KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Địa-bà-ha-la, người xứ Trung Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN I

Phẩm 1: MỞ ĐẦU

Tôi nghe như vậy:

-Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ cùng với chúng đại Tỳ-kheo một vạn hai ngàn vị, đều là bậc đại A-la-hán. Tên các vị ấy là Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, Tôn giả Phú-lâu-na-di-đa-la-ni-tử, Tôn giả Ma-ha-nam, Tôn giả A-nậu-lâu-đà, Tôn giả Kiếp-tân-na, Tôn giả Bạt- đề-la, Tôn giả Ưu-ba-ly, Tôn giả Nan-đà, Tôn giả Sa-già-đà, Tôn giả A-nan, Tôn giả La-hầu-la… Đó là các vị A-la-hán mà mọi người đều biết.

Các bậc Đại Bồ-tát gồm ba vạn hai ngàn vị đều là bậc Nhất sinh bổ xứ, thần thông tam-muội diệu dụng, đại nguyện viên thành, được trí tuệ vô ngại đạt các pháp Nhẫn, đầy đủ pháp Đà-la-ni, biện tài thông suốt đều từ các pháp Ba-la-mật mà có, đều đã trải qua đầy đủ các Địa của bậc Bồ-tát, đạt được tất cả sự tự tại của một vị Bồ-tát. Đó là Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Đà-la-ni Tự Tại, Bồ-tát Sư Tử Vương, Bồ-tát Thành Tựu Nghĩa, Bồ-tát Tịch Giới Tuệ, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Bồ-tát Vô Ngại Tuệ, Bồ-tát Đại Bi Tư Duy… cùng với các vị như vậy có mặt đông đủ.

Bấy giờ Đức Thế Tôn vì bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà- tắc, ưu-bà-di, Quốc vương, Vương tử, Đại thần, Quan thuộc, Sát-đế- lợi, Bà-la-môn, Trưởng giả, Cư sĩ và các hàng ngoại đạo mà thường thọ nhận bốn sự cung kính cúng dường nhưng đối với những sự cúng dường rất là thù thắng ấy, tâm Phật không hề nhiễm, giống như hoa sen chẳng vướng mùi bùn, nên danh tiếng vang khắp mười phương, được xưng tụng qua mười danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nói chung, đó là Bậc thành tựu ngũ nhãn, lục thông, thường ở thế gian cùng các quốc độ vì trời, người diễn thuyết Chánh pháp, chặng đầu, giữa, rốt sau đều nêu rõ nghĩa lý cao xa, ngôn từ khéo léo, thuần nhất viên mãn, trọn đủ các tướng phạm hạnh thanh bạch.

Lúc ấy vào khoảng nửa đêm, Đức Như Lai nhập Phật trang nghiêm tam-muội, từ nơi đảnh nhục kế phóng ra hào quang lớn tên là ức niệm quá khứ chư Phật vô trước (nhớ nghĩ chư Phật quá khứ, trí tuệ vô ngại) chiếu lên tới cõi trời Tịnh cư. Vì muốn khai thị cho các vị Thiên tử ở đấy nên từ trong luồng hào quang phát ra bài kệ:

Thân, khẩu, ý Mâu-ni thanh tịnh
Trí tuệ sáng soi khắp thế gian
Quang minh thù thắng trừ tăm tối
Nên quay về kính lễ Thích-ca.
Biển lớn trí tuệ đầy oai đức
Thấu pháp, tự tại Đấng Pháp Vương
Thế Gian Ứng Cúng, Thiên Trung Thiên
Ấy Bậc Đại Giác, nên quy ngưỡng.
Tâm chế ngự muôn vàn việc khó,
Ý tịnh xa lìa mọi lưới ma,
Là Bậc Kiến Văn sạch lỗi lầm,
Là Đấng Giải Thoát đáng quy kính.
Thể tính Phật lặng không, siêu việt.
Tạo tác vô biên thường tịch nhiên
Đạt lý tịnh diệu dứt trừ nghi
Thảy đều dốc tin, quy mạng lễ,
Như Đại Y Vương ban thuốc lành,
Biện tài hùng dũng trừ tà đạo
Muốn hàng quyến thuộc rõ thắng nghĩa,
Bậc Đạo Sư giảng pháp Vô thượng.

Bấy giờ, chư Thiên trời Tịnh cư từ cõi thiền định nghe rõ bài kệ như thế, tức thời nhớ nghĩ đến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp chư Phật, Như Lai thời quá khứ, cùng các công đức trang nghiêm cõi Phật, các hội thuyết pháp đều hiện rõ. Thế rồi các vị Ma-hê-thủ-la, Nan-đà, Tô-nan-đà… cùng với vô số chư Thiên ở cõi trời Tịnh cư, ánh sáng rực rỡ, uy thần lồng lộng, chiếu đến khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, và tất cả đều tới nơi Phật nhập định, đảnh lễ ngang chân Phật rồi đứng lên chắp tay hết lòng cung kính thưa:

-Bạch Thế Tôn, có bộ kinh tên là Phương Quảng Thần Thông Du Hý Đại Trang Nghiêm Pháp Môn, nêu rõ các đức hạnh căn bản của bậc Bồ-tát. Bậc Bồ-tát ấy ở cõi trời Đâu-suất vi diệu, suy nghĩ về việc thị hiện giáng sinh vào hàng chủng tộc nổi tiếng, các công đức không thiếu, thực hành mọi phận sự của một đồng tử, tài nghệ dũng lực gồm đủ văn võ song toàn. Bậc Bồ-tát ấy ở cõi thế gian đều hoàn tất những sự kiện tối thắng, thọ nhận và biết rõ năm thứ dục, thực hiện đầy đủ đạo hạnh Bồ-tát, hàng phục chúng ma, thể hiện diệu lực vô úy của Như Lai cùng tất cả Phật pháp. Kinh ấy như vậy là đã được vô lượng chư Phật, Thế Tôn thời quá khứ diễn thuyết, đó là Phật Ba-đầu-ma Thắng, Phật Pháp Tràng, Phật Vi Chiếu Minh, Phật Công Đức Tràng, Phật Công Đức Tánh, Phật Đại Tánh, Phật Tiên Thiên, Phật Thắng Quang Minh, Phật Chân Tràng, Phật Kim Cang Kiên Cố, Phật Hàng Phục Nhất Thiết, Phật Chân Kim sắc, Phật Cực Cao Hạnh, Phật San Hô Hải, Phật Hoa Tràng, Phật Tối Thắng Sắc, Phật Thiện Nhãn, Phật Tiên Hộ, Phật Thắng Luân, Phật Cao Thắng, Phật Khai Phu Liên Hoa, Phật Mi Gian Quang Minh, Phật Liên Hoa Đài, Phật Thiện Quang Minh, Phật Cát Tường, Phật Thiện Kiến, Phật Sư Tử Quang, Phật Kiên Lao Tuệ Thí, Phật Hương Xuân, Phật Quảng Đại Danh Xưng, Phật Để Sa, Phật Phất Sa, Phật Thế Gian Đoan Nghiêm, Phật Phổ Quang Minh, Phật Bảo Xứng, Phật TốiThắng Quang Minh, Phật Phạm Quang, Phật Thiện Thanh, Phật Diệu Hoa, Phật Mỹ Âm, Phật Thượng sắc Hạnh, Phật Vi Tiếu Mục, Phật Công Đức Tụ, Phật Đại Vân Thanh, Phật Thiện Sắc, Phật Thọ Quang, Phật Tượng Vương Du Bộ, Phật Thế Gian Hân Lạc, Phật Hàng Phục Ma Oán, Phật Chánh Ứng Cúng, Phật Tỳ-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tỳ-diệp-phù, Phật Ca-la-tôn, Phật Câu-na- hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp… vô lượng chư Phật, Như Lai thời quá khứ đều nói kinh này. Do vậy, mong được Thế Tôn cũng như chư Phật thời quá khứ, Vì lợi ích an lạc của vô lượng chúng sinh, thương xót thế gian, khiến đạt được nghĩa lợi, làm cho trời người được tăng thêm lợi ích của giáo pháp Đại thừa, các tà đạo, ma oán đều được hàng phục, phá trừ, nêu rõ các hạnh công đức của bậc Bồ-tát, tinh tấn gắng sức để đạt quả vị Thượng thừa, lãnh hội chánh pháp, phát huy sự an trụ của Tam bảo đừng để bị mai một, thị hiện thành Phật, sự nghiệp viên mãn. Chính vì thế mà chư Phật đều nói kinh này.

Đức Như Lai, lúc ấy thương xót chư Thiên nên đã im lặng chấp nhận. Thế là chư Thiên đội ân Phật đã thuận hứa nên rất vui mừng, tâm đều thanh tịnh, cúi đầu đảnh lễ, đi theo hướng phải quanh Phật ba vòng, tung hoa trời Mạn-đà-la cúng dường. Xong, tất cả đều biến mất.

Sáng sớm hôm sau, Đức Thế Tôn đến đạo tràng Ca-la, trải tọa cụ ngồi. Chư Đại Bồ-tát và chúng Thanh văn đều cung kính nhiễu quanh Ngài. Xong xuôi, Đức Thế Tôn nói với các vị Tỳ-kheo:

-Nửa đêm hôm qua, trời Ma-hê-thủ-la cùng Nan-đà, Tô-nan-đà và vô số chư Thiên cõi trời Tịnh cư đã vân tập đến đây, đảnh lễ cung kính thưa bạch mong được Ta diễn nói kinh Thần Thông Du Hý Đại Trang Nghiêm. Vì thương xót hết thảy người, trời ở cõi thế gian này, lại khiến cho các vị Bồ-tát thời hiện tại cũng như vị lai được tăng thêm lợi ích nên lúc đó Ta đã yên lặng nhận lời thỉnh cầu kia. Vậy chư Tỳ- kheo hãy hết sức lắng nghe, hôm nay Ta sẽ nói về kinh ấy.