KINH PHƯƠNG QUẢNG ĐẠI TRANG NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Địa-bà-ha-la, người xứ Trung Thiên trúc
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

QUYỂN I

Phẩm 2: CUNG TRỜI ĐÂU SUẤT

Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Do những yếu tố gì mà kinh này có tên Phương Quảng Thần Thông Du Hý Đại Trang Nghiêm? Đó là vì kinh này hiển bày việc các vị Bồ-tát an trú nơi cung trời Đâu-suất thường tạo vô lượng uy đức được chư Thiên cúng dường, đến lúc làm phép quán đảnh được trăm ngàn Phạm chúng xưng tán. Lại nói về nguyện lực của các vị Bồ-tát ấy đã viên mãn có khả năng thông thấu Pháp tạng của chư Phật, tuệ nhãn thanh tịnh, tâm hòa hợp khắp chốn, có tàm, có quý, tri túc, chánh niệm, chánh tuệ, tu hành miên mật các Ba-la-mật, các phương tiện khéo léo: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ; đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả; phạm hạnh thanh tịnh, đắc đại thần thông, nhận thức các pháp đều vô ngại không chấp trước; các pháp Bồ-đề phần đều tu đạt rốt ráo là bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Thánh đạo. Các vị Bồ-tát ấy đầy đủ các tướng tốt trang nghiêm thân, luôn vì lợi ích của chúng sinh, không lúc nào rời bỏ; như pháp mà hành không hề hư dối; rộng giảng Chánh pháp không có niệm tham cầu, tâm thanh tịnh ngay thật lìa mọi dối trá sai quấy, không hề sợ hãi cũng không kiêu mạn, tâm luôn bình đẳng với tất cả chúng sinh; thường cúng dường vô lượng trăm ngàn muôn ức chư Phật, Như Lai; vì vô lượng trăm ngàn na-do-tha chư Đại Bồ-tát mà cung kính tôn quý; lại vì muốn các hàng Phạm, Thích Tứ vương, Ma-hê-thủ-la, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn- na-la, Ma-hầu-la-già… khi nghe tên kinh liền xưng tán, sinh tâm hoan hỷ, nên các Ngài dùng phương tiện thiện xảo, vô ngại giải thoát, đối với tất cả các hình thức sai biệt của văn chương, chữ nghĩa đều có thể thông suốt, nếu có diễn đạt đều không bị vướng mắc.

Kinh này cũng giống như vị đại thương chủ lái chiếc thuyền pháp lớn vượt qua biển sinh tử, được ba mươi bảy món Bồ-đề phần vô cùng quý giá và đạt được pháp Đà-la-ni trong Phật pháp, là mẫu mực cho sự tu tập tâm niệm trọn không lầm lạc. Kinh này như Bậc Đại Đạo sư đã vượt bốn dòng thác sinh, lão, bệnh, tử, đầy đủ thệ nguyện, hàng phục ma oán, phá trừ các tà thuyết, dùng trí tuệ kim cang hợp với quân từ bi có thể phá hết mọi thứ phiền não. Kinh này ví như hoa sen trong ao bùn mà công đức rộng khắp, làm chỗ phát khởi và tăng lớn các nguyện lực, tâm đại Bồ-đề là cội rễ, các phương tiện thiện xảo pháp thủy thanh tịnh vi diệu làm nền; Bồ-đề là cành; thiền định là nhụy; lìa các nhiệt não, đạt thanh tịnh rộng khắp làm lá, đa văn, trì giới và không phóng dật đều không chướng ngại làm hương thơm, không hề bị nhiễm các pháp thế gian. Kinh này như Sư tử vương, phước trí là thể, thần thông là chân, bốn Thánh đế là móng, Phạm trụ là răng, bốn Nhiếp pháp là đầu, thấy rõ mười hai nhân duyên làm thân mạng, trí tuệ thâu đạt ba mươi bảy phẩm Bồ-đề làm đảnh đầu, ba cửa giải thoát làm hướng vươn tới, thiền định trí tuệ dùng làm mắt, các pháp Tam-muội làm chốn tu tập; từ rừng giới luật với bốn oai nghi, con đường đi vui hòa làm thân, mười lực cùng bốn vô sở úy nhờ tu tập đạt được làm sức mạnh, lìa mọi tham dục làm bước chân đi; tự tại, vô úy, vô ngã, vô pháp làm tiếng thét lớn hàng phục ngoại đạo như chế ngự bầy nai. Kinh này là mặt trời vô thượng trong đám trượng phu thế nhân; thiền định, trí tuệ, giải thoát là ánh sáng, đốm lửa loe loét của ngoại đạo tất bị mờ tắt, mọi vô minh tăm tối đều bị quét sạch, nơi cõi người trời càng thêm tỏ rạng; ví như mặt trăng tròn tỏa sáng trong lành không gợn chút mây, thế gian vui thích nhìn ngắm; là nguồn sáng an nhiên hơn hẳn trong các tinh tú, soi tỏ con đường giải thoát của đạo Bồ-đề; là đóa sen vàng nở tung trong cõi người trời. Cũng như bậc Chuyển Luân vương giáo hóa bình đẳng khắp bốn châu thiên hạ, lấy bảy món Bồ-đề phần làm vật báu, tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh làm mười pháp lành, lấy đại nguyện thành tựu các pháp vô ngại làm cỗ xe quý. Ví như biển lớn sâu rộng khó dò, lòng biển chứa vô số các thứ bảo vật, bị sóng dồi cũng không mất. Trí tuệ duyên khởi cũng thế, sâu rộng bao la, thâu nhiếp sung mãn hết thảy các pháp bảo. Tâm ấy bình đẳng như đất nước gió lửa, lìa mọi yêu ghét. Tâm lượng ấy thật cao tột, vi diệu, vững chắc, khó dời chuyển như núi Tu-di. Trí tuệ trùm khắp không hề bị cấu nhiễm vướng mắc, như hư không, ý vui vẻ thanh tịnh, thường hành bố thí pháp. Nghiệp tịnh tích chứa lâu đời, dứt mọi lời dối trá sai quấy, có thể bao gồm hết tất cả căn lành, tu tập tự tại suốt bảy a-tăng-kỳ, là chỗ các căn lành đã tu tập đều hướng về, phát huy năm phần phước đức, bố thí bảy món tịnh tài, thực hành Thập thiện làm tăng thêm năm mươi hai loại căn lành đã từng tu tập các chánh hạnh, tương ứng với bốn mươi phần vị; đã từng tu tập các thệ nguyện, tương ứng với bốn mươi phần vị; đã từng tu tập ý lạc, chánh trực đều tương ứng với bốn mươi phần vị; từng ở nơi bốn trăm ức (40.000.000) na-do-tha câu-chi cõi Phật xuất gia tu hành, từng ở nơi năm mươi trăm ức (500.000.000) na-do-tha câu-chi cõi Phật mà thực hành đại bố thí, đã từng gần gũi với ba trăm năm mươi câu-chi các vị Bích-chi-phật, đã từng giáo hóa vô lượng a-tăng-kỳ các chúng Thanh văn, đều khiến họ an trụ với các phương tiện chân chánh, vì muốn cho họ chứng đạt được quả vị A-nậu-đa-la-tam-miệu- tam Bồ-đề và đến địa vị Nhất sinh bổ xứ thành Phật. Từ đó, bậc Bồ-tát ấy mạng chung, sinh lên cõi trời Đâu-suất làm vị Thiên tử ở đấy tên Tịnh Tràng, luôn là chỗ để hàng chư Thiên cúng dường. Ở cõi trời đó, Bồ-tát sẽ thị hiện nơi cõi người, chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Ở cõi trời Đâu-suất ấy có đến ba vạn hai ngàn (32.000) nơi an lạc vi diệu. Điện lớn, cửa lớn, gác rộng lầu cao, mái hiên cửa sổ giăng mắc điểm tô nào cờ bay hoa kết, chuông báu lưới châu, thường xuyên tung hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la đầy khắp chốn. Chư Thiên thể nữ có tới trăm ngàn câu-chi na-do-tha, tấu lên các khúc Thiên nhạc. Các thứ cây báu ở đấy sinh ra nhiều loại hoa quý như hoa A-đề- mục-đa, hoa Câu-ni-la, hoa Chiêm-ba-ca, hoa Ba-sấc-la, hoa Mục- chân-đà-la, hoa A-du-ca, hoa Trấn-đầu-ca, hoa A-sa-na, hoa Kiến-ni- ca, hoa Kiên cố, hoa Đại kiên cố nở đầy khắp chốn. Ở trên cao phủ che đầy những dây lưới bằng vàng ròng bao quanh nhiều lớp trang nghiêm. Trong các ao báu cũng có nhiều thứ hoa đẹp như hoa Ma-lợi-ca, hoa Tô-mạn-na, hoa Bạt-la, hoa Bà-lợi-sư-ca, hoa Câu-đán-la, hoa Tô-kiến-đề, hoa Thiên-diệu-lý, hoa Ưu-bát-la, hoa Ba-đầu-ma, hoa Câu-vật-đầu, hoa Phân-đà-lợi, hoa Diệu hương… nhiều thứ hoa như vậy tạo thành màn hoa lớn muôn vẻ trang nghiêm. Lại có vô số loài chim như Anh vũ, Xá-lợi, Câu-chỉ-la, Nga, Nhạn, Uyên-ương, Khổng tước, Phỉ thúy, Ca-lăng-tần-già và nhiều chủng loại chim khác… hình sắc đủ loại, cất tiếng hót âm thanh vi diệu. Các vị Thiên tử ở cõi trời ấy số lượng có đến trăm ngàn câu-chi na-do-tha, thường vân tập đông đảo tại Đại pháp đường, nhiễu quanh chỗ Bồ-tát, lắng nghe nhận lãnh các pháp lớn vô thượng do Bồ-tát giảng, nhờ đó dứt trừ mọi tham sân kiêu mạn, kết sử, tất cả phiền não; sinh tâm rộng lớn, hoan hỷ tột độ, trụ trong an lạc, cảm nhận được nghiệp tịnh tu lâu dài của Bồ-tát.

Về kỹ nhạc của chư Thiên có đến tám vạn bốn ngàn loại đều phát ra các loại âm thanh hết sức vi diệu và trong âm thanh đó nghe rõ bài tụng:

 Nhớ Nhiên Đăng thọ ký
Tích chứa phước vô biên,
Vượt ra khỏi sinh tử
Trí tuệ càng tỏa sáng.
Tu tuệ thí nhiều kiếp
Tâm ta luôn lìa nhiễm
Dứt hẳn ba cấu mạn
Khẩu nghiệp thường trực chánh.
Nhớ vô biên kiếp trước
Muôn loại đều xưng tôn
Giới, nhẫn cùng tinh tấn
Tu định tuệ dài lâu.
Lại nhớ vô biên kiếp
Cúng dường chư Như Lai
Vượt khỏi sinh già chết
Hóa độ bao chúng sinh
Hằng thương xót muôn loài
Luôn nghĩ không hề bỏ.
Rồng, Quỷ, Thần, chư Thiên
Đều chiêm ngưỡng cung kính,
Chúng sinh mãi tham dục
Như biển chứa muôn sông,
Chỉ nhờ Bậc Đại Trí
Cứu vớt muôn chúng sinh.
Lìa khỏi cõi mê lầm
Vui pháp bỏ tham dục,
Mắt thanh tịnh sạch cấu
Thương xót khắp cõi trần.
Bồ-tát dày phước đức
Trụ trời Đâu-suất-đà
Chư Thiên trăm ngàn ức
Nghe pháp không hề nản
Xuống cõi Diêm-phù-đề,
Tâm Từ rưới cam lộ
Khắp cùng nơi cõi Dục
Chư Thiên vô sô ức
Thảy đều dốc lòng mong
Bồ-tát nên hạ sinh
Ắt trừ hết ma nghiệp
Diệt phá các tà thuyết
Phật đạo như “quán chưởng ”
Ứng xử luôn khế hợp
Lửa phiền não bốc cao
Nguyện làm mây lành phủ
Mưa pháp tuôn khắp nơi
Diệt sạch mọi lửa dữ.
Cổ Phật đã qua rồi
Nay Phật là Y vương
Dùng ba cửa giải thoát
Làm thuốc trừ muôn bệnh.
Khiến các loài hữu tình
Niết-bàn đến an trú
Đại pháp âm Như Lai
Ngoại đạo đều quy phục.
Ví như Sư tử hống
Trăm thú đều kinh hoàng
Trí tuệ lấy làm tay
Tinh tấn sinh từ đấy.
Ma quân nhiều vô kể
Tự tại thảy chế, trừ.
Phạm Thích trăm ngàn vị
Cung kính mong gặp Phật
Tứ vương dâng y bát
Chỉ mong Phật hạ sinh.
Nay phải nên quán kỹ
Gắn bó chủng tộc nào
Xem qua cõi Diêm-phù
Nêu rõ hạnh Bồ-tát.
Như châu báu quý giá
Vật ấy thật uy đẹp,
Trí tịnh ngọc Ma-ni
Cam lộ tưới chốn ấy
Âm nhạc của chư Thiên,
Lời kệ diễn bày rõ
Cầu thỉnh đức Bồ-tát
Đại Bi cứu chúng sinh.