Lười Biếng Và Kiêu Mạn

Pháp Sư Thích Đạo Thế
Nguyên Ý – Nguyên Lộc dịch

XXV. LƯỜI BIẾNG VÀ KIÊU MẠN

Gồm ba phần: Lời dẫn, Dẫn chứng, Lập chí.

XXV.1. Lời dẫn

Hành giả sở dĩ không đạt đạo là do tâm trí lười biếng, ngu muội. Tâm trí [153a] lười biếng, ngu muội phần nhiều là do bị ngoại duyên quấy nhiễu. Sự quấy nhiễu này do ba nguyên nhân: danh lợi lôi cuốn, sắc đẹp quyến rũ và ham đắm vị ngon.

Danh lợi tuy gặp phải hàng ngày, nhưng dần dần mới chất chứa nơi tâm. Sắc đẹp yêu kiều vừa chạm đến thì lòng đã sâu nặng. Vị ngon càng đậm thì ràng buộc càng chặt. Tất cả những việc khác đều là cành lá của ba điều này thôi.

Bậc thánh biết rõ: “Nếu không đoạn trừ ba điều này, thì không thể chứng đắc đạo quả”. Như đặc tính của nước, khi hội tụ, thì sức rất mạnh; khi phân tán, thì thế yếu kém. Đặc tính của lửa cũng như vậy. Nên luận nói: “Chất càng nhẹ thì thế càng mạnh, chất càng nặng thì thế càng yếu”. Từ đó suy xét, thật nhờ sự chuyên cần mà ngộ đạo. Người lười biếng, kiêu mạn do tham đắm thanh sắc sẽ làm chướng ngại quả Thánh. Vì vậy, Thế Tôn gióng trống pháp ở vườn Nai, Khổng Tử[64] truyền lẽ đạo nơi nước Lỗ, có tai mắt còn chẳng thể thấy nghe, thì tâm thức đâu thể khế ngộ.

XXV.2. Dẫn chứng

Luận Tát-bà-đa ghi: “Giới (Ba-la-đề-mộc-xoa), nếu nói theo năm đường[65], chỉ có người đắc giới, còn bốn đường kia thì không. Trong đó, cõi trời vì đắm trước lạc thú sâu nặng, nên không thể đắc giới.

Ngày xưa, vì đệ tử bệnh, ngài Mục-kiền-liên[66] lên cung trời Đao-lợi để hỏi Kì-bà[67]. Gặp lúc chư thiên vào vườn Hoan Hỷ[68], ngài Mục-kiền-liên đứng đợi bên đường, tất cả chư thiên đều không nhìn, chỉ có Kỳ-bà đi sau, trông thấy ngài Mục-kiền-liên, đưa một tay chào, rồi cưỡi xe đi qua.

Thấy vậy, Mục-kiền-liên suy nghĩ: ‘Người này khi ở nhân gian là đệ tử của ta, nay hưởng phúc trời, vì đắm trước lạc thú cõi trời, nên đã đánh mất bản tâm’. Ngài liền dùng thần lực chận xe dừng lại. Kì-bà xuống xe, đỉnh lễ Mục-kiền-liên. Mục-kiền-liên quở trách đủ điều. Kì-bà thưa:

– Khi ở nhân gian, con là đệ tử của ngài, nên mới đưa tay chào, chứ các thiên tử khác đâu có làm như thế!

Bấy giờ, Mục-kiền-liên mới đến khuyên Thích-đề-hoàn-nhân.

– Phật ra đời rất khó gặp, sao không thường đến hầu cận, lãnh thụ chính pháp?

Đế Thích muốn phân tích cho Mục-kiền-liên, nên sai sứ bảo một thiên tử đến. Gọi ba lần, thiên tử vẫn không đến, sau bất đắc dĩ mới đến. Đế Thích thưa với Mục-kiền-liên:

– Thiên tử này chỉ có một thiên nữ và một loại nhạc để tự vui, nhưng vì tâm dục nhiễm sâu nặng, tuy vâng mệnh, cũng không dứt bỏ được, cho nên không chịu đến. Huống gì là thiên vương có rất nhiều cung điện, vô số thiên nữ, [153b] cần ăn thì tự có trăm vị, lại có trăm nghìn âm nhạc để vui, nên nhìn đông thì quên tây. Tuy biết Đức Phật ra đời rất khó gặp, chính pháp khó nghe, nhưng vì lạc thú trói buộc, nên không được tự tại.

Lại biết ba đường ác thống khổ thế nào rồi, nên không có nhân duyên đắc giới. Còn trong cõi người, chỉ có ba châu đắc giới, riêng Bắc Uất-đơn-việt không có Phật pháp, không đắc giới, là vì người cõi này ngu si và phúc báo ngăn che, nên không thụ trì chính pháp”.

Luật Thiện kiến[69] ghi: “Lục quần tì-kheo[70] ngồi chỗ thấp, thuyết pháp cho những người ngồi chỗ cao, là xem thường pháp.

Đức Phật quở trách họ và bảo các tì-kheo:

Thuở xưa, tại nước Ba-la-nại, có một cư sĩ tên Xa-ba-gia. Người vợ mang thai muốn ăn xoài, nên nói với chồng:

– Thiếp muốn ăn xoài, chàng có thể tìm cho thiếp được không?

Người chồng trả lời:

– Lúc này không phải mùa xoài, ta làm sao tìm được?

Người vợ nói:

– Nếu chàng không tìm được, chắc thiếp sẽ chết.

Nghe vợ nói vậy, người chồng suy nghĩ: ‘Chỉ trong vườn nhà vua mới có xoài trái mùa, ta sẽ đến hái trộm’. Nghĩ xong, đợi đêm đến, người chồng lẻn vào vườn nhà vua để hái trộm. Chưa hái được quả nào thì trời đã sáng, không thể ra khỏi vườn, nên anh ta trốn trên cây.

Bấy giờ, vua cùng bà-la-môn vào vườn, vua muốn ăn xoài. Bà-la-môn ở dưới thấp, thuyết pháp cho vua ngồi trên tòa cao. Đang núp trên cây, người trộm quả nghĩ: ‘Việc ta trộm quả đáng bị chết, nhưng nhờ vua nghe bà-la-môn thuyết pháp, nên nay ta được thoát. Ta đã không đúng pháp, vua cũng không đúng pháp, bà-la-môn cũng không đúng pháp. Vì sao? Ta vì vợ mà trộm xoài của vua, vua vì kiêu mạn nên để thầy ngồi chỗ thấp mà mình ngồi tòa cao nghe pháp, bà-la-môn vì tham lợi dưỡng nên tự ngồi chỗ thấp, thuyết pháp cho vua. Nay cả ba người đều không đúng pháp, nên ta được thoát’. Suy nghĩ xong, anh ta leo xuống, đến trước vua và nói kệ:

Hai người không biết pháp
Hai người không trọng pháp
Người dạy không y pháp
Người nghe không hiểu pháp
Vì ăn cơm gạo ngon
Và các thức thượng vị
Chỉ vì sự uống ăn
Tôi nói không đúng pháp
Cũng chỉ vì danh lợi
Phá hủy phép tắc riêng.

Nghe bài kệ này, vua tha tội cho người trộm quả.

Đức Phật bảo:

– Khi là phàm phu, Ta còn biết đó là việc không đúng pháp, huống nữa nay đã thành Phật. Các ông là đệ tử hãy thuyết pháp cho người ngồi chỗ thấp. Người trộm quả thuở ấy là tiền thân của Ta”

Luận Đại trí độ ghi: “Vào thời Phật Ca-diếp, [153c] có hai anh em cùng xuất gia học đạo. Một người chuyên trì giới, tụng kinh, tọa thiền, còn người kia chuyên khuyến hóa đàn-việt, làm phúc thiện.

Đến khi Phật Thích-ca ra đời, một người sinh trong nhà trưởng giả, một người làm voi trắng to lớn, sức mạnh có thể đánh tan quân giặc. Con của trưởng giả xuất gia học đạo, được sáu thần thông[71], chứng quả A-la-hán[72], nhưng do kém phúc nên khất thực khó được. Một hôm, vị này ôm bát, vào thành khất thực, đi khắp nơi mà không được; khi ngang qua chỗ voi trắng, thấy nhà vua cho nó ăn đủ thứ, nên nói với voi:

– Ta và ngươi đều có tội.

Voi trắng cảm nhận được, ba ngày liền không ăn. Người giữ voi lo sợ, tìm gặp vị tăng và hỏi:

– Ngài làm cách gì khiến cho voi trắng của vua bị bệnh, bỏ cả ăn uống?

Vị tăng đáp:

– Con voi này đời trước là sư đệ của tôi, cùng xuất gia học đạo vào thời Phật Ca-diếp[73]. Lúc đó, tôi chỉ trì giới, tụng kinh, tọa thiền, không thực hành bố thí; còn sư đệ chỉ khuyến hóa đàn-việt, bố thí, không giữ giới, không tu học. Vì thế, nên nay sư đệ làm thân voi, nhưng nhờ hành bố thí nên ăn uống sung túc, đủ các món ngon. Còn tôi thuở ấy chỉ lo tu học, không chịu bố thí, nên nay tuy chứng quả, nhưng khất thực khó được. Vì nhân duyên sai khác, nên tôi tuy gặp Phật ra đời mà vẫn bị đói khát”.

Kinh Bách dụ[74] ghi: “Thuở xưa, tại một nước nọ, vào ngày lễ hội, tất cả phụ nữ đều dùng hoa sen xanh trang sức. Bấy giờ, trong một nhà nghèo, người vợ nói với chồng:

– Nếu chàng tìm được hoa sen xanh cho em, thì em sẽ làm vợ chàng. Nếu không tìm được thì em sẽ bỏ chàng ra đi.

Người chồng vốn có tài giả tiếng uyên ương[75], nên lẻn vào ao của vua giả tiếng uyên ương để trộm hoa sen xanh. Khi ấy, người giữ ao hỏi:

– Ai đó?

Anh ta giật mình, buộc miệng đáp:

– Tôi là chim uyên ương.

Người giữ ao liền bắt anh ta đưa đến chỗ vua. Giữa đường, anh ta giả tiếng uyên ương. Người giữ ao nói:

– Hồi nãy sao anh không kêu, bây giờ kêu có ích gì?

Người ngu trên thế gian cũng vậy, trọn đời giết hại, tạo các nghiệp ác, không chịu tu tâm cho thuần thiện; khi sắp chết, mới nói ‘tôi nay muốn tu thiện’, thì đã bị ngục tốt[76] bắt giao cho vua Diêm-la[77], dù muốn tu thiện cũng không kịp. Giống như anh chàng ngu kia gần đến chỗ vua mới giả tiếng uyên ương”.

Kinh Bách dụ ghi: “Ngày xưa, có trưởng giả rất giàu. Vì muốn được lòng ông, nên những người chung quanh đều cung kính. Mỗi khi trưởng giả khạc đàm, những người hầu lấy chân chà đạp. [154a] Bấy giờ, có người hầu ngu không tranh kịp, nên nghĩ: ‘Nếu đợi đàm rơi xuống đất, thì người khác đạp hết. Vậy khi ông ấy gần khạc, ta hãy đạp trước’. Lúc ấy, Trưởng giả sắp khạc đàm, người ngu liền đưa chân đạp vào miệng trưởng giả, làm ông ta bị dập môi, gãy răng. Trưởng giả hỏi:

– Tại sao ngươi đạp miệng ta?

Người ngu trình bày lý do:

– Khi ông vừa muốn khạc, tôi đưa chân đạp trước, mong được lòng ông!

Phàm làm việc gì cũng phải đợi thời cơ. Thời cơ chưa đến mà cố sức gượng ép thì ngược lại sẽ chuốc lấy khổ não. Vì vậy, người đời nên biết đúng lúc và không đúng lúc”.

XXV.3. Lập chí

Kinh Tạp thí dụ[78] ghi: “Ngày xưa, có một người tên Tác-bạc, nghe ở nước ngoài có nhiều của báu lạ, muốn đến đó để mưu sống, nhưng giữa hai nước có nạn quỷ la-sát[79], không thể qua được. Một hôm, Tác-bạc đi khắp nơi, bỗng thấy cửa tây của chợ có một vị tăng ngồi trên chiếc giường trống, rao bán năm giới[80]. Tác-bạc hỏi:

– Năm giới là gì?

Vị tăng trả lời:

– Năm giới không hình tướng, miệng trao tâm nhận trực tiếp, đời sau được sinh lên trời, hiện đời thì thoát khỏi nạn quỷ la-sát.

Nghe vị tăng nói vậy, Tác-bạc muốn mua, liền hỏi:

– Bán bao nhiêu tiền?

Đáp:

– Một nghìn đồng tiền vàng.

Tác-bạc liền thọ năm giới. Sau đó, vị tăng lại dặn dò:

– Sang bên kia biên giới, nếu gặp quỷ la-sát, ông chỉ cần nói: ‘Tôi là đệ tử năm giới của Đức Phật Thích-ca’ là thoát nạn.

Không bao lâu, Tác-bạc đến ranh giới hai nước, thấy một con quỷ la-sát thân cao một trượng ba thước[81], đầu vàng, mắt đỏ, mình đầy vảy cứng, miệng há rộng, đi nhanh như én bay, chân đạp đất lún tới gối, miệng phun máu nóng. Cả bọn mấy nghìn la-sát vây bắt Tác-bạc. Tác-bạc liền nói:

– Tôi là đệ tử năm giới của Phật Thích-ca.

Nghe vậy, la-sát vẫn quyết không chịu buông. Tác-bạc liền dùng hai tay đấm la-sát, thì tay dính chặt vào vảy của nó, rút không ra; lại dùng chân đạp đầu, thì chân cũng mắc cứng. Đến lúc này, năm phần thân thể của ông đều dính chặt trong vảy của nó, chỉ còn lưng cử động được. La-sát nói:

Thân và tay chân ngươi
Đều đã bị dính chặt
Chỉ nên đành chịu chết
Vùng vẫy có ích gì?

Tác-bạc vẫn kiên trì, nói với la-sát:

Thân và tay chân tôi
Tạm thời bị cột trói
Tôi giữ tâm vàng đá
Ắt không bị ngươi hại.

La-sát lại nói với Tác-bạc:

[154b] Ta là vua loài quỷ,
Có sức mạnh phi thường,
Xưa nay ăn cả người,
Số nhiều không tính xiết,
Ngươi hãy nên chịu chết,
Sao còn tự khoe khoang?

Tác-bạc nổi giận, muốn mắng nhiếc, nhưng suy nghĩ: ‘Thân này luân hồi trong ba cõi, chưa từng thí cho ai ăn. Nay ta sẽ thí cho quỷ la-sát này một bữa no nê’. Nghĩ xong, Tác-bạc nói kệ:

Thân ta lắm tanh hôi
Từ lâu muốn bỏ rồi
Nay gặp phải la-sát
Xin bố thí thân này
Chí ta cầu Đại thừa
Thành tựu Nhất thiết trí[82].

La-sát thông minh, hiểu lời Tác-bạc, nên cảm thấy hổ thẹn, thả Tác-bạc ra, quỳ xuống, chắp tay sám hối:

Ngài là thầy độ người
Hiếm có trong ba cõi
Chí cầu pháp Đại thừa
Không lâu sẽ thành Phật
Thế nên, tôi quy y
Cúi đầu thành kính lễ.

Sau khi sám hối, la-sát đưa Tác-bạc sang nước ngoài lấy nhiều châu báu, rồi đưa ông ta về nhà. Nhờ huân tu công đức, nên Tác-bạc chứng quả Dự lưu”[83].

Nên biết, năng lực của giới không thể nghĩ bàn. Khuyên các hành giả nghiêm trì giới cấm, lập chí dõng mãnh giống như người này.

Luận Đại trí độ ghi: “Một con rồng độc nọ có sức mạnh phi thường. Khi nó nhìn, hễ người yếu thì chết ngay; khi nó thổi khí độc, dù người mạnh cũng chết. Bấy giờ, rồng thọ giới một ngày, ra khỏi hang, vào rừng tư duy. Hồi lâu, rồng mỏi mệt, nên ngủ thiếp đi.

Khi rồng ngủ, thân khoanh tròn như rắn, da nó ánh lên màu bảy báu. Thấy vậy, thợ săn vui mừng và nghĩ: ‘Đây là bộ da hiếm có lại khó được, đem dâng lên vua để làm vật trang sức, không phải là việc đáng làm sao?’ Nghĩ xong, thợ săn liền lấy gậy đè đầu rồng, rồi lấy dao lột da.

Rồng liền nghĩ: ‘Sức ta có thể làm nghiêng đổ cả một nước, người bé nhỏ này đâu làm gì được ta! Nay ta trì giới không nghĩ đến thân, vâng lời Phật mà nhẫn chịu’. Nghĩ rồi, rồng nhắm mắt không nhìn, ngậm miệng không nhả khí, thương xót người ấy, nằm yên để thợ săn lột da, không khởi ác ý. Vì vậy, rồng không có da che thân, chỉ còn khối thịt đỏ, đau đớn quằn quại trên đất.

Khi ấy, trời nắng gắt, rồng muốn bò đến sông lớn, nhưng bị các côn trùng rỉa thịt ăn. Vì trì giới, [154c] rồng không dám cựa mình. Rồng lại nghĩ: ‘Nay đem thân này bố thí cho các loài trùng để cầu Phật đạo, dùng thịt này bố thí để chúng được no; sau này thành Phật, dùng pháp bố thí để tâm chúng được lợi ích’. Đến khi thân khô, rồng mạng chung, sinh lên cõi trời Đao-lợi.

Rồng độc thuở ấy là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, thợ săn bấy giờ là lục sư và Đề-bà-đạt-đa… Các loài trùng là tám vạn chư thiên đắc đạo khi Đức Phật vừa chuyển pháp luân.

Loài vật còn nghiêm trì cấm giới như thế, đến chết vẫn không phạm, huống nữa là con người, đâu được cố phạm”.

Luật Ngũ phần ghi: “Đức Phật dạy: Vào thời quá khứ, có một con rắn đen cắn con nghé, rồi bò vào hang. Bấy giờ, một thầy chú thuật niệm thần chú Cổ Dương[84] cho rắn bò ra, nhưng không linh nghiệm. Thầy chú thuật bèn đốt lửa trước con bò nghé, niệm chú hóa thành con ong lửa bay vào hang đốt rắn. Rắn đau đớn chịu không nổi, nên bò ra khỏi hang. Thấy vậy, dê đen dùng sừng hất rắn đến trước thầy chú thuật. Thầy chú thuật nói:

– Ngươi hút nọc độc ở con nghé đi; nếu không, ta sẽ quăng vào lửa.

Nghe vậy, rắn đen nói kệ:

Tôi đã phóng độc ra
Nhất định không thu lại
Nếu có phải bị chết
Mạng này cũng chẳng cần.

Thế là rắn không chịu thu độc lại, tự gieo mình vào lửa.

Đức Phật bảo:

– Rắn đen thuở ấy chính là Xá-lợi-phất, trước đây chấp nhận nỗi khổ bị chết như thế mà không thu độc lại, huống gì nay lại lấy thuốc đã vứt bỏ”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Đức Phật dạy: Vào thời quá khứ, giữa hai nước Ca-thi và Tì-đề-hê có một cánh đồng trống. Nơi ấy, có một ác quỷ tên Sa-tra-lư thường chặn đường đi, tất cả dân chúng không ai qua lại được.

Bấy giờ, có vị thương chủ tên là Sư Tử, dẫn theo năm trăm thương buôn, muốn đi qua đường này. Mọi người lo sợ không thể qua được, vị thương chủ nói:

– Yên lòng, chớ sợ, cứ đi theo tôi.

Thế rồi, vị thương chủ đi trước dẫn đường, đến chỗ quỷ và nói:

– Ngươi không nghe danh ta ư?

Quỷ đáp:

– Tôi nghe danh ông, nên đến đây giao chiến.

Quỷ lại hỏi:

– Ngươi có tài cán gì?

Khi ấy, vị thương chủ liền giương cung bắn quỷ. Năm trăm mũi tên bắn ra đều chui vào bụng quỷ; lại dùng dao, gậy đánh, thì cũng dính vào bụng hắn. Vị thương chủ xông tới, lấy tay trái đánh, tay trái cũng dính vào; lấy tay phải đánh, tay phải cũng dính vào; dùng chân phải đạp, chân phải cũng dính vào; dùng chân trái đạp, chân trái cũng dính vào; lại dùng đầu húc, đầu cũng bị dính. Khi ấy, quỷ nói kệ:

Tay, chân và cả đầu
Hết thảy đều bị dính
Người, vật nào chẳng dính?

[155a] Thương chủ đáp lại bằng kệ:

Tay, chân và đầu của tôi đây
Tất cả tiền tài và dao gậy
Tất cả vật ấy tuy đã dính
Nhưng sức tinh tấn chẳng dính ngươi.
Tinh tấn vững mạnh không ngừng nghỉ
Giao chiến với ngươi quyết chẳng thua
Ta nay tinh tấn không ngừng nghỉ
Tuyệt đối chẳng hề sợ hãi ngươi.

Khi ấy, quỷ nói:

– Nay ta vì ngươi mà thả cho năm trăm thương buôn này.

Đức Phật bảo:

– Sư Tử thuở ấy là tiền thân của Ta, Sa-tra-lư là quỷ ở đồng trống vậy”.

Luận Tạp-bà-sa ghi: “Thấy Bồ-tát ngồi dưới cây bồ-đề , thân ngay thẳng, bất động, phát nguyện chứng quả Vô thượng chính giác, Ma vương vội rời khỏi cung điện của mình, đến chỗ Bồ-tát và nói:

– Này người con dòng Sát-đế-lợi, hãy rời khỏi chỗ ngồi này. Nay thời ác trược[85], chúng sinh cương cường, nhất định không thể chứng đạo Vô thượng bồ-đề. Ông nên nhận lấy ngôi Chuyển luân vương[86], ta sẽ dâng cúng bảy báu.

Bồ-tát bảo:

– Lời ngươi vừa nói như dụ dỗ trẻ con. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú có thể rơi xuống; núi, sông, đại địa có thể bay lên hư không, nhưng không thể nào khiến Ta rời khỏi tòa này khi chưa chứng đạo Bồ-đề.

Sau đó, Ma vương dẫn theo ba mươi sáu câu-chi[87] ma quân. Mỗi con hiện ra hình thù đáng sợ, cầm các binh khí với nhiều màu sắc, bao vây khắp ba mươi sáu du-thiện-na[88], đồng loạt xông tới cội bồ-đề để quấy nhiễu Bồ-tát, nhưng không được. Bấy giờ, thân tâm Bồ-tát bất động, vững hơn núi Tu-di[89]”.

Kinh Tăng-già-la-sát ghi: “Xưa Bồ-tát hiện thân làm chim anh vũ[90] thường sống trên cây. Bấy giờ, gió thổi cây cối cọ xát nhau làm phát ra lửa. Lửa dần dần bốc cháy mạnh đốt cả vùng núi ấy.

Anh vũ suy nghĩ: ‘Như loài chim bay ngang qua đây, chỉ đậu trên cây giây lát mà còn khởi tâm báo ân, huống nữa ta đêm ngày sống ở đây mà không dập tắt lửa ư?’ Nghĩ thế rồi, anh vũ bay ra biển, dùng đôi cánh lấy nước đem về dập tắt lửa, lại còn dùng miệng để phun, chạy tới chạy lui. Thấy anh vũ lao nhọc, thiện thần động lòng, liền giúp anh vũ dập tắt lửa”.

Luận Đại trí độ ghi: “Ngày xưa, có con chim trĩ[91] sống ở trong rừng. Một hôm, khu rừng bỗng nhiên phát hỏa, một mình chim trĩ lao nhọc, bay đến sông lấy nước dập lửa. Nó bôn ba đến đi hết sức vất vả, nhưng không lấy làm khổ. Thấy vậy, trời Đế Thích hỏi:

– Ngươi làm gì vậy?

Thưa:

– Vì thương chúng sinh, nên tôi ra sức cứu khu rừng này. Trước đây, rừng này mát mẻ, che chở chúng tôi lâu nay sống yên ổn thoải mái. [155b] Tôi cùng họ hàng và nhiều loài khác đều nương náu ở đây. Nay tôi còn sức, vì sao không chữa cháy?

Đế Thích hỏi:

– Ngươi siêng năng như vậy, đến bao giờ mới thôi?

Trĩ đáp:

– Đến chết mới thôi!

Đế Thích hỏi:

– Ai làm chứng cho ngươi?

Trĩ liền phát nguyện:

– Nếu tâm tôi chí thành, niềm tin không hư dối, xin cho ngọn lửa này hãy tự tắt.

Bấy giờ, chư thiên ở cõi trời Tịnh Cư[92] biết chim trĩ phát thệ nguyện rộng lớn, nên dập tắt lửa. Từ đó về sau, khu rừng này trở nên xanh tốt, không bao giờ còn bị nạn lửa đốt cháy.

Cho nên, kinh ghi: “Người có nguyện lành, chư thiên ắt ủng hộ”. Lời này đã được chứng nghiệm.

Bài tụng:

Biếng học mê tam thừa[93]
Người hỏi chẳng biết một
Nụ hoa không có hạt
Khi nở sao được quả?
Tâm kiêu mạn chất đầy
Khinh người, nhân chẳng tốt
Đọa vào nơi tối tăm
Giam hãm trong ngục kín
Trải qua trăm nghìn năm
Chịu muôn ức thống khổ
Khổ mà không ăn năn
Do kiêu mạn, giải đãi
Thánh nhân khéo nói dụ
Lập chí cần hiểu luật
Phàm phu khinh thường pháp
Đâu biết hối hận ngay”.
——————————————

[64] Khổng Tử 孔子: người nước Lỗ đời Chu, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, từng làm quan nước Lỗ, sau một thời chu du thiên hạ, trở về nước, soạn lại kinh Thi, kinh Thư, định lại kinh Lễ, phê bình giảng giải kinh Dịch và soạn ra kinh Xuân Thu, đồng thời mở trường dạy học, khai sáng Nho giáo, học trò có tới hơn ba nghìn người, thọ 73 tuổi (551 – 479 trước TL).
 
[65] Năm đường (ngũ đạo 五道): năm nơi, chúng sinh tùy theo nghiệp duyên đã tạo mà được sinh về. Đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cõi người và cõi trời.
 
[66] Mục-kiền-liên目犍連 (S:Maudgalyāyana ): vị a-la-hán có thần thông bậc nhất trong mười vị đại đệ tử của Phật.
 
[67] Kì-bà 耆婆: danh y Ấn Độ, sống vào thời Đức Phật còn tại thế, làm ngự y cho vua Tần-bà-sa-la và vua A-xà-thế. Ông rất thành tâm tín ngưỡng Phật giáo, thường đến trị bệnh cho đệ tử Phật.
 
[68] Vườn Hoan Hỷ (Hoan Hỷ viên 歡喜園): một trong bốn khu vườn của Đế Thích trên cung trời Đao-lợi. Khu vườn này nằm ở phía bắc thành Thiện Kiến, khi chư thiên dạo chơi trong đó, thì rất vui vẻ, nên gọi là vườn Hoan Hỷ.
 
[69] Luật Thiện kiến (Thiện kiến luật 善見律; Cg: Thiện kiến luật tì-bà-sa): luật, mười tám quyển, do ngài Tăng-già-bạt-đà-la dịch vào đời Nam Tề, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 24. Đây là một trong năm bộ luận của luật bộ Tiểu thừa, chú thích luật tạng do Thượng Toạ bộ của Tích Lan truyền.
 
[70] Lục quần tì-kheo 六群比丘 (S: ṣaḍ-vargīka-bhikṣu): sáu tì-kheo thường làm việc phi pháp thời Phật còn tại thế. Sáu vị này cấu kết thành bè đảng, không giữ luật nghi, thường làm những việc xấu. Đức Phật căn cứ vào những hành vi của họ mà chế giới.
 
[71] Sáu thần thông (lục thần thông 六神通; S: ṣaḍ abhijñāḥ): sáu năng lực thù thắng của bậc thánh tam thừa. Đó là thần túc thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và lậu tận thông.
 
[72] A-la-hán 阿羅漢 (S: arhat): quả vị cao nhất trong bốn quả vị thanh văn.
 
[73] Phật Ca-diếp (Ca-diếp Phật 迦葉佛; S: Kāśyapa Buddha): Đức Phật thứ sáu trong bảy Đức Phật thời quá khứ, cũng là Đức Phật thứ ba trong một nghìn Đức Phật thuộc kiếp Hiền.
 
[74] Kinh Bách dụ (Bách dụ kinh 百喻經; S: Kāśyapa Buddha): kinh, bốn quyển, do ngài Tăng-già-tư-na người Ấn Độ soạn vào thế kỷ thứ V, đệ tử của ngài là Cầu-na-tì-địa dịch ra chữ Hán vào thời Nam Tề (429), được xếp vào Đại Chính tạng tập 4. Kinh này sưu tập các câu chuyện thí dụ, nói về thiện ác, tội phước, báo ứng bằng hình thức ngụ ngôn. Nội dung kinh này gồm một trăm thí dụ, dùng để thuyết minh giáo nghĩa của Phật giáo.
 
[75] Uyên ương 鴛鴦: tên loài chim thuộc giống vịt trời, con trống là uyên, con mái là ương, lúc nào đi cũng có đôi.
 
[76] Ngục tốt 獄卒 (S: naraka-pāla): loài quỷ ở địa ngục, hiện các thứ hình tướng đáng sợ như đầu trâu, đầu ngựa để trị những người phạm tội.
 
[77] Diêm-la vương 閻羅王: vua của thế giới ma quỷ, vị tổng quản cõi U Minh và cũng là vị chủ thần địa ngục.
 
[78] Kinh Tạp thí dụ (Tạp thí dụ kinh 雜譬喻經): kinh, một quyển, do ngài Đạo Lược gom tập, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Diêu Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 4. Gồm ba mươi chín dụ, chủ yếu nêu các nhân duyên thí dụ để thuyết minh, lý luận về thiện ác, nghiệp báo.
 
[79] La-sát 羅剎 (S: rākṣasa): loài ác quỷ trong thần thoại Ấn Độ, có sức thần thông, bay nhanh trong hư không hoặc đi nhanh trên mặt đất.
 
[80] Năm giới (ngũ giới 五戒; S: pañca śīlāni): năm giới của hàng nam nữ tại gia thọ trì. Đó là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không uống rượu.
 
[81] Một trượng ba thước (nhất trượng tam xích一丈三尺): khoảng 3,3m.
 
[82] Nhất thiết trí 一切智 (S:sarvajña): trí biết rõ tất cả pháp tướng trong ngoài.
 
[83] Quả Dự lưu (Dự lưu quả 預流果; S: srotāpanna): quả vị dự vào hàng thánh vô lậu, một trong bốn quả vị của thanh văn (Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn và Vô sinh).
 
[84] Cổ Dương 羖羊: con dê đực màu đen.
 
[85] Trược ác 濁惡: là năm thứ cặn đục khởi lên trong kiếp giảm. Đó là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mạng trược.
 
[86] Chuyển luân vương 轉輪王 (S: cakra-varti-rājan): vị vua làm cho chính pháp ngự trị ở thế gian, cai trị bốn châu chung quanh núi Tu-di. Cõi nước vị vua này rất giàu đẹp, nhân dân an lạc.
 
[87] Câu-chi 俱胝 (S: koṭi): đơn vị chỉ số lượng của Ấn Độ, là số nghìn vạn hoặc ức của Trung Quốc.
 
[88] Du-thiện-na 踰繕那 (Cg: do tuần): đơn vị đo chiều dài thời xưa của Ấn Độ. Tính theo Trung Quốc một do tuần xưa tính 20km, theo Ấn Độ là 15km, trong Phật giáo là 8km.
 
[89] Núi Tu-di (Tu-di sơn 須彌山; S: Sumeru): vốn là ngọn núi trong thần thoại Ấn Độ, được Phật giáo sử dụng. Ngọn núi này rất cao, đứng sừng sững ở chính giữa một tiểu thế giới, có tám lớp núi, tám lớp biển bao bọc chung quanh, hình thành một thế giới.
 
[90] Chim anh vũ 鸚鵡: con vẹt hay con két.
 
[91] Trĩ 雉: tên một loài chim gần như con gà, nhưng lông nhiều màu và đuôi rất dài.
 
[92] Cõi trời Tịnh Cư (Tịnh Cư thiên 淨居天): năm cõi trời thuộc đệ tứ thiền ở cõi Sắc, cũng là quốc độ mà các bậc thánh a-na-hàm sinh về. Đó là trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện và trời Sắc Cứu Cánh.
 
[93] Tam thừa (tam giáo 三教): ba thừa. Đó là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa.