Phá Trai

Pháp Sư Thích Đạo Thế
Viên Châu dịch

IX. PHÁ TRAI

IX.1. Lời dẫn

Xét kỹ cội rễ của vô thường, khổ, không; nghĩ thấu nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết; thương cho nỗi khổ bị “treo ngược” lâu dài, xót cho nạn theo dòng chìm nổi. Nghĩ đến những nguy hiểm này thật đáng kinh sợ! Vì ruộng phúc mỏng, nên của tín thí khó tiêu; giữ trai giới không bền như bình gốm chưa nung dễ vỡ, như sương móc dễ tan. Thế mà, con người tâm nhân ngã cứ tăng mạnh, lòng chấp trước chặt như keo sơn, không sợ tai ương nhiều kiếp, chỉ lo mạng sống trong một đời, ham ăn mê ngủ chẳng khác gì loài chó, phá trai ăn đêm tựa như loài ngạ quỉ. Do đó, thí chủ mất phúc cúng dường, chúng tăng bạc màu ruộng tốt.

IX.2. Chứng minh

[49a] Kinh Xá-lợi-phất vấn ghi: “Xá-lợi-phất bạch Đức Phật rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Có các đàn-việt xây dựng tăng-già-lam, cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng. Đời sau có người xuất gia, phi thời đến gặp vị tăng coi về ăn uống xin cơm. Vậy hai người ấy bị tội gì? Đàn-việt cúng dường được phúc không?

Đức Phật dạy:

– Người ăn phi thời là người phạm giới, phạm tội trộm cắp. Người cho phi thời cũng là phá giới, phạm tội trộm cắp. Trộm vật của đàn-việt là lấy vật mà thí chủ không cho, hoặc lấy mà không được thí chủ đồng ý; như vậy, thí chủ không có phúc, vì bị mất vật, nhưng vẫn được thiện lợi do phát tâm làm thức ăn.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Khi thụ nhận thức ăn và ăn đúng thời mà không hết, đến lúc phi thời lại ăn tiếp; hoặc thức ăn nhận đúng thời, nhưng để đến phi thời mới ăn thì được phúc không?

Đức Phật dạy:

– Người ăn đúng giờ là thanh tịnh, tức là phúc điền, là người xuất gia, là tăng-già, là bạn tốt, là thầy của trời và người. Người ăn phi thời là bất tịnh, là phá giới, là trộm cắp, là ngạ quỉ, phạm tội đào tường khoét vách.

Khi có người, phi thời đến xin, nếu người quản lý thức ăn cho thì người đó thoái tâm đạo, là ác quỉ, là tam ác đạo, là vật bị bể, là người bị bệnh hủi; vì như vậy là phá hoại quả lành, trộm cắp tự nuôi sống bản thân. Các bà-la-môn còn không ăn phi thời, hàng ngoại đạo Phạm chí cũng không kiếm ăn bằng nghề phi pháp, huống gì đệ tử của Ta, hiểu biết và thực hành theo chính pháp mà làm như vậy sao? Những người phạm như thế chẳng phải đệ tử của Ta. Đó là người không có phép tắc, là người hành không đúng pháp, trộm thức ăn. Trộm cho và trộm lấy, dù một nắm nhỏ hoặc một nhúm muối hay một ngụm rượu đều phạm tội trộm. Cả hai khi chết đều bị đọa vào địa ngục Tiêu Trường, nuốt hòn sắt nóng; khi ra khỏi địa ngục, sinh vào loài heo chó, ăn các thứ bất tịnh; lại sinh làm loài chim dữ có tiếng kêu khiến người ghê sợ, sau đó sinh vào loài ngạ quỉ, trở lại chốn già-lam, ở trong nhà xí ăn những thứ phân dơ, trải qua trăm nghìn năm. Chịu tội xong, được sinh vào loài người, nhưng làm kẻ nghèo cùng, hạ tiện, bị người ghét bỏ, không ai tin dùng. Trộm vật của một người thì tội còn nhẹ, cướp đoạt vật của nhiều người thì ruộng phúc tiêu tan, đoạn mất con đường xuất thế”.

Kinh Kiền-đà quốc vương[96] ghi: “Lúc Đức Phật còn tại thế, có vị quốc vương tên Kiền-đà phụng thờ bà-la-môn. Các bà-la-môn ở trong núi trồng nhiều cây trái. Một hôm, có tiều phu chặt phá cây trái, bà-la-môn trông thấy, liền bắt người ấy đưa đến vua, tâu rằng: ‘Người này vô cớ chặt phá cây trái của tôi, đại vương hãy giết ông ta’. [49b] Vua kính thờ bà-la-môn nên không dám trái ý, liền giết người kia. Sau đó không lâu, có một con trâu ăn lúa, bị người chủ ruộng đuổi theo đánh gãy một sừng, máu chảy đầy mặt, đau đớn vô cùng. Trâu chạy đến chỗ vua tâu rằng:

– Tôi chỉ vô ý ăn một ít lúa của người kia, mà chủ ruộng đánh gãy sừng của tôi.

Lúc ấy, người kia cũng vừa đuổi đến. Vua hiểu được tiếng của chim thú, nên nói với trâu rằng:

– Ta sẽ giết người này giúp ngươi.

Trâu liền thưa:

– Nay dù ngài giết chết người này cũng không thể làm cho tôi hết đau. Xin vua ra lệnh cho mọi người từ nay về sau không nên đánh những con trâu nữa!

Vua liền suy nghĩ: ‘Những bà-la-môn mà ta phụng thờ, chỉ vì mấy gốc cây bị đốn mà bảo ta giết người. Họ thật không bằng con trâu này. Ta thờ đạo này mà không thoát khỏi sinh tử thì đâu cần phải theo nữa?’.

Vua liền đến chỗ Phật, năm vóc gieo sát đất đỉnh lễ Đức Phật, xin thụ ngũ giới và thập thiện.

Đức Phật dạy:

– Người nào bố thí, trì giới thì ngay đời hiện tại được phúc đức; còn tu nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ thì công đức vô lượng, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời.

Khi nghe Đức Phật nói xong, vua vô cùng hoan hỉ, liền đắc quả Tu-đà-hoàn”.

A-nan bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Vua và con trâu này vốn có nhân duyên gì với nhau?

Đức Phật dạy:

– Thuở xưa, vào thời Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni[97], vua và con trâu này là hai anh em ưu-bà-tắc, cùng thụ trì trai giới một ngày một đêm. Người anh giữ giới tinh tiến, không dám lười biếng, đến lúc mạng chung được sinh lên cõi trời; thụ mạng ở cõi trời hết, sinh xuống nhân gian làm quốc vương. Người em phạm trai giới ăn đêm, nên khi chết phải chịu tội. Chịu tội xong, lại sinh làm thân trâu năm trăm kiếp, nhưng vẫn biết được việc đời trước của mình, nên đến khai ngộ cho vua. Bảy ngày sau, trâu chết, liền được sinh lên cõi trời.

Đức Phật lại dạy:

– Bốn chúng đệ tử phải thụ trì trai giới, không được tái phạm!

Kinh Pháp cú dụ[98] ghi: “Bấy giờ, Đức Phật ở Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên thuộc nước Xá-vệ, thuyết pháp cho hàng trời, rồng, quỉ thần nghe. Về phía đông, tại nước Uất-đa-la-bà-đề, có năm trăm bà-la-môn v.v… cùng nhau đến ba cái ao thần bên bờ sông Hằng tắm gội sạch sẽ, khỏa thân để cầu pháp tiên như pháp của ni-kiền-tử[99]. Do đầm quá lớn, nên họ lạc lối không thể qua được, trên đường đi bị thiếu lương thực. Từ xa họ trông thấy một cây lớn tỏa thần khí, lầm tưởng có người ở, bèn đi về đó, nhưng khi đến nơi thì không thấy ai. Các bà-la-môn khóc gào thảm thiết, đói khát khổ sở, sắp chết tại đầm ấy.

Thụ thần hiện ra hỏi các Phạm chí:

– Các đạo sĩ từ đâu đến và muốn đi đâu?

Các Phạm chí cùng đáp:

– Chúng tôi muốn đến ao thần tắm rửa mong được thành tiên, nay bị đói khát. Xin ngài thương xót cứu giúp!

[49c] Thụ thần liền đưa tay ra thì trăm món thức ăn uống từ tay tuôn ra, mọi người chẳng những ăn uống no đủ mà còn dư làm lương thực đi đường.

Lúc sắp ra đi, họ đến hỏi vị thần:

– Ngài tạo công đức gì mà có điều kỳ diệu như vậy?

Thụ thần kể với Phạm chí:

– Ngày xưa, tôi ở nước Xá-vệ, lúc ấy trong nước có một vị đại thần tên Tu-đạt cúng dường thức ăn cho Đức Phật và chúng tăng. Tu-đạt ra chợ mua sữa, nhưng không có người mang về, ông nhờ tôi mang đến dâng cúng Phật và chúng tăng. Khi đến tinh xá, ông sai tôi pha sữa và múc nước rửa tay, nhờ đó mà nghe được giáo pháp. Tôi vô cùng vui mừng, hết lòng khen ngợi, liền phát tâm trì trai, nên đến chiều về nhà không ăn. Vợ tôi ngạc nhiên hỏi:

– Chẳng hay chàng hờn giận điều gì mà không ăn cơm?

Tôi kể lại chuyện gặp trưởng giả Tu-đạt dâng cơm cúng Phật ở trong vườn, ông ấy mời tôi đến thụ Bát quan trai. Vợ tôi nghe xong, nổi giận nói rằng: ‘Cù-đàm phá hoại tập tục, sao có thể chấp nhận được? Ông bỏ đạo đó ngay, nếu không sẽ mang họa vào thân’.

Vợ tôi cứ ép buộc mãi, nên tôi phải ăn cơm, nửa đêm đó mạng chung. Do phá trai giới, và nghiệp chướng chưa dứt, nên thần thức tôi sinh làm thụ thần ở đầm này. Nhưng nhờ phúc mang sữa đến tinh xá mà nay tay tôi tuôn ra nhiều thức ăn như vậy. Nếu thụ trì trai giới trọn vẹn thì tôi được sinh lên cõi trời, hưởng phúc tự nhiên.

Thụ thần nói cho các Phạm chí nghe bài tụng rằng:

Cúng tế gieo gốc họa,
Ngày đêm cành nó lớn,
Luống khổ hại thân mình,
Pháp trai độ trời người”.

Kinh Bách duyên[100] ghi: “Bấy giờ, Đức Phật trú tại Kỳ Thụ Cấp Cô Độc Viên thuộc nước Xá-vệ. Đầu đêm, có năm trăm thiên tử, toàn thân tỏa ánh sáng rực rỡ, mang hương hoa đến cúng dường Phật. Sau khi đỉnh lễ Đức Phật xong, các thiên tử lui lại ngồi một bên nghe Đức Phật thuyết pháp. Tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn, họ nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi trở về thiên cung.

Đến sáng hôm sau, A-nan bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà chư thiên đến cúng dường như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

– Vào thời quá khứ, khi Phật Ca-diếp còn trụ thế, có hai vị bà-la-môn theo quốc vương đến đỉnh lễ, thăm hỏi Đức Phật. Trong đoàn có một ưu-bà-tắc khuyên hai vị bà-la-môn cùng thụ trai pháp. Người thứ nhất trì trai để cầu sinh lên cõi trời, người thứ hai cầu sinh làm quốc vương.

Thụ trai pháp xong, hai người trở về trú xứ. Các bà-la-môn nói:

– Chắc hai ông đã đói khát, hãy ăn uống cùng chúng tôi!

Họ ân cần mời mãi, nên vị cầu sinh lên cõi trời liền ăn. Do phá trai, nên sở nguyện không thành tựu, sau khi mạng chung ông ta bị đọa vào loài rồng. Còn người giữ giới, thì sinh làm quốc vương. Do đời trước hai người cùng thụ trai, nên con rồng sinh vào cái ao trong vườn của quốc vương.

[50a] Người giữ vườn, hàng ngày thường đem các loại rau quả dâng lên cho vua. Một hôm, người giữ vườn nhặt được trong ao một loại trái cây, màu sắc rất đẹp, hương vị thơm ngon. Ông suy nghĩ: ‘Ta ra vào nơi đây, thường được người gác cửa sắp xếp, ta nên mang quả này biếu cho ông ấy’. Nghĩ thế rồi, ông ta liền đem quả ấy biếu cho người gác cửa. Người gác cửa được quả ngon, lại suy nghĩ: ‘Ta ra vào hoàng cung, thường được thái giám sắp xếp, ta nên đem quả này biếu cho ông ấy’. Nghĩ thế rồi, ông ta liền mang quả ấy biếu cho thái giám. Thái giám được quả ngon, lại suy nghĩ: ‘Phu nhân thường khen ngợi công lao của ta trước vua, ta sẽ đem quả này dâng cho phu nhân’. Nghĩ vậy rồi, ông ta liền đem quả ấy dâng cho phu nhân. Phu nhân được quả ngon, liền dâng lên vua. Vua ăn cảm thấy rất thơm ngon, liền hỏi phu nhân:

– Từ đâu ái khanh có quả này?

Phu nhân đáp:

– Thái giám biếu cho thần thiếp!

Vua lần lượt tra hỏi, biết được quả này xuất phát từ người giữ vườn. Vua liền cho gọi người giữ vườn đến hỏi:

– Trong vườn có trái ngon như vậy, tại sao ngươi không dâng lên cho trẫm mà lại đem cho người khác?

Người giữ vườn trình bày rõ ngọn ngành, nhưng vua không tin, lại bảo rằng: ‘Từ nay về sau, ngươi phải thường xuyên dâng quả này cho ta. Nếu trái lệnh, ta sẽ giết ngươi’.

Người giữ vườn trở về khóc lóc sầu thảm, than thở: ‘Quả này không trồng thì làm sao có được!’.

Khi ấy, rồng sống trong ao nghe tiếng khóc, liền hóa thành người đến hỏi rằng:

– Tại sao ngươi khóc?

Người giữ vườn trình bày đầy đủ sự việc. Rồng nghe xong, liền xuống nước lấy quả ấy đặt trên mâm vàng, trao cho người giữ vườn và bảo:

– Ngươi mang quả này dâng lên cho vua và thuật lại ý của ta rằng: ‘Vào thời quá khứ, lúc Đức Phật còn tại thế, ta và quốc vương vốn là bạn thân, cả hai đều là Phạm chí, cùng tu bát quan trai. Mỗi người có một ý nguyện. Do vua giữ giới trọn vẹn nên nay được làm quốc vương, còn ta phạm giới nên sinh làm long vương. Nay ta lại muốn tu pháp bát quan trai để mong xả bỏ thân này. Mong ngươi hãy nói vua tìm cho ta một bản văn Bát quan trai, rồi mang đến đây, nếu vua trái ý ta, ta sẽ biến đất nước này thành biển cả’.

Bấy giờ, người giữ vườn nhận mâm trái cây dâng lên cho vua và tâu trình đầy đủ lời dặn dò của rồng. Vua nghe xong, trong lòng lo lắng, suy nghĩ: ‘Làm sao có thể tìm được. Hiện giờ, ngay cả danh từ Phật pháp cũng không có, huống gì văn Bát quan trai! Nếu tìm không được bản văn ấy, e rằng đất nước sẽ gặp tai ương’. Vua suy nghĩ mãi mà vẫn không thể tìm được cách giải quyết.

Bấy giờ, trong nước có một vị đại thần rất được vua quan kính trọng. Vua cho gọi đến và bảo:

[50b] – Rồng muốn xin trẫm bản văn Bát quan trai, khanh hãy tìm giúp trẫm!

Vị đại thần tâu:

– Đời nay không có Phật pháp thì làm sao tìm ra bản văn đó?

Vua lại bảo:

– Nếu khanh tìm không được, trẫm sẽ giết khanh.

Vị đại thần nghe xong, liền trở về nhà, sắc mặt lo lắng buồn rầu khác thường. Người cha của vị đại thần tuổi tác đã cao, thấy con về nét mặt khác thường, nên hỏi lý do. Vị đại thần liền trình bày rõ mọi việc cho cha nghe.

Người cha nói:

– Cha thấy cây cột trong nhà mình thường có ánh sáng phát ra. Con hãy chẻ ra xem thử.

Vị đại thần chẻ cột nhà ra thì quả thật có hai quyển kinh Thập nhị nhân duyên[101] và văn Bát quan trai[102]. Đại thần tìm được kinh, vô cùng vui mừng, liền đặt trên mâm vàng dâng lên cho vua. Vua có được quyển kinh, vui mừng khôn xiết, liền mang đến cho long vương. Long vương được bản văn Bát quan trai cũng rất vui mừng, liền đem châu báu tặng cho vua. Hai người từ biệt nhau, ai nấy trở về nơi ở của mình.

Long vương cùng năm trăm người con siêng năng tu tập pháp Bát quan trai, sau khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời Đao-lợi. Nay họ bay xuống cúng dường ta, nên có ánh sáng rực rỡ như vậy.

Đức Phật bảo A-nan:

– Ông nên biết, năm trăm rồng con thụ bát quan trai lúc đó, nay chính là năm trăm thiên tử này.

Lúc Đức Phật nói nhân duyên này, có người đắc bốn quả Sa-môn, có người phát tâm Vô thượng bồ-đề. Đại chúng nghe Đức Phật nói xong, đều hoan hỉ vâng theo”.

Tụng rằng:

Núi cao sắp thành, công dang dở,
Đường dài nghìn dặm, lại bỏ xe,
Sửa ác làm lành nhờ giáo pháp,
Đổi lòng nhiễm ác bởi nữ nhi,
Chuyên tu ngũ phúc không trọn vẹn,
Trai giới đâu giữ thành Bát quan,
Đêm dài dằng dặc nào ra khỏi,
Sông ái mênh mông há được qua!

————————————————–
[96] Kinh Kiền-đà quốc vương (Kiền-đà quốc vương kinh 犍陀國王經): kinh, một quyển, do ngài An Thế Cao dịch vào đời Hậu Hán, được xếp vào Đại chính tạng, tập 14. Nội dung kinh này thuật lại câu chuyện vua nước Kiền-đà nghe tiếng của con bò nói mà tỉnh ngộ, dứt tâm tàn bạo, bỏ Bà-la-môn giáo, qui y theo Phật.
 
[97] Phật Câu-na-hàm Mâu-ni (Câu-na-hàm Mâu-ni Phật 拘那含牟尼佛; S: Kanakamuni): vị Phật thứ bảy trong bảy vị Phật quá khứ, hay là Phật thứ hai trong một nghìn vị Phật ở kiếp Hiền.
 
[98] Kinh Pháp cú dụ (Pháp cú dụ kinh 法句喻經; S: Dharmapadāvadāna-sūtra): kinh, bốn quyển, do ngài Pháp Cự và Pháp Lập cùng dịch vào đời Tây Tấn, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Nội dung đưa ra một số truyện thí dụ, đồng thời đưa ra một kệ tụng kinh Pháp cú để giải thích nhân duyên đó.
 
[99] Ni-kiền-tử 尼犍子 (S: Nirgrantha-putra): ngoại đạo Ấn Độ thời xưa. Phái này lấy việc tu khổ hạnh lõa hình, xa lìa sự trói buộc về cơm áo của thế gian để giải thoát khỏi phiền não và sự ràng buộc trong ba cõi; cũng là một trong lục sư ngoại đạo, một trong tứ chấp ngoại đạo, một trong mười sáu tông ngoại đạo, một trong hai mươi thứ ngoại đạo Ấn Độ cổ đại.
 
[100] Kinh Bách duyên (Bách duyên kinh 百緣經): kinh, mười quyển, do cư sĩ Chi Khiêm người nước Nhục-chi, đời Ngô dịch.
 
[101] Kinh Thập nhị nhân duyên (Thập nhị nhân duyên kinh 十二因緣經): kinh, một quyển, do ngài Chi Khiêm dịch vào thời Ngô, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 16. Nội dung kinh này nói rộng về mười hai nhân duyên.