem trí tuệ thế tục tưới thấm uy nghi giới luật rồi dấy lên tư tưởng đảo ngược, bèn nói có chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng; nói đây chính là giải thoát, đây chính là thường trú, tích tập quen các kiến chấp khác, không được giải thoát sinh tử bằng con đường cốt yếu, xa lìa sự hành xử luật nghi thuộc chân đế, không biết Như Lai chính là pháp thường trụ. Như người quê mùa ngu si không được năm thứ mùi vị thích hợp của sữa bò, tự cho là mình dùng bơ sữa, song thực ra người ấy chẳng được một thứ mùi vị trong năm thứ mùi vị của sữa. Chỉ dính mắc đấng tạo hóa Phạm thiên thế tục rồi nói đó là thường, là chúng sinh, là giải thoát. Nhân vì mong cầu Phạm thiên, họ tu chút ít phạm hạnh, lìa xa tà dâm nên hiếu dưỡng cha mẹ, một ít người được sinh trên cõi trời, món ăn ưa thích tự nhiên, như người quê mùa kia dùng thứ sữa ôi ấy. Này thiện nam! Phạm hạnh thế tục cúng dường cha mẹ song chẳng biết quay về Ba ngôi báu, nên biết rằng, quả này không phải là hữu thường. Cúng dường cha mẹ, không tà dâm v.v…, có thể được như điều Phật hóa hiện vô thường là pháp thế tục mà thôi. Chỉ có Như Lai thường trụ bất diệt. Cho nên, này thiện nam! Nên làm phương tiện xa lìa các hồ nghi, chăm chỉ tư duy về Như Lai chính là pháp thường trụ.

Lại nữa, này thiện nam! Bấy giờ, người nhà quê chăn nuôi con bò sữa kia, gặp dịp Chuyển luân Thánh vương xuất hiện làm hưng thịnh cho đời. Phép vua Chuyển luân cần phải có con bò sữa, do lực uy đức của vua nên khiến cho người quê mùa kia phải rời bỏ con bò. Con bò đi nốt quãng đường, tự nhiên đi đến chỗ bầy tôi của vua coi giữ kho tàng. Người bầy tôi coi giữ kho báu biết con bò sữa này chắc chắn sinh sản ra loại sữa có mùi vị tinh túy thích hợp với năm thứ mùi vị của sữa, nhất định chính là phước đức của Thánh vương cảm ứng. Phật là đấng Pháp vương, lúc xuất hiện ở đời cũng như vậy. Giống như con bò sữa kia vốn được thọ nhận âm thanh pháp thường của thế gian, biến đổi thành âm thanh pháp thường của Như Lai, nó bẻ gãy phá tan khiến người quê mùa phàm tục bỏ bò mà đi bởi âm thanh pháp thường của bò sữa. Thế rồi nó đi đến đứng ở nước người bầy tôi coi giữ kho báu là đệ tử của Như Lai, nhờ sức mạnh phước đức của chúng sinh nên khiến cho con bò sữa pháp thường sinh sản ra những thứ sữa luôn có mùi thơm. Cho nên, này thiện nam! Nên biết pháp thường của Như Lai không phải là pháp biến đổi, hạng phàm phu ngu si trong thế gian vốn không thể nào hiểu rõ, đều là nhờ âm thanh thường trụ của Như Lai nên được biết mà thôi. Những người ở thế gian kia phải nên dấy lên sự suy nghĩ như thế. Nói đến âm thanh pháp thường tức là âm thanh pháp thường của Như Lai. Từ âm thanh này nên biết Như Lai vô số vô lượng. Như thế, này thiện nam và Thiện nữ! Nếu nắm giữ hai chữ thường trụ của Như Lai, trải qua nhiều kiếp tu tập, thì những chúng sinh như vậy chẳng bao lâu sẽ thành đạo Đẳng Chánh Giác giống như Ta không khác. Này thiện nam! Ông hãy cẩn thận chớ buông lung, nhận lãnh nắm giữ hai chữ “thường trụ” một cách vững chắc. Hôm nay, Như Lai sẽ nhập Nê-hoàn, đây là pháp nhất định của hết thảy chư Phật.

Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Những gì là pháp? Pháp có ý nghĩa như thế nào?

Con mong muốn được nghe pháp nhất định và tánh của nó thế nào?

Phật bảo Ca-diếp:

–Nay ông muốn nghe pháp tánh chăng?

Ca-diếp bạch Phật:

–Con mong muốn được nghe Thế Tôn giảng nói rộng rãi.

Phật bảo Ca-diếp:

–Pháp tánh là xả thân.

Ca-diếp bạch Phật:

–Xả thân là tăng thêm sự bàn luận vì nghi ngờ.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ông đừng quán xét như vậy mà nói rằng, Như Lai xả thân rồi lại thọ thân.

Ca-diếp bạch Phật:

–Con không hỏi sự thọ thân.

Phật bảo Ca-diếp:

–Ông chớ nói năng như thế, các pháp dứt bỏ vậy. Lại nữa, này Ca-diếp! Vô sắc ấm kia thuộc cõi trời Phi tưởng, các chúng sinh ấy trụ như thế nào? Chết thế nào? Hiện thế nào? Các âm tưởng kia hồi chuyển thế nào? Ấy là cảnh giới của Phật, ông phải nên hỏi; ông cũng cần nên hỏi việc Ta lại thọ thân nữa.

Nếu người ta hỏi ông về hình sắc, ý tưởng, chỗ ở, sự hưởng thụ vui sướng của chúng sinh trong cõi Vô tưởng kia như thế nào, thì ông trả lời làm sao? Nhưng không phải là cảnh giới của hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát theo kịp, mà chỉ là cảnh giới của Như Lai hành xử.

Lại nữa, này thiện nam! Thân Như Lai so sánh hơn hẳn các cảnh giới đó và lại khó biết nữa, không phải là cảnh giới của các Thanh văn, Duyên giác, theo kịp. Như Lai lấy nơi nào làm chỗ trụ, Như Lai lại hiện thân thế nào? Thân phương tiện không thể nghĩ bàn của Như Lai không phải là cảnh giới của ông. Này thiện nam! Đối với Ta, ông chỉ cần suy nghĩ thế này, Như Lai thường trụ, Pháp và Tăng cũng vậy. Ba sự việc này không phải là pháp vô thường, đó là pháp thường trụ, không thay đổi, mát mẻ, chân thật, xa lìa những phiền não và tai họa. Nếu không như thế, thì thiện nam và thiện nữ kia thảy đều không thành tựu đối với Ba pháp quay về một cách thanh tịnh, nên cần phải tu pháp thường trụ không thể nghĩ bàn như thế.

Này thiện nam! Ví như có cây này thì chắc chắn có cái bóng này; nếu không có cây kia thì tất nhiên cũng không có cái bóng kia; nếu chẳng trông thấy cây mà nói rằng thấy bóng cây thì thật là vô lý. Như thế, đã có Như Lai thì nhất định Như Lai thường làm cây lớn cho hết thảy, che chở chúng sinh và làm nơi nương tựa cho chúng sinh. Nếu Như Lai là vô thường, thì không gọi là bậc Ứng Cúng làm chỗ nương dựa cao nhất cho hàng trời, người.

Ca-diếp bạch Phật:

–Đức Thế Tôn nghĩ thế nào, trong đêm tối tăm có bóng cây hiện ra chăng?

Đức Phật dạy:

–Đã có cây ấy ắt có bóng, sao gọi là không có bóng? Chỉ không phải con mắt thịt của phàm phu thì mới có thể thấy điều đó mà thôi. Do đó nên biết rằng, đã có Như Lai thì mới là thường trụ, không phải là pháp biến đổi, chẳng phải là pháp phai mờ tiêu diệt, giống như bóng cây kia, con mắt thịt không thể thấy được trong đêm tối tăm. Phật nhập

Nê-hoàn rồi, thường trụ không thay đổi, cũng như thế, con mắt thịt chẳng thấy, nhưng kẻ vọng tưởng kia dấy lên ý nghĩ vô thường đối với Như Lai. Thiện nam! Nếu cha mẹ các ông cho đến những người các ông tôn trọng dấy lên ý tưởng không phải là thường đối với Phật Pháp Tăng, thì hết thảy đều không thanh tịnh đối với ba pháp quay về, nay ông nên đem ba pháp thường trụ mà dạy bảo khuyên nhủ họ, khiến cho họ được thành tên gọi Bồ-tát tam quy ở trong ba pháp.

Ca-diếp bạch Phật:

–Thưa vâng! Bạch Thế Tôn! Kể từ hôm nay, con sẽ bắt đầu đem Ba pháp thường trụ Phật Pháp Tăng, nhằm gợi mở sự thức tỉnh cha mẹ đời này cho đến cha mẹ bảy đời, đều khiến cho các vị ấy kính vâng giữ pháp thường trụ. Kỳ lạ thay! Bạch Thế Tôn! Con sẽ nhận được sự học tập Ba pháp thường trú và giảng nói rộng rãi cho mọi người. Nếu những người kia không chịu học giáo lý chân thật vi diệu này, nên biết hạng người ấy là kẻ mê hoặc vô thường. Thế nhưng ngày ngày ba thời con sẽ giảng nói cho họ hiểu, khiến cho họ được gần gũi pháp ấy.

Đức Phật dạy:

–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này thiện nam! Người bảo vệ và nắm giữ chánh pháp phải nên như thế, họ cũng thường tu tập lòng từ không làm hại ai, nhờ kết quả không làm hại kia, người ấy liền được sống lâu không cùng tột và đạt được trí tuệ tự tại của Bồ-tát.