SỐ 212
KINH XUẤT DIỆU
Tác giả: Tôn giả Pháp Cứu soạn
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Sa-môn Trúc Phật Niệm, người đất Lương châu
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 4

Người không tu chỉ quán

Dục nặng quán thanh tịnh

Càng tăng thêm yêu đắm

Trói buộc càng sâu chặt.

Người không tu chỉ quán: Nếu có người không khéo quán sát sự đắm nhiễm nên thân tâm họ bị trói cột, không thể mở ra được.

Đang trong hoàn cảnh ấy thì không thể suy nghĩ đến pháp lành, cho nên nói: Người không tu chỉ quán không thể đến với đạo.

Dục nặng quán thanh tịnh: Hoặc có chúng sinh đắm nhiễm ái dục chứ không đắm nhiễm kết sử, hoặc có người đắm nhiễm cả hai là kết sử và ái dục, hoặc có người không đắm nhiễm cả hai thứ ấy.

Tại sao chúng sinh đắm nhiễm ái dục mà không đắm nhiễm kết sử? Ấy là vì người này, từ đầu đã quen với ái dục, về sau không còn phạm. Đó là đắm nhiễm ái dục mà không đắm nhiễm kết sử. Lại có người thường quen sống với kết sử, không xa lìa, đó gọi là quen đắm kết sử mà không đắm nhiễm ái dục.

–Thế nào là vừa đắm nhiễm kết sử mà cũng vừa đắm nhiễm ái dục? Là vì chúng sinh này vừa sống quen với ái dục và với kết sử, nên gọi là vừa sống quen với ái dục vừa quen sống với kết sử.

–Thế nào là không quen sống với ái dục cũng không quen sống với kết sử?Nghĩa là nếu có chúng sinh đã cắt đứt ái ân, không còn dính mắc phiền lụy ở đời, họ giữ không cho mình gần với phiền lụy. Lại có người từ đầu đến chân, luôn luôn dính mắc thân và mọi vật, từ bàn tay đẹp, hàm răng trắng, móng tay bóng, mái tóc mượt xanh biếc… Từ đó ham thích nó, say đắm không lìa bỏ được. Vì vậy, gốc ái dục càng tăng khiến sự trói buộc trở nên vững chắc thêm. Về bị các kết sử trói buộc, ở đây xin nói thí dụ để qua đó, người trí sẽ tự hiểu, như có người bị trói bằng hai sợi dây, một sợi bằng da, sợi kia bằng râu rồng. Khi anh này đến bên lửa nong thì sợi dây da căng lên, còn sợi dây long tu thì giãn. Nếu anh này xuống nước thì sợi dây da giãn ra, sợi dây long tu căng ra. Người chưa cắt đứt ái dục cũng như vậy, bị trói bằng hai sợi dây. Hai sự trói buộc đó là gì? Đó là ái trói buộc, hai là kiến kết trói buộc. Có khi chúng sinh suy tư phép quán bất tịnh, thì dây ái giãn, dây kiến kết lại căng. Còn khi chúng sinh suy tư An ban thủ ý (sổ tức quán) thì kiến kết giãn, ái kiến kết lại căng. Cho nên nói: Trói buộc càng sâu chặt.

————

Nếu ai ưa chỉ quán,

Chuyên tâm quán bất tịnh,

Ái kia bị dứt trừ,

Như vậy kết sử diệt.

Nếu ai ưa chỉ quán: Nếu có người không thích nghĩ đên các điều bất thiện mà chỉ suy nghĩ các điều thiện, thường gần gũi người tu học, không rời buộc niệm. Trước hết là tu quán bất tịnh, tự nhớ lại những gì mà trước đây mình ham thích như tóc lông răng móng, từ đầu đến chân, đều là cái của ta. Kế đó, suy nghĩ các thứ ấy đều là dơ uế, bất tịnh, cả ba mươi sáu vật trong thân đều không đáng tham đắm, phân biệt rõ ràng từng vật một, thì liền được bất tịnh quán thân, ý quán thân dừng, ý pháp trong ngoài.

Ái kia bị dứt trừ: Dùng trí tuệ trong sạch dứt bỏ hết ái nhiễm, suy nghĩ các thứ bất tịnh, liền dứt bỏ hết ái nhiễm, không còn bị nó trói buộc, dứt bỏ hẳn các kết sử, không bao giờ gần gũi nó nữa, cho nên nói: Như vậy kết sử diệt.

———

Vì lưới ái tự che

Vì màn ái tự phủ

Mặc tình trói trong ngục

Như cá chui vào rọ

Bị già chết rình rập

Như nghé đeo vú mẹ.

Vì lưới ái tự che: Cái lưới bao trùm mắt người, làm trí tối, không sáng suốt, không thể ra khỏi luân hồi, đạt đạo vô vi. Khi bị lưới bao trùm thì không thể chuyên tâm suy nghĩ vì đã bị lưới vô minh che kín.

Vì màn ái tự phủ: Bị trói chặt trong ái, không có ngày ra. Như lửa than hừng bị vùi dưới tro, người không thấy nên dậm đạp lên, khi bị phỏng chân mới biết, người bị ái dục bao trùm cũng như vậy.

Như chiếc gươm bén để ngửa lên, người không có mắt, đưa tay chụp lấy thì bị chảy máu tay. Các loài chúng sinh cũng giống như thế. Họ bị ái kết che kín nên không còn thấy được pháp thiện, bất thiện. Từ đó, sinh khởi lo buồn khổ não, trôi lăn trong vòng sống chết, không ra khỏi năm đường, cho nên nói: Vì màn ái tự phủ.

Mặc tình trói trong ngục: Có các chúng sinh cứ mặc tình buông lung, sống trái chánh giáo, nên bị ái trói cột. Nếu không còn buông lung thì liền ra khỏi sự trói cột ấy.

Như cá chui vào rọ: Như người chài lưới tung lưới bắt cá, khi cá vướng vào lưới thì hết đường ra. Chúng sinh ham ái dục cũng như vậy. Họ không làm pháp lành, làm những điều ô trược, bất chính.

Khi Đức Như Lai nói pháp, giữa hội chúng cũng có những người như cá chui vào rọ, không có lúc nào ra khỏi. Các loài chúng sinh ham mê ái dục cũng như vậy. Họ bị ái kết quấn chặt, nên không thể đến được đạo Niết-bàn vô vi.

Lúc ấy, những người chài lưới nghe lời Phật nói, họ đều kinh ngạc, vì họ có cảm giác rằng Như Lai nói pháp không phải cho ai khác mà cho chính họ. Ai nấy đều ăn năn trách mình, sửa đổi cuộc sống, rèn luyện tu tập không làm ác nữa, cho nên nói: Như cá chui vào rọ.

Pháp mà chư Phật thường nói là để dẫn dắt những chúng sinh có duyên, chứ không phải là nêu nghĩa suông. Cũng như thầy thuốc trước xét nguyên do căn bệnh, rồi sau mới bốc thuốc. Thầy thuốc xem bệnh nặng hay nhẹ qua hình tướng, sắc mặt, màu da rồi mới cho thuốc. Thuốc mà ông đưa không thêm, không bớt, mà là tùy theo căn bệnh. Tại sao vậy? Vì e không cho đúng thuốc thì bệnh không khỏi. Chư Phật, Thế Tôn nói pháp cho chúng sinh nghe cũng như vậy, các Ngài xem xét tâm ý mà mọi người hướng đến, biết họ mắc bệnh nặng hay nhẹ, rồi mới nói pháp, khiến tâm họ được mở tỏ. Các Ngài không giảm bớt, chỉ nhằm vào những điều cốt yếu mà nói, để dứt trừ tất cả kết sử. Đức Phật xem xét tâm chúng sinh, nếu cần một bài kệ thì nói một bài kệ. Nếu họ cần năm câu thì nói năm câu. Nếu họ cần một câu, nửa câu thì nói một câu, nửa câu.

Lúc ấy Đức Phật xem xét tâm người chài lưới nên nói bài kệ đó. Đối với những người sống tự do buông lung thì Ngài nói cho họ là cái già chết đang rình rập họ, như trâu nghé cứ tìm bám vú trâu mẹ, như nghé mới được xổ lòng tâm nó không bao giờ rời mẹ.

Chúng sinh cũng như vậy, họ bị già chết đuổi theo mãi như bóng đi theo hình. Nếu chúng sinh căn tánh bén nhạy, khéo quán sát rõ ràng thì họ ngỡ sẽ thoát khỏi mọi khổ não, làm cho gốc lành them lớn mạnh. Còn những chúng sinh căn tánh chậm lụt, không biết quán xét thì không thành công điều gì, cho nên nói: Bị già chết rình rập, như nghé đeo vú mẹ.

—————

Người tâm ý buông lung

Giống như cây Ma-lâu

Đi khắp mọi nơi chốn

Như vượn chuyền kiếm trái.

Người tâm ý buông lung: Hàng Sát-đế-lợi, trưởng giả, cư sĩ, Tỳ-kheo, Tỳ kheo-ni, Ưu-bà-tắc, đồng niên, thanh niên, trung niên đến già cả, những ai chưa đạt đạo để tâm ý buông lung, làm cho gốc rễ ái dục thêm lớn, như cây Ma-lâu, khi cây này mới lớn thì nó đã bị dây leo quấn chằng chịt nên khi cao lớn thì nó bị khô chết.

Người có tâm ái dục cũng như vậy, tâm ái dục này đốt cháy hết gốc rễ chúng sinh, cho nên nói: Giống như cây Ma-lâu.

Đi khắp mọi nơi chốn: Trôi lăn trong năm đường ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… như bánh xe quay, cho nên nói: Đi khắp mọi nơi chốn.

Như vượn chuyền kiếm trái: Khỉ, vượn đi tìm hái trái cây, nó chuyền cây này qua cây khác, đi từ khu rừng này đến khu rừng nọ, cho nên nói: Như vượn chuyền kiếm trái.

———–

Từ ái dục đượm nhuần

Tư tưởng sinh lan tràn

Ái dục sâu không đáy

Già chết lại càng thêm.

Từ ái dục đượm nhuần: Dòng chảy tràn của ái dục như mạch suối phun. Các sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhớ lại vốn đã tạo ra năm thứ dục lạc vui chơi, cho nên nói: Từ ái dục đượm nhuần.

Thứ đượm nhuần của bơ, dầu, mỡ không gọi là đượm nhuần vì những sự đượm nước ướt ấy có thể trừ sạch bằng cách lấy tro, đất chà bỏ đi. Còn chất đượm ướt của ái dục thì chỉ có Đức Phật, Thế Tôn ra đời mới khả năng cắt đứt nó được bằng dao trí tuệ. Cho nên nói: Từ ái dục đượm nhuần.

Tư tưởng sinh lan tràn: Sự hừng hực của lửa nóng cũng không hơn tư tưởng. Lửa gây phỏng lở có thể chữa trị, bị cháy bởi lửa tư tưởng thì không thể chữa trị được. Nếu ai giết cha mẹ, ăn trộm, dâm dật gây ra các tội lỗi thì dù chư Phật, Thế Tôn cũng không chữa trị được, cho nên nói: Tư tưởng sinh lan tràn.

Già chết lại càng thêm: Đời sống có thân ắt phải lo buồn vềthân. Già có bốn trăm lẻ bốn bệnh đau nhức. Chết thì có gió độc làm hại, cho nên nói: Già chết lại càng thêm.

———-

Chúng sinh quấn trong ái

Như thỏ bị mắc bẫy

Bị kết sử quấn chặt

Luôn luôn chịu khổ não.

Chúng sinh quấn trong ái: Ái dục là kẻ dẫn đường đi trước dẫn dắt chúng sinh trôi lăn trong sinh tử, không ra khỏi ba cõi.

Như thỏ bị mắc bẫy: Bị mắc vào lưới, thỏ nhảy lung tung nhưng không có lối thoát. Chúng sinh cũng như vậy, họ bị ái dục làm mê hoặc trôi lăn trong sinh tử, lên xuống khắp năm đường, chìm sâu trong bốn dòng.

Bị kết sử quấn chặt: Chúng sinh bị lưới ái dục trói chặt, không thể thoát khỏi vòng sống chết.

Người ngu chịu khổ; thân, miệng, ý của họ hành động không chân chánh, không phân biệt thiện ác, thọ thân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cho nên nói: Luôn luôn chịu khổ não.

———–

Chúng sinh bị ái khiến

Đắm nhiễm trong ba cõi

Tìm cách cầu giải thoát

Quyền biến mới thoát được.

Chúng sinh bị ái khiến: Bị ái dục sai khiến, bị kết sử buộc ràng, cho nên nói: Chúng sinh bị ái khiến.

Đắm nhiễm trong ba cõi: Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.

Tìm cách cầu giải thoát: Thế nào là tìm cách? Vì chúng sinh bị ái dục sai khiến, bị nghiệp sai khiến, vô minh sai khiến, tà kiến sai khiến, cứ thế chúng sinh đắm nhiễm các sử, làm sao thoát khỏi khổ não sinh tử? Giống như có hai con trâu cùng bị cột vào một cái ách, có người theo sau quất roi thì làm sao không kéo nặng đi tới cho được? Chúng sinh cũng lại như vậy. Bốn dòng là sức nặng, bị gài cứng trong bốn ách đó, thì làm sao thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết được?

Quyền biến mới thoát được: Phải tìm cách, đang sống chung với cha mẹ, anh em, bà con, nhưng khi cái chết đến thì chia lìa nhau, cho nên nói sinh, già, bệnh, chết ép ngặt, phải khéo tìm cách thoát ra. Các chúng sinh chưa dứt hết ái dục thì mãi mãi họ bị sinh, già, bệnh, chết đuổi theo sau. Người đã hết ái dục thì không còn sinh, già, bệnh, chết nữa, cho nên nói: Quyền biến mới thoát được sinh, già, bệnh, chết.

————–

Nếu diệt được ái kia

Ba cõi không còn ái

Tỳ-kheo đã dứt ái

Vắng lặng vào Niết-bàn.

Nếu diệt được ái kia: Ái là căn bệnh khiến mọi thứ khổ nhóm họp lại. Nếu diệt được ái dục thì trời, người đều khen ngợi, cho nên nói: Nếu diệt được ái kia.

Ba cõi không còn ái: Đã dứt hết ái, dứt hết nhiệt, dứt hết các não, dứt hết buồn lo. Ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, cho nên nói: Ba cõi không còn ái.

Tỳ-kheo đã dứt ái: Các chúng sinh bị ái dục ràng rịt, bó buộc, lôi kéo, Tỳ-kheo phá mọi kết sử nên gọi là Tỳ-kheo. Người đắp y, ôm bát cũng gọi là Tỳ-kheo, cho nên nói: Tỳ-kheo đã dứt ái.

Vắng lặng vào Niết-bàn: Niết-bàn không có nơi chốn. Không có cảm thọ, không còn tư tưởng dính mắc, nên gọi là vào Niết-bàn.

Niết-bàn không có hình bóng kết sử, cũng không có hình bóng của sự tái sinh, cho nên nói: Vắng lặng vào Niết-bàn.

—————

Vì ái cam chịu khổ

Tham dục đắm thế gian

Sầu lo ngày đêm dài

Như cỏ dại bò lan.

Vì ái cam chịu khổ: Các chúng sinh tâm thú hướng về đâu thì không thể lìa bỏ, có nhiều thứ họa hại, không thứ gì không đắm nhiễm, cho nên nói: Vì ái cam chịu khổ.

Tham dục đắm thế gian: Khó bỏ khó lìa, ôm ấp mãi, không quên thế gian. Năm ấm cũng gọi là thế gian. Cảm thọ lẫy lừng, cũng gọi là thế gian, cho nên nói: Tham dục đắm thế gian.

Sầu lo ngày đêm dài: Thường có lo buồn tai họa, có phiền não nóng bức, có bệnh tật, ở đây nêu thí dụ để qua đó, người trí nhờ thí dụ mà tự hiểu.

Như cỏ dại bò lan: Ngày càng bò lan ra như cỏ dại.

————

Người bị ân ái lừa

Không thể bỏ tình dục

Nhiều ái dục, buồn lo

Như nước đầy mặt ao.

Người bị ân ái lừa: Ngục tù ân ái cứng chắc, nhiều kiếp không hư hoại, nó tiềm ẩn trong tâm thức không bao giờ lìa bỏ. Vì ân ái này nên không thể vượt thứ lớp chứng quả. Hễ đắm nhiễm ân ái thì không thể trở lại, không thể chế ngự, giữ gìn hay tiêu diệt nó được, cho nên nói: Người bị ân ái lừa.

Nhiều ái dục buồn lo: Do ân ái này mà các khổ não them nhiều, thấm sâu vào xương tủy. Như dòng nước chảy đổ trút xuống ao, cũng như hoa sen không thấm nước. Việc này cũng như vậy, ân ái trói buộc, tâm ôm ấp mãi. Lấy nước giải thoát để gột sạch tâm ái kia thì khốn thay, tâm ấy không chịu dính nước. Cho nên nói:

Như nước đầy mặt ao.

———-

Các hiền, giờ Ta nói:

Cả chúng hội đều nghe

Cùng nhổ bỏ gốc ái

Như chọn vị Tế tân

Đã nhổ bỏ gốc ái

Còn gì mà lo sợ.

Các hiền, giờ Ta nói: Ta chỉ cho Như Lai, là Bậc Nhất Thiết Trí, đầy đủ ba đạt, sáu thông, các tướng tốt, phân biệt rõ các pháp. Các hiền là chỉ cho đại chúng, các vị này đã đầy đủ các pháp mà các bậc Thánh hiền đã thực hành. Bậc Nhân hiền này đã ra khỏi ba cõi, những gì cần làm đã làm xong, cho nên nói: Các hiền.

Cả chúng hội đều nghe: Chúng hội chỉ cho hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, đều nhóm họp một nơi suy nghĩ cội gốc các pháp. Những điều mà tâm mong mỏi đều được như nguyện, cho nên nói: Chúng hội đều nghe.

Cùng nhổ bỏ gốc ái: Vô minh là gì? Như đã nói, là những ai hướng về năm đường, từ đời này đến đời sau do vô minh là cội gốc, đều do tham dục sinh ra. Lại có chỗ nói: Trước có tâm ngu si sau đó mới sinh ái nhiễm, đắm trước, cho nên nói: Cùng nhổ bỏ gốc ái.

Như chọn vị Tế tân: Sở dĩ nói chọn vị Tế tân là có hai nguyên nhân: Một là nó chữa bệnh, hai là để mua bán. Suy nghĩ chọn kỹ thứ tốt mới lấy để trị bệnh và bán có lời nhiều. Người tu hành cũng như vậy. Cội rễ ái dục rất cứng chắc ăn sâu, phải dùng trí tuệ để phân biệt, tu hành phải làm. Chúng sinh liền được giáo hóa, nhờ đó mà thành tựu. Nhổ hết gốc rễ ái dục thì chứng quả A-la-hán, cho nên nói: Như chọn vị Tế tân.

Đã nhổ bỏ gốc ái: Gốc ái chỉ cho các kết sử khác ngoài cành lá vô minh, nên gọi là gốc ái.

Còn gì mà lo sợ: Hễ có lo là có sợ, nay không có lo thì còn sợ thứ gì? Lo buồn chỉ có ở cõi Dục mà không có ở cõi Sắc và Vô sắc? Vì sao? Trả lời: Vì tánh chất hai cõi kia là không có lo buồn.

Sở dĩ sinh ra lo buồn là vì có cha mẹ, đất nước, thành quách, vợ con, tôi tớ, kẻ ăn người ở, thóc lúa, ruộng nhà, tiền của, các gia nghiệp này đều là đầu mối của lo buồn, nếu hoàn toàn không có các thứ ấy thì không có lo buồn, cho nên nói: Nhổ bỏ gốc ái.

————-

Có ái nên có chết

Gây ra nhiều thân thuộc

Bước trên đường lo dài

Khổ ái thường mang ách.

Vì người tu hành

Không gần người tục

Trước chặt gốc ái

Đừng cho rễ bám

Chớ như cắt cỏ

Làm ái mọc lại.

Có ái nên có chết: Như chúng sinh chưa dứt bỏ ái dục, còn đầy đủ các kết sử, ái dục nằm trong ấy, cho nên nói: hễ chúng sinh nào tham cầu không thỏa mãn thì đều do tâm ái. Muốn sinh trong ba cõi cũng bởi tâm ái, ý tham đắm vợ con, tài sản đều do tâm ái, cho nên nói: còn ái nên có chết, gây ra nhiều thân thuộc.

Bước trên đường lo dài: Những gì đã qua không thể tìm lại.

Các chúng sinh trôi lăn trong năm đường: sinh tử, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chết nơi này sinh nơi khác, thân nương bốn đại bị ái kết ràng buộc, cho nên nói: Bước trên đường lo dài.

Khổ ái thường mang ách: Chịu thân hình từ bào thai này sang bào thai khác mãi mãi như vậy. Sống trong bào thai nóng bức, xung quanh là phẩn dơ bẩn hôi thối bất tịnh, thế mà cứ chui vào bào thai mãi, không hề biết nhàm chán, không hề biết hổ thẹn, cho nên nói:

Phải dùng cách thức khôn khéo tu đạo, không gần người thế tục.

Thường thường nghĩa là đời đời qua lại không dứt, sinh ở nơi này, chết ở nơi khác. Đời này nghĩa là thân hiện tại này, đời kia là sinh vào đường khác. Đời này là thân người này, đời kia là năm đường.

Cho nên nói: Trước chặt gốc ái, đừng cho rễ bám.

Thường ở trong năm đường, sinh vào năm đường lại có nặng nhẹ. Có phước là nhẹ, không phước là nặng. Dù có nặng, nhẹ nhưng không có gì hơn là có đạo. Trung đạo vô vi thì không có nặng nhẹ, không còn sinh hay diệt, dính mắc hay cắt đứt, không còn ai mong trở lại con đường dơ uế kia nữa.

Chớ như cắt cỏ, vì là cắt ngọn, nên cắt xong chúng lại mọc lên mạnh mẽ mãi mãi không chết.

————–

Vô dục, không lo sợ

Thảnh thơi không buồn rầu

Dứt dục, kết sử hết

Ra hẳn vực luân hồi.

Vô dục, không lo sợ: Bậc Thánh đã thoát khỏi ái dục nên không còn sợ sệt, lo buồn, được thảnh thơi, cho nên nói: Vô dục, không lo sợ.

Thảnh thơi không buồn rầu: Khi đã dứt hẳn các ái dục, không còn dư sót, nếu có chúng sinh nào không thể lìa bỏ ái dục thì giống như dòng sông chảy miệt mài ra biển không kể ngày đêm.

Cho nên nói: Thảnh thơi không buồn rầu. Vì đã dập tắt hết ái dục nên danh cũng mất, thể cũng hết, không còn gốc rễ.

Dục dứt trừ, kết sử mở, vĩnh viễn khỏi vực luân hồi, không còn sinh trở lại chốn phiền muộn nữa, vừa là hành động không tạo tác, vừa là chẳng phải hành động, không tạo tác, cho nên nói: Ra hẳn vực luân hồi.

————

Các trời và loài người

Nương vào ái mà sống

Ái đâu, kết sử đó

Thời gian trôi không ngừng

Ngày qua lại sinh lo

Vào ngục mới tự biết.

Các trời và loài người: Vì sao lại nói trời và người? Bởi cả hai đều bị ái dục sai khiến. Nếu sinh làm trời thì được cung nữ hầu hạ, vui thú với nhau, đến nỗi ngó phía Đông thì quên phía Tây. Còn nếu sinh làm người thì đắm nhiễm nhiều thứ. Lo nuôi vợ con long không lìa bỏ. Nếu đọa vào địa ngục, chịu các khổ não thì không còn tâm ái. Còn ngạ quỷ, súc sinh tuy có tâm ái nhưng nhỏ nhặt, không đáng nói. Chỉ có trời và người là tâm ái nặng nhất, cho nên nói: Các trời và loài người.

Nương vào ái mà sống: Chúng sinh nương tựa vào ái dục mà sống ô nhiễm, tức cùng sống chung với ái, cho nên nói: Nương vào ái mà sống.

Ái đâu, kết sử đó: Như có người muốn qua sông biển, nếu người dẫn đường đúng thì kẻ đi theo cũng đúng, ái cũng như vậy, nếu đọa vào ba đường ác thì kết sử cũng đi theo, cho nên nói: Ái đâu, kết sử đó.

Thời gian trôi không ngừng: Trong khoảng một thời gian sinh vào chốn nhân gian, nơi kinh đô đất đai bằng phẳng thì gieo được nhiều căn lành, không có núi sông, vách đá, sản sinh ra nhiều vật quý lạ, có lòng tin vững chắc với Phật pháp, có tâm suy nghĩ, xót thương mọi loài, gieo trồng cội gốc công đức, chư Phật ra đời làm hưng thịnh đất nước ấy. Dù sống nơi thành thị cũng trở thành quá khứ, không thể sống mãi được, cho nên nói: Thời gian trôi không dừng.

Ngày qua lại sinh lo: Đó là nơi biên giới, sinh sau thời Phật, ở vào tám nơi không yên ổn. Truy tìm gốc ngọn, tự thẹn, không được sinh vào nơi có Phật pháp lưu hành, bèn sinh ra lo buồn khổ não, đấm ngực kêu la khi nhớ đến những việc trôi qua, cho nên nói:

Ngày qua lại sinh lo.

Vào ngục mới tự biết: Than ôi! Già khổ, khi còn ở nhân gian, chúng ta nghe nói người học đạo tu thiện được phước, làm ác thì đọa vào địa ngục. Kẻ quen sống với tâm ái thì tự gieo rắc bệnh khổ trong ba cõi. Các vị Sa-môn cũng nói: Ai giữ năm giới cấm, tu mười điều lành sẽ được sinh lên cõi trời hay sinh vào cõi người, chúng ta ngu si, không nghe theo lời dạy ấy, nên ngày nay phải vào địa ngục chịu các khổ não, nào núi dao rừng kiếm, xe lửa lò than, tất cả đều do tâm ái dục mà ra, cho nên nói: Vào ngục mới tự biết.

Theo dòng ái không dừng

Thân bị lưới dục trùm

Cành nhánh thêm đói khát

Càng chịu khổ thêm nhiều.

Theo dòng ái không dừng: Thế nào là theo? Nghĩa là địa ngục, ngạ quỷ, người, trời đều theo với ái. Đời sau, khi có thân thì ái đã vào, cũng duyên theo cảnh giới mà muôn pháp từ đó sinh ra.

Cho nên gọi là theo. Dòng ái trôi giống như dòng sông chảy về biển. Dòng ái trôi cũng như vậy. Nó làm chảy ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, cho nên nói dòng ái. Không dừng thì cũng như hạt lúa giống, khi gieo xuống đất thì nó biến đổi theo thời tiết, tưới bón, nảy mầm, lớn lên. Hạt giống ái cũng như vậy. Nó đầy khắp thân người, theo thời gian chuyển biến tăng thêm các bất thiện căn.

Ái dục không trụ trong ba cõi mà trôi lăn trong tứ sinh, bôn ba trong năm đường, cho nên nói là không dừng. Thân này (ấm căn) là thân năm ấm lẫy lừng, sâu chắc khó lay động. Như nói thân này là gốc của si mê, vô thường, khổ, không, vô ngã cũng chính là nó cho nên gọi là Ấm căn. Còn dục thì có hai thứ: Trên thì trên tận mé không, dưới thì khắp cả các cảnh giới trong mười phương các cõi nơi nào cũng có dục. Loại thứ hai là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh duyên với dục, không thể dứt bỏ, nên gọi là dục.

Lưới trùm thì giống như người ta dùng lưới giăng bắt chim, hay dùng bẫy để bắt nai, hay đào hố sâu bắt hổ. Nếu chim thú nào gặp các nạn ấy thì không thể nào thoát được. Chúng sinh cũng như thế. Khi họ bị lưới dục phủ trùm thì không còn thấy thiện, ác. Ý thường ham thích sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi bị ái quấn chặt, thì không thể lìa bỏ. Những ai bị rơi vào lưới ái thì chánh đạo hư hoại, không đến chỗ rốt ráo. Cho nên nói: Lưới ái bao trùm như dây leo quấn chằng chịt vào cây tới ngọn, làm cho cây khô héo. Ái cũng như thế. Nó tràn ngập thân người từ đầu đến chân, không chừa trống chỗ nào. Như người bị lọt xuống hầm phân thì cả than mình họ đều bị dính dơ. Người hiểu biết muốn cứu giúp họ, thì y nhìn khắp coi có chỗ nào còn sạch rồi kéo người đó lên. Nếu kẻ ấy không còn chỗ nào sạch thì cũng có thể tìm cách khác kéo y lên được. Nhưng nếu người nào bị tâm ái tràn khắp thân thể thì không thể chữa trị được, cho nên nói: Cành nhánh ái tăng thêm.

Về đói khát, nếu người đời đói khát thì dùng nước uống cứu mạng sống hoặc họ ăn rễ cây, trái, hoặc dùng hơi thở mà phục hồi, hoặc dùng cây cỏ, thuốc, thần chú giúp họ kéo dài tuổi thọ. Nhưng cái tâm ái này đói khát thì dù uống hết nước bốn biển đi nữa cũng không thể làm cho cơn khát ái nguôi đi được, dù chỉ một chút, cho nên nói: Khát ái rất khó cứu khỏi.

Ái khổ là chỉ cho ái chưa được dứt hết. Nó luôn luôn tăng thêm các nguồn khổ, cho nên nói: Càng chịu khổ thêm nhiều.

————

Nhổ cây không tận gốc

Thì nó vẫn mọc lại

Dứt ái không tận gốc

Thì khổ cứ sinh mãi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá vệ. Lúc ấy, có người giữ vườn đang coi vườn cho quan. Ngay giữa vườn có một loài cây rất độc. Nếu có chàng trai, cô gái nào vào vườn ngắm cảnh dạo chơi mà đến nghỉ dưới gốc cây ấy thì bị nhức đầu như muốn bể ra, hoặc đau thắt lưng, hoặc có khichết liền dưới gốc cây.

Người giữ vườn biết nó là cây độc, lại thấy nhiều người chết vì nó, nên bèn lấy búa cán dài hơn trượng, đứng ở đằng xa mà chặt nó. Nhưng chưa đầy mười ngày sau thì cây ấy lại mọc lên như cũ, thân lên cao, cành lá sum suê, ai nhìn thấy cũng đều vui thích. Một số người không biết, chưa từng bị nạn bởi nó gây ra nên cùng đến dưới cây nghỉ mát, nhưng bóng chưa xế thì họ đã bị tai ương. Ngày khác, người giữ vườn lại vác búa đến đốn cây, nhưng chưa bao lâu, cây lại mọc lên như cũ, càng sum suê tốt tươi hơn nhiều. Cứ như thế đốn cây rồi cây cứ mọc lên như cũ. Họ hàng, vợ con người giữ vườn vì ham thích bóng mát cây ấy nên đều bị chết. Người giữ vườn trơ trọi một mình, đêm ngày buồn rầu than thở. Rồi đi đường anh gặp một người hiểu biết, anh liền trình bày hết nỗi cay đắng khổ não của mình. Bấy giờ, người hiểu biết bảo anh ta rằng:

–Tất cả nỗi đau khổ ấy là chính do anh gây ra. Anh nên biết rằng, muốn ngăn lũ thì người ta phải đắp đê cho cao, muốn đốn cây cho chết thì phải đào tận gốc. Việc làm của anh chỉ khiến cho nó mọc thêm, đâu gọi là đốn cây? Bây giờ, anh phải mau trở về đào bỏ gốc rễ của nó đi.

Lúc đó, người giữ vườn tâm ý mê loạn lại sợ chết đến. Anh nghĩ: “Nếu khi ta chết rồi thì quan sẽ cắt người khác đến đó giữ vườn, dòng họ nhà ta vốn đã tuyệt diệt giờ lại không còn ai kế thừa ta. Vậy, chi bằng lén trốn đi xuất gia học đạo”. Nghĩ rồi, anh liền đến tinh xá Kỳ hoàn nước Xá-vệ, đến xin các Đạo nhân làm Samôn.

Nhờ căn lành gieo trồng kiếp trước nên anh giữ vườn kia tâm ý trở nên thuần thục, đáng được cho vào sống đời phạm hạnh. Khi Đức Phật trở về, Ngài thấy vị Tỳ-kheo này liền ở trước đại chúng nói bài kệ:

Nhổ cây không tận gốc

Thì nó vẫn mọc lại

Dứt ái không tận gốc

Thì khổ cứ sinh mãi.

Khi nghe bài kệ ấy, vị Tỳ-kheo kia nhớ lại những việc đã qua, liền tỉnh ngộ tự tâm. Bên trong thầy tự quở trách mình, suy tư hoạn nạn của thân bốn đại nhơ nhớp, nhớ lại cây độc kia, bao lần đốn chặt bao lần nó lại mọc ra, không chết hẳn. Nay than bốn đại này so với cây ấy có khác gì. Rễ ái dục rất vững chắc, nếu không đào bỏ thì cành lá không chết hẳn, sẽ phải chịu sinh, già, bệnh, chết mãi thôi, chết chỗ này sinh chỗ khác, chết nơi kia sinh nơi đây xoay vần mãi như vậy, không bao giờ ngừng nghỉ. Như cây độc kia chưa nhổ tận gốc, nên nó còn hại mọi người. Kết sử ái dục này cũng như vậy, nó giết hại mạng sống còn làm tổn hại bản tính trí tuệ.

Bấy giờ, thầy Tỳ-kheo liền quán xét kỹ thân năm ấm này, từ đầu đến chân, không có chỗ nào đáng ưa thích, liền chứng quả TuSỐ đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán, ngay tại chỗ ngồi, chứng được sáu phép thần thông. Lòng cảm kích vô hạn, nên ở trước đại chúng, ba lần thầy tự nói:

–Đáng mừng thay, đạo không xa tí nào! Nương nhờ ân đức bậc Thánh mà con dứt hết phiền não.

Vị ấy liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đi quanh Đức Phật ba vòng, rồi trở lại chỗ ngồi cũ mà hiện mười tám thứ thần biến và nhập Niết-bàn.

———–

Cũng như người vót tên

Lại tự bị tên hại

Tên bên trong cũng vậy

Tên ái hại chúng sinh.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn Cam-lê, nước Ma-kiệt.

Lúc ấy, trong hang Thạch thất ở phía Bắc kinh thành, có rất nhiều thợ săn vào núi săn bắn. Họ giăng lưới khắp nơi, giết hại vô số hươu nai, rồi trở về trên núi.

Lúc bấy giờ, có một con nai rơi vào bẫy, nó kêu lên thật lớn.

Nghe vậy đám thợ săn chạy đến, cả đám rơi vào bẫy, bị thương nhiều không kể xiết, ai không chết, cũng mang thương tích nặng, đau nhức không thể diễn tả. Họ cùng dìu đỡ những người nặng nhất về lều. Họ tìm thuốc cao mỡ bôi chữa trị vết thương. Bà con quen biết cùng đến chôn cất tử tế những xác được đưa về, xong xuôi mới trở về nhà mình.

Khoảng mười ngày sau, những người bị thương biết các vết thương đã khép miệng, nhưng ai cũng đều chán sự việc đi săn, nhờ đời trước đã gieo trồng các nghiệp lành, nên họ liền bỏ nhà, đi học đạo, làm Sa-môn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói pháp cho vô số trăm ngàn người vây xung quanh Ngài nghe. Ngài muốn nhổ bỏ gốc cũ cho những người này bèn chỉ bày, dạy răn cho họ tu các công đức, để thoát hẳn sinh tử, thường được hưởng phước, nên ở trước đại chúng, Ngài liền nói kệ:

Cũng như người vót tên

Lại tự bị tên hại

Tên bên trong cũng vậy

Tên ái hại chúng sinh.

Lúc ấy những người thợ săn nghĩ: “Tuy đã thành Sa-môn nhưng chúng ta không tự biết việc vót tên lại tự bị tên hại. Hôm nay, Như Lai làm sáng tỏ việc chúng ta là đám thợ săn bị chính tên mình vót trở lại tự hại”, nên rất hổ thẹn, tự ăn năn lỗi cũ. Rồi ở nơi vắng vẻ, họ suy tư chánh quán, nhiếp tâm không cho tán loạn, xứng đáng là con nhà dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng, tự thân chứng đắc nên tự vui mừng, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sinh, biết rõ như thật. Lúc ấy các thầy Tỳ kheo đều chứng quả A-la-hán, được sáu thứ thần thông, không còn gì ngăn ngại, nên nói bài kệ này:

Phải giác biết được rằng,

Khổ ái tạo đời này

Không dục, không ý tưởng

Tỳ-kheo chuyên nghĩ độ.

Phải giác biết được rằng: Ái đứng đầu mọi căn bệnh, giống như thành quách dân chúng nhóm họp về đó, nương ở trên đất đai mà sống. Tai sao gọi ái là đứng đầu mọi căn bệnh? Như lời Phật dạy: “Ở địa ngục chịu khổ khó thể tính lường, đều do ái gây nên. Ở địa ngục chịu các khổ não đều do bệnh ái, những kẻ sát sinh cũng bởi ái thúc giục. Những kẻ ăn trộm, dâm dật, nói láo làm mười việc không lành cũng như vậy, đều do tâm ái mà tạo ra các điều ác. Gây ra đủ mười điều ác thì chết đọa vào địa ngục với mười ba thứ lửa thiêu đốt thân mình”.

Mười ba thứ lửa là: Có hai núi lửa từ phía trước chui vào bụng rồi xuyên qua xương sống. Lại có hai núi lửa, từ phía sau chui vào xương sống, rồi chui ra khỏi bụng. Lại có hai núi lửa từ hông trái chui qua hông phải rồi ra ngoài. Lại có hai núi lửa, từ hông phải chui qua hông trái rồi ra ngoài. Lại có hai núi lửa, từ dưới chui lên rồi ra ngoài. Lại có hai núi lửa từ trên chui xuống rồi ra ngoài. Còn núi lửa thứ mười ba là gì? Núi này do thân tạo ra, đó chính là núi khát ái.

Mười hai núi lửa kia, dù đau đớn, nhưng có thể chịu đựng nổi, còn riêng núi lửa khát ái do thân mình tạo ra thì không thể trị liệu được. Như trong kinh chép: “Ngục tốt A-bàng hỏi những người tội nặng rằng: “Các ngươi từ đâu đến đây?”. Người tội đáp: “Chúng tôi đói quá nên không biết từ đâu đến”. Lúc ấy ngục tốt lấy những hòn sắt nóng buộc các người tội phải nuốt trôi. Sau đó ngục tốt lại hỏi người tội rằng: “Các ngươi từ đâu đến đây?”. Đáp: “Chúng tôi quá khát, nên cũng không biết từ đâu đến”. Bấy giờ ngục tốt đè người tội nằm ngửa ra, múc đổ nước đồng sôi vào miệng người tội, đốt cháy cả mồm, cổ họng, rồi chảy xuống dưới”. Tóm lại, ở địa ngục có muôn thứ đau đớn, khổ não. Đọa làm súc sinh cũng chịu vô số khổ não. Súc sinh chịu khổ ra sao? Như trong kinh chép: “Bấy giờ thầy Tỳ-kheo bị đọa làm súc sinh, chịu các khổ não. Các Tỳ-kheo nên biết: nếu có chúng sinh đọa làm súc sinh, thì sinh ra trong sự mờ mịt, lớn lên trong sự mờ mịt, chết đi cũng trong sự mờ mịt. Những việc ấy là sao? Ấy là sâu trùng dưới đất do đời trước ham dâm dục, thân, miệng, ý làm ác, nên sau khi chết đọa làm trùng sâu dưới đất.” Cho nên nói: Sinh ra trong sự mờ mịt, lớn lên trong sự mờ mịt, chết đi cũng trong sự mờ mịt. Này các Tỳ kheo, chúng sinh bị đọa làm súc sinh rất đau khổ khó chịu đựng nổi. Hoặc có chúng sinh nương vào bốn đại sinh ra, lớn lên bằng bốn đại, qua đời bằng bốn đại. Đó là loài nào? Đó là loài bào trùng, đều do đời trước ham đắm ái vị, thân, miệng, ý tạo ác, chết đọa làm loài bào trùng. Nương bốn đại sinh ra, lớn lên bằng bốn đại, chết đi bằng bốn đại. Này các Tỳ-kheo, loài súc sinh rất đau khổ khó có thể chịu nổi. Các Tỳ-kheo nên biết, lại có chúng sinh bị đọa làm chúng sinh, hễ nghe mùi thối của phẩn dãi thì chúng chạy đến, nói rằng chúng ra ăn đồ ăn uống này, vì những đồ ăn uống này là loài gà, vịt, heo, chó, lừa, ngựa, chồn, chim, quạ…

Các Tỳ-kheo nên biết, loài ngạ quỷ rất khổ. Khổ của ngạ quỷ như thế nào? Hoặc có quỷ đói ăn nuốt râu tóc hay lông lá, trên thân người, hoặc ăn răng hay mong tay, móng chân, hay ăn chất bẩn bám trên thân, da non, da dày, cho đến gần xương, tim, lá lách, thận, gan, mật, ruột già, ruột non, dạ dày, phân, óc, tủy, nước mắt, mồ hôi, đàm dãi, nước mũi, máu mũ, mỡ, mật đắng, nước tiểu.

Những loài quỷ đói ấy phải ăn như thế, chịu nhiều đau khổ, đều bởi thân đời trước ham thích ái vị, tham lam bỏn sẻn, ăn một mình. Nếu có cho người khác ăn thì mắng chửi, nguyền rủa rằng: “Chúng bây ăn đồ của tao như ăn máu mủ, phẩn dãi.” Thế nên sau này đọa làm ngạ quỷ phải ăn những đồ dơ như thế.

Lại có loài ngạ quỷ lúc còn làm người giành ăn một mình không biết mắc cỡ, không bố thí cho ai dù chỉ một hạt gạo. Nếu thấy người khác cho thì đến ngăn cản. Do đó, sau làm ngạ quỷ suốt trong thời gian dài, tai không hề nghe hai chữ ăn uống, huống gì là được ăn! Khổ của loài ngạ quỷ này, không thể nói hết.

Ba đường ác ấy chịu khổ vô lượng. Đó là bởi đời trước tâm ái quá nặng, gieo nhân cho những khổ ấy, cho nên Đức Phật nói: “Ái là đầu mối các căn bệnh.”

Khổ ái tạo đời này: Không có dục thì không có tưởng, đã dứt bỏ ái dục, không còn sót lại chút nào hết, như ói mửa hết, xả bỏ hết thì không còn cội gốc của các bệnh khổ não, cho nên nói:

“Không có dục thì không có tưởng.”

Tỳ-kheo chuyên nghĩ độ: Tỳ-kheo chuyên tâm, từ đầu không rối loạn, lìa bờ bến đến chỗ không bờ bến. Từ bờ bên này sang bờ bên kia mà vào cảnh giới Niết-bàn, mát mẻ không còn nóng bức,tất cả tâm luyến ái đều dứt hết, không còn sinh khởi, cho nên nói:

Tỳ-kheo chuyên nghĩ độ.