KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Đại sư Cù-đàm Bát-nhã-lưu-chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 1: MƯỜI CON ĐƯỜNG THIỆN NGHIỆP

(Từ quyển 1 – quyển 2)

Kính lạy tất cả chư Phật và Bồ-tát.

Tôi nghe như vầy:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại thành Vương xá, du hành đến thôn của Bà-la-môn Na-la-đà.

Vào sáng sớm, Tuệ mạng Xá-lợi-phất cùng chúng Tỳ-kheo vào thành Vương xá khất thực. Bấy giờ, chúng Tỳ-kheo tách rời Tuệ mạng Xá-lợi-phất đi khất thực và lần lần đến chỗ ngoại đạo Già-laca-ba-ly-bà-xà-ca, rồi cùng nhau thăm hỏi. Tất cả ai nấy đều vui vẻ bàn luận về giáo pháp và đối đáp qua lại.

Ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca hỏi các Tỳ-kheo:

–Sa-môn Cù-đàm Thích-ca của các ông nói pháp như vầy: “Dục là bất thiện, không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý.

Đối với tham dục của người khác cũng không tùy hỷ.” Tôi cũng nói như vầy:

–Thân nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý.

Đối với tham dục của người khác cũng không tùy hỷ.

Sa-môn Cù-đàm Thích-ca của các ông nói:

–Khẩu nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.

Tôi cũng nói như vầy:

–Khẩu nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.

Sa-môn Cù-đàm Thích-ca của các ông nói:

–Ý nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.

Tôi cũng nói như vầy:

–Ý nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.

Pháp luật nơi Sa-môn Cù-đàm Thích-ca của các ông cũng như vậy, có khác gì đâu? Có ý gì khác và có gì hơn không? Nếu pháp luật theo Sa-môn Cù-đàm Thích-ca của các ông cũng như vậy thì có gì khác với tôi? Vậy mà Sa-môn Cù-đàm Thích-ca tự xưng mình là Bậc Nhất Thiết Trí.

Ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca hỏi như vậy xong, tâm của các vị Tỳ-kheo không tùy hỷ và không trả lời được vì các vị mới xuất gia nên chưa hiểu rõ về pháp của Tỳ-kheo.

Bấy giờ, chúng Tỳ-kheo tách rời Tuệ mạng Xá-lợi-phất trước đây, khất thực xong rồi đến thôn Na-la-đà để thọ trai và nghỉ ngơi. Lúc này, Tuệ mạng Xá-lợi-phất cũng vừa khất thực xong và cũng đi đến thôn Na-la-đà. Khi ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Tuệ mạng Xá-lợiphất thưa hết các việc ở trên.

Tuệ mạng Xá-lợi-phất bảo chúng Tỳ-kheo:

–Nếu Tuệ mạng tôi cùng với các vị vào thành Vương xá khất thực, cùng với các vị đi ra ngã tư, ngã ba để đến chỗ ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca thì tôi có thể dùng chánh pháp để phá họ, nhưng tôi đi khất thực ở ngã tư, ngã ba khác nên không nghe những điều mà ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca cật vấn trước đây. Đức Thế Tôn có trí tuệ thấy biết tất cả nghiệp quả ở hiện tại. Nay Đức Thế Tôn đang ở đây rất là tôn thắng. Nếu tất cả ngoại đạo gặp Phật sẽ bị hàng phục ngay. Đức Thế Tôn đang khéo nói rõ tất cả pháp nghiệp báo cho các Thanh văn, Ưu-bà-tắc, Trời, Người. Đức Thế Tôn ở cách đây không xa lắm, các vị có thể đến đó để hỏi ắt sẽ được nói rõ về tất cả pháp nghiệp báo cho các vị nghe. Còn như chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn ở thế gian đều không thể nói rõ được, chỉ có Đức Như Lai mới có thể nói cho các vị hiểu. Đối với pháp kia tôi chưa thông tỏ, chỉ có Đức Thế Tôn thông hiểu bậc nhất về pháp nghiệp báo mới có thể vì các vị mà giảng nói.

Thế rồi, chúng Tỳ-kheo đi đến chỗ Đức Thế Tôn.

Bấy giờ, vào buổi thuyết pháp ban ngày, Đức Thế Tôn giống như núi Tu-di, hào quang tỏa khắp như ánh sáng mặt trời, như trăng thanh mát trong đêm, như ao nước trong lành, sâu rộng như biển. Đức Thế Tôn an trú bất động giống như núi Tu-di, tâm không sợ sệt như sư tử chúa và làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh. Cũng như cha mẹ luôn có tâm từ và hết thảy chúng sinh là người thân yêu tối thượng, luôn có lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả để làm chỗ dựa, lấy ba mươi bảy pháp thù thắng vi diệu của phần Bồ-đề lớn lao để trang nghiêm thân, làm cho mắt của tất cả chúng sinh thanh tịnh, nhìn không nhàm chán. Vương tử Thích-ca Thắng Nhật Nguyệt Quang nói kệ:

Mắt Thế Tôn nhìn khắp
Mắt tịnh không ba cấu
Hay khéo nói Nhị đế
Biết rõ ba thứ khổ.
Như vậy, Phật Thế Tôn
Đã tu hai thứ tu
Hiện chứng được đạo quả
Trí Diệt đế đầy đủ.
Xa lìa khỏi ba cõi
Giảng nói vượt ba cõi
Biết rõ mười tám giới
Quán biết đế giải thoát.
Mười tám nhóm công đức
Tương ưng công đức mình
Tháo gỡ chín trói buộc
Đầy đủ mười thứ Lực.
Thành tựu bốn Vô úy
Và thành tựu đại Bi
Tâm đại Bi thấm nhuần
Thành tựu ba Niệm xứ.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo gặp Đức Thế Tôn rồi, trịch áo bày vai, chân phải quỳ sát đất như pháp, lạy Đức Thế Tôn rồi lui qua một bên và giữ oai nghi đứng cúi đầu cung kính. Chúng Tỳ-kheo cử ra một vị đến gần lạy Đức Thế Tôn, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vào sáng sớm nay con ôm bát, đắp y đi vào thành Vương xá khất thực (thưa hết mọi việc ở trên cho đến cùng ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca cật vấn và vấn đề ngoại đạo hỏi về thân, khẩu, ý nghiệp… như trước đã nói).

Đức Thế Tôn sau khi quán xét rồi bắt đầu nói pháp cho các Tỳkheo thôn Na-la-đà và các Bà-la-môn:

–Này các Tỳ-kheo! Những lời ta nói ra ban đầu, chặng giữa và rốt sau đều thiện, ý nghĩa và lời lẽ đều thiện. Chỉ có một pháp là đầy đủ thanh tịnh, tốt đẹp, phạm hạnh khai sáng. Đó là pháp môn Chánh pháp niệm xứ. Hãy khéo lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà giảng nói.

Các Tỳ-kheo thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con xin lắng nghe.

Ngay lúc đó, các Tỳ-kheo chí tâm lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho các vị Tỳ-kheo:

–Này các Tỳ-kheo! Thế nào là pháp môn Chánh pháp niệm xứ? Đó là pháp thấy là pháp, phi pháp thấy là phi pháp. Thường niệm pháp môn đó tâm không nghi ngờ, ưa thích nghe pháp, đêm ngày cúng dường, biết được thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, đối với sự sinh diệt của nghiệp quả không thấy một cách điên đảo, không thực hành pháp khác.

Này các Tỳ-kheo! Thân nghiệp có ba, đó là sát sinh, trộm cắp và tà dâm.

Thế nào là sát sinh? Đối với chúng sinh khác, khởi tưởng về chúng sinh nên có tâm sát hại, cắt đứt mạng sống của chúng. Tạo tác nghiệp sát sinh có ba: thượng, trung, hạ.

  1. Thượng là giết các bậc A-la-hán… (bị đọa vào địa ngục Atỳ).
  2. Trung là giết người phàm phu.
  3. Hạ là giết kẻ ác và súc sinh.

Lại có ba: Quá khứ, hiện tại và vị lai.

Lại có ba: Hành động tham, hành động sân và hành động si.

  1. Hành động tham như hạng săn bắn.
  2. Hành động sân như tánh thấp hèn.
  3. Hành động si như những trai giới của ngoại đạo.

Lại có ba: Mình làm, bảo người khác làm và thấy người khác làm sinh tâm vui mừng.

Tuy sát sinh nhưng có năm trường hợp không bị nghiệp tội sát sinh.

  1. Người đi đường vô tâm mà làm tổn thương, giết hại những mạng sống nhỏ bé, mọn mạy như trùng, kiến
  2. Nếu ném cây sắt, vô tâm sát hại mà làm đứt mạng sống loài vật.
  3. Thầy thuốc trị bệnh, vì lợi ích mà cho người bệnh uống thuốc. Nhân nơi thuốc đó làm người bệnh chết, nhưng thầy thuốc ấy không có tâm ác.
  4. Cha mẹ vì tâm từ dạy con mà đánh, nhân đánh mà người con chết.
  5. Khi đốt lửa những con trùng bò vào, vì trùng bò vào mà chết, nhưng người kia không có tâm giết trùng.

Năm trường hợp trên đây, tuy đoạn mạng sống của chúng sinh nhưng không mắc tội sát sinh.

Lại có ba loại sát sinh: Mình làm, bảo người khác làm và thấy người khác làm thì sinh tâm vui mừng.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tạo nghiệp trộm cắp trọn vẹn? Trộm cắp thế nào là chịu quả báo ít? Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Vật của người khác thuộc về của họ mà mình tự ý trộm lấy. Như vậy là tạo tác đầy đủ nghiệp trộm cắp. Nếu là ba điều: vì làm lợi ích cho các bậc tôn trưởng, cha mẹ và người bệnh, các bậc Duyên giác, La-hán, A-na-hàm, Tư-đà-hàm và Tu-đàhoàn; hoặc vì bệnh nặng; vì đói khát, người kia vì làm lợi ích mà trộm cắp. Trộm cắp như vậy thì chịu quả báo ít vì nghiệp trộm cắp chưa hội đủ.

Lại nữa, trộm cắp bị quả báo ít nghĩa là sau khi trộm cắp, luôn sám hối trong lòng. Sám hối rồi sau không dám tái phạm nữa, ngăn cản người khác trộm cắp, chỉ bảo họ giới không trộm cắp và nêu con đường thiện để họ trú trong pháp lành, xa lìa nghiệp trộm cắp. Như vậy là nghiệp trộm cắp không đầy đủ.

Thế nào là nghiệp đầy đủ? Nếu người trộm cắp, khi trộm cắp dối trá làm mê hoặc người khác. Ở chỗ vắng suy nghĩ tính toán làm những việc dối trá, đong cân đổi vật tạo những nghiệp ác. Những hành động như vậy là nghiệp đầy đủ.

Thế nào thì thành nghiệp? Vật thuộc của người khác, mình biết rồi mà vẫn trộm cắp. Như vậy là thành nghiệp.

Thế nào là nghiệp đầy đủ? Làm rồi tùy hỷ, lại ưa thích làm và làm nhiều, rồi đến chỗ người khác ca ngợi việc trộm cắp.

Lại nữa, bảo người giữ giới thiện khác trộm cắp, đó là nghiệp đầy đủ.

Ba nghiệp như vậy đầy đủ thì quả báo không mất, còn những nghiệp trộm cắp khác thì mắc quả báo ít, chứ không nhất thiết phải chịu.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tà dâm? Kẻ tà dâm ở đây, nếu với vợ mình hành trái đạo, đối với vợ người hành đúng đạo hoặc trái đạo. Nếu người khác làm mà sinh tâm tùy hỷ, hoặc cố bày phương tiện, khuyên bảo người khác làm. Đó là tà dâm.

Tà dâm thế nào mắc quả báo ít? Tà dâm xong luôn sám hối trong lòng, không tùy hỷ, ngăn cản người khác tà dâm, chỉ họ con đường thiện. Đó là nghiệp tà dâm không đầy đủ. Nếu lìa bỏ ý tà dâm, giữ giới tu hành. Tà dâm như vậy là mắc quả báo ít, không nhất định phải chịu.

Như vậy, ba thứ nghiệp bất thiện của thân, mắc quả báo ít, quả báo nhẹ là những điều mà ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca không thể hiểu biết được, vì không phải cảnh giới của họ. Ngay cả các hàng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn trong thế gian không ai có thể hiểu biết được. Trừ những vị Thanh văn theo ta nghe pháp, nên biết quả báo của nghiệp chứ không ai dạy cả.

Lại nữa, người tu hành biết quả báo của nghiệp.

Thế nào là khẩu nghiệp, hạnh ác bất thiện?

Khẩu nghiệp có bốn: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ.

Thế nào là vọng ngữ? Nghĩa là mình suy nghĩ, rồi đến chỗ người khác nói lời không chân thật. Hoặc thề rủa, ở trước nhà vua nói dối, khiến người khác đau khổ, bị đánh đập, bị trói, hoặc bị thâu hết tài sản. Người kia đã tạo tác đầy đủ nghiệp vọng ngữ. Ai tạo tác đủ nghiệp vọng ngữ sẽ bị đọa vào địa ngục.

Thế nào là lưỡng thiệt? Đối với những người đang hòa thuận, cùng nhau làm việc mà người kia đến nói lời phá hoại. Nói như vậy là tạo tác nghiệp lưỡng thiệt.

Thế nào là lưỡng thiệt mắc quả báo ít? Sau khi nói lời phá hoại rồi, luôn ăn năn trong lòng: Vì ta ngu si nên nói như vậy. Người ấy luôn sám hối nơi tâm, lại ngăn cản người khác nói lời phá hoại, chỉ rõ cho họ con đường thiện. Vì không đầy đủ nên nghiệp này không nặng.

Thế nào là nghiệp này không đầy đủ? Nếu lời nói phá hoại ấy vì phiền não, vì say rượu, đem tâm phân biệt sai đến người kia nói khác. Cho nên nghiệp này không đầy đủ.

Thế nào là nghiệp đạo tương ưng thành lời nói phá hoại? Vì tâm ác mà phá hoại người khác, rồi tùy hỷ khen ngợi. Như vậy là nghiệp đạo tương ưng thành lời nói phá hoại.

Thế nào là nghiệp này quyết định tạo thành lời nói phá hoại? Nghĩa là làm rồi tùy hỷ, lại bảo người khác làm, tùy hỷ khen ngợi, hỷ lạc tham đắm không rời khỏi tâm. Người kia thường ôm lòng ác nên bị mọi người xa lánh không lui tới. Khi bị mọi người chê bai thì không có tâm xấu hổ nhục nhã, không tự biết mình. Đó là nghiệp của lời nói phá hoại.

Lại nữa, người tu hành quan sát tập khởi của nghiệp.

Thế nào là hành nghiệp ác khẩu? Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn:. Ác khẩu khiến người kia khổ não, không vui tai, không chịu người khác chê bai nhưng bắt họ phải tin mình. Nếu ai trọng mình thì đùa giỡn, còn khinh thì nổi giận. Người ấy sẽ mắc vô lượng quả báo, vô lượng thứ quả báo. Ai ác khẩu nặng sẽ bị đọa vào địa ngục, còn ác khẩu nhẹ thì không nhất thiết phải chịu quả báo. Đây là khẩu nghiệp thứ ba, nghĩa tương ưng đầy đủ với khẩu nghiệp đã nói ở trên.

Lại nữa, người tu hành biết rõ pháp nghiệp báo. Thế nào là khẩu nghiệp thứ tư? Nghĩa là lời nói thêu dệt vô nghĩa, trước sau trái ngược nhau, nói không ăn khớp. Không quyết định hoặc quyết định mắc quả báo cũng như những nghiệp trước. Đây gọi là khẩu nghiệp thứ tư.

Lại nữa, người tu hành quan sát pháp nghiệp báo.

Thế nào là ý nghiệp? Và có mấy loại? Người kia nghe, thấy, biết ý nghiệp có ba: Tham, sân và tà kiến.

Thế nào là tham? Như thấy người khác giàu có, nhiều của cải mà người kia sinh tâm mong muốn để được tài vật đó. Đó là nghiệp tham của ý.

Lại nữa, ý nghiệp nếu thấy người khác giàu có, của cải nhiều, mình sinh tâm ganh ghét. Đó là nghiệp ganh ghét của ý. Nếu sinh tà kiến, sinh kiến chấp điên đảo. Đó là nghiệp tà kiến. Tà kiến có hai loại: Thất (lỗi lầm) và bất tín.

Thế nào là bất tín? Là nghĩ rằng: Không bố thí, không cúng tế, không trai hội, không có nghiệp thiện và nghiệp bất thiện, không có quả báo của nghiệp. Nói về bất tín thì nhiều vô lượng.

Thế nào là Thất (lỗi lầm)? Người kia cho tất cả khổ vui đều do trời tạo, chứ không có quả báo của nghiệp. Hai loại này gọi là tà kiến.

Lại nữa, người tu hành quan sát pháp nghiệp báo. Thế nào là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp? Mười thứ như thế ai ưa thích làm và làm nhiều thì người đó chắc chắn nhận lấy quả báo.

Nghĩa này như thế nào? Thế nào là phải chịu quả báo của nghiệp trong hiện tại? Thế nào là mắc nghiệp quả ở đời sau vì bị nghiệp quả nơi đời khác? Đời sau sinh ở đâu? Và sống ở chỗ nào?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Về thân nghiệp, ai ưa thích làm và tạo nhiều sát sinh thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh làm người thì bị chết yểu. Vì tâm tham lam mà kẻ săn bắn kia sát sinh, về sau những người đó phải chịu làm thân heo, nai, gà, vịt, ca-tân-xà-la, bị đám săn bắn bao vây, giết hại. Cho đến làm thân cá thì bị chết nơi lưỡi câu. Đời trước người kia đã tạo nghiệp gì thì nhân duyên tương tự như vậy, luôn ở trong sinh tử. Nếu được làm người thì bị chết yểu. Giả sử được sinh vào cõi trời thì không được ở chỗ tốt đẹp mà phải ở nơi có nhiều sợ hãi không bao lâu sẽ bị người giết hại.

Quả báo của sát sinh có thượng, trung, hạ. Kệ rằng:

Có kẻ chết trong thai
Hoặc chết mới lọt lòng
Hoặc chết khi biết đi
Hoặc chết khi biết chạy.

Người sát sinh kia tạo thành nghiệp ấy và do sức mạnh của quả báo nên nói người kia bị đọa vào địa ngục, hoặc phải chịu quả báo trong đời hiện tại, hoặc đời khác.

Lại nữa, người tu hành quan sát quả báo của nghiệp. Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều việc trộm cắp? Quả báo trộm cắp có ba: đọa trong địa ngục, chịu quả báo trong hiện tại, hoặc chịu quả báo tàn dư. Ai ưa thích làm và tạo nhiều nghiệp trộm cắp thì người đó bị đọa trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì thường nghèo túng. Nếu có của cải thì sợ vua, nước, lửa, giặc cướp cướp mất tất cả, chưa từng được chút an vui. Nghiệp trộm cắp kia có ba thứ quả báo như vậy.

Lại nữa, người tu hành quan sát quả báo của nghiệp. Thế nào là ưa thích hành và hành nhiều tà dâm, chịu ba thứ quả báo?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nếu người nào ưa thích hành và hành nhiều nghiệp tà dâm thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được sinh làm người thì chịu quả báo tàn dư: vợ không thuận hợp, hoặc bị hai căn và thế gian chê ghét. Đây là ba loại quả báo của ba thứ thân nghiệp mà ngoại đạo Già-la-ca-ba-ly-bà-xà-ca không thể hiểu rõ được. Nói về thân nghiệp thì nhiều vô lượng, không thể hiểu hết. Vì sao? Vì người kia bị pháp si huân tập sâu vào trong tâm mình, chỉ có ta mới hiểu rõ. Thật ra, ta không thấy người nào hiểu thấu triệt, lại không có ai thấy rõ về pháp nghiệp báo như thế. Như ta thấy, pháp mà đệ tử của ta tu hành là do theo ta mà nghe, cho nên có thể hiểu rõ.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là khẩu nghiệp? Và có mấy loại? Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn. Khẩu nghiệp có bốn: vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ. Nếu người kia ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp vọng ngữ thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được sinh làm người thì tất cả chúng sinh không ai tin vào lời nói của mình. Các hội chúng thiện, chúng thiện trưởng giả, chúng Sát-lợi và vợ con không ai tin vào lời nói của là người ấy, miệng luôn lở lói, hôi thối, răng không đều, da mặt xấu xí, bị mọi người nói dối, chê bai và thường sinh lòng lo sợ. Tình thân hữu anh em, Thiện tri thức không được vững bền. Làm ra những gì đều không đạt được kết quả và không tạo lợi ích cho ai cả. Như vậy, vọng ngữ không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý. Đó là gây tạo quả của nghiệp bất thiện.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tạo thành nghiệp quả do ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp lưỡng thiệt?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ai ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp lưỡng thiệt thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì bị câm, điếc, miệng thường lở lói, hôi thối, không ai tin tưởng và bị mọi người chê cười, không có sắc đẹp, không ở một chỗ, tâm động không định, thường làm việc ác. Đó là quả báo của nghiệp lưỡng thiệt.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tạo thành nghiệp quả do ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ác khẩu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ai ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ác khẩu thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì ở chỗ nào cũng lo sợ, bị mọi người làm cho đau khổ không ai an ủi. Đối với vợ con thì không một lời ái ngữ, giống như nai hoang sợ tất cả mọi người. Xa lánh bạn lành, gần gũi bạn ác. Đó là ba thứ quả báo của ác khẩu.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ỷ ngữ?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nếu ai ưa thích tạo và tạo nhiều nghiệp ỷ ngữ thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì không ai yêu mến, làm oan gia của vua, anh em thân thiết khinh khi coi thường. Đó là quả báo của nghiệp ỷ ngữ.

Lại nữa người tu hành, trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là ba loại bất thiện của ý nghiệp do ưa thích tạo và tạo nhiều ý nghiệp bất thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nếu người kia ưa thích tạo và tạo nhiều tâm tham thuộc ý nghiệp bất thiện thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người tuy có của cải nhưng bị vua, giặc, lửa, nước cướp mất tất cả một cách vô lý, luôn chịu cảnh nghèo túng.

Lại nữa người tu hành, trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là ưa thích tạo và tạo nhiều tâm sân của ý nghiệp bất thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nếu ai ưa thích tạo và tạo nhiều tâm sân của ý nghiệp bất thiện thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu được làm người thì làm dân mọi rợ sống nơi biên địa, hẻo lánh, chỗ nhiều sợ hãi, chỗ có nhiều đao kiếm, ma quỷ, rơi vào sườn núi nguy hiểm, tâm người đó không bao giờ được an ổn thường bị chê bai và chịu những thứ xấu ác như vậy.

Lại nữa người tu hành, trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là ưa thích tạo và tạo nhiều tà kiến của ý nghiệp bất thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ai ưa thích tạo và tạo nhiều tà kiến của ý nghiệp thì bị đọa vào địa ngục A-tỳ chịu tất cả khổ sở. Nếu bị đọa vào loài súc sinh thì xoay chuyển mãi trong trăm ngàn vạn ức vô lượng đời. Cảnh giới ngạ quỷ cũng như vậy. Nếu được làm người như pháp đã nói thì cứ theo chủng tánh của mình hành theo đạo nghiệp thiện, không làm đúng pháp. So với chủng tánh của tổ tiên từ trước đến nay rất là thấp kém.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp, đối với các pháp khác quán xét rất kỹ càng.

Thế nào là do mười pháp bất thiện như thế lưu chuyển theo sinh tử nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh trong thế gian?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn:

Thế nào là sát sinh? Thế nào là ưa thích làm? Và thế nào là làm nhiều? Nói về sát sinh, người sát sinh gần gũi với bạn ác. Nếu ai ở gần, sống với bạn ác, theo họ, tùy hỷ với họ, cùng đùa giỡn, đi chung, ở chung, sinh tín tâm đối với họ, cho là có công đức. Nếu ai làm theo người ác kia và cũng đi chung với họ, như vậy người kia gần với bạn ác. Người sát sinh ấy lại gần gũi với người sát sinh rồi dùng mọi phương cách lý do sát sinh chỉ bảo khiến cho sát sinh, hoặc người giữ giới ngoại đạo, hoặc kẻ đồ tể săn bắn, hoặc tham mùi vị mà nói việc sát sinh, như kẻ oan gia nói việc sát sinh, như giặc cướp tham lam của cải nói việc sát sinh, hoặc chiến đấu nói việc sát sinh, hoặc tham danh lợi nói cái lợi của việc sát sinh. Người kia nghe rồi sinh tâm tín, đồng ý làm và sát sinh một cách thích thú. Ai vui thích như vậy, đã sát sinh rồi bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, ở chỗ không ưa thích, chỗ không an vui, nơi luôn bị mọi người thiện chửi mắng. Do nhân duyên này, nếu được làm người thì bị chết yểu. Đó là do hạt giống sát sinh gần gũi bạn ác.

Thế nào là ưa thích làm? Người bất thiện kia, sau khi sát sinh thì sung sướng vui mừng, tâm ý phân biệt thấy công đức của việc sát sinh. Phân biệt như thế có nhiều loại: Khi cắt đứt mạng sống của vật khác rồi, không sinh lòng đau khổ ăn năn, còn khen ngợi cho đó là thiện. Tâm không buông bỏ mà còn xoay lại làm tiếp. Dạy bảo người khác làm, bảo họ làm rồi khen tất cả công đức của việc sát sinh ấy, với mỗi lý do khác nhau đã nói ở trên. Đó là ưa thích tạo nghiệp sát sinh.

Thế nào là làm nhiều? Sát sinh rồi làm những việc như trên đã nói, gần gũi với bạn ác tập làm nghề sát sinh, làm nhiều dụng cụ để sát sinh, đào những hầm hố nguy hiểm, làm hàng rào tên độc, nuôi chó, nuôi chim để giết. Gần gũi người đồ tể, làm những khí cụ chiến đấu như giáp sắt, đao, gậy, mâu, giáo, cung tên, xe chiến đấu. Những khí cụ đó là các dụng cụ sát sinh. Như vậy tất cả đều có đủ hết. Đó là người ác tạo nhiều nghiệp sát sinh. Vì lý do đó người kia bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu khổ báo rất khổ não. Nghiệp sát sinh có thượng, trung, hạ, khi mắc quả báo cũng có thượng, trung, hạ. Đã tạo nghiệp thì phải chịu quả báo. Tự mình tạo nghiệp ác thì chính mình chịu ác báo. Người có trí tuệ bỏ ác làm lành. Ở trong thế gian, người kia đã sát sinh, ưa thích làm và làm nhiều nghiệp sát sinh.

Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều trộm cắp? Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều? Ai trộm cắp rồi thì bị đọa vào địa ngục. Người theo giới ác này tánh tự ăn trộm, gần gũi với bạn ác và theo họ để đi trộm cắp. Trộm cắp có thượng, trung, hạ.

Thế nào là hạ? Là do pháp vua như đã nói ở trước.

Thế nào là trung? Chẳng phải phước điền mà trộm cắp tài vật kia.

Thế nào là thượng? Là vật của Phật, Pháp, Tăng mà trộm cắp một ít.

Đối với vật của Phật, Pháp, Tăng, nếu trộm vật của Tăng thì Phật Pháp có thể thanh tịnh. Nếu trộm cắp vật của Phật Pháp thì Tăng không thanh tịnh. Nếu trộm đồ dùng và thức ăn của chúng Tăng hiện tiền thì bị đọa vào địa ngục lớn, đầu mặt ở phía dưới. Nếu lấy vật thuộc chúng Tăng thường ăn thì bị đọa vào địa ngục vô gián A-tỳ, ở tầng tối tăm rộng lớn. Do ruộng phước dày, trộm cắp chút ít, nhưng có tâm ưa thích làm và làm nhiều, người trộm cắp chút ít kia cũng bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sau biết sám hối, không sinh tùy hỷ, luôn ăn năn trong lòng thì người ấy không nhất định phải chịu quả báo. Nếu người trộm cắp dùng mọi cách để trộm cắp, vì lý do như vậy gọi là trộm cắp.

Thế nào là ưa thích trộm cắp vật của người khác? Nghĩa là trộm cắp xong rồi vui mừng, đi theo bọn cướp trong lòng lấy làm vui thích. Sau khi được thì sắm quần áo thức ăn. Sắm xong trong lòng vui mừng, còn khen ngợi công đức của việc trộm cắp. Lại bảo người khác trộm cắp rồi khen ngợi họ. Như vậy gọi là ưa thích trộm cắp.

Thế nào là tạo nhiều nghiệp trộm cắp? Nghĩa là trộm cắp xong, sắm nhiều giường chiếu, ngọa cụ, mền mùng, thức ăn uống, bánh, thịt, áo quần đẹp đẽ, cùng với dâm nữ vui chơi đánh bạc, đánh cờ tướng. Trong lòng vui sướng, nói: “Ta nay rất vui sướng. Trong tất cả thứ vui, trộm cắp là hơn hết. Nhờ trộm cắp mà ta có đầy đủ giường chiếu, ngọa cụ, mềm mùng, thức ăn uống, có y phục để làm đẹp cho thân, có dâm nữ để vui chơi, đánh bạc, đánh cờ. Đó là thú vui hơn hết. Nay ta nên thường xuyên trộm cắp để sau này làm tăng sự giàu sang vui sướng cho ta”. Như trước đã nói như vậy, tạo nhiều nghiệp trộm cắp chắc chắn bị đọa trong địa ngục.

Thế nào là ưa thích làm và làm nhiều tà dâm? Kẻ tà dâm kia tâm không quan sát, bị dâm dục che lấp. Nếu ai ở đời trước từ chỗ dâm dục mà đến, đó là uyên ương, ca-tân-xa-ca, khổng tước, anh vũ, cá, chim trĩ, chim yến, A-tu-la. Vì từ chỗ dâm dục mà đến nên sinh vào trong cõi này, thường hay theo kẻ đa dục và bạn xấu ác. Hai loại người này ưa thích dâm dục, tâm không quán xét, không nhàm chán, không lìa dục và không quan sát việc làm. Chỗ nào có dục thì tìm đến. Vì từ chỗ dâm dục đến nên sinh vào chỗ dục này, vui thích hành dâm dục, nên không quan sát được và bị dâm dục che lấp. Như vậy, người tà dâm bất thiện, do sức mạnh của xúc nhiễm nên đối với tất cả đều hỷ lạc. Như vậy là còn hơn tà dâm vì tâm ưa thích làm. Ưa thích làm là cảm xúc ác của tà dâm.

Thế nào là ưa thích tà dâm? Tuy không thường làm nhưng luôn vui thích, người ấy có tâm phân biệt, đối với chỗ khác không hỷ lạc như đối với việc dâm dục. Như vậy gọi là cảnh giới ưa thích tà dâm.

Thế nào là làm nhiều? Kẻ phàm phu ngu si tâm không quan sát nên bị tà dâm che lấp. Người kia lại nói công dụng dâm dục là thú vui bậc nhất, nói rằng dâm dục chẳng phải bất thiện, lại dạy bảo nhiều người nên ưa thích dâm dục. Do đó mà kẻ phàm phu ngu si ưa thích làm nhiều tà dâm, đó là ba thứ nghiệp bất thiện của thân.

Khẩu nghiệp có bốn: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ.

Thế nào là vọng ngữ? Nghĩa là trước tự có tâm dối trá, sau đó lừa gạt người khác, như vậy thành ra lừa dối mình và người.

Lại có năm trường hợp làm phát sinh vọng ngữ, chúng thuộc

vào tham, sân, tà pháp, bị tâm dục làm cho sợ hãi.

Thế nào là vọng ngữ do tâm sân? Nếu trước mặt vua, hoặc trong đại chúng, trong chúng trưởng giả, nếu Thiện tri thức, oan gia, khi tranh chấp, làm lợi ích cho Thiện tri thức, gây đau khổ cho oan gia. Cho nên nói dối.

Thế nào là vọng ngữ do tâm tham? Nghĩa là thấy tài sản của người khác, mình dùng mọi cách để lấy vật đó. Cho nên nói dối.

Thế nào là vọng ngữ thuộc vào tà pháp? Như trong pháp Bà-lamôn nói: “Vì tạo lợi ích cho các bậc tôn trưởng, vì tạo lợi ích cho trâu bò, sợ mình chết, vì cưới vợ thì vọng ngữ không mắc tội”. Lời nói của người đó thuộc tà pháp. Vọng ngữ như vậy là lời thuộc tà kiến của người ngu si. Lời nói này chắc chắn bị đọa trong địa ngục, cho nên sẽ đưa đến nhân duyên mất mạng, thế nên không được vọng ngữ. Vọng ngữ này là chủng tử bậc nhất của địa ngục. Nói vì cưới vợ mà vọng ngữ thì không có tội, đó là do tâm dục khởi lên nên cũng thuộc tà pháp.

Thế nào là vọng ngữ do sợ hãi? Nghĩa là chỗ nào có sợ hãi, vì người ở nơi đó mà tạo lợi ích, cho nên vọng ngữ. Nếu có tâm như vậy mà không vọng ngữ lại nói: Người kia không có tạo nhiều lợi ích cho ta, để người kia sợ đến chết. Cho nên vọng ngữ.

Năm trường hợp người ngu si vọng ngữ thì tất cả đều ở trong pháp si.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Nếu có những kẻ nào
Khởi một pháp vọng ngữ
Thì không sợ đời sau
Không ác nào không làm.
Nếu sinh nơi thế gian
Trong miệng có búa lớn
Để chặt mình và người
Vì nói ra lời ác.
Như vậy nên nói thật
Không nên chém người khác
Dù nghèo, có người xin
Nên cho nhiều hay ít
Ai làm ba việc này
Xả thân được sinh Thiên.

Như vậy tất cả nhân duyên, tất cả việc làm chớ có vọng ngữ. Người khác có vọng ngữ, tâm mình chớ tùy hỷ, cũng không đi theo người đó và cũng không ngồi chung với họ. Nếu ai cùng đi, ngồi chung với người vọng ngữ mà người khác thấy được tất cũng cho mình là người vọng ngữ. Như vậy nếu ai theo người có nghiệp cấu uế thì cũng sẽ ưa thích nghiệp cấu uế. Nếu mình cùng đi chung, ngồi chung với người nghiệp cấu uế đó thì dù không có nghiệp cấu uế nhưng người khác cũng cho mình là nghiệp cấu uế. Như vậy nên quan sát, không theo kẻ ác. Kẻ ác này bị trói chặt trong sinh tử, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là do làm việc với người ác. Nếu ai theo Thiện tri thức thì sẽ được giải thoát. Nói về vọng ngữ thì nhiều vô lượng, ở đây chỉ nói sơ lược mà thôi.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là lưỡng thiệt? Và có mấy loại? Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn:

Lưỡng thiệt nghĩa là những người đang sống hòa thuận mà mình có ý phá hoại, rồi nói ra bằng lời. Lưỡng thiệt có hai: Tự mình nói và bảo người khác nói. Bảo người khác nói để người kia gây oán thù nhau. Giống như kẻ oan gia sai đi phá hoại: “Ngươi hãy đến phá hoại người kia”. Đó là nhân duyên khác. Có lúc người khác không sai mà tự mình phá hoại, khiến cho người kia buồn khổ.

Thế nào là lưỡng thiệt do sân? Nghĩa là mình không yêu thích người kia nên dùng lời ác nói với người, làm cho người nghe không vui.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là ác khẩu? Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người ác khẩu do tham, sân, si mà phát sinh ra. Tất cả kẻ phàm phu ngu si luôn làm những việc đó không lìa bỏ. Như vậy ác khẩu có vô lượng thứ, vin theo vô lượng duyên, vô lượng nhân duyên, vô lượng tâm ý phát khởi, có vô lượng quả báo. Lời nói ác khẩu này có thể phá hoại vô lượng việc làm thiện. Lời nói ấy giống như những người xấu, oan gia trong thế gian. Người tốt không gần gũi, mọi người không ai tin tưởng. Lời nói này như đồ độc. Như vậy ác khẩu là cái nhân của đường ác. Lời nói dơ bẩn ấy, người tu hành phạm hạnh nên xa lìa, không làm. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói kệ:

Người trí không ác khẩu
Chánh ngữ, sống an vui
Ai nói lời tốt đẹp
Thì trụ gần Niết-bàn.
Thường nói lời tốt đẹp
Xa lìa lời ác, uế
Đem lời ác nhục người
Sẽ dẫn đến địa ngục.
Lời ác mạ nhục người
Thì người đó không tốt
Ác như rắn, sư tử
Sẽ không được sinh Thiên.
Những người nói hòa nhã
Khéo an ủi người khác
Được người đời mến yêu
Và đời sau sinh Thiên.
Ai không nói lời ác
Dứt bỏ sự dua nịnh
Làm người nhưng giống trời
Người đó đáng lễ lạy.
Nói thật thường phải nhẫn
Ngay thẳng không dua nịnh
Không làm khổ cho ai
Người kia dựng cờ pháp.
Mạng người không lâu dài
Nhanh như tiếng vỗ tay
Người sống không đúng pháp
Ngu si luống một đời.
Ai không yêu chính mình
Ai không thích sướng vui
Nếu người gây nghiệp ác
Không tạo nhân thương mình.
Vợ con và tài sản
Bạn tốt hoặc anh em
Đều tách rời ta cả
Chỉ có nghiệp thiện ác.
Nghiệp thiện, nghiệp bất thiện
Thường đi theo bên ta
Như chim bay trên không
Bóng theo không tách rời.
Như người thiếu lương thực
Đi đường sẽ bị khổ
Ai không tạo nghiệp thiện
Chúng sinh kia cũng vậy.
Ai đầy đủ hành trang
Đi đường được an vui
Chúng sinh cũng như vậy
Làm phước đến chỗ lành.
Người đi xa rất lâu
Bình an được trở về
Các thân hữu tri thức
Gặp được rất vui mừng.
Người tạo phước cũng vậy
Chết đây sinh chốn kia
Tạo được nhiều phước đức
Người thân gặp vui mừng.
Như vậy tạo phước đức
Làm hành trang vị lai
Có phước đức về sau
Tất được ở chỗ lành.
Có phước đức trời khen
Ai làm việc bình đẳng
Thân này không khuyết tật
Vị lai được sinh Thiên.
Quán sự việc ấy rồi
Người có trí học giới
Đạt Thánh kiến đầy đủ
Hạnh thiện được vắng lặng.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp, quan sát đạo nghiệp bất thiện thứ tư là ỷ ngữ của khẩu nghiệp.

Thế nào là ỷ ngữ? Và có mấy loại? Ỷ ngữ nghĩa là lời nói trước sau không hợp nhau. Tâm xoay chuyển mau lẹ làm cho lời trước sau hợp nhau cũng gọi là ỷ ngữ. Ỷ ngữ là do tâm ngã mạn mà ra, do nhân duyên coi thường nên khiến mọi người không tin, thân trong hiện tại mà như sống trong đường ác, làm nhân cho tất cả mọi người trong thế gian khinh chê, không được lợi ích. Đó là lời nói ỷ ngữ cấu uế. Như vậy ỷ ngữ chẳng phải là nghiệp đạo thiện, chớ có ỷ ngữ, cũng đừng tùy hỷ với ỷ ngữ. Nếu ai ỷ ngữ thì chẳng phải là người tốt.

Tham, sân và tà kiến là đạo bất thiện của ý.

Thế nào là tham? Là vật thuộc người khác, mà đem tâm phân biệt muốn lấy, không quan sát chân chánh. Như vậy người kia ưa thích vật của người khác. Đối với vật sở hữu của người khác, không có lý do, không có phần mà mình tự làm quấy nhiễu, trông mong để lấy được vật của họ. Do đó gọi là ý tham. Nghiệp đạo bất thiện không đáng ưa thích, không an vui. Mắc quả báo đó không hợp với ý, ý không tịch tĩnh, chẳng an vui. Người ngu si do hư vọng mà sinh lòng tham lam. Vật của người khác lấy không được mà hư vọng phân biệt, sinh lòng tham đắm, tâm ý chuyển động thường sinh lòng mong muốn để đoạt lấy. Thấy tài vật của người khác thì mình cảm thấy buồn khổ. Cho nên gọi là tham. Đây là tâm tham thứ nhất nơi nghiệp đạo bất thiện thứ nhất của ý.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tâm sân, nghiệp đạo bất thiện thứ hai?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nếu không có nguyên do gì mà ở trước người khác khởi ý ác, sân giận. Lại nữa, đối với người nghèo hoặc giàu, không có lý do gì mà thấy họ rồi ý sinh tâm giận ghét. Do nhân duyên sân giận mà bị đọa vào địa ngục. Lúa pháp thiện đã được chín vàng, tâm sân như trận mưa đá phá hoại những hạt lúa thiện vừa chín kia. Chỉ có mắt chánh trí mới đối trị sự mờ ám tối tăm ấy. Tâm sân giống như lửa, thiêu đốt tất cả giới. Khi nổi sân thì sắc mặt biến đổi, đó là nhân của sắc ác. Sân như cái búa có thể chặt đứt cầu chánh pháp. Sân ở trong tâm ta như giặc oán vào nhà. Nếu đời này và cả đời sau chuyên tâm chánh hạnh thì có thể phá trừ được sân. Muốn xả bỏ tâm sân phải lấy Từ bi và bốn Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo để đối trị. Đường vào địa ngục thì sân là kẻ dẫn đầu. Chỉ có người thiện, bậc Thánh Thanh văn, người nghe nghĩa kinh pháp mới có thể xa lìa tâm sân.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là tà kiến làm chướng ngại chánh pháp? Tất cả ác kiến làm cho tâm đen tối. Người kia thấy do nghe biết, hoặc dùng Thiên nhãn để xem xét. Do từ vô thỉ đến nay tạo nhân tà kiến, cho nên bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nên gọi là hắc ám. Ai ham thích tà kiến là người đó làm chướng ngại chánh pháp. Giống như chỗ ác, chỗ có đao, lửa, rắn độc, núi cao hiểm trở, chỉ có người ngu si tham đắm mới đi về chỗ đó. Do điên đảo kiến nên gọi là tà kiến.

Tà kiến có hai:

  1. Tin nhân tà.
  2. Không tin quả báo của nghiệp.

Tin nhân tà là cho rằng vui, khổ của thân, khẩu, ý đều do trời tạo, chẳng phải là quả báo của nghiệp.

Không tin quả báo của nghiệp là người không tin bố thí… gọi là tà kiến.

Như vậy mười thứ nghiệp bất thiện, không tạo lợi ích, tất cả đều do tà kiến làm gốc.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp. Như vậy thế nào là dùng mười đạo nghiệp thiện để tu hành đối trị nghiệp lậu và vô lậu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Do nhân duyên này mà bị buộc trong thế gian, các pháp lành đều bị tiêu diệt hết là nhân của sự trói buộc, là đạo nghiệp bất thiện. Thiện là nhân giác ngộ, là nhân giải thoát. Nói đến thiện là nói đến không sát sinh, bảo vệ tất cả chúng sinh trong thế gian, bố thí sự không sợ sệt. Ở trong đời hiện tại, những người đó được mọi người khen ngợi, sắc mặt, các căn đoan nghiêm đẹp đẽ và sống lâu. Nếu ai không sát sinh thì được quỷ La-sát, Cưu-bàn-trà… tất cả quỷ ác hay giết người, những người ác khác hay giết hại người ủng hộ người kia trong đêm tối và chư Thiên thường theo dõi để hộ trì. Sau khi qua đời, người đó được sinh vào đường lành nơi hàng trời, người, thọ quả báo tốt đẹp. Nếu siêng năng cố gắng phát nguyện cầu ba loại Bồ-đề thượng, trung, hạ thì người ấy được như sở nguyện. Người kia nguyện muốn được Thanh văn Bồ-đề thì chứng A-la-hán nhập Niết-bàn. Nếu muốn được Duyên giác Bồ-đề thì người ấy chứng Bích-chi-phật. Như vậy nếu nguyện Vô thượng Bồ-đề thì chứng đắc đạo quả Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Trong tất cả các pháp mạng sống là căn bản. Mọi người ai cũng giữ mạng sống của mình. Người không sát sinh thì cho họ mạng sống. Nếu cho mạng sống là bố thí tất cả sự an vui. Đệ nhất bố thí là bố thí mạng sống. Nên suy nghĩ như vậy mà tạo nhân về cõi trời. Giới tối thắng là bố thí thân mạng. Nếu muốn sự an vui thù thắng nơi cảnh giới ái nhiễm thì lấy bất sát làm nhân. Như thế người kia được sinh vào hàng vua, ma, Phạm, Đế Thích. Nếu người đó muốn sinh vào chỗ thù thắng trong cõi người thì được làm Chuyển luân vương có đầy đủ bảy báu và thống lãnh bốn cõi thiên hạ. Nếu muốn làm thân A-tu-la cao lớn, khi xả thân được làm A-tu-la vương. Nếu muốn làm thân Dạ-xoa cao lớn thì được làm Dạ-xoa vương. Như vậy, không sát sinh là chủng tử của chánh pháp trong đại nghiệp. Đi trong sinh tử chỉ có không sát sinh là được trở về, được cứu khỏi. Vào nơi nhà tối tăm, lấy bất sát làm đèn. Ai không sát sinh gọi là Từ bi. Chánh niệm tư duy về điều tốt lành của không sát sinh thì luôn sinh tâm vui vẻ. Nếu ngăn cản người khác sát sinh mà không thể ngăn cản được thì nên hành xả. Người kia làm như vậy là hành bốn Phạm hạnh, đem nó huân tập vào trong thân tâm. Căn lành của không sát sinh là không thể nghĩ bàn rất là chân thật. Bất cứ người nào có những lời phát nguyện như vậy đều được như sở nguyện. Giống như người thợ vàng thiện xảo luyện vàng thật tốt trong thế gian, ông ta có thể dùng vàng ấy làm ra bất cứ những món trang sức nào cũng được. Nếu muốn làm những cái bình, tạo tượng người, tượng Phật, làm ra vật thế này, thế nọ. Người không sát sinh kia cũng đều được tất cả như mong muốn, không thiếu sót, không thất thoát, không trống rỗng. Bất cứ người nào không sát sinh thì được gần Niết-bàn. Người kia thường sống chung với bạn lành thì người ấy là chúng sinh ưu tú, ai khéo bảo hộ phước đức của mình và người khác thì người ấy là ruộng phước trong thế gian, không bao giờ đi vào đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Người hành thiện này thành tựu được pháp thiện, được tất cả những gì có được đều rất lâu bền không có những mối lo sợ về vua, giặc cướp, nước lửa, người ấy tự ý thọ dụng, là hàng tôn quý trong cõi người, kẻ khác không thể vượt qua được, do pháp đầy đủ, do đó người trí không nên sát sinh.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là không trộm cắp thì đạt được pháp thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người không trộm cắp được thoát ra khỏi lưới tham lớn. Ngay trong hiện tại người ấy được những người tốt tin tưởng. Nếu làm vua hay các vương hầu thì được dân chúng tin tưởng. Tất cả các vua, các trưởng giả, chúng Sát-đế-lợi, chúng Sa-môn, Bà-la-môn đều tin tưởng, thương xót yêu mến, tin nhận lời nói và những của cải sở hữu của người ấy đều được lâu bền không bị mất mát, không hư hoại, không ai có thể cướp đoạt được. Xa lìa các nỗi lo sợ về vua, giặc cướp, nước, lửa. Hơn nữa người kia không cần dùng phương tiện nhưng lại được của cải rất dễ. Được của cải rồi người ấy đúng như pháp mà tiêu dùng, đem cúng dường vào ruộng phước của người trì giới, người hành đạo. Trong thế gian nơi nào thiếu thốn thì đem đến cho. Sau khi qua đời, người ấy sinh vào thế giới của hàng trời thuộc đường lành. Nếu muốn xuất thế, làm Phạm vương, Đế Thích, vua chuyển luân thống lãnh bốn cõi thiên hạ, đầy đủ bảy báu, thì theo lời nguyện đều đạt được. Nếu ai ham thích trì giới thì sẽ chứng đắc đạo quả Bồ-đề, như trên đã nói.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa tâm tà dâm, chứng được đạo quả?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người kia xa lìa tà dâm làm theo đường nghiệp thiện, người ấy được người tốt ca ngợi cùng được mọi người tin tưởng. Không phải thuộc vợ, con gái của mình thì người ấy không sinh tâm lo nghĩ, được vua, các vương hầu đều tin tưởng, không ai có thể xâm đoạt vợ mình, tùy thuận cúng dường không trái ý. Giả sử có bị suy tổn nhưng vợ không trách mắng, tâm không ganh ghét, không có tâm ngoại tình, mọi người thấy người vợ kia như mẹ, chị, em, không bị người đời mắng chửi. Người không tà dâm luôn được người vợ như vậy. Sau khi qua đời, người ấy được sinh vào đường lành nơi cõi trời, như trước đã nêu.

Vị trời kia thoái chuyển, vị trời khác sinh. Nếu là người tà dâm sắp thoái chuyển mà chưa thoái chuyển. Vị trời khác sống giữa các Thiên nữ. Bấy giờ, Thiên nữ kia ở trước mặt người sắp thoái chuyển cùng với vị trời khác đùa giỡn vui chơi. Người sắp thoái chuyển nơi cõi trời kia đã thấy Thiên nữ cùng vị trời khác đùa giỡn vui chơi, bị trói buộc vào tâm ganh tỵ nên bị đọa vào địa ngục. Như vậy, ưa thích làm và làm nhiều tà dâm là lỗi lớn. Bất cứ người nào có thể lìa bỏ tà dâm theo con đường thiện lớn thì người đó là căn tánh Niết-bàn.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Làm sao đối trị tất cả pháp bất thiện, xa lìa vọng ngữ, thâu giữ phần thiện lớn để được quả báo trong đời hiện tại?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ai xa lìa vọng ngữ thì được những người có mắt thấy, hoặc có tai nghe trong thế gian tin tưởng. Giả sử người ấy bị nghèo túng không có của cải thì được mọi người đem đến cho giống như đem dâng lên vua. Như trăng sáng giữa các vì sao. Trong tất cả mọi người thì người nói chân thật, sự sáng tỏ cũng như vậy. Nơi tất cả vật quý báu, lời nói thật là quý báu nhất. Trong tất cả con thuyền vượt qua biển sinh tử, thì thuyền lời nói thật là hơn hết. Nếu muốn thoát khỏi tất cả hạnh ác, thì lời nói thật là sự xa lìa hơn hết. Trong tất cả đèn, đèn thật ngữ là sáng hơn hết. Trong tất cả người giỏi hướng dẫn nơi đường ác thì lời nói thật là người dẫn dắt giỏi nhất. Tất cả vật thọ dụng trong thế gian, lời nói thật là hơn hết. Trong tất cả cỏ thuốc trị bệnh, lời nói thật là thuốc hay nhất. Tất cả sự mạnh mẽ của uy lực, lời nói thật là mạnh mẽ nhất. Trong tất cả chỗ nương về, lời nói thật là chỗ nương về an ổn nhất. Trong tất cả tri thức thì thật ngữ là hơn hết. Nếu ai giữ gìn của cải là lời nói thật thì ở nơi thế gian chưa từng làm ác, không rơi vào cảnh nghèo túng, gần sánh bằng với trời, luôn luôn qua lại, muốn ở bất cứ chỗ nào người ấy đều được sinh đến chốn đó, thường làm thân nam, sinh vào dòng họ tôn quý, ai cũng thương yêu, tin tưởng nơi lời nói của người đó. Người ấy không bị các loài Dạ-xoa, Tỳ-xá-già giết hại. Đi vào quốc độ nào cũng đều có giường nằm, chỗ nghỉ ngơi, giả sử bị ốm đau thì có thuốc thang, thức ăn đầy đủ, không cần suy nghĩ nhưng đều được tất cả, người ấy được sự an vui thù thắng đệ nhất trong thế gian. Sau khi qua đời, người ấy được sinh vào đường lành nơi cõi trời, mạng sống rất lâu, nơi chốn có thần thông lớn, cao quý, thù thắng. Nếu nguyện tu tập đạo thù thắng, thanh tịnh, vô lậu, thì chứng được Niết-bàn, như trên đã nói.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, luôn quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp ác lưỡng thiệt (nói hai lưỡi), thực hành nghiệp đạo thiện được quả báo trong hiện tại và vị lai?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người xa lìa lưỡng thiệt thì được nghiệp báo ngay trong đời hiện tại, bạn bè thân thiết, anh em, vợ con, nô tỳ đều lâu bền, không ai có thể hủy hoại. Từ vua cho đến oan gia, anh em hung ác cũng không thể nào phá hoại. Nếu người kia không có của cải thì họ cũng không rời bỏ. Giả sử gặp lúc mất mùa người kia đi đến chỗ nguy hiểm trong núi rừng, đồng vắng, họ đều không lìa bỏ luôn luôn vui vẻ không lìa nhau. Nếu có ai dùng mọi phương cách nói lời phá hoại, tuy họ nghe nhưng không chấp nhận. Đối với người đó vua có tâm tốt, lâu bền. Nước, giặc cướp, đao gậy, oán thù không thể làm cho người kia lo sợ, đó là nhờ xa lìa nghiệp bất thiện lưỡng thiệt. Nhờ công đức xa lìa như vậy, sau khi qua đời, người kia được sinh vào đường lành nơi cõi trời. Ở trong chúng trời có nhiều Thiên nữ vây quanh đi theo thương mến vui vẻ. Hình dáng Thiên nữ kia rất đẹp, tóc óng mượt, xoa dầu thơm, Thiên nữ xinh đẹp đệ nhất luôn luôn hoan hỷ. Nếu từ bỏ lưỡng thiệt nguyện đạt pháp thanh tịnh vô lậu thì người kia chứng được đạo thiền vô lậu, đạt đến Niết-bàn như trên đã nêu.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện ác khẩu (nói lời thô ác) được quả báo của nghiệp nơi đời hiện tại? Đời sau sinh nơi nào? Sống chốn nào?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người xa lìa ác khẩu được thân tướng đẹp đẽ thù thắng, được người trung thực tin tưởng, tất cả mọi người đều ưa thích viếng thăm. Lời nói lưu loát, lời nói hòa nhã, an ủi hết thảy mọi người, không làm cho họ phải sợ hãi. Tất cả người đời từ xa trông thấy đều chạy đến gần, có được nhiều Thiện tri thức. Giả sử người ấy không có của cải, thì chỉ trong phút chốc được mọi người cung kính đem tới giống như đối với cha. Nếu từ chỗ nghiệp ác nơi đời trước sinh đến mà bị khổ não thì mọi người không lìa bỏ, của cải có được rất dễ dàng. Người ấy không có nỗi lo sợ về kẻ oán thù, vua, nước, lửa… Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi cõi trời. Sinh vào cõi trời rồi nhờ vào lời nói lưu loát làm lợi ích, lời nói khiêm tốn, lời nói hợp nhau mà người kia được thân tướng tốt đẹp, có đại thần thông. Nếu nguyện xuất gia ngồi thiền, ưa thích thực hành pháp vô lậu, thì người ấy tu tập chứng được ba loại Bồ-đề, như đã nói ở trên.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện ỷ ngữ (lời nói thêu dệt), nơi đời hiện tại được quả báo của nghiệp thiện? Và sau sinh vào nơi chốn nào?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ai xa lìa ỷ ngữ thì ngay đời hiện tại được người đời tôn trọng, được người tốt nhớ nghĩ. Lời nói trước sau không trái nhau, được tất cả mọi người yêu mến, không ai khủng bố, dọa nạt, tìm kiếm tội lỗi. Lời nói thiện, lời nói chân thật, được người đời tôn trọng, lời nói nhỏ nhẹ, lời nói hòa nhã khiến cho người đều dễ hiểu. Lời nói hợp với pháp, lời nói không hung ác, lời nói có nhân thâm diệu, lời nói có nghĩa lý sâu xa không trái ngược với pháp. Tất cả mọi người trong thế gian trông thấy đều rất tôn trọng, được của cải, vật báu lâu bền, thọ dụng xứng với ý. Đối với người không có đức thì nói họ có công đức. Người ấy không có công đức thì nói về công đức của họ. Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi cõi trời. Sinh vào cõi trời được chư Thiên cung kính yêu mến, có thần thông lớn, hưởng phước lạc của cõi trời không thể nói hết. Người ấy nếu nguyện được an vui trong thiền thanh tịnh, vô lậu chứng đắc ba loại Bồ-đề thì sẽ được như sở nguyện như đã nêu ở trước.

Như vậy ba nghiệp bất thiện của thân và bốn nghiệp bất thiện của miệng nếu theo thứ lớp mà lìa bỏ, cho đến đạt được giải thoát. Người kia nhân nơi nghiệp thiện được mọi người khen ngợi, sau sinh lên cõi trời, cuối cùng chứng được Niết-bàn. Thân khẩu nghiệp của vị kia đạt được kết quả đúng như nghiệp thật. Người tu hành, trong tâm suy nghĩ, tùy thuận với chánh pháp, quan sát như vậy và thấy biết một cách như thật.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là thực hành nghiệp đạo thiện nơi ý?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ý nghiệp có ba: Tham, sân và tà kiến. Đối trị được chỗ bất thiện thì trong hiện tại được an vui. Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi cõi trời. Nếu nhàm chán sinh tử, người kia nhập vào cảnh giới Niết-bàn Vô dư.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện tham để được quả báo của nghiệp thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người nào lìa bỏ tham thì ngay trong đời hiện tại, tất cả của cải, châu báu đều được đầy đủ, dồi dào, không ai xâm đoạt. Nếu là vua hay các vương hầu hãy còn không sinh khởi tâm, huống chi là bị trộm cắp, cướp giựt. Nếu gặp trường hợp đánh rơi mất của cải mà người khác lượm được thì họ xem như quen thân liền hoàn trả lại. Người kia luôn giàu có của cải, không bị ly tán. Sau khi qua đời được sinh vào đường lành nơi cõi trời. Sinh lên cõi trời chiến đấu với A-tu-la, thì Atu-la kia không thể nào thắng nổi, không sao giết hại và làm cho khiếp sợ. Người đó không bao giờ sợ ai, được chư Thiên yêu mến, sinh tâm gần gũi, có thanh, xúc khả ái, các thứ sắc, vị, hương thực không thể nói hết. Nếu nguyện xuất gia tu tập đạo quả thiền định thanh tịnh, vô lậu, chứng đắc ba thứ Bồ-đề thì được y theo sở nguyện như đã nói ở trước.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa nghiệp đạo bất thiện sân đạt được quả báo của nghiệp thiện?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người xa lìa sân thì ngay trong đời hiện tại này được quả báo theo việc làm của nghiệp mà được giàu có lớn, mọi người yêu mến, tâm ý luôn thương tưởng. Người ấy vĩnh viễn xa lìa tất cả những chỗ nguy hiểm nhất, chỗ sợ hãi, chỗ không thuận tiện, cho đến những lo sợ về vua, giặc cướp, rơi vào sườn núi nguy hiểm, lửa, nước, đám người dua nịnh, dối trá… Người ấy được mọi người trong thế gian yêu mến. Những người ác cũng sinh lòng mến yêu. Tất cả người thiện rất yêu thương, họ coi người kia như con, anh, em. Sau khi qua đời, người kia được sinh vào đường lành nơi cõi trời, có thần thông lớn, thân tướng đẹp đẽ, thường được hết thảy những sắc, thanh, hương, vị, xúc đáng ưa, tùy ý mà thọ hưởng. Có vườn Hoan hỷ, rừng cây tươi tốt, xe gắn vật báu. Trong rừng có chúng Thiên nữ vây quanh, làm cho những vị trời khác không thể sinh tâm, không thể dùng thân, khẩu, ý khiến cho người kia sợ hãi, mà lại có hàng trăm ngàn vị trời với tâm ý thương mến, gần gũi quý nhớ, được vua trời Đế Thích mến yêu. Khi đánh với chúng A-tu-la, người ấy không yếu hèn, không có tâm sợ hãi. Nếu muốn lìa bỏ phiền não cấu uế ra khỏi thế gian, người kia thoái chuyển về thế gian sinh trong cõi người làm Chuyển luân vương. Qua lại như vậy trải qua vô lượng đời làm vua, cai trị bốn cõi thiên hạ có đầy đủ bảy báu: Một là ngọc nữ báu. Thân ngọc nữ kia làm bằng hương chiên-đàn, trong miệng thường tỏa ra mùi thơm Ưubát-la, chạm vào thân rất mềm mại giống như tiếp xúc với Ca-lănggià. Ca-lăng-già là một loài chim sống trên bãi biển. Ai chạm vào thân chim giống như chạm vào thân người, khiến không còn mệt mỏi, xa lìa đói khát, ưu bi, khổ não. Người trên bãi biển xúc chạm vào thân chim thì đối với ngọc nữ báu kia cũng giống như vậy. Nếu Chuyển luân vương trông thấy hoặc chạm vào ngọc nữ báu thì được khoái lạc. Mùa lạnh thì thân ngọc nữ báu ấm, mùa nóng thì mát mẻ. Như vậy, lực xúc chạm của ngọc nữ báu chẳng phải là người khác đạt được. Do xa lìa sân mà được nghiệp thiện có sức mạnh thuận theo hành động. Tất cả người nam thấy ngọc nữ báu này thì tâm khéo phân biệt giống như đối với mẹ, chị, em gái của họ. Nếu một lòng với vua thì được vua kính trọng, một lòng với vua thường làm vua vui thích, xa lìa năm thứ tội lỗi của người nữ: Đó là chẳng trinh thuận vì hành động với người nam khác, tâm ganh tỵ, tham ác, ưa thích ở chỗ xấu nhiều dục, muốn chồng chết để sống một mình. Như vậy ngọc nữ báu kia lại có năm thứ công đức tương ưng, ấy là: Hành động theo ý chồng, sinh nhiều con trai, dòng họ tôn quý, ưa thích người tốt không sinh tâm đố kỵ, khi chồng cùng với người nữ khác vui chơi thì tâm không ganh ghét. Lại có ba thứ công đức lớn, thù thắng tương ưng của người nữ. Đó là không nói nhiều, tâm không tà kiến, nếu chồng chết không ham các sắc, thanh, hương, vị, xúc… tâm ý chẳng động. Do nhân duyên này, sau khi qua đời, người nữ ấy được sinh vào đường lành nơi cõi trời. Đó là món ngọc nữ báu quý giá vi diệu chỉ Chuyển luân vương mới có được.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là xa lìa tâm sân nhiều cấu uế được quả báo của nghiệp thiện như Chuyển luân vương?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Do xa lìa nghiệp ác bất thiện là sân với kẻ khác, nên nhờ nghiệp thiện còn lại mà được làm Chuyển luân vương với món báu thứ hai là châu báu có đầy đủ tám công đức.

Công đức thứ nhất là ở trong đêm tối nó rất sáng giống như trăng tròn mùa thu không bị mây che. Như vậy châu báu ấy có thể chiếu sáng hết tối tăm khắp cả một trăm do-tuần. Lại nữa, ban ngày trời nóng bức dữ dội, châu báu ấy tỏa ánh sáng lạnh, dứt trừ nóng bức đạt được mát mẻ. Đây là công đức thứ nhất của châu báu.

Công đức thứ hai là khi Chuyển luân vương đi vào nơi đồng trống, hoang vắng không có nước uống, binh lính đói khát nước thì châu báu khiến có nhiều dòng nước trong mát, trừ hết sự khát. Đây là công đức thứ hai của châu báu.

Công đức thứ ba: Khi Chuyển luân vương nghĩ đến nước uống, thì châu báu theo ý vua mà hiện ra. Đấy là công đức thứ ba của châu báu.

Công đức thứ tư: Châu báu có tám cạnh, mỗi cạnh phát ra nhiều màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, đậm nhạt. Đây là công đức thứ tư của châu báu.

Công đức thứ năm: Diệu lực của châu báu kia, người sống trong khoảng một trăm do-tuần đều lìa khỏi bệnh, tâm hành ngay thẳng mong muốn gì đều y như nghiệp mà được kết quả. Đây là công đức thứ năm của châu báu.

Công đức thứ sáu: Uy lực của châu báu khiến cho các rồng ác không thể giáng xuống những trận mưa dữ. Đây là công đức thứ sáu của châu báu.

Công đức thứ bảy: Đối với nơi chốn không có nước, vùng núi cao hoang vắng, không có cây cỏ, thì châu báu ấy có thể tạo ra nhiều cây cối, ao nước hoa sen, cỏ cây um tùm, tươi tốt, tất cả đều được đầy đủ. Đây là công đức thứ bảy của châu báu.

Công đức thứ tám: Nhờ uy lực của châu báu nên không ai bị chết yểu, chết oan, lại được sống lâu, có thể khiến cho loài súc sinh không sát hại lẫn nhau, không oán ghét nhau. Oán ghét lẫn nhau là loài rắn chuột, lang sói. Đó là tám công đức thù thắng tương ưng đầy đủ.

Chuyển luân vương nhờ xa lìa tâm sân, tạo nghiệp thiện mà được quả báo. Vua có một ngàn người con, tất cả đều tráng kiện là bậc nhất trong loài người, thân tướng đẹp đẽ, có thể phá trừ được các quân khác. Tùy theo tâm ý của Chuyển luân vương mà hành động theo, đoan nghiêm vui vẻ. Người thiện theo như pháp, tùy thuận với pháp mà làm, thực hành giống với dòng họ của Chuyển luân vương. Tất cả xóm làng, chỗ đại chúng tụ hội đều kính trọng, yêu mến, khen ngợi về tâm hành của người đó.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là lìa bỏ sân, tu hành nghiệp thiện được làm Chuyển luân vương, có món báu thứ ba là luân báu xuất hiện trong thế gian?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Luân báu kia có đầy đủ năm công đức tương ưng. Đó là luân báu có một ngàn căm, thể của nó bằng vàng Diêm-phù-đàn, rộng năm trăm dotuần, như mặt trời thứ hai chiếu khắp thế gian. Đây là công đức thứ nhất của luân báu.

Công đức thứ hai của luân báu là đi lại không chướng ngại, bay trên không mà đi một ngày có thể đi trăm ngàn do-tuần.

Công đức thứ ba của luân báu là tùy theo ý của nhà vua, bất cứ nơi chốn nào vua nghĩ tới, muốn đến: Cù-đà-ni hay Phất-bà-đề, Uất-đan-việt, Tứ Thiên vương… Ở tất cả mọi nơi ấy, bánh xe một ngàn căm bay lên không trung mà đến. Nhờ sức mạnh của luân báu khiến cho bốn bộ binh: Voi, ngựa, xe, cộ đều bay trên không mà tới nơi.

Công đức thứ tư của luân báu: Nếu bề tôi của Chuyển luân vương không tuân theo thì kim luân bảo vương cùng đi theo hộ vệ có thể ra lệnh, khiến đám bề tôi kia phải quy phục ngay.

Công đức thứ năm của luân báu là không ai địch lại kim luân

báu kia. Nếu vua hoặc các vương hầu trông thấy thì bị hàng phục ngay. Nhờ vào oai lực của Chuyển luân vương mà luân báu luôn đi theo cho nên có thể hiện bày sức mạnh như thế.

Trên đây là năm thứ công đức tương ưng đầy đủ của luân báu. Như vậy là đã nói xong về báu lớn thứ ba.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là lìa sân, tu hành nghiệp thiện được làm Chuyển luân vương với báu lớn thứ tư là voi báu xuất hiện ở thế gian.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Chuyển luân vương này do tu hành đúng pháp, tùy thuận theo pháp mà thực hành nên được voi điều thuận. Voi điều thuận bậc nhất là có thể vượt thắng các thành khác, bảy chi vững vàng, đó là bốn chân, đuôi, căn và ngà. Bảy chi ấy luôn vững chắc. Nếu có đủ tướng như thế thì voi ấy rất mạnh, gấp hơn một ngàn lần sức mạnh của những con voi thường khác. Thân voi mềm mại, trắng như tuyết, giống như voi Y-la-bà-na của vua Đế Thích. Các voi khác nghe hơi của nó liền nằm mọp không dám nhìn thẳng. Voi ấy có thể chiến đấu ba chỗ: Dưới nước, trên đất và trên không. Nó đi rất nhanh: Trong một ngày có thể đi quanh Diêm-phù-đề ba vòng. Điều phục voi ấy bằng cách lấy một sợi dây cột vào yết hầu rồi kéo đi. Khi Chuyển luân vương cỡi thì voi điều thuận kia luôn đồng lòng với vua. Nếu Chuyển luân vương muốn đi đến chỗ nào, không cần chỉ bảo, voi ấy sẽ đi nhanh đến đó. Nó rất oai vệ không dao động, không lắc lư, bước đi chậm rãi, bước đều, không đi quanh co hoặc phóng nhanh, cũng không cố gắng. Những cử chỉ khéo léo đó, dù em bé thấy nó cũng không sinh sợ sệt. Đi ra ngã tư hoặc lên lầu cao để đi tới chỗ kia, người phụ nữ có thể nắm bắt, tay chạm được nó. Lúc chiến đấu voi rất mạnh mẽ, nhưng khi đi thì nó luôn tuân phục không vượt qua dây trói. Trong mười nẻo thiện của Chuyển luân vương, chỉ thực hành một chủng tử của nghiệp đạo là đạt được, huống chi tu hành đủ cả mười đạo nghiệp thiện. Do thuận với chánh pháp người tu hành dùng Thiên nhãn thấy voi báu là báu lớn thứ tư của Chuyển luân vương.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Chuyển luân vương được ngựa báu? Ngựa báu ấy có những công đức hòa hợp tương ưng gì?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Ngựa báu giống, như hoa nga-câu-vật-đầu, toàn thân đều có những tướng lông xoáy của trời rất đẹp. Đó là tướng thứ nhất. Trọng lượng, màu sắc, hình thể xứng hợp với các tướng. Chỗ điều thuận bậc nhất của nó là trong một ngày có thể đi vòng quanh Diêm-phù-đề ba vòng mà thân không mỏi mệt. Đây là công đức của voi báu, là báu lớn thứ năm của Chuyển luân vương.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Chuyển luân vương có được chủ binh báu?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Chủ binh báu kia có công đức gì? Nghĩa là khi Chuyển luân vương nhớ nghĩ điều gì, không đợi ra lệnh nhưng chủ binh báu liền biết được ý vua. Vua cần làm điều gì thì chủ binh báu hoàn tất việc đó. Xa lìa phi pháp, thực hành chánh pháp. Cần lúc nào, chỗ nào, chủ binh báu đều thực hiện không hề trái ý, lại không buồn không than. Y vào chánh pháp mà giữ. Nếu ý vua nhớ nghĩ cần làm gì thì những việc làm ấy không trái ý với nghĩa của pháp. Tùy theo cảnh giới của vua cần, chủ binh báu đều hoàn tất cả thảy. Do Chuyển luân vương lìa bỏ sân, tạo nghiệp thiện mà được chủ binh báu như thế. Phải luôn luôn tu hành mười nghiệp đạo thiện, tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh trong thế gian giống như cha mẹ.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Chuyển luân vương được báu lớn thứ bảy là đại thần chủ kho tàng, trưởng giả giàu có. Trưởng giả báu ấy có công đức gì?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Đại thần chủ kho tàng báu thuộc Chuyển luân vương, có công đức gì để có thể đem kim cương và các thứ châu báu: Ma-ca-la-đa, Nhân-đàla, bảo châu ma-ca-la-đa màu xanh và báu đẹp mâu-sai-la-ca-la-bà, lấp đầy hết tất cả hố, khe, núi sâu, hang tối, chỗ xấu đất hiểm, chốn không bằng phẳng. Không đợi vua ra lệnh mà của báu nhiều vô tận, huống chi là vàng bạc. Trưởng giả này là người giữ pháp luật bậc nhất, không dối trá, không dua nịnh, không làm cho người khác đau khổ, mọi người thấy đều vui vẻ mến yêu. Đây là trưởng giả giàu, báu của Chuyển luân vương.

Như vậy Chuyển luân vương có đầy đủ bảy báu, làm chủ bốn cõi thiên hạ, có thể ngồi chung với chúng rồng và trời, được Tứ Thiên vương và Thiên vương trời Tam thập tam là Đế Thích chia tòa mà ngồi. Đó là gồm đủ bảy loại báu tốt đẹp mà Chuyển luân vương đã có được.

Lại nữa, còn có bảy thứ báu tương tự. Đó là kiếm báu, da báu, giường báu, cung điện báu, y báu và giày báu.

Kiếm của Chuyển luân vương giống như những thứ báu kia có công đức gì? Nếu dân nơi cõi nước nào khởi tâm phản nghịch thì kiếm báu liền bay nhanh đến đó. Dân chúng nơi các cõi nước trông thấy kiếm báu liền hàng phục ngay, không bị chết một người nào. Kiếm báu có công đức như vậy nên không chinh phạt, không giết hại mà dân chúng nơi các cõi nước tự nhiên hàng phục. Đây là công đức của kiếm báu, là loại báu tương tự thứ nhất.

Thế nào là Chuyển luân vương được da báu, là loại báu tương tự thứ hai? Báu ấy có công đức gì? Da báu kia được sinh từ nơi biển cả, người đi buôn tìm được đem về dâng lên vua. Da báu rộng năm do-tuần, dài mười do-tuần. Da của rồng biển nước mưa không thể làm mục nát, gió không làm cho lay động, lửa không thể đốt cháy. Da báu có thể đẩy lùi lạnh nóng. Mùa lạnh thì ấm áp, mùa nóng thì mát mẻ. Bất cứ chỗ nào mà Chuyển luân vương đi đến có quân binh đi theo vua thì chư binh báu kia dẫn đi, da báu có thể dựng nhà dung chứa hết thảy quân binh và vua. Mỗi mỗi căn nhà cách biệt nhau, không cho ở lẫn lộn với đám vợ con, tất cả đều không thấy nhau. Màu sắc của da báu tươi đẹp như ánh sáng mặt trời. Đây là công đức của da báu, là loại báu tương tự thứ hai.

Thế nào là Chuyển luân vương được gường báu, là loại báu tương tự thứ ba? Báu này có công đức gì? Gường báu mềm mại, trơn láng, ngồi lên thì nó lún xuống, đứng dậy thì trở lại như cũ. Nếu vua ngồi lên giường đó để thiền định tư duy thì tâm được tịch tĩnh trong giải thoát. Nếu ngồi nơi giường ấy tâm vua nghĩ đến dục thì liền xa lìa dục, như vậy cho đến sân, si cũng thế. Từ trên giường kia, vua ra khỏi thiền định nhỏ, nếu có các phụ nữ sinh nhiễm tâm với vua, nhưng khi thấy gường báu thì tâm họ không còn tham nhiễm nữa. Đây là công đức của gường báu, là loại báu tương tự thứ ba.

Lại nữa, thế nào là Luân vương được rừng báu, là loại báu tương tự thứ tư? Báu thứ tư ấy có công đức gì? Nếu vua suy nghĩ, muốn đi chơi trong rừng thì vua đến khu rừng đó. Công đức của rừng báu là do diệu lực nơi nghiệp thiện của vua, nên khiến cho trời, người hoan hỷ, trong rừng trổ hoa quả, có chim xa cư ni, ao sen. Bên bờ ao sen có thể nữ trời múa hát, đùa giỡn, tất cả Thiên nữ đều tụ tập đông đảo, vua kia như vị trời có đầy đủ công đức nơi năm dục, luôn có phụ nữ theo bên, du hành vui chơi đó là nhờ uy lực của nghiệp thiện. Người tu hành kia quán xét tất cả. Đây là công đức của rừng báu, là loại báu tương tự thứ tư.

Lại nữa, thế nào là Luân vương được cung điện báu, là loại báu tương tự thứ năm? Báu thứ năm ấy có công đức gì? Khi Chuyển luân vương nằm nghỉ trong cung điện, muốn thấy trăng thì có trăng sao hiện lên ngay nơi ấy, thấy rồi vui mắt nói đó là viên ngọc. Thiên nữ ngâm thơ, ca hát, vua nghe sẽ hết lo lắng, ngủ yên ổn. Khi ngủ, vua thấy mộng lành, thấy những việc tốt đẹp. Mùa lạnh thì có gió ấm thổi đến, mùa nóng thì được tiếp xúc với sự mát mẻ. Một đêm có ba phần. Ngủ hai phần và thức một phần, hưởng mọi pháp lạc trong đời sống. Đây là công đức của cung điện báu, là loại báu tương tự thứ năm mà Chuyển luân vương được thọ hưởng nhờ phước báo.

Thế nào là y báu? Nó có công đức gì? Y được may bằng chỉ tơ thật kỹ lưỡng chặt chẽ, rất mềm mại, bụi đất không làm dơ. Vua mặc vào thì không còn bị các thứ lạnh nóng, đói khát, đau ốm, mệt mỏi chi phối, lửa không thể thiêu đốt, dao kiếm cũng không thể cắt được. Đây là công đức của y báu, là loại báu tương tự thứ sáu.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là Chuyển luân vương được loại báu tương tự thứ bảy là giày báu? Nó có công đức gì?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Nếu vua mang giày báu thì đi trong nước như đi trên đất. Lúc dạo chơi thì đi từ từ chậm rãi, có thể băng qua một trăm do-tuần mà không tổn mất oai nghi, thân không mỏi mệt. Đó là Chuyển luân vương có đầy đủ bảy báu tương tự.

Lại nữa, có bảy báu tương tự như vậy, tùy theo tâm vua mà thọ dụng. Bốn cõi thiên hạ cùng hai cõi trời tiếp theo là chỗ của vua ăn. Vua có đầy đủ ngàn người con, tất cả đều tráng kiện, có thể phá trừ được các quân khác. Chuyển luân vương được tất cả mọi người kính trọng, được nghiệp thiện xa lìa sân đạt mọi an vui như vậy là nhờ nơi diệu lực của mười đạo nghiệp thiện.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp. Vì sao tất cả thế gian từ vô thỉ đến nay đều lấy tà kiến cùng u minh, tăm tối làm hạt giống? Tất cả kết sử cũng lại như vậy.

Lại nữa, làm sao để xa lìa tà kiến, tu hành theo chánh kiến, được giải thoát khỏi sinh tử trong thế gian?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Người tu hành, tùy thuận với chánh pháp, quan sát hành pháp. Nếu lìa bỏ tà kiến, tu tập chánh kiến thì tất cả kết sử, những pháp không lợi ích đều được đoạn diệt, sẽ đạt đến Niết-bàn xa lìa sinh tử. Người xa lìa tà kiến thì năm căn không chướng ngại. Như vậy người thiện vui thích với chánh pháp là do ban đầu lãnh hội công đức nơi Đức Phật, quán xét sinh tử trong năm đường. Quán những khổ não trong năm nơi đó rất là kinh hãi.

Trong cõi trời thì có khổ của phóng dật, về sau lúc bị thoái đọa lại khổ.

Trong cõi người thì có những cái khổ như phải canh tác.

Trong địa ngục thì có khổ bị người khác não hại.

Trong ngạ quỷ là khổ não về đói khát.

Trong súc sinh thì có khổ là ăn nuốt lẫn nhau.

Năm chốn như vậy, nếu nói rõ từng nơi thì có vô lượng thứ khổ. Quán xét như vậy rồi thì đối với sinh tử sinh tâm nhàm chán, xa lìa. Giống như ánh sáng, người thông đạt chánh pháp, phát tâm xuất gia. Do sinh tâm như thế nên pháp thiện hiện bày rõ. Nếu người hòa hợp sinh tâm ấy thì quỷ Dạ-xoa sống trên đất sẽ hoan hỷ khen ngợi, vô cùng xúc động sinh tâm như vầy: Thiện nam kia họ, tên… phát tâm muốn đoạn trừ tham, sân, si từ vô thỉ đến nay, muốn phá bỏ cảnh giới của ma, không ưa thích cảnh giới của phiền não, dục nhiễm, tâm không ham muốn về nẻo nhiễm đắm, ái dục.

Lại nữa, xa lìa tà kiến, thiện nam kia có tâm xuất gia, luôn luôn ưa thích tu tập thực hành nhiều, gần gũi với Thiện tri thức, thích nghe chánh pháp, tâm thường thanh tịnh, lễ lạy pháp Phật, khéo làm thanh tịnh, tịch tĩnh nơi thân, khẩu, ý nghiệp. Khẩu ý của người kia vắng lặng đó là người làm thiện. Dạ-xoa sống trên đất biết được nên hoan hỷ, sinh tâm như vầy: Thiện nam ấy với tâm thiện như vậy, tâm thanh tịnh như vậy, không ham thích nhà cửa tại gia, vì nó giống như cái lờ, cái lồng. Đối với tham dục, sân hận, ngu si có từ vô thủy, cũng như cảnh giới của ma đó, không sinh tâm vui thích, không ái nhiễm, muốn chiến đấu với ma, muốn đoạn trừ phiền não.

Lại nữa, thiện nam kia quán xét các thứ khổ của sinh tử rồi, tâm xuất gia tăng cao nên xa lìa sát sinh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu và vọng ngữ. Thọ trì đầy đủ giới của hàng Ưu-bà-tắc. Dạ-xoa sống trên đất thấy vậy lại càng hoan hỷ lần lượt hướng lên trên nói với Dạ-xoa nơi hư không: “Trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đầy đủ chánh tín, có thể xuất gia, muốn cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, chánh tín xuất gia, tu tập theo sự tin tưởng chính đáng làm suy giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp, cắt đứt dây trói buộc của ma, đoạn trừ tham, sân, si. Tất cả các thứ kết sử, thì tà kiến là gốc. Niết-bàn xuất thế thì chánh tín là gốc. Tùy thuận với chánh pháp, quán xét tất cả các pháp thì đầu tiên người tu hành phải quán như vầy: Ca ngợi chánh kiến, không hiềm khích, không chê bai, không khinh, không ghét, chỉ dạy người khác trụ trong chánh kiến, không khen ngợi tà kiến chê nó là thấp hèn xấu xa. Thường nói rõ chánh kiến, tà kiến là hai nghiệp báo đối nhau, không khiến cho chúng sinh trụ trong tà kiến. Dây trói buộc căn bản của chúng sinh phàm phu ngu si nơi thế gian chính là tà kiến. Tất cả chúng sinh do tà kiến mà bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Thiện nam kia xả bỏ tà kiến tất sẽ được vô lượng pháp lành.

Lại nữa, thiện nam kia quán xét về nhà cửa có vô lượng sự trói buộc, bức bách, khổ não. Quán xét rồi, sinh tâm nhàm chán, xa lìa, vui thích xuất gia, muốn chiến đấu với ma. Bậc Chánh sĩ như thế thì Dạ-xoa sống trên đất tất biết được nên hoan hỷ, chuyển nói với Dạxoa trên hư không, Dạ-xoa nơi hư không hoan hỷ tâu với Tứ Thiên vương: Trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đầy đủ chánh tín như vậy, có thể xuất gia, muốn cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, xuất gia tu tập theo sự tin tưởng đúng đắn làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp. Tứ đại Thiên vương nghe như vậy rồi rất vui mừng.

Bậc Chánh sĩ nghe pháp rồi, nhàm chán tham dục, xa lìa trần cấu. Thiện nam kia cung kính các vị Hòa thượng Thánh Thanh văn, cạo bỏ râu tóc, mang pháp y ca-sa, thọ Ba-la-đề-mộc-xoa giới. Dạxoa sống trên đất và Dạ-xoa nơi hư không biết được nên hoan hỷ, tâu với Tứ Đại vương: Ở cõi Diêm-phù-đề trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… xả bỏ tà kiến, tu nghiệp chánh kiến hành đúng như pháp, cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, thọ Ba-la-đề-mộc-xoa giới. Những chỗ không lợi ích trong thế gian, nhà cửa, vợ con ràng buộc người ấy đều xa lìa. Xuất gia theo chánh tín, xa lìa tất cả nghiệp, tâm tại gia, muốn chiến đấu với ma, muốn đoạn trừ vô minh. Khi ấy Tứ Đại vương nghe vậy thì rất hoan hỷ, hướng lên tâu với Tứ Thiên vương: Ở cõi Diêm-phù-đề, trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… lìa bỏ tà kiến, tu tập theo chánh kiến, cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, xuất gia theo niềm tin chân chánh. Tỳ-kheo… nhận vị ấy làm đệ tử. Thiên vương nghe rồi tâm hoan hỷ, nói: “Quân ma bị tổn giảm, bạn chánh pháp được tăng trưởng”. Tứ Đại vương đã tâu như vậy, Tứ Thiên vương nghe tâu thì rất vui mừng.

Lại nữa, thiện nam kia cho đến thấy một mảy trần pháp ác bất thiện đều rất sợ hãi, không dám tạo. Tâm hành chánh trực, không thích nói nhiều, không cầu theo lễ gia đình, không lui tới nhà cửa cũ, không gần gũi bạn ác, không muốn thấy chỗ nhiều người tụ tập ồn ào, không đi đến chỗ những người xấu ác, không đến chỗ đông người đùa giỡn, không ham thích cao lương mỹ vị, đồ đựng to lớn với nhiều thức ăn, không thường đến thăm thân hữu. Ở trong mọi hoàn cảnh nào cũng luôn thực hành chánh niệm, siêng năng tinh tấn. Ăn uống như pháp, đối xử, hành động như pháp. Siêng năng cắt đứt mọi sợi dây ma, nỗ lực tu hành theo chánh kiến. Người thiện như vậy làm lợi ích cho tất cả chúng sinh trong thế gian.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:

Không giết hại chúng sinh
Tâm từ thường hành nhẫn
Chúng sinh như cha mẹ
Người kia quán thế gian.
Từ bỏ nghiệp trộm cắp
Người trí thường hộ căn
Thân nghiệp thường làm thiện
Có thể vượt cõi ác.
Cho đến ảnh người nữ
Mắt còn không muốn nhìn
Phá dục được tuệ sáng
Nên gọi đạt giải thoát.
Thấy vàng, đất như nhau
Chánh hạnh bỏ sầu não
Rắn phiền não không cắn
Được vô lượng an vui.
Lợi, suy tâm bình đẳng
Được, mất ý cũng vậy
Khổ, vui tâm không đổi
Nên gọi là Tỳ-kheo.
Oán, thân không thấy khác
Giữ căn không phóng dật
Không bị cảnh làm hại
Nên gọi bậc Phạm hạnh.
Thấy cảnh giới như độc
Xa lìa như tránh oán
Thì Niết-bàn không xa
Bậc Chánh Giác đã dạy.
Thấy như thật sinh diệt
Chánh kiến tâm không tham
Tâm bất động như núi
Người kia thoát sinh tử.
Chiên-đàn và loài cỏ
Ngon dở tâm bình đẳng
Ca-sa bỏ lụa vải
Dục ái không trói buộc.
Không tham đắm lợi dưỡng
Biết đủ, cỏ làm tòa
Thấy lợi dưỡng như lửa
Đó mới là chánh kiến.
Cảnh giới như sông ái
Nhận chìm không thể nổi
Biết rõ do nghiệp quả
Phật gọi là Tỳ-kheo.
Việc đã qua không buồn
Không cầu mong vị lai
Hiện tại theo pháp làm
Tâm ý không cấu nhiễm.
Không có ý hoại pháp
Thường trú trong chánh pháp
Thì không vào sinh tử
Người ấy đủ pháp lành.
Nếu ai dùng lửa trí
Thiêu phiền não trong tâm
Cảnh giới như tôi tớ
Người kia không có khổ.
Nếu người căn tịch tĩnh
Căn không hề buông lung
Tâm không đắm sắc hương
Lìa phiền não như Phật.
Ai chế ngự các căn
Năm căn không tác dụng
Sắc… không thể cướp đoạt
Lìa phiền não, tịch tĩnh.
Tâm ai luôn ái, niệm
Hành nhẫn cũng như vậy
Người thấy, tâm tỉnh ngộ
Sáng như trăng Mâu-ni.
Ai thích ở chỗ vắng
Không thích chốn lầu gác
Chuộng gốc cây đất trống
Được gọi là Tỳ-kheo.
Dõng, tịnh, đủ trí tuệ
Như thật rõ khổ, vui
Tất đến chốn vô thượng
Vĩnh viễn lìa ưu sầu.
Tâm Từ bi chánh trực
Luôn tu tập thiền định
Hơn, thua, tâm bình đẳng
Như vậy là kiến đạo.

Do lìa bỏ tà kiến nên đạt được pháp như vậy.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Thế nào là người kia xa lìa tà kiến, tu hành theo chánh kiến, lìa bỏ tâm ngu si mê lầm? Theo thứ lớp như vậy tu tập thiền vô lậu. Quỷ Dạ-xoa sống trên đất, Dạ-xoa nơi hư không cho đến Tứ Đại vương nghe thấy đều hoan hỷ?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng Thiên nhãn: Tứ Đại vương, Tứ Thiên vương cho đến Thiên chủ Đế Thích đều nói như vầy: Trong cõi Diêm-phù-đề, ở nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, xuất gia theo chánh tín, giữ trọn giới theo chánh hạnh, nói năng lưu loát, đầy đủ biện tài, luôn giữ chánh niệm, cho đến một tội nhỏ cũng rất sợ hãi, làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp. Tứ Thiên vương tâu với Đế Thích, Đế Thích và chư Thiên ở cõi trời Tam thập tam đều rất vui mừng./.