KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Đời Đông Tấn, sa-môn Pháp Hiển, người Bình Dương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN II
Phẩm 4: XÓT XA THAN THỞ
Đúng lúc ấy, sáu thứ chấn động khắp cả cõi đất, trong đó thôn xóm, thành ấp, núi non, biển cả, cho đến mười phương, toàn bộ đều chuyển động mạnh. Khi ấy, các chúng sinh ai nấy đều hết sức hoảng sợ, hàng trời người, A-tu-la đều than vãn xót thương. Họ rập đầu làm lễ dưới chân Đức Phật và cúng dường xong, cùng một lúc tất cả đều dùng bài kệ ca tụng:
Lạy Đấng Hùng loài người
Xót con nay côi cút
Gieo mình dưới chân Phật
Ngửa nhớ diệu công đức.
Nghe con nói sống chết
Đủ mọi khổ khôn xiết
Các trời, người nghe đó
Ai cũng sinh lìa chán.
Ví như con côi cút
Bệnh khốn tự quấn thân
Tuy gặp lương y chữa
Bệnh ấy vẫn chưa khỏi.
Nhưng bỗng dưng nửa chừng
Thầy bỏ đi nơi khác
Chúng con và tất cả
Kẻ cùng khổ cũng thế.
Mới được phương tiện chữa
Mọi tà kiến phiền não
Đại y vương Thế Tôn
Chợt sắp bỏ con đi.
Bèn như kẻ bệnh nặng
Mất thầy không chỗ cậy
Ôi thôi thế gian này
Từ rày luôn trống trải.
Cũng như nước rối ren
Lại mất chúa hiền minh
Xót thay các trời người
Đều chịu nạn La-sát.
Giống như kiếp thóc quý
Dân gặp khổ đói kém
Thương thay các trời người
Mất mãi vị cam lồ.
Ví như lửa dữ bùng
Chúng sinh đều chết thiêu
Xót thay các trời người
Đường ác rực cháy mãi.
Thương thay các trời người
Chịu khổ lớn đêm dài
Quay vòng dòng sinh tử
Như voi lún bùn sâu.
Xót thay nay trời người
Từ thân máu chảy ra
Khổ não thêm lo buồn
Lòng luyến mộ như thế.
Do Thế Tôn diệt độ
Hành nghiệp lại khó lường
Trời trăng ẩn lớp mây
Từ đây ánh tuệ diệt.
Thương thay chúng trời người
Sống đêm dài tăm tối
Do đó buồn canh cánh
Không vật nào dụ được.
Nhìn thân không đáng vui
Muốn bỏ như nhổ bọt
Chẳng ham sống đời hoài
Nghe tiếng Phật Nê-hoàn.
Chỉ mong đấng Đại trí
Ở đời nói cam lồ
Mây tan ánh dương tỏ
Mịt mùng thảy đều diệt.
Ánh dương tuệ Như Lai
Mãi tiêu chướng sinh tử.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:
–Này các Tỳ-kheo! Đừng giống như các hàng trời, người, phàm phu khóc lóc ưu sầu, các vị hãy nên siêng năng chịu khó vâng giữ giáo pháp chân thật của Như Lai nói ra, chuyên chú nhớ nghĩ theo đúng mà tu hành.
Khi ấy, các hàng trời, người, A-tu-la v.v… nghe Đức Phật thuyết pháp cho các vị Tỳ-kheo rồi, họ nguyện xin dứt ngay nỗi đau thương luyến tiếc. Ví như người mẹ hiền từ vừa qua đời, đứa con hiếu thuận làm lễ tế để tiễn đưa mẹ đến nấm mồ, từ biệt mẹ mãi mãi rồi trở về nhà, tự mình gắng gượng dằn xuống nỗi xót xa cảm xúc và thảm buồn não ruột. Thế rồi, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Các ông nên mở ý
Pháp chư Phật phải vậy
Ai nấy về chỗ ngồi
Lắng nghe điều Ta nói.
Nhiếp tâm đừng buông thả
Giữ giới hạnh thanh tịnh
Định các ý tưởng loạn
Tự khéo giữ tâm mình.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Nếu có điều ngờ vực thì các vị đều phải nên hỏi. Hoặc là không, bất không; thường, vô thường; quay về, không quay về; nương tựa, không nương tựa; lâu dài, không lâu dài; chúng sinh, không phải chúng sinh; thật, không thật; chân lý, không phải chân lý; Nê-hoàn, không phải Nê-hoàn; mật, không mật; pháp nhị, pháp bất nhị. Trong mọi thứ pháp như thế, các vị có điều gì hoài nghi thì nay đều nên hỏi, Ta sẽ tùy thuận lời hỏi mà nói cho các vị, Ta sẽ khai mở cánh cửa bất tử cho các vị rồi sau đó mới diệt độ. Do đó, hiện giờ các vị có điều gì nghi ngờ trong lòng thì mỗi mỗi nên hỏi. Vì sao? Phật ra đời khó gặp, được làm thân người là khó, có được lòng tin cũng khó, lìa khỏi tám chỗ khó khăn chướng nạn và giữ gìn giới luật trọn vẹn, việc này lại càng khó hơn, giống như tìm hạt vàng trong cát sông Hằng, cũng như hoa Ưu-đàm nở.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Trăm thứ lúa má hoa màu, cây thuốc, cho đến các thứ quý báu đều từ đất đai sinh ra, tất cả chúng sinh nương dựa theo đó mà được sinh trưởng. Như Lai sinh ra các pháp cam lộ tốt đẹp như thế, nhân đó chúng sinh nuôi lớn pháp thân. Do vậy, Tỳ-kheo nên hỏi những điều mình còn thắc mắc, Như Lai đều nói ý nghĩa quyết định cho các vị, sau đó mới nhập Nê-hoàn, vì làm vui tất cả chúng sinh.
Khi ấy, các vị Tỳ-kheo nghe Đức Như Lai quyết định nhập Nêhoàn xong, họ ấp ủ trong lòng nỗi thương đau sợ hãi, lông trên thân thể đều dựng đứng. Giống như ánh mặt trời ló dạng rọi vào cây lá xanh tươi, gân đỏ đều hiện rõ. Thân mình của các vị ấy cũng như thế, lóng đốt tay đốt chân khắp cả cơ thể, máu và nước mắt cùng lênh láng đầm đìa, họ rập đầu lễ dưới chân Đức Phật, đi vòng quanh về phía tay phải xong rồi bạch Phật:
–Quý hóa thay! Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy mau mau giảng giải giáo pháp phi thường, khổ và không. Như dấu chân voi là trên hết so với dấu vết của cả thảy chúng sinh, như thế, bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói sự quán tưởng vô thường là phép quán đứng hàng đầu tiên ở trong các sự quán tưởng. Người nào siêng năng chăm chỉ tu tập thì có thể lìa khỏi tất cả tham ái, sắc ái và hữu ái trong cõi Dục, vô minh và kiêu mạn này từ nay mãi mãi tiêu diệt.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Ví như vào thời tiết mùa thu, cỏ và hạt chưa chín, người làm ruộng cày sâu mảnh đất của mình, sang mùa xuân gieo trồng thêm ngũ cốc, loài cỏ dại chẳng mọc lên. Nếu người tu hành siêng năng tu tập và nhớ kỹ sự quán tưởng vô thường một cách sâu xa như thế, thì họ có thể xa lìa hết thảy tham ái, sắc ái và hữu ái ở cõi Dục, vô minh và kiêu mạn mãi mãi không nảy sinh nữa. Bàn về con nhà làm ruộng thì họ cho việc cày bừa vào tháng mùa thu là trên hết. Bạch Thế Tôn! Trong giáo pháp lấy sự quán tưởng vô thường làm phép quán đứng đầu.
Lại nữa, giống như vị vua chúa biết mạng sống của mình sắp sửa kết thúc, ông bèn ban ân tha tội cho những người bị giam cầm ở chốn ngục tù trong thiên hạ, nhờ ơn vua, họ lại được thoát khỏi cảnh tù tội, rồi sau đó ông vua ấy mới qua đời. Hôm nay, Thế Tôn cũng như vậy, đến lúc sắp diệt độ còn giảng nói giáo pháp cam lồ, ban ơn lợi ích cho chúng sinh, nhà lao tham ái đều giải thoát tất cả, sau đó mới nhập Nêhoàn. Như người bị ác quỷ nắm giữ, gặp được vị pháp sư trì chú, liền được giải thoát. Như thế, chúng sinh bị loài La-sát tham ái nắm giữ, may mắn được nhờ bài thần chú trí tuệ bậc Thánh của Như Lai, họ được giải thoát khỏi loài La-sát ân ái và mọi tà vạy. Như người mắc bệnh sốt rét gặp được thầy giỏi thuốc hay, bệnh hoạn khổ sở thảy đều tiêu trừ. Chúng con cũng như vậy, vô lượng tà kiến, phiền não, bệnh tật nơi thân, nhờ được vị thuốc diệu pháp của Thế Tôn, bệnh đều được trừ khỏi. Như người say rượu chẳng nhận biết người thân thuộc, kẻ xa lạ; bậc cao quý, hạng thấp hèn; người lớn, kẻ nhỏ; sau đó chẳng bao lâu người ấy tỉnh ngộ, ấp ủ trong lòng nỗi hổ thẹn, tự trách cứ mình hết sức nghiêm khắc. Chúng con cũng như thế, ở trong vô lượng, vô biên sinh tử, say sưa theo tình dục, mê muội với tà kiến, mới được tỉnh ngộ. Giống như cỏ lau và cây y-lan không có sự vững vàng chắc chắn, thân này cũng như thế, ta, người, thọ mạng v.v… không có sự vững bền.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Như thế là các ông tu phép quán tưởng không có cái ta chăng?
Các Tỳ-kheo trả lời:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con thường tu phép quán tưởng vô ngã, số người còn lại cũng tu quán tưởng vô thường, khổ, không, vô ngã. Bạch Thế Tôn! Như người ta nói, mặt trời, mặt trăng, các vì sao trên bầu trời, núi non, đất đai chuyển động, đây không phải là chuyển, nhưng chúng sinh hoa mắt lầm lẫn nói đó là chuyển động. Như thế người ta nói vô thường, khổ, không, vô ngã, nên biết các chúng sinh này cũng chính là sự hoa mắt lầm lẫn của thế tục, điều chúng con tu ấy là tu bình đẳng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Như ví dụ của các ông nói, trong ví dụ này, các ông nói ý vị hay
là nói ý nghĩa, các ông vẫn chưa giải thích. Ta sẽ nói lại như lời người ta nói, rằng mặt trời, mặt trăng, núi non, đất đai chuyển động; đây không phải là chuyển động, nhưng chúng sinh hoa mắt lầm lẫn mới nói là chuyển động; hạng chúng sinh ngu si điên đảo như thế, họ chấp cái ta, chấp thường, chấp lạc, chấp tịnh. Nhưng Phật kia chính là nghĩa của ngã, pháp thân là nghĩa của thường, Nê-hoàn là nghĩa của lạc, các pháp giả danh là nghĩa của tịnh. Này các Tỳ-kheo! Các vị đừng hoa mắt quán tưởng lầm lẫn mà nói rằng, Ta tu quán tưởng vô thường, khổ, không, bất tịnh đối với tất cả pháp vậy.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng tu ba pháp tu thanh tịnh.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Ở trong pháp của Ta, ba pháp này cũng không có nghĩa lý chân thật. Vì phân biệt sự lên xuống của tính tự nhiên và sự chịu khó tu tập, nên đảo lộn khổ tưởng lại cho là lạc tưởng, đảo ngược lạc tưởng lại cho là khổ tưởng; đảo lộn tưởng vô thường lại cho rằng thường, đảo ngược tưởng thường lại cho rằng vô thường; đảo lộn tưởng không phải cái ta mà lại cho rằng cái ta, đảo ngược tưởng cái ta lại cho rằng không phải cái ta; đảo lộn tưởng bất tịnh mà lại cho là tịnh, đảo lộn tưởng tịnh mà lại cho rằng bất tịnh. Bốn tưởng đảo ngược như vậy, nếu không nhận biết rõ sự bình đẳng đối với điều sửa đổi này thì không phải là sửa đổi chính đáng. Sửa đổi khổ thành không khổ, sửa đổi vô thường thành thường, sửa đổi vô ngã thành ngã, sửa đổi bất tịnh thành tịnh; bốn thứ sửa đổi này chính là lạc, thường, ngã, tịnh thuộc thế gian; lìa khỏi thế gian cũng có bốn thứ lạc, thường, ngã, tịnh. Các ông nên biết tên gọi ý vị ấy là pháp thế gian, tên gọi ý nghĩa ấy là pháp ra khỏi thế gian.
Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Chúng con nên tu ba tưởng và thấy bốn sự đảo ngược như thế nào để giống như lời dạy của Thế Tôn. Chỉ có điều là cầu mong Như Lai ở cõi đời một kiếp hoặc hơn một kiếp, như lời Thế Tôn dạy bảo, chúng con phải tu hành. Nếu Như Lai chẳng trụ lại trong cõi đời, thì làm sao chúng con có thể ở lâu dài cùng với loài rắn độc chung ngôi nhà hầm của mình khi vĩnh viễn cách xa Như Lai! Vị nào sẽ ở trong cõi đời để gánh vác và nắm giữ giáo pháp chân chính?
Chúng con sẽ theo Như Lai vào Nê-hoàn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Đừng nói lời như thế, đừng nói lời như thế! Tỳ-kheo nên biết rằng, chánh pháp của Như Lai giao cho Đại Ca-diếp, nay Đại Ca-diếp sẽ làm chỗ quay về và nương tựa cho các ông, cũng cứu giúp che chở khắp hết thảy chúng sinh giống hệt như Phật. Tỳ-kheo nên biết, ví dụ như đại vương trông coi và dẫn dắt các nước, nếu ông ấy muốn đi chơi đất nước khác, cần phải lập một vị quan lớn kiêm nhiệm biết mọi việc trong nước như thời gian nhà vua đang trị vì. Ta cũng như thế, ở thế giới này chẳng bao lâu nữa sẽ an lập Ma-ha Ca-diếp. Thế nhưng, này các Tỳ-kheo! Điều tu tập trước tiên là quán tưởng vô thường, khổ, không, vô ngã, đó chẳng phải là tu chân thật. Ví như vào tháng mùa xuân là đến lúc các hạng người buôn bán họp nhau lại vui thích, đùa giỡn dạo chơi trên bờ sông, có một người trong đám người đó đánh rơi mất ngọc lưu ly xuống đáy nước sâu. Bấy giờ, các người lái buôn ai ai cũng nhảy vào nước để tìm vật báu. Có người nhặt được đồ sành, đá sỏi, gỗ trầm rồi bảo rằng của báu thật, họ vui mừng cầm lên khỏi mặt nước mới hay đó không phải là báu thật, do đó ngọc lưu ly kia vẫn còn trong nước, ánh sáng màu sắc soi chiếu đến cùng sáng ngời quá đỗi vượt hẳn ánh sáng mặt trời và mặt trăng. Mọi người trông thấy ánh sáng biết đó là vật báu nổi tiếng, họ khen ngợi vật báu ấy đặc biệt kỳ lạ, ai ai cũng muốn tìm giữ. Khi ấy có một người trí tuệ khôn khéo dùng phương tiện lấy được vật báu chân thật. Như thế, này các Tỳkheo! Đối với hết thảy khổ, không, vô thường, bất tịnh, các vị hãy dấy lên ý tưởng dứt bỏ hết những điều đó để thọ nhận lời dạy bảo tu tập của Ta nói. Cũng như người kia, tay cầm vật không phải quý báu mà tự lừa dối mình. Này các Tỳ-kheo! Các vị đừng tự lừa dối mình giống như người kia mà phí công vô ích, hãy nên giống như người trí tuệ trong đám người lái buôn. Này các Tỳ-kheo! Nên biết, Phật có ngã, có thường, có lạc, có tịnh; những điều các ông tu tập và hết thảy những điều các ông thâu giữ đều là đảo lộn, giống như người kia không nhận ra ngọc báu lưu ly vậy. Này các Tỳ-kheo! Người tu pháp chân thật giống như được châu báu, còn người tu quán tưởng vô thường là tu pháp không chân thật.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Như lời Thế Tôn dạy, tất cả các pháp thảy đều vô ngã, nên tu như thế, tu như thế thì khi ấy ngã tưởng liền diệt, ngã tưởng diệt rồi đúng là lúc sắp vào Nê-hoàn. Điều này có ý nghĩa thế nào, chúng con chỉ mong Thế Tôn xót thương nói lại cho.
Đức Phật dạy:
–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này các Tỳ-kheo! Các vị muốn trừ bỏ tâm mê vọng của tự thân mình và vạn vật ở ngoài ta nên hỏi như thế. Ví như có ông vua ngu độn, tâm trí kém cỏi, bấy giờ có người thầy thuốc cũng chẳng hiểu biết rõ, ông ta lừa dối cả thiên hạ và nhận lãnh bổng lộc của nhà vua. Người ấy chỉ biết một phương thuốc được làm từ sữa, lại chẳng tài giỏi hiểu biết gì, thế mà ông thường đem vị thuốc này để chữa bệnh. Dân chúng trong nước lại chẳng biết những phương thuốc thích hợp thuộc chứng bệnh về phong đàm, nước dãi, thế mà ông vua ngu độn kia lại bảo rằng ông ấy là thầy thuốc bậc trên.
Bấy giờ có người thầy thuốc sáng suốt, thông hiểu tám thứ học thuật, từ phương xa đến nói với người thầy thuốc cũ: “Ông hãy làm thầy tôi, tôi làm học trò, tôi sẽ theo ông để học”.
Người thầy thuốc cũ nói: “Quý quá! Tôi sẽ chỉ dạy cho ông phương thuốc uống vào không chết, ông nên chăm chỉ học tập suốt bốn mươi tám năm, sẽ khiến ông biết hết thuật y học cao hơn cả”.
Thế rồi, ông ấy đem người thầy thuốc đến sau vào cung vua, ông vua ngu độn này và người thầy thuốc đến sau cũng mến thích nhau, người thầy thuốc đến sau kia bèn nói với nhà vua: “Tâu đại vương! Đại vương phải nên học các môn kỹ nghệ”.
Vua hết sức vui mừng, liền theo người ấy chịu sự chỉ dạy để học tập, dần dần tăng thêm trí tuệ, vua mới biết người thầy thuốc cũ không có trí và lừa dối, vua ra lệnh đuổi người thầy thuốc cũ ra khỏi nước, lại tăng thêm lòng kính trọng người thầy thuốc đến sau. Người thầy thuốc đến sau kia biết thời đã đến, lại tâu với nhà vua: “Thần có việc muốn thỉnh cầu, xin Đại vương chấp thuận theo ý của thần”.
Vua trả lời: “Được”.
Người thầy thuốc nói: “Tâu đại vương! Phương thuốc được làm từ sữa của người thầy thuốc kia rất độc hại và nguy hiểm, đại vương không thể uống thuốc đó nữa mà phải bỏ cách thức chữa bệnh này đi”.
Lập tức, vua nghe theo, ra lệnh cho dân chúng khắp cả nước từ nay trở đi, ai uống thuốc sữa thì sẽ bị trừng phạt nặng nề. Bấy giờ, người thầy thuốc đến sau bèn đem năm loại thuốc có năm thứ mùi vị là ngọt, chua, mặn, đắng và cay dùng để trị liệu tất cả bệnh. Khi ấy nhà vua mắc bệnh, bèn mời thầy thuốc đến chữa. Thầy thuốc xem bệnh của vua phải dùng thuốc sữa để trị, ông liền nói với vua: “Chỉ có thuốc sữa là có thể khiến cho vua không chết”.
Vua nói với người thầy thuốc: “Nay ông điên rồi chăng? Trước kia ông nói thứ thuốc ấy là độc hại, khiến ta đuổi người thầy thuốc kia, thế mà nay ông lại bảo ta phải uống thuốc sữa”.
Người thầy thuốc đến sau trả lời: “Chẳng phải vậy, tâu đại vương! Lời nói này có ý. Ví như tấm ván có dấu vết loài trùng ăn tựa hồ tên chữ của nhà vua. Người không biết chữ bảo là thật, còn người giỏi viết chữ mới biết đó không phải là chữ chân thật. Người thầy thuốc trước kia cũng thế, tuy hòa hợp thuốc sữa song người kia chẳng biết phân biệt điều thích ứng của thời tiết. Nên biết rằng, thuốc sữa có khả năng giết người song cũng không giết người. Thuốc không giết người là khi nuôi bò sữa phải thả bò ở nơi đồng cỏ bát ngát không có cỏ độc hại, chọn nước rồi mới cho bò uống, thêm nữa không lấy gậy đánh đập khi theo nó ra vào. Khi cấu thành sữa kia, bọt không sủi lên, nên biết thứ sữa này cứu được hết thảy bệnh tật, là phương thuốc uống vào không chết”.
Vua nói: “Tốt lắm”.
Nói xong nhà vua liền uống thuốc sữa. Khi ấy, dân chúng nghe tin vua uống thuốc sữa, ai nấy đều sợ hãi, họ đi đến chỗ vua nói: “Ông thầy thuốc này chẳng phải là quỷ đó sao? Trước đây, ông ấy nói thuốc giết người, nay ông khiến đại vương uống thuốc sữa trở lại”.
Khi ấy, nhà vua liền giảng nói về sự lên và xuống của sữa cho dân chúng, vua và dân chúng tăng thêm lòng cung kính và cung phụng cho người thầy thuốc đến sau, họ vâng theo cách sử dụng ấy và thường uống vị thuốc sữa.
Các Tỳ-kheo nên biết! Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn là bậc vua lớn trong hàng thầy thuốc, xuất hiện và làm hưng thịnh cho cõi đời, nhằm phá hoại thuật chữa bệnh tà vạy của ngoại đạo, nên Như Lai cùng với vị vua của chúng sinh gần gũi và tập làm quen với nhau dần dần, khi biết hai vị đã mến thích nhau rồi, Như Lai liền dạy bảo, khiến vị vua ấy bỏ sự thọ lãnh và tà vạy của ngoại đạo mà nói với vị vua ấy: “Không có ta, người, chúng sinh và thọ mạng, như loài trùng ăn gỗ ván thành chữ viết, những kẻ theo đạo giáo khác nhận ta và người mà nói không có cái ngã, tất cả chúng sinh vâng theo lời dạy của Như Lai, từ người này sang người khác chỉ bảo lẫn nhau đều nói không có cái ngã, đây là vì Như Lai biết phải lúc phương tiện cứu giúp chúng sinh, nên nói tất cả pháp, tính cách của nó là không có cái ngã, không phải tự ta và người mà thế gian thọ nhận, do đó nói tất cả pháp, bản tính của nó là không có cái ngã. Khi ấy Ta lại nói ngã, như người thầy thuốc tài giỏi kia hiểu rõ cách thức sử dụng thuốc sữa. Nên biết cái ngã ấy là chân thật, cái ngã ấy thường trú, không phải là pháp thay đổi, không phải là pháp phải diệt. Cái ngã ấy chính là đức, ngã là tự tại. Như người thầy thuốc giỏi về vị thuốc sữa, Như Lai cũng vậy, Ta nói pháp chân thật cho các chúng sinh, tất cả bốn chúng hãy nên học như thế”.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
–Đối với các giới luật trong giáo pháp, nếu các vị có điều nghi hoặc thì hãy nên hỏi Như Lai.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con đã tu các sự tu tập như trên, hiểu biết được thân tướng thảy đều không tịch.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
–Các ông đừng như bậc Nhất thiết trí nói mà nói rằng: Ta tu cả thân tướng thảy đều không tịch.
Phật lại nói với các Tỳ-kheo:
–Đối với giới luật trong giáo pháp, các vị còn có điều gì nghi hoặc thì phải nên hỏi lại.
Các Tỳ-kheo thưa:
–Bạch Thế Tôn! Ý nghĩa bình đẳng của Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác không phải là cảnh giới của ngã, chúng con đâu dám hỏi lại. Những điều chư Phật nói là điều không thể nghĩ bàn, do đó chúng con và các chúng dự hội thảy đều không thể nào hỏi lại Đức Như Lai. Bạch Thế Tôn! Ví như có người sống thọ một trăm hai mươi tuổi, mắc bệnh lâu ngày, thân thể ốm yếu nằm liệt giường chiếu. Có một người trượng phu không có trí, của cải giàu có khôn xiết, ông ta đi đến chỗ người mắc bệnh đang nằm trên giường kia rồi nắm tay người bệnh, nói với người ấy: “Này thiện nam! Ông nên nhận lấy kho tàng châu báu của ta, ta sắp đi đến đất nước xa xôi, có lẽ trải qua mười năm, hoặc hai mươi năm. Sau này khi ta trở về, ông phải gộp lại trả hết cho ta”.
Bấy giờ, người bệnh kia không có con cái nối dõi, không có người họ hàng thân thuộc, bệnh tình chuyển đổi tăng thêm trầm trọng, thế rồi ông ta qua đời, của cải của người đi xa gửi đều mất mát. Người chủ giàu có sau khi trở về muốn đi đến người kia để đòi của cải song chẳng biết ở nơi nào.
Như thế, Thế Tôn bảo với chúng con rằng, đối với các giới luật trong giáo pháp, nếu có điều gì nghi ngờ thì nay đều nên hỏi. Nếu như hàng Thanh văn hỏi Như Lai, e rằng chánh pháp này không được ở đời lâu dài. Lại nữa, chúng con chẳng biết phải nên hỏi thế nào, để có thể khiến cho tất cả chúng sinh đều được nhờ phước của Phật. Do đó, bạch Thế Tôn! Nay chúng con không thể hỏi lại nữa.
Như có người sĩ phu, thầy tướng số xem bói cho ông ấy nói rằng, ông ấy sống thọ đến một trăm hai mươi tuổi, quyến thuộc thành tựu, giàu có của cải không xiết. Lại có người đến nói với sĩ phu: “Ta có tiền của châu báu, nay đem gởi cho ông, ông nên chi ra thu vào để sinh lợi tức cho ta. Hoặc giả trải qua mười năm, hoặc hai mươi năm, lúc ta trở về ông hãy trả hết toàn bộ cho ta”.
Khi ấy, người sĩ phu kia liền nhận lấy tiền của rồi sinh lợi cho người ấy. Sau đó người chủ trở về rồi đến đòi tiền, sĩ phu đều trả lại toàn bộ cho người chủ. Như thế, bạch Thế Tôn! Tôn giả A-nan và các vị Thanh văn v.v… hộ trì pháp tạng mà Như Lai nói ra, muốn làm cho tồn tại lâu dài thì không có lý như thế. Lý do thế nào? Vì các vị ấy thuộc thừa Thanh văn. Chỉ có các Đại Bồ-tát như Ca-diếp v.v… mới khiến các vị ấy hỏi han ngõ hầu gánh vác và vâng giữ pháp tạng của Như Lai trong trăm ngàn muôn kiếp, tất cả chúng sinh đều sẽ được nhờ phước. Do đó, bạch Thế Tôn! Thế Tôn nên khiến hàng Bồ-tát vì chúng sinh, nên thỉnh cầu Thế Tôn giải quyết điều nghi ngờ, không phải hạng người tầm thường như chúng con vốn kham nổi.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
–Quý hóa thay! Quý hóa thay! Này các Tỳ-kheo! Các vị được pháp vô lậu, thành bậc A-la-hán, cho nên có khả năng hiểu sâu ý Ta mà nói lên lời chân thật này. Có hai nhân duyên sẽ làm cho hàng Bồtát gánh vác và nắm giữ chánh pháp, có thể khiến cho pháp tạng Đại thừa ở mãi cõi đời, lại còn khiến cho hết thảy chúng sinh đều được nhờ ơn phước ấy.