SỐ 228
KINH PHẬT MẪU XUẤT SINH TAM PHÁP TẠNG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA
Dịch Phạn ra Hán: Đời Triệu Tống, Tam tạng Pháp sư Thi Hộ
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 1

Phẩm 2: THIÊN ĐẾ THÍCH

Bấy giờ, Đế Thích cùng với bốn ngàn chư Thiên đồng đến đại hội, cũng có Tứ Thiên vương cùng với hai mươi ngàn quyến thuộc, Đại Phạm Thiên vương cùng với mười ngàn Phạm chúng đến dự, lại có vua cõi trời Tịnh cư cùng một ngàn quyến thuộc đến dự. Tất cả đều đi đến dự hội, các vua trời kia tuy cũng có hào quang do tu tập nghiệp lành, nhưng oai thần hào quang của Phật vượt hẳn nên khiến cho hào quang của chư Thiên không có thấy rõ được.

Khi ấy, Đế Thích thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Chư Thiên chúng tôi cho đến Phạm chúng, tất cả nhóm lại và đều ưa muốn nghe pháp. Thưa Tôn giả, xin Tôn giả vì Đại Bồtát mà giảng nói về Bát-nhã ba-la-mật-đa. Bồ-tát an trụ cách nào? Tu tập làm sao? Và tương ưng như thế nào?

Tu-bồ-đề đáp:

–Này Kiều-thi-ca! Ngày nay, nương vào thần lực của Phật gia hộ, các Thiên tử và đồ chúng đều tập hợp nơi đây. Nếu có vị nào chưa phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì theo đó mà phát tâm, vị nào đã dự vào chánh vị thì không thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì các vị ấy thấy sự trói buộc của sinh tử luân hồi, do vậy đối với những người hiện ở đây mà ai có khả năng phát tâm cầu đạo Vô thượng Bồ-đề thì tôi sẽ tùy đó giúp họ phát tâm khiến cho căn lành của họ không đoạn tuyệt.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tán thán:

–Lành thay, lành thay! Này Tu-bồ-đề! Ông thật khéo khuyến khích, hướng dẫn cho các Đại Bồ-tát tương ưng với Bát-nhã ba-lamật-đa.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Chúng sinh luôn thấm nhuần công đức sâu dày của Đức Phật. Nay con vì muốn báo ân sâu ấy, nên cố gắng khuyến khích, hướng dẫn như vậy. Vì sao? Vì thuở quá khứ, đệ tử của Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác cũng muốn báo ân Phật nên khuyến khích, hướng dẫn cho các Đại Bồ-tát được phạm hạnh như vậy, an trú vào pháp chân thật, cũng giáo hóa thành tựu Bát-nhã ba-la-mật-đa. Do thực hành như vậy, nên phát sinh trí Vô thượng.

Bạch Thế Tôn! Con nay cũng theo đó mà thâu nhận, hộ trì các Đại Bồ-tát. Do sức nhân duyên thâu nhận và hộ trì của con, nên làm cho Đại Bồ-tát mau chóng thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Thiên đế Thích:

–Các ông hãy lắng nghe và tư duy, tôi nay muốn giảng nói Bát-nhã ba-la-mật-đa giúp cho Đại Bồ-tát trụ vào pháp không, làm cho Đại Bồ-tát khóac áo giáp Đại thừa trang nghiêm. Nên biết Bátnhã ba-la-mật-đa không an trụ vào ngũ uẩn, không trụ vào nhãn căn, không trụ vào sắc cảnh, không trụ vào nhãn thức, không trụ vào nhãn xúc cũng không trụ vào các thọ phát sinh từ nhãn xúc.

Không trụ vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn; không trụ vào thanh, hương, vị xúc pháp cảnh; không trụ vào nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức; không trụ vào nhĩ xúc đến ý xúc, lại cũng không trụ vào các thọ phát sinh từ nhĩ xúc cho đến ý xúc. Không trụ vào địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới; cũng không trụ vào Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Thánh đạo; không trụ vào quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và Ala-hán; không trụ vào quả Duyên giác; không trụ vào cõi Phật.

Do không trụ vào năm uẩn cho đến không trụ vào quả vị Phật nên không trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc thường, hoặc vô thường; không trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc khổ, hoặc vui; không trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc không, hoặc bất không; không trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc ngã, hoặc vô ngã; không trụ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, hoặc tịnh, hoặc nhiễm.

Không trụ vào chỗ đắc pháp không của sắc pháp, không trụ vào chỗ đắc pháp không của thọ, tưởng, hành, thức, không trụ vào quả vô vi Tu-đà-hoàn, không trụ vào quả vô vi Tư-đà-hàm, không trụ vào quả vô vi A-na-hàm, không trụ vào quả vô vi A-la-hán, không trụ vào quả vô vi Duyên giác, không trụ vào Phật pháp. Không trụ vào phước điền của Tu-đà-hoàn, không trụ vào thân bảy lần tái sinh của Tu-đà-hoàn; không trụ vào phước điền của Tư-đàhàm, không trụ vào một lần tái sinh vào cõi này đoạn trừ rốt ráo các khổ hoặc của Tư-đà-hàm; không trụ vào phước điền của A-nahàm, không trụ vào sự không trở lại thế gian này do đắc Niết-bàn của A-na-hàm; không trụ vào phước điền của A-la-hán, không trụ vào hiện thế nhập Vô dư Niết-bàn của A-la-hán; không trụ vào phước điền của Duyên giác, cũng không trụ vào quả Duyên giác, vượt qua quả vị Thanh văn, không dừng ở Phật địa thẳng đến Niếtbàn.

Không trụ vào phước điền tối thượng của chư Phật, không trụ vào Phật pháp vượt qua quả vị phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, làm lợi ích cho vô lượng, vô số chúng sinh, làm cho trăm ngàn vạn ức vô số chúng sinh không theo Niết-bàn Vô dư của Thanh văn, Duyên giác mà quyết định hướng đến chứng Niết-bàn Vô thượng Đẳng chánh giác, kiến lập các Phật pháp và không trụ vào những quả vị như vậy.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất có suy nghĩ: “Các Đức Như Lai đã vượt qua quả vị phàm phu, Thanh văn, Duyên giác, làm lợi ích cho vô lượng, vô số chúng sinh, khiến cho trăm ngàn vạn ức vô lượng, vô số chúng sinh không hướng đến Niết-bàn Vô dư của Thanh văn, Duyên giác mà hướng đến và chứng Niết-bàn Vô thượng Đẳng chánh giác, kiến lập các Phật pháp. Không an trụ vào các pháp như vậy thì an trụ vào đâu?”

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề nương oai thần của Phật biết được tâm niệm ấy của Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói:

–Thưa Tôn giả! Ý Tôn giả thế nào? Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác có pháp để trụ không?

Xá-lợi-phất đáp:

–Thưa Tôn giả! Không thể được. Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác không có pháp để trụ. Vì sao? Vì tâm không trụ kia gọi là Như Lai, không trụ vào cảnh giới hữu vi, cũng không trụ vào cảnh giới vô vi, không trụ vào ở giữa đó.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng như thế, Xá-lợi-phất! Các Đại Bồ-tát nên an trụ như các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác đã trụ. Người trụ như vậy thì chẳng có chỗ trụ cũng chẳng không có chỗ không trụ, chẳng phải quyết định cũng không phải không quyết định. Đại Bồ-tát học như thế, nên khéo an trú và tương ưng với vô trụ.

Đại Bồ-tát học như vậy là thực hành hạnh Bát-nhã ba-la-mậtđa.

Khi ấy trong chúng hội, các vị Thiên tử có suy nghĩ: “Hàng Dạxoa còn hiểu được lời lẽ, văn tự, chương cú nơi lời pháp của Tôn giả

Tu-bồ-đề đã diễn nói thì lẽ nào chúng ta không hiểu rõ.”

Khi ấy, Tu-bồ-đề biết được tâm trạng của chư Thiên, liền nói:

–Các ông nên biết tất cả pháp ấy đều không có thuyết, không

dạy bày, không nghe, cũng không có được, xa lìa tất cả phân biệt, không còn có chỗ hiểu biết vậy.

Vừa nghe, thì chư Thiên có suy nghĩ: “Lời nói của Tôn giả Tubồ-đề thường xuyên khó giải, ý tứ sâu xa, vi diệu, cao tột. Chư Thiên chúng tôi thật khó ngộ nhận được.”

Biết được tâm niệm của chư Thiên như vậy, Tôn giả Tu-bồ-đề nói rằng:

–Các ông nên biết, muốn đắc quả Tu-đà-hoàn, muốn trụ quả Tu-đà-hoàn nên an trụ vào pháp nhẫn này. Muốn đắc quả Tư-đàhàm, muốn trụ vào quả Tư-đà-hàm; muốn đắc quả A-na-hàm, muốn trụ vào quả A-na-hàm; muốn đắc quả A-la-hán, muốn trụ quả A-lahán; muốn đắc quả Duyên giác, muốn trụ quả Duyên giác; muốn đắc quả Vô thượng Bồ-đề, muốn trụ quả Vô thượng Bồ-đề thì nên an trụ vào pháp nhẫn.

Các Thiên tử nghe rồi liền có suy nghĩ: “Vậy khi Tôn giả Tubồ-đề nói pháp thì ai là người có khả năng nghe và thọ trì?”

Tôn giả Tu-bồ-đề lúc ấy nương vào oai thần của Phật, biết được suy nghĩ đó, nên Tôn giả nhắc lại:

–Này Thiên tử! Các vị nên biết khi tôi thuyết pháp thì những người huyễn kia có khả năng nghe và thọ trì, vì họ đối với pháp không có nghe cũng không có chứng.

Ngay khi ấy, các Thiên tử bạch với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Có phải Tôn giả nói tất cả chúng sinh đều là huyễn phải không?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng, tất cả chúng sinh đều như huyễn, như mộng. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh kia cùng với huyễn mộng này không hai, không khác. Do đó, tất cả pháp kia cũng như huyễn mộng. Tu-đà-hoàn quả Tu-đà-hoàn; Tư-đà-hàm, quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm, quả A-na-hàm; A-la-hán, quả A-la-hán; Duyên giác, quả Duyên giác, tất cả đều là mộng, là huyễn, cho đến quả Vô thượng Bồ-đề cũng như mộng, như huyễn.

Chư Thiên lại thưa với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Nói Vô thượng Bồ-đề như mộng, như huyễn, vậy pháp Niếtbàn kia cũng như mộng, như huyễn sao?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Niết-bàn như thế cũng như mộng, như huyễn, huống chi là các pháp khác.

Các Thiên tử nói:

–Pháp Niết-bàn kia cớ sao cũng nói như mộng, như huyễn?

Tôn giả Tu-bồ-đề đáp:

–Nếu có pháp hơn hẳn pháp Niết-bàn thì tôi cũng cho là như huyễn, như mộng. Vì sao? Vì huyễn mộng kia cùng với pháp Niếtbàn không hai, không phân biệt.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mãn Từ Tử, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, Tôn giả Ma-ha Cadiếp cùng với chúng Thanh văn và chúng Bồ-tát thưa với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Ai có khả năng thọ trì nghĩa pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa mà Tôn giả đã diễn nói?

Lúc ấy, Tôn giả A-nan nói với đại chúng:

–Bậc Đại Bồ-tát không thoái chuyển có đầy đủ chánh kiến và các A-la-hán đã đoạn trừ lậu hoặc hoàn toàn là những người có thể thọ trì nghĩa pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa mà Tôn giả Tu-bồ-đề đã trình bày.

Lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với đại chúng:

–Pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa tôi đã nói không có người có thể thọ trì. Vì sao? Vì ở đây không có pháp được tuyên thuyết, không có pháp biểu thị, không có chỗ phân biệt cũng không có chỗ hiểu biết hết. Vì không nói, bày và không có hiểu biết về Bát-nhã ba-la-mậtđa, thì đó là tuyên thuyết, đó là nghe nhận. Nghe vậy, Đế Thích liền suy nghĩ: “Nay Tôn giả Tu-bồ-đề đã tuyên thuyết chánh pháp ý nghĩa thậm thâm như vậy, chúng ta nên hóa ra các thứ hoa vi diệu để rải trên thân Tôn giả.” Suy nghĩ như vậy, liền hóa ra vô số hoa thơm rải khắp thân Tôn giả Tu-bồ-đề.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Vô số các loại hoa thơm

vi diệu đã biến hóa ra ở đây thì ta chưa từng gặp ở cõi trời Tam thập tam, các loại hoa quý đặc biệt này chẳng phải từ cây sinh ra.”

Khi ấy, Đế Thích biết tâm niệm của Tu-bồ-đề, liền thưa:

–Hoa này chẳng phải là pháp sinh, chẳng từ tâm sinh ra và không từ cây mà có.

Tu-bồ-đề nói:

–Này Kiều-thi-ca! Hoa này không phải từ cây mà có, cũng chẳng phải từ tâm mà sinh, đó chính là vô sinh, hoa vô sinh cũng không gọi là hoa.

Đế Thích liền có suy nghĩ: “Tôn giả Tu-bồ-đề trí tuệ thật thâm sâu, khéo vận dụng ngôn từ, tùy theo sự việc để giảng nói, nhưng không hủy mất giả danh để nói về thật nghĩa.”

Suy nghĩ như vậy, liền thưa với Tu-bồ-đề:

–Theo như lời của Tôn giả, thì Đại Bồ-tát phải học như vậy.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề bảo Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Thật đúng như vậy! Đại Bồ-tát phải học như vậy, người học như thế sẽ không học quả Tu-đà-hoàn, không học quả Tư-đà-hàm, không học quả A-na-hàm, không học quả A-la-hán, không học quả Duyên giác, không học quả vị như vậy tức là học Nhất thiết trí, an trụ vào Phật pháp. Bậc an trụ như thế tức là học vô lượng, vô biên Phật pháp.

Người học như vậy, tuy có học sắc pháp nhưng không có tăng, giảm, tuy có học thọ, tưởng, hành, thức nhưng không có tăng, giảm. Đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức không tăng giảm, người học như vậy tức là không chấp thủ vào học ở sắc, không chấp thủ vào học ở thọ, tưởng, hành, thức; không xả bỏ ở sắc, không xả bỏ ở thọ, tưởng, hành, thức.

Pháp không thủ, không xả, tức là pháp không sinh, không diệt. Hiểu rõ tất cả các pháp, không thủ, không xả, không sinh, không diệt. Người học như vậy gọi là học Nhất thiết trí, phát sinh Nhất thiết trí.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát đối với pháp không có chấp thủ, nên học pháp không sinh diệt, người học Nhất thiết trí kia cũng không chấp thủ nên học pháp không sinh diệt. Đại Bồ-tát nên tu học như vậy. Người tu học như vậy là tu học Nhất thiết trí phải không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng như vậy, tất cả Nhất thiết trí cho đến tất cả pháp Phật không có chấp thủ, cũng không sinh diệt, người tu học như vậy chính là Đại Bồ-tát tu học Nhất thiết trí.

Khi ấy, Đế Thích thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Đại Bồ-tát nên cầu học Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế nào?

Xá-lợi-phất đáp:

–Kiều-thi-ca! Đại Bồ-tát cầu học Bát-nhã ba-la-mật-đa nên đến chỗ Tôn giả Tu-bồ-đề cầu học.

Đế Thích nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

–Tôn giả Tu-bồ-đề khi thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa thì được thần lực nào gia trì?

Xá-lợi-phất nói:

–Này Kiều-thi-ca! Đây là thần lực của Phật gia trì.

Khi ấy, Tu-bồ-đề bảo Đế Thích:

–Nên biết khi nói pháp Bát-nhã ba-la-mật-đa, đều có thần lực của Như Lai hộ trì.

Nói Đại Bồ-tát nên nương vào đâu mà cầu học Bát-nhã ba-lamật-đa, nên biết Đại Bồ-tát trong Bát-nhã ba-la-mật-đa không nương theo sắc mà cầu, không lìa sắc mà cầu, không nương theo thọ, tưởng, hành, thức mà cầu, cũng không lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu.

Vì sắc không phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa, lìa sắc cũng chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa; lìa thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng phải là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Đế Thích thưa Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mật-đa phải không? Vô lượng Ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mật-đa phải không? Vô biên Ba-la-mật-đa là Bát-nhã ba-la-mật-đa phải không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Đúng như thế, này Kiều-thi-ca! Đại ba-la-mật-đa chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa, vô lượng Ba-la-mật-đa chính là Bát-nhã bala-mật-đa, vô biên Ba-la-mật-đa chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Vì rằng, sắc quảng đại cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng quảng đại. Thọ, tưởng, hành, thức quảng đại cho nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng quảng đại. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô lượng, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô lượng. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô biên, nên Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Lại nữa, này Kiều-thi-ca! Do duyên với vô biên cho nên Bátnhã ba-la-mật-đa cũng vô biên. Bát-nhã ba-la-mật-đa vô biên cho nên chúng sinh cũng vô biên. Do nghĩa này nên có tên gọi là duyên vô biên. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức ở quá khứ cũng không thể đắc, ở hiện tại, ở vị lai không thể đắc, cho đến tất cả pháp ở quá khứ, hiện tại, vị lai không thể đắc. Do nghĩa này nên gọi là duyên vô biên, cũng chính là Bát-nhã ba-la-mật-đa vô biên.

Lại nữa, do nghĩa nào mà gọi là chúng sinh vô biên?

Này Kiều-thi-ca! Nên biết quá khứ, hiện tại, vị lai không có chúng sinh nào có thể đắc.

Đế Thích nói:

–Thưa Tôn giả Tu-bồ-đề! Chúng sinh ở thế giới kia là vô biên phải không?

Tu-bồ-đề đáp:

–Chúng sinh vô lượng, vô số không thể kể xiết. Do nghĩa này nên gọi chúng sinh là vô biên.

Đế Thích lại hỏi Tu-bồ-đề:

–Tôn giả đã nói chúng sinh, vậy do nghĩa nào mà có tên là chúng sinh?

Tu-bồ-đề đáp:

–Nghĩa của tất cả pháp đều là nghĩa của chúng sinh. Này Kiềuthi-ca! Theo ý ông thì nên nói nghĩa nào là nghĩa chúng sinh?

Đế Thích đáp:

–Theo ý của con, nghĩa phi pháp là nghĩa chúng sinh, chẳng phải nghĩa phi pháp cũng là nghĩa chúng sinh, nên biết chúng sinh không có gốc, không có nhân, không có ngã, không có duyên. Do phương tiện mà tạo lập danh tự.

Tu-bồ-đề nói:

–Này Kiều-thi-ca! Trước đây tôi đã nói chúng sinh vô biên, theo ý ông thì như thế nào? Thật có chúng sinh có thể nói, có thể thấy không?

Đế Thích đáp:

–Thưa Tôn giả! Không thể được.

Khi ấy, Tu-bồ-đề nói:

–Nếu các chúng sinh không có thật thì không thể nói thấy. Do nghĩa này tôi nói chúng sinh vô biên. Kiều-thi-ca, giả sử các Đức Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác sống hằng hà sa kiếp dùng phương tiện nói: “Tất cả chúng sinh đã sinh, đang sinh và sẽ sinh. Đã diệt độ, đang và sẽ diệt độ.” Có thể nói nghĩa biên tế này không?

Đế Thích nói:

–Thưa Tôn giả! Không thể được. Vì tất cả chúng sinh xưa nay thường thanh tịnh.

Tu-bồ-đề nói:

–Đúng như thế, chúng sinh là vô biên. Do vậy, nên biết Bátnhã ba-la-mật-đa cũng vô biên.

Khi ấy, trong hội có Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương cùng chư Thiên, Thiên nữ, Thần tiên… đồng bạch Phật:

–Lành thay, lành thay! Như Lai là Đấng Xuất Thế và Tôn giả Tu-bồ-đề là bậc khéo tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đại Bồ-tát đã thọ trì pháp này, không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa của chư Như Lai. Chúng con nay tôn kính Tôn giả như kính ngưỡng chư Phật

Khi ấy, Thế Tôn bảo Đế Thích, Phạm vương và chư Thiên tiên:

–Đúng như thế, các ông nên biết, ta ở đời quá khứ xa xưa, có

Đức Phật hiệu là Nhiên Đăng Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác luôn tu hạnh Bồ-đề, khi ấy ta cũng không lìa Bát-nhã ba-la-mật-đa. Đức Phật Nhiên Đăng Như Lai đã thọ ký cho ta quả Vô thượng Bồđề và nói:

–Vào đời vị lai cách đây a-tăng-kỳ kiếp ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Khi ấy, Đế Thích cùng chư Thiên bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Hy hữu thay! Bạch Thiện Thệ, hy hữu thay!

Bát-nhã ba-la-mật-đa này có thể bao gồm Nhất thiết trí, do vậy Đại Bồ-tát nên học.